Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tản mạn trước đèn

T

ây Nguyên không phải là vùng đất mới, và nguyên sinh, từ trong lịch sử của nó đã mang sẵn tố chất bi hùng và mẫn tiệp. Ở phần cuối khan Đăm Săn có một lời kể vừa mộc mạc lại vừa hào sảng: Chàng đóng một cái khố Giarai gấp bỏ múi, mặc một cái áo tết đầy nút đồng, thân hình chàng trông thật vạm vỡ. Mắt chàng gầm gầm như mắt trâu đực. Tiếng nói thì oang oang như sấm dậy sét gầm... Rồi ở cổng làng ông Ay Ađiê lại trồng cho chàng những ngải của lòng dũng cảm. Ở rào làng, ông Ay Đu lại trồng cho chàng những ngải của sức mạnh, xung quanh người chàng các ông còn nuôi những ngải của quả và diều hâu. Đấy Đăm Săn đã biết biến thành những diều hâu con để bay trên các đồi tranh, chẳng kẻ nào đánh chàng mà thắng được.

Qua những dòng sử thi truyền miệng đời này đời khác người ta tìm thấy những phẩm chất hết sức thuần phác của một vùng người vùng đất, của một vùng lịch sử đã được hình thành với đầy đủ sức mạnh để đi tới, bất chấp mọi thử thách.

Nơi ấy là một tập hợp phong phú, quần tụ nhiều dân tộc anh em, mặc dù đang có sự phát triển không đồng đều, có dân tộc còn non yếu như vừa từ thời nguyên thủy bước ra, lại có những dân tộc đã đạt đến một trình độ cao, từng trải và bản lĩnh. Trong khi người Êđê đã có họ có tên, có văn tự, văn học nghệ thuật thì người Stiêng, người Mnông vẫn đang tù mù.

Nhưng người Mnông lại có cụ Điểu Câu. Cụ Điểu là một trong những người đóng vai trò chủ yếu làm ra nhiều bộ sách quý đã được xuất bản tại Hà Nội mấy thập kỷ vừa qua: Truyện cổ Mnông, Thơ nói vần Mnông, Cây nêu thần và đặc biệt là bộ Đại Sử thi Mnông chưa kịp ghi ra giấy, nó vẫn đang còn nằm im trong hai mươi hộp băng ghi âm, mỗi băng dài chín mươi phút. Cụ Điểu Câu bây giờ đã già quá mất rồi, nói dại đến lúc ông cụ ấy mà nằm xuống thì mới lôi thôi to. Là vì sẽ có thể dẫn đến một tình hình tất cả chỉ còn biết đứng đấy mà nhìn cái kho tàng đồ sộ kia nằm bất động không biết đến bao giờ mới mọc cánh bay ra khỏi được những cái hộp băng hiện đại. Đấy là một ông lão có đôi tai thần, cái lưỡi khôn ngoan và một trí tuệ hiếm thấy. Ông cụ chính là một đại biểu của văn hóa Tây Nguyên, một người rất giàu có và cũng hết sức hào phóng. Không ít người đã nhờ có sự giúp đỡ của ông cụ trong quá trình đi sưu tầm văn học dân gian mà hóa nên có công trình và thành đạt. Gặp được cụ họ mừng rỡ như kẻ chết đuối vớ được cọc, là bởi ông cụ chính là một thực thể văn hóa sống động, là bộ Bách khoa toàn thư, là cuốn từ điển của nhiều ngôn ngữ. Đến một vùng đất vùng người xa lạ mà không thèm biết thì tức là đã sa vào một cái lưới của ông trời giăng mắc, không gặp được những người như ông cụ mách lối chỉ đường cho, đứng ra làm thông ngôn cho thì sự bế tắc tất khó tránh khỏi.

Vài năm trước tôi vừa từ Tây Nguyên bay ra là đã vội vàng tìm đến thăm ngay cụ giáo Thấu. Biết ở ngoài Hà Nội giờ đang có cụ Giáo Thấu cũng là nhờ ở sự gợi ý của cụ Điểu Câu. Hai cụ là bạn cố tri, họ chơi với nhau đã nhiều năm, từ bao giờ thì cũng chẳng rõ, nhưng hẳn là phải lâu rồi. Cứ xem cung cách hai cụ nhắc đến nhau mà hiểu vậy. Những người già mang nhiều bí ẩn mà kẻ hậu sinh rất khó lường, sự hấp dẫn của họ còn là ở đó.

Vừa hay lúc tôi tới thì cũng là lúc cụ giáo đang ngồi tiếp chuyện một nhà nghiên cứu người Pháp. Ông này từ Paris cất công qua đây cũng là để tìm hiểu nền văn hóa Tây Nguyên.

Thưa cụ, người Pháp hỏi, tôi đọc Đăm Săn thấy có nói đến loài cây "Ktung, Ktang", xin hỏi cụ cây ấy là cây thế nào, nó thuộc họ gì? Cụ Thấu cười rất tươi. Vậy là ông đã đọc kỹ lắm đó. Một câu hỏi thật thú vị. Loài này đã bị hủy diệt từ lâu rồi, mất giống rồi. Một cụ già bảo tôi nó là một cây họ bấc, ngày xưa mọc rất nhiều trong rừng sâu. Tới mùa, quả bấc rơi đầy suối, đàn cá Bong Klong đua nhau nhảy lên đớp ăn tùm tủm trên mặt nước. Ktung, Ktang được gọi theo hình những trái quả. Cùng với cây thỉ giống cá Bong Klong nay cũng mất rồi.

Người Pháp lại hỏi tiếp: Liệu đã có dịp nào cụ Le'on Sabatier gặp nhau để nói chuyện về Đăm Săn? Tôi muốn cụ kể cho biết thêm việc ông ấy đã học tiếng Êđê như thế nào. Cụ Thấu trả lời: Tôi không có may mắn được gặp Le'on Sabatier lần nào, chỉ nghe nói đấy là một người rất thông minh, lại tốt bụng nữa. Tôi từ Huế lên Đắc Lắc là vào cuối năm 1937, lúc ấy thì Le'on Sabatier đã rời Đắc Lắc được mười năm rồi. Ông ấy đến Đắc Lắc năm mới hai mươi sáu tuổi, ra đi là ba mươi tám tuổi. "Lúy" bị cách chức điệu về nước bởi mắc tội xúi giục dân Thượng đấu tranh giữ đất đai. Đó là một trí thức có nhiều hoài bão và theo tôi ông ta cũng là một nghệ sĩ. Là nghệ sĩ thì rất khó làm quan cai trị. Ông ta quên mất một điều ở Đông Dương ngày ấy, khi muốn bổ nhiệm một viên Toàn quyền thì Bộ thuộc địa bên Paris vẫn phải trao đổi trước với nhà băng Đông Dương chứ không thể tùy ý được. Vẫn còn có những ông chủ đứng sau những ông chủ là thế. Do quá yêu Tây Nguyên mà Le'on Sabatier đã quên khuấy mất mục đích đến đây của người Pháp. Tôi nghe nói khi về nước ông ấy đã sống ở quê nhà, miền Provance, ông ấy là một người sống nghèo và yêu núi, như thế lại hay. Thoạt đầu lên Đắc Lắc ông ấy làm Đại lý Ban Mê Thuột, vài năm sau chính thức được bổ nhiệm Công sứ. Hôm rời Đắc Lắc người ta còn nhớ ông ta chỉ ôm theo một vali bản thảo đang dịch khan Đăm Săn, một trái bầu khô và một cây nỏ gỗ mun quà của mấy ông già trong buôn gửi tặng. Theo tôi biết thì ông ấy học tiếng Êđê qua hai anh em Y Dút và Y Út, sau đó lại cùng họ mầy mò tìm ra chữ viết cho người Êđê. Năm 1933 tại Paris, Le'on Sabatier đã cho công bố lần thứ hai bản dịch khan Đăm Săn của mình, lần này có kèm thêm cả bản tiếng Êđê được sưu tầm khá công phu. Lần công bố thứ nhất là vào năm 1927. Ông hãy đến Viễn Đông Bác Cổ tìm nó theo ký hiệu này: B.E.F.E.O, TXXXIII, 1934, Hanoi. Cụ Thấu vừa nói vừa rút bút ra ghi cái số ký hiệu thư mục đó vào một mảnh giấy rồi ân cần đưa cho ông bạn Pháp. Ít thấy ai ở vào tuổi sắp chín mươi mà trí nhớ vẫn sáng suốt làm vậy.

Theo cụ Thấu thì người Pháp đặt chân lên Tây Nguyên từ những năm cuối thế kỷ mười chín, họ chọn ngay Đắc Lắc để lập Trung tâm hành chính. Ban đầu đặt nhiệm sở trong bản Đôn về sau thấy không thuận lợi mới chuyển về Ban Mê Thuột. Tù trưởng Ban Mê Thuột bấy giờ là A Ma Thuột, một nhân vật lừng danh, trong nhà có hàng trăm nô lệ, hàng chục voi, cồng chiêng trăm cái, vì mâu thuẫn với các tù trưởng lân bang, để gây thêm thanh thế cho mình mà ông ta quyết định hợp tác chặt chẽ với quân Pháp. Trong lúc tù trưởng Ma Trang Long đứng dậy rút gươm chém đứt đầu viên quan hai Hanrimete ở một bữa tiệc thì A Ma Thuột lại dẫn quân Pháp đi lùng bắt Ma Trang Long, có ngờ đâu, làm như thế tức là đã tự chôn sống mình rồi đấy. Qua một thế kỷ với nhiều bài học cay đắng, nay nếu có dịp đến đó vẫn nên tìm tới đứng một lúc ở khu nhà xưa của A Ma Thuột, giờ là buôn Côsia, mộ ông ta vẫn còn gần khu đất công ty cấp thoát nước. Một cái nhà gỗ rất dài, dài như tiếng chiêng, dài như tiếng khóc. Buôn Côsia nay đã nằm gọn trong lòng thành phố, thuộc phường Tử An. Trong ngôi nhà tù trưởng cái trống gia voi vẫn còn nhưng một mặt đã bục, tang trống cũng đã nát, mái nhà không lợp cỏ nữa mà thay bằng tôn, giường chân dê, ghế kpan dài ba chục mét vẫn còn nguyên vì được đẽo từ những cây gỗ quý, chỉ có mặt tiền của khu nhà là đang bị thu hẹp dần, bởi thằng cháu đích tôn lâu lâu lại xắn một lô mang bán cho thiên hạ lấy tiền uống rượu. Thỉnh thoảng nó vẫn dắt cả gái Sài Gòn, gái Quảng Ngãi, gái Hải Phòng về nhà tiệc tùng suốt đêm và cả lũ hát rống lên những câu Ly cà phê Ban Mê, Ly cà phê đen Ban Mê, ờ ờ, ú ú.

Cụ Thấu kể trong mấy ông công sứ Pháp đã từng thụ chức ở Đắc Lắc thì không thấy có ông nào lại lạ lùng như Le'on Sabatier. Đây đúng là một trường hợp hiếm hoi, tưởng như ông ta từ trên trời lạc xuống chứ không phải là một quan chức được đào tạo tử tế trong trường hành chính cao cấp Paris. Trước ngày quay về Sài Gòn để xuống tàu, Le'on Sabatier đã tổ chức một đêm hội đốt lửa đâm trâu ăn thề với nhau nhất quyết không chịu lùi bước. Ông ta ngồi giữa đám dân chúng và các tù trưởng, hát và uống rượu cùng họ. Chả rõ nếu còn tiếp tục ở lại thì ông ta sẽ đi đến đâu, rất có thể ông ta sẽ cưới một cô gái Êđê làm vợ mà phải là một cô vừa đẹp vừa múa giỏi hát hay. Điều đó là không khó vì các cô gái Tây Nguyên nhìn chung rất nhiều cô đẹp, một nét đẹp của thần Siva, mê hoặc và bùng nổ say đắm, một vị thần mang sức mạnh hủy diệt và gây dựng của tạo hóa. Về sau này nhằm ổn định tình hình Tây Nguyên theo những nguyên tắc của người Pháp đặt ra, Công sứ Trung Kỳ là Piere Perguine đã phải cho làm thông tư về chính sách dân tộc Tây Nguyên, trong đó nhiều quan niệm của L.Sabatier để lại đã được cân nhắc kỹ và có những điểm được lấy dùng làm cơ sở.

Cụ giáo Thấu là người am hiểu Tây Nguyên như một trí thức đã có một đời gắn bó với nó. Cụ vốn là người gốc Huế nhưng được sinh ở Thanh Hóa lớn lên lúc học ở Thanh lúc học trong Huế. Tính tình phóng khoáng ưa bay nhảy hoạt động, cụ sớm tham gia phong trào hướng đạo sinh. Năm 1936, cụ Thấu từ Huế ngồi tàu hỏa ra Hà Nội xin vào học trường Thăng Long, sau một năm thi đỗ Segondaire lại chào Hà Nội về Huế để kịp thi vào trường sư phạm. Cụ học lớp cấp tốc, một năm sau được điều lên dạy trên Ban Mê Thuột. Và thế là thành gắn bó lâu dài với nơi này, quần áo trắng, mũ trắng, giày tất trắng, thanh xuân và nghị lực thầy Thấu mau chóng hòa nhập với cuộc sống trên miền đất lạ. Thuở ấy Ban Mê Thuột còn rất thưa thớt vắng vẻ đi bộ năm phút là qua khỏi thị xã. Phố xá lèo tèo với mấy cửa hàng cửa hiệu chưa tối đã đóng cửa, mặt trời cao nguyên cũng quen đi ngủ sớm để dậy sớm. Dăm bảy anh Tây thực dân, Tây đồn điền và bóng vài cô đầm vợ con họ thỉnh thoảng mới gặp ở đâu đó, trong một bữa tiệc nào đó. Ông thầy trẻ chơi với đàn trò trẻ trong một khu vườn rộng như một cánh rừng. Lúc đó Ban Mê Thuột chưa có điện, chưa có nước máy, báo chí trong nước thì tuần này đọc của tuần trước, báo Pháp và Quảng Đông thì tháng này đọc của tháng trước.

Tây Nguyên có khoảng gần hai chục dân tộc, ông Thấu chọn tiếng Êđê làm tiếng phải học. Rồi ông tham gia kháng chiến ở đó, sau hiệp định Genever 1954 ông tập kết ra Bắc về công tác ở Ban thống nhất Trung ương bắt đầu học lại tiếng Êđê để bắt tay vào nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên một cách có hệ thống, có bài bản. Năm 1963, tập Trường ca Tây Nguyên gồm sáu thiên của tác giả Ngọc Anh ra đời, ông đã đọc và thấy đấy là một công trình tuy có nhiều cố gắng nhưng do việc sưu tầm lúc đó gặp nhiều khó khăn mà bản dịch thiếu độ tin cậy cao, đôi chỗ đã mắc nhược điểm nhại Tây Nguyên. Nhược điểm này dạo ấy thường vẫn hay gặp trong các tác phẩm văn học viết về đề tài miền núi.

Trường ca Đăm Săn hay là khan Đăm Săn là một bộ sử thi lớn của dân tộc Êđê, cho nên nó đã được nhiều người quan tâm và đã có nhiều bản dịch ra đời.

Được phát hiện vào năm 1924 đến năm 1927 nó đã có mặt ở Paris cùng với lời giới thiệu trang trọng của L. Sabatier. Năm 1957 tại Hà Nội nó đã được nhà nghiên cứu Đào Tử Chí dịch ra tiếng Việt. Ông là một người am hiểu Tây Nguyên, đã từng sống ở Tây Nguyên từ 1941. Ngoài ra nó còn có những dị bản gốc Êđê của Yvông Mơno một cán bộ ra Bắc tập kết, đây là bản có độ tin cậy, chính ông Y Ngông Niêkdam cũng đã cho là vậy. Ngoài ra còn có một bản nữa của Y Dung, một bản nữa của Y Bí Alêô.

Đáng bàn vẫn là bản tiếng Pháp của L.Sabatier và bản tiếng Việt của Đào Tử Chí. Bản tiếng Pháp ở cả hai lần in vẫn có nhiều sai lầm đáng tiếc, đến bản tiếng Việt do căn cứ quá nhiều vào bản tiếng Pháp mà những lầm lẫn ấy lại càng được nhân lên, do vậy mà lại càng đáng tiếc hơn. Cho nên việc phấn đấu để trong lâu dài có thể có một bản dịch mới hoàn chỉnh là một việc được đặt ra như một yêu cầu không thể bỏ qua.

Cũng như rất nhiều người vừa kể trên, ngay từ hồi còn trai trẻ cụ Thấu đã có những hiểu biết ban đầu về Tây Nguyên, đầu tiên là về văn hóa Tây Nguyên. Không khí văn hóa của vùng đất ấy thông qua các bạn bè và những người mà cụ đã có cơ hội quen thân, đặc biệt là bà con người các dân tộc, đã góp phần hun đúc dần dần một tâm hồn Việt vốn đang tràn đầy sức sống, tràn đầy sức học hỏi trong cụ. Về sau này mỗi lần nhớ lại cụ vẫn nói mình phải biết ơn rất nhiều những năm tháng ấy, những con người nơi ấy, chính nó đã làm cho cuộc đời mình đậm đà thêm rất nhiều. Cụ Thấu mê khan, kể cả khan Đăm Săn và khan Đăm Kteh Mlan. Mong muốn suốt đời của cụ là sẽ có một ngày chính cụ sẽ làm ra được một bản khan dịch toàn bích để nó có mặt trong tủ sách chung của đại gia đình các dân tộc anh em một cách xứng đáng như nó cần phải được thế. Cụ xem đấy là trách nhiệm của bản thân mình.

Lại thêm có cụ bà Nguyễn Thị Chinh gốc người làng hoa Ngọc Hà, thương chồng thương con rất mực là người bạn đời luôn luôn biết trân trọng và biết tạo những thuận lợi để chồng mình có thể làm xong cái phần việc mà ông ấy đã khát khao muốn làm. Khi cụ ông nghỉ hưu cũng là khi lũ trẻ lần lượt rủ nhau ra ở riêng. Chúng nó có cuộc đời của chúng nó. Ông cụ nói vậy. Giờ là lúc cụ bà đã có nhiều duyên phận ghé một vai giúp cho ông chồng tính tình hết sức kỳ khôi, đầu óc lãng mạn, trong đời mấy bận đã đùng đùng bỏ đi xa chẳng còn biết vợ con ở nhà sống chết ra sao.

Ơ Hơ nhi, ơ Hơ bhi đừng mong đợi tôi làm gì nhé. Ơ Nuê, ơ Nuê, Nêu, lại đi đâu nữa thế. Tôi đi làm gì ư, tôi nghe danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi, đông tây đâu đâu cũng có Nữ thần Mặt Trời là cô gái xinh đẹp, đôi bắp chân nàng tròn trặn, váy nàng mặc tuyệt vời là đẹp. Vì vậy các cô đừng mong đợi tôi làm gì. Mười ngày tôi sẽ ngủ lại sáu đêm tôi sẽ nằm lại dọc đường. Tôi sẽ đi hết tháng hết năm.

Cụ Thấu đã ngồi dịch những trang ấy bằng hồn của con người và hồn của sông núi Tây Nguyên. Một năm trước ngày cách mạng tháng Tám do tình hình chiến tranh cụ Thấu phải tạm xa Đắc Lắc tìm về Thanh, rồi từ Thanh cụ lại tìm ra Hà Nội. Cũng là đã đến năm đến tháng, lần ấy cụ gặp được cụ bà, con gái của một vị bác sĩ thú y thế là họ thành vợ thành chồng. Cũng chẳng khác nào câu khan Đăm Săn, tôi sẽ đi hết tháng hết năm, sau tháng Giêng 1946 tại Thanh Hóa cụ được Việt minh điều động trở lại Đắc Lắc. Lần này lên đó là để phụ trách Đội cựu binh sĩ dân tộc yêu nước gồm trên bảy chục người. Đơn vị này được thành lập theo sáng kiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp nhân một chuyến vào thăm chiến trường Nam Trung Bộ. Ít lâu sau đó cụ nhận lệnh dẫn cả đội hành quân ra Truồi thuộc vùng nam Thừa Thiên để trực tiếp nghe tướng Nguyễn Sơn lên lớp về công tác binh vận và dân vận, những kinh nghiệm xây dựng các cơ sở kháng chiến trong các buôn làng. Lớp học kéo dài một tháng rồi đơn vị được chia thành phân đội nhỏ, luồn sâu vào các vùng rừng núi khắp ba tỉnh Cao Nguyên làm nhiệm vụ hoạt động độc lập.

Trong số đó nổi lên có Y Blóc Êban, Y Don tức Minh Sơn, Y Tlam tức Sĩ Lâm, Ksor Ní, Rơ Chăm Yon và Kpa Thiên... Ngày cụ Thấu mới lên trên này trừ hai ông Yngông Niêkdam và Y Nuê là đã lớn và đã được gửi xuống học ở trường Y sĩ Đông Dương dưới Quy Nhơn, còn tất cả chỉ mới chín mười tuổi, hầu như đều là học trò của cụ. Trong số đó không ít người về sau đã ngã xuống ngoài mặt trận trong những tư thế tuyệt vời anh dũng. Có cậu lúc còn là học trò thì dốt đặc cán táu, nhiều lần phải ăn đòn bằng một cái thước gỗ lim của cụ, nhưng ra đời thì lại khôn ngoan xuất sắc không chê vào đâu được. Chẳng hạn như Kpa Thiên, cậu ta tổ chức đánh phục kích một trận lớn ở vùng Buôn Hồ, cả một trung đội Pháp quăng súng chạy, tên nọ cõng tên kia, nhiều đứa kêu rống như bò rừng, ơi Kpa Thiên, Kpa Thiên! Có mấy cậu về sau thành tướng lĩnh chỉ huy cả những mặt trận lớn đánh đông dẹp bắc đi khắp Đông Dương, có cậu thành Chủ tịch tỉnh, có cậu thành bác sĩ bệnh viện trưởng, lại có cậu khi ra tập kết dắt thằng con trưởng theo nay thằng bé đã thành Bí thư Gia Lai. Hay nhất là đã có cậu trở thành nhạc sĩ phụ trách cả một đoàn văn công, cậu ta hay hát bài Đây bất khuất Tây Nguyên cao cao...

Đó chính là những chàng Đăm Săn, là những người anh hùng rất tài năng, chính họ đã góp phần không nhỏ cùng đất nước làm nên một bộ sử thi của thời đại Hồ Chí Minh.

Sáng nay cụ Thấu ngồi tại phòng làm việc của mình trên gác hai một ngôi nhà xinh xắn sát tường nhà thờ Nam Đồng, khuất trong một ngõ nhỏ. Lắng nghe tiếng chuông nhà thờ ngân nga lòng cụ thanh thản lạ thường. Chợt nhớ đã là chủ nhật cụ vội quay máy gọi cho vợ chồng thằng cả đang ở dưới Ngã Tư Vọng, bảo chúng mang lũ trẻ về chơi. Rồi cụ ngó ra ngoài cửa tìm cụ bà: Bà nó có đấy không, bảo vợ chồng thằng Việt đi chợ chuẩn bị bữa trưa cho tươm tươm một chút, tôi vừa nhắn vợ chồng thằng Nam rồi. Nam là con đầu của hai cụ, anh làm việc ở Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Công nghiệp còn Việt là con thứ, kỹ sư đang làm việc ở Công ty Cổ phần nồi hơi. Vẫn chưa thôi cụ lại cầm máy gọi tiếp cho cô út đang theo chồng về sống ở Bình Định, cô Hoa, giờ là Phó Giám đốc Sở Công nghiệp trong đó. Bố mẹ khỏe không ạ, chúng con trong này vẫn bình thường. Tao không nói chuyện khỏe yếu lúc này, ngoài này tất cả "biêng". Vậy bố định nói với chúng con chuyện gì ạ? Dạo này chị vừa được ghé đít vào cái ghế lãnh đạo nên bắt đầu thích vặn vẹo nhân dân chúng tôi rồi đấy, tự nhiên thấy vui thì tao gọi thôi, cũng chả có chuyện gì. Cô gái hiểu tính khí cha mình, cô bắt đầu cười rũ trong máy. Con đoán ra rồi, bố lại sắp dẫn mẹ con vào Đắc Lắc tìm vốn cổ dân tộc chứ gì. Cứ đi cho khỏe bố ạ, người ta ở đời cái lãi nhất là đi được nhiều, thôi con chào bố. Nó đã đặt máy. Thế mà tiếng cười của con bé vẫn đang reo trong tai ông cụ. Cụ Thấu toan ngồi vào bàn thì có tiếng kẹt cửa, cụ bà đang nhòm vào, chắc là bà ấy xem mình có còn ngồi ở đây nữa hay không chứ gì, bà cứ yên tâm đi, Thấu này vẫn còn tiếp tục ngồi, nó còn ngồi đây lâu. Rồi cụ thong thả ngậm một điếu thuốc hãng Thăng Long, cánh già các cụ vẫn trung thành với gu Thăng Long, cũng ngon chán, lại rẻ. Cụ bật diêm, từ từ nhả cho làn khói bay nhẹ lên trần. Hôm nay mà Thấu này còn chưa được vui thì hỏi còn là  hôm nào đây. Cụ nhìn ra ngoài cửa sổ, mưa bụi đang làm mờ mịt một vùng thành phố. Đầu óc cụ lại chợt muốn quay về với những ngày đã xa. Cụ lại nghĩ đến họ, những học trò, những đồng chí của cụ. Tất cả đều được cụ điểm danh, từng khuôn mặt đều được cụ gọi về. Thấu này vẫn đang sống xứng đáng với các bạn, Thấu này vẫn đang làm việc và nó đang bước đến gần, nó đã sờ thấy kết quả của công việc.

Cụ Nguyễn Hữu Thấu đang một mình lẳng lặng ngắm mình bước tới cái đích diệu kỳ sau trên ba mươi năm cụ đã đi ròng rã không được phép chán nản. Giờ đây, chỉ mình cụ hiểu ra cái niềm hạnh phúc của sự sáng tạo trên đời này nó là thế nào. Vâng, nó cũng giản đơn thôi; nhưng chỉ những ai đã từng sáng tạo mới có thể hiểu được nó. Cái hơn người, cái khác người cũng chỉ là ở chỗ ấy.

Như để thu vào mình cho bằng hết nội lực, cụ dụi luôn điếu thuốc, rồi vơ vội bút viết những dòng sau cùng cho tập bản thảo đã hoàn tất, nói như cụ là đã có thể hài lòng. Sách được chia làm ba phần, phần tiếng Êđê, phần tiếng Việt và phần từ vựng Êđê - Việt. Cụ quyết định cho in lần này cả khan Đăm Săn và khan Đăm Kteh Mlan vào chung một cụm vì nó là hai khan anh em. Sau tất cả cụ trịnh trọng đặt bút viết lời giới thiệu cho cuốn sách bằng những dòng cũng rất trịnh trọng, cụ nói: Rất mong công trình này sẽ được các nhà khoa học, các bạn đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu và tiếp tục chính lý với lý do đơn giản là một công trình nổi tiếng như IliátÔđixê ra đời vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên nhưng cho đến thế kỷ thứ tám vẫn thấy cần phải  chỉnh lý.

Cụ không quên ghi vào phần khan Đăm Săn tên người dịch tiếng Pháp L. Sabatier, 1933. Và tên người đã dịch tiếng Việt: Đào Tử Chí, 1959 - 1977. Còn cụ là người hiệu đính, chú thích và dịch thuật 1988. Ở phần Đăm Kteh Mlan cụ để tên người khan lên trước tên mình: Y Yung Adrông 1965. Cụ là người sưu tầm, chỉnh lý dịch thuật.

Cụ Thấu thấy chỉ có thể yên tâm dừng bút sau khi đã bày tỏ được lòng biết ơn của mình đối với đông đảo các cộng tác viên, trong đó là những người làng khan Đăm Săn từ những năm 1923 - 1924 đã cùng thảo luận và đặt ra những vấn đề cần giải quyết. Cụ cảm ơn lớp cán bộ Êđê trẻ sau này đã đóng góp những hiểu biết của mình về vấn đề này để làm tài liệu tham khảo. Cụ cũng muốn cảm ơn một số tác giả Pháp đã cho nhiều chỉ dẫn có tác dụng làm sáng tỏ nội dung vấn đề và sau cùng không thể không nói đến nhiệt tình ủng hộ của Viện dân tộc học, của đông đảo các bạn đồng nghiệp đặc biệt là quỹ Ford Foundation đã tạo điều kiện để có thể xuất bản cuốn sách này một cách tốt nhất.

Công phu, rành mạch và chu đáo, biết tôn trọng nhiều người đi trước, đó là điều làm nên niềm tin cậy cũng như sự quý trọng của mọi bạn đọc. Cụ giáo Nguyễn Hữu Thấu, một người cầm bút, luôn luôn tự nhắc nhở mình như thế và cụ đã làm được như thế. Trong đời cụ, áo vải chân đất, kể từ năm hai mươi ba tuổi đến năm tám mươi chín tuổi, đã từng đi đi về về với mảnh đất Tây Nguyên cả trăm lần, chả lần đi nào cụ có máy ảnh, máy quay phim hoặc máy ghi âm như nhiều người khác đã từng trang bị đầy mình cho mỗi chuyến đi của họ. Nhưng những gì cụ Nguyễn Hữu Thấu đã gặt hái được, hay nói đúng hơn, những gì mà cụ đã kịp để lại cho chúng ta lại là những thành tựu có mang giá trị rất bền vững.

Đ.C

Đỗ Chu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 121 tháng 10/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground