Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Không đề

Tiến tới kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống và xây dựng Vĩnh Linh, C.V giới thiệu chị Trần Thanh Hà - một nữ tác giả trẻ quê ở Vĩnh Sơn, thượng nguồn con sông Bến Hải. Chị viết nhiều, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nay dạy học ở trường cấp II Thị trấn Vĩnh Linh. Chị vừa đoạt giải truyện ngắn của báo Tiền Phong do Tạp chí Văn hóa giới thiệu.

Lần này, C.V xin giới thiệu một truyện ngắn “rất đàn bà” của chị.

Chị tựa vai vào bậu cửa, đăm đắm nhìn làn mưa trắng xóa bên ngoài. Mưa hình như đã lâu lắm rồi nhưng mãi vẫn không tạnh, và ông ấy mãi cũng chưa thấy đến. Chị đã mệt mỏi vô cùng, tưởng như không còn sức để đứng nữa, nhưng chị lại không muốn rời khung cửa, hoàn toàn không hề muốn chút nào. Dường như có một điều gì đó đang cuốn hút tâm trí chị, cuốn hút toàn bộ ý chí chị nên chị chẳng thể nào dứt nổi mà bỏ đi, và mặc cho cái thân thể đang rã rời, mặc cho sự cám dỗ của lãng quên, chị vẫn đứng, yên lặng tựa vai vào bậu cửa, nhìn sâu vào tít tắp mù mưa trắng trời trắng đất, trắng cả thế giới của chị.

Phía bên kia đường có một cặp trai gái đang trú mưa dưới mái phố, cánh tay người con trai choàng qua bờ vai nhỏ nhắn của cô gái, như muốn chở che, bảo vệ. Không biết họ có nói với nhau về tình yêu, về cuộc sống này không, mà dẫu cho họ có nói thì chi cũng chẳng thể nào nghe nổi, vì chị đang cách họ quá xa, từ hè phố bên kia đến gác hai nhà bên này, và mưa thì muốn xóa hết thảy…. Nhưng chị vẫn cứ nghe, chị nghe tiếng của đôi trai gái ấy, từ thẳm sâu tâm linh chị vọng ra, thì thầm, da diết. Chị lục lại trong ký ức có một thời nào không chị được tựa đầu vào một vùng ngực đàn ông rộng lớn, được che chở bởi cánh tay nào rắn chắc mà tuyệt nhiên không thể có. Nhập nhọa trăm ngàn những ký ức, đi qua ngàn vạn nẻo đường, bốn năm tuổi rồi mà chị vẫn chỉ có một mình, một mình mình hụt hẫng, chưa bao giờ biết đến một chỗ dựa tin cẩn, chưa bao giờ được cảm thấy bình yên. Ừ, hình như đã có những lúc chị cảm thấy sẽ không làm sao mà chịu đựng nổi nếu chỉ có một mình, để rồi sáng sớm mai tĩnh dậy thấy mình vẫn cứ tồn tại.

Nhưng hình như cũng có một thời chị yêu và được yêu. Đó là thời chị còn mười sáu, sắp sửa tốt nghiệp cấp III. Phải rồi cái thời đó chị hay giật mình bởi ánh mắt người bạn trai cuối lớp. Có một lần chị chịu để cậu ấy đèo bằng xe đạp từ trường về nhà, giữa đường cậu ấy nắm lấy bàn tay chị, và chị đã giãy ra để rồi sau đó, mấy đêm liền thao thức không ngủ được, tưởng tượng bàn tay nóng rát như lửa đốt, y như hơi hưởng cái cầm tay vẫn còn, có lẽ chị sẽ kịp yêu nếu cậu ấy không vội khai tăng tuổi để được nhập ngũ. Ở chiến trường cậu ấy có viết thư cho chị, nhưng mãi gần đến hai năm sau, khi chị đã là sinh viên năm thứ nhất đại học kinh tế, những lá thư ố vàng, đẫm mùi máu và bùn kia mới tới tay chị, sau cả tin cậu ấy hy sinh. Chị đã khóc rất nhiều nhưng không biết đó có phải là nước mắt rơi bởi tình yêu không, và dẫu có đúng chăng thì cũng đã quá muộn màng…

Học dở năm thứ nhất, bạn bè háo hức giành nhau ghi tên đi bộ đội, đi thanh niên xung phong, chị không khỏi nao lòng. Thế rồi mặc cho những lời đe nẹt, khuyên can của bố, mặc cho hàng suối nước mắt của mẹ, chị khoác ba lô vào Trường Sơn. Chị đã sống những mùa mưa Trường Sơn ngút ngàn tưởng không bao giờ hết, thay đổi chỗ bao nhiêu lần, khi thì thượng nguồn xêbănghiêng, khi thì đường 42, ngầm 2…… xuân sắc con gái Trường Sơn chẳng giữ được lâu, chỉ vài ba tháng, thứ nước da nuột nà mịn tăm, thứ tóc đen mượt biến đâu mất, và chỉ còn dư âm sốt rét rừng. Giờ nghĩ lại mới thấy trăm ngàn cơ cực, chứ thời đó….. có lẽ ai cũng cất giữ những lời than vãn quá sâu nên không ai biết điều đó? Sức trẻ cũng lạ kỳ, hết sốt là bật dậy, lại đào đất, lại san hầm lấp hố….. Hơn bốn năm ở rừng, chị hầu như chẳng mấy thì giờ để lo cho mình. Có mấy đêm được yên đâu, lăn lưng với công việc, đặt mình xuống là ngủ vùi, có thao thức nhiều đâu mà dò dẫm ngõ ngách hồn mình nông sâu, rắm rỗi hay đơn giản. Cơ hội gặp gỡ những người đàn ông thường quá ngắn ngủi, chưa kịp biết tên nhau đã lại đi, không một lời hò hẹn níu kéo…. Bất chợt giây phút thổn thức cũng nhòe đi dưới bom đạn, dưới hàng núi công việc, dưới những cơn mơ như tan cả đất trời. Ngoảnh đi ngoảnh lại, cái trung đội nguyên vẹn của chị giờ chỉ còn có một nửa. Lại bổ sung quân số, nhưng quân đâu bổ sung cho kịp, và ai có thể lấp nổi chỗ những người nằm xuống…. Cả trung đội ngày nào hơn hớn là thế, nghịch ngợm là thế giờ trầm hẳn xuống, mau nước mắt hơn, dễ cáu bẳn hơn, nhưng cứ hùng hục làm, làm cho thông đường, cho quân đi, cho xe chạy, làm cho quên lãng…và, có một cái gì đó đã cháy lên, khi cái Linh, con bé mau miệng nhất trung đội đang đêm biến đi đâu một mình. Không phải chỉ mình chị mà nhiều người nữa đã đi tìm, bắt gặp nó cùng một chàng lính trẻ ôm nhau bên hẻm núi, suốt từ đêm cho tới gần sáng, dưới trăng đầu tháng nhạt nhòa….

Trong cuộc họp đơn vị mấy hôm sau Linh phê bình là phạm kỷ luật chiến trường, nhưng rồi tất cả đều khóc, đều tưởng như thắt ruột trước những lời của nó. Chao ôi! Nó đã nói thế nào nhỉ?..... “Em biết em phạm kỷ luật, em biết em không xứng đáng, nhưng mà em xin cho em một lần nữa thôi được gặp anh ấy, cho em gặp anh ấy đêm nay. Ngày mai anh ấy đi rồi! Chiến tranh, biết có gặp nhau nữa không hở các chị, thế thì em giữ làm gì mà chẳng cho?....” Và cái Linh đi thật, đi để sáng sớm mai trở về dấu ánh mắt rạng rỡ sau những giọt nước mắt long lanh. Chẳng ai ruồng rẫy nó, mọi người chỉ cố nén một tiếng thở dài, cố nhấn xuống cái nỗi niềm thăm thẳm đang chực bùng lên. Rồi cái Linh chết, chết bở một loạt pháo vu vơ giữa trưa, lúc nó đang tắm ngài con suối cạn. Nó không kịp thoát, không kịp che thân thể truồng của nó… Chao ôi, lời nó thế mà thiêng! Nào ai biết sự sống trong cuộc chiến này kéo dài được bao lâu, nào ai biết cái chết rình rập nơi nào, khi nào thì giáng xuống, và liệu rồi những đứa con gái này có kịp làm đàn bà không?... Cả trung đội trùng xuống sau cái chết của Linh. Cái nỗi niềm lâu nay cố dằm xuống đã đến lúc không thể dằm được nữa. Những đứa táo tợn cứ vít cổ các chàng lái xe xuống mà hôn, chẳng còn biết ngượng ngùng là gì. Bắt đầu những cuộc hẹn hò vứi bất kỳ chàng lính nào chợt gặp, để rồi chỉ cần một chút bình yên thôi là tất cả đất trời sẽ khác. Không biết những đứa có người yêu có đáng tội nghiệp không hay chúng diễm phúc, khi đêm đêm chúng nằm cuộn tròn bên nhau, thì thầm kể nhau nghe vụn vặt trăm ngàn ký ức tình yêu, đắm mình trong những nhớ nhung quá vãng rồi ôm nhau thút thít. Và chị, chính chị chứ không phải ai khác những ngày đó đã ôm thật chặt cái ba lô đựng tư trang, cắn tưởng đứt lớp vải may cứng quèo, bíu thật chặt mép sạp để không làm như cái Thu, cái Minh, cái Lợi… Chị là Trung đội trưởng, chị được bạn bè và cấp trên tin cậy, nhưng chị lại chẳng có một ai để hứa hẹn, để mà chờ đợi, và chị biết còn sống đến ngày được trở về hay không…. Mỗi một ngày, chị sợ nhất những giây phút bình yên không bom đạn, nhắm mắt mà không ngủ, nghe lòng trào lên ngàn vạn đợt sóng ầm ào, da diết….Rồi cái Minh có mang, bị trả về hậu phương. Ngày Minh ra đi còn in dấu rất rõ trong tâm trí chị, đến tận bây giờ. Ngày hôm ấy trời mưa ầm ầm như trút, cả trung đội đi tiễn nó, dầm dãi dưới mưa rơi, nghẹn ngào nghe lời nói chập chờn trong mưa:

- Em không phải là kẻ phản bội, em không phải là kẻ đào ngũ, em chỉ gặp anh ấy có một lần, thậm chí em không biết tên anh ấy nữa kia…. Em xin cho em được ở lại, em xin….

Hình như tất cả những đứa con gái trong trung đội đã len lén quay đi, chùi vội những giọt nước mắt đang ứa ra, mặc cho cái Minh bị anh Thắng đẩy lên xe, mặc cho chiếc xe chất đầy tiếng khóc của nó lao vào mù mưa.

Chiến tranh đến lúc cũng phải kết thúc, kết thúc trong sự ngỡ ngàng chị không hiểu sao mình còn sống, mà sống còn nguyên vẹn, không hề thương vong gì. Hai mươi lăm tuổi, chị trở ra Hà Nội tiếp tục cuộc đời sinh viên dang dở, ngồi chung với những con người trẻ trung, giòn giã, vui tươi hơn chị rất nhiều. Chị không phải là cô gái hai mươi lăm tuổi xinh tươi, chị là một người đàn bà từ chiến tranh bước ra, da tái ngắt, bàn ta chai sạn, tóc thì lưa thưa. Chị như cái bóng lầm lũi giữa những trang sách. Dẫu cho cố gắng lắm chị vẫn không thể nào hòa nhập nổi vào cái thế giới xung quanh mình. Bốn năm vèo qua nhanh, chị ra trường với mảnh bằng tốt nghiệp loại ưu, cộng theo một bản lý lịch tốt từ thành phần đến quá trình công tác, chị được phân về phòng tài chính huyện. Có lẽ chị đã vui mừng, và nhất là hy vọng về một cuộc sống êm đềm và đầy say mê cứ trùm lên những giấc mơ rạo rực hằng đêm. Nhưng rồi tất cả đã không như thế, cuộc sống cuốn chị đi theo một hướng khác hoàn toàn, chị không làm sao tìm được người đàn ông của riêng chị, dẫu chị có sống bao nhiêu năm trên cõi đời này đi nữa. Thời con gái của chị thành xưa cũ mất rồi. Người ta chỉ nhìn thấy nỗi năng lực, thành tích của chị. Chị thăng tiến mau lẹ, trưởng phòng, chuyên viên sở, và bây giờ là Giám đốc sở.

Ừ, bây giờ có một địa vị xã hội, một ngôi nhà đủ tiện nghi, một cuộc sống sung túc mà nhiều người ao ước, nhưng tuyệt nhiên chị không hề có cái hạnh phúc bình thường bao nhiêu người vẫn có, không hề có một vùng ngực đàn ông rắn chắc để có thể úp khuôn mặt đầm đìa hạnh phúc vào đó, để có thể san sẻ chút vui buồn; không hề có một sức mạnh nào chở che để cảm thấy mình yếu đuối đi, mềm mại đi. Chị đã làm trinh nữ đến bao giờ?....Và như thế để làm gì kia chứ? Chao ôi, hạnh phúc có thực hay không chí ít cũng là những cảm giác…. Chị có khi nào được gặm nhấm niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của riêng mình…. Hay chỉ đêm đêm, bồng bềnh trong niềm hoang tưởng diệu kỳ, đi đến kiệt cùng khao khát, đi đến kiệt cùng ảo vọng, chị mới thực sự hạnh phúc!....

Mưa ngớt từ lúc nào. Cặp trai gái bên kia đường còn đứng đó. Có lẽ họ quên rằng họ đã trú mưa. Vả chăng điều đó với họ không còn quan trọng, cốt yếu là họ được đứng với nhau, thế thôi. Với cô gái kia, vòm ngực và vòng tay người con trai cô yêu yên ả và tạnh ráo hơn, có thực hơn triệu triệu những huyễn hoặc trên đời.

Có cơn gió trời thổi bạt vào khung cửa khiến chị rùng mình, cảm thấy tê lạnh khủng khiếp. Bất giác chị đưa tay ôm lấy bờ vai mình. Bờ vai chị mới nhỏ nhắn làm sao, bờ vai ấy đã gầy guộc đi sau một thời thiếu nữ, sau rất nhiều mơ tưởng, sau rất nhiều khát vọng mà chưa một lần say đắm. Thời con gái đã thành xưa cũ, nhưng quá vãng không là tao nôi ru chị ngủ, quá vãng chỉ gợi lên niềm xót xa thường ngày ẩn lấp dưới trăm triệu lo toan đời sống. Dạo này chị hay mất ngủ quá. Đêm đêm hiện hình lên bao nhiêu gương mặt đàn ông, cũng da diết một nụ hôn đầu, cũng rạo rực lần đầu tiên dâng hiến, nhưng không bao giờ định hình một gương mặt nào là của chị, nhất là chị luôn luôn hoảng sợ khi nửa đêm tỉnh giấc thấy mình chỉ có một mình…. Và thế là giờ đây, chị cay đắng nhận ra mình vẫn đợi người đàn ông ấy, người đàn ông, song không là của chị. Chị chờ, chị mong ghê gớm lắm, nhưng chị biết đó không phải là tình yêu, đó chỉ đơn giản một điều là chị cần, chị cần ông ấy, bởi chị dường như không thể chịu đựng nỗi khi nghĩ rằng, suốt đời chị sẽ chỉ có một mình, một mình mình mà thôi. Lắm đêm rồi trở trăn, lẽ nào đó, lẽ nào đó là một cuộc hủy hoại, một cuộc tự hủy hoại chính bản thân mình, tự hủy hoại trong ý thức đau đớn triền miên nhưng không thể nào không chấp nhận. “Một lần, thêm một lần chót nữa thôi” Chị tự nhủ thế. Nhưng sẽ ra sao đây? Chị cũng biết rất rành rẽ rằng bây giờ, dù có gắng gỏi đến đâu đi nữa, chị vẫn không làm sao đẩy lùi được tiếng rú gào của ngàn vạn cơn gió trong trái tim hoang hoải của chị mỗi đêm đêm. Cuối cùng chị vẫn chỉ là đàn bà….Đàn bà như nước mắt của đời…

Chị lắng nghe toàn bộ cơ thể mình như sắp sửa rã rời ra, muốn vô cùng được mở cửa đi ra ngoài trời, hứng lấy chút nào bụi mưa còn sót lại của thiên nhiên, nhưng chị sọ khi rời khỏi khung cửa này, chị không thể nhìn thấy ông ấy đến từ xa. Dù sao chị vẫn còn cần….

Huế, mùa đông 1991

Vĩnh Linh hè 1992

   T.T.H

 

Trần Thanh Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 2 tháng 11/1994

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

23 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

23 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

23 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

23 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground