Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bước sáng tác đầu đời đầy ấn tượng của Chế Lan Viên

TCCV Online-Thành tựu sáng tác Chế Lan Viên trong đó có những tác phẩm đầu đời mà chủ yếu là Điêu tàn đã được đánh giá trong nhiều công trình tiểu luận phê bình, chuyên luận(1). Trong dịp hội thảo Nhìn lại Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn (năm 2012), Chế Lan Viên lại được nhìn nhận, phát hiện thêm về tài năng sáng tạo thơ ca.

Giải mã “niềm kinh dị”

Sáng tác đầu đời của Chế Lan Viên đúng là sự “bắt đầu của mọi bắt đầu” mang tầm quan trọng đặc biệt. Sáng tạo văn học là sáng tạo bức tranh thế giới được mã hóa.Tác phẩm văn học thường có mã văn học ẩn sâu trong hình ảnh, hình tượng, ngụ ý… Người đọc phải nắm được cái mã đích thực của người viết. Do đó giải mã là thao tác văn học quan trọng hàng đầu khi đọc hiểu văn bản.

Nổi lên là ba nhân tố “kinh dị” về nội dung hiện thực phản ánh, quan điểm nghệ thuật và biểu hiện trạng thái tâm hồn nhà thơ trẻ của trường thơ Loạn.

1. Một tuyên ngôn quan điểm “kinh dị”

Tựa của Điêu tàn cùng khuynh hướng Thơ không tên là một tuyên ngôn khác thường gây chấn động thi đàn.

Nhà thơ là người dị thường, siêu phàm: “Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu”. Hành động như phù thủy, nói như phù chú: “Nó thoát Hiện tại. Nó xáo trộn Dĩ vãng. Nó ôm trùm Tương lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý”.

Làm thơ cũng là công việc dị thường: “Hàn Mặc Tử nói: làm thơ tức là điên. Tôi thêm: làm thơ là sự phi thường”.

Bạn đọc - chủ thể tiếp nhận - có quan hệ với nhà thơ, cũng là một quan hệ khác thường. Trước sau, nhà thơ là khách bộ hành lầm lũi, cô độc. Anh ta thiết lập một quan hệ mơ hồ, giả định. Nhưng có khi bạn đọc lại là tri kỷ tuyệt vời: “Tôi nằm ngủ ở trong sao, nghe được, tung mây ngồi dậy, vồ lấy cái quà quý báu ấy rồi say sưa, rồi ngây ngất, rồi điên cuồng vỗ lên đầu sao Khuê, sao Đẩu, lên cả Nguyệt cầu mà bảo chúng nó rằng: “Ha, ha! Bay ôi! Loài người thành thi sĩ như Ta cả rồi”.

Thực chất, đây là một phát ngôn của thơ lãng mạn có pha nét siêu thực, được nói bằng ngoa ngôn cực đoan có màu sắc “kinh dị”.

2. Một thế giới siêu thực

Do quan điểm phủ định xã hội thực tại, thơ thời Điêu tàn (kể cả Thơ không tên) dựng lên một thế giới âm với hệ thống biểu tượng kinh dị qua trí tưởng tượng có tính chất siêu thực kỳ quái, ma mị: huyệt mộ, sọ người, tủy xương, hồn ma, cô hồn… đầy rẫy. Bao trùm là ám ảnh hư vô “Lời than náo động cõi hư vô”, “Nỗi sầu tư nhuần thấm cõi hư vô”… (Điêu tàn) và suy tưởng “Đào xới hư vô, tuôn chảy hư vô, thoát tục” (Vàng sao).

Đó cũng là một thế giới quá vãng, thế giới tưởng tượng xa xưa: Chiêm quốc thời vàng son (Trên đường về, Chiến tượng, Đời người Chiêm nữ…). Và phiêu bồng, lãng đãng là một thế giới bầu trời hư vô với những “nguồn trăng, suối trăng” và cả “mồ trăng”. Rồi thế giới sao: từ “một tinh cầu giá lạnh”, “một vì sao trơ trọi cuối trời xa” đến cả một “suối trăng sao”.

3. Một tâm hồn vật vã kinh hoàng

Sáng tác trước năm 1945 của Chế Lan Viên phản ánh một bi kịch tâm hồn ghê gớm. Đã có nhiều phân tích về tình trạng đó và chính nhà thơ sau này đã tự mổ xẻ căn bệnh lịch sử - thời đại mà thế hệ thi sĩ tiền chiến đã nhiễm khá nặng nề. Nhà thơ cựa quậy, giãy giụa, đớn đau tưởng chừng như có thể chết trong sự bế tắc, cùng quẫn, trong sự chán nản gần như tuyệt vọng: “Trời hỡi trời! Hôm nay ta chán hết! Những sắc màu hình ảnh của Trần gian” (Tạo lập).

Nhìn chung lại, đó là những bất hòa, những xung đột, mâu thuẫn kịch liệt trên một số phạm trù trong đó có thế giới tâm hồn, suy tư triết học:

- Bản thể và khách thể. Hoài nghi: “Ai bảo giùm: Ta có có Ta không” (Ta - 1937), “Jéhova thầm hỏi: Ta là ai?”, “Đáy Hư vô, Người ngửa mặt - trông trời/ Ta là ai? Người thấy đó là ai?” (Ta là ai? - 1940)…

- Hiện thực và siêu hình - Thực tại và mơ tưởng: “Cho lăn lóc, hồn mê trong Ảo Huyễn/ Lãng quên đi giây phút cảnh Trần Ai”(Tạo lập). Ước mơ tha thiết của nhà thơ là “thoát lên tất cả những nhu cầu” (Vàng sao) vươn lên một Cõi ta ảo tưởng “Cho linh hồn mình đến xứ Trăng Mây/ Mà sáp nhập vào tuổi tên cây cỏ!”.

Đây là hiện tượng phức tạp trong một tâm trạng đầy xáo trộn: Đau đời và yêu đời - Chán nản và hy vọng.

Sự manh nha một tiềm lực thi tài

Sáng tác đầu đời của Chế Lan Viên mà nổi trội là Điêu tàn “đột ngột” xuất hiện “như một niềm kinh dị” (Hoài Thanh). Ngọn tháp“chắc chắn và lẻ loi”, bí mật đó vẫn tồn tại như một sự thách đố giải mã với thời gian.

Sau này chính Chế Lan Viên tự nghiệm: những điều mình mất đi quả là đáng mất. Nhà thơ tự nhận: “Trước Cách mạng tôi đã mất năng lực, tài năng cho những cơn mưa, và những nỗi buồn, cho những bóng ma và những ảo ảnh”(2). Thực ra chỉ là mất những năng lực phung phí, vô bổ, chưa phát huy được tài năng thực sự như sau này. Sáng tác đầu đời Chế Lan Viên bộc lộ một số yếu tố tư tưởng và nghệ thuật như sự hé lộ tiềm lực của thi tài.

1. Hé mở hành trang văn hóa thơ ca

Chế Lan Viên là một tài thơ thiên bẩm(3). Tuy nhiên cũng từ rất sớm, nhà thơ tương lai biết tự chăm sóc vun trồng cái năng khiếu tự nhiên để biến thành một tài năng nảy nở mạnh mẽ.

Chàng thi sĩ trẻ nhận thức rõ: hình thành nên văn, ngoài văn còn có cả những cái xa văn. Một cách tự nhiên, anh thấm nhuần được ánh sáng của văn hóa địa phương, cái nguồn cảm hứng sinh động mạnh mẽ đầy sức quyến rũ: tháp Chàm thành Đồ Bàn, bờ biển vỗ sóng và rừng dừa rợp bóng, một vùng đất sử lừng lẫy, những đêm hát bội ở An Vinh, các cuộc đổ giàn ở An Thái… Đó chính là ảnh hưởng của vùng địa - văn hóa Chăm, một quá trình văn hóa xa xôi của văn hóa xứ Quảng. Cả tiếng mõ tụng kinh và tiếng chuông nhà thờ. Từ ám ảnh tâm linh đến nhận thức tôn giáo. “Lần lượt yêu Bible (Kinh thánh) Catholique, protestante, adventiste, rồi Phật (Bouddhisme)”. Nhà thơ cũng tự nhận cả một quá trình ảnh hưởng: “Tôi thích thơ cổ Á Đông và thơ thế kỷ 20 của châu Âu. Còn châu Á, thích các kinh Phật (livres bouddhistes), Thơ Đường (poésie de l’époque Tang) của Lý Bạch (Ly Tai Pé), Đỗ Phủ (Tou Fou). Châu Âu thích Rainer Maria Rilke, Apollinaire, Néruda, Éluard, Ristos. Về Đức biết ít, thích B. Brecht, Hölderlin, Faust của Goethe”(4).

Về mặt triết học, nhà thơ thiên về những thần bí của tôn giáo và siêu hình của chủ nghĩa duy tâm.

Tiếp nhận văn học là một sự tổng hợp, tinh lọc qua các nguồn văn hóa cổ kim, đông tây. Thông qua nhà trường, sách vở và nhất là đời sống, ta thấy nhà thơ trẻ bước đầu đã tích lũy được một khối lượng khá phong phú về tri thức văn hóa, trong đó nổi lên là thơ ca, triết học và mỹ học.

Hành trang lên đường đã khá đủ nhưng quan trọng hơn là phải có kim chỉ nam: quan điểm mỹ học hay rộng hơn, quan niệm tư tưởng nghệ thuật để đi đúng hướng và đi xa.

2. Hé lộ tiềm lực của một thi tài

Sự phát hiện nỗi buồn như một phạm trù thẩm mỹ của Chế Lan Viên cũng là của các nhà Thơ mới lãng mạn. Tâm trạng thế hệ ấy có thể tìm thấy ở cơ sở hiện thực khách quan mang tính thời đại: nỗi đau vong quốc cộng với cái buồn sầu, u uất của cảnh quần chúng cách mạng bị đàn áp, bóc lột. Tuy nhiên biểu hiện ở Chế Lan Viên là sự chìm đắm trong ác mộng về quá vãng của điêu tàn nước non Chiêm. Nỗi đau ấy lại được cộng hưởng và nhân lên với cái buồn cô đơn bản thể thi sĩ Chế Lan Viên. Nhà thơ như “chìm đắm bể u sầu” (Điêu tàn), thảng thốt “Trời ơi! Chán nản đương vây phủ” (Thu).

Bệnh trạng tâm lý xã hội này lại có căn nguyên ở tâm lý nghệ thuật. Xét ở góc độ loại hình thì nỗi buồn trong Thơ mới nói chung được xem là một phạm trù thẩm mỹ đồng thời được coi như đặc điểm mang tính nguyên tắc của nghệ thuật lãng mạn(5).

Tuy nhiên, đau đời chưa phải là chán đời. Thậm chí, chán đời chưa hẳn là tuyệt vọng. Cái buồn không thể đẩy cả một thế hệ nhà thơ đến bờ vực tuyệt vọng và được quan niệm là hình ảnh “nghịch lý của niềm vui sống”(6).

Sự biểu hiện của quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật như ý thức đề cao nghệ thuật chân chính.

Thơ được quan niệm là một sáng tạo thiêng liêng, cái đẹp trong thơ phải là cái đẹp tinh khiết. Tuy nhiên, trong chiều sâu tâm khảm, có sự chấp nhận nét vị nhân sinh. Cũng như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên chủ trương một cái đẹp siêu thoát trong thơ nhưng cũng có cả cái tươi xanh, sinh động của đời. Một buổi Trưa đơn giản mang vẻ đẹp vừa huyền thoại vừa trần thế: “Nâng không gian trưa đặt giữa lòng người”.

Chế Lan Viên coi “làm thơ là một sự phi thường” với hàm nghĩa lớn là thơ phải táo bạo, phải mới lạ, phải cao thượng, không vì lợi, vượt qua ranh giới của sự tầm thường.

Trường thơ Loạn thể hiện một khuynh hướng mỹ học hiện đại: khía cạnh coi trọng hình thức biểu hiện (ngôn từ, hình ảnh, cảm hứng…). Giao tiếp, giao cảm thơ ca mở ra một ý tưởng đồng sáng tạo nghệ thuật. Đó cũng là một khát vọng nghệ thuật chân chính.

Từ đây, có những khởi đầu của thi pháp và phong cách nghệ thuật.

Năng lực tạo dựng hình ảnh phong phú, đa dạng, kỳ thú như một đặc điểm thi pháp đã phát lộ. Hệ thống biểu tượng trong sáng tác thời kỳ đầu ở cả thơ (Điêu tàn, Thơ không tên) và văn (Vàng sao) rất phong phú. Có biểu tượng tần số rất cao: máu, huyết,huyệt, mộ, tha ma - kể cả sọ, đầu, xương, thịt tượng trưng đau thương, chết chóc, hủy hoại… là 146. Riêng sao, trăng là 80, đặc biệt hồn là 104. Ngoài hình ảnh thật của hiện thực là vô số hình ảnh ảo hoặc xen kẽ thực - hư, thực - ảo: Dĩ vãng, Hiện tại, Vũ trụ, Hư không, U minh, Chán nản, Trời mơ, U buồn, U sầu, Tương lai, Ảo huyễn…, Thâm-khu-ý-thức, Mặt-nguyệt-tâm-tư, Đĩa-bấc-trần-tâm…

Nét phong cách tân kỳ, độc đáo cũng đã manh nha. Cả trong quan niệm và trong hình thức biểu hiện. Chế Lan Viên đã dựng một thế giới lạ với những biểu tượng ít có, thậm chí chưa từng có, mà trong đó lại sống động mọi hình thể trong mọi quan hệ kỳ lạ đến quái đản: “Sao tán loạn đua bơi trên mặt nước”, “Trong gió rít, tiếng huyết kêu rạo rực”, “Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”… Nhà thơ đã tạo ra một mỹ cảm mới về cái điêu tàn, cái kinh dị bằng những thủ pháp của tượng trưng, siêu thực.

Với những yếu tố tích cực của một quan niệm mỹ học mới, Chế Lan Viên đã góp phần mở ra những đối tượng thẩm mỹ mới, những hình thức và khuynh hướng thẩm mỹ mới trong thơ hiện đại Việt Nam.

Nhìn qua “hậu Điêu tàn”

Để nhận xét chính xác, đầy đủ về giá trị, tác động, ảnh hưởng bước sáng tác đầu đời của Chế Lan Viên cần có một cái nhìn xuyên suốt về cả quá trình sáng tác sau này.

1. Một tiến trình tự vận động tích cực mạnh mẽ theo tiến bộ tư tưởng, nghệ thuật

Nhà thơ đã tìm được phép màu là cách mạng để tự giải thoát quyết liệt. Lòng yêu nước kín đáo đã dần được bộc lộ. Bắt đầu từ yêu thiên nhiên, quê hương đất nước và truyền thống văn hóa từ sâu thẳm hồn dân tộc.

Trí tuệ, tâm khảm nhà thơ như sáng dần lên từ cuối Điêu tàn. Phân tích kỹ sẽ thấy nhà thơ “quay mặt” mà chẳng “quay lòng”. Thực tình tâm hồn vẫn bám riết “những sắc màu hình ảnh của Trần gian”. Nhà thơ muốn Nắng mai tràn ngập “bầu thế giới” được“Tạo lập”. Trong sâu thẳm tâm tư các nhà Thơ mới, trong đó có Chế Lan Viên, vẫn là lòng yêu đời và khát vọng sống với tinh thần dân tộc.

Niềm tin cũng dần dần bừng tỏ trong Vàng sao: “Và hạt vàng hiện giữa đêm vàng, ta sẽ chói sáng lên miền châu ngọc” (Vàng sao đêm tin tưởng). Cuộc kháng chiến thần thánh mà qua đó là sự dấn thân thực sự buổi đầu vào cuộc đời máu lửa khiến người thi sĩ - công dân Chế Lan Viên được tái sinh để từ đó “đổi đời”, “đổi thơ”.

Chế Lan Viên trở nên thanh thoát, tìm ra nguồn sức lực vốn có từ quan niệm đến chất liệu cảm hứng thi ca, thi pháp… biến hóa phát triển dưới ánh sáng mới trong cuộc đời và nghệ thuật. Và chiếm lĩnh những thành tựu đỉnh cao mới từ Ánh sáng và phù sa.

2. Chuyển biến đổi thay theo những quy luật

 cái cũ mất đi lại có cái mới nảy sinh. Nhưng cũng có cái theo quy luật tiếp biến hoặc biến hóa.

Chế Lan Viên từng tự bạch: “Trong Điêu tàn có yếu tố thần bí vì tuổi trẻ tôi tìm trong tiếng tụng kinh trước bàn thờ Phật của cha tôi, và trường tôi nằm trong tầm ngân vang của chuông nhà thờ đạo Kim Châu gần đấy. Những yếu tố thần bí gặp trong đêm tuổi thơ Bình Định, khi tôi lớn lên gặp Đảng, nó không biến mất đi mà lại hóa ra thứ khác giữa ánh sáng ban ngày”(7).

Chỉ theo dõi tâm sự Nghĩ về thơ sẽ thấy quan niệm nghệ thuật mới của Chế Lan Viên. Mặt khác nhà thơ lại rất mạnh dạn phát huy cao độ một lý tưởng nghệ thuật mà không sợ bị hiểu lầm là dẫm vào vết xe đổ: “Hình thức là vũ khí/ Sắc đẹp câu thơ cũng phải đấu tranh cho chân lý”.

Trong tư duy nghệ thuật, sở trường tưởng tượng được phát huy hết mức và biến hóa đa dạng. Thế giới biểu tượng thời Điêu tànmang màu sắc kỳ dị biến đi, nhưng năng lực sáng tạo một thế giới hình ảnh mới giàu ẩn dụ, tượng trưng lại được mở ra với những chân trời mới mang đặc trưng tân kỳ, độc đáo.

Tư duy phi lý - tính theo tinh thần hiện đại, được ghi trong Tựa Điêu tàn sau này - trên diễn đàn quốc tế được Chế Lan Viên phân tích rõ yếu tố ý thức và vô thức: “Ngay một nhà thơ siêu thực cũng đã mơ một nền thơ siêu thực cộng với cực lý trí surréaliste surnationaliste, cực mê đòi cực tỉnh ấy mà. Vậy thì, những ai tự hào về sự phi lý của mình, hãy ca tụng lý trí đi”(8).

3. Những bước tiến vững vàng cho đến cuối đời

Thống nhất đất nước, hòa bình rồi bước đầu Đổi mới, Chế Lan Viên tiếp tục có những tập thơ xuất bản và còn có một lượng Di cảo thơ đồ sộ (3 tập) được công bố sau khi nhà thơ ra đi.

Cũng là trường hợp hiếm có trên thi đàn: tập II Di cảo thơ (1993) được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, và tạo niềm sửng sốt mới về đỉnh cao thứ ba cuối đời. Có những câu hỏi, có những băn khoăn, trăn trở, bức xúc mới mang dấu vết của Điêu tàn: những biểu tượng cũ, chất men chuếnh choáng trong cốc rượu “siêu thực” mới. Có những câu thơ mới, lạ mà hầu như mang đầy đủ dấu tích cũ.

Điều dễ thấy là, thơ thể hiện một hoài nghi triết học. Chế Lan Viên đi tìm mình một lần cuối trong cuộc đời: tìm bản thể  bản lĩnh nghệ thuật. Di cảo thơ đậm triết lý về cuộc đời, đặc biệt là triết lý về thơ, về nghệ thuật nói chung.

Đọc Di cảo thơ hôm nay, sau hơn hai thập kỷ, đọc kỹ “văn bản ngầm” nhiều khi theo kiểu Lộn trái để nhìn từ phiên bản “âm” sang tấm ảnh “dương” sẽ thấy giá trị đích thực của tác phẩm. Có bóng dáng Điêu tàn (và Thơ không tên) trước kia, nhưng đã ở trên một vòng xoáy ốc mới, cao hơn nhiều lắm.

Chế Lan Viên đã tìm thấy mình, cả bản ngã và bản lĩnh nghệ thuật đã “bay cho đến được chính mình”. Nhà thơ biểu hiện khát khao khôn cùng, và tận lực tự đổi mới để tìm một tầm cao mới.

Có thể nhận định thống nhất: Di cảo thơ là một đỉnh cao nghệ thuật mới trong đời thơ Chế Lan Viên. Có những phát triển mới vềthi pháp, có những đặc điểm phong cách thơ với biểu hiện vừa ổn định vừa đổi mới. Đó là thành tựu của thi sĩ cả một đời thơ dám hết mình cho cái thật, cái tốt, cái đẹp của nghệ thuật cách mạng.

***

Những tác phẩm đầu đời của Chế Lan Viên có vị trí và ý nghĩa hết sức quan trọng với cả đời thơ. Đó là sự khởi đầu đầy hứa hẹn cho cả hành trình thơ, thể hiện một tiềm lực về nhiều phương diện, rõ nhất là khát vọng sáng tạo nghệ thuật thi ca chân chính.

Rất biết mình, luôn luôn mạnh dạn tự đổi mới theo quy luật có đoạn tuyệt, có tiếp biến và biến hóa, nhà thơ đã ra sức phát huy tiềm lực ban đầu, tạo ra những năng lực sáng tạo mới có giá trị cao cho đến cuối đời thơ.

Đ.T.H

                                                      Nguồn Tạp chí điện tử Hồn Việt

 _____

(1) Chế Lan Viên, Chế Lan Viên toàn tập (tập III, V), NXB Văn học, Hà Nội, 2009.

(2), (4), (7), (8) Nhiều tác giả, Chế Lan Viên giữa chúng ta, NXB Giáo dục - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2000.

(3) Hoàng Diệp, Chế Lan Viên, thi sĩ tiền chiến, NXB Khai trí, Sài Gòn, 1969.

(5) Nguyễn Hữu Hiếu, Thơ mới - đôi điều nhìn lại và suy nghĩ in trong Nhìn lại Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn, NXB Thanh niên, 2013.

(6) Nguyễn Huệ Chi, Tìm hiểu cái “tôi”“Thơ mới” in trong Nhìn lại Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn, NXB Thanh niên, 2013.

PGS-TS ĐOÀN TRỌNG HUY
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 276 tháng 09/2017

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground