Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có thể làm gì để văn chương tăng sức hấp dẫn và vượt qua thách thức của thời đại

C

húng ta nhận thấy khá rõ những lúng túng, loạng choạng của văn chương, bên cạnh những tìm tòi, nỗ lực căng thẳng, trong quá trình vận động và phát triển hiện tại. So với trước, số đầu sách văn chương nhiều gấp bội, nhưng số lượng sách lại rất hạn chế, số sách đến được với người đọc  thật sự càng hiếm hoi. Nhiều người cho là do sự lấn át của truyền thông đại chúng, của văn hóa nghe nhìn. Chắc chắn đây cũng là nguyên nhân có thực và dễ nhận ra.

Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ, sẽ thấy sự “thất thế” của văn chương và “ưu thế” của truyền thông đại chúng và văn hóa nghe nhìn đều có chung nguồn cội là đặc điểm sinh hoạt xã hội hiện tại, là tinh thần thời đại, khi kỹ thuật, công nghệ chi phối mạnh mẽ mọi lĩnh vực, lối sống vật chất, hưởng thụ lấn át tinh thần, hình thức khuynh loát nội dung.

Để khắc phục những khó khăn, bất lợi của văn chương so với các loại hình nghệ thuật khác, tăng cường tính hấp dẫn và khả năng phổ biến của văn chương, không chỉ bây giờ mà từ khá lâu trước đây, một số phương sách, sáng kiến đã được áp dụng, như xuất bản những tác phẩm văn xuôi cổ điển có dung lượng lớn dưới dạng tóm tắt, ngâm thơ, đọc diễn cảm, độc tấu tác phẩm, chuyển tác phẩm văn chương thành tác phẩm sân khấu, điện ảnh, và gần đây là khuyến khích sáng tác những truyện cực ngắn triễn lãm, trình diễn tác phẩm văn chương… Các nỗ lực, sáng kiến đó đều có cơ sở, đáp ứng một số nhu cầu thực tế nhất định và giúp cho tác phẩm văn chương được tiếp nhận thuận lợi, đến được với đông đảo người thưởng thức hơn.

Nhưng, theo tôi nghĩ, sức hấp dẫn của văn chương chủ yếu nên tăng cường theo hướng khai thác bản chất, thế mạnh và tiềm năng của chính nó. Thật đúng lúc để nhấn mạnh ở đây quan niệm và lời khuyên sáng suốt của Lev Tolstoi: “Mỗi nghệ thuật là một bàn cờ, cần đi sâu để tìm ra cái mới. Những người không có khả năng đi sâu thường lôi kéo về bàn cờ này những cái của nghệ thuật bên cạnh và nghĩ rằng họ đã tạo ra cái mới. Thơ lấy cái của âm nhạc, và ngược lại hội họa lấy cái của thơ v.v…”. Nếu quả văn chương là một bàn cờ có qui tắc riêng, thì nhà văn phải tìm mọi cách để khai thác hiệu nghiệm nhất đặc trưng, khả năng, lợi thế của bàn cờ đó, chứ không phải nỗ lực tối đa để kéo về đây những yếu tố lôi cuốn của các nghệ thuật khác.

Văn chương thường được xếp vào lĩnh vực tư tưởng, gắn liền với đạo, đạo đức, có khi được coi là một hoạt động nhận thức, phản ánh cuộc sống, một dạng đặc biệt của tư duy triết học; có lúc nó lại được xem xét dưới góc độ mỹ học, văn hóa học. Nhưng, phổ biến hơn, văn chương được xách định là nghệ thuật ngôn từ, tức là một loại hình nghệ thuật dùng ngôn từ làm phương tiện nhận thức và biểu đạt. “Định nghĩa” này về văn chương mang rõ tính chất hiện đại, bộc lộ được sâu hơn bản chất đặc trưng của văn chương.

Văn chương là nơi giữ gìn và phát triển ngôn ngữ vốn là sáng tạo vĩ đại của các cộng đồng, các dân tộc, là công cụ giao tiếp quan trọng bậc nhất của con người trong sinh hoạt xã hội. Nhà văn lớn thường là một bậc thầy về ngôn ngữ. Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tản Đà là như vậy. Ngôn ngữ văn chương cực kỳ phong phú, sinh động, tinh tế, người làm văn chương luôn có ý thức, luôn phấn đấu để nắm vững, sử dụng chủ động và linh hoạt ngôn ngữ, khai thác mọi tiềm năng của ngôn ngữ, sáng tạo ngôn ngữ. Trong thời buổi mà ngôn ngữ dễ bị nghèo đi, xơ cứng, dung tục hóa, do ảnh hưởng của tư duy công thức, của sự tiện dụng, sự xuống cấp, thô bạo trong văn hóa ứng xử, nhà văn lại càng phải chú ý giữ gìn ngôi đền thiêng ngôn ngữ của dân tộc.

Tiếp xúc với một tác phẩm văn chương hiện đại, điều người đọc hiểu biết quan tâm đầu tiên là ngôn ngữ. Chính sự độc đáo, mới mẻ, tài hoa thể hiện ở ngôn ngữ làm cho người đọc không thể thờ ơ, bàng quan với tác phẩm. Có thể coi đây là “mối duyên đầu” tạo nên sự ngạc nhiên, hứng thú, khiến phải đọc tiếp tác phẩm để khám phá, thưởng thức. Các nhà văn, nhà thơ thuộc nhiều thế hệ như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Duy, Nguyễn Huy Thiệp,… đã mất nhiều công phu để tạo nên một ngôn ngữ văn chương có cá tính và đầy sức sống. Nhà văn Đỗ Chu viết không nhiều, nhưng thú thật tôi luôn không thể không đọc những tác phẩm của anh, từ những truyện ngắn đầu tay cách đây mấy thập niên cho đến những tùy bút gần đây. Lúc này, sức hấp dẫn những trang viết của Đỗ Chu phải chăng không còn là cách nhìn đời trẻ trung, tươi mới, xúc động như trước kia, mà chính là ngôn ngữ biến hóa, tinh tế, giàu chất thơ của anh.

Dựa vào chất liệu ngôn ngữ, tác phẩm văn chương là một công trình ngôn ngữ, một sáng tạo về ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ chỉ là một thành tố, một mặt của tổng thể là công trình nghệ thuật. Cái đẹp, sự hài hòa, sự sống là nền tảng, lý tưởng của ý thức thẩm mỹ, của nghệ thuật. Là nghệ thuật, văn chương phải thể hiện được cái đẹp, sự hài hòa, sự sống trong cấu trúc của nó, trong nội dung và hình thức, cũng như trong mối liên hệ của nó với cuộc sống, và phải hướng con người tới cái đẹp, sự hài hòa, sự sống.

Nghệ thuật giữ gìn và bồi dưỡng cho con người khả năng ngạc nhiên vốn là một phẩm chất vô cùng quí báu của thời thơ ấu, của tuổi trẻ, giúp con người luôn nhìn thấy cái mới trong cuộc sống, tránh được sự thờ ơ, sự nhàm chán, nỗi ám ảnh của tuổi già nhìn đâu cũng “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Nghệ thuật cũng giữ gìn và bồi dưỡng cho con người khả năng xúc động khiến con người không chỉ tiếp xúc mà thâm nhập vào linh hồn của sự vật, qua đó mà tăng thêm sức sống cho chính mình.

Hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ngôn từ, nhà văn càng không thể coi thường năng lực tư duy, tư tưởng vốn là sức mạnh giúp con người vượt qua tình trạng bản năng, thú vật để thật sự trở thành người. Pascal định nghĩa: con người là "một cây sậy biết suy nghĩ" (un roseau pensant). Descarter cũng quả quyết: "Tôi tư duy, vậy thì tôi tồn tại" (Je pense donc je suis).

Thực tế chứng tỏ, với quan niệm văn chương là nghệ thuật ngôn từ, trong sáng tác cũng như nghiên cứu, thường có thiên hướng xem nhẹ mặt tư tưởng của văn chương. Quan tâm đến cả lý thuyết và thực tiễn, nên khẳng định văn chương là một hợp chất tư tưởng nghệ thuật - ngôn từ. Thiếu nghệ thuật, cũng như thiếu tư tưởng hay ngôn từ, đều không thành văn chương. Chính do sự kết hợp, kết tinh,, do bản chất, chức năng "tam vị nhất thể" này mà văn chương, thi ca không bao giờ chỉ đơn thuần là hình thức, cái đẹp, lời nói, trò chơi mà là tinh thần, tình cảm, triết lý, bản lĩnh, hồn cốt của một dân tộc, một đất nước, là sự thấu thị minh mẫn của nhân loại, của thời đại, sự chiêm nghiệm về lẽ sống, về hạnh phúc, thân phận của con người, thể hiện sự phấn đấu không ngừng của con người trong trường kỳ lịch sử để trở thành người, để có một cuộc sống ngày càng tự do, có ý nghĩa, xứng đáng hơn.

Ở bất kỳ thời đại nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con người luôn luôn suy nghĩ, ý thức về thực trạng sống của mình, tìm cách để thoát ra khỏi sự khốn quẩn, bế tắc, bất hạnh. Đương nhiên, tư tưởng không phải là biểu hiện sống duy nhất của con người. Cho nên, nếu ở đâu đó, chỉ nhấn mạnh một chiều tư tưởng suốt thời gian dài, mà tư tưởng lại được hiểu một cách hạn hẹp đơn thuần như là ý thức hệ, thì sẽ khiến cho con người mệt mỏi. Tình hình này có thể làm cho một số người nhầm tưởng rằng nên xa lánh tư tưởng, làm cho tư tưởng nhạt nhoà đi trong văn chương, thì mới tạo được sức sáng tạo độc đáo của văn chương.

Thời đại chúng ta đang sống là thời đại có nhu cầu rất cao về nghệ thuật và về tư tưởng, về nghệ thuật có chiều sâu tư tưởng. Chưa bao giờ con người đứng trước nguy cơ sa đoạ về  nhân phẩm như hiện nay; chưa bao giờ con người bắt buộc phải suy nghĩ để hiểu, để tìm lời giải đáp cho những vấn nạn bề bộn và phức tạp đang đặt ra trước mắt, phải lựa chọn cách sống, phải tìm đường đi như hiện nay. Cho nên rất cần tư tưởng. Tư tưởng của thi ca, của văn chương được hiểu theo nghĩa rộng là thái độ, là ý thức của con người đối với cuộc sống, nó bao gồm cả tình cảm, lương tri, quan niệm, trí tuệ, năng lực tư duy của con người, của nhân loại trong thời đại này để biết rõ thực trạng nhân thế hiện tại, thấy được triển vọng và nguy cơ đang đối mặt, biết phải bảo vệ môi trường sinh thái đang bị huỷ hoại một cách nghiêm trọng, biết tôn trọng và giữ gìn các nền văn hoá khác nhau, các thành tựu và giá trị văn minh mà loài người đã đạt được, để các dân tộc, các quốc gia biết cách sống hoà bình, hữu nghị bên nhau, để chống lại mọi hành động và mưu toan tàn bạo, điên cuồng đe doạ sự tồn tại của chính loài người.

Cho nên con đường tăng cường sức hấp dẫn của văn chương, làm cho văn chương được phổ biến rộng rãi nhất chính là phải làm sao cho văn chương phát huy được tối đa năng lượng chất chứa trong hợp chất nghệ thuật - tư tưởng - ngôn từ đó.

Không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều dân tộc, nhiều quốc gia, tác phẩm văn chương không đơn thuần chỉ để thưởng thức, mà được đem dạy ở nhà trường từ mẫu giáo cho đến đại học. Nó giữ gìn và phát huy cái công cụ tư duy và giao tiếp quan trong bậc nhất của con người, giúp con người biết sống đẹp, có khả năng thâm nhập vào những lĩnh vực, những chiều kích hết sức rộng lớn, phong phú, đa dạng, tế vi, phức tạp của con người, của cuộc sống.

Kết hợp nhuần nhị cả nghệ thuật, tư tưởng, ngôn từ, sức mạnh của văn chương chủ yếu nằm ở chiều sâu, sự lắng đọng, sự chiêm nghiệm, chứ không phải ở bề rộng, bên ngoài, sự ồn ào. Văn chương không đòi hỏi sự tiếp nhận hay phản ứng tức khắc, mà cần lắng đọng, nghiền ngẫm để từng bước tham gia bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ con người.

Tác phẩm văn chương đến được với đông người càng tốt, nhưng cũng rất quan trọng là nó phải đến thật sâu với một số người nào đó, những người có nhu cầu tự giác về văn chương, những người có khả năng truyền đạt lại giá trị và ý nghĩa của văn chương cho nhiều người khác.

Nhờ các nhà văn tạo nên tác phẩm văn chương, nhờ các nhà phê bình, các nhà nghiên cứu văn chương, các nhà văn hoá, tư tưởng quan tâm đến văn chương, hiểu biết và đề cao các giá trị văn chương, mà giá trị và ý nghĩa của văn chương được bảo tồn và truyền lưu qua nhiều thế hệ trong đời sống tinh thần của các dân tộc và nhân loại.

Sức hấp dẫn của văn chương phải được tạo dựng từ ba phía: người sáng tác, người đọc và người phê bình nghiên cứu. Đối với người sáng tác thì phải làm sao để có được những tác phẩm hay, có giá trị, đáp ứng được nhu cầu tư tưởng thẩm mỹ của người đọc. Đòi hỏi của người đọc ngày càng cao, ngày càng phong phú, đa dạng, nhưng trước cuộc sống xô bồ, khuynh hướng vật chất, hưởng thụ tràn ngập không ít người cầm bút đã xa rời cuộc sống, biến tinh thần tự do cá nhân chân chính thành thói nhấm nháp, huênh hoang với cái tôi của mình, hành nghề một cách vội vàng, cẩu thả, chạy theo thời thượng và thị hiếu tầm thường. Rất ít những vấn đề thiết thân, mới mẻ, nhức nhối của cuộc sống, của thời đại, của con người được khám phá, phát hiện, phản ánh trong tác phẩm văn chương nhiều năm gần đây.

Bên cạnh nhà sáng tác, người phê bình nghiên cứu văn chương, do nghề nghiệp và trình độ chuyên môn phải là người có ý thức nhất về giá trị và ý nghĩa của văn chương, về bản chất và chức năng của văn chương, do đó phải làm sao cho văn chương vận động và phát triển trên con đường lớn. Nhược điểm lớn và khá phổ biến của giới phê bình, nghiên cứu văn chương vừa qua là không đầu tư công sức thích đáng vào chuyên môn nghề nghiệp này, công việc nhìn chung được tiến hành một cách ngẫu hứng, nghiệp dư. Ở đây không ít người lại có quan niệm không đúng đắn về bản chất và chức năng của văn chương, do đó không khuyến khích những hiện tượng cần khuyến khích, mặt khác lại cổ vũ những hiện tượng lẽ ra cần phê phán, đặc biệt có thái độ tán đồng sự xa rời cuộc sống, tinh thần sùng ngoại và chủ nghĩa hình thức. Do chuyên môn nghề nghiệp của mình, người phê bình, nghiên cứu phải trang bị cho mình những hiểu biết sâu rộng về lịch sử văn chương, về cuộc sống, về thời đại, có như vậy mới có thể đánh giá chính xác các hiện tượng văn chương, kịp thời nhận ra cái mới thật sự, triển vọng cũng như lệch lạc trong sự vận động và phát triển của văn chương. Trong tình hình hiện tại, trí tuệ, sự sáng suốt và nhạy cảm của nhà phê bình, nghiên cứu lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Người đọc đến với tác phẩm văn chương do thích thú cá nhân, qua chương trình học ở nhà trường, hoặc qua sự giới thiệu của bạn bè, báo chí, nhà phê bình. Việc tiếp xúc với tác phẩm văn chương ở nhà trường là cực kỳ quan trọng. Ở đây người ta có điều kiện đọc kỹ tác phẩm, tự mình suy ngẫm, trao đổi với bạn bè những điều được tác phẩm nói đến và gợi ra, từ hiểu biết và kinh nghiệm bản thân và do yêu cầu của cuộc sống. Hơn bất kỳ một bộ môn nào khác trong nhà trường, văn chương giúp con người biết sống, hình thành và hoàn thiện nhân cách. Theo Albert Einstein, "mục đích của nhà trường luôn phải làm cho học sinh có một nhân cách hài hoà chứ không phải đào tạo họ thành nhà chuyên môn". Tất nhiên việc dạy và học môn văn phải phù hợp với bản chất và mục tiêu của môn văn trong nhà trường. Trước tên là phải chọn cho đúng những tác phẩm văn chương cần dạy trong nhà trường, những tác phẩm hay, có giá trị nhất trong kho tàng văn học của dân tộc và của nhân loại. Phải coi đây là biện pháp quan trọng hàng đầu và có tính khả thi để tăng cường sức hấp dẫn cho văn chương hiện nay.

Trong văn chương nghệ thuật, cá tính sáng tạo và nhu cầu tự biểu hiện không thể xem nhẹ. Nhưng ở chiều sâu sự sáng tạo luôn đòi hỏi, một mặt, phải hiểu biết, khám phá, đúng như Phạm Văn Đồng nói là hiểu biết, khám phá, sáng tạo, và mặt khác, ý thức về người đọc, do vậy mà từ trong thâm tâm, người sáng tác luôn mong mỏi tri kỷ, tri âm. Muốn cho văn chương đến được người đọc và người đọc đến với văn chương, cần có thái độ tích cực và nhu cầu từ cả hai phía.

Bàn về sức hấp dẫn của văn chương, tôi nghĩ rất đáng suy ngẫm ý kiến của Hồ Chí Minh về những khâu thiết yếu của quá trình sáng tạo: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Viết rồi phải làm gì?

N.V.H 

 

Nguyễn Văn Hạnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 219 tháng 12/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground