Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mỹ thuật đồ họa Quảng Trị với xu hướng phát triển

T

hiết kế đồ họa là cụm từ để chỉ một chuyên ngành thuộc về mỹ thuật. Trong đó danh từ "đồ hoạ" để chỉ những bản vẽ được hiển thị trên một mặt phẳng (đa chất liệu), và động từ "thiết kế" bao hàm ý nghĩa kiến thiết, sáng tạo. Từ đó có thể hiểu, "thiết kế đồ hoạ" là kiến tạo một hình ảnh, một tác phẩm lên một bề mặt chất liệu nào đó, mang ý nghĩa nghệ thuật nhằm mục đích trang trí, làm đẹp, phục vụ nhu cầu con người.... Ngày nay, thiết kế đồ hoạ đã trở thành một ngành dịch vụ quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hầu hết các ngành nghề khác trong xã hội. Ý nghĩa của khái niệm thiết kế đồ hoạ giờ đây thường được hiểu là tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, như tranh, ảnh, trình bày sách, báo, tạp chí, logo, quảng cáo, trang trí trên đồ vật, quần áo, vải vóc... Trước đây với bàn tay của các họa sĩ, họ chỉ làm bằng phương pháp thủ công, bây giờ dưới sự trợ giúp của máy vi tính, công việc đã trở nên hiện đại, thuận lợi nhiều cho nghề nghiệp đạt đến hiệu quả rất cao. 

Đồ họa là ngôn ngữ thị giác bao gồm sự cân bằng, hài hòa, hình khối, màu sắc, nội dung. Không những thế, nó còn là thứ ngôn ngữ ẩn chứa nhiều biểu tượng, văn hoá và quan điểm sống. Một thiết kế có thể hấp dẫn người xem bởi cả bề ngoài và ý nghĩa nó ẩn chứa bên trong. Một họa sĩ thiết kế  giỏi, ngoài kỹ năng ra còn cần phải có kinh nghiệm và am hiểu các mặt khác thật tốt. Như bất kỳ ngành nghề nào, mỗi họa sĩ phải luôn tự hoàn thiện mình từng ngày để phát triển.

Đất nước ta đang chuyển mình từng ngày, từng giờ, đã hòa vào nhịp sống đương đại với thế giới bên ngoài nên đồ họa đã có điều kiện tiếp xúc rộng rãi hơn với thị trường nghệ thuật đó, rất nhiều cuộc triển lãm để giao lưu, kể cả trong nước, trong khu vực và trên thế giới. Các cuộc giao lưu này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các họa sĩ để khi sáng tạo tác phẩm của mình có nhiều khởi sắc và có diện mạo tươi sáng hơn trước nhiều

Các lĩnh vực thuộc Mỹ thuật đồ họa bao gồm:

Thiết kế đồ họa (Sáng tác các thể loại tranh nghệ thuật và mẫu mã sản phẩm)

Thiết kế tạo dáng công nghiệp

Thiết kế thời trang

Thiết kế nội thất

Nghệ thuật trang trí …

Hiện nay, ngành thiết kế đồ họa có ứng dụng rất rộng rãi, cũng chính vì thế nên có nhiều loại phần mềm, công cụ khác nhau để thực hiện những loại việc theo đơn đặt hàng. Chính sự phong phú này đã dẫn đến việc xuất hiện nhiều “họa sĩ” có những kỹ năng chuyên sâu khác nhau.

Chẳng hạn hiện nay chúng ta có những phần mềm đồ họa thông dụng như CorelDRAW, Photoshop, Illustrator,... Các phần mềm này có thể thuộc dạng đồ họa vec-tơ (tức dùng công thức toán để lưu trữ hình ảnh, giúp hình không bị biến dạng khi thay đổi kích thước) như CorelDRAW, Illustrator; hoặc dạng đồ họa điểm ảnh như Photoshop. Tùy theo tính năng từng phần mềm để nhà thiết kế chọn dùng cho từng trường hợp, ví dụ vẽ các họa tiết, sáng tác mẫu mã sản phẩm, làm đẹp hình ảnh… Hầu hết các họa sĩ đều biết sử dụng nhiều phần mềm, nhưng do công việc chuyên môn hóa cao, nên hiện nay thường có xu hướng tập trung kỹ năng theo thao tác hàng ngày. Đó là chưa nói tới các phần mềm đồ họa đa phương tiện, đồ họa kỹ xảo 3D...

Họa sĩ có thể là người người thiết kế quảng cáo, người tạo thiết kế báo in, người thiết kế logo, hệ thống nhận diện thương hiệu, người làm kỹ xảo điện ảnh, thiết kế hình ảnh cho Web, cho phim... Những công việc này có thể khác nhau rất nhiều, dẫn đến yêu cầu và công việc không đồng nhất.

Ở Quảng Trị, trong phân hội Mỹ thuật đang hoạt động sáng tác, cũng có nhiều họa sĩ tốt nghiệp từ khoa đồ họa trường Đại học Mỹ thuật Huế, lớp trước có Hồ Thanh Thoan, Trương Minh Dự, lớp sau này có Linh Giang, Lê Hữu Nam, Hồ Thanh Thọ, Lê Ngọc Duy… Trong hai thế hệ đó, có sự khác biệt nhau rõ rệt như phần trên tôi đã đề cập, chính vì thế, lớp trước lại phải mày mò để học thiết kế trên máy tính một cách cực nhọc, vất vả. Ngoài ra, có một số khác cũng tốt nghiệp ở nhiều trường như: Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai, Cao đẳng Việt – Hàn, Trung cấp Quảng cáo Đà Nẵng, Cao đẳng sư phạm hội họa Quảng Trị hoặc tự học để sinh sống, làm việc ở các công ty in ấn, quảng cáo, tổ chức sự kiện trong tỉnh v.v…

Nhìn chung, các họa sĩ đều đi đúng hướng, làm những công việc đã được đào tạo cơ bản ở trường, bên cạnh đó cũng không ít người phải đi học thêm nhiều chứng chỉ tin học cao cấp khác để bổ sung vào kỹ năng sáng tạo trong nghiệp vụ của mình.

Ngoài công việc thiết kế Website, trình bày tạp chí, sách báo của các tòa soạn hoặc đang quản lý một lĩnh vực nào đó, một số họa sĩ đã tranh thủ vận dụng nghiệp vụ của mình để mưu sinh có hiệu quả hữu ích trong cuộc sống, tạo điều kiện thu nhập thêm cho bản thân và gia đình.

Về tác phẩm tham dự triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, triển lãm trong tỉnh và khu vực cũng có phần khác biệt. Trước đây, một số họa sĩ dùng chất liệu thủ công hoàn toàn gồm: Khắc thạch cao, cao su, khắc gỗ, in đá, in dập màu khổ nhỏ để thực hiện tác phẩm của mình thì hiện nay các thể loại tranh khắc đồng, khắc kẽm, in đá tăng khổ lên đáng kể, đặc biệt có thêm những kỹ thuật mới như in lõm cảm quang, in kỹ thuật tổng hợp… có kích thước ngày càng lớn để phù hợp với yêu cầu trưng bày trong triển lãm chung với các thể loại tranh khác, ngôn ngữ nghệ thuật cũng được đa dạng hơn, phong phú hơn. Trước đây, đa số được tả thực thì bây giờ rất nhiều tác phẩm được chuyển qua hướng trừu tượng.

Một số tác phẩm đồ họa trưng bày trước đây như: Chân dung Chủ tịch Phidel Castro, chân dung Hồ Chủ tịch…(khắc gỗ) của Trương Minh Dự, Ngày mùa (in đá), mục đồng, Nguồn tital từ cát (khắc gỗ), nữ công nhân (khắc thạch cao) của Hồ Thanh Thoan, thì bây giờ các họa sỹ trẻ Quảng Trị không còn sử dụng chất liệu đó nữa. Trong triển lãm đèn ngủ của Linh Giang ở Hội VHNT tỉnh cách đây chừng 5, 6 năm, chúng ta đã thấy được nét phong phú của nhiều kiểu dáng công nghiệp hiện đại nhằm phục vụ cho rất nhiều tầng lớp trong xã hội, nếu đặt triển lãm đó tại một tỉnh hoặc một thành phố lớn thì hiệu quả rất cao trong nghiệp vụ và cả kinh tế. Gần đây, một triển lãm chung của hai họa sĩ Hồ Thanh Thọ và Lê Hữu Nam, chúng ta đã bắt gặp nhiều tác phẩm mới như: Thiết kế logo, bìa sách, minh họa, catalogue, posteur, mẫu sản phẩm trang trí công nghiệp… được in trên các chất liệu giấy ảnh, giấy PP, vải bạt hiflex, ngoài ra còn thể hiện cả projector phối hợp với laptop để trình chiếu các trang web, các hình động lên màn ảnh phẳng. Một họa sĩ mới trình làng Lê Ngọc Duy đã có những tác phẩm: Bộ posteur Liên hoan nhóm múa hip hop, Bộ posteur tranh cổ động tuyên truyền an toàn giao thông …

Nhìn chung, mỹ thuật đồ họa Quảng Trị càng ngày được bổ sung thêm phần đa dạng hóa, phong phú cho giới họa sĩ tỉnh nhà, tuy nhiên, các họa sĩ trẻ, ngoài công việc chính của mình cũng nên tích cực tham gia các cuộc thi tranh cổ động, tranh châm biếm, thiết kế tem thư, mẫu logo của trung ương và các địa phương trong nước, trong tỉnh hoặc các đơn vị Nhà nước, cổ phần, tư nhân v.v…để hoạt động mỹ thuật đồ họa có sức lan tỏa rộng.

Đồ họa là một nghệ thuật đa lĩnh vực, ở đâu cũng vậy, ít có họa sĩ, nhà thiết kế nào lại cùng một lúc thành công ở nhiều mặt. Chính vì thế phải đi đến chuyên môn hóa, nguồn đào tạo là một việc làm hết sức thiết thực, hãy phát huy được hết khả năng của người học, đồng thời cũng cho ra trường những lớp họa sĩ, nhà thiết kế trẻ có tay nghề cao. Để làm được việc này, đòi hỏi các nhà chuyên môn, các chuyên gia biên soạn chương trình học phải vào cuộc, chương trình đào tạo phải thật cô đọng, có tính chuyên môn hóa cao.

Đào tạo về công nghệ tin học chuyên ngành cũng phải được đặc biệt chú trọng, thời lượng tiếp cận và chiếm lĩnh các phần mềm hỗ trợ cho sáng tác thiết kế phải được tăng thêm nữa so với chương trình mà các trường đang thực hiện. Đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ máy móc cho lớp học phải được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng.

Để thay đổi một cái gì đó mang tính nền tảng thì không phải chỉ một sớm, một chiều, vì hàng năm, các trường Nghệ thuật và các cơ sở đào tạo cũng cho ra trường những sinh viên trẻ là những nhà Đồ họa có tài năng, đầy nhiệt huyết đã và đang cống hiến làm thay đổi bộ mặt đời sống thẩm mỹ của xã hội. Hy vọng rằng, trong những năm tới, Mỹ thuật đồ họa Quảng Trị sẽ nhanh chóng được tiếp cận, hòa nhập sớm với các họa sĩ trong nước, khu vực và thế giới để luôn bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội, của nhịp sống thời đại.

H.T.T 

 

Hồ Thanh Thoan
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 218 tháng 11/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground