Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Để có tác phẩm hay

Làm sao để có tác phẩm hay? Muốn trả lời câu hỏi này, trước hết phải trả lời cho được: thế nào là tác phẩm hay. Không nhất trí được với nhau thế nào là tác phẩm hay mà cứ muốn tìm tác phẩm hay thì chẳng giống với con trẻ chơi trò bịt mắt bắt dê sao?

Ai cũng biết nói đến tác phẩm hay là nói đến đánh giá, so sánh… Muốn so sánh những vật khác nhau, phải có một vật chuẩn. Từ xưa đến nay, muốn đo một vật cao thấp, dài ngắn ra sao, con người đã dùng cái thước. Có những loại thước ta, thước Tàu, thước Tây, thước Anh, vân vân… và chúng cho những con số hoàn toàn khác nhau về độ dài ngắn… Nếu dùng những cái thước khác nhau để đo văn chương thì sẽ có những cách đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Ví như trước đây có sự đánh giá chính thức là văn chương Việt Nam trong khoảng hơn nửa thế kỷ qua “xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của văn học chống đế quốc”. Nhưng hơn mươi năm trở lại đây, có một sự đánh giá tuy không chính thức nhưng gần như lan truyền trong xã hội là “chưa có tác phẩm xứng đáng”. Vì sao từ chỗ xứng đáng thành không xứng đáng? Vì người ta đã dùng những thước đo khác nhau.

Thử nhìn lại quá trình chuyển đổi thước đo ấy: Khi bắt đầu thời đổi mới, có một cách đánh giá văn học được gọi là “phủ nhận sạch trơn”. Cách đánh giá này bị phê phán mạnh mẽ. Rồi đến “văn chương sám hối”. Loại văn chương này lúc đầu gây tiếng vang, lan truyền nhanh, nhưng dù có ấp ủ từ lâu hay ngẫu hứng nhất thời cũng mau chóng bộc lộ sự giả trá “tiền hậu bất nhất”, khiến người đọc lắc đầu ngao ngán cho văn chương lẫn nhân cách người viết. Sau đó có cách đánh giá theo “văn học đời thường”, tôn vinh cái “đời thường”, chê bai và hạ thấp cái lý tưởng, cho rằng nó lên gân, giả tạo… và chẳng bao lâu, cách đánh giá này góp phần thúc đẩy những thói tật rất “đời thường” trong xã hội. Rồi có cách đánh giá theo “văn học thị trường”, quảng cáo để bán tác phẩm, khiến người viết tìm mọi cách câu khách như viết chuyện vụ án, chuyện tình dục, hay viết theo cách “nói ngược”, “đốt đền”… để gây tiếng tăm, để bán sách… Những cách đánh giá này dần tỏ ra sai lạc, gây tác động xấu trong xã hội, bị phê phán, nên chuyển dần qua các “diễn biến mềm”, và gần nhất là cách đánh giá văn chương Việt Nam “chưa có tác phẩm xứng đáng”. Về nội hàm, cách đánh giá này chẳng khác gì trở lại “phủ nhận sạch trơn”, chỉ có lối diễn đạt khác mà thôi… “Phủ nhận sạch trơn” bị phản đối mạnh mẽ, nhưng phủ nhận tất cả, bằng từ ngữ mềm và hết sức mơ hồ thì chưa được nhận diện rõ ràng.

Lại có ý kiến nhắc lại cách đánh giá của người nước ngoài như Mỹ, Âu, Hàn Quốc… khen một vài tác phẩm văn chương Việt Nam… Thông tin về cách đánh giá của nước ngoài đối với văn chương nước ta là rất cần thiết nhưng không thể lấy đó làm chuẩn để đánh giá văn chương trong nước, vì ngay cả một số sách được giải văn chương Nobel cũng bị dư luận thế giới nhận xét là bất cập, có khi nhuốm màu chính trị và chẳng bao lâu, không còn ai nhắc đến. Hơn nữa, việc phương Tây ngày càng quay sang học hỏi phương Đông, nhất là khoa học về con người, là điều rất đáng cho ta suy nghĩ… Lại có ý kiến lấy sự đánh giá của riêng mình, hoặc của những người cùng “gu”, cùng “nhóm lợi ích” với mình, hoặc dùng những phương tiện truyền thông đại chúng mà mình được giao trong tay để “lăng-xê” một vài tác phẩm nào đó, mong tạo một lối nghĩ, một thước đo mới… Vân vân… Tóm lại, việc đánh giá tác phẩm văn chương hiện đang không có căn cứ khoa học, không theo một chuẩn mực nào, nói gọn là loạn chuẩn, cũng như muốn đo một vật cao thấp ra sao mà mạnh ai nấy xài cái thước do mình tạo ra…

Vậy thế nào là đánh giá một cách khoa học? Cứ xem trong việc đo chiều dài, loài người dần dần đi đến dùng thước mét vì nó khoa học hơn mọi thước khác. Còn trong văn chương, dùng cái thước nào để đo chiều cao thấp của một tác phẩm cho khoa học đây? Phải chăng ta nên tìm về mục đích mà loài người tạo ra văn chương làm điểm xuất phát, như những người đã tìm về kinh tuyến  trái đất để tạo ra hệ met, chứ không phải căn cứ vào gang tay hay bước chân mình. Từ xửa xưa, con người có nhu cầu nghe kể chuyện như đứa bé cần bà kể chuyện cổ tích, hay một cộng đồng sơ khai cần nghe kể sử thi… Nhu cầu đó nhằm những mục đích gì? Nhìn kỹ thì sẽ thấy có ba mục đích chính: Nhận thức về nhân sinh và vũ trụ, tìm hiểu, khám phá xem con người từ đâu ra và sẽ đi về đâu; đúc kết, truyền thụ lẽ sống ở đời hướng về phía nhân văn, cao thượng; giải trí và thưởng thức cái đẹp… Người xưa cố gắng sáng tạo, tìm tòi, đổi mới… để đạt những mục đích đó trong văn chương bằng thủ pháp dùng ngôn từ đẹp, lung linh ước mơ, lung linh khát vọng, cùng những kết cấu lạ, hấp dẫn, v.v… Nếu đem ba mục đích đó so với công thức đánh giá văn chương được thừa nhận lâu đời ở phương Đông là chân, thiện, mỹ thì sẽ thấy có một sự tương ứng gần như hoàn toàn. Điều đáng chú ý là khi đặt chữ thiện vào vị trí trung tâm của công thức này, người xưa đã nhấn mạnh mục đích cũng như nhiệm vụ, chức năng trung tâm của văn chương là hướng thiện. Dù cho văn chương của một tác phẩm có lạ lùng, tân kỳ, biến ảo thế nào đi nữa mà không có thiện thì xã hội cũng khó chấp nhận và lên tiếng phê phán, vì nó đi chệch mục đích của loài người khi sáng tạo ra văn chương. Nhiều cuộc tranh cãi, bên thì khen dồi, bên thì chê dập một tác phẩm văn chương, nhưng nếu nhìn kỹ sẽ thấy chỉ vì nó không hoặc chưa có đầy đủ cái thiện. Nguyễn Du nói chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài là vì vậy. Thân Nhân Trung nói hiền tài là nguyên khí quốc gia chứ không phải nhân tài vì nhân tài có thể hiền, cũng có thể không hiền, thậm chí là ác… Một tác phẩm không có tính nhân văn cao, tức là không có thiện thì làm sao người lương thiện có thể cho là hay được? Và rốt cuộc, người có tiếng nói cuối cùng là người đọc, và họ luôn đem phần hướng thiện của con người để tìm đến văn chương…

Có thể có ý cho rằng tưởng gì mới chứ chân, thiện, mỹ thì quá cổ lỗ sĩ, xưa rồi. Vậy thế nào là xưa? Như cái hệ đo chiều dài bằng mét cũng chẳng phải mới mẻ gì, đã được phát kiến từ hàng trăm năm trước, nhưng nó vẫn được con người ngày càng áp dụng vào đời sống hiện đại, thay cho nhiều thước đo khác… Vả lại định nghĩa về cái thước mét cũng không đứng yên, nó thay đổi nhiều lần cùng với nhận thức khoa học ngày càng tinh vi hơn của con người, từ chỗ là bốn mươi phần triệu của kinh truyến trái đất lúc đầu, đến vận tốc ánh sáng trong chân không ở thời gian tính bằng một phần mấy trăm triệu giây đồng hồ hiện nay… Tuy nhiên, định nghĩa thì thay đổi nhưng trong thực tế, chiều dài của thước met dựa vào kinh tuyến trái đất vẫn không thay đổi. Cũng y như vậy, chân thiện mỹ có thể được hiểu và diễn giải theo sự phát triển trí tuệ con người như “đúng bản chất cuộc sống”, “tính nhân văn sâu sắc”, “nghệ thuật đẹp, hoàn hỏa”, v.v… nhưng nội hàm vẫn không thay đổi. Cho nên cần xem chân thiện mỹ như một công thức đánh giá văn chương rút gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng hơn là một thứ khái niệm cổ lỗ… Cái thước này không hề gây trở ngại cho việc đo chất lượng tác phẩm của những cây bút mới, hiện đại; trái lại, nó là mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng để các tài năng văn chương có hồng tâm mà nhắm bắn. Đem cái thước này đo Ngọn đèn không tắt và một số truyện ngắn khác của Nguyễn Ngọc Tư, Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng của Bảo Ninh, những truyện dài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần, hay tấm ván phóng dao của Mạc Can, v.v… thì đều thấy rất thích hợp… Nó cũng thích hợp cho các loại hình nghệ thuật khác như phim Bỗng dưng muốn khóc…,v.v… được xã hội vui vẻ tiếp nhận… Nếu dùng thước đo này thì trong kho tàng văn chương Việt Nam, Chùa Đàn của Nguyễn Tuân là một tác phẩm xuất sắc, chứ không chỉ có tùy bút của ông; tác phẩm đỉnh cao của Nguyễn Minh Châu là Dấu chân người lính chứ không phải là ông chỉ có Cỏ lau hày Phiên chợ Giát; tiểu thuyết Người người lớp lớp của Trần Dần viết về chiến dịch Điện Biên Phủ là cuốn sách hay, chứ không phải ông chỉ có thơ; Phá vây của Phù Thăng viết về chiến tranh du kích đồng bằng sông Hồng là cuốn sách hay chứ không phải sách “có vấn đề” v.v… Cũng như vậy, gần đây, trên báo giấy, báo mạng, có những bài phê bình, khẳng định sự thành công của một số tác phẩm hay viết về thời hậu chiến, thời đổi mới, thời trăn trở xây dựng đất nước, thời hội nhập, v.v… đang bị chìm lấp và chờ được khám phá và khẳng định theo tiêu chí khoa học này… Đó là chưa kể nhiều tác phẩm hay bị cho là “chưa xứng đáng” vì những nguyên nhân ngoài văn chương… Thật ra đã là thước đo, là công thức khoa học thì điều quan trọng không phải là kim hay cổ mà là đúng sai, mơ hồ, chủ quan hay có căn cứ khoa học…

Nếu mọi người đồng thuận dùng cái thước đúng và khoa học này để đo chất lượng văn chương thì ta có thể khẳng định: trong mấy chục năm qua, từ cách mạng tháng Tám đến hai cuộc kháng chiến và cả thời kỳ đổi mới, hội nhập, văn chương Việt Nam có nhiều tác phẩm hay, chứ không đến nỗi trắng tay mà than thở rằng ta “chưa có tác phẩm xứng đáng”. Một nhà thơ đã rất có lý khi phải mượn chữ của “Đại cáo” để đánh giá văn chương Việt Nam, như một tuyên ngôn cho mọi người cùng nhớ: “dẫu nhiều ít có lúc khác nhau, nhưng sách hay không thời nào thiếu”. Trước những lời khen chê, người thưởng thức nào cũng nên tự hỏi: tác phẩm đó có chân, có mỹ và nhất là có thiện, tức là có tính tư tưởng nhân văn cao, hay không. Vì rằng, hơn bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác, văn chương gắn bó máu thịt với tư thưởng. Dẫu biết văn chương là để giãi bày nỗi niềm, số phận, thu hút sự ham mê của người đọc, nhưng giải bày để làm gì, câu trả lời để nâng đỡ con người, làm cho nó cao thượng lên chứ không làm nó hèn đi, thấp đi. Nỗi niềm và số phận của một kiếp người có hàng ngàn hàng vạn, vẽ ra được đã là khéo, nhưng tư tưởng nhân văn của tác phẩm về những nỗi niềm và số phận, mới là cái khó tìm, khó vẽ, mới là cái có giá trị nhất trong văn chương. Vẽ mây vẽ gió được đã khéo, nhưng vẽ cho đến mức Non cao non thấp mây thuộc/ Cây cứng cây mềm gió hay như Nguyễn Trãi mới thật khó, mới thật hay, mới là nét vẽ của bậc thiên tài. Cho nên từ xưa, hiện nay và sau này vẫn vậy, văn chương hay, nhất là văn xuôi, không thể chỉ có nỗi niềm và số phận, mà trên nỗi niềm và số phận là một tư tưởng nhân văn sâu sắc, và những vẻ đẹp làm mê mẩn lòng người. Nếu một tờ báo văn nghệ cứ đăng hoài một dòng những sáng tác nặng về giãi bày nỗi niềm và số phận nhưng không có tìm tòi đóng góp gì mới theo hướng thiện mỹ thì báo sẽ trở thành nhàm chán và mất dần bạn đọc. Cũng như v ậy, dù văn chương có mới lạ, tân kỳ về hình thức đến đâu, nhưng chỉ có thể là một thứ “mốt lạ” rồi dần dần cũng trở thành nhàm chán, nếu không có sự lấp lánh của cái đẹp và cái cao thượng. Không có tư tưởng lớn, cao và đẹp, không thể gọi là tác phẩm hay, tác phẩm lớn. Cũng cần lưu ý chữ thứ ba trong công thức này là mỹ: mỹ là đẹp. Văn chương vừa phải cao, vừa phải đẹp. Một tác phẩm dịch dành cả trăm trang kể chuyện một anh đi hố xí công cộng cắm đầu xem trộm 1… con gái đến té xuống hầm phân mà chết sặc thì có thể gọi là văn chương được không, dù nó được cho là tiếng nói mới, táo bạo, nổ bom, gây sốc hay gì gì đi nữa… Không phải lỗi của người đọc nếu họ quay lưng lại với văn chương, mà lỗi của văn chương – và văn chương sẽ trở thành nhàm chán và tự hủy diệt – nếu nó từ bỏ chức năng cao cả là giúp con người hướng thiện, để đi làm “xiếc chữ”, hoặc mải mê vẽ ra sự hèn kém, ti tiện, xấu xa, hằn thù, độc ác và cả hôi thối…, được gắn nhãn “vậy mới là con người”… Dẫu biết thiện ác, đẹp xấu là hai mặt cùng trong phạm trù thẩm mỹ, mổ xẻ cái ác với mong muốn nhận diện, cảnh báo, răn đe, nhưng đề cao, khuyến khích, lăng xê các tác phẩm vẽ ra cái hèn, cái ác, cái xấu, cho vậy mới tài, mới giỏi là việc làm lợi bất cập hại, cả về mặt xã hội lẫn về mặt nghệ thuật, vì nếu cái xấu tràn lan trong văn chương, nó sẽ làm cho đạo đức xã hội suy đồi, làm người thưởng thức thất vọng, chán nản, quay lưng lại với văn chương. Bằng kinh nghiệm xương máu bao đời, dân ta biết rõ không thể lấy ác chống ác, lấy hèn nhát chống nội, ngoại xâm, mà phải lấy “nhân nghĩa thắng bạo tàn”, “lấy đẹp dẹp xấu”… Đó cũng là mục đích của loài người khi sáng tạo ra văn chương…

Vì thế, khi nào người được giao quyền lựa chọn, bình giá, thưởng thức, không dùng cái thước đo khoa học chân thiện mỹ, cứ dùng cái thước đo của “cánh tay mình” thì khi đó, trong văn chương Việt Nam, tác phẩm hay đích thực vẫn chìm khuất và lẫn lộn với tác phẩm được “lăng xê” là hay, làm cả xã hội phân vân… Đó là điều đang diễn ra trong thực tế… Nhưng nếu cả xã hội đồng thuận lấy cái thước chân, thiện, mỹ để đo chất lượng tác phẩm văn chương thì cả người sáng tác, cả người phê bình, cả người thưởng thức – và quan trọng nhất là những người được giao nắm giữ phần văn nghệ của các phương tiện truyền thông đại chúng lớn – đều có cùng một tiêu chí khoa học để đánh giá lại tài sản quý được tạo ra xưa nay, từ đó cùng vươn tới, đòi hỏi, thúc đẩy và tiếp nhận sự ra đời của những tác phẩm hay đích thực. Nếu được như vậy, chắc chắn trong thời gian không lâu, tác phẩm hay sẽ được tìm ra và được công nhận, và có sức sống lâu bền. Điều tiên quyết là cùng nhau nhất trí để trả lời cho được câu hỏi: thế nào là tác phẩm hay. Và phải chăng đã đến lúc cùng nhau nêu ra định nghĩa: tác phẩm hay là tác phẩm làm rung động sâu sắc, lâu bền trái tim người thưởng thức vì những giá trị chân thiện mỹ mà nó chứa đựng. Còn nếu dùng cái thước đo theo “gang tay” mình hay theo “ngón tay cái” người khác thì văn chương Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng loay hoay đi tìm tác phẩm hay…

Trần Thanh Giao
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 192 tháng 09/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground