Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Gặp gỡ bên lề Đại hội

 

LTS: Sau Đại hội vòng I của các Phân, Chi hội, vào những ngày này, anh chị em văn nghệ sỹ ai ai cũng rạo rực chờ đón, chuẩn bị tâm thế cho một cuộc sinh hoạt nghề nghiệp lớn của mình, đó là Đại hội lần thứ V Hội văn học nghệ thuật Quảng Trị (Nhiệm kỳ 2012 - 2017). Nhìn lại nhiệm kỳ qua chúng ta vui mừng nhận thấy Hội đã không ngừng lớn mạnh, tích cực đổi mới. Nội dung và phương thức hoạt động, giữ vững định hướng chính trị, tập hợp đoàn kết anh chị em văn nghệ sĩ, đẩy mạnh hoạt động sáng tác để có nhiều tác phẩm với nhiều loại hình đóng góp xứng đáng vào sự đổi mới của quê hương, đất nước.Nhân dịp này, phóng viên CV. đã có những cuộc tiếp xúc vòng quanh Đại hội các Phân, Chi hội, kịp ghi lại những thành quả sáng tạo, những dự cảm cho tương lai và cả những trăn trở nghề nghiệp trong nhiệm kỳ mới.

Chủ điểm và đầu đề do Tòa soạn đặt

CV. Xin trân trọng giới thiệu

 

Văn học - Thơ trẻ

và nhà thơ trẻ Quảng Trị

 


HOÀNG TẤN LINH - Phân hội Văn học

1. Thơ trẻ Quảng Trị là bộ phận không thể tách rời trong một khuôn hình thơ ca đã có bề dày, thấm sâu trong những vỉa tầng mạch ngầm dân tộc và quê hương. Đó là chiếc cầu nối của sự chuyển giao, tiếp nối của nhiều thế hệ thi ca, là cái nắm tay bước qua bờ lịch sử giã từ thế kỉ XX. Và, từ một chặng đường nhìn lại chúng ta có thể thấy rằng, thơ trẻ Quảng Trị đang ở độ thăng hoa, một sự thăng hoa đòi hỏi cần có được sự kì công trong sáng tạo nghệ thuật.

Gọi là nhà thơ trẻ nghĩa là nói đến một đội ngũ sáng tác với những trang viết đầu tay, đầu mùa, những khám phá đầy tinh khôi và tinh anh. Đội ngũ đó có thể là những người rất khác nhau về nhiều khía cạnh, cách nhìn nhận, tiếp cận …nhưng trang viết phải là rất mới theo đúng nghĩa. Nếu trước đây, bên thềm của thế kỉ XXI, tuy đội ngũ chưa thực sự đông đảo nhưng các nhà thơ Hoài Quang Phương, Phan Văn Quang, Võ Văn Luyến, Võ Văn Hoa, Đức Tiên… đã nỗ lực không mệt mỏi, thăng hoa từ nhiều góc cạnh của đời sống để tạo nên những trang viết mới mẻ, vừa đậm chất quê hương vừa thể hiện được tính thời đại trong sự hội nhập của thi ca nói chung để rồi đến hôm nay chất mới – trẻ đó vẫn chưa phai nhạt.

Những năm gần đây, đội ngũ nhà thơ trẻ chúng ta ngày càng đông đảo, là một tín hiệu đáng mừng, khi mà xu thế xã hội phát triển mạnh mẽ  về công nghiệp hóa hiện đại hóa, công nghệ thông tin, khoa học kĩ thuật gần như thống lĩnh toàn bộ đời sống, chi phối nhiều mặt kể cả tư duy nội tại của mỗi cá nhân; đòi hỏi người làm thơ phải vượt qua được và đứng vững trên con đường nghệ thuật của mình. Tiếp cận và lĩnh hội được những ưu chất của thế hệ đi trước, những cây bút trẻ hôm nay đã bắt đầu biết làm mới mình qua những sáng tác mang tính thẩm mĩ cao. Các tập thơ của Nguyễn Văn Chức, Cát Miên, Trần Đình Thành, Đậu Trung Thành, Xuân Lợi, Mai Thanh Tịnh, Lê Quang Thông, Trần Bình, Trương Lan Anh… là những minh chứng về đặc điểm của nhà thơ trẻ. Nhiều gương mặt trẻ có mặt trong các tuyển của các trại sáng tác, của Phân hội Văn học như  Phan Bảo Hòa, Lê Như Tâm, Hoàng Tấn Linh... cũng là những cây bút cần được ghi nhận.

Hành trình năm năm là thời gian chưa đủ dài để đi đến một nhận định chính xác, hoàn hảo nhưng cũng cần đến một sự kiểm chứng xác thực. Sự chuyển biến của thơ trẻ và các nhà thơ trẻ Quảng Trị hôm nay là thành quả có được từ nhiều góc độ trong đó phải kể đến sự quan tâm, động viên gần gũi của Hội VHNT nói chung và Phân hội Văn học nói riêng. Đó là sự tiếp sức mạnh mẽ, tạo được tâm thế cho người cầm bút hướng đến những khám phá thi ca một cách mới mẻ và đầy tự tin. Những chuyến thực tế, những lần giao lưu gặp gỡ giữa nhiều thế hệ, nhiều đối tượng của Hội đã hun đúc vốn sống và tâm hồn trong mỗi nhà thơ.

2. Nói đến thơ trẻ là hướng đến sự đột phá, sự chuyển hóa trong từng khía cạnh của phương thức thẩm mĩ. Yếu tố hiện thực luôn được tạo bởi từ góc nhìn tư duy kết hợp với các nhân tố xúc cảm khúc xạ qua cảm quan cuộc sống, tất nhiên nó không thiên lệch về sự duy lí. Người làm thơ phải luôn biết trăn trở nhào nặn hiện thực, khắc khoải trước hiện thực để tạo nên những bức ảnh động trong lòng độc giả. Sự chân mộc trong từng hình ảnh là vỏ cảm xúc để đi đến sự thăng hoa trong chiều sâu tâm hồn.

Thơ trẻ quê nhà đã có sự tiến bộ nhưng chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo ra được sự đột phá, sự ảnh hưởng lan tỏa bề rộng ngoài các nhà thơ nhiều năm nay đã khẳng định được thước đo phong cách của mình. Rõ ràng trong chúng ta không ai xác định làm thơ là một nghề và sống chết với nghề, nhưng không phải vì thế là chúng ta cho phép mình được trễ lại phía sau hoặc chỉ là thời vụ, mà không chịu trách nhiệm trước sứ mệnh trang viết của mình. Khiếm khuyết lớn nhất của người làm thơ trẻ là sự tự mãn, bằng lòng với những gì mình đã có, trau chuốt, tỉa tót trên vẻ hào nhoáng do chính mình tạo ra.

Đội ngũ nhà thơ trẻ tỉnh nhà trên thực tế đã được gạn lọc khơi trong qua nhiều tác phẩm nhưng so với yêu cầu thực tế cần có sự nỗ lực nhiều hơn nữa. Trong thời đại công nghệ, việc truyền dẫn tác phẩm vô cùng đa dạng, những trang mạng website, blog cá nhân xuất hiện ngày càng nhiều, cơ hội giao lưu càng rộng mở cũng là một điều kiện tốt để các nhà thơ trẻ nói riêng làm mới mình.

          3. Năm năm nhìn lại để hình dung những gì mà các nhà thơ trẻ cống hiến và sự thể hiện thơ trẻ trong gương mặt thơ ca của tỉnh nhà thiết nghĩ vẫn còn nhiều vấn đề cần phải trao đổi thẳng thắn. Điều tiên quyết đặt ra cho mỗi nhà thơ là tinh thần đoàn kết, không ngừng trao đổi học hỏi nhau để tự có thể làm mới mình qua tác phẩm. Đất và người Quảng Trị là mạch nguồn, là đề tài không bao giờ cạn; bề dày văn hóa và tầm cao thời đại của quê hương luôn vẫy gọi mỗi chúng ta. Hơn bao giờ hết thơ trẻ và các nhà thơ trẻ Quảng Trị cần hướng đến những giá trị tầm cao của thi ca.

Mỹ thuật - Thành tựu

và phong cách sáng tác mới

 


TRỊNH HOÀNG TÂN – Phân hội Mỹ thuật

Hoạt động mỹ thuật Quảng Trị những năm gần đây từ sáng tác đến triển lãm, giao lưu có sự phát triển dưới nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Sáng tác và thưởng thức mỹ thuật đã trở thành một đòi hỏi tất yếu của đời sống xã hội và khi được Hội Văn học nghệ thuật quan tâm tạo điều kiện thì đội ngũ sáng tác mỹ thuật Quảng Trị phát huy hết khả năng sáng tạo…

 Mỹ thuật Quảng Trị đã tham gia nhiều cuộc triển lãm Mỹ thuật khu vực hàng năm do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với các tỉnh đăng cai trong khu vực Bắc Trung Bộ; các Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc do Bộ Quốc phòng; Cục Mỹ thuật; Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức như: Tranh chuyên đề sơn dầu toàn quốc; Tranh đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” triển lãm Mỹ thuật Quảng Trị tại TP. Hồ Chí Minh do Quỹ phát triển Văn hóa Thụy Điển - Việt Nam tài trợ. Triển lãm toàn quốc đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Các tác phẩm nghệ thuật Quảng Trị có âm điệu riêng, cách thức biểu hiện riêng, khẳng định được phong cách và sự hiện hữu của nghệ thuật Quảng Trị hôm nay.

Nhiệm kỳ qua, Mỹ thuật Quảng Trị còn tổ chức nhiều cuộc triển lãm khác việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh như: Triển lãm Mỹ thuật chào mừng 20 năm lập lại tỉnh Quảng Trị (1989 - 2009); Triển lãm Mỹ thuật, nhiếp ảnh và thư pháp kỷ niệm 200 năm lỵ sở Quảng Trị; Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng của họa sĩ Lê Hữu Nam và Hồ Thanh Thọ; Triển lãm Mỹ thuật “Sắc màu quê hương” của họa sĩ Trương Minh Dự; Triển lãm “Mùa Xuân” của họa sĩ Lê Ngọc Duy; Triển lãm Chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị; Triển lãm họa sĩ Trương Minh Dự tại Hà Nội chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Triển lãm Mỹ thuật Quảng Trị tại Thái Lan…

Với 27 cuộc triển lãm trong tỉnh, khu vực, toàn quốc và nước ngoài. Đoạt được 8 giải thưởng mỹ thuật khu vực (2 giải B, 3 giải C, 3 giải Tặng thưởng) của các họa sĩ Trịnh Hoàng Tân, Nguyễn Thế Hà, Phạm Phi Trường, Hoàng Cường…

Tham gia cuộc thi về đề tài “Học tập và làm theo tấm guơng đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị tổ chức đã đem lại nhiều thành công. Mỹ thuật đạt 9 giải thưởng Đồng hạng qua sơ kết đợt 1, đợt 2. Tổng kết cuộc thi  có 01 Giải A của Trịnh Hoàng Tân, (tác phẩm “Người mẹ giới tuyến”;) giải B của Trương Minh Dự, (tác phẩm “Tình Bác với nông dân”;) giải C của Nguyễn Thế Hà, (tác phẩm “Người Vân Kiều- Pakô mang Họ của Bác;) và 02 giải Khuyến khích cho tác phẩm “Chúng cháu xin mang Họ của Bác” của Hồ Thanh Thoan; “Việt Nam- Hồ Chí Minh”  Tranh cổ động của Nguyễn Thị Lương Giang… Phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật Phân hội Mỹ thuật tập hợp tư liệu về tác phẩm và tác giả mỹ thuật, biên tập nội dung xuất bản tập sách Mỹ thuật Quảng Trị đạt chất lượng cao, trình bày đẹp.

Bên cạnh đó, họa sĩ Quảng Trị đã có nhiều thay đổi trong quan niệm sáng tác. Các sáng tác mỹ thuật ngày càng bay bổng và sinh động hơn… Bên cạnh khuynh hướng trừu tượng, mỹ thuật Quảng Trị cũng bắt đầu phản ánh các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc với cảm hứng khái quát mới, quan tâm đến cuộc sống bình dị, nhiều góc cạnh đời thường của con người, làm phong phú hơn và làm sâu thêm chủ nghĩa nhân văn. Các hoạ sĩ cũng đã sử dụng ngôn ngữ mới, mạnh mẽ, với những nét vẽ giàu nhịp điệu và sắc màu. Có thể thấy biện pháp cách điệu hoá là một trong những công cụ cho phép các hoạ sĩ Quảng Trị có được một phong cách rõ rệt. Càng ngày, xu hướng cách điệu hoá càng được đẩy mạnh - có lẽ vì nó cho phép không sao chép hiện thực, mà vẫn nói lên được hiện thực, bằng cách khái quát và thể hiện các vật thể với những nét cô đọng nhất, đặc thù nhất, và đó cũng là quy luật của thẩm mỹ, từ Đông sang Tây, liên quan đến cái gọi là nhịp điệu, hoặc khái niệm biểu hiện, lập thể, trừu tượng...

Ai cũng có lối vẽ riêng của mình, mặc dù trình độ nghề nghiệp và ý niệm thẩm mỹ, ngôn ngữ tạo hình và hình thức diễn đạt, có khác nhau, song vẫn độc lập, cố gắng tìm cho mình một phong cách biểu hiện. Giao lưu, tiếp nhận và đổi mới luôn là nhu cầu tự thân để mỹ thuật Quảng Trị ngày càng có thêm nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Hoạt động sáng tác

và biểu diễn của Sân khấu  

 


(Trích báo cáo Phân hội Sân khấu)

Đây là nhiệm kỳ diễn ra nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước và quê hương Quảng Trị, kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, 1000 năm Thăng Long Hà Nội, ngày sinh của Bác, Lễ hội Thống nhất non sông, Nhịp cầu Xuyên Á, kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Quảng Trị v.v… đó cũng là thời cơ tốt cho các nghệ sỹ Sân khấu có điều kiện thể hiện năng lực, tài năng sáng tạo của mình.

Về hoạt động sáng tác, đã mở 06 trại sáng tác kịch bản sân khấu, múa và ảo thuật đã có gần 70 tác phẩm được sáng tác tại các trại viết kịch bản. Ngoài ra đầu tư chiều sâu cho hơn 10 tác phẩm từ nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư chiều sâu của Hội. Nhiều tác phẩm có chất lượng cao và đạt  các giải thưởng quốc gia và khu vực, các ban ngành như: “Những mặt người thấp thoáng”, “Mảnh trăng hạ huyền”,“Bản Rondo mùa hạ”, “Chuyện tình mùa biển động”, “Cõi thiêng”của Xuân Đức; “Bức thư người giúp việc” của Cao Hạnh; “Con tàu cứu nạn”, “Lồng lộng lưới trời” của Vũ Mạnh Thi; “Lạc lối”, “Cả nhà ra quân” của Thanh Bình v.v… Cùng với trại của Hội tổ chức, nhiều hội viên đã tham gia các trại sáng tác của  Trung ương tổ chức như Xuân Đức, Công Bảy, Vũ Mạnh Thi, Kim Quý, Vĩnh Thắng, Thanh Phong và có nhiều tác phẩm chất lượng cao. Đặc biệt tác giả Xuân Đức trong những năm qua đã cho ra mắt một khối lượng kịch bản dày đặc, trên tất cả các thể loại kịch ngắn, kịch dài và kịch bản phim.

Nhiều hội viên tích cực tham gia cuộc vận động sáng tác quảng bá tác phẩm về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với 16 tác phẩm của các thể loại kịch bản “Tapa đang ở đâu” của Xuân Đức được tặng giải thưởng của ban chỉ đạo Trung ương, đây là kết quả rất đáng tự hào. Và nhiều tặng thưởng của tỉnh cho các tác phẩm khác như “Tấm lòng đứa con của Bác” của Công Bảy, “Nơi cơn lũ đi qua” của Văn Đản, Kịch bản múa “Tiếng ru từ làng sen”của Thanh Phong v.v…

Hội viên cơ sở thực sự là những cánh chim đầu đàn hướng dẫn, bồi dưỡng cho phong trào văn nghệ tại cơ sở như sáng tác, dàn dựng những tác phẩm trong hội thi, hội diễn quần chúng. Các mảng tuyên truyền, truyền thông về nông thôn mới, xây dựng làng bản văn hóa, phòng chống HIV/ AIDS và các căn bệnh xã hội khác. Đề tài chống tham ô, tham nhũng, lối sống thấp hèn cũng được các tác giả đưa vào tác phẩm của mình, đồng thời đề cao những giá trị đạo đức trong sáng, những quan hệ xóm làng, những nét đẹp trong đời sống của nhân dân cũng được khắc họa nên đậm nét trong các tác phẩm như: “Nhập trạch”, “Mùa nước bạc”,“Dòng sông tuyến” của Công Bảy; “Tiếng trống trường”, “Ngày không yên ả”, “Lạc lối” của Thanh Bình; “Con tàu cứu nạn”, “Đếm đủ 6 con”, “Tủ không khóa” của Vũ Mạnh Thi v.v… đã được trao giải thưởng hàng năm của Hội VHNT tỉnh.

Nhiều công trình sáng tạo nghệ thuật có giá trị thông qua các hoạt động lễ hội lớn của tỉnh, các ngày kỷ niệm của quê hương đất nước như: Lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á”, Lễ hội “Thống nhất non sông”, kỷ niệm ngày giải phóng quê hương v.v… Tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn quốc gia, quốc tế đã có những tác phẩm múa gây xúc động mạnh và có ấn tượng tốt đẹp như “Nhật ký Thành Cổ”, “Đất mẹ”, “Nón quê”, “Hội mùa”, “Nhịp toong trên rẫy” của Vĩnh Thắng, Thanh Phong và các tiết mục ảo thuật, xiếc được nâng cao và có nhiều sáng tạo mới lạ. Nhiều hội viên thực sự đã trưởng thành, gây được tiếng vang, có tầm ảnh hưởng đối với nghệ thuật chuyên nghiệp, là bà đỡ cho nghệ thuật quần chúng của nhiều cơ quan, ban ngành trong tỉnh. Các Đạo diễn, Chỉ đạo nghệ thuật, Biên đạo múa nhiều năm liền đạt giải xuất sắc của Bộ VHTT&DL.

Về hoạt động biểu diễn: Thông qua các tác phẩm của các nghệ sĩ sân khấu, nhiều tác phẩm, vai diễn đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người xem. Nhiều diễn viên đạt được các giải thưởng quốc gia ở các vỡ diễn: “Độc thoại đêm”, “Muối mặn tình em”, “Tiền và tật”, “Chuyện phiếm”… Kể cả chương trình ảo thuật quốc tế, các tác phẩm múa mà chính họ là linh hồn của tác phẩm, đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp đối với khán giả trong và ngoài tỉnh và đã đoạt được nhiều huy chương vàng, bạc cấp quốc gia, quốc tế và khu vực.

Với kết quả và thành tích ấy năm 2012 Phân hội Sân khấu có ba nghệ sỹ được Chủ tịch nước phong tặng NSƯT: Minh Tuấn, Vĩnh Thắng, Thương Huyền.

 

Âm nhạc đối với công cuộc

đổi mới quê hương

 


VÕ THẾ HÙNG -  Phân hội Âm nhạc

Người dân Quảng Trị trong hòa bình luôn mơ ước xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Chính công cuộc xây dựng đang đòi hỏi sự đóng góp rất lớn của người nhạc sĩ. Và những người con của Non Mai – Sông Hãn ngày hôm nay đang viết tiếp trang sử vẻ vang của quê hương thời hòa bình, hưng thịnh. Đội ngũ nhạc sĩ Quảng Trị cũng đã xiết tay nhau, tự tin và hồ hởi, hòa nhập vào hành trình đi tới đó.

Dòng chảy âm nhạc Quảng Trị trong 5 năm qua vẫn là dòng chảy chính thống, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi cuộc sống lao động sáng tạo của nhân dân, ôn lại lịch sử hào hùng, ký ức về chiến tranh cách mạng, biển đảo quê hương… Bên cạnh đó, một dòng chảy mới đã xuất hiện, đó là dòng chảy âm nhạc trẻ, hoạt động trên lĩnh vực sáng tác và biểu diễn ca khúc,với những gương mặt trẻ, năng động, biết dựa vào nguồn lực của xã hội, tạo nên một thị trường âm nhạc thịnh hành. Các chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh, truyền hình giới thiệu những sáng tác mới của các nhạc sĩ trong phân hội đã góp phần làm phong phú bức tranh âm nhạc của mảnh đất và con người Quảng Trị quê hương.

Có  thể nêu ra một vài con số như là một kỷ yếu của một vụ mùa sáng tạo: 9 trại sáng tác ca khúc và hợp xướng, trong đó nổi bật là các sáng tác viết về mảnh đất và con người Triệu Phong, Cam Lộ, Cồn Cỏ, Đakrông, thành phố Đông Hà, Rừng và lực lượng Kiểm Lâm Quảng Trị…với gần 100  tác phẩm.

Năm 2009, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm VHNT và báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phân hội đã mở trại sáng tác viết về Bác Hồ và có 8 ca khúc mới ra đời. Nổi bật là ca khúc “Đêm giao thừa nhớ Bác” của Võ Thế Hùng, “Phút bên người” nhạc Trần Tích, thơ Hoài Quang Phương, “Lắng đọng tình người” của Thanh Ngọc, “Hội mùa có Bác” của Thanh Ngọc – Văn Sỹ, “Nhớ Bác” của Trần Kiềm.

Năm 2011, để hướng tới kỉ niệm 40 năm ngày giải phóng Quảng Trị, phân hội đã mở trại với thể loại đồng ca, hợp xướng. Đây là lần đầu tiên phân hội mở trại viết theo thể loại lớn, cần sự đầu tư công phu về chủ đề âm nhạc, chủ đề nội dung tư tưởng. Do chưa có điều kiện về kinh phí để dàn dựng thu thanh các tác phẩm nhưng trại viết đã thể hiện sự đa dạng, phong phú về chủ đề nhằm ca ngợi mảnh đất và con người Quảng Trị. Có một tác phẩm đã được thu thanh, dàn dựng và đã được dư luận đánh giá tốt, được biểu diễn nhiều, phục vụ cho các ngày lễ kỷ niệm của tỉnh, đó là hợp xướng “Vang mãi bài ca”, nhạc Hoàng Anh, thơ Nguyễn Văn Dùng.

Năm 2012, các nhạc sĩ của phân hội đã thể hiện tài năng và bản lĩnh trong sáng tác khidành hầu hết các giải thưởng của cuộc thi “Sáng tác ca khúc về TP. Đông Hà” nhân kỉ niệm 40 năm ngày giải phóng Đông Hà Nhạc sĩ Võ Thế Hùng và nhạc sĩ Hoàng Anh đã đoạt giải nhì (không có giải nhất) với các ca khúc “Đông Hà tình yêu tôi” và “Thành phố tình yêu các nhạcsĩ Xuân Vũ, Trần Kiềm, Trần Tích đoạt giải ba; các nhạc sĩ Thanh Ngọc, Văn Lượng, Văn Sỹ, Phan Thạch Hùng đoạt giải khuyến khích.

Những con số không thể nói lên hết một mùa màng hoa trái, nhưng không phải không nói lên ý nghĩa gì. Trước hết nhìn vào thành quả trên diện rộng, ta có thể nhìn thấy dấu chân của các nhạc sĩ tỉnh nhà đã in hằn trên những nẻo đường của Quảng Trị yêu thương và trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Những tác phẩm có được đã minh chứng cho sự dấn thân của người nhạc sĩ, sống hết mình, sống trong một niềm tin vững chắc vào sự nghiệp đổi mới, sống cùng với bao nỗi thao thức, trở trăn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà…

 

Chi hội Kiến trúc –

Các công trình tiêu biểu

 


LÊ CẢNH HÙNG  – Chi hội Kiến trúc

       Với sự sáng tạo miệt mài và tài hoa của đội ngũ Kiến trúc sư, 5 năm qua nhiều công trình đẹp phong cách đa dạng, hình khối hiện đại đã xuất hiện trên quê hương Quảng Trị. Đó là các công trình Trụ sở Thanh tra Tỉnh của Lê Viết Trung, Cục Thuế Tỉnh của Lê Cảnh Hùng - Lê Anh Linh, Ngân hàng Công thương Quảng Trị của Lê Cảnh Hùng - Nguyễn Hữu Sơn, Trung tâm cứu hộ khẩn cấp thiên tai của Hoàng Hữu Quang Tuấn, ... được Liên hiệp Hội ghi nhận bằng các giải A, B hàng năm. Ngoài ra còn nhiều tác phẩm có dấu ấn khác như Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Đông Hà của Nguyễn Hữu Sơn; Khoa nội Bệnh viện Tỉnh của Bùi Đức Huy; Trụ sở UBND huyện Gio Linh của Lê Viết Trung; Khách sạn Hữu Nghị của Lê Cảnh Hùng, Nguyễn Thanh Hải,... Một số tác phẩm khác khai thác sâu và hiệu quả bản sắc kiến trúc truyền thống thích ứng với thể loại công trình văn hóa như Nhà lưu niệm đồng chí Trần Hữu Dực, Nhà truyền thống đồng bào Vân Kiều - Pakô mang họ Bác Hồ, Trung tâm thông tin du lịch Lao Bảo, ...

         Hưởng ứng phong trào "Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới" do UBND tỉnh phát động, Chi hội đã tổ chức 2 cuộc thi liên tiếp về chủ đề: “Nhà ở nông thôn và nhà ở vùng ngập lũ Quảng Trị” kết quả tuyển chọn được một Tuyển tập 20 mẫu kiến trúc Nhà ở nông thôn mới Quảng Trị cho cả 3 vùng (đồng bằng, miền núi và biển) đảm bảo các tiêu chí đẹp, thích dụng, phù hợp với cuộc sống mới, văn minh nhưng vẫn giữ bản sắc truyền thống, dự kiến phát hành trong năm 2012 và tài trợ miễn phí, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

         Trong lĩnh vực quy hoạch, thiết kế đô thị các hội viên của Chi hội đã tham gia các đề án:Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị của tỉnh đến năm 2020, điều chỉnh quy hoạch chung một số đô thị của tỉnh, quy hoạch chi tiết một số khu vực trọng điểm ở thành phố Đông Hà (Quảng trường Nhà văn hóa trung tâm, Công viên Hùng Vương, các khu dân cư ...), một số khu du lịch biển tại Cửa Việt, Mỹ Thủy…

         Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, Hội Kiến trúc sư đã tổ chức bình chọn các công trình kiến trúc tiêu biểu trong 20 năm đổi mới ở tỉnh Quảng Trị; đánh dấu một bước tiến triển mới của kiến trúc Quảng Trị trong quá trình phát triển và hội nhập.

 

Văn nghệ dân gian:

10 ấn phẩm chất lượng cao

 


Y THI - Chi hội Văn nghệ dân gian

Dưới ánh sáng Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới", nhiệm kỳ IV vừa qua hội viên VNDG Quảng Trị tiếp tục bám sát cơ sở để sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, có nhữngđóng góp quan trọng vào thành quả chung của Hội VHNT. Đi đôi với việc sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác là việc quảng bá, công bố tác phẩm để phục vụ công chúng. Có thể nói, đây là điểm nổi bật nhất, đổi mới nhất của Phân hội VNDG từ ngày thành lập đến nay. Không nói là tác phẩm “đỉnh cao”, nhưng Phân hội Dân gian chúng tôi cũng dẫn ra đây 10 đầu sách tiêu biểu  (con số tròn), gây được sự chú ý trong dư luận bạn đọc:

1- “Truyền thống lịch sử, văn hóa Đông Hà với sự phát triển văn hóa đô thị”- NXB Chính trị Quốc gia - 2010. Đây là cuốn sách địa chí, có sự tham gia biên soạn của 4 hội viên Y Thi, Yến Thọ, Nguyễn Bình và Lê Đình Hào; bao quát các giá trị truyền thống như “Nhà ở dân gian và các công trình kiến trúc truyền thống”, “Di tích lịch sử, văn hóa”, “Các ngành nghề truyền thống”, “Quan hệ xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng”, “Lễ hội”, “Phong tục, tập quán và lối sống”, “Văn học nghệ thuật (dân gian và hiện đại)”… Đây là công trình được Hội đồng khoa học của tỉnh đánh giá chất lượng cao, nhưng không dự thi, xếp giải. 2- “Làng nghề truyền thống Quảng Trị”- NXB Văn hóa Dân tộc – 2011, do Y Thi chủ biên, với sự tham gia của các hội viên, các tác giả: Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Bình, Xuân Đàm, Thúy Sâm, Thùy Liên. Công trình do Văn phòng Dự án Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tài trợ xuất bản; Hội VHNT Quảng Trị trao giải A, năm 2011. 3 - “Văn hóa dân gian người Bru- Vân Kiều ở Quảng Trị” – NXB Văn hóa Thông tin – 2011 của Y Thi. Công trình do Văn phòng Dự án Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tài trợ xuất bản; Hội VHNT Quảng Trị trao giải B, năm 2011. 4- "Bác Hồ trong lòng thơ ca dân gian Quảng Trị"- NXB Thuận Hóa – 2011 do Y Thi chủ biên cùng nhóm tác giả Y Thi, Hoàng Sỹ Cừ, Xuân Lực, Vũ Mạnh Thi, Lê Văn Trọng. 5- “Văn hóa Chăm pa- Di tích và huyền thoại” – NXB Thuận Hóa- 2012 của tác giả Yến Thọ. 6- “Di sản văn hóa dân gian tộc người Pako ở huyện Hướng Hóa” – NXB Văn hóa Thông tin – 2012 của Y Thi. Công trình do Văn phòng Dự án Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tài trợ xuất bản. 7- “Truyện cổ Mơ- nông” – NXB Văn hóa Dân tộc – 2012 của Y Thi. Công trình do Văn phòng Dự án Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tài trợ xuất bản.8- “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng”  NXB Thuận Hóa của Nguyễn Văn Thanh; Hội VHNT trao Giải KK năm 2012.9- “Tình người, tình đất quê tôi” – NXB Đại học Huế; 2012- nhiều tác giả, trong đó có Vũ Mạnh Thi, Hội VHNT trao Giải C năm 2012. 10 - “Đi tìm khúc hát dân ca” – NXB Thuận Hóa- 2012, nhiều tác giả. Là thành quả, là những tìm tòi sáng tạo của nhiều hội viên Phân hội VNDG trong cuộc phát động sáng tác các tác phẩm dân ca về đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2011 và trại Sáng tác dân ca năm 2012. ..

Ngoài ra, còn các đề tài khác đã được đầu tư, nghiệm thu, chưa có điều kiện xuất bản như đề tài “Hò nhân nghĩa dân gian Quảng Trị” của 2 tác giả Hoàng Sĩ Cừ và Xuân Lực được Hội VHNT trao giải B năm 2012...         

Đạt được những thành tựu trên,  trước hết  là do có sự quan tâm của Hội TƯ, địa phương và sự đồng tâm nhất trí của nhiều hội viên trong việc tập trung tâm huyết, trí lực cho việc sáng tạo.    

 

Nhiếp ảnh - Một số định hướng

hoạt động trong nhiệm kỳ mới

TRÀ THIẾT – Phân hội Nhiếp ảnh

Về tổ chức: Trước hết phải có sự đổi mới trong công tác tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động Phân hội. BCH cần tập trung trí tuệ, thống nhất trong hoạt động để tạo được sự đồng thuận cao. Phải có cơ chế làm việc khoa học phù hợp tình hình thực tế của Phân hội, phát huy tinh thần làm chủ, ý thức trách nhiệm của mỗi hội viên trong xây dựng phát triển phân hội nhằm tạo ra sân chơi bổ ích, công bằng, bình đẳng về quyền lợi vật chất - tinh thần cho hội viên. Trên cơ sở Điều lệ và Qui chế của BCH  Hội VHNT Quảng Trị, BCH Phân hội tập trung xây dựng bộ quy chế hoạt động Phân hội (Quy chế hoạt động BCH, Qui chế đầu tư tác phẩm chất lượng cao; Quy chế xét giải thưởng hàng năm cho hội viên và các qui chế này được thông qua hội viên góp ý xây dựng thành bộ qui chế hoạt động của Phân hội.

Về hoạt động sáng tác: BCH Phân hội hàng năm tổ chức mở trại sáng tác, định hướng cho hội viên về nội dung sáng tác, cách thức thể hiện tác phẩm. Trước khi tác giả có các tác phẩm tham dự các giải TW hoặc địa phương Phân hội tổ chức xem xét, trao đổi bổ sung để tác giả hoàn chỉnh tác phẩm tham dự các cuộc thi. Kế hoạch trong nhiệm kỳ 5 năm mỗi năm Phân hội mở một trại sáng tác để có tác phẩm tham dự liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc miền Trung, riêng các năm 2014 và 2016 tổ chức 02 cuộc thi ảnh nghệ thuật chủ đề về “Mảnh đất và con người Quảng Trị” để nâng cao tay nghề cho hội viên. Trong nhiệm kỳ ít nhất có 02 hội viên được kết nạp vào Hội chuyên ngành Trung ương.

Tổ chức các buổi trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực sáng tác cho hội viên. Tạo điều kiện để Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phân hội đi dự các lớp tập huấn nghiệp vụ nâng cao kiến thức chuyên môn phục vụ cho công tác thẩm định ảnh, xét giải thưởng hàng năm. Ban Chấp hành Phân hội đề nghị Hội VHNT hỗ trợ thêm kinh phí để ra tập sách ảnh giới thiệu chân dung tác giả, tác phẩm, dự kiến tập sách xuất bản vào năm 2014.

Nhìn lại 5 năm với 01 Huy chương vàng, 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật “Mảnh đất và con người Quảng Trị” phối hợp với Hội NSNA Việt Nam tổ chức cùng với 01 giải A; 09 giải B, 05 giải C và nhiều giải khuyến khích giải thưởng hàng năm của Hội VHNT là sự bứt phá rất lớn của Phân hội Nhiếp ảnh; hy vọng trong nhiệm kỳ mới Phân hội sẽ gặt hái được những mùa màng bội thu, góp phần phản ánh sự đổi mới đi lên từng ngày trên quê hương Quảng Trị.

P.V 

 

P.V
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 219 tháng 12/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground