Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một cách đi với cách tân thơ*

T

ừ đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, mặc dầu đã qua cái tuổi thanh niên đến gần một giáp và mặc dầu đang phải lo làm báo Văn nghệ, khi văn, khi thơ, khi phóng viên, tôi vẫn bị Hội Nhà văn giao làm cái chân Phó ban thường trực công tác nhà văn trẻ.

Rất ngại. Thứ nhất tôi tự biết mình vốn là kẻ ham chơi và cũng khá ham… viết. Vì lúc ấy, sau chiến tranh xem ra còn nhiều cái viết được mà trước đây chưa có thời gian, nay đã sa vào báo rồi lại thêm việc ban này, ban nọ thì viết vào lúc nào. Thứ hai là, làm cái ban Nhà văn trẻ này thì chưa biết chừng sẽ dễ dàng bị những phản ứng rất khó lường! Họ trẻ, cái quý của họ ở chỗ còn rất nhiều cái khó lường, đặc biệt là sau những đóng góp quí giá của thơ mới, thơ hai cuộc kháng chiến suốt thể kỷ XX, họ chính là những gương mặt đổi mới cho thế kỷ XXI.

Ấy vậy, nên lại có nhiều điều không ít thú vị. “Đàn đúm” với họ, hình như ta lại được một lần nữa không biết sợ là gì, như hồi ta còn trẻ. Và đặc biệt là ta luôn được… giật mình vì những sự cũ mòn nào đó khi đã ở cái tuổi trung niên…

Giật mình vì họ thường nhận xét nhau và cả các đấng bậc “đàn anh” một cách rất ít úp mở, đôi khi còn có cả sự diễu cợt, phũ phàng nào đó khi có dịp. Nhưng cái giật mình thú vị đáng kể khi tôi thường trực ban này là được (hay phải?) đọc họ nhiều hơn các nhà văn cùng lứa tôi. Đọc họ trên sách báo, đã đành. Nhưng còn đặc biệt hơn là luôn luôn được nghe họ… đọc trên những bản thảo mới nhất, và cả trong trí nhớ, cứ như thơ ứng tác vậy! Phải nghe hoặc đọc họ thì mới biết bàn bạc cho thiết cốt, chứ cứ đem những cái lý luận chung chung mà răn dạy thì phỏng có ích gì?

Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Trần Cương, Trương Nam Hương, Đặng Huy Giang, Nguyễn Khắc Thạch, Ngô Minh, Trần Quang Quí, Tuyết Nga, Inasara (Phú Trạm), Nguyễn Bình Phương, Trần Anh Thái, Hồng Thanh Quang, Lê Minh Quốc, Bùi Chí Vinh, Mai Linh, Mai Văn Phấn, Đồng Đức Bốn…Ấy là mới sơ lược về thơ ở lứa tuổi 5X, chưa kể văn xuôi, kịch, phê bình, dịch thuật và ở các lứa tiếp theo 6X, 7X, 8X…, mà xem ra đã rất đáng giật mình, nếu không nói là đôi khi khá… choáng trước nhiều khuynh hướng cách tân. Có người cách tân theo “Tây hóa” ào ạt. Có người cách tân theo “Đông, Tây kết hợp”. Lại có người chủ trương rất cổ điển: "Cứ gõ vào trái tim anh (hay thân phận anh?) thiên tài là ở đấy!" (Alfred de Musset 1810 - 1857) Thì đã sao? Thể nghiệm mà!

Và cũng vào những năm 80, 90 thế kỷ trước ấy, cùng với những nhà thơ trẻ tiếp theo,tôi được đọc Lê Quang Sinh dù chưa gặp mặt. Và hồi đó chỉ đọc được độ mươi bài, nhưng tôi đã cảm thấy khá rõ ràng, chàng thơ này đang vật vã cách tân theo lối “Đông, Tây kết hợp”.

So với lứa 5X nổi danh, chàng nhà thơ này có chậm chân đôi chút. Vì chàng ta ở nhà quê hơi lâu, lại học cái ngành cơ khí đúc Bách khoa, rồi thợ xây, có vẻ xa văn chương?

Nhưng không sao. Xa thì xa, nhưng chàng kỹ sư cơ khí ngoài hai mươi hồi đó, 1980 đã viết trên báo những dòng thơ đầu tiên:

Một thân cây trần trụi gió đông

Không đủ lá để kết vòm râm mát

Em đừng vội trước vầng mây xa lắc

Cùng những rụng rơi kia, cây dồn sức cho chồi!

                                                                    (Quy luật)

Lo và sốt ruột trước những bóng râm, vầng mây đầy hấp dẫn với cô gái nào đó, chàng ta quyết dồn sức cho những búp chồi, hẹn một vòm xanh mát, có thật chứ không hề ảo tưởng “Bờ chiều lau trắng, nắng im/ Chớ đem bóng nước đi tìm hồn mưa”. Và chàng ta tin: “Người ơi, trong cõi thấp cao/ Cái rơi, cái rụng cũng vào suối sông”.

Suối, sông, mương, máng, lúa, ngô, bờ cỏ, cánh đồng, những bóng dáng dân ca từ thời Thanh Hoa, Kinh Bắc, những “lý con sáo”, “lý ngựa ô”, “lý chiều chiều”, cây đa, quán dốc, bến đò… xem ra vẫn không ngừng “đổ bộ” vào thơ Lê Quang Sinh. Là một người rất chịu đọc, chẳng lẽ các khuynh hướng thơ hiện đại, hậu hiện đại, rất “mốt” với những cái tên gọi “Thơ phụ âm”, “Thơ phân thân”, “Thơ phần mềm” (graphic), “Thơ văn bản” (Văn phạm), “Thơ văn tự”, “Thơ trình diễn”… đã tác động không ít đến các bạn thơ Việt cùng lứa để có những sáng tạo rất đáng lưu ý, lại không khiến chàng thơ này quan tâm?

Không! Chàng ta cũng rất quan tâm. Nhưng những chất liệu từ quê cha đất tổ đã thức dậy như từ trong phủ tạng Lê Quang Sinh (chứ không phải “đổ bộ” vào như tôi vừa thống kê). Mà cái phủ tạng anh ta lại là người của thế kỷ hai mốt cho nên cánh đồng (hay cô thôn nữ?) đã hin ra ngoài cả vòng Nguyễn Bính:

 “Tôi chạm vào cánh đồng thon thả

Hừng hực bờ vai hương lúa ấm mềm

Nước vỗ, đồng sương mương ngập cỏ

Run rẩy vầng trăng gió quăng lên”.

                                             (Trừu tượng)

 Ca dao xưa lo người con gái rửa lông mày, cái “đầu mày, cuối mắt” ấy, đến mức: “Có rửa thì rửa chân tay/ Chớ rửa lông mày chết cá ao anh”. Cái “ngoa ngoắt” của câu ca vào hạng “siêu phẩm” thơ tình này đã nhập vào Lê Quang Sinh trong bài “Hồi ức”:  

“Dẫu chỉ có sương mờ ký ức

Nét mi cong vật vã cánh chim chiều!”.

Cánh chim ấy cố nhiên là cánh chim của dọc ngang khí phách. Vậy mà cũng phải vật vã trước đôi hàng mi mong manh kia!

Và không chỉ mượn ngày xưa một chút gió heo may mà chàng ta có cả những làn heo may mới:

“Không biết nhớ thương đến tự khi nào

Mà da diết suốt ngày gõ cửa!

Chim dễ dãi hót những lời khách khứa

Khói chưa chiều mắt chừng đã cay cay

 

Em đến đó. Hay gió vờn qua cửa

Lá bung biêng không biết lật phương nào

Nửa vàng hết, trọn vẹn mùa thu đã…

Nửa tưng bừng, tìm lại chút hanh hao

                                         ( Mượn chút heo may)

 Dường như cái heo may xưa đã qua trọn vẹn trong những mùa thu cũ? Không, nó cần tạo nên những xúc động mới trong những mùa thu nay! Nó cần những câu thơ: “Chiếc lá rơi còn mang gió bầu trời”, những Chiều thánh thiện màu hoa hoàng điệp/ Mặc trời xanh xoay xở những vầng mây”. Và không phải chỉ lang thang trên những cánh đồng, “nàng” gió heo may ấy còn cùng đám trai làng, sau rất nhiều phiêu bạt, đã vào tận thủ đô nướng ngô non trò chuyện:

“Nào ngồi cả xuống đây chậu than còn ém lửa

Ngọn lửa hiện lên khuôn mặt những chân trời

Hạt ngô sữa ủ mùi trong tro nóng

Mười mấy năm cời lại rối bời”.

                                       (Hà Nội đêm cuối)

Nướng ngô và cùng gió lắng nghe từng ngõ ngách Hà Nội trong đêm:

 “Những người lao công từ phía bờ đê

 Tiếng chổi dồn đêm vào từng ngõ nhỏ

Khuya Hà Nội chênh vênh những gió

Đính hờ lên nếp ngói mỗi kiếp nhà

                                        (Hà Nội đêm cuối)

Và có lúc, một mình nhà thơ này tìm về Côn Sơn Chí Linh để được lặng lẽ viếng thăm cuộc đời đầy bi tráng của người anh hùng thi sĩ Nguyễn Trãi Ức Trai. Trước không gian và con người kỳ vĩ ấy, anh không dám nói gì. Nhưng chính ngọn gió heo may vô hình ấy đã nói giùm anh:

“Tôi tìm đến ngôi nhà xưa Người ở

Nền đất hoang chìm lấp dấu giầy

Mây trắng đỉnh Côn Sơn tiên phật

Vòm trời xanh thắt gió heo may”

“Xanh thắt” chứ không phải “xanh ngắt” như mọi thói quen khẩu ngữ hay hoa mỹ nào đó đã từng làm hỏng thơ trên những bản in!

Thế rồi sang Paris chàng thơ này không tính theo lịch dương mà vẫn nhẩm lịch âm nên việc đầu tiên anh ta làm lại là:

Chắt cả chiều nay làm hương sả

Sông Sen dâng nước mắt lên chầu

Anh mang tháng sáu vào thương nhớ

Mong ngày mưa lại, thuận làm ngâu!”

                                                 (Paris hoài cảm)

Đến du lịch bụi với Vancouver (Canada) trong khi “Tuyết còn lớt phớt đỉnh rừng”, nào có “lúa chiêm lấp ló đầu bờ” gì đâu mà anh ta đã mơ … mưa rào tháng ba xứ Việt:

“Nửa đêm đói rượu, đòi trăng

Giọt tan dưới đáy, giọt nằm chiêm bao

Ngả nghiêng là ngả nghiêng nào

Lỏng tay - Một trận mưa rào láng qua”.

     (Bụi với Vancouver)

New York thì :

“Mưa tây nào khác mưa ta

Khi vui cũng rộn, khi sa cũng buồn”.

Và thật “ngớ ngẩn” khi gặp nữ thần Tự Do thì chàng ta lại cứ tưởng cô gái nào ở đêm hội xứ Thanh!  

“Rướn tay hái chút chiều tà

Nữ thần đốt đuốc tìm ta dông dài”.

Và “dông dài” ngay giữa New York, một khổng lồ thành phố hiện đại bậc nhất hoàn cầu, thì anh ta lại hạ ngay bốn câu:

“Xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng

Nong nia đan dọc, lát ngang, nổi chìm

Ất ơ mải cuộc ú tim

 Hàng rong méo tiếng mò tìm đỏ đen”

                                            (New York du ký)

Chợt nhớ cái “gánh thơ” Nguyễn Duy toàn những quạt nan, quạt mo, nơm, dậm, nón lá, áo tơi, gồng đi ngang dọc Mỹ, Âu. Chợt nhớ có lần trước cửa Hội Nhà văn, Hữu Loan nói gì đó với Nguyễn Đình Thi toàn bằng tiếng Pháp, mà làm thơ thì chỉ những hương vườn, hương lúa, sim, mua. Lại còn Hồng Nguyên, Trần Mại Ninh nữa! Ấy cứ ngơ ngơ kiểu quê mùa, mà đùng một cái, Hữu Loan tương ra thơ “Đèo cả; Trần Mai Ninh “Nhớu”, “Tổ Quốc” Hồng Nguyên với “Nhớ” Nguyễn Duy với “Đò Lèn”, “Đánh thức tiềm lực” đã làm choáng váng mọi sự cách tân từ thời đó.

Hình như “cái cánh” Xứ Thanh này từ lâu họ đã có cái ý riêng gì đó khi đứng trước toàn cầu chăng? Họ cũng rất thích hòa nhập, nhưng cũng rất kiên định chống hòa tan chăng?

Ừ. Mà có nhẽ thế thật! Đọc Thơ Tuyển (1997 - 2008) đến ngót ba trăm trang của Lê Quang Sinh, viết đến đây tôi mới chợt thấy hóa ra mình chưa mở ra được gì hơn ngoài những chất liệu xưa “cũ”, “nhà quê” của anh ta?

Đấy là chưa kể đến tập thơ mới nhất của Lê Quang Sinh ra đời 2013 có cái tên “Dâm bụt vườn hoang” và một bài thơ dài như một trường ca mà tôi chưa trích bàn nơi đây, có cái tên “Xin làng trồng lại cây đa”. Lại cây đa!

“Tôi trở về bến đợi những câu thơ

Nuôi hy vọng cái mình cầm chẳng được...”

 

 ...“Không ai xui tôi thao tác đêm ngày

Chút thoáng qua mơ hồ như cỏ bạc

Đem thương nhớ gieo vào lạnh nhạt

Tôi tìm về bóng dáng một mình tôi!”

(Cảm nhận)

“Một mình tôi!” Đúng. Thơ thì chỉ làm một mình chứ ai làm thơ tập thể. Nhưng cái “một mình” ấy liệu có tạo nên sự bùng nổ như các bậc “liền anh” không? Chưa biết thế nào. Nhưng chắc chắn Lê Quang Sinh thuộc cái tạng “không nhập khẩu cách mạng” tìm cách tân từ gốc gác để đỡ bị “lẫn mặt”. Và hẳn sẽ còn rất vật vã với những câu hỏi: “Phương Đông không? Việt Nam không? Anh là ai?”. Có thế thì may ra mới thoát khỏi kiếp: “Cái quay búng sẵn trên trời/ Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” (Nguyễn Gia Thiều, thế kỷ XVIII)

Còn biết nói gì thêm? Thôi thì đành phải tôn trọng cái “tạng người” anh ta thế. Và có nhẽ cũng chẳng có gì phải lo khi người ta đã bắt đầu bàn bạc kỹ hơn về tư cách của những công - dân - toàn - cầu. Toàn cầu thì hình như lại càng cần những cái gì riêng hơn chứ? Tồn tại, phong phú mà! “Văn chương nết đất” mà!

Không biết Lê Quang Sinh đã về cái làng chùa Xứ Đoài, quê nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chưa? Tôi đã được làm hội viên dự thính của thi - xã làng ấy có dễ đến hơn mười năm rồi!... Thì ra cái anh biết đến vài ba ngoại ngữ ấy cũng còn nặng lòng với cố hương lắm!

 

                                                     Hà Thành, đầu hạ 2014

                                                 T.N.H

 

 

 

 

______________

*  Đọc “Thơ chọn - Lê Quang Sinh 1977- 2008 và “Dâm bụt vườn hoang” 2013. NXB Hội Nhà văn

TRẦN NINH HỒ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 237 tháng 06/2014

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground