Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Biểu tưởng hoa đào trong văn hóa Việt

1

 - Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau: Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin. Văn hóa bao gồm các thành phần như biểu tượng, giá trị, tiêu chuẩn, văn hóa vật chất. Với tư cách làm một thành phần của văn hóa, biểu tượng là bất cứ cái gì mang một ý nghĩa cụ thể được các thành viên của một cộng đồng người nhận biết. Âm thanh, đồ vật, hình ảnh, hành động của con người và cả những ký tự… đều là biểu tượng văn hóa. Ý nghĩa tượng trưng là nền tảng của mọi nền văn hóa, nó tạo cơ sở thực tế cho những cá nhân trải nghiệm trong các tình huống xã hội và làm cuộc sống trở nên có ý nghĩa. Tuy vậy trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường không nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của biểu tượng do chúng đã trở nên quá quen thuộc. Khi thâm nhập vào một nền văn hóa khác, với những biểu tượng văn hóa khác người ta có thể thấy sức mạnh của nó.

Biểu tượng văn hóa thay đổi theo thời gian và cũng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trong những nền văn hóa khác nhau. Nó mang tính tích cực hay tiêu cực là tùy theo quan điểm nhận thức của từng con người hoặc từng cộng đồng, từng dân tộc khác nhau. Để có được một biểu tượng, bắt buộc phải có mẫu gốc. Mẫu gốc là tín hiệu thẩm mỹ đầu tiên mà con người nhận thức được trong thời kỳ sơ khai của xã hội loài người và ăn sâu vào trong tâm thức cộng đồng. Nó có tính chất chung cho toàn nhân loại. Các mẫu gốc chính là sợi dây liên kết giữa con người hiện tại và tổ tiên chúng ta dưới nấm mồ lịch sử. Nó là “bản nguyên sống động vĩnh cửu”, “những mô hình ứng xử vĩnh cửu của cá nhân và xã hội, những quy luật bản chất nào đó của thế giới tự nhiên và xã hội”. Các mẫu gốc khi đi vào trong các nền văn hóa khác nhau sẽ sản sinh ra những biến thể khác nhau gọi là những biểu tượng. Đó vừa là biến thể cái biểu đạt vừa là biến thể cái được biểu đạt mang đậm dấu ấn về địa lý, đời sống kinh tế chính trị của từng dân tộc. Đối với người cổ đại, hoa có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống vật chất lẫn tinh thần, đương nhiên nó là biểu tượng cho cái đẹp. Tuy nhiên, mỗi dân tộc lại có một cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về cái đẹp đó.

Để có cái nhìn xác thực nhất và sinh động nhất về biểu tượng văn hóa, tôi xin đề cập tới một biểu tượng có nguồn gốc lâu đời trong văn hóa Việt Nam, kết hợp đối sánh với các nền văn hóa khác ở phương Đông, đó là biểu tượng hoa đào.

2 - Đối với người Á Đông, mảnh đất trù phú và màu mỡ không chỉ là điều kiện tuyệt vời để mùa màng tươi tốt mà còn là môi trường sống cho muôn sắc hoa đua nở - với sự ưu đãi của thiên nhiên, con người chắc chắn không thể thờ ơ với vẻ đẹp tồn tại quanh mình. Trải qua hàng ngàn năm tiến hóa, biết bao sự đổi thay và phát triển, các loại hoa ngày càng trở nên đẹp hơn, con người cũng có ý thức trân trọng hơn với cái đẹp phong phú nhưng mỏng manh của đất trời. Với mỗi loài hoa, con người đều thể hiện một thái độ, một quan điểm riêng. Nhắc tới biểu tượng hoa ở Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, đương nhiên không thể không nhắc tới hoa đào. Trong vương quốc lộng lẫy của các loài hoa, hoa đào là thứ hoa đẹp và quý. Hầu hết các bộ phận của cây đào đều có giá trị đối với đời sống thực tế. Trong văn hóa của nhiều quốc gia, chủ yếu là các quốc gia phương Đông, hoa đào, cây đào, quả đào được lựa chọn làm biểu tượng với rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Trước hết là cây đào trong tự nhiên với các tính chất sinh học của nó. Đào là cây gỗ nhỡ, thuộc họ hoa hồng, cao khoảng 3 – 4m, lá đơn mọc so le, phiến hẹp và dài, cuống ngắn, mép có răng cưa nhỏ, hoa màu hồng nhạt, mọc riêng lẻ, có năm cánh, cuống hoa ngắn, nhị hoa có khoảng 35 – 40 cái, quả hạch có rãnh dọc, ở mặt ngoài có phủ nhung tơ. Nhân hạt, hoa, lá đều có tác dụng chữa bệnh cho mọi người. Theo “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới” của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, hoa đào có những ý nghĩa biểu tượng sau:

- Hoa đào biểu tượng cho mùa xuân

- Hoa đào là hình ảnh của sự đổi mới và sức sinh sản dồi dào. Ở Trung Quốc người ta lấy nó làm biểu tượng cho lễ cưới.

- Hoa đào tượng trưng cho sự trong trắng và thủy chung theo quan niệm của người Nhật Bản

- Ở Trung Quốc quả đào được xem là có tác dụng phòng chống những ảnh hưởng xấu, trừ tà ma. Ngoài ra cây đào và quả đào thường biểu trưng cho sự trường sinh bất tử gắn với huyền thoại về cây đào của Tây Vương Mẫu cứ 3000 năm lại ra quả một lần, ai ăn quả đó sẽ được trường sinh bất tử.

- Cũng với người Trung Quốc vườn đào ngoài việc gắn với đề tài lịch sử Lời thề ở vườn đào, nó được xem là khu vườn địa đàng, vườn của sự trường sinh, sự tới đích của hành trình thụ pháp. Người ta còn dùng gỗ cây đào khắc thành những hình nhân treo trên cửa ra vào để tránh tà ma hoặc chế tạo ra những cây bút trong thuật bói toán, những cây bút gỗ đào này khi chuyển động sẽ viết nên những văn tự tiên báo tương lai.

Trong văn hóa Việt Nam, hoa đào cũng như cây đào, quả đào không hàm chứa hết những ý nghĩa biểu tượng ở trên mặc dù những ý nghĩa ấy không xa lạ gì với người Việt Nam qua lịch sử, văn hóa Trung Quốc cũng như Nhật Bản. Với người Việt Nam biểu tượng đào chủ yếu tập trung ở ý nghĩa của hoa đào, vườn đào. Biểu tượng về hoa đào, cành đào xuất hiện nhiều trong đời sống, văn học, nghệ thuật của người Việt. Nó chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức của người Việt khi nói về các loài hoa.

Trước hết là biểu tượng của cành đào trong đời sống. Không ai là không biết hoa đào là biểu tượng của mùa xuân. Khi mùa đông rét mướt qua đi, khi trời thanh mát, trong sáng, muôn loài bắt đầu một mùa sinh sôi căng tràn nhựa sống. Khi các loài hoa mùa xuân chưa kịp phô bày tấm áo lộng lẫy sắc màu của mình thì trên các cành đào những nụ hồng nhỏ xíu bắt đầu he hé, rồi những cánh đào hồng mềm mại đầu tiên khoe sắc là lúc bước chân nàng xuân tiêu dao trên trần gian. Chính bởi vậy trong tiềm thức của người Việt, hoa đào là biểu tượng rõ rệt nhất cho mùa xuân mới bởi nó là loại hoa nở sớm hơn tất cả khi xuân về. Nó không chỉ là một biểu tượng mang ý nghĩa thông báo một năm mới bắt đầu mà còn mang nhiều ý nghĩa khác trong đời sống tinh thần của con cháu Lạc Hồng. Từ lâu, cành đào đã là một vật không thể thiếu được trong mỗi gia đình Việt Nam vào ngày tết Nguyên Đán. Dù đi đâu trong dịp Tết, ta cũng bắt gặp hình ảnh cành đào được trang trí lộng lẫy và được đặt ở nơi trang trọng nhất trong mỗi gia đình. Cây đào ngày Tết là vật không thể thiếu cũng như cây thông Noel của Kito giáo. Thiếu cành đào là thiếu hẳn không khí tết chẳng khác nào thiếu cây thông là thiếu đi cái hồn của đêm giáng sinh. Vì sao hoa đào lại có vai trò quan trọng như vậy, thực chất ý nghĩa của biểu tượng này như thế nào? Để tìm hiểu rõ hơn quan niệm của người Việt Nam về hoa đào, chúng ta cùng tìm về với một câu chuyện cổ đã được lưu truyền từ lâu đời, gắn với loài hoa nhiều ý nghĩa này: Ngày xưa, ở phía đông núi Sóc Sơn, Bắc Việt, có một cây hoa đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào xum xuê, to lớn khác thường, bóng rậm che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng. Quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến ắt khó mà tránh khỏi sự trừng phạt của hai vị thần linh. Ma quỷ rất khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần, đến nỗi sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là bỏ chạy xa bay. Đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày Tết, hai thần vắng mặt ở trần gian, ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái. Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ, nhỡ ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần linh dán ở cột trước nhà, để xua đuổi ma quỷ. Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà trừ ma quỷ. Qua câu chuyện trên, ta thấy trước hết biểu tượng cành hoa đào mang ý nghĩa trừ ma quỷ. Lâu dần, người Việt quên mất ý nghĩa thần bí của tục lệ này, không còn tin mấy ở ma quỷ thần linh như tổ tiên ngày xưa bởi vậy ý nghĩa nói trên không còn nữa nhưng cành đào vẫn được nhân dân ta sử dụng để trang trí trong ngày Tết bên cạnh cây quất sum suê trái với ý nghĩa cầu mong sự may mắn, hạnh phúc, yên vui, no ấm cho một năm mới. Mỗi nụ đào ngày Tết chẳng khác nào nụ cười của gia chủ khi đón khách tới xông nhà, niềm vui của một năm mới bắt đầu là như thế đó.

Khác với hoa sen – một loài hoa gắn bó mật thiết với Đạo Phật (khắp các chùa chiền đều có hoa sen xuất hiện, khi thì là cả lọ sen lớn, khi thì chỉ là một bó sen nhỏ và đặc biệt hơn cả là toàn sen mà đức Phật tọa thiền), ý nghĩa của hoa đào dường như không gắn nhiều tới yếu tố thiêng của tôn giáo mà nó gắn bó thân thiết với dân chúng. Cây đào được trồng ở khắp các làng quê Việt Nam từ Bắc tới Nam, từ đồng bằng tới vùng cao với rất nhiều các chủng loại khác nhau và ở Việt Nam cũng có những vùng chuyên trồng đào như Nhật Tân, Đà Lạt – nơi được mệnh danh là thung lũng hoa đào. Vườn đào Nhật Tân của Hà Nội là một trong những làng trồng đào nổi tiếng của nước ta, nó không chỉ nổi tiếng ở kĩ thuật chăm sóc đào điêu luyện nhiều nơi không sánh kịp mà nó còn nổi tiếng với một giai thoại đẹp: Vua Quang Trung sau khi phá tan 20 vạn quân Thanh đã đến vùng Nhật Tân ở ngoại thành, tự tay chọn một cành bích đào cho ngựa trạm mang vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa để báo tin chiến thắng. Tuy có thể chỉ là truyền thuyết, nhưng câu chuyện vừa kể đã minh chứng được vị trí của hoa đào trong lòng người dân đất Việt. Đúng thế, đối với hầu hết người dân Việt Nam, từ bậc cao sang quyền quý đến giới bình dân quanh năm lam lũ nắng mưa, đào là một loại hoa không thể thiếu vắng trong nhà vào dịp Tết. Đào chỉ hợp với khí hậu miền Bắc nên thuở trước, những người dân Bắc khi xuôi Nam lập nghiệp đã phải dùng mai vàng để thay cho đào vào dịp Tết. Như vậy, hoa đào vô cùng có ý nghĩa đối với đông đảo cộng đồng người Việt, không phân biệt sang hèn, thứ bậc, giai cấp… đó là điều mà hiếm loại hoa nào có được. Phải chăng mọi người yêu mến và dành nhiều tình cảm gắn bó với hoa đào bởi tính “dân chủ” của nó. Một điều đáng chú ý nữa là trong văn hóa của nhiều dân tộc khác ở châu Á, trong đó có Việt Nam người ta có tục lệ đặt tên con gái theo các loài hoa và hoa đào cũng là một lựa chọn hàng đầu. Thú vị hơn cả là tên gọi này được dành cho tất cả mọi tầng lớp người trong xã hội. Đây lại là một minh chứng cho tính phổ biến của loài hoa này trong đời sống con người.

Ở Việt Nam, bên cạnh các ý nghĩa vừa nói trên, trong thời hiện đại, hoa đào còn vượt xa khỏi ý nghĩa biểu tượng truyền thống, bông hoa đào năm cánh còn được lựa chọn là biểu tượng của Ngoại giao Văn hóa Việt Nam. Tại cuộc tọa đàm “Ngoại giao Văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” tại Vĩnh Phúc hồi tháng 3/2009, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã giải thích rất kỹ về biểu tượng hoa đào và mong muốn làm được nhiều việc có sức tác động mạnh trong năm Ngoại giao Văn hóa. Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO, giải thích: “Mỗi cánh hoa đào là tượng trưng cho một châu lục và cũng là biểu tượng của 5 công việc mà Việt Nam sẽ làm nhằm thực hiện tốt chính sách vận dụng văn hóa để làm ngoại giao và sử dụng ngoại giao để tôn vinh văn hóa. Năm việc phải làm là: Mở đường, Xúc tác, Quảng bá, Vận động và Tiếp là để mang văn hóa Việt Nam đến với thế giới và đưa thế giới đến Việt Nam bằng con đường văn hóa”. Như vậy, năm cánh đào mỏng manh giờ đây lại mang những ý nghĩa mới, là biểu tượng của người Việt Nam trước bạn bè thế giới, điều đó khiến chúng ta không khỏi tự hào và thêm yêu mến cánh hoa đào dân tộc. Bên cạnh đó, điều này cũng góp phần cho thấy biểu tượng văn hóa luôn có những biến thể, là những biến thể cái biểu đạt và cả cái được biểu đạt mang đậm dấu ấn địa lí, đời sống kinh tế chính trị của mỗi cộng đồng. Theo thời gian, biểu tượng cũng có sự phát triển và mở rộng ý nghĩa của nó.

G.T.S

 

 
 
GIÀNG THỊ SAO
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 207 tháng 12/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground