Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cánh chim bay về miền mây trắng

T

hơ là hình bóng lịch sử tâm hồn, là tiếng hát vô thanh cất giấu trong cõi thẳm hư sương khói nguồn cội. Không biết đem cái định nghĩa này vận vào thơ của Đức Tiên có “khả giải” hay không, nhưng ba lần bảy lượt ngụp lặn trong thế giới “Tự tình” và khi thoát ra, bình tâm nhìn lại, tôi nghiệm ra cái phép thử “mượn hồn” như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhắc tới trong lời tựa tập thơ của anh quả có nhiều điều thú vị.

Hạ trắng trưa vàng xanh vườn xanh

Đuổi ve sân trái ngọt trên cành

Mê mẩn lòng thơ quên buổi học

Hồn trẻ mơ màng tiếng dế canh

                        (Nhớ tuổi hoa niên)

Đủ thấy, nàng thơ đã hút hồn chàng trai Đức Tiên thuở “tuổi ngói hồng” (chữ dùng của HPNT) như thế nào. Hẳn túi thơ đựng từ độ ấy đến giờ không ít, nhưng có lẽ người thơ muốn “chầm chậm tới mình” khi không cưỡng được cỗ xe tam mã chở thời gian lao về phía trước, nên cuộc hành hương về với nguyên khởi thầm thỉ trong da diết tiếng gọi: Ơi những làng quê cây lá bãi bồi/ Nơi mênh mang cho trăng về làm tổ (Cảm trăng) bằng sự nghiệm sinh từ cuộc sống trần thế. Anh “cảm trăng” không theo lẽ ngợi ca vẻ đẹp của nguồn sáng dịu dàng, yên bình sưởi ấm làng quê mà ngược lại, chính làng quê mới thực sự đem lại chốn yên vui, hạnh phúc “cho trăng về làm tổ”. Câu thơ hay đóng đinh vào trí nhớ nhờ nhà thơ biết búng trạng thái nhân thế vào sự vật. Cho nên, dễ hiểu vì sao thăm nơi yên nghỉ thi sỹ họ Hàn, tác giả lại “vũ trụ hóa” tình yêu bất tử qua vầng trăng khuyết:

Thủy chung trăng chẳng nỡ tròn

Hao hao nét nhớ, nét hờn bóng mây

                   (Thăm mộ Hàn Mặc Tử)

Nhiều khi, tình yêu ấy lặn vào buồn vui cuộc sống gụi gần, thân thiết bên mình và quanh mình bằng cảm thức của người lính đứng lặng ngắm “bóng Thành Cổ trầm mặc”, “nén đau thương phế tích” của yêu thương thành kính nhìn hình ảnh người mẹ “gầy hao nỗi nhớ” ru con xa xôi trong đôi mắt thâm quầng, trong nhịp trở mình “húng hắng tiếng ho khan” của day dứt về người chị dân quân “ngày đất nước không còn bóng giặc/ tha thủi một mình với mái lều tranh” của người cựu binh “tấm lòng ngay thật giữ tròn nguyên”, “không cần đếm tuổi” của người tù chính trị vượt lên di chứng bởi mỗi “cơn đau lại hóa thành kỷ niệm”… Dường như viết về bất kỳ ai, nhà thơ luôn phản ánh thân phận con người lồng trong con người bổn phận (gia đình, đất nước) và vì thế, nhân vật mang vẻ đẹp bi tráng của sự kiện đời sống đáng được ngưỡng vọng, trân quí.

Bước ra từ cuộc chiến tranh, về với “nhà cao, phố đông” (Tố Hữu) bận bịu công việc thường nhật nhưng những giãi bày như tác giả thật hiếm hoi bắt gặp trong dòng sống xoáy cuộn trăm nỗi ngổn ngang trên đời :

Khi nhàn rỗi lòng như mắc nợ

Tha thẩn vào ra như kẻ vô hồn

                        (Chiều cuối tuần)

Đấy là Đức Tiên. Trong đời và trong thơ anh đều mang dòng máu tin yêu ngầm chảy nhưng đôi khi không kém phần sục sôi, quyết liệt:

Cái nghèo nghèo tự vành nôi

Cái thương thương đến dại người còn thương

                                     (Gởi mẹ)

Raxun Gamzatop có nói đại ý rằng: Sống đến tận cùng với làng quê sinh hạ ra mình, bạn sẽ gặp thế giới. Làng quê Hà Thượng của anh cũng như bao làng quê Việt, hồn hậu như người mẹ tảo tần một nắng hai sương suốt đời lặng thầm nuôi con khôn lớn, mộc mạc như người cha cháy rực ý nghĩ đào sông lấp bể. Ở đó, hương hoa hồn người ủ kín thanh tân, tắm gội bụi bặm, cất giữ nết đất, di dưỡng mỹ tục. Ở đó, người thơ đi về bằng kỷ niệm, bằng ngút ngát của cánh đồng tình yêu đêm trăng cấy lúa, bằng khát vọng bay vút của con chim cà lơi cất cao tiếng hát nắng vàng. Ở đó, có “búi cỏ mềm và lưỡi liềm em mười tám/ Hai mươi năm… vẫn cứa ngọt đời anh”, có mùi “hương quê mùa thấm tận cõi riêng mơ”, “dấu chân trâu lấm sâu bùn đất”, có “những nỗi niềm của người và đất/ Những nỗi niềm không bao giờ mất”… Đọc Tự tình, mới thấy nỗi niềm nhà thơ mênh mang như hoa cỏ cây cằn tán xạ và thiên di cùng cơn gió. Tất nhiên, người đọc còn tìm thấy cái chân như đằng sau những xúc cảm. Có lẽ trong chùm thơ tặng/gửi được ghi tuổi tên, địa chỉ cụ thể (14/59 bài) (chưa tính đến thơ tặng kiểu không đề), ta nhận ra một Đức Tiên hào hoa, hào phóng, hào khí chung đúc nên giọng thơ uyển chuyển mà biến hóa, đẩy ý tình đến bến giác sau những trải nghiệm thực tại. Một con sông quê hiền hòa chảy qua năm tháng và chảy vào cõi thơ trầm sâu nội cảm:

Không có sông đò không có chuyến

Lũy tre làng không bóng chẳng nên thơ

Trăng cũng buồn quên cả mộng mơ

Không có bến cho lứa đôi hò hẹn

                                (Con sông)

Về ý nghĩa tồn sinh của cuộc sống cài đặt trong mối quan hệ tổng hòa. Nhà thơ giật mình trước một tiếng còi tàu báo tuổi già đến và thèm ước được làm cánh chim trở “về nơi cội cành” ngắm trời trong mây trắng:

Muốn được về nơi sống thảnh thơi

Một vuông nhà nhỏ một khoảng trời

Một mảnh vườn con và thêm một

Bờ ao ngồi ngắm lũ cá bơi

                                (Ước vọng)

Một chữ “về” nhẹ tênh thả xuống dòng thơ mà nghe sao thật chan chứa: về hưu, về quê, về với chính mình. Cái vòng luân hoán được mất xưa nay là vậy, mấy ai đập vỡ lô cốt tinh thần để biến thành tha nhân, và cũng bởi “đục trong khôn dại ai nào dám thưa” (Tự tình). Vì thế, hồn thơ day dưa gieo nặng trong mỗi chữ “một” láy đi láy lại như nốt giáng Si trầm ưu mang mang nỗi đầy vơi vạn cổ.

Con sông nào rồi cũng chảy ra biển. Thơ của Đức Tiên như một nhánh sông gầy len chảy giữa miền quê yên ả, chân mộc như tiếng làng sớm hôm đồng vọng (vẫn biết không thiếu sự chuốt mượt). Ở Tự tình, ta bắt gặp không ít những “trang lứa” (bạn bè trang lứa làng xưa cũ), “búi” (búi cỏ mềm…), “hiềm” (hiềm vì trời đổ mưa mau), “hoang hút” (bóng em đi hoang hút giữa sông hồ), “trùng trục” (bầy trẻ thơ trùng trục lấm thân mình), “bập bờ” (môi bập bờ nhả khói nhìn tôi); rồi những “chùng chình”, “gầy gộc”, “se da”, “lun phun”, “vờ vẫn”, “xanh lợt”, “lóc róc”, “nương cậy”, “húng hắng”,… Một lối thơ điệu nói đậm “chất quê” in dấu ấn tác giả. Có điều, giá như người thơ biết phá vỡ cấu trúc thể loại khi cần thiết để thoát khỏi âm hưởng, nhịp điệu “thơ mới”(1) vốn dễ bào mòn cảm xúc người đọc thì hiệu quả tiếp nhận sẽ lớn hơn.

Văn chương chữ nghĩa là câu chuyện dài. E rằng những lời lạm bàn trên đây chưa chắc được người đọc và kể cả tác giả thỏa mãn. Song, một đường bay có chân trời cho cánh chim thơ về neo đậu bình yên trên mảnh đất người đời đã là điều đáng quí lắm rồi, phải không?

V.V.L

 

 

____________

(*) Tự Tình - Thơ - Đức Tiên -  NXB Thuận Hóa - Năm 2006

(1) Tác giả bài viết không có ý phủ nhận sự sáng giá của phong trào “Thơ mới”, mà muốn nói đến hiện thực đời sống, chất liệu thi ca thay đổi đòi hỏi người nghệ sỹ phải nỗ lực nhiều hơn….

VÕ VĂN LUYẾN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 235 tháng 04/2014

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/05

25° - 27°

Mưa

03/05

24° - 26°

Mưa

04/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground