Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vòm đa xanh

L

ão vỡ giấc. Rõ ràng có tiếng gọi, có bàn tay lay lay bờ vai, thế mà lão nhìn khắp chỉ thấy mỗi ngọn đèn hạt đỗ trên bàn thờ. Thực hay mơ? Lão lò dò ra cửa. Bàn tay vừa chạm thanh cài, cánh liếp đã bung ra như có ai đẩy. Ánh trăng khiến lão lóa mắt. Hẫng bước. Hình như có bàn tay đỡ dắt lão ra sân. Lão đưa tay dụi con mắt dở giấc. Trời đất! Thực hay mơ!? Thằng Ban, đứa con trai độc nhất của lão và lũ bạn đang dồn xếp hàng chữ nhất giữa vuông sân ngợp ánh trăng. Bảy đứa quân phục, mũ sao chỉnh tề như đi duyệt binh. Lão cuống lên:

- Thảo nào vừa chợp mắt tao đã vỡ giấc. Ai ngờ chúng mày về. Vào nhà đi các con. Vào đi.

Cả lũ đứng im phắc. Lão vòng trước vòng sau vỗ vai, xoa đầu từng đứa. Không đứa nào mở miệng nói với lão nửa lời. Lộn ruột, lão quát toáng toàng:

- Chúng mày còn bé xác lắm hả. Định giở trò chọc tức lão già này phải không! Giỏi lắm. Cả lũ vào nhà nằm sấp xuống. Mau!

Hàng quân chuyển động. Một đứa bước ra khỏi hàng.

- Bác ơi! Các anh ấy giận bác đấy…

Lão nhận ra đứng trước mặt là thằng trẻ nhất, gương mặt phinh phính, giọng chưa vỡ hết. Nhưng lão chưa nguôi cơn lộn ruột.

- Giận tao hả. Trời ơi! Chúng mày đi miết để lại bao nhiêu nỗi lo lắng, làm ra bao nhiêu nước mắt. Thế chưa đủ sao!

- Bác cho cháu nói hết đã. Các anh ấy trách bác không giữ cho họ việc đã hứa.

- Tao hiểu rồi – Lão cướp lời thằng bé – Tha thứ cho lão già khốn khổ này. Các con đi đánh giắc. Việc giặc giã ai dám quyết nay xong mai xong. Lũ con gái như buồng cau có thì, có lứa. Chúng nó đã chờ ngóng đến vàng vọt, sầu héo. Trách giận chúng nó làm gì thêm khổ.

- Xin bác đừng nhắc đến họ!

- Thế chúng mày trách giận lão vì nỗi gì?

- Bác quên thật sao. Ngày bọn cháu nhập ngũ bác phụ trách tổ trồng cây. Bác “chịu án phê bình” mài dao cho bọn cháu leo lên cây đa đầu làng khắc dấu kỷ niệm. Bác hứa trông nom cây đa cất giữ kỷ niệm của bao nhiêu lớp người làng. Bác quên rồi ư?

Hàng quân lao xao.

- Ở xa chúng cháu nghe từ làng có tiếng đổ rầm khủng khiếp. Làng ta lâm sự gì rồi. Bọn cháu hô nhau về. Đến đầu làng bọn cháu hiểu ra ngay. Đó là tiếng cây đổ. Người ta đã giết cây cổ thụ, đang đo đất chia phần.

- Bố ơi. Chúng con chỉ về được lần này nửa thôi. Làng xóm đã và đang cơ man đổi thay mà cây đa thì bị chặt rồi, cái đích đã không còn, chúng con sẽ lầm đường lạc lối… Chúng con sợ…

- Kìa… Các con ơi… Lão cuống lên líu cả lưỡi nói không rõ lời.

Hàng quân chuyển động. Lũ trai giang tay kết thành vòng tròn. Những cánh tay trai trẻ thoắt hóa thành những đôi cánh hình chiếc lá. Một đứa bắt nhịp. Những đứa kia vỗ cánh đồng thanh cất tiếng. Giọng con trai tuổi mười chín, hai mươi như tiếng đồng vang.

“Cây đa làng Sơn…

… Bao nhiêu năm cây đứng đó, nhân chứng cuộc sống làng. Cây là bạn bè. Cây chở che. Cây là cái đích cho những người xa quê.

…Gốc đa làng là nơi bạn điền gặp gỡ chia nhau về thuốc lào, bàn chuyện hạt gạo củ khoai, thế thái nhân tình.

… Là nơi những đêm trăng sáng lũ trẻ quây quần dung giăng dung dẻ. Là nơi trai làng ta gái làng ta tựa gốc tâm tình thề nguyện.

… Bao nhiêu cuộc chia tay diễn ra dưới vòm cổ thụ. Cây là chứng nhân cho tấm lòng kẻ ở người đi…

… Bạn hãy đến, hãy ngước lên và suy ngẫm. Cây đa làng Sơn có tầm cao khiêm tốn so với tuổi đời. Phải chăng cây cũng như làng phải tảo tần, chắt chiu từng giọt nhựa sống nên thận trọng một tầm cao. Bù lại cây bề thế vòng khoát thân, hùng vĩ vòm tán, vững vàng chùm rễ buông chằm bặp vào đất. Bạn có nhận ra điều kỳ diệu này không? – Trên thân, cành cao cành thập, chỗ nào cũng có những dấu khắc. Trai tráng đi xa thường khắc dấu lên, nhờ cây lưu giữ kỷ niệm. Bạn hãy đặt bàn tay lên dấu khắc và lắng nghe. Những dấu khắc biết nói đấy! Dấu khắc sẽ thì thầm:… Dù ai đi đâu về đâu trong hành trang tâm tưởng không thể thiếu bóng dáng cây đa cổ thụ đầu làng…”

Thực hay mơ? Thời gian bào mòn trí nhớ con người. Những lời lũ trai đang cất lên kia lão không bao giờ quên. Người viết nên những lời ấy là ông giáo Vĩnh. Ông giáo lao tâm khổ tứ chép lịch sử, viết chuyện cây đa. Những con chữ hóa chất keo huyền diệu gắn bện làng vào cổ thụ, cổ thụ vào làng.

Trang sách đã hơn một lần cứu cổ thụ thoát khỏi những mưu toan rìu búa. Những ngày nào như vừa hôm qua, sáng nay thôi. Lũ thằng Ban, lứa đàn em thằng Thường, thằng Tín... cả lũ con gái chuyền tay nhau chép thơ văn cây đa làng. Cả một lũ tan tác vì chiến tranh.

Nước mắt lão ứa ra. Lão nhao vào giữa vòng những đôi cánh hình chiếc lá. Ký ức ào ạt khiến mái đầu bạc cúi xuống như kẻ có tội sắp nghe lời tuyên phạt. Lão cắt ngang lời lũ trẻ:

- Lão hiểu rồi. Các con đừng làm khổ ta nữa. Hãy nghe ta nói đã.

- Bác thanh minh gì chứ.

- Không! Ta nói tình đầu cho các con biết. Chặp đầu năm, thành phố mở mang, nửa làng ta thuộc về huyện khác tỉnh khác, cây đa cũng phải về theo. Hôm nay, tinh mơ ta phải sang làng Đan thăm bạn già. Ông bạn trông coi đền Đức Ông. Đêm kia kẻ gian đánh thuốc mê ông lão cuỗm hết đồ thờ. Tuổi già bị thuốc mê độc nhưng ơn Đức Ngài phù hộ, ông lão đã hồi sức đi lại được rồi. Ở với bạn già cả buổi, trở về, ta bàng hoàng vã mồ hôi hột. Đầu làng trống hoác. Cành cây ngổn ngang. Hơn mẫu đất đã có mốc chia phần…

- Bác ơi! Dân làng bó tay ư?

Lão ôm đầu toan bước lại với con trai nhưng bàn chân như bị bắt vít xuống sân. Lão cố nén cơn đau thuốc đỉnh đầu, cố giữ thường giọng nói.

- Các con có nhớ cụ Oai không. Cụ là bậc cao niên nhất làng ta. Đích thân cụ cầm đơn ra ủy ban xã đưa cho thằng cháu đích tôn đương chức chủ tịch. Anh chủ tịch đọc lá đơn, chắp tay lạy bà nội. Mấy trăm năm cây của làng t a nhưng bây giờ không còn là cây của làng ta nữa rồi. Đến lượt ông giáo già ôm đơn đi cứu cây cũng đành trở về cúi đầu vĩnh biệt cây.

- Bố đừng kể nữa. Chúng con không chịu nỗi. Bố để chúng con đi. Ở lại toàn phải nghe thấy, nhìn thấy những buồn lo…

Tiếng vỗ cánh cất lên rào rào như tiếng gió lộng vòm cây. Lão chới với gào lên.

- Các con… đừng bay… Đừng bỏ lão già khốn khổ này.

- Bác ơi! Xin bác tha lỗi cho chúng cháu. Dù âm dương cách biệt nhưng chúng cháu vẫn muốn luôn trở về thăm quê cội. Nhưng dấu tích đâu còn để lấy làm đích trở về… chúng cháu sợ lầm đường lạc lối… Bác làm thế nào để có thể đánh dấu nơi làng mình cho chúng cháu trở về thăm làng bác nhé!

- Vậy bác phải làm thế nào? Thế nào? Thế nào?

Lão cuống quýt hỏi dồn nhưng trả lời chỉ có sự im lặng. Tiếng vỗ cánh rào rào. Thằng Ban lượn quanh nhà một vòng rồi vút lên đầu đàn. Những đôi cánh chấp chới xa dần. Những đôi cánh như bị đeo đá tảng trĩu xuống, nghiêng ngả mờ dần… nhòa hẳn vào bóng đêm.

Đầu lão ong ong. Làm cách gì để có thể thay thế cây đa làm điểm mốc tâm linh cho các linh hồn trở về? Lão thẫn thờ nặng nề lê bước ra cổng. Lão không biết đêm đã khuya hay trời sắp sáng. Khi ngẩng lên, lão ngạc nhiên thấy mình đã đứng trước gốc đa đầu làng. Lão dán mắt vào gốc cổ thụ. Dăm rìu trắng nhóa ngổn ngang. Trên mặt cắt lìa thân và gốc, nhựa cây ứa ra khô quánh, ánh trăng đổ vào ngả màu hổ phách. Lão cay xè hai con mắt. Hiếm có làng nào có cây đa cổ thụ như cây đa làng Sơn của lão. Người trồng cây là chàng trai có công khai đất lập ấp trở thành Đức Thành Hoàng làng Sơn. Lời trăn trối cuối cùng ngài muốn được an nghỉ dưới bóng cây đa… Thời gian ngún cháy. Cây đa ở với làng như một báu vật truyền kỳ. Giờ báo vật chỉ còn là những khác gỗ và đống cành lá héo hắt. Đám chủ lò gạch đã mua. Ngày mai… ngày kia báu vật của làng sẽ hóa thành tro bụi.

Lão đi vòng quanh đống cành lá. Cảm giác mệt mỏi như người đang đi bộ quãng đường dài mà đích đến còn xa vời. Gió từ phía sông Lăng thổi về đem theo hương đồng bãi quện vào mùi nhựa cây, mùi lá. Cái đầu buộc phải lưu giữ bao nhiêu buồn tủi ngang trái chỉ chực vỡ bung. Dòng ký ức xa xăm ào ạt đan xen vào những điều lão tự lục vấn.

… Cành thứ hai bên tả tính từ gốc lên cả vòng tay ôm không xuể. Năm bốn ba, cơ sở Đảng làng Sơn bị xóa trắng. Năm đảng viên bị treo lên cành, năm loạt súng, đạn găm vào thân cây, nhựa sủi thành mấy dãy sẹo.

Trong đống cành kia, cành ngọn chủ nằm đâu? Cành ngọn chủ vút lên như tòa tháp. Trên ấy từng tung bay lá cờ đỏ búa liềm. Tiểu đội lính bảo hoàng khét tiếng giương súng lên lại hạ xuống. Năm sau, cành ngọn chủ tung bay lá cờ đỏ sao vàng hiệu triệu dân làng tập trung làm cuộc tổng khởi nghĩa.

Đâu rồi cành thằng Vì? Ấy là cách gọi của bề trên. Lớp trẻ gọi là cành anh Vì, chú Vì. Vì bị tật bẩm sinh không được đi bộ đội. Ở làng Vì tham gia đội dân quân trực chiến. Vì bí mật chọn cành cao bên hữu làm trận địa đón lõng máy bay. Năm sáu bảy, ngày mười tư tháng chín. Tình mơ, tốp năm chiếc phản lực hạm đội Bảy giở tròn cắn trộm. Vì xã súng. Một thằng giặc trời bốc cháy.

Mùa chồi lộc có cành đa ngả màu vàng úa rất lạ. Sự lạ trên cây cổ thụ gây nên những tin đồn dữ.  Anh Ba leo lên tìm ra ổ sâu hại cành. Ông khoét ổ sâu, rưới nước vôi loãng, dấp bao tải gai bó cành. Cành lá dần tươi lại dẹp sạch những lời đồn đại. Từ đấy làng gọi cành Ông Ba. Giờ ông lão đã là người thiên cổ.

Trong đống cành kia cành nào của lũ thằng Ban? Bảy đứa sàn sàn chia giấy viết đơn tình nguyện. Lễ tiễn tân binh tổ chức bên gốc cây đa đầu làng. Lão được ngồi ghế danh dự. Đến giờ làm lễ mà bảy đứa chưa có mặt. Ông bí thư lao lại hàng ghế danh dự, chân giậm tay vung: “Chỉ lần này nữa là xã đạt danh hiệu anh hùng. Thế à, con cái các người” Ông chủ tịch chạy xuống quát tốp nữ dân quân: “Đi sục gô cổ chúng nó vào nhà ủ phân. Mau” Tiếng súng va lách cách. Bất ngờ trên tít ngọn cây dội xuống tiếng cười. Lũ thằng Ban ào xuống. Thằng Đan giậm chân đứng nghiêm trước mặt ông chủ tịch.

- Báo cáo đồng chí bác! Các đồng chí cháu lên chào cổ thụ của làng. Xin lỗi cả làng.

Thằng Phượng bổ nhào vào lũ con gái:

- “Bảo cho mà biết nhé. Cây đa hứa phù hộ cho bọn anh đánh to thắng lớn, mau lên hàm tướng soái. Cây cam đoan bảo vệ các em cho bọn anh đi đánh giặc. Chớ có vớ vẫn nhé…”

… Mới thế mà đã ba mươi mấy năm trời. Bao nhiêu lứa trẻ ra đi. Bao nhiêu đứa không bao giờ còn được ngước nhìn vòm cổ thụ.

Lão đứng lên đi quanh những khúc cây. Thân cổ thụ bị cắt làm ba khúc. Chắc còn bị cắt nữa mới chuyển được lên thùng xe. Vòng trở lại, lão giật mình đánh thót. Phía làng có người đang đi ra. Ai đi đâu khuya khoắt thế! Lão ngồi nép sau khúc gỗ, quan sát.

Cái bóng mỗi lúc thêm gần.

Thì ra cậu bé.

Cậu bé đi quanh đống cành lá. Nó vạch đống nhặt lên những chiếc lá ngắm nghía rồi ném trả lại. Có lúc nó rúc vào đống cành hồi lâu mới trở ra. Lão không bỏ sót cử chỉ nào của cậu bé. Nó là con cháu ai? Nó tìm kiếm gì? Lão giật mình lạnh sống lưng. Cậu bé bỗng ào khóc. Lão vội nhao ra với nó.

- Sao ra đây khóc nhè?  - Lão đặt bàn tay lên vai cậu bé. Lão đã nhận ra nó. Nó là thằng Hà cháu ngoại bà cụ Đông bạn già của lão. Bố mẹ nó là công nhân giao thông mãi Lai Châu. Ở đấy chưa có trường, nó về ở với bà ngoại để đi học.

Thằng Hà đã nhận ra lão. Nó thôi khóc nhưng không dám ngẩng lên.

- Hừ, bị bà mắng đuổi lên rừng phải không?

- Thưa không ạ. Cháu đi tìm lá đa.

Lão giật nảy người, lắp bắp:

- Tìm lá… đa.

- Vâng ạ. Hôm kia thằng Hoài hái lá đa kết mũ cánh chuồn đổi kẹo mút. Riêng cháu nó đổi sáu bài tính đố trả dần. Bài thứ sáu khó quá cháu không giải được. Thế là nó đòi mũ cánh chuồn. Hôm qua chơi trận giả cháu bị bắt sống mất cả mũ. Cháu xin trả bằng bánh rán,  kẹo cao su thằng Hoài không nghe. Nó cứ đòi mũ cánh chuồn bằng lá đa tươi. Sáng mai không trả được nó nẽ khai trừ khỏi hội nuôi dế. Chờ bà ngủ say cháu trốn ra đây. Chẳng còn chiếc là tươi nào để kết mũ ông ạ.

Lão suýt bật cười vì câu chuyện của thằng Hà. Thằng Hoài là đứa trẻ tinh khôn. Nó từng đầu têu lắm trò khiến người lớn tức anh ách mà vẫn phải bấm bụng cười thầm. Trò đòi nợ mũ mới oái oăm lằm sao! Cây bị hạ đúng ngày nắng lửa gió tây, có lục tung cả đống cũng khó tìm được chiếc lá còn tươi. Làm cách nào gỡ bí tắc sắp khiến lão vuột ra tiếng thở dài thì trong đầu vụt lóe lối thoát. Lão cố kìm tiếng reo.

- Ổn rồi cháu ơi. Làng Vạn có cây đa em cây làng ta. Họ đang dựng bia xây bao gốc, đẹp lắm. Ngày mai ông sẽ sang xin cả ôm lá. Ông sẽ kết cả đống mũ vua quan cho cháu trả thằng Hoài tặng các bạn. Trên đầu có mũ cánh chuồn thì tha hồ làm trò vua quan, trận mạc.

Thằng Hà run lên vì sung sướng. Nó nép vào lão, ngước lên tin cậy.

- Trả xong nợ mũ cháu sẽ thưa với cô tội thằng Hoài ném chết gà chọi của ông béo.

- Có thật không?

- Thật mà! Anh Đức bắc tổ sáo trên ngọn cây. Anh bảo khi nào sáo non đến lứa anh sẽ bắt về cho bọn cháu nuôi chung. Trước lúc hạ cây thằng Hoài xin leo lên gỡ tổ sáo về đặt chỗ khác. Ông béo không cho leo còn bạt tai nó, đe phạt bố mẹ. Cây đỗ, bọn cháu lẻn vào tìm. Cái tổ bẹp dúm, bốn con sáo non chết nát. Thằng Hoài ức lắm. Nó rủ thằng Quảng phục góc vườn ném chết con gà chọi vô địch. Gà chết, ông béo hứa sẽ thưởng nhiều tiền cho đứa nào biết ai ném chết gà. Cháu thèm vào tiền của ông ấy. Cháu chỉ mách cô thôi.

Lão ôm vai thằng Hà, dỗ dành.

- Thằng Hoài thế là hư. Nhưng cháu hãy khoan thưa cô giáo. Chuyện này chỉ hai ông cháu ta biết. Khi nào thấy cần thưa cô giáo ông sẽ bảo cháu.

- Vâng ạ.

Bài toán lá đa cho thằng Hà lão đã giải xong nhưng lòng lão chẳng vui được chút nào. Câu hỏi khi trước như chiếc dùi nhọn xoáy vào tâm trí nhưng nhức khiến lão cảm thấy tức ngực, hoa mắt. Loạng choạng, lão ngã sấp người xuống đám dăm. Cảm giác nhoi nhói của những chiếc dăm đa đâm vào người giúp lão tỉnh hẳn. Lão thấy đầu mình lóe lên như ánh chớp giữa cơn giông. Lão đã có cách! Lồm cồm ngồi dậy, lão vội vàng bới tìm những mảnh dăm gỗ sạch sẽ. Lão run lên, nước mắt ứa ra. Mảnh này cho thằng Ban, Mảnh này cho thằng Thường, thằng Tín… Mảnh này cho cụ Ba, cậu Vì… Lão đưa tay quệt nước mắt, tiếp tục chọn nhặt. Mảnh này đặt cốt bát hương tổ tiên, mảnh này cho bà lão… mảnh này cho bạn cày… Túi áo, túi quần lão đầy căng những mảnh cổ thụ.

Lão dắt thằng Hà đi quanh đống cành lá. Đi quanh những khúc gỗ. Đi quanh gốc cổ thụ. Lão thầm mong thằng bé ghi nhớ đêm nay. Nhớ mãi. Mai kia lớn lên, một lúc nào đó nó sẽ nhớ lại, hiểu ra. Đột ngột thằng Hà khẽ giật tay lão, dừng lại.

- Ông ơi. Cây đa có sinh chồi được nữa không

Lão choáng váng một lúc.

- Không thể cháu ạ. Cây đã trở thành cổ thụ để trường tồn, tỏa bóng chứ không sinh cây con được. Nếu như cây sinh chồi con mà thân đã bị chặt, đất đã chia phần, nhà cửa mọc lên, cây cỏ còn đâu đất sống.

Thằng Hà tỏ vẻ không tin.

- Thế mà chiều nay anh Đường kể khác ông nhé. Anh bảo cổ thụ hàng trăm tuổi, chùm rễ găm sâu vào lòng đất. Không ai có thể đào hết được rễ cây. Ai lắm tiền cứ việc xây nhà trên đất của cây. Thế nào rễ cũng sẽ sinh chồi. Chồi cây sẽ hất tung nhà cửa. Nhất định thế. Thằng Lâm bảo cụ nó cũng nói thế. Nó lấy trộm cành đa cắm góc vườn. Nó bảo cụ nó sẽ cầu nguyện cho cành sống thành cây. Bọn chặt cây bán đất đi qua cây sẽ ngã cành quật vào mặt. Thật thế chứ ông?

Lão bối rối vì câu hỏi của thằng Hà. Những khúc gỗ cổ thụ, đống cành lá và câu hỏi của thằng Hà sẽ là nỗi ám ảnh lão những năm cuối đời. Biết nói với nó thế nào? Không thể im lặng từ chối được. Trẻ con có vô vàn những niềm tin ngây thơ, thần thoại. Không có những niềm tin thần thoại, ngây ngô trẻ con không phải là trẻ con nữa. Lão cũng đã một thời như thế. Rưng rưng, lão thầm cầu nguyện cho ước mơ của lũ trẻ là sự thật. Lão cúi xuống run run bàn tay xoa đầu thằng Hà.

Cháu ơi! Cỏ cây cũng có linh hồn. Cỏ cây biết yêu thương, che chở, vui buồn, căm giận như con người vậy. Ông ít học, khó giải thích cho cháu hiểu. Cháu ngoan, gắng học hành giỏi giang, lớn lên sẽ nhiều hiểu biết. Thôi nhé! Ông cháu mình về làng thôi, khuya rồi.

Lão dắt tay thằng Hà, rảo bước. Bóng ngắn bóng dài song song in bết xuống mặt đường ngợp ánh trăng.

Tiếng lá khô xào xạc xa dần… xa dần. Như Thực. Như mơ.

 

T.V.T

 

Trần Văn Thước
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 190 tháng 07/2010

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

17 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

17 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

17 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

18 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground