Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thằng hốt rác

C

ó lẽ chưa bao giờ, và cũng không bao giờ em được ai "kính thưa" "kính gửi" "kính biếu". Bởi em chỉ là thằng hốt rác, và nữa, hình thể của em cũng không được hoàn thiện. Ngày lọt lòng mẹ mới dăm tháng, em đã bị sốt nặng, để lại di chứng một chân teo dần, tay kia bị liệt. Em đi lại thậm thọt, cánh tay teo đung đưa theo nhịp bước. Quả tình, hàng ngày em đi lại qua con đường có nhiều cây cổ thụ, tôi gặp em vài ba lần đang oằn tấm lưng mảnh dẻ bước thấp bước cao, đẩy xe rác cao ngất nghểu bốc mùi hôi thối ra bãi tập kết. Gặp em đó, tôi quên ngay. Số người tàn tật, người quét rác, kẻ ăn xin, chợ người lao động… ở thành phố thiếu gì người có hoàn cảnh như em. Là phóng viên tờ báo ở tỉnh lẻ, tôi chuyên viết mục: người tốt, việc tốt, người đẹp, các ca sĩ mới nổi tiếng… Em không có gì nổi bật tôi phải để ý, phải tìm hiểu.

Nhưng rồi, trong một lần đại hội chiến sỹ thi đua toàn tỉnh do ngành công đoàn tổ chức. Tổng biên tập bảo tôi viết vài ba người có thành tích xuất sắc, và nữa, nếu tìm được người đã có thành tích lại có gương mặt sáng sủa đưa lên trang đầu tờ báo thì có gì bằng.

Đại hội thật đông, phải đến hàng trăm người: đại biểu, khách mời, nhà báo, phóng viên quay truyền hình… ai cũng có bông hoa hồng trên ngực áo.

Vị lãnh đạo ngành Công đoàn nói lời mở đầu. Các đại biểu lần lượt đọc báo cáo thành tích, xen vào là các ca sĩ hát những bài ca ngợi quê hương, đất nước.

Đại hội gần kết thúc, tôi loay hoay mãi với chiếc máy ảnh vẫn chưa biết chụp hình ai. Vẫn là mấy nhà doanh nghiệp trẻ đang thời kỳ "ăn nên, làm ra" đã nhiều lần họ lên báo, lên hình. Một số đại biểu chỉ là "đại diện" cho một tập thể. Các tập thể ấy đã quen với bạn đọc trong tỉnh nhà. Mấy đồng nghiệp của tôi đang tranh thủ phỏng vấn, chụp hình các nhà doanh nghiệp trong đại hội. Không khí rôm rả, có người đã cất sổ, bút vào túi. Tôi vẫn chưa tìm ra gương mặt điển hình theo ý mình. Lúc tôi nhấp nhỏm toan chạy đến người bạn đồng nghiệp để hỏi: "Định viết gì chưa? Còn tao hôm nay như bị ma ám, không có hứng gì để viết". Thì không khí đại hội ồn ào. Rồi anh chàng dẫn chương trình chạy xuống đoàn chủ tịch hỏi thêm những gì đó, và giới thiệu:

- Đại biểu cuối cùng, anh Trần Văn Thọt, đọc báo cáo thành tích.

Tôi bất ngờ khi nhìn thấy em thậm thọt từ phía cuối hội trường rụt rè bước lên. Em thì làm được thành tích gì? Nhìn thấy tôi ở hàng ghế đầu, em cúi đầu chào. Hôm nay nom em gọn gàng sạch sẽ hơn trong chiếc áo công nhân đã bạc màu. Tóc cắt ngắn, chân đi dép bốn quai, nhưng em vẫn không dấu được vẻ lam lũ nhọc nhằn ở nước da xam xám, đôi tay gầy guộc.

Em lóng ngóng moi mãi trong túi áo ra tờ giấy gấp tư đã nhàu, và bắt đầu: "Kính thưa…" em dừng lại, bởi không biết nói tiếp là gì? Có tiếng xì xào trong đại hội, rồi to dần lên, tôi thấy môi em mấp máy, nhưng tôi không nghe gì cả. Đến lúc đoàn chủ tịch nhắc đại hội "trật tự" thì tôi nghe em đọc: "Bữa mô cũng rứa, cứ chập túi là em đẩy xe rác đi dọc con đường nớ. Hôm ý, xe rác qua nhà ông Tam, em gom rác từ các túi ni lông, lấy que chọc coi có hộp sắt mô không, rồi lấy để riêng ra, góp được nhiều thì bán cho bà đồng nát. Bữa nớ, em đang chọc chọc, chợt nghe tiếng cạch… cạch… keng… keng… Chắc là hộp sắt. Em moi lên, lắc lắc nghe kịch… kịch, lấy que sắt bẩy mãi nắp hộp bắn bung ra. Trong hộp có túi vải nỉ đỏ, mở ra thấy có 15 vòng khuyên nhỏ màu vàng. Chắc đồ chơi của con nít thôi. Vàng bạc thật, ai dại chi cho vô hộp sắt mần chi. Em quẳng hết vô túi đựng đồ sắt vụn rồi mần tiếp việc hốt rác. Thật khuya, xong việc em mới về. Bữa nớ nhặt được nhiều đồ sắt, vợ em ra coi đồ rồi nhập hai, ba bữa trước đó để mai bán. Em đang tắm ngoài giếng nghe vợ hỏi: "Anh bỏ chi trong hộp sắt mà đậy kỹ rứa?" Em nói: "Có chi mô, đồ chơi của con nít họ quăng đi thôi". Im lặng một hồi, nghe tiếng kỳ cạch trong nhà, rồi tiếng vợ chạy ra nói hoảng hốt: "Vàng thật" "Cái chi?" Em hỏi. Vợ trợn mắt lên: "Vàng thật đó". Quàng vội chiếc áo lên người, em vô nhà, vợ nói: "Anh coi nì, vàng nặng, quăng xuống nền bê tông không nhảy lên mô". Em quẳng vòng khuyên xuống, hắn lăn một vòng rồi nằm im, vợ chồng em run lên, đứng im mất một hồi. Gặp vàng thật rồi, biết mần răng đây?

Em dừng lại, lúng túng, rồi… gãi đầu, em không biết tiếp tục nói ra sao, có vị đại biểu hỏi:

- Sau đó vợ chồng anh tính sao?

Em ngượng nghịu:

- Vợ chồng em đang mướn nhà, em đã tính đến việc về quê mua tí đất rẻ rẻ, sau ni mần nhà. Nhưng vợ em nghĩ ra răng đó rồi hắn chép miệng: "Của thiên trả địa thôi anh nờ, không báu chi của nớ, trả quách cho người ta để nhẹ bụng mình". Với lại, cha em đã nói: "Sống phải cho có hậu anh nờ".

- Anh đã nghe vợ?

- Dạ… Em cầm gói vàng vô nhà bác Tam. Bác Tam mừng cuống lên, cám ơn em nhiều. Ra nhà bác Tam kể cũng tội. Có đứa con đầu nghiện thuốc phiện. Có chi hắn moi bán sạch bách. Bác Tam gom góp gần hết một đời người được cây rưỡi vàng, bỏ vào ống bơ, thu dưới gầm giường, vì nghĩ thằng con trời đánh không khi mô nghĩ ra cha mẹ mình có vàng cất dưới giường. Thằng con nớ, không hiểu mần răng, một hôm hắn quét dọn nhà cửa rất tử tế, dồn rác rưởi, trong đó có hộp sắt cho vô thùng. Và em bắt gặp hộp sắt đã nói rồi đó.

Tôi ngồi ghế đầu, đứng dậy hỏi em:

- Hôm đưa vàng sang nhà bác Tam, em có nói với ai không?

Em có vẻ ngạc nhiên:

- Nói mần chi, có việc to tát chi mô mà nói.

À ra thế, em bắt gặp cây rưỡi vàng rồi đem trả lại nhẹ như lông ngỗng không có gì suy nghĩ cả. Nhưng mà ai bày cho em viết báo cáo thành tích? Ai giới thiệu em đi dự đại hội chiến sĩ thi đua? Em trả lời tôi:

- Việc ra ri, em ở tổ hốt rác khối… phường… bữa trước tổ trưởng nói tỉnh ta sẽ tổ chức đại hội chiến sĩ thi đua. Tổ ta nên giới thiệu một người. Họp mãi rồi anh em bầu con đường em hốt rác luôn sạch sẽ dù nắng hay mưa. Tổ trưởng nhủ em viết bản báo cáo thành tích đọc trong đại hội. Em nghĩ mãi không biết viết chi, chỉ mỗi dòng chữ "con đường tui hốt rác được bầu là sạch nhất". Tổ trưởng nói: "Thì anh nên viết về một kỷ niệm chi đó trong công việc hàng ngày của anh". Em nghe, kể chuyện "nhặt được vàng" đó. Anh tổ trưởng tròn mắt: "Trời ơi, bây giừ anh mới nói, viết ngay vào bản báo cáo thành tích đi". Rứa đó.

Cả hội trường cười rầm lên, tiếng vỗ tay lạc đạc rồi rào rào như pháo tết. Em ngượng ngập tý chút thậm thọt từng bước xuống hội trường. Vị lãnh đạo tỉnh bước đến đón em, dìu em qua các hàng ghế vào chỗ ngồi của mình. Tôi lia vội ống kính về phía em, tranh thủ lúc bế mạc đại hội phỏng vấn em đôi điều trong cuộc sống. Đêm đó, tôi thức trắng, có hứng viết về em. Sáng ra, tôi đến con đường em quét rác chụp thêm tấm hình em đang đẩy xe ra bãi tập kết. Mấy ngày sau, trang đầu tờ báo in tấm hình to vị lãnh đạo có nụ cười rạng rỡ đưa tay đỡ em đầy vẻ chở che, ấm áp. Tấm hình nhỏ ghi lại nơi em đang làm việc. Nhiều người đã biết về em, về tâm hồn em. Tôi tin rằng một ngày không xa, cuộc sống của em sẽ có nhiều sự đổi thay đáng kể. Nhưng, ở đời, có ai lường hết chữ ngờ.

Ấy là một khoảng thời gian sau đại hội, tôi được cử đi học lớp nghiệp vụ báo chí ở Hà Nội ba tháng. Những bài học mới, người bạn mới, nhân vật mới trong các bài báo đã chiếm hết thời gian của tôi. Không phải tôi đã quên em, mà bởi vì tôi không còn thời gian để nghĩ đến em. Lớp học đến ngày kết thúc, tôi trở về với công việc hàng ngày. Tôi có đi qua con đường em làm việc thì không thấy em đâu. Giờ là một cô gái còn trẻ, khoẻ dảm đương công việc như em vẫn làm từ trước tới nay. Tôi nghĩ đơn giản rằng: chắc hình em, công việc của em đã lên báo, được nhiều người để ý, sẽ có những nhà hảo tâm tạo điều kiện cho em không phải làm việc nặng nề kia.

Nhưng tôi đã nhầm. Vào sáng sớm một ngày chủ nhật, tôi cần quét vôi ve lại căn phòng ở đã mốc meo, đen sì hàng năm nay. Cần có người giúp việc dọn dẹp nhà cửa, tôi ra chợ người, và thật bất ngờ, tôi gặp em trong đám người lộn xộn chờ có việc làm kia. Nom em nhếch nhác, bẩn thỉu, người gầy gò đến thảm hại. Nông nỗi nào dẫn em đến thế này? Qua lời kể câu được, câu mất của em, tôi hiểu rằng, từ ngày có bài báo về em, về con đường em thường làm thì có nhiều ý kiến cần có sự đổi thay. Đó là con đường lớn, trung tâm của thành phố, nhiều đoàn du lịch đi qua. Không thể để người tàn tật như em cứ oằn lưng đẩy xe rác trước con mắt của người du lịch, mất mỹ quan của thành phố. Và nữa, nhìn thấy tấm thân em thế kia, hàng ngày phải cúi mặt xuống đống rác hôi thối nom… vô đạo đức quá. Thế là em phải tạm thời nghỉ việc trong lúc chưa tìm ra việc gì nhẹ nhàng hơn cho em. Em chờ, chờ mãi gần tháng trời trôi qua không thấy ai thông báo cho em làm việc gì. Em ra con đường cũ, thấy cô gái trẻ đang xúc rác. Em ở nhà mãi cũng buồn. Rồi túng thiếu. Vợ em bán rau giá ở chợ, thu nhập chẳng đáng là bao nhiêu. Đứa con gái nhỏ đau yếu luôn. Tiền thuốc ngày một cao. Túng quẫn, em lờ vờ đi ra đường, rồi tự nhiên nhập vào chợ người với hy vọng sẽ có người thuê mướn.

- Có ai thuê mướn gì không?

- Ít lắm, nhìn người em ra ri, ai cũng ngại. Dưng mà cũng có người tốt đó.

- Tốt sao?

- Thì một  lần, có bà rất béo thuê em chùi nhà từ tầng một đến tầng bốn. Em làm từ bảy giờ sáng đến hơn mười hai giờ trưa, bà đưa cho em một trăm nghìn đồng. Em nhọc lắm, nhưng vui, lần đầu tiên em có khoản tiền chừng ấy nhận một lúc.

Trời ơi, lau nhà từ sáng đến quá trưa thì tiền công một trăm ngàn là phải thôi, có gì là "người tốt lắm".

- Có người thuê em cũng là tốt lắm rồi.

Em nói tiếp, bởi em biết thân phận của mình. Em không kêu ca oán thán gì ai. Em ngập ngừng giây lát rồi nói với tôi:

- Giá như bữa nớ đừng có bài báo viết về em, có lẽ… hay hơn…

- Vì không có bài báo nớ, nỏ ai nhòm ngó đến em. Việc mình, mình cứ làm tốt là được phải không chị?

Nhìn em thật khổ sở, nhưng lời nói lại bình thản, nhẹ nhàng như thể từ trước tới nay em luôn gặp phải những điều không may là bình thường trong cuộc sống. Vô tình, tôi trở thành người có lỗi với em. Nhưng mà em ơi, cuộc sống phải thay đổi chứ không thể cứ giữ nguyên mãi thế. Không có cách nào khác, tôi nói liều:

- Chị sẽ tìm mọi cách để em có việc làm.

- Chị có quen biết nhiều không? - Em hỏi đầy hy vọng - Em muốn quay lại làm việc như trước.

Quen biết vì công việc thì nhiều, nhưng thân thiết với người "thần thế" để nhờ cậy thì không. Để em khỏi thất vọng lúc này, tôi
nói lại:

- Cả chị và em cùng cố gắng, chắc được.

Đ.Q.N

ĐÀM QUỲNH NGỌC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 234 tháng 03/2014

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

11 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

11 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

11 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

11 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground