Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đồng hành với thơ đương đại

T

hời gian bắt đầu của thơ đương đại có thể kể từ năm 1986, năm mở đầu thời kỳ Đổi mới, tính có đến hai mươi lăm năm. Trong hơn hai thập kỷ qua, đời sống tinh thần của xã hội được cởi mở hơn. Trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, đề tài được mở rộng, những rào cản đề tài thuộc “vùng cấm” bị tháo bỏ; tư duy lý luận và phê bình được dân chủ hóa; lý thuyết thơ ca được mở rộng đường biên. Đội ngũ nhà thơ đông đảo hơn; hàng năm có tới hàng trăm tập thơ ra đời. Nhiều người dè bỉu cho là thơ được “sản xuất” theo kiểu hàng xén. Nhưng nếu không có mặt bằng sáng tạo kia thì làm sao có những đỉnh cao?! Tên tuổi của hàng trăm nhà thơ nổi lên qua các giải thưởng địa phương và trung ương với thể thơ niêm luật và phá thể, trường ca và thơ tứ tuyệt, thơ tự do và thơ văn xuôi, thơ lục bát và thơ Đường… Có thể kể đến Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Bình Phương, Lò Ngân Sủn, Y Phương, Inrasara, Nguyễn Hữu Quý, Hoàng Trần Cương, Trần Quang Quý, Lê Thành Nghị, Lê Văn Ngăn, Đỗ Doãn Phương, Mai Văn Phấn, Mai Quỳnh Nam, Trần Anh Thái, Văn Cầm Hải, Trần Thu Hà, Vi Thùy Linh, Đinh Thị Như Thúy v.v… Nhiều nhà thơ trẻ không chịu đi theo con đường mòn của các thế hệ trước, ráo riết đi tìm cách diễn đạt mới, từ ngữ mới, hình tượng lạ. Một số nhà thơ không còn trẻ, nhưng vẫn nhiệt tâm chạy đua với thời gian, với lớp trẻ để những ý thơ hay, vần thơ đẹp tìm đến sự đồng cảm của người đọc. Đề tài biển đảo quê hương được coi là cảm hứng dồi dào của họ. Nhiều thập kỷ trước, chúng ta đã có Thơ viết ở biển của Hữu Thỉnh; Sóng, Thuyền và biển của Xuân Quỳnh, Thơ tình người lính biển của Trần Đăng Khoa v.v… Những năm gần đây, tôi được đọc những câu thơ lạ, với ý tưởng xanh rờn nói về nỗi lòng của biển, thân phận con sóng, thật ra là nói số kiếp con người:  chìm nổi, đa đoan...: Con sóng ném xác mình lên bờ đá/ Không có sóng/ Không hiểu được nỗi lòng của biển (Nỗi đau của bờ)hay: Nhớ về cố hương không hở sóng?/ Vỡ mênh mông khắc khoải triền miên/ Gió dữ chồm lên tung bọt trắng/ Bão tan rồi, xác sóng chẳng còn nguyên (Sóng biển quê đâu?) đó là những câu thơ của Hoài Quang Phương, một nhà thơ, nhà giáo tuổi xấp xỉ thất thập, nhưng tâm hồn nhìn đời vẫn trong trẻo. Những tập thơ được giải của Hội nhà văn Việt Nam từ Sự mất ngủ của lửa (Nguyễn Quang Thiều) cho đến mấy tập gần đây (2011): Hoan ca (Đỗ Doãn Phương), Bầu trời không mái che (Mai Văn Phấn) v.v... đều có những câu thơ hay lạ, ý thơ mới, nhưng không nhiều, nhiều đoạn khó hiểu.

Trở đi, tôi xin đặt vài câu hỏi và tự thử trả lời. Tại sao thơ đương đại có hiện tượng khủng hoảng? Chưa thấy những nhà thơ nổi bật, ít bài thơ hay, thiếu nhiều câu thơ đẹp đọng lại trong lòng công chúng? Thậm chí nhiều nhà phê bình bức xúc, nói nặng lời về thơ đương đại không phải không có chỗ đứng. Loại thơ - vè có chiều hướng lan rộng; thơ - văn xuôi lủng củng với những đoạn thơ bàng bạc những ý thơ nhạt nhẽo, dễ dãi; thơ khó hiểu làm bạn đọc “nuốt không trôi”, xa lánh v.v... Đi tìm nguyên nhân của thực trạng trên của thơ đương đại, từ một hướng tiếp cận văn hóa đọc, tôi chọn ra mấy nội dung học thuật sau:

I. Mơ hồ về lý tưởng xã hội của thơ ca:

Làm thơ là sáng tạo, là đam mê, có khi say nhiều hơn tĩnh. Người cổ đại gọi nhà thơ là “nhà tiên tri”. Các nhà thơ lớn thường nhận mình là “nhà thơ - công dân”, là “tiếng dội” của cuộc sống, là hơi thở của thời đại. Muốn xứng đáng với danh hiệu đó, nhà thơ phải có tài đã đành, nhưng trước hết phải có lý tưởng xã hội, phải dồn tích năng lượng nhiệt huyết của mình để ngọn lửa cảm hứng sáng tạo luôn cháy sáng. Lý tưởng xã hội là mục đích cao nhất, là lẽ sống đẹp nhất của nhà thơ. Lý tưởng cần cho mọi người. Ông vua không làm đúng lý tưởng của mình, thì dân có quyền lật đổ. Sáng tạo, tự do mà không vì con người, không có mục tiêu thì chỉ là hư tưởng, vô dụng. Mươi năm gần đây, hiện tượng một số nhà thơ trẻ (vừa trẻ người, vừa non dạ) tự khẳng định mình sớm, muốn nổi danh ngay, những tuyên ngôn của họ vừa cao ngạo vừa ngậm ngùi, những câu thơ buông tuồng, thô thiển thỉnh thoảng xuất hiện trên các trang báo. Ngày xưa các nhà thơ lớn đã có lời răn đối với lớp trẻ: danh lợi, tước lộc thường đi đôi với vạ lớn (La Ẩn - nhà thơ đời Đường trong bài Ngụ hoài có câu: Danh lợi ngoài thân chớ vội cầu/ Tước lộc có vui nhưng vạ lớn). Văn chương, thơ ca là sự nghiệp của nghìn đời (văn chương thiên cổ sự). Nhà thơ là con ong khôn ngoan biết hút mật ở các loài hoa về xây tổ ấm cho thơ, cho cộng đồng, chứ không đi đốt bậy người đời, dễ bị người ta châm lửa, hun khói xua đuổi, có khi vỡ cả tổ. Nhà thơ có quyền viết bất cứ đề tài nào, khai thác mọi nỗi niềm sâu kín của tâm trạng: nỗi đau, niềm vui, hạnh phúc, bất hạnh... nhưng khi bài thơ được công bố, trở thành công luận thì nó không còn là của riêng nhà thơ mà của xã hội, là đối tượng cảm thụ của hàng trăm nghìn thị hiếu khác nhau. Khen - chê, chấp nhận - từ chối là chuyện của dư luận xã hội. Nhà thơ không vì được khen mà cao ngạo, bị chê mà chán nản. Hiệu ứng của sự khen - chê nằm ở tài năng, trước hết là ở tấm lòng người viết, ở lý tưởng xã hội mà nhà thơ theo đuổi. Một số người cứ thiên kiến nghĩ rằng, lý tưởng xã hội là cái nằm ngoài văn chương, do sự áp đặt của một tổ chức nào đó. Không phải! Nó là bầu máu nóng, là cảm hứng chủ đạo của bất cứ nhà thơ nào dù chỉ viết một dòng. Để khẳng định một thái độ sống, một nhà sinh quan được lý tưởng xã hội định hướng, Chế Lan Viên viết: Ta đẻ ra đời, sao khỏi những cơn đau/ Hãy biết ơn vị muối của Đời cho thơ chất mặn.

II. Cách tân, sáng tạo là quy luật tự nhiên, tự tại của thơ ca.

Cách tân không phải là mục đích, mà chỉ là phương tiện, là thao tác kỷ xảo, là sự tìm kiếm ý tưởng mới, hình tượng mới, ngôn từ lấp lánh. Sở dĩ ta gọi trường phái thơ 1932 - 1945 là Thơ mới là vì các nhà thơ có ý thức cách tân từ đầu đến chân (nhờ ảnh hưởng của giao lưu văn hóa đầu thế kỷ XX) làm xuất hiện nhiều nhà thơ tài hoa, qui trình cách tân đưa thơ đến với số đông bạn đọc, nhất là thanh niên, học sinh. Ở chỗ này tôi đọc bài viết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo có nhiều ý tưởng hay. Ông viết: “Cách tân là việc làm chân chính, cần có, vốn có... Cách tân thơ không phải là mục đích cuối cùng của thơ. Mục đích của thơ ca là truyền cảm, làm rung động lòng người. Muốn vậy, thơ trước hết và sau cùng phải hay”. Một đoạn khác: “... kẻ bất tài dù cách tân mấy cũng không thể có thơ hay. Trong cuộc chơi thơ của muôn người, bất tài không phải là cái tội. Tội lớn  nhất là đánh tráo sự bất tài thành thiên tài trong các bài phê bình kiểu “lợi ích nhóm” để “lừa lớp trẻ” (1). Lôgích của ông Hảo và chúng tôi nói rằng, muốn cách tân gì thì cách, trước hết nhà thơ phải có tài. Trong thơ ca, tài năng là sự chân thật, chân thật tối đa. Ở đây nhà thơ và nhân vật trữ tình là một, trùng khít đến mức khó tách làm hai. Mọi thứ giả vờ, làm dáng, cường điệu cảm xúc của người viết thật xa lạ với tính chân thật trong thơ. Có đau thì nói đau, nỗi đau của người trong cuộc. Có đủ kiến thức để khái quát câu thơ thành triết lý sống, thì cứ việc làm, chứ vay mượn sống sượng dù là của ai cũng không khó bị người đọc lật tẩy. Trong thơ đương đại, do tâm lý hấp tấp, hiện tượng “ăn non” quả chưa chín đã hái, nên vừa chát, vừa chua. Thông thường khi làm thơ, nhà thơ khó phân biệt đâu là trái tim, đâu là bộ óc, đâu là cảm xúc, đâu là trí tuệ, đâu là phi lý, đâu là hữu lý (đánh giá thơ không có chuyện đúng - sai, chỉ có hay - dở), nhưng khi bài thơ ra đời, được đông đảo người đọc đón nhận là nhờ hình tượng thơ mới - lạ, tình cảm nhà thơ thăng hoa, năng lượng tinh - khí - thần của bài thơ tỏa sáng. Trong thơ ca kháng chiến ở cả hai giai đoạn nhiều bài thơ viết về đề tài mất mát, bi thương, mặc dù kỹ thuật có chỗ chưa thật hoàn hảo, nhưng vẫn đọng lại sâu thẳm trong lòng người qua nhiều thế hệ: Màu tím hoa sim, Núi đôi, Quê hương, Người con gái Việt Nam, Hoa chanh, Hương thầm, Cuộc chia ly màu đỏ v.v... Viết về đề tài Tổ quốc, lãnh tụ, người phụ nữ Việt Nam, thiên nhiên đất nước, các nhà thơ đều để lại những trang thơ vừa đạt tầm triết lý, vừa mang cảm xúc dạt dào của nhiều thế hệ. Trong số đó cần tôn vinh thể loại trường ca. Sáng tháng Năm, Nước non nghìn dặm, Người đi tìm hình của Nước, Mặt đường khát vọng, Nguyễn Văn Trỗi, Trường ca sư đoàn, Những ngọn sóng mặt trời, Sức bền của đất, Đường tới thành phố, Bài ca chim ch’rao v.v... Gần đây, nhiều bài thơ viết về người mẹ, người chị Việt Nam với cảm hứng chân thật và giọng điệu mới lạ. Không thể kể hết những chiến công của những người phụ nữ thời hậu chiến. Tình cờ tôi bắt gặp bài thơ dự thi của Nguyễn Minh Khiêmbài Chị: Chưa ai tạc tượng chị trong những ngày anh đi đánh giặc, một mình nuôi con, sóng cả, đò đầy, thân lươn, mình vạc, góc đường quê nhìn vẹt một phương trời!... Chị quên vừng trăng, chị quên giếng nước, quên mình là đàn bà... Chưa ai tạc tượng chị những năm tháng cuối cùng. Da nhăn vỏ đổ. Suốt ngày khói hương, Chiếc xe lăn xếp cạnh bàn thờ, Huân chương của Anh gắn đầy tay vịn! Một bài thơ phá thể: thơ tự do hay thơ - văn xuôi không quan trọng. Điều quan trọng là nhà thơ đã tạc chân dung cao cả và thánh thiện người phụ nữ Việt Nam bằng món quà vô giá của cảm hứng sáng tạo. Biệt tài của đoạn thơ là sự vận dụng những cụm từ bắt nguồn từ trong thành ngữ dân gian dùng “bắt buộc” để lập vần, nói lên tính hài hòa của câu thơ. Đó là sáng tạo chứ không bắt chước, không lặp lại người. Nhiều bài thơ tự nhận là thơ - văn xuôi, nhưng đọc lên nghe sao lổn nhổn, lủng củng. Nếu là thơ thì ít ra là nhạc tính, nếu là văn xuôi là sức khái quát của văn tự sự. Khi cách tân thơ, một nhà thơ cảnh báo: Mỗi lần cách tân, thơ thường mở cửa và văn xuôi tràn vào. Có hiện tượng tàn phá của văn xuôi khi tràn vào thơ. Sự tàn phá đó đưa lại hệ lụy: Thơ mà không phải thơ. Ở chỗ này, tôi thấy nhận xét của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý là đáng trân trọng: “Tôi nhận ra sự lặp lại, mòn cũ và ồn ào trong một số bài thơ viết về đất nước hiện nay. Ít lắm những sáng tạo mới về cấu trúc, hình tượng, ngôn từ. Thơ nghiêng về sự ầm ào, cao giọng, tuyên truyền cổ vũ mà không có câu hay, những ám ảnh lâu bền. Thoạt nghe có vẻ mênh mông, hoành tráng, nhưng khi đọc kỹ bằng mắt ta thấy vô vàn sáo rỗng, cũ kỹ...”(2). Để minh họa cho nhận định của mình, ông mạnh dạn dẫn một số bài thơ chưa đạt của Lê Văn Ngăn, Mai Văn Phấn, Đỗ Doãn Phương, Đinh Thị Như Thúy, Vi Thùy Linh. Riêng tôi nghĩ rằng, trong cái chưa đạt của các anh, chị, người đọc vẫn nhận ra cái khả thủ trên con đường gập ghềnh sáng tạo, miễn là không xa rời sự thành thật. Trong bài Một vị trí buổi chiều, Đinh Thị Như Thúy muốn nêu một triết lý ứng xử của con người qua không gian (biển) và thời gian (chiều, đêm...) để đối sánh cái có giới hạn và cái vô hạn của tự nhiên. Chỉ tiếc là ít chất thơ.

III. Không có phông văn hóa, thiếu tri thức triết - mỹ, nhà thơ khó đi được xa .

Có nhà văn hóa nói, gốc của cây thơ là phù sa văn hóa, là tri thức của nhiều lĩnh vực khoa học và là sự lịch duyệt, trải nghiệm. Nhà thơ mà chỉ dừng lại ở cảm xúc bàng bạc, trí tuệ nông cạn, tầm tưởng tượng thiếu hụt... thì dễ dẫn đến tình trạng rối loạn hình tượng, nghèo nàn ngôn ngữ. Đó là chưa nói sự bắt chước vồ vập một vài khuynh hướng thơ hiện đại, hậu hiện đại của bên ngoài. Giả dối là điều tối kỵ trong nghệ thuật, rất tối kỵ trong thơ. Nói chuyện với các nhà thơ trẻ, M.Gorki đã phân biệt nhà thơ và người thợ thơ. Người thứ nhất luôn ý thức, phấn đấu nhọc nhằn để có tâm lý sự kiện, thân phận ngang trái của con người, chiều sâu tình cảm, tính đa nghĩa, đa sắc của ngôn ngữ thơ; Còn người thứ hai thường bằng lòng, dễ dãi trước nhiều hiện tượng dồn dập của cuộc sống, sa đà vào lối liệt kê, chắp nối từ ngữ, thiếu vắng cảm hứng thi ca, nên thơ biến thành vè. Liên quan tới nội dung này, tôi nêu hai ý niệm vẻ đẹp câu thơ và cái mới trong thơ. Có nhà mỹ học nói, mọi thể chế chính trị sẽ qua đi, câu thơ đẹp vẫn tồn tại mãi mãi. Điều đó đúng khi cái Đẹp gắn liền với cái Thiện. Nhà triết học Đức, E. Căng nói đại ý: Lý tưởng của chân lý là của Thượng đế, còn lý tưởng của cái Đẹp là của con người. Cái trước nằm ở giai đoạn Cảm thụ tự nhiên, còn cái sau là cái phải trở nên. Thơ gắn với Chân, Thiện, Mỹ giống như thỏi nam châm có sức hút, sức cảm hóa mọi thị hiếu, mọi người đọc ở nhiều thời đại. Còn cái mới trong thơ tìm ở đâu? Tất nhiên không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phí công lục lọi trong đống phế loại từ ngoài biên giới lọt vào, càng không phải vắt óc trần trụi nghĩ ra. Nó ở trong biển kiến thức mênh mông và sâu thẳm của loài người.Nó có được là nhờ tài năng, tầm nhìn, sự định hướng sức bay của trí tưởng tượng (tưởng tượng thiếu định hướng dễ biến thành “con điên trong nhà”. Nhà thơ phải cậy học vấn. Xin đừng hiểu nhầm học vấn là bằng cấp, học vị, mà là thực học, thực tài, trải nghiệm cuộc sống. Nhà thơ Pháp Ch. Beaudelaire rất quí trọng trường học đường đời: “Tôi có quá nhiều kỷ niệm như thể đã sống nghìn năm để đòi hỏi sự đọc”. Còn Đỗ Phủ: “Đọc thơ phú vạn quyển, hạ bút như hữu thần”. Có thể có học vấn mà thơ không hay, nhưng có bài thơ hay, câu thơ để đời thì nhà thơ có học vấn cao rồi đấy! Cha ông ta thường dạy: “Bản chất của văn chương tự học vấn mà ra, học vấn uyên bác thì văn viết mới hay. Có lẽ nào văn chương lại làm cho người ta kiêu căng!?” (Lê Quí Đôn). Trong biển cả tri thức khổng lồ của nhân loại, có cái vừa cao siêu, vừa thiết thực, vừa bổ ích, vừa vô bổ, việc đi tìm cái mới trong đời sống và trong nghệ thuật để ứng dụng vào lý thuyết thơ và sáng tạo thơ cũng phải liệu sức mình, giống như bơi trong biển cả; cần biết cách đọc, cách tiếp cận, chớ lóa mắt, tuyệt đối hóa một hiện tượng nào, dù là thần tượng. Paul Bourjée cho rằng, nhà thơ cần phải biết các triết thuyết, tri thức xã hội học, tâm lý học mới nhất mà mìnhđọc được và cần theo đuổi “niềm say mê trí tuệ”. Các nhà thơ trẻ cần giữ vững bản lĩnh khi tìm đến cái mới, cái lạ. Không phải cái mới, cái lạ nào cũng đi tận cùng sáng tạo. Những dự kiệnnào cần cho thơ? - Đó là sự săn đuổi những đề tài xã hội và thân phận con người, tri thức cần và đủ cho cảm hứng phản xạ, ngân hàng ngôn từ, kỹ xảo thơ (vần, âm luật, điệp âm, hình ảnh, văn khí...). Mọi thứ bắt chước kỳ quặc, thô kệch, mọi thứ suy nghĩ rối rắm, ngôn từ bệnh hoạn (mot malade) hiện tượng làm ô nhiễm ngôn ngữ, cách diễn đạt rắc rối, gượng gạo, vờ vĩnh về đề tài tình dục, tình yêu nam nữ đều xa lạ với thơ đương đại và hệ lụy là bạn đọc xa lánh.

 

(1) Đẩy thi ca Việt Nam lên đoạn đầu đài? Tạp chí Văn hiến Việt Nam, số 6/ 2012, các tr. 10, 11

(2) Thơ ồn ào, thơ nhảy cóc, thơ rối rắm? Tạp chí Cửa Việt số 6/ 2012, tr 80 - 83

H. S. V

  

 

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 218 tháng 11/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground