Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chấc cách mạng, chất nhân văn trong thơ Lê Đức Thọ

C

ó một điều đặc biệt ở nước ta là nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Tố Hữu, Xuân Thủy… trong quá trình hoạt động cách mạng rất yêu thích thơ, văn; sau này trở thành những nhà thơ, nhà văn của dân tộc. Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong số những nhà thơ – chiến sĩ đó.

Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, đồng chí Lê Đức Thọ được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có những vị trí mang tính quyết định ở những thời điểm lịch sử cụ thể đối với quá trình cách mạng ở trong nước và quốc tế. Ở lĩnh vực văn chương, tuy không phải là nhà thơ chuyên nghiệp, tác phẩm không thật nhiều, không liên tục, nhưng những sáng tác của ông lại giàu tính tự sự, ngời sáng chất thép, chan chứa cảm hứng trữ tình, do vậy, có vị trí quan trọng trong sự nghiệp văn học nước nhà. Song hành trên chặng đường cách mạng của ông là những tập thơ được viết ngay trên đường công tác, như: Trên những nẻo đường (1968), Đường ngàn dặm (1977), Nhật ký đường ra tiền tuyến (1978), Thơ tuyển Lê Đức Thọ (1983), Gửi anh bộ đội (1984). Ngoài ra, thơ Lê Đức Thọ có mặt trong nhiều tập thơ, tuyển thơ Việt Nam hiện đại, như: Lê Đức Thọ và nhiều tác giả (1995), Hồ Chí Minh – Sóng Hồng – Lê Đức Thọ (1997)… Trên 40 năm, mạch thơ của ông vẫn dồi dào tuôn chảy, nhiều bài thơ, như Hận rừng xanh, Ý Xuân, Em liên lạc, Nhớ mẹ, Mưa rơi… được đông đảo bạn đọc yêu thích.

Là một trí thức lớn lên giữa cảnh nước mất nhà tan, đồng chí Lê Đức Thọ đã sớm giác ngộ cách mạng, dấn thân và tự nguyện dâng hiến cuộc đời mình cho Đảng và dân tộc. Trên con đường hoạt động cách mạng từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc và trên chính trường quốc tế, ông ngày càng nhận rõ một thứ vũ khí đấu tranh quan trọng – đó là thơ văn; dùng thơ văn phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng. Cũng như nhiều lãnh tụ của Đảng, ông quan niệm làm thơ cũng là làm cách mạng. Thơ đã trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén mà bất cứ người cộng sản nào (có năng khiếu văn chương) thường sử dụng thường xuyên và triệt để - đúng như phương châm làm thơ của người cộng sản Hồ Chí Minh:

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong

(Cảm tưởng đọc Thiên gia thi – Hồ Chí Minh)

Hoặc như đồng chí Trường Chinh:

Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ

Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền

Còn với Lê Đức Thọ:

Bút sắc đâm bao thằng cướp nước

Mực hòa với máu viết thành văn

(Thương đời chiến sĩ viết thêm hay)

Ở ông, con người chính trị và con người nhà thơ thống nhất chặt chẽ, sự nghiệp thơ gắn liền với sự nghiệp cách mạng, trở thành một bộ phận không thể tách rời trong sự nghiệp cách mạng của mình. Ở vai trò người chiến sĩ cộng sản, một cách tự nhiên, Lê Đức Thọ đã trải lòng với thơ, thông qua những suy nghĩ và trải nghiệm sâu sắc của mình. Vì lẽ đó, trên từng chặng đường lịch sử, những hoạt động cứu nước, cứu dân đều ghi dấu ấn trong thơ ông. Thơ Lê Đức Thọ ghi lại những cảm nghĩ khi tham gia bãi khóa, lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, dự lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, những chặng đường vất vả, gian nan nhưng rực sáng niềm tin lý tưởng cách mạng. Thơ tiếp cho ông sức mạnh đấu tranh với kẻ thù ở chốn tù ngục. Khi ra tù, ông vẫn kiên định mục tiêu đã chọn, tiếp tục đấu tranh chống áp bức, bất công, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Thơ giúp ông có thêm sinh lực làm đẹp tâm hồn, tạo động lực tinh thần để đảm nhiệm xuất sắc những trọng trách quan trọng của Đảng. Ở bất cứ cương vị nào (phụ trách Xử ủy Bắc kỳ, Phó Bí thư, kiêm Trưởng ban Tổ chức Xứ ủy Nam kỳ, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Cố vấn đặc biệt cho Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam và nhiều năm làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng). Lê Đức Thọ vẫn mang thơ bên mình làm hành trang chiến đấu.

Ở vị trí người nghệ sĩ, được sinh ra trên quê hương giàu truyền thống cách mạng và văn hóa (thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), người chiến sĩ cộng sản Lê Đức Thọ đến với cách mạng cùng con đường văn chương.

Quê hương, dòng họ, các bậc tiền nhân về văn chương, nghệ thuật đã giúp ông rèn đúc nên tố chất người yêu nước; bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn phong phú, trẻ trung, trong sáng, lãng mạn, tạo nên một tâm hồn chiến sĩ - nghệ sĩ. Trong phong trào thơ cách mạng thời kỳ trước năm 1945, thơ Lê Đức Thọ không thuộc vào những sáng tác viết theo lối cổ. Tác giả đã vượt qua những ràng buộc của thơ xưa, tiếp nhận những thành tựu của quá trình hiện đại hóa văn học, nghệ thuật của Thơ Mới để làm giàu cho nền thơ cách mạng. Kế tục dòng thơ cách mạng đầu thế kỷ XX của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, thơ của chiến sĩ cộng sản lớp trước ở nửa đầu những năm 30, nhưng thơ ông đã được đổi mới trên cơ sở vận dụng những thành tựu hiện đại hóa thơ ca đương thời, đem đến cho văn học cách mạng một tiếng thơ sôi nổi, nhiệt huyết và tràn đầy cảm hứng lãng mạn cách mạng, góp phần làm sáng rõ khuynh hướng trữ tình chính trị - khuynh hướng lớn và có vị trí chủ đạo trong suốt mấy chục năm của nền thơ hiện đại Việt Nam. Nhưng con đường đi của Lê Đức Thọ và các nhà thơ cộng sản như ông khác con đường của các nhà Thơ Mới, bởi vì thơ ông gắn liền với lý tưởng cộng sản và cuộc đấu tranh cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, thơ ông giàu chất sống thực tế, chan chứa tình cảm cách mạng, thiết tha yêu đời, yêu con người. Những bài thơ trong tù, những bài thơ viết trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, chiến tranh biên giới Tây – Nam, những năm tháng sau chiến tranh phải vật lộn với bao khó khăn gian khổ - tất cả là hiện thực sinh động, là tấm lòng nồng hậu, tin yêu, cảm thông, chia sẻ.

Điều đáng trân trọng là, hai tập thơ ra đời đều gắn với hai lần ra tiền tuyến, hàm chứa những cảm xúc đầy tính nhân văn đối với những con người mà ông đã gặp trên con đường trường chinh cách mạng. Qua những dòng viết về người mẹ, em liên lạc, chiến sĩ lái xe, cô gái công binh…, ông thể hiện tình yêu con người, cùng đồng cảm, sẻ chia những tâm sự chân thành cùng những khó khăn, gian khổ của họ. Lòng yêu nước, thương người cùng lý thưởng cách mạng đã truyền nghị lực cho ông vượt qua mọi khổ nhục, đớn đau trong lao tù đế quốc:

Áo quần một bộ tả tơi

Chân cùm hai lỗ, chiếu trời nửa manh

Muỗi rệp đốt năm canh không ngủ

Nằm lại ngồi nhức mỏi khắp thân

hoặc:

- Cơm thóc sạn, rau già, cá thối

Thịt trâu gân chấm muối

Giam hãm mãi hàng tuần không tắm

- Chấy rận bò, ghét lẫn mồ hôi…

Trước cảnh bị thực dân Pháp bắt giam hai lần, ông bị đày ải hết các đề lao Nam Định, phải chịu bao nỗi cực khổ:

Chốn xà lim một mình vò võ

Nỗi buồn riêng biết ngỏ cùng ai

(Xà lim oán)

Nhưng ông đã vịn, đã tựa vào thơ để sống, chiến đấu, để nhận mặt kẻ thù, sát cánh cùng các đồng chí đấu tranh chống kẻ thù xâm lược với tinh thần của người cộng sản. Lúc đó, thơ quả là sức mạnh tinh thần lớn lao:

Xiềng xích kia phải quyết phá tan

Sao cho đời hết lầm than

Dựng nên xã hội hoàn toàn tự do

(Xà lim oán)

Một cách tự nhiên, thơ ông thường ẩn chứa những hiện tượng có tính chất đối lập: Lòng yêu nước và lòng căm thù quân xâm lược; thực trạng bế tắc của cuộc sống thực tại với ý chí vươn lên của người cách mạng; hình ảnh đen tối của xã hội với sắc màu thiên nhiên trong sáng, tươi mới… Dẫu có những cặp phạm trù đối lập, nhưng thơ ông lại thống nhất trong nhận thức, trong ý chí, sáng rõ tinh thần của người cộng sản nắm chắc chân lý, mắt nhìn thấu tương lai.

Hướng tới lý tưởng “dựng nên xã hội hoàn toàn tự do”, thơ Lê Đức Thọ tràn trề niềm lạc quan cách mạng, đặc biệt dào dạt cảm hứng xuân trong nhiều bài thơ: Ý xuân, Rừng mai, Lòng xuân chiến sĩ, Rượu xuân, Tin xuân, Những mảnh lòng xuân, Mùa xuân. Xuân trong thơ ông luôn tiềm tàng các khía cạnh sâu sắc, thi vị, vui buồn đan xen. Những mùa xuân trước cách mạng trong thơ ông đau đáu nỗi buồn trước cảnh nhà tan, nước mất:

Nằm đón xuân về trên ổ rạ

Xóm làng đã vắng bóng cây nêu

Pháo im tiếng pháo không giòn giã

Những túp lều tranh vắng khói chiều

Non nước đìu hiu xơ xác quá

Xuân về như vẽ nét thê lương

Của bao kiếp sống đang quằn quại

Giữa cảnh điêu tàn của máu xương

(Ý xuân)

Nhưng từ trong khổ đau đó, càng hun đúc ý chí chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược để giành lại những mùa xuân tự do, no ấm cho dân tộc:

Xuân ở lòng ta đã khác rồi

Bao nhiêu mơ mộng bạn đời ơi

Đã đem chôn xuống mồ quên lãng

Thề hẹn non sông dám phụ lời

(Lòng xuân chiến sĩ)

Xuân giúp con người bần cùng đau khổ nhận rõ nguồn cơn, đi đến hành động của người cách mạng:

Lòng tôi se lại trong đau khổ

Máu hận phun lên lửa bất bình

Muốn đập cho tan xiềng xích cũ

Xuân về xóa hết vạn điêu linh

(Ý xuân)

Trong bài thơ “Rừng mai, mùa xuân trở thành biểu tượng của niềm tin, ước hẹn”:

Mai hẹn xuân về mai lại nở

Khách còn hẹn trước với chông gai

Xuân của ý niệm thời gian, của sự sống truyền cho người cách mạng vượt lên mọi trở ngại, gian truân:

Đường xa mải miết quên ngày tháng

Dòng nước thời gian vẫn chảy đều

Mùa xuân mang tới ánh sáng mới lóe lên từ lòng người, thổi lửa tin yêu hy vọng vào những mùa xuân cách mạng đang tới:

Một mùa xuân mới không xa nữa

Nó đã đương về với thế gian

Trăm cánh hoa lòng đều hớn hở

Không còn tiếng khóc với lời than!

Thơ về Đảng là hình tượng luôn tiềm ẩn trong chiều sâu thơ ông, dẫu không nhắc nhiều chữ Đảng. Qua một số bài thơ như Người đồng chí, Tặng báo Nhân dân nhân kỷ niệm 30 năm ra số báo đầu nhà thơ cất lên tiếng lòng thẳm sâu ơn Đảng. Đảng là ánh sáng, là tương lai, là mùa xuân dân tộc. Sự kiện con được kết nạp Đảng đã làm trái tim nhà thơ đập rộn ràng, nồng ấm:

Hôm nay ba gọi con đồng chí

Hai chữ mà sao lắm mến thương

Tình nghĩa sắt son chung lý tưởng

Vào sinh ra tử một con đường

Đến với Đảng, mỗi người tự nhủ lòng phải phấn đấu không ngừng để hoàn thiện mình. Nhân sự kiện Cha gọi con đồng chí, tác giả không quên nhắc nhở trách nhiệm người đảng viên trẻ:

Muốn hái mùa xuân nhân loại ấy

Còn nhiều vất vả, lắm gian nan

Lời tâm tình với người con cũng là biểu hiện ân nghĩa của Đảng dành cho chính mình:

Đảng đã cho con cả cuộc đời

Cả mùa xuân thắm rộn vui tươi

Chắp cho đôi cánh thành tiên đó

Con hãy bay đi tận cuối trời

Và do vậy, đứng trong đội ngũ của Đảng, càng phải bồi đắp ý chí cùng bản lĩnh để vượt qua mọi thách thức, gian lao:

Đường đời chưa hết cheo leo

Mặc cho sóng gió vững chèo tiến lên

(Tặng báo Nhân dân)

Thơ Lê Đức Thọ luôn hành trình cùng dân tộc. Những cảnh đời, con người hiện ra trên con đường đó đã vào thơ ông chân thành và cảm động. Những hình ảnh gần gũi trong cuộc sống đi vào thơ ông một cách tự nhiên. Đó là bà mẹ kháng chiến ở quán nước bên đường vui mừng đón người con chiến sĩ:

Đâu biết ngày nào mong gặp lại

Miếng trầu bát nước tiễn đưa con

Tuổi già vui với gian lều hẹp

Một chút lòng thành gửi nước non

(Người mẹ)

Đó là em liên lạc mà nhà thơ gặp trên chặng đường hành quân:

Nhìn em đôi mắt long lanh

Căm hờn đã bén tuổi xanh những ngày

Em ngồi gần nữa lại đây

Cho bừng lửa hận cho say đôi lòng

(Em liên lạc)

Đặc biệt thơ Lê Đức Thọ nặng tình thương mến người chiến sĩ. Tập thơ Gửi anh bộ đội, toát lên sự thấu hiểu tận cùng mọi gian khổ, thiếu thốn của người lính qua cái ăn, cái mặc:

Đời chiến sĩ còn nhiều khổ cực

Quần áo mỏng manh cơm có bữa chưa no

Ông xúc động và khắc sâu hình ảnh người chiến sĩ đã dành tình cảm cho mình:

Tôi nhớ buổi chiều anh cõng tôi lên

Thương tôi yếu không thể nào leo hết dốc

Mỗi bước anh đi tôi đếm từng nhịp thở…

Với bài Họa thơ Bà Huyện Thanh Quan, ông họa thơ xưa để nói cái hào khí của dân tộc thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ, nhưng phơi phới niềm lạc quan chiến thắng:

Quân vượt đèo Ngang quyết diệt tà

Chiến công nối tiếp nở như hoa

Bom rơi chật đất thù muôn thuở

Máu đổ tràn sông hận mỗi nhà

Đã quyết hy sinh cho đất nước

Quản gì nát thịt với tan da

Ngày vui thống nhất không xa nữa

Nam Bắc sum vầy ta gặp ta

Niềm vui trong thơ ông luôn gắn với từng chặng đường lịch sử của dân tộc. Đặc biệt, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng mang tới không khí hồ hởi, náo nức cho cả đất nước:

Đường vào tiền tuyến lắm tin vui

Thắng trận reo mừng khắp mọi nơi

Giục giã đường xa mau kịp bước

Thời cơ thuận lợi tới nơi rồi

(Lời anh dặn)

Vẫn biết thơ là vũ khí đấu tranh, nhưng ông không đồng tình với lối viết lấy được, xô bồ chữ nghĩa, thiếu độ tinh tế của cảm xúc, nghĩa là không có sự rung động của trái tim. Ông cho rằng sáng tác thơ phải có hứng thú “Sự nắm bắt thực tế và sự xúc động trước thực tế trở thành nguồn động lực thôi thúc mình viết”1. Dù nặng lòng với thơ, nhưng không phải lúc nào thơ cũng đến. Trên hết vẫn là sự nghiệp cách mạng cứu nước, cứu dân, nên nhiều khi ông chỉ ấp ủ, “thai nghén” trong lòng mà chưa có điều kiện bộc lộ vì những công việc bề bộn của cách mạng, của Đảng giao cho.

Ông tâm sự chân thành về nguồn cội những bài thơ của mình: “Những bài thơ tôi viết ra phần nhiều trên các chặng đường đi, hay sau khi vừa kết thúc chặng đi. Lúc về công việc ùn tới, tôi khó có thời gian viết và cũng mất dần những hứng thú ban đầu để viết. Viết ngay những gì mình xúc động thì mới có sức sống thực tế trong thơ, nhưng sau khi bài thơ hoàn thành, thời gian dành cho sự gọt giũa cần thiết không có, nên không ít những bài thiếu tính nghệ thuật trong thơ…”2.

Những bài thơ có tính chất tự sự của đồng chí Lê Đức Thọ giúp người đọc hiểu hơn tính chất thực của cuộc sống và mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, giữa cảm xúc nghệ sĩ và sự thành công của tác phẩm.

Đến với thơ, Lê Đức Thọ không có ý định thành danh ở sự nghiệp văn chương này, mà trước hết dùng tiếng nói tâm tình để thể hiện sâu sắc tấm lòng nhiệt huyết của mình với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân. Lý tưởng đó đã giúp người chiến sĩ cộng sản Lê Đức Thọ sống, chiến đấu không mệt mỏi, dâng hiến cả cuộc đời, không sợ tù gông, chấp súng gươm. Thơ của lãnh tụ Lê Đức Thọ đầy ắp niềm tin vào con người, vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng.

Đường cách mạng là đường dài vô tận

Đầy chông gai nhưng cũng đầy cỏ lạ hoa thơm

Gấp lại những trang thơ Lê Đức Thọ, lòng chúng ta xốn xang, bồi đắp tin yêu, hy vọng vào tương lai sáng tươi của đất nước trong thời điểm vận hội, cơ may đan xen không ít thử thách, khó khăn. Chúng ta đón nhận niềm tin của ông trong những năm đất nước với bề bộn, gian nan trước thềm đổi mới, nhưng những dòng thơ của ông vẫn tràn đầy niềm lạc quan cách mạng:

Mai này đất nước thắm tươi

Một mùa xuân mới đầy trời nở hoa.

N.H.V

__________

1. Nhớ về anh Lê Đức Thọ - NXB Chính trị Quốc gia, H, 2000

2. Nhớ về anh Lê Đức Thọ

 

 
 
NGUYỄN HỒNG VINH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 207 tháng 12/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground