Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hồ chư - nhà thơ dân tộc Vân Kiều

T

ôi gặp Hồ Chư lần đầu vào năm 1997, khi về Hà Nội dự Đại hội II Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trước đó, tôi chưa được đọc thơ anh, chỉ thấy mến anh ở sự vui vẻ, nói cười tếu táo và dễ hoà nhập. Dáng người thấp, đậm mà rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Khó đoán được tuổi anh. Trán rộng và cao nom già dặn nhưng tác phong lại rất trẻ trung, sôi nổi. Giọng nói và giọng cười anh rất vang, thoải mái, vô tư, ở đâu có Hồ Chư là ở đấy rôm rả chuyện.

Sau đó tôi gặp anh đôi lần nữa nhưng không lúc nào trò chuyện lâu. Mãi đến đầu năm 2002, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam cử tôi phụ trách một đoàn văn nghệ sĩ dân tộc - miền núi đi thực tế tại đồng bằng sông Cửu Long trong hai tuần. Đoàn có Hồ Chư. Hình như anh cũng ham vui, quý bạn nên đã cẩn thận đáp tàu ra Hà Nội để rồi cùng đoàn lại lên tàu vào Nam. Chuyến đi này, tôi có dịp hiểu thêm về anh.

Hồ Chư sinh năm 1949 ở buôn Mò Ó, huyện Đăkrông tỉnh Quảng Trị. Anh tên thật là Chưh Maralu, dân tộc Bru – Vân Kiều. Cũng như nhiều bà con Vân Kiều sống ở phía đông Trường Sơn, anh cũng lấy họ Hồ làm họ của mình để ghi nhớ công ơn của Bác Hồ.

Hồ Chư có tài kể chuyện. Chuyện của anh kể thường lôi cuốn người nghe với những tình tiết vui cười. Những chuyện về miền núi, về người dân tộc thường để lại những ngậm ngùi, đắng đót phía sau tiếng cười. Một lần anh kể: Có mấy người dân tộc về Hà Nội lần đầu. Cái gì cũng lạ. Ra phố thấy toà nhà cao tầng đẹp quá, họ đứng ngẩn ra ngắm. Mấy thanh niên tiến đến giọng sừng sộ:

- Ai cho các anh nhìn nhà tôi. Phải mất tiền đấy. Nhìn một tầng phải trả tôi 10.000đ, các anh nhìn mấy tầng rồi?

- Lạ quá, nhìn cũng phải mất tiền à? Tôi mới nhìn có năm tầng thôi.

- Chứ sao nữa, đưa đây 50.000đ, rồi đi chỗ khác chơi nhé!

Mấy người dân tộc lấy 50 ngàn đồng đưa cho họ. Cầm tiền, mấy thanh niên vội bỏ đi. Một người nói:

- Thấy bảo người Hà Nội khôn lắm mà vẫn bị lừa. Mình nhìn cả mười tầng nhà mà bảo nhìn năm tầng nó cũng tin. Thế là bị mình lừa rồi...

Cái “thật thà” của người miền núi nhiều khi “buồn cười” đến mức đáng... buồn. Anh cười họ cũng là cười mình, mà đâu có cười cho vui, cười ra nước mắt đấy chứ. Trong thơ anh viết:

Nỗi buồn không bao giờ tan biến

Có nỗi buồn... Đời sẽ bớt buồn hơn

Quả thật, khi người ta ý thức được nỗi buồn và nguyên do của nó thì sẽ biết cách vượt lên để làm cho cuộc sống bớt đi những nỗi buồn. Vả lại, cuộc đời còn biết buồn là còn tình người, còn biết gắn bó, san sẻ giữa người với người. Đó là nỗi niềm của thơ. Hồ Chư ý thức được điều đó khi làm thơ. Anh có hai tập thơ riêng và nhiều bài in chung với đồng nghiệp ở Quảng Trị. Hồ Chư viết về nhiều đề tài và nhiều miền đất khác nhau. Thơ anh có bài vui, có bài day dứt hoài niệm về tình yêu, tình bạn... nhưng cũng nhiều bài đau đáu tâm trạng, suy tư về cuộc đời. Trong thơ có một Hồ Chư khác hẳn với Hồ Chư ngoài đời. Ngoài đời, Hồ Chư sôi nổi, nhiệt thành; trong thơ Hồ Chư trầm, ngẫm ngợi. Tôi thích những bài thơ với nhiều chiêm nghiệm sống của anh. “Xe và đường” là bài thơ hay thuộc dạng này:

Tôi thường thấy xe và đường

Xe chạy về phía trước

Đường “đi lùi” phía sau.

 

Dẫu là con đường nào

Xe vẫn tranh nhau vượt

Để cho đường nỗi đau

 

Xe vi vu khắp chốn

Đường ôm một nỗi sầu

Xe thường vô tình thế

ít nhìn về phía sau.

 

Xe biết mình có hạn

Đường biết mình dài lâu

Xe với đường là bạn

Vừa thuận vừa nghịch nhau.

Bài thơ rất mộc mạc, giản dị mà ý nghĩa thật sâu sắc. Từ hình ảnh cụ thể là con đường và phương tiện (xe cộ) lưu thông trên con đường đó, tác giả đẩy ý tưởng lên tầm khái quát về lẽ sống, tình đời với nhiều mâu thuẫn “vừa thuận vừa nghịch nhau”. Bên thì vô tâm, vô tình, bên thì nhẫn nhịn, cam chịu nhưng cả hai lại cần có nhau, như tính cách của hai con người, như hai mặt của cuộc đời: lúc ồn ào, róng riết; lúc nhẫn nhịn, bền lòng:

Xe biết mình hữu hạn

Đường biết mình dài lâu.

Câu thơ bình dị như chân lý, có sức toả sáng, rung động sâu xa. Tính ẩn dụ cao là nét độc đáo của thơ Hồ Chư. Bài học về cây bạch đàn và Tâm tình về các loài vật  có ý nghĩa khái quát về cuộc đời, nhẹ nhàng mà sâu sắc:

Vẫn ghét lối vòng vo

Nên cây thường mọc thẳng

Dù thân có bạc trắng

Lá vẫn xanh với đời

                         (Bài học về cây bạch đàn)

Rõ ràng, cây cũng như người, có hồn cốt, có cá tính. Là cây đấy và cũng là người đấy.

Từ những đặc trưng điển hình của các loại côn trùng (đom đóm, bươm bướm, ve sầu, chuồn chuồn, cào cào, dế...) các loại chim chóc, muông thú (cuốc cuốc, đa đa, le le, chào mào, bìm bịp, rù rì, cà cuống, cu cườm, chim cút, chàng ràng, ba ba, tê tê, tắc kè... tác giả cho ta thấy một thế giới các loài vật thật đa dạng, rộn rã và hài hoà của tự nhiên để rồi liên tưởng đến cuộc đời:

Trong đời các loài vật

Chẳng bao giờ giống nhau

Hạnh phúc và nỗi đau

Không ai trách số phận

                          (Tâm tình về các loài vật)

Cuộc sống cũng cần an nhiên như tự nhiên, mỗi con vật góp cho tự nhiên một nét riêng, làm nên sự đa dạng sinh học. Con người cũng mỗi người mỗi vẻ, không ai sống hết phần ai được, không ai khôn hết phần thiên hạ.

Đó cũng là những nỗi niềm thẳm sâu của Hồ Chư - nhà thơ của dân tộc Vân Kiều. Là người ở Trường Sơn, về biển, anh có cái nhìn xuyên thấu tâm can mình và tâm can người đọc:

Sóng núi lặng lẽ xanh

Sóng biển ồn ào trắng

Sóng lòng tôi vô hình

Ngọt ngào và cay đắng.

 

Sóng cồn cào phẳng lặng

Những bước đi thăng trầm

Sóng đời người cũng thế

Như thuỷ triều ngàn năm

                                       (Sóng)

Hồn thơ của Hồ Chư là thế – Anh có cái nhìn sâu thẳm vào cuộc đời để mà gạn lọc, tìm kiếm những gì tốt đẹp mà cất giữ, tin yêu và lạc quan. Sự lạc quan của anh không “tếu” mà đầy day dứt, trăn trở, suy tư. Tôi coi anh là người lạc quan...buồn:

Qua những đêm thức trắng

Hồn lắng về sâu xa

                                    (Lãng tử)

Có những đêm thức trắng là vô bổ nhưng có những khi thức trắng đêm rồi bỗng ngộ ra một điều gì đấy. Khi Hồ Chư thấy “hồn lắng về sâu xa” thì chắc không thể là đêm thức vô bổ được – Cuộc đời sẽ thấm vào anh ý tưởng mới mẻ để rồi anh lại nối những nhịp tơ lòng với bè bạn, với cuộc đời qua thơ như tiếng khèn, như bầu rượu vậy:

Tình yêu như lửa mới nhen

Đã nghe xao xuyến tiếng khèn tìm nhau

Chợ tình không có trầu cau

Lòng người nối nhịp qua bầu rượu thơm

                                                       (Qua phiên chợ tình)

Đọc thơ Hồ Chư tôi vẫn thầm tiếc rằng anh như còn giấu diếm ở đâu đó cái nguồn mạch Vân Kiều đầy bản sắc của anh. Nó mới chỉ vừa hé mở ra trong “Uống rượu cần” – mà hình như bình rượu anh đưa ra cũng quá nhỏ, người đọc, người thưởng thức chưa đã, chưa say.

Tôi muốn hẹn anh tại Đăkrông với một đêm rượu cần thật say và say với những điệu hát Vân Kiều thật đã đời, Hồ Chư nhé!

      M.L

MAI LIỄU
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 138 tháng 03/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground