Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nguyễn Văn Dùng: Xuân đã về bên kia sông Hiếu

Đ

ang mải mê suy ngẫm giai điệu ca khúc viết nhân kỷ niệm 60 năm Đặc khu Vĩnh Linh và ngày truyền thống của mảnh đất “Lũy thép - Lũy hoa”, bỗng nghe véo von ai hát: Xuân đã về bên kia Sông Hiếu của nhạc sỹ Lê Anh phổ thơ Nguyễn Văn Dùng. Một nét xuân về thành phố Đông Hà phơi phới như gió xuân, mơn man như lộc xuân, chồi biếc đã gợi cho tôi giai điệu của ca khúc sắp viết về mảnh đất một thời là “Đầu sóng ngọn gió với biết bao sự tích huyền thoại.

Cuối dòng Bến Hải của đất lửa Vĩnh Linh có một miền quê rất nổi tiếng: Vĩnh Giang. Đó là quê hương của những bà hoàng triều Nguyễn, của những người lính anh hùng trong hai cuộc kháng chiến và cũng là mảnh đất sinh ra điệu chèo cạn làng Tùng và bao nghệ sỹ tài hoa mà cả nước biết đến. Nơi ấy còn sinh ra một người làm thơ rất tâm huyết: Nguyễn Văn Dùng. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Vĩnh Giang hiền hòa và thơ mộng. Ngay từ nhỏ, những làn điệu dân ca, những bài ca dao đã thấm nhuần trong con người anh từ cấu tứ, từ ngữ đến hình ảnh và đặc biệt là những âm điệu. Chính vì vậy, thơ của Nguyễn Văn Dùng luôn mang âm hưởng của những bài ca dao, mang hơi thở của dân ca nên hồn thơ anh đằm thắm và gần gũi. Những câu thơ tự nhiên bật lên từ con tim nồng nàn đa cảm trước muôn chiều cuộc sống:

Tôi từ năm tháng mà ra

Đồi sim, vườn ổi, nương cà nuôi tôi

Mẹ cho giọt sữa cầm hơi

Cha cho dũng khí cái thời thương đau

Gió Lào cho nước da nâu

Hiền Lương cho cả nhịp cầu tuổi thơ.

Nguyễn Văn Dùng từng là chiến sỹ, trí thức, kinh qua nhiều cương vị lãnh đạo một số ngành. Hiện nay là Tiến sỹ lãnh đạo một ngành quan trọng đa lĩnh vực, công việc thúc ép hằng ngày thế mà lạ lùng thay cái chất thi sỹ trong anh luôn quẫy đạp. Thơ anh cứ thế tự nhiên cất lời:

Đau như năm tháng đã qua

Bây chừ năm tháng đã già như tôi

Biết nói gì năm tháng ơi

Gửi theo ngọn gió những lời mung lung.

Phải chăng đó là những thứ “tiếng lòng” như Nhà văn Xuân Đức vẫn hay nói. “Lòng người cũng như lòng suối, nếu phẳng, yên ả, viên mãn thì không bao giờ phát ra tiếng. Nếu có độ sai lệch, thiếu hụt thì sẽ tạo nên con thác bất thường. Tiếng lòng chính là tiếng thác. Độ nghiêng lệch, thiếu hụt càng lớn, thác càng xiết và tiếng thác càng ngân xa. Tôi nghĩ về thơ là nghĩ vậy. Và khi tôi nói, cái thi sĩ có sẵn trong chúng ta chính là cái con thác nghiêng lệch trong từng thế giới riêng của những cõi đời”. Cồn thác nghiêng lệch trong thơ Nguyễn Văn Dùng là vậy!

   Dường như Nguyễn Văn Dùng ngày càng viết khỏe hơn, tránh được những vội vàng, thật thà trong câu chữ để vươn tới sự tinh luyện của ngôn ngữ thơ ca. Cũng như bao người làm thơ khác anh luôn trăn trở trước quê hương và tình yêu, trước những điều nhân bản của cuộc sống. Đó cũng là mạch chủ đạo của thơ anh: chẳng phô trương ngổn ngang triết lý mà câu thơ cứ làm ta day dứt.

   Nguyễn Văn Dùng tinh tế trong cách cảm, cách nghĩ. Thơ anh hồn hậu yêu thương, nồng nàn như hơi thở cuộc sống. Nét nổi bật của thơ anh là gợi cảm trước, thấm vào hồn người trước từ đó rồi mới gợi cho người ta suy nghĩ những điều sâu xa. Viết về tình yêu anh bộc bạch mãnh liệt. Một sự ngây ngô khờ dại mà đáng yêu của chàng trai đa tình, đa cảm. Hơn hai mươi năm trước, tôi biết Nguyễn Văn Dùng qua một câu thơ tình cờ đọc được:

Em ra giếng gánh nước trong

Còn tôi ra giếng để không làm gì.

Vẫn là những chữ ta từng đọc qua các thế hệ văn chương Việt Nam, nhưng chữ qua Nguyễn Văn Dùng như qua một làn nước trong xanh, hồn hậu và mộc mạc, nó như những nốt nhạc sinh ra từ thời cổ điển và được sắp xếp theo những quãng âm riêng, tạo nên những nhịp điệu mềm mại, da diết yêu thương.

   Nguyễn Văn Dùng còn viết về nỗi đau. Những nỗi đau sinh nở thánh thiện. Anh lặng lẽ tìm về phía tin yêu, nhân ái nhất của tình đời, tình người. Niềm tin ấy tạo thành sức mạnh giúp anh vượt qua những nghiệt ngã của cuộc sống.

   Biết bao điều bình thản quên, nhưng cũng có những điều găm buốt vào thao thức. Tôi thấy Nguyễn Văn Dùng đang mỉm cười đi về phía bến bờ tình yêu của con người. Thơ ấy là thứ thơ chân tình, chân thật, là thứ thơ “thốt lên” chứ không phải “làm ra”. Đúng như nhà thơ Ngô Minh nhận xét: “Thơ Nguyễn Văn Dùng chân chất, thiệt thà mà nồng nàn, chất chứa, đằm sâu. Dùng không cố tình “làm chữ”, làm “cấu trúc” cho lạ thơ, mà chính là thơ làm nên tâm trạng…”, giãi bày tâm sự chứ không phải làm xiếc chữ. Có lẽ chính vì điều này mà có những bài thơ trở thành tâm đắc và thúc đẩy sáng tạo của các nhạc sỹ. Nhiều bài thơ đã được các nhạc sỹ lấy làm lời cho ca khúc của mình và Nguyễn Văn Dùng đã trở thành đồng tác giả.

   Tôi quen thân nhà thơ Nguyễn Văn Dùng từ lâu, đã phổ thành công ca khúc “Chiều tím Cửa Tùng” do anh sáng tác cách đây 20 năm rồi. Từ đó đến nay có trên 10 nhạc sỹ duyên nợ với thơ anh và phổ thành công 25 bài thơ do anh sáng tác. Có thể nói anh là nhà thơ Quảng Trị có nhiều thơ phổ nhạc nhất tính đến thời điểm này. Những bài hát đó đã đi vào lòng người không chỉ ở những nét giai điệu trữ tình, tha thiết, giàu nhạc cảm mà còn để lại trong lòng người nghe cảm xúc sâu sắc bởi lời ca luôn mang những nét đằm thắm, dung dị, gần gũi với cuộc sống, con người, với quê hương và đất nước. Tôi chưa biết Nguyễn Văn Dùng tường tận âm nhạc đại chúng hôm nay đến đâu, nhưng những vần thơ nồng nàn tình yêu  của anh hết sức đa điệu. Nó không chỉ là một bản Blue nhẹ nhàng, một âm hưởng dân gian đằm thắm, một hợp xướng hùng ca hoành tráng, mà đôi khi chỉ là một tiếng lòng khẽ khàng đầy chất tự sự. Cố nhạc sỹ Văn Báo đã phổ thơ của Nguyễn Văn Dùng ba ca khúc, nổi tiếng nhất là “Gặp lại Sông Bến Hải”, ca khúc này luôn vang lên trong dịp kỷ niệm ngày Thống nhất Non sông. Nhạc sỹ Trần Tích phổ hai ca khúc, ấn tượng nhất là “Biển và em”, ca khúc này được lớp trẻ ưa thích đến mê hoặc. Nhạc sỹ Lê Vi phổ hai ca khúc và “Giấc mơ tuổi hồng” đã có chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc. Nhạc sỹ Thanh Liêm phổ hai bài, tình tứ nhất là bài “Tình em”. Nhạc sỹ Xuân Vũ phổ ba bài, trong đó có hai bài đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tác ca khúc về Thành phố Đông Hà và Báo Lao động tổ chức viết về 45 năm chiến thắng Khe Sanh - Hướng Hóa. Nhạc sỹ Hoàng Anh đã chắp cánh cho những lời thơ của Nguyễn Văn Dùng bay xa trong hai hợp xướng và một ca khúc. Hợp xướng “Vang mãi bài ca” đạt giải A sáng tác Văn học Nghệ thuật, và được Bộ VH - TT & DL, Sở VH - TT & DL tỉnh Quảng Trị chọn biểu diễn kết thúc lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị, được biểu diễn nhiều tại các hội diễn nghệ thuật và tại lễ Thượng Cờ trong ngày 30/4 hằng năm ở Kỳ đài Hiền Lương; ca khúc “Khe Sanh vang mãi bản hùng ca” được nhận bằng khen của Ban Tổ chức cuộc thi và chọn hát kết thúc chương trình giao lưu nghệ thuật Kỷ niệm 45 năm giải phóng Khe Sanh, Hướng Hóa; “Ca khúc “Khúc hát Sông Hiền” đạt giải A tại Liên hoan âm nhạc các tỉnh Bắc Miền Trung 2013. Với nhạc sỹ Lê Anh, ông đã phổ thành công bốn ca khúc, trong đó hợp ca “Thương miền nắng gió”, ca khúc “Huyền thoại Đakrông”, “Xuân đã về bên kia sông Hiếu” được đông đảo công chúng ưa thích trong những dịp xuân về...

Trong mùa hương Xuân mới, bất ngờ nghe lại bài “Xuân đã về bên kia sông Hiếu” lòng tôi rộn lên niềm vui mùa xuân hẹn hò, lẫn với nỗi niềm “sợ đò đầy em sẽ sang sông”. Mùa Xuân đem lại nhiều dự cảm tốt lành và cũng mang đến cho mỗi người trăn trở suy tư đời thường nhiều biến động…

Xuân đã về bên kia sông Hiếu

Nắng nhạt vương vương cuốn con đường

Phố bỗng hồng tươi màu vôi mới

Hoa bắt đầu khoe sắc tỏa hương.

Nguyễn Văn Dùng đã in các tác phẩm “Tự tình”, “Thương miền nắng gió”, “Hình như”, “Khoảng trời riêng”, “Lục bát tặng mình” và “Gió cuối miền”. Khiêm nhường và lặng lẽ, đó là phẩm chất thi sĩ trong Nguyễn Văn Dùng. Bỏ qua mọi sự ồn ào, bệnh hư danh, thơ Nguyễn Văn Dùng như cây hoa kết nụ rồi đơm hoa, cứ tự nhiên bay cao trên đôi cánh của âm nhạc. Một mùa xuân mới lại về, tôi tin các bạn yêu thơ, yêu nhạc sẽ vui mừng đón nhận những thành công mới của anh, và chúc anh có những khám phá, tìm tòi, sáng tạo mới, có nhiều tác phẩm bén duyên với những nhạc sỹ để có thêm những ca khúc lay động lòng người.

V.T.H

 

VÕ THẾ HÙNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 233 tháng 02/2014

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground