Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đặc sắc truyện ngắn Vũ Trọng Phụng

V

ũ Trọng Phụng (1912 - 1939) không chỉ là nhà tiểu thuyết hàng đầu trong văn học trước 1945. Ông còn là nhà văn viết truyện ngắn tài năng1. Điều này cũng thường thấy ở các nền văn học khác, một khi đã là tiểu thuyết gia, nhà văn đó chí ít cũng có hàng chục truyện ngắn. Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng đến nay vẫn chưa được giới phê bình quan tâm đúng mực. Ngoài lời giới thiệu cho tập 5, Toàn tập Vũ Trọng Phụng2, mà do tính chất, chức năng của nó, lời giới thiệu này chỉ mới khảo sát trên những nét cơ bản, chưa lý giải, phân tích sâu, cụ thể các tác phẩm viết theo thể loại này của nhà văn, còn có bài phân tích các giá trị nhân đạo trong truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng3. Có cảm giác trong bài này, nhà phê bình đã đi khá xa, tiên nghiệm, khi cho rằng, nhà văn “bảo vệ con người trước sự xâm hại” và “thể hiện ao ước của mình muốn cuộc đời tốt đẹp hơn”. Kỳ thực, trong các truyện ngắn của mình, nhà văn chỉ biểu lộ sự cảm thông, lòng thương cảm đối với kẻ đau khổ và bất bình với kẻ ác, không thấy nói đến việc bảo vệ con người, mong muốn gì về cuộc đời. Đây mới chính là thi pháp Vũ Trọng Phụng, khi ông chỉ trình bày mà không thuyết lý, do đó, nhà phê bình rất dễ bước chân vào sự suy diễn.

Truyện ngắn Việt Nam đến những năm 1930, khi xuất hiện những sáng tạo của Vũ Trọng Phụng, đã đi vào quỹ đạo hiện đại. Nói truyện ngắn Vũ Trọng Phụng hiện đại là bởi chúng mang thi pháp hiện đại của thể loại này. Nếu truyện ngắn trước đó của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Chánh Sắt, Lương Khắc Ninh, Nguyễn Bá Học... luôn “thuyết minh hành động” và “đạo đức luân lý”4 thì điều này không tồn tại trong các sáng tác của nhà văn đang được đề cập. Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng không lê thê, dông dài, rườm rà mà cô đọng, súc tích, có mở đầu gãy gọn, kết thúc rõ ràng, dư ba. Truyện chỉ có một, hai tình huống, một, hai nhân vật và diễn ra ở một không gian. Cốt truyện và các yếu tố khác tự nó đã mang thông điệp nhân sinh, nhà văn không cần lên tiếng thuyết lý, phân trần. Ngay cả tên nhân vật cũng đã cuộc đời hơn, không ước lệ, kiểu cách.

Đặc sắc của truyện ngắn Vũ Trọng Phụng nằm ở chủ đề, yếu tố hoạt kê, trào phúng, giá trị nhân đạo, và các kỹ thuật thi pháp khác là điểm nhìn/ người kể chuyện, thời gian - không gian, nhân vật, cách kết thúc truyện kể và kỹ thuật kể chuyện.

Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng có nhiều chủ đề nhưng lặp đi lặp lại trong nhiều truyện của ông đó là sự ám ảnh trước cái vô nhân, lạnh lùng của nhân sinh. Trong các truyện Chống nạng lên đường, Bà lão lòa, Điên, Cái tin vặt, Con người điêu trá, Bộ răng vàng..., nhà văn hãi hùng trước sự tàn ác, nhẫn tâm, lạnh lùng, khô hạn lòng thương, tình đồng loại của con người, hãi hùng trước sự tham lam đến cực độ, bất chấp luân lý, ghê rợn trước sự man trá, giả dối đầy chua cay của nhân sinh. Có lúc ông chua chát trước những lố lăng, đáng cười ra nước mắt trong xã hội đang Âu hóa, khi nó mang trong nó sự nhẫn tâm, sự oái ăm, những giả trá, máu lạnh của kẻ treo đầu dê bán thịt chó lúc khác, nhà văn thấy đắng cay khi nhìn nhân sinh bị tước đoạt mất đi quan hệ ruột rà, bị hắt hủi, ruồng rẫy dù mang lòng thương yêu. Có thể nói, sự cằn cỗi trong tình đời, tình người là mối quan tâm lớn nhất của Vũ Trọng Phụng, làm thành một chủ đề quan trọng nhất trong truyện của ông. Mô tả, trình bày sự bất nhân của người đời chính là đã thực hiện chức năng phản tỉnh đầy ý nghĩa của văn học.

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng phần lớn là những người nghèo khổ, côi cút, biết thương yêu, dù bị hắt hủi vẫn mang trong lòng tình thương dành cho con cháu, là những kẻ cơ cực, tha phương, già nua, bệnh tật, hoạn nạn (Tội bà cô, Bà lão lòa, Cái tin vặt, Chống nạng lên đường...). Đây mới chính là những nhân vật gây ấn tượng mạnh trong lòng độc giả. Có hai thế giới con người trong truyện ngắn của nhà văn, đối lập nhau. Một bên là giàu sang, tiệc tùng, quần áo tây, hát hò, bên kia là những kẻ nghèo túng, rách rưới, bị xua đuổi. Tên nhân vật thường không cụ thể, rõ ràng mà phiếm chỉ (nhân vật L, hắn, bà cô, bà lão lòa...). Như vậy, tính phiếm chỉ cho thấy, phần lớn những kẻ đau khổ này có ở khắp nơi trong cộng đồng hay cả cộng đồng đều gồm những con người nhỏ nhoi, không tên, đang bị hành hạ. Nhân vật truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, nhất là những nhân vật có chút học vấn, địa vị thường hay triết lý, cắt nghĩa, phân tích, lý sự. Một số truyện có ngôn ngữ triết lý, lập luận về một vấn đề nào đó, chủ yếu là về tình yêu, Âu hóa, sát hại (Đoạn tuyệt, Từ lý thuyết đến thực hành, Điên...). Điều này thường thấy ở các truyện được viết vào cuối đời của nhà văn, cho thấy rằng có một hàm lượng suy tưởng nhất định trong các truyện ngắn đó.

Nhân vật truyện ngắn Vũ Trọng Phụng thường suy tư, chiêm nghiệm về lẽ đời và đau khổ trong đêm tối. Bóng đêm là không gian và thời gian ưa thích của Vũ Trọng Phụng, có lẽ bởi chúng phù hợp với số phận, tình cảnh của những con người chỉ có vận đen, hay lầm lũi, cúi mặt. Có thể nói thời điểm gây ám ảnh trong truyện ngắn của nhà văn là ban đêm, dù cũng có những thời khắc khác. Vũ Trọng Phụng hay dùng những mốc thời gian chính xác: “trời xẩm tối”, “3 phút sau”, “8h tối”, “một đêm thứ 7”... Điều này giúp độc giả dễ theo dõi truyện và cho thấy màu sắc phóng sự bởi thời điểm chính xác của các sự kiện được tôn trọng. Hơn nữa, việc dùng các mốc thời gian còn cho thấy cái hiện tại, hiện thời, hôm nay của các vấn đề được đề cập.

Thế giới nhân vật đau khổ thường u uất về đêm đó hay có những kết thúc cuộc đời một cách bất hạnh. Ở đây chúng tôi muốn nói đến kết thúc trong truyện ngắn của nhà văn. Sức nặng của truyện ngắn có thể nói, nằm ở kết thúc. Nhiều truyện ngắn Vũ Trọng Phụng có kết thúc bằng cái chết hay bằng những hành động bất hạnh tương đương (Thủ đoạn, Bà lão lòa, Tội bà cô, Một cái chết, Bẫy tình...). Những kết thúc như thế cho thấy sự đau khổ của nhân sinh, qua đó biểu lộ cái nhìn u ám đối với cuộc đời của nhà văn. Độc giả vì thế cũng giật mình, ngao ngán, thương cảm cho đời, ghê tởm trước sự tàn nhẫn của cuộc đời. Phần lớn những kết thúc bằng cái chết hoặc bằng những hình thức bất hạnh khác xảy ra sau khi nhân vật đã chứng kiến sự vô lương tâm, đã thấy rõ sự thật và cái bản chất đích thực đầy nhẫn tâm của cuộc đời con người và do đó hoặc chết, hoặc quyên sinh và bỏ đi, tức là từ chối, không chấp nhận những bỉ ổi đó. Còn thấy có những kiểu kết thúc khác ở truyện ngắn Vũ Trọng Phụng. Đó là kiểu kết thúc bằng tiếng cười mỉa mai, ngao ngán, chua xót, gợi suy tư miên man cho độc giả (Nhân quả, Phép ông láng giềng...). hay kiểu kết thúc mở, có tính lan tỏa, để lại sự bùi ngùi, nhất là ở những truyện mang tình cảm nhân đạo. Một kiểu kết thúc khác là khi truyện kết thúc, chủ đề cũng đồng thời được bật mở ra, bản chất nhân vật được hiển lộ và thông điệp nhân sinh được phô bày (Sư cụ triết lý, Ông đừng lầm, Bụng trẻ con...).

Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng có hai điểm nhìn, thứ nhất là điểm nhìn của người kể chuyện ở ngôi thứ 3 và điểm nhìn của người kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Người kể chuyện ở ngôi thứ 3 có khả năng thông suốt mọi sự, có thể kể chuyện, quan sát, phân tích tâm lý nhân vật, hiểu được suy tư của chúng (Nhân quả, Cái tin vặt...). Trong những truyện ngắn trào phúng, qua cấu trúc câu, dấu câu, ngữ pháp, giọng điệu, có thể hình dung thấy người kể chuyện ngôi thứ 3 là người hài hước, biết chọc cười, dù giấu mặt, và không phải là một nhân vật trong truyện. Ở đây, dù là người kể chuyện ở ngôi thứ 3, vẫn có thể có sự mường tượng tới hình ảnh tác giả/ nhà văn/ Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, tính chất hiện đại trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng thể hiện ở cách kể chuyện ngôi thứ nhất, xưng “tôi”. Trong nhiều truyện như Cái ghen đàn ông, Lấy vợ xấu, Tội bà cô..., có nhiều giọng kể khác nhau, có nhiều góc nhìn, nhiều tiêu cự đan xen nhau, do có khi người kể chuyện ở ngôi thứ nhất kể chuyện về một nhân vật, nhân vật này lại xưng tôi, kể lại câu chuyện về một nhân vật khác mà nhân vật khác này lại cũng xưng “tôi”, kể lại chuyện của cô ta. Tình trạng có nhiều phân cấp kể chuyện như thế làm cho truyện có kết cấu lồng ghép, truyện ở trong truyện. Trong những truyện ngắn mang giá trị nhân đạo, người kể chuyện xưng “tôi” mà ở đây có thể là tác giả, luôn kể chuyện bằng giọng điệu u buồn, man mác, biểu lộ sự thương cảm.

Một đặc điểm phải nói đến khi khảo sát truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, đó là giá trị nhân đạo. Trong truyện ngắn của mình, nhà văn thường hay mô tả, trình bày những cuộc đời, những số phận đau khổ, bất hạnh. Bản thân việc mô tả, trình bày như thế đã mang giá trị nhân đạo, bởi cũng như các nhà nhân đạo khác, Vũ Trọng Phụng không đề cập đến những con người như thế một cách dửng dưng. Trong các truyện ngắn Tội bà cô, Cái tin vặt, Chống nạng lên đường, Duyên không đi lại..., nhân sinh hiển hiện ra với những nỗi đau đớn, thống khổ, bị xua đuổi, bị khước từ, đầy những tai ương, hoạn nạn. Nhà văn nhiều lần thốt lên, “Thương thay!” trước thân phận của họ. Có lúc, ông chua xót, bùi ngùi khi nhân vật của mình sắp tự vẫn: “Được lìa đời, nó sẽ thoát khỏi mọi điều đau khổ. Đời nó nay xoay ra đến thế là tuyệt vô hy vọng. Trời không thương nó nữa vì xưa nay, nó chỉ mong có lấy một bộ chân khỏe mạnh để kéo xe tay nuôi thân và nuôi cha mẹ mà thôi. Ông trời ngày nay bắt nó què cụt, nó còn sống nữa làm gì?... Nó đã đau khổ lắm... Vì đâu nó phải đến nỗi liều thân như vậy?” (Chống nạng lên đường). Ở một số truyện ngắn, dù không nói lời thương yêu nào nhưng giọng điệu man mác, u buồn khi kể lại những câu chuyện đời đau lòng, đầy bi thương, oái ăm, uẩn khúc đã biểu lộ được lòng thương cảm, ngậm ngùi, tình yêu của nhà văn đối với nhân sinh. Ở truyện Bụng trẻ con chẳng hạn, sau những câu văn lạnh lùng là lớp sóng ngầm ca ngợi tình thương yêu, thông hiểu giữa con người đối với con người (Đây cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo). Giá trị nhân đạo trong các trang văn man mác của Vũ Trọng Phụng để lại sự xúc động trong lòng độc giả và đây là một trong những đặc điểm cơ bản mang lại sức trường tồn cho văn chương nhà văn.

Đọc truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, điều dễ thấy, dễ nhận ra là truyện ông mang tiếng cười. Tiếng cười bàng bạc khắp nơi. Có thể nói Vũ Trọng Phụng rất xứng đáng với tên gọi nhà văn trào phúng bậc nhất trong văn học trước 1945. Đương thời, Vũ Trọng Phụng còn làm thơ châm chích quan trường, nghị trường đăng trên tờ báo hài Vịt đực. Dưới một số truyện ngắn của mình, nhà văn không ngần ngại mở ngoặc ghi là truyện vui. Ở một số truyện, có thể thấy chỉ có tiếng cười thuần túy khôi hài, mua vui, vô hại, vô tư, chỉ để thư giãn, không quá chua chát, cay độc (như các truyện Rửa hờn, Sướng để mà lo, Cuộc vui ít có, Lấy vợ xấu, Một con chó hay chim chuột...). Tuy nhiên, ở nhiều truyện khác, tiếng cười có tính chất châm biếm, chỉ trích, phê phán, nhiều khi rất sâu cay. Có nhiều thủ pháp gây cười trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng. Có khi đó là tình huống gây cười, có khi tiếng cười bật ra sau những mâu thuẫn (giữa bên trong và bên ngoài chẳng hạn), lúc khác, nhà văn gây cười ở cấp độ ngôn ngữ, lời văn. Ở cấp độ ngôn ngữ, có những câu văn gây cười bởi tính khôi hài của nó. Trong truyện ngắn Máu mê, nhà văn viết “Chàng nói lảm nhảm như một nhà sư lúc đi phá giới ở nhà ả đào”. Ở truyện ngắn Đi săn khỉ, Vũ Trọng Phụng làm độc giả bật cười với những lời hài hước sâu cay, phê phán cái thời thượng, sự nghịch lý và thói dốt nát nhưng thích phô trương, với những câu sau đây: “Thú đi săn đối với tôi có một sức ám ảnh mạnh như là của ngọt đối với ông nghiện, cái quần soóc đối với gái tân thời, huân chương phẩm hàm đối với những ông trọc phú, thịt chó hầm rựa mận đối với các nhà sư chân tu”. Ở một số truyện khác, độc giả cười ngao ngán do có sự mâu thuẫn giữa sự thật và giả dối, hình thức tô vẽ ở bên ngoài và sự điêu trá giấu giếm ở bên trong hay do có sự sai đẳng, bất tương xứng giữa lời nói với thực chất, giữa danh và thực. Ở truyện Con người điêu trá, nhân vật chính khi phát hiện ra sự thật được che đậy đã hoàn toàn bất ngờ, như bị tạt một gáo nước lạnh, trở nên điên tiết và điều này gây ra tiếng cười ở độc giả. Ở truyện Bệnh lao chữa bằng mồm... hay là thầy lang bất hủ, độc giả cười chua chát khi thấy ông thầy lang bất tài nhưng bên ngoài thì huênh hoang, hay “nói láo ăn tiền”. Vũ Trọng Phụng, trong các truyện ngắn như Nhân quả, Ông đừng lầm, Phép ông láng giềng, Người có quyền... thường sử dụng tình huống, môtip nhầm lẫn và cốt truyện hài hước để gây cười. Đọc truyện ngắn Cái tin vặt, độc giả cười chua chát, đau đớn, khi thấy người cha tha phương về nhận con nhưng bị từ chối, bị bắt và bản tin về vụ bắt bớ đó làm đứa con của anh ta cười mỉa mai vì không biết người bị đưa lên báo đó chính là cha mình. Trong các truyện khác nêu trên, đối tượng mà nhà văn cười nhiều khi là những tình huống, những câu chuyện buồn cười, “gậy ông đập lưng ông”, những “tấn kịch trên phố hàng Đ.”, những thủ thuật câu khách lộ liễu của báo chí... Tiếng cười bật ra sau khi đọc những truyện ngắn đó phần lớn có âm sắc của sự ngao ngán, chua chát, kèm cái lắc đầu. “Nạn mọc sừng” mà nhà văn cười cợt, giễu nhại, trong các truyện Ông đừng lầm, Từ lý thuyết đến thực hành... sau này độc giả còn có thể gặp lại trong cuốn tiểu thuyết bất tử Số đỏ của nhà văn.

Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, như vậy, có những đặc điểm riêng và hiện đại. Chủ đề lớn nhất trong truyện ngắn của ông về sự lạnh lùng của nhân sinh, cùng với kỹ thuật xây dựng nhân vật người kể chuyện xưng tôi (song trùng trong nhiều truyện ngắn) là bước sáng tạo mới và là sự cảm thụ cuộc đời theo cách riêng, lần đầu tiên vào thời điểm ấy. Vũ Trọng Phụng còn thường dùng kỹ thuật hồi tưởng để dựng cốt truyện. Đây cũng là cách thức mới lạ trong sáng tạo truyện ngắn đương thời. Phong cách trào phúng của nhà văn trong truyện ngắn và sau này trong tiểu thuyết của ông, đặc biệt là Số đỏ, giúp nhận diện ra ngay bản sắc riêng của ông. Trong khi đó, giá trị nhân đạo của truyện ngắn nhà văn làm xao động lòng độc giả, góp sức tạo nên độ sâu lắng cho chúng. Đến truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, vào những năm 1930, truyện ngắn Việt Nam chính thức đi vào hiện đại.

T.N.H.T

 

 

 

_______________

1. Toàn bộ truyện ngắn Vũ Trọng Phụng in trong Vũ Trọng Phụng toàn tập, Tập 5, Tôn Thảo Miên biên soạn, giới thiệu, NXB Văn học, 2004.

2. Tôn Thảo Miên, Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, Vũ Trọng Phụng toàn tập, Tập 5, sđd.

3. Lê Thị Đức Hạnh, Tính nhân đạo trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, Tạp chí Nhà văn, số 11.2012.

4. Trần Văn Trọng, Người kể chuyện trong văn xuôi, quốc ngữ đầu thế kỷ XX (Khảo sát qua tư liệu truyện ngắn trên báo và tạp chí), Tạp chí Văn học, số 4.2013, tr.99.

TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 235 tháng 04/2014

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

23 Giờ trước

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/05

25° - 27°

Mưa

03/05

24° - 26°

Mưa

04/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground