Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cửa Việt luôn là Cửa - Gió mới

Đ

ể đánh dấu cái cột mốc bạn đọc và bạn viết dấu yêu đã đồng hành cùng 200 số Tạp chí, Ban Biên tập mở cuộc phỏng vấn bàn tròn, chớp nhoáng. Với số lượng khách mời có hạn, chắc chắn sẽ không bao quát song đây sẽ là những thông tin bổ ích về hoạt động của toà soạn bên lề 200 số báo.

1-Trước hết xin giới thiệu phần trả lời phỏng vấn của nhà văn Xuân Đức, nguyên TUV- Giám đốc sở VH-TT - Tổng Biên tập CV. Với tình cảm và trách nhiệm của người đi trước, anh đã ưu ái và sốt sắng chuyển tới BBT bài viết có tên là “Thân phận một dòng sông- Số phận một tờ báo…”minh triết và xúc động. Xin được trình làng:

Cửa Việt là tên một cửa biển mà cũng là tên một con sông… Dòng sông Cửa Việt là dòng sông rất đặc biệt, nó có cái gì đó khiến người ta liên tưởng đến thân phận một dân tộc, hoặc ít ra là sự hiện hồn của mảnh đất Ô châu ác địa.  Lúc lấy tên Cửa Việt (là tên sông Cửa Việt hay tên cửa biển Cửa Việt) đặt tên cho tờ Tạp chí văn nghệ của tỉnh nhà, không biết nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có hàm ý gì... Tôi đoán là, nhà văn họ Hoàng nghĩ nhiều đến khát vọng giao lưu, hội nhập, một khát vọng bỏng cháy trong tim những người văn nghệ sĩ sau nhiều thập kỉ dài phải gò mình vì hoàn cảnh lịch sử. Tôi hình dung Hoàng Phủ với dáng gầy gò, đôi tay khẳng khiu đang đứng trước cửa biển lớn có cái tên gọi đầy tính chất đại diện của dân tộc: Cửa Việt, dang tay, ngước cao đầu, mở tròn hai mắt nhìn ra biển lớn và hô to: Nhân loại ơi, ta đến đây!

Tôi nói là đoán và tự mường tượng ra, bởi vào thời khắc ấy tôi đang còn người của Quân đội công tác tại Hà Nội, chỉ là bạn văn của anh em văn nghệ quê hương chứ chưa phải là thành viên, là hạt nước trong dòng chảy của văn nghệ Cửa Việt. Phải 6 tháng sau khi tờ Tạp chí Cửa Việt ra đời, tôi mới được trở về nhập cuộc.

Tuy nhiên, sau tất cả những gì đã xẩy ra với tờ tạp chí cũng như đối với  lực lượng văn nghệ đầu đàn ở đất này, tôi bỗng giật mình, sao cái tên Cửa Việt lại “ám” thế? Có phải ông Hoàng Phủ là nhà chiêm tinh không, sao mà cái Măng sét tờ báo lại như là tiền định cho thân phận của chính tờ báo đấy. Tờ Tạp chí Văn nghệ Cửa Việt! Xin được đưa ra hai dẫn chứng.

1- Sông Cửa Việt và cửa biển Cửa Việt được tạo thành bởi hai dòng nước.  Dòng thứ nhất là dòng Đakrông, khi về đến Triệu Phong thì mang tên Thạch Hãn. Thạch Hãn chạy vòng qua Thành Cổ Quảng Trị thì bất ngờ lượn ra phía bắc và hoà mình với một dòng nước khác. Dòng nước thứ hai ấy chính là sông Hiếu, có nguồn từ dòng La La trên vùng núi Cam Lộ, chảy êm đềm về đến Đông Hà thì mang tên sông Đông Hà, chảy đến ngã ba Gia Độ thì gặp Thạch Hãn.

Cái ngã ba Gia Độ đó rộng mênh mang như là một vùng đầm phá. Từ đấy, dòng nước lớn có tên Cửa Việt ào ào tuôn ra biển, hùng vĩ vỗ bờm nơi cửa biển cũng được gọi tên là Cửa Việt.

Khi tỉnh Quảng Trị được tái lập, chúng tôi có đến hai tờ Tạp chí Văn hoá- Văn nghệ với hai tôn chỉ gần giống nhau nhưng có tỉ lệ nội dung nặng nhẹ khác nhau. Tạp chí Cửa Việt là của Hội VHNT, phần Văn nghệ là ưu tiên, phần nghiên cứu Văn hoá địa phương chiếm một tỉ lệ thích đáng. Còn một tờ tạp chí khác là Văn hoá Quảng Trị, chủ quản là Sở VH-TT, có phần nghiên cứu văn hoá là trọng tâm, sáng tác văn nghệ cũng có tỉ trọng thoả đáng... Khi Cửa Việt gặp sự cố ở số 17, cũng là lúc Tạp chí Văn hoá Quảng Trị  cập bến 17 số... Một cuộc sát nhập đã xẩy ra... Mỗi bên góp một cổ phần. Tạp chí Văn nghệ góp cái Măng- set Cửa Việt, còn tờ Văn hoá góp cái…trách nhiệm chủ quản. Thế là tờ Cửa Việt mới ra đời mà chúng tôi vẫn thường gọi là Tạp chí Cửa Việt bộ mới.

Thử hình dung xem, có cái gì đó liên tưởng đến sự nhập trộn của hai dòng nước ở ngã ba Gia Độ để có con nước hùng vĩ đổ ra cảng Cửa Việt?

2- Dẫn chứng thứ hai: Như tôi đã nói ở trên, con sông Cửa Việt là con sông rất đặc biệt. Sự đặc biệt thể hiện ở dòng chính của nó là sông Đakrông và Thạch Hãn. Cùng xuất phát ở trên đỉnh Trường Sơn, nhưng hầu hết các con suối khác đều đổ về tây qua đất Lào, chỉ duy nhất con suối Đakrông lại chảy ngoằn ngoèo, lẩn khuất qua rất nhiều ghềnh thác, thay đổi qua rất nhiều tên gọi để cuối cùng lại quặt trở về Đông... Cái sự thuỷ chung, kiên định đối với đất mẹ kể ra cũng chẳng phải lúc nào cũng dễ được nhận dạng, lắm khi còn rất bầm dập nữa. Nhìn sông gợi nhớ những thăng trầm mà tờ Tạp chí Cửa Việt đã trải qua. Lại nhớ và thương Hoàng Phủ lắm lắm..

Dù sao thì đến hôm nay, đã hơn 20 năm khôn lớn, với 200 số báo trình làng, Cửa Việt đã đến cái khúc hoành tráng hùng vĩ nơi ngã ba Gia Độ... Kia là cửa biển với những bờm sóng tung trào... Kia nữa là đại dương ngút ngàn chân sóng, mênh mang khát vọng ước mơ... Kẻ như tôi, với tư cách là một trong hai Tổng Biên tập đầu tiên (tôi là Tổng biên tập Tạp chí Văn hoá cùng đồng thời với anh Hoàng Phủ Ngọc Tường là Tổng biên tập Cửa Việt- Và sau khi hai tờ sát nhập, tôi là Tổng biên tập Cửa Việt bộ mới) cầu chúc cho các bạn trẻ, những người đang săn tay chèo con thuyền Cửa Việt vượt trùng khơi đến được với những cõi đại dương nhân loại...

2- Nhà thơ, nhà giáo ThS. Võ Văn Luyến ở trường CĐSP Quảng Trị gửi về BBT “Mấy ý nghĩ bên lề 200 số Cửa Việt”. Chủ yếu là anh lạm bàn về thơ, nội dung như sau:

Những gì làm nên dáng vóc của một tờ báo văn nghệ, ngoài vai trò “bà đỡ”, là nội năng sáng tạo của người viết và sức tỏa phát của tác phẩm. Ở vị trí thứ nhất, thực tế cho thấy, bà đỡ là linh hồn, là người cầm cờ vẫy gọi, quy tụ tài năng và đẩy con thuyền văn nghệ vượt lên hoặc giật lùi; nó không chấp nhận giải pháp bảo toàn bằng sự cầm chừng mà cần đến sự tôn trọng, khuyến khích những tìm tòi sáng tạo mới. Ở vị trí người viết, thành quả sáng tạo được đảm bảo không nằm ở quyền lực phán xét của một cá nhân nào mà ở công chúng hiểu biết thừa nhận hay không. Dễ thấy, ở địa hạt thơ, thấp thoáng đâu đó cố lấy được để chứng tỏ những “phu chữ” (Lê Đạt) nhưng dường như những hạt chữ gieo xuống không nẩy mầm. Những con mắt thơ thừa biết điều này. Ngay cả với kiệt tác, có ý kiến cho rằng, “Đoạn trường tân thanh ý là chính chứ không phải là lời, lời hay mà ý kém thì có nghĩa gì” (Nguyễn Thế  Quang). Rõ ra vấn đề còn cần bàn thêm. Nhưng soi xét, không ít những tác phẩm thơ được ý non chữ, được chữ non ý. Người thơ không làm chủ mình và không biết dừng lại đúng lúc ở chỗ nào. Nên chăng tạo nếp sinh hoạt về việc “bếp núc” này để có cơ hội trao đổi, chia sẻ? Bởi suy cho cùng, người sáng tạo tự khoác chiếc áo bản lĩnh giả không cầu kiến, tự bằng lòng chính mình có khi đó là nguyên nhân của sự dừng lại. Đó là chưa nói đến tâm lý thích khen làm phương hại đến con đường đi tới của chủ thể sáng tạo.

Những quan hệ tương tác nói trên quan trọng nhưng quyết định phải là chất lượng tác phẩm. Trong 200 số, tạp chí Cửa Việt không mệt mỏi đổi mới nội dung và hình thức. Nói theo cách văn nghệ, các anh chị ấy đã cố gắng làm sao cho “y phục xứng kỳ đức” và trên đại thể, không thể không công nhận những đóng góp mở đường. Văn bút các tác giả ngày càng được tung tẩy hào phóng, thoải mái hơn, gây được chú ý của người đọc nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng cần nhiều hơn những tác phẩm mang hơi hướng phản biện xã hội (thơ, ký, truyện), phản biện nghệ thuật (nghiên cứu, phê bình). Còn nữa, ngoài lực lượng sáng tác tại chỗ, nên giới thiệu những tác giả (trong/ngoài nước) mang phong cách, bút pháp mới nhằm cập nhật và khơi gợi nhiều chiều trong đổi mới văn học. Cần quan tâm nhiều hơn những cây bút năng sản tỉnh nhà nhiều triển vọng và trưởng thành, kích thích động cơ đốt trong ở họ mạnh mẽ hơn, tạo luồng sinh khí mới cho văn chương một vùng đất.

Như bất kỳ một sinh thể nào, muốn phát triển phải có chiến lược lâu dài. Cái khó không của riêng ai, nhưng chúng tôi tin Tạp chí Cửa Việt sẽ được mùa hoa quả nhiều hơn nữa khi cây cành đã tỏa bóng. Xin lạm bàn đôi điều với tinh thần xây dựng. Chúc tạp chí của chúng ta “mãi mãi xanh tươi”!

3- Mấy ý kiến đánh giá, trả lời phỏng vấn của thầy giáo Trương Sĩ Tiến, nguyên Giám đốc Sở GDĐT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, về chuyên mục Người và đất quê hương:

Người đời thường nói: có rất nhiều thứ để chọn lựa ngoại trừ mẹ và quê hương. Gần như mặc định: Ai sinh ra mình là mẹ, nơi chào đời là quê hương. 72 năm trước, tôi ra đời ở đây nên Quảng Trị là quê tôi. Và như nhiều người Quảng Trị khác, tôi yêu mến, gắn bó và tự hào về quê hương mình. Tôi đến với chuyên mục này của Tạp chí từ tình cảm và sự gắn bó đó. Nghĩa là một sự thôi thúc tự nhiên từ đáy lòng. Ở một góc độ khác, lý trí hơn, là từ nhu cầu hiểu biết. Bắt đầu là từ yêu cầu của công việc làm ở giáo dục, rồi ở UBND tỉnh, rồi Khuyến học, việc gì cũng đòi hỏi phải hiểu “Người và đất quê hương”. Có một chuyện đã làm tôi càng gắn bó với chuyên mục, đó là khi đã được tặng cuốn: “Đây: Giang sơn Quảng Trị” của nhà nghiên cứu ngoài tuổi bát thập Nguyễn Đình Tư. Gấp lại 513 trang sách đầy đặn, tôi ngỡ ngàng vì sự hiểu biết phong phú và sâu sắc của ông vì mảnh đất không phải là quê mình. Từ thiên nhiên đến con người, từ kinh tế đến văn hoá, từ người Kinh đến người Thượng, từ tôn giáo đến sinh hoạt cộng đồng... Đặc biệt là những kiến giải sâu sắc về Bộ Việt Thường cùng việc cống nạp nhà Chu con chim trĩ, chuyện Gio Linh phụ âm đầu viết là D hay GI, chuyện 19 nhân vật (nhân danh), 27 vị đại khoa Quảng Trị đến rất nhiều di tích... Tôi phục ông và có phần xấu hổ với chính mình. Vì thế đọc chuyên mục trở thành một giải pháp để lấp dần chỗ trống hiểu biết của tôi.

200 số với hơn 400 bài của chuyên mục là một lượng thông tin đáng kể và đắt giá. Với tôi, đó là sự thoả mãn vì tình cảm, là sự trợ giúp tốt cho công việc và là nguồn bổ sung hữu ích cho sự hiểu biết còn nghèo của mình.

Có thể nói: Tạp chí của một tỉnh nhỏ nhưng làm được điều đó là một thành công không nhỏ và xét về tác dụng thì đây là một đóng góp lớn, có hiệu quả rõ rệt cần khẳng định. Tôi tin rằng không riêng tôi mà bạn đọc trong ngoài tỉnh (nhất là bà con Quảng Trị xa quê) đều có cùng cảm nhận đó.

Giờ đây Tạp chí đang nhịp bước cùng cuộc sống tiến về phía trước. Nâng cao chất lượng của chuyện mục này hẳn đã nằm trong hoạch định của Ban biên tập. Tôi nghĩ và tin: Đây không chỉ là việc cần phải mà hoàn toàn có thể bởi vì “Cửa Việt” luôn là Cửa - Việt – Nam Đổi mới.

Xin nói lời cảm ơn và lời chúc tốt đẹp nhất nhân kỷ niệm tròn 20 tuổi của Tạp chí của một người bạn thuỷ chung.

4- Đồng điệu với ông Trương Sĩ Tiến, nhà văn Đỗ Chu ở Bắc Ninh  điện thoại về tâm tình với BBT Tạp chí nhân tròn 200 số. Quảng Trị là “mảnh đất tụ nghĩa” của cả nước trong đó có nhiều văn nghệ sĩ. Theo anh Chu thì viết về đề tài Quảng Trị hoàn toàn là không dễ chút nào. Xin được lược trích ý kiến của nhà văn Đỗ Chu như là đại diện:

...Vào cuối đời của Nguyễn Minh Châu ta thấy anh thường lặng lẽ mò vào Quảng Trị. Chuyến lên núi, chuyến xuống biển. Có chuyến vài ba tháng, có chuyến nửa năm... Đó là những chuyến trở về của anh, về với một vùng đất vùng người mà anh gắn bó nhất, anh đã thấy chính mình ở nơi ấy. Tôi nhớ như in lời anh Châu tâm sự ở Quân y viện 108: “Mỗi thằng nhà văn đều phải có một miền quê của mình. Nơi ấy chưa chắc đã là quê cha đất tổ, cũng chả phải là chỗ nó đã sinh ra. Nhưng trong đời nó, nơi ấy không bao giờ quên nổi,  nơi ấy ngày đêm cứ trăn trở cựa quậy trong lòng. Đấy là thánh địa mà nó đã gửi gắm hồn mình, nơi để những nhân vật máu thịt của nó đi về, nói năng, yêu thương, thù hận, làm lụng, chiến đấu, mưu mẹo, xảo quyệt và chân thành, xốc nổi, cao cả và thấp hèn, sạch sẽ và bẩn thỉu, thành công và thất bại, rộng lớn như đất đai và những đứa con hư đốn, những tên trộm cướp, tất cả đều bước ra, đều được mang đặt lên trang sách của nó. Với riêng tôi, có lẽ nơi đó phải là Quảng Trị, tôi tìm thấy tôi từ nơi ấy, tôi nghe thấy, cảm thấy từ nơi ấy tất thảy những gì đang diễn ra, sắp  diễn ra trên cõi trần này...” Rõ là khổ, thời chiến tranh nơi ấy khổ và anh ấy chịu cái khổ đã đành; hoà bình rồi vẫn thấy rặt khổ là khổ. Khổ nhất trần gian này không khéo chỉ có Quảng Trị mà thôi.

... Trước đây tôi vẫn thỉnh thoảng bắt gặp đâu đó những trang viết về Quảng Trị, khi thì là một bài thơ, khi thì là một truyện ngắn, có khi là một tiểu thuyết. Bao giờ tôi cũng đọc ngay và bao gìơ tôi cũng hồi hộp như mấy chục năm về trước mỗi buổi sáng thường đọc bản tin chính sự nói về tình hình Thành Cổ vậy. Từ khi CV. Ra đời, đã thấy có một đội ngũ rất đáng để vui mừng và hy vọng. Tờ CV. thật đáng là một chiếc cầu nối đẹp giữa Quảng Trị với Hà Nội và cả nước.

Nhưng cũng vẫn phải nói đề tài Quảng Trị, vấn đề Quảng Trị thực sự là một cái chuông, cái khánh không dễ gì đánh lên đã thành tiếng được. Hãy cứ ghé vai thử coi, nó là cả một gánh nặng giành cho những ai có sức vóc. Nó chính là cái phần việc của những ai đã có đầy đủ sự chuẩn bị, nghĩa là phải có Văn đức lớn. Văn đức lớn là những gì, hãy cứ thắp hương mà hỏi Nguyễn Minh Châu. Hình như nó là tất cả, trí lực, tài năng, tâm huyết...    

5-Ngoài một nhân viên phát hành chuyên trách ăn lương tại Tạp chí, CV. mang ơn nhiều vị CTV phát hành nhiệt tình, tâm huyết. Do thời lượng bài phỏng vấn có hạn, BBT chúng tôi dành cho vị khách cuối cùng là anh Trương Kim Quy, hiện đang công tác tại phòng VH-TT-TT Triệu Phong, là CTV và người phát hành kỳ cựu nhất của CV. Mấy ý kiến của anh có tiêu đề là “Tạp chí Cửa Việt đã về!”:

Từ ngày vừa tách tỉnh Bình Trị Thiên ra thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, tạp chí Cửa Việt ra đời; Toà soạn tọa lạc trên mảnh đất Thành Cổ anh hùng. Tổng biên tập là ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, một nhà văn kì cựu. Toà soạn tất cả vỏn vẹn 10 người kể cả lực lượng cộng tác viên phát hành. Lúc bấy giờ, tôi là Phó Trưởng phòng VHTT huyện Triệu Hải, do đam mê nghề nghiệp tìm đến toà soạn tạp chí CV. tình nguyện làm một cộng tác viên phát hành.

Cuộc hành trình đầu tiên, tôi cùng với đạo diễn sân khấu Công Bảy, mang số báo Dân của Bình Trị Thiên có bài viết Trần Văn Hùng - người sáng chế chiếc máy cấy và số 01 Tạp chí Cửa Việt có bài bút ký Bức thông điệp này biết gửi về đâu của nhà văn Xuân Đức quảng bá, giới thiệu anh Trần Văn Hùng, người ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh, sáng chế chiếc máy cấy sắp hoàn thành, bị đau tim nặng, cần sự  giúp đỡ. Hai anh em chúng  tôi đi xe đạp, vừa phát hành tạp chí CV. vừa quyên góp tiền giúp anh Hùng chữa bệnh và hoàn thành nốt chiếc máy cấy... Tạp chí Cửa Việt ngay từ ban đầu đã được sự mến mộ đón nhận của cán bộ và nhân dân khắp nơi  trong huyện Triệu Hải nói riêng và trong tỉnh Quảng Trị nói chung và cho đến nay nó được xem như là đứa con tinh thần không thể thiếu được trong đời sống hằng ngày; nó thực sự có tầm ảnh hưởng nhất định và để lại dấu ấn tốt đẹp đối với nhân dân trong tỉnh và đồng nghiệp các tỉnh bạn. Thực hiện chủ trương sáp nhập 2 tờ báo lại một, lấy tên là Tạp chí Cửa Việt, cơ quan được chuyển ra Đông Hà, đến nay đã phát hành 200 số. Tôi liên tục làm nhiệm vụ phát hành đến tận những làng quê xa xôi, hẻo lánh như làng Thạnh Hội xã Triệu Vân, làng Nhật Tân xã Triệu Lăng và vùng gò đồi xã Triệu Ái..., riêng tôi phát hành ở địa bàn huyện Triệu Phong mỗi tháng cao nhất là 150 số. Vì không nằm trong biên chế CV. Nhưng để không phụ lòng bạn đọc gần xa trong huyện, tôi đã tranh thủ ngày nghỉ, và kể cả ban đêm để phát hành tạp chí. Tuy có khó khăn nhưng bao giờ tôi cũng tìm cách khắc phục đưa báo đến tay bạn đọc nhanh chóng, kịp thời gian quy định.

Nghề phát hành báo chí cũng lắm vui buồn, nhưng có một điều làm cho tôi vui và hạnh phúc là mọi người không còn gọi tên tôi là Kim Quy, mà từ già đến trẻ gọi tôi một cách thân quen là Tạp chí Cửa Việt đã về! 

Trước lúc chia tay, BBT Cửa Việt xin gửi lời cảm ơn, lời chúc sức khoẻ đến 5 vị khách mời cùng bạn đọc, bạn viết.

                                                        BBT

 

BBT
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 200 tháng 05/2011

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

9 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground