Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Khúc ru miền cỏ và nỗi ám ảnh với thời gian

Khúc ru miền cỏ (NXB Thuận Hóa, 2018) là tập thơ thứ ba của nhà thơ Trương Lan Anh, sau hai tập thơ Người đàn bà mặc chiếc áo choàng (2011), Nắng trong mắt (2014). Tập thơ đã thể hiện được những bứt phá và độ chín trên con đường thơ ca của chị.

Trước sự tuôn chảy vĩnh hằng của tạo hóa, nhà thơ Trương Lan Anh luôn sống trong cảm giác nuối tiếc và không sao tránh khỏi nao lòng. Trái tim đa cảm của chị cứ muốn hiến dâng mà đời người lại hữu hạn, ngắn ngủi trước dòng chảy của cuộc đời. Vì thế, bao trùm trong cả tập Khúc ru miền cỏ là nỗi ám ảnh với thời gian. Thời gian trở thành yếu tố chủ đạo để nhà thơ gửi gắm và bày tỏ nỗi niềm.

Thời gian nghệ thuật trong văn học không phải giản đơn chỉ là quan điểm của tác giả về thời gian mà là một hình tượng sinh động, gợi cảm. Nói cách khác, thời gian nghệ thuật là thời gian của lòng người, là sự cảm nhận của người nghệ sĩ được thể hiện thông qua sự phát triển của tính cách, số phận, sự vận động của các mối quan hệ giữa người với người, quá trình tự ý thức, tự phát hiện ra mình trong lịch sử, sự trở về quá khứ, sự bay vượt lên trước vào tương lai.

 Với Trương Lan Anh, thời gian như là vật chứng, là thước đo cho tất cả mọi điều. Những gì xảy ra trong cuộc sống đều được nhìn dưới con mắt của một người từng trải. Chị ý thức và hiểu sâu sắc quy luật tất yếu của thời gian của đời người.

Biết mùa rồi sẽ tàn phai

Chiếc lá rời cành về nguồn cội

Xanh một đời không hề tiếc nuối

Cho mùa xuân lộc biếc trên cành

 

Màu thời gian nhuộm mái tóc xanh

Sương khói mùa thu phủ chiều ảo ảnh

Như cánh hoa đẹp trong mai nở

Biết sẽ tàn khi ánh chiều sa!

                           (Thời gian)

Các hệ từ chỉ thời gian được Trương Lan Anh sử dụng với tần số cao. Những từ chỉ thời gian: ngày, đêm, sáng, chiều, tháng, năm, mùa xuân, mùa hạ,… các liên tưởng giữa quá khứ và hiện tại trải đều ở hầu khắp các bài thơ. Điều này làm cho thơ chị có nét riêng và tạo được dấu ấn đối với độc giả.

Gom thu vào mắt nhớ

Chiều bến quê sóng vồ vập niềm thương

Cất giùm nhé sắc mùa đắm đuối

Con sóng chiều quẫy tím hoàng hôn.

 

Cừa xỏa tóc tháng năm bên bến đợi

Ô Lâu miên miết về xuôi

Những chiếc vàng thả trôi mùa con nước

Để thu nay cứ hoài mãi miền xưa.

 

Em giấu thu vào trong hương tóc

Một chớm se se thu rẽ sang ngày

Chút ngã phai tiêng tiếc mùa năm ngoái

Tiếng vạc gầy đánh rơi cả mùa đi.

                (Về quê)

Thơ Trương Lan Anh là tiếng thơ của người phụ nữ với những cung bậc, nỗi niềm suy tư và trắc ẩn. Dù viết về đề tài gì, thơ Trương Lan Anh cũng “hiền lành” vừa phải, không đao to búa lớn. Đó là một giọng thơ nữ đằm thắm, dịu dàng, mang tính mô phạm của người mà cả đời gắn liền với bảng đen phấn trắng.

Hình ảnh thiên nhiên, mây trời, sông nước, cỏ cây đi vào thơ chị một cách tự nhiên, hồn hậu. Nhà thơ ký gửi vào đó với nhiều những cung bậc, nỗi niềm khác nhau. Những vùng đất - nơi chị đã từng đi qua đều để lại trong chị những dấu ấn khó phai mờ.

Một Hà Nội cổ kính với những ấn tượng sâu đậm:

Sóng Hồ Tây buốt đêm trăn trở

Nhớ ngày đông cái rét sắt se.

 

Hà Nội em về buổi giá Nàng Bân

Chiếc áo choàng cho thêm hơi ấm

Gió quay quắt lần từng ngõ phố

Run rẩy hàng cây nép vệ đường.

 

Phố người đi vội vã dưới mưa ngâu

Co thắt lồng ngực

Rưng rức cái rét

Cóng bàn tay...

Một Đà Nẵng:

Biển vẫn hát bài ca phiêu lãng

Sóng nương bờ tay vớt ánh chiều sa. 

(Thạch Thảo)

Với hàng loạt những điểm đến hấp dẫn, ấn tượng: Non Nước, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, sông Hàn… Nhiều câu hỏi lại đặt ra với chị khi ở nơi thành phố được coi là đáng sống nhất này.

Những dấu hỏi cứ vòng xoay

Ẩn số 

Ẩn số

Đà Nẵng bay lên như phép nhiệm màu!

Nhưng có lẽ, vùng đất nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn với bao ký ức niềm thương được chị ưu ái nhất, nói nhiều nhất bằng tình cảm của một người con - một người công dân đã và đang sống, đang cống hiến bằng tất cả nghị lực và niềm tin. Vùng đất Quảng Trị anh hùng đi vào thơ Trương Lan Anh như nguồn mạch tưới tắm, sự trân trọng biết ơn đến những bà mẹ, người anh, người chị, người ông, người bà những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và máu xương cho nền độc lập của Tổ quốc. Lau trắng là bài thơ cảm động, người đọc không khỏi rưng rưng nước mắt khi đọc những dòng thơ viết về “anh”. Bên cạnh niềm tự hào, còn là nỗi đau - những vết thương không bao giờ lành của những người đang sống. Thân thể “anh” không còn nhưng linh hồn và những việc “anh” làm còn vang vọng mãi trong hồn thiêng sông núi cho đến hôm nay.

Cỏ lau trắng chỗ anh nằm

Lắng Thạch Hãn đêm trầm tư dòng chảy

nước mắt đá... từ những nỗi đau đặc quánh

chảy về xuôi...

 

Tháng Bảy sông chở đầy những cánh hoa trôi

Lấp lánh hoa đăng như Ngân Hà rắc bạc

Ký ức một thời còn đó

Dòng xanh nhuộm đỏ luênh loang...

 

Đêm Thạch Hãn ràn rạt gió lùa...

mùa lau trắng cỏ

Phơ phất hoa một dải khăn vắt ngang còn đó

Trắng muốt niềm đau!

Quê hương ruột thịt của chị đáng yêu và được chị trân quý từ giọng nói, âm sắc của quê nhà. Quê hương ấy có dòng Lam xanh mát, có bát trà xanh nồng ấm nghĩa tình, nơi đó có khói lam chiều từ những bữa cơm mẹ nấu.

Quê hương!

Tiếng trọ trẹ “mô - tê - răng - rứa”

Giữa phố đông những ngôi nhà hình chiếc hộp

Nghe mặn tình ấm bát chè xanh.

Quê hương nơi ấy khói vương chiều dòng Lam xanh mát

Mẹ lẫy Kiều con đẫy giấc thơ

Tình yêu như hạt phù sa mẹ cho con biết gieo mầm trên thửa ruộng

Những mùa hạt lại bắt đầu nẩy mầm từ bàn tay!

                                          (Nơi bắt đầu)

Thơ Trương Lan Anh dễ đi vào lòng người đọc bởi sự lắng đọng, được chưng cất qua nhiều những trải nghiệm và sự thăng hoa của cảm xúc. Mỗi câu thơ, bài thơ của chị đều đầy ắp những nỗi niềm, sự suy tư, triết lý, chiêm cảm.

Nợ vay 

vay trả 

lẽ đời

Thương con chim cuốc khản lời vọng âm!

                               (Nợ)

Đời con người là những cuộc ra đi

Bắt đầu từ đâu 

Những nghịch lý giữa những miền tán sắc

Đâu chỉ bóng đêm là đen?

                                   (Nơi bắt đầu)

Khi đã đi qua những tháng năm thăng trầm, những va chạm, những “ấm lạnh” của cuộc sống, của thời cuộc, Trương Lan Anh nhận ra rằng:

Những được mất ai tính toán so đo

Triết lý nào cũng nhìn đôi góc

tờ giấy hai mặt

Những nghịch lý đời cứ tồn tại song song.

Khi hiểu được lẽ nhân

Chớp mắt một vòng quay nhân thế

Thì cung bậc buồn... vui... giận... hờn… yêu thương như thể

hương vị đời chua... đắng... chát... ngọt... cay.

Vì vậy, mỗi người cần phải:

Chọn cho mình một khái niệm thật hay

Không có giá trị nào là tuyệt đối

Cứ mỉm cười vui cùng nhân thế

Biết sách đời không trang cuối em nghe!

                                  (Tháng Chín và em)       

Với Trương Lan Anh, thời gian như là sự ám ảnh. Tất cả mọi thứ đều được nhìn dưới con mắt của một người từng trải. Nhà thơ ý thức sâu sắc về những thay đổi, được mất, hạnh phúc, cắt chia khi thời gian đi qua: 

Em biết thời gian đi qua màu mắt

Những đục trong 

Những lở bồi

Những viên mãn... cắt chia.

Ôi thời gian như đoàn tàu lăn bánh

Chở ta đi

Bến ga phía trước

Với tầm tay ta chạm cánh xuân thì!

Thời gian - đời người với cả những nỗi đau và niềm tin luôn hiện hữu:

Thời gian...

Tất cả cũng trở về với lập trình định sẵn

Những già cỗi hóa

Mầm non lại tí tách lên mùa!

 

Ngày mới

Đon đả nắng, gió, mưa

cuộc sống chảy trôi

em gom về những tin yêu có thật!

                        (Ngày lại về)

Dưới cái nhìn của nhà thơ Trương Lan Anh, mọi vật đều phải theo quy luật tuần hoàn của tạo hóa, thời gian qua đi sẽ không trở lại bao giờ. Do vậy, phải sống sao cho đáng sống trên cõi đời này. Mà theo chị thì phải:

Xanh một đời không hề tiếc nuối.

Đếm thu đi theo cánh lá rưng rưng

Nhịp gõ thời gian xe mây tóc lọn

Những vuông tròn ru theo cánh võng

Em đón tin yêu lên phía mai hồng.

                              (Nhịp quay)

Dù có những khó khăn, bất trắc xảy ra trên bước đường đời nhưng nhà thơ luôn có một niềm tin tưởng và hướng về tương lai phía trước. Nói với con là lời tâm sự hết sức chân thành và ý nghĩa của chị đối với con. Lời căn dặn ấy xuất phát từ tấm lòng, sự từng trải của người mẹ - người đã đi qua những thăng trầm của cuộc đời và thời cuộc.

Cuộc hành trình nào cũng khó nhọc

Con chữ ruộng cày mang lại ước mơ xanh.

Mẹ phiên bản cho con những lo toan

 

Gắng lên mai này những trò ngoan thành người con nhé

Con mỉm cười khi mùa hoa kết trái

Mùa thu lại về nhịp thổn thức thời gian.

 

Như vòng tròn quanh Tâm con nhé

Gối lên thời gian để con hiểu cuộc đời

Trên dặm dài cố lý… vững bước con ơi

Nhớ Cụ Nguyễn dặn lời: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

  Đến với thơ Trương Lan Anh là đến với thế giới ngôn từ đậm đà màu sắc dân tộc, một thứ ngôn ngữ giản dị, chât chất và mang đậm dấu ấn nông thôn, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người lao động. Bên cạnh ấy, thơ chị vẫn có sự gia công rèn giũa để lời thơ không nôm na mà giàu hình tượng nhờ vào những biện pháp tu từ.

Trương Lan Anh sử dụng nhiều những hình ảnh ẩn dụ, so sánh và những liên tưởng mới lạ và độc đáo:

Em nhẩm tính... để biết ngày tròn trĩnh

Sự thăng hoa của ý nghĩ

Những mặc cả của thời gian

Những dụ dẫn nép sau lấp lánh màu tía sắc...

 

Những đường gấp khúc trong ý nghĩ

Những giả định...

Bỗng vấp vào tiếng chào của con nhồng ríu ran:

Chào khách... chào khách đưa em về thực tại...

                                                  ồ ra thế!

                                  (Nhịp sống)

Đá trầm mặc 

Vết tích thời gian

Biển rộng dài 

Ngàn năm chát mặn.

 

Hoang hoải 

Những con sóng choàng vai nhau tan thành bọt nước

Xô dạt chiều 

bãi đá chênh chao.

                                   (Biển và đá)

Những đợi chờ

Hóa thạch nỗi đau

Mím môi... chát mặn

Bóng thiếu phụ vẽ mình lên vách bốn mùa!

                                    (Đêm)

Thời gian nghệ thuật trong thơ Trương Lan Anh có sức gợi mở vô cùng phong phú. Dù là những đơn vị đo thời gian cụ thể hay tượng trưng thì trong thơ Trương Lan Anh bao giờ cũng được gắn với một tâm trạng riêng, nỗi niềm riêng.        

Tập thơ Khúc ru miền cỏ của Trương Lan Anh phần nào sẽ đem đến cho độc giả yêu thơ những bài thơ, câu thơ lắng đọng, nhẹ nhàng, trong trẻo. Dù rằng đâu đó trong tập sách vẫn còn những bài thơ, câu thơ chưa thật sự ám ảnh và có sức dồn nén nên cũng chưa tạo những dấu ấn phong cách rõ nét và riêng biệt. Nhưng bằng sự lao động nghệ thuật nghiêm túc và niềm đam mê sáng tạo, người đọc có quyền tin tưởng và hy vọng trong tương lai thơ Trương Lan Anh sẽ có nhiều bài thơ hay, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc.

N.V.H

Nguyễn Văn Hòa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 289 tháng 10/2018

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

14 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

15 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground