Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Minh Triết - thế nước - lòng dân

G

ần đây, trên văn đàn và cả diễn đàn, tần số khái niệm minh triết được dùng trong văn viết và văn nói có phần tràn lan, nhưng nội dung của nó vừa khác nhau, vừa mơ hồ, lẫn lộn giữa minh triết với triết lý, triết học, giữa tư duy minh triết của phương Đông và tư duy triết học của phương Tây. Đến thời đại chúng ta, câu nói của nhà văn Anh R. Kipling - người được giải Nôben văn học (năm 1907): “Phương Đông là phương Đông, phương Tây là phương Tây và hai bên sẽ chẳng thể bao giờ gặp nhau” trở nên lạc lõng. Sự  khác nhau thì có, nhưng sự tương đồng, sự hội nhập lẫn nhau còn lớn hơn. Ngay từ thế kỷ XVIII phương Tây đã có câu châm ngôn: “Tạo hóa không khi nào tạo ra những cái gì khác biệt hoàn toàn, mà bao giờ giữa chúng cũng có sự tương đồng nhất định”. Người ta nói phương Đông - tư duy minh triết; phương Tây - tư duy triết học. Nhưng trong cái này vẫn có cái kia và ngược lại. Như vậy mới hình thành xu hướng toàn cầu hóa song song với bản địa hóa theo nghĩa giữ gìn bản sắc, bản lĩnh dân tộc.

Vậy minh triết là gì? Theo một số tài liệu chúng tôi có được, minh triết là cái bất biến vừa là cái khả biến. Bất biến ở bản chất, xương cốt, khả biến ở cách ứng xử. Minh triết lần đầu tiên được xuất hiện trongKinh thi gồm bốn phần: Phong, Tiểu nhã, Đại nhã, Tụng. Đó là tuyển tập thơ ca đầu tiên của văn học Trung Hoa xuất hiện vào khoảng thời gian từ đầu Tây Chu đến giữa Xuân Thu (thế kỷ XI - thế kỷ VI) trước công nguyên. Thuật ngữ này liên quan tới bài thơ Chung dân (trong phần Đại nhã của Kinh thi. Bài thơ gồm 8 chương, mỗi chương có 8 câu. Chương IV có câu: Ký minh, thả triết, Dĩ bảo kỳ thân. Minh là sáng suốt về ý nghĩa, rạch ròi lý luận, Triết là ứng xử thấu đáo về một việc gì. Chữ bảo thân có nghĩa là theo đại nghĩa mà giữ thân, không chạy theo cái vụ lợi, tránh né việc khó để được yên thân. Giáo sư Trần Nghĩa trong bài Quốc tử giám Thăng Long - nơi đào tạo cho nước nhà nhiều bậc “minh triết” xác lập ba tiêu chí để nhận diện minh triết: Sáng suốt trong nhận định; Khôn ngoan trong ứng xử; Biết vượt qua được rào cản, khảo nghiệm, thách thức để đi đến thắng lợi(1). Đồng tình với ý niệm minh triết của tác giả bài báo họ Trần, chúng tôi cho rằng, triết còn có ý nghĩa là trí  tri. Có trí tuệ sáng suốt và biết vận dụng tri thức có được vào giải quyết trăm sự. Người xưa nói: “Tri kỷ, tri bỉ, bách chiến bất đãi” (biết mình, biết thời vận, trăm trận không chùn bước).

Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong mấy nghìn năm chỉ ra rằng, khi nào các vương minh, lương tướng, anh hùng dân tộc vận dụng khôn ngoan minh triết Việt thì chông gai nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng bị khuất phục. Bài thơ nổi tiếng mở đầu lịch sử văn học cổ điển Việt Nam mang tên Quốc tộ (Vận nước) chỉ có 4 câu: Vận nước như dây cuốn/ Trời Nam muốn thái bình/ “Vô vi” nơi cung điện/ Sẽ tắt lửa chiến tranh (2) mà nói được hai ý tưởng lớn của thời đại, đó là: tư tưởng an dân, tâm trạng muốn hòa bình, an lạc; muốn vậy, những nhà cầm quyền không được làm gì trái với tự nhiên, đi ngược lại quy luật xã hội (vô vi). Bài thơ ra đời trong bối cảnh lịch sử đất nước chứa đầy hiểm họa, rối loạn như “dây cuốn”, mặc dầu sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938 quân ta đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi. Ngô Quyền tuyên bố nền tự chủ, ý thức tự cường dân tộc và tiếp theo Lê Hoàn chống quân Tống thắng lợi vào đầu thế kỷ XI với ý đồ tốt đẹp xây dựng một nước Đại Việt lớn mạnh, có cương vực rạch ròi, có thể chế chính trị nghiêm cẩn; đối nội thì gia tăng kỷ cương phép nước, đối ngoại thì chủ trương giao hòa với các nước lân bang. Nhưng trên thực tế, ở nhiều địa phương lực lượng ly tâm mưu đồ cát cứ, khoanh vùng, chiếm đất sau khi Ngô Quyền qua đời (năm 944); Ở Trung ương, các hoàng tử tham quyền, cố vị, tranh giành nhau ngôi báu… dẫn đến thế nước rối ren, lòng dân oán giận.

May thay! Nhiều thế kỷ tiếp theo, mỗi lần thế nước lâm nguy, lòng dân trăm người như một, “binh sĩ một dạ cha - con”, non sông xuất hiện những vì sao anh hùng dân tộc trên bầu trời Việt Nam. Nguyễn Trãi là nhà tư tưởng lớn, một nhân cách lớn, bởi ông đã thừa lệnh Lê Lợi dựng góp văn hiến Đại Việt. Là nhà tư tưởng tầm cỡ thời đại, sau khi kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, ông thay Lê Lợi viết bản hùng văn Bình ngô đại cáo với tư tưởng khai mở mọi đại sự: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; khẳng định cương vực, biên giới: Xét như nước Đại Việt ta / Thật là một nước văn hiến / Bờ cõi núi sông đã chia / Phong tục Nam Bắc cũng khác… Chính sách an dân, khoan sức dân như một môtip điệp khúc trong nhiều áng văn thơ của ông từ khi là quan đại thần cho đến cuối đời: - Bạc đầu vẫn phụ tấm lòng yêu dân; - Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày; - Ta lấy toàn quân làm cốt, mà cho dân được nghỉ; - Chăn lạnh choàng vai đêm chẳng ngủ/ Suốt đời ôm mãi nổi lo dân.

Là nhân cách lớn, Nguyễn Trãi là tấm gương mẫu mực đối nhân xử thế: lúc làm quan thì lưng khôn uốn, lộc nên từ; đối với kẻ lầm đường lạc lối, bọn thổ quan đầu hàng, bọn Việt gian hèn nhát thì khuyên răn hối cãi vì tình đất nước, nghĩa đồng bào; đối với giặc ngoại xâm thì “mưu đánh vào lòng, không chiến mà cũng thắng”, chiến lượctâm công, khi cương, khi nhu, khi thắt, khi mở, có lý, có tình nhưng không bao giờ nhượng bộ nguyên tắc: độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.

Minh triết của anh hùng dân tộc Quang Trung, nhà đại cải cách ở thế kỷ XVIII được thể hiện ở hai tư tưởng chiến lược lớn: Một là, đường lối quân sự của Nguyễn Huệ là đường lối chiến tranh tự vệ, lên án kẻ gây chiến, còn nhân dân hai nước muốn hòa hiếu, để ở bên cạnh nước lớn mà vẫn yên ổn. Quốc vương không hề dấu diếm tư tưởng chiến lược để đuổi giặc, cứu nước: “Phàm quân đội cốt ở chỗ đoàn kết một lòng, không cốt ở chỗ đông. Binh lính quí ở chỗ tinh nhuệ, không quí ở chỗ nhiều. Kẻ khéo thắng là ở chỗ vô cùng mềm dẻo, chứ không phải ỷ mạnh lấn yếu, lấy đông hiếp ít”. Hai là, đường lối cải cách với tuyên ngôn hào sáng: “Sinh dân phải nuôi dân làm trước” (Hịch Tây Sơn) và “Trẫm nay có cả thiên hạ, sẽ dìu dắt dân vào đạo lớn, đem xuân lên cõi đài xuân” (Chiếu lên ngôi). Sức sản xuất trong nông nghiệp, công thương nghiệp, lưu thông hàng hóa, cải cách tiền tệ được phục hồi và phát triển với nhiều chính sách “mở” như “Chiếu khuyến nông”, “Khoan thư sức dân”, “cầu hiền tài”. Tầm nhìn kinh tế với đôi mắt “biệt nhãn” của Quang Trung phù hợp với xu thế thời đại, với nền kinh tế hàng hóa. Mở cửa biên giới với nhà Thanh, tăng cường quan hệ buôn bán với nhiều thuyền buôn các nước tư bản phương Tây v.v… là yêu cầu khách quan của thời đại và hợp lòng dân.

Trong thời đại chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người biết kế thừa những  năng lực minh triết bằng biệt tài của mình để ứng phó với thời cuộc. Lấy hai ví dụ: Hồ Chí Minh thường nói và làm: Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân; Cách mạng là sáng tạo không chỉ ở đường lối, ở chỉ đạo chiến lược mà còn ở yếu tố thời cơ. Nắm được yếu tố thời cơ tức là đã có cách thức ứng xử khôn ngoan nên được tất cả. Cuộc Cách mạng tháng Tám là một thành công phi thường, nổ ra kịp thời vào lúc phát xít Nhật đầu hàng đồng minh (thời cơ), nhờ trí tuệ sáng suốt của Đảng dự báo khả năng để đối phó với những thách thức mới và đặt thế giới (kể cả kẻ thù: quân Pháp quay trở lại, quân Tưởng vào miền Bắc) trước sự việc đã rồi, mặc dầu nhiều địa phương chưa liên lạc được với Trung ương đã buộc phải hành động (sáng suốt, nhận định). Những năm 1945, 1946 trở đi, bàn tay hòa hiếu, hữu nghị của Người đã nhiều lần chìa ra cho các nhà hoạch định chính sách ở Paris, ở Washington, nhưng đều bị họ từ chối, mà hậu quả đem lại khôn lường cho Việt Nam và thế giới. Tầm tư duy khoáng đạt về vai trò quyết định của giới tri thức trong kháng chiến và kiến quốc được hình thành rất sớm ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các bậc hiền nhân, chí sĩ, trí thức cũ, trí thức mới đều được người trọng dụng, biệt đãi, miễn là họ có tài có lòng yêu nước, thương dân. Các ông Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa, Đặng Phúc Thông v.v… đều được chính phủ của Người mạnh dạn giao trọng trách trong bộ máy Nhà nước mới. Một sự kiện tiêu biểu về phát hiện và trọng dụng nhân tài trí thức bậc cao của Hồ Chí Minh là sự tin cậy giao phó chức quyền Chủ tịch Nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng với lời dặn: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” vào tháng 6 năm 1946 trước lúc Người rời nước, sang Pháp dự hội nghị đàm phán Việt Pháp tại Phontenbleau. Đủ biết, cách ứng xử có bản lĩnh, đầy minh triết của vị lãnh tụ dân tộc giữa lúc thế nước đang ở vào những năm tháng đầy cam go, thử thách, giữa lúc lòng dân đang đặt trọn vẹn niềm tin Độc lập - Tự dovào vị cha già dân tộc.

Những bài học minh triết trong tư duy và ứng xử về những đại sự quốc gia, quốc tế của các bậc anh hùng dân tộc dạy chúng ta hôm nay rằng, đối nội thì giữ chặt lòng dân, lấy dân là nền, là gốc, mọi đường lối quyết sách phải dựa vào lòng người, giữ đạo công liêm với mục tiêu cao nhất đồng lòng, chí thuận. Tư tưởng đối ngoại lấy phương châm quán xuyến là giữ vững độc lập, bảo vệ độc lập chủ quyền biển đảo, biên giới, trên không trên bộ với phương thức minh triết: Vừa thắt vừa mở, vừa cứng vừa mềm, vừa cảnh giác với những mánh khóe chìm nổi của những kẻ chủ mưu bành trướng, vừa giữ hòa hiếu trong từng sự kiện xung đột với các nước lân bang trên cơ sở giữ vững chủ quyền quốc gia và tôn trọng mọi quy chuẩn, điều luật quốc tế đã được công bố và thừa nhận. Làm được như vậy là việc đại đức, đại tôn, không phụ công trạng của những bậc tiên liệt, vừa giữ cho đời sống dân lành được yên vui, ổn định trong hòa bình và hữu nghị.

 

H. S. V

(1) Xem thêm Tạp chí Hán Nôm số 5 (102) - 2010 các trang 5 - 7

(2) Quốc tộ như đằng lạc / Nam thiên lý thái bình / Vô vi cư điện các / Xứ  xứ tức đao binh. 

 

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 216 tháng 09/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground