Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tản mạn trước đèn

1.

 Nếu tôi là người chép sử nước thì tôi nên viết như thế nào về những năm 1998 vừa qua và tôi sẽ viết như thế nào về những năm đang đến? Sao lại không thể đặt ra một câu hỏi như vậy, một khi mình vẫn đang chung sống, đang cùng lo âu, cùng hân hoan mỗi ngày với nhân dân mình, với Đảng mình.

Là một năm đầy những thử thách khắc nghiệt, rất nhiều chuyện buồn phiền chăng, có lẽ thế. Nhưng cũng rất đúng nếu nói nó là một năm đầy gan góc, nhiều nghị lực, một năm rất Việt Nam. Đất nước vừa vượt qua một năm không mấy dễ dàng. Người ta thấy phấp phỏng cho một tương lai không mấy hứa hẹn ổn định. Suốt mùa hạ và mùa thu cả khu vực miền Trung gặp bão lụt lớn. Một cơn bão lụt mang ý nghĩa thế kỷ với sức tàn phá lớn hơn bất kỳ một trận bom nào trong thời chiến. Đây cũng là một bài học đau xót cho sự tàn phá rừng đầu nguồn, bài học cho sự tàn phá môi trường sinh thái kéo dài liên miên. Một đe dọa có ý nghĩa thường trực là cái nghèo đói đang rình rập trước cửa mỗi nhà, và do đó, cái mệnh lệnh dứt khoát sẽ có kỷ luật nghiêm khắc đối với các cán bộ chủ chốt ở các địa phương nếu để dân chết đói, cũng là một mệnh lệnh không phải chỉ có hiệu lực trong vòng một năm.

Cơn bão nữa, tưởng như vô hình nhưng lại có sức tàn phá còn nguy hại hơn gấp bội, đó là cơn bão tiền tệ, là sự khủng hoảng kinh tế mang quy mô toàn cầu, nó đã được hình thành và nỗi lên dữ dội ở ngay chính các nước trong khu vực chúng ta. Hiện vẫn đang có hai xu hướng dự báo song song tồn tại: Xu hướng thứ nhất cho rằng nó đã lui dần, bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế các nước Đông Nam á cũng như của cả thế giới là khả quan; Xu hướng thứ hai ngược lại, vẫn nhìn nhận nó như một nguy cơ còn nguyên, với những biến thái phức tạp, không mấy phấn khởi.

Lập tức trong đời sống xã hội xuất hiện một câu hỏi tất nhiên, giá cả thị trường sẽ ra sao, liệu chừng đồng tiền của ta có đủ sức đứng vững trong cơn bão dễ sợ này? Một câu hỏi có liên quan thiết thực tới sự sống còn của mỗi gia đình và mỗi chính thể.

Mặc dù chưa lấy gì làm toàn diện và vững chắc, ở đây sau một năm nhìn lại, cần phải ghi nhận những cố gắng nhiều mặt, những phản ứng có hiệu quả ở hai mặt trận chủ yếu là nông nghiệp và tài chính. Từ sự đứng vững dũng cảm đó mà chúng ta đã triển khai thắng lợi công tác ngoại giao cũng như công tác khác. Sự vững vàng trước một tình hình ít sáng sủa đó đã đủ nói lên một điều, con đường đổi mới mà dân tộc đang đi tới là một lựa chọn đúng đắn. Quả là đã và đang có một nhân dân đầy nhạy cảm, rất giàu tiềm lực cùng Đảng đi trên con đường này.

Cũng đã sắp 60 năm nền tài chính cách mạng, kể từ ngày 28 tháng 8 năm 1945, một nền tài chính đi từ không đến có, thuở ban đầu chỉ có trong tay hai triệu đồng bạc Đông Dương rách, nhờ vào sự ủng hộ hết lòng của đồng bào đồng chí trong cả nước và kiều bào nước ngoài, mà đã từng bước đi lên. Bài học Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư mà Bác Hồ đã dạy, trước hết là cho ngành tài chính từ buổi mở nước đã được xem như một lời thề danh dự của mọi thế hệ ngành tài chính. Phải nói rõ công tác quản lý tài chính của chúng ta lúc này lúc khác, chỗ này chỗ khác còn rất non kém. Tuy nhiên, những thành tựu của nó cũng không thể không được ghi nhận một cách trân trọng, vì đứng từ đây nhìn lại từng bước đi chúng ta mới thấy hết những đóng góp to lớn của ngành tài chính vào sự nghiệp chung. Giờ đây trước những yêu cầu mới trong công cuộc hội nhập và phát triển mang tính toàn cầu, nền tài chính Việt Nam đang phải tự hoàn thiện mình để trở nên lành và mạnh hơn nữa. Thực sự đó là một cuộc chiến đấu toàn diện và đầy cam go, nhưng đó cũng là con đường không thể tránh khỏi, chỉ có thế mới trưởng thành, mới có đủ tầm vóc và tư cách đảm đương trọng trách trong sự nghiệp quản lý một nền kinh tế từ đơn ngành lên đa ngành, từ cơ chế bao cấp xin - cho đã lỗi thời bước vào nền kinh tế thị trường mới mẻ với nhiều hình thái phức tạp nhưng lại cũng rất hấp dẫn. Chúng ta tin vào những sáng tạo, tài năng và bản lĩnh vốn đã trở thành truyền thống của một nền tài chính mang tính nhân dân, của dân, do dân và vì dân như lịch sử từng ghi nhận trên nửa thế kỷ qua.

Thêm một lần nữa khẳng định chân lý, chỗ dựa vững bền nhất của Đảng chính là nhân dân. Nhân dân là tấm gương kỳ diệu để Đảng có thể soi vào nhằm hoàn thiện mình, tiếp tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của mình.

Tính lãng mạn sang trọng của một cuộc cách mạng rất có thể bị phủ mờ chỉ bởi sự sa sút phẩm hạnh của một bộ phận không nhỏ cán bộ trong Đảng. Đó chính là nguyên nhân của nạn tham nhũng, thói hoang phí ngông cuồng, thói cửa quyền kiêu ngạo, mất dân chủ, bất chấp mọi đạo lý và nhiều khi đi tới bất nhân bất nghĩa. Nó là những chứng bệnh hoàn toàn xa lạ đối với những mục tiêu căn bản của sự  nghiệp lớn mà toàn Đảng, toàn dân đã dốc lòng dốc sức bấy lâu nay. Lòng tin của dân đặt vào Đảng sẽ ra sao cũng là tuỳ thuộc ở chỗ này. Đây là những thách thức hiểm nghèo, nhưng cũng sẽ là một nội dung rất chủ yếu của những năm tháng này. Lịch sử luôn luôn có sức hấp dẫn của nó, bao giờ cũng có phần sáng và phần tối, phần được viết ra và phần không bao giờ được viết ra, nhưng nó vẫn cứ có. Đó chính là mỗi ngày ta sống.

Sống là có cả vui lẫn buồn, mà xem chừng cái buồn muốn nhiều hơn thì phải. Còn biết vui buồn bởi chính là còn yêu, còn gắn bó. Ví phỏng không yêu, không gắn bó với đời thì còn vui buồn làm gì nữa, lúc ấy hẳn lòng người sẽ hóa băng giá, sẽ dửng dưng trước tất thảy. Cho nên sự vui buồn hàng ngày chính là tình cảm, là nhựa sống, là cái đủ sức nâng con người ta dậy, là cả một mớ những quấn bện, nghĩ ngợi, vân vi. Một cơn bão tận trong Nam mà khiến ta chạnh nghĩ tới một bà dì, bà cô lúc này đang phơi mặt trong mưa lạnh, trong gió bấc trước cổng làng nơi quê nhà, bày bán mấy quả sấu khô trên một cái mẹt cỏn con cho người qua đường. ở đâu mà chả có người đang còn khổ hơn mình. Một cuộc sống quá nhiều vui mừng là cuộc sống ít phải rủi ro, là gặp may mắn hơn người. Nhưng một lẽ khác, phải cẩn thận không khéo lại là một người đang sống trên mọi người mất rồi. Giữa trời đất này mà dám đặt mình trên mọi người là dễ thành bất nhẫn, dễ thành liều lĩnh tham lam, dám mưu tính những việc động trời. Liệu sống như vậy phúc có dày được không, phận có mỏng quá không? Cho nên nhìn vào cuộc đời ngày càng thấy có nhiều nỗi éo le rất đáng để đau lòng. Cha là người khôn ngoan mưu lược tưởng như anh hùng vô song mà con cái lại hư đốn chẳng còn ra làm sao, thế là cái thảm cảnh người xưa vẫn nói, đời cha ăn mặn, đời con khát nước, hay là rau nào sâu ấy. Chưa thể vội vàng mà nói được nhưng chỉ biết cứ nhìn vào đã đủ để e ngại, đủ phải biết tự răn chính bản thân mình. Bỗng chợt nhận ra mình còn nông nổi quá, xoàng xĩnh quá. Muốn học theo cổ nhân, mỗi ngày thử bỏ một hạt đậu đen vào chiếc lọ nếu mắc một lỗi xấu, lại bỏ một hạt đậu trắng vào cái lọ khác khi làm được một điều hay, đến cuối tháng cuối năm mang ra đếm xem thử số hạt đen nhiều hay hạt trắng nhiều, năm nay so với năm trước, việc tốt liệu đã trội hơn việc xấu chưa.

Lại giật mình tự hỏi cơn cớ làm sao con cái cán bộ dễ hư hơn con cái dân chúng, cơn cớ tại sao lại có một sự thật là lúc này ngồi trong các trại giam người bên đời thì lắm mà người bên đạo lại không bao nhiêu. Là ở những ông bố, những bà mẹ, là ở những quý vị đứng trước các đám đông thường rao giảng những điều mà như người đời vẫn bảo thiếu gì nói đấy.

Ngành thống kê của chúng ta thường hay quy ra phần trăm trong lúc lên biểu đồ so sánh, nhưng trong chuyện này thì chưa thấy làm. Lại như trong giáo dục, cũng chưa thấy làm một thống kê các học trò ưu tú đã từng đạt danh hiệu cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế mấy chục năm qua xem giờ họ đang làm ăn ở đâu. Chỉ rặt thấy tin vui trên các báo năm nào cũng có người đoạt các giải nhất mà thôi. Đi học mà đoạt các giải nhất trong các kỳ thi là chuyện rất vui mừng đã đành, nhưng sẽ còn vui mừng hơn khi thấy họ thật sự có những đóng góp lớn cho đất nước vào lúc đã trưởng thành. Đây mới là mực chuẩn quan trọng cho công tác đào tạo. Cần phải biết xem người từ công việc họ làm, chỉ xem người qua bằng cấp, qua các danh hiệu thì chưa đủ, rất dễ hời hợt giáo điều, là mắc vào lối nhìn duy hình thức, rất dễ bị mắc lừa. Khi thuê mướn người làm, một ông chủ dốt sợ người có bằng cấp và chỉ cần có bằng cấp, cũng bởi vậy mới sinh ra cái thói thèm khát rất tội nghiệp, đó là nạn chạy chọt bằng cấp, không khéo chính các ông chủ cũng nghĩ làm cách mạng đảo lộn được cả trời đất huống hồ làm mấy cái bằng đút túi thì có làm sao. Còn đối với ông chủ tinh đời thì sẽ biết gạt bằng cấp sang một bên và hỏi người đến xin việc biết làm việc gì và thử thực lực của họ xem sao. Nghe đâu như ở một nước nào đã làm ra được cái máy để thử người. Cái máy ấy thật kỳ tài, mang nhét một người nào đó vào, một lúc lại thấy lòi ra ở đầu bên kia có khi vẫn là người đó nhưng nhiều khi cũng không hẳn còn là người đó nữa. Nếu quả thực có một cái máy như thế thì thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, dù đắt mấy cũng nên mua ngay mà mang về, một cái đặt ở Ban tổ chức Trung ương, một cái đặt ở Ban tổ chức Chính phủ. Có nó, nạn bằng giả bằng thật không thành vấn đề nữa, vì lúc ấy người ta sẽ biết lo thân mà cố công tự học, tự rèn để thành người thực học, thực tài,  để thành thật thà chất phác. Các cô các cậu con nhà quyền quý sẽ trở nên lễ phép nghiêm ngắn, các anh các chị con nhà thứ dân sẽ biết thân biết phận mà dùi mài học hỏi tu thân vượt lên làm những người xuất chúng có ích cho đời, để được đời kính trọng, chứ không thể yên lòng bám mãi vào cái lý lịch ba đời nghèo khó theo cái cách nhìn hết sức vớ vẩn “Bố làm ruộng, mẹ như trên” lâu nay vẫn thấy.

Hay chính thời gian là cái máy thử người đó. Có lẽ là vậy, với thời gian mọi việc đều trở nên sáng tỏ. Có nhiều người hôm qua tưởng chừng như rất bình thường, ấy vậy mà sau nhiều năm tháng lại hóa thành những giá trị rất đáng trân trọng, giá trị đó được chứng tỏ bằng chính năng lực cống hiến trong công việc mà họ được giao phó. Rồi cũng bằng thời gian, lại thấy có vô khối những giá trị giả dù đã được thếp vàng.

Giờ đã lại là một năm mới. Một năm vất vả vừa đi qua, lại một năm vất vả nữa đang tới. Cái năm tới này, việc đời dồn nén quá tải, sẽ có biết bao điều để chiêm nghiệm, để bàn đến. Dù vậy, chắc chắn vẫn lại là một năm đầy năng động, một năm nhiều quả quyết đi lên và nói một cách kiêu hãnh, nó cũng sẽ là một năm rất Việt Nam.

2.

Dạo này người ta hay nói tới kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức ở thời này có nội dung của nó, nhưng để bắt đầu chắc không ngoài tinh thần mà Khổng Phu Tử từng bàn, Lộc tại học kỳ trung dã, hãy tìm lộc trong học hành.

Nếu như sự học hành làm nghèo đi cả tinh thần lẫn vật chất của một dân tộc thì bắt buộc chúng ta phải xem lại cách dạy, cách học của mình. Nếu sự học hành chỉ đem lại lợi ích cho những cá nhân mà làm khốn khó cho cả đất nước thì đó là một sự học đáng sợ.

Cho nên chúng ta mới nói sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp lớn, hết sức hệ trọng. Với tấm lòng của mình trước hiện tại và tương lai đất nước, cũng là cực chẳng đã mà các nhà văn trong những ngày qua đã phải kịp thời lên tiếng góp ý cho ngành giáo dục xung quanh mấy cuốn giáo khoa thư. Có thể đôi lúc tưởng chừng gay gắt, nhưng đấy là cái gay gắt xuất phát từ tinh thần xây dựng. Không hiểu được thế, tất sẽ có ít nhiều hiểu lầm và đi đến khó tiếp thu, có khi dễ thành nổi cáu. Một ông thầy giỏi là một ông thầy nói giỏi, giảng giải đối đáp giỏi, mà cũng lại phải giỏi biết lắng nghe, giỏi biết chờ đợi. Là vì sự học rất cần sự chậm rãi, nó vốn là một quá trình chậm rãi.

Ngay trước cổng trường đại học Oxford người ta đặt một tảng đá lớn, trên đó có khắc một dòng danh ngôn: Hãy làm việc gấp như ngày mai sẽ chết, hãy học chậm rãi như còn phải sống rất lâu.

Trong lễ kỷ niệm 900 năm tồn tại của trường đại học Praha, ông hiệu trưởng đã bỏ ra mấy tiếng đồng hồ để đọc một bản liệt kê rõ dài danh sách những người nổi tiếng xuất thân từ ngôi trường cổ nhất châu Âu này. Sau đó có một vị khách từ nước Anh sang đã lên phát biểu. Ông ta nhiệt liệt ca tụng những thành tựu vẻ vang của nhà trường và chỉ xin phép được bổ sung thêm một thành tích mà bản báo cáo của ngài hiệu trưởng đã bỏ sót, đấy là đại học Praha đã từng dám đuổi cổ Anhxtanh vì ông có triệu chứng tâm thần.

Từ câu chuyện đó chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học về cách dạy, cách học, hay nói gọn hơn là cách xem xét sự vật. Trong tinh thần đó, tôi nghĩ các nhà văn cũng không cần nói thêm gì nữa. Nếu thiếu đi sự bình tĩnh và thành thực, chúng ta khó mong đến gần chân lý.

Nhân nói đến sự bình tĩnh và thành thực tôi chợt nghĩ đến trường hợp ông Hồ Ngọc Đại. Ông Đại nhận bằng tiến sĩ hạng ưu tú về tâm lý giáo dục tại đại học Lômônôxốp từ rất sớm. Là một giáo sư tiến sĩ thật hột, nhưng hàng ngày ông lại luôn luôn có ý né tránh việc tự giới thiệu mình là thế với xung quanh, ông đi lại cười nói thư thả và giản dị như một anh giáo làng vậy. Là vì ông luôn luôn lo mình chưa thật xứng đáng với cái học hàm học vị mà số phận đã khoác lên vai mình, ông sợ không khéo mình cũng chỉ là một thứ “gà sống thiến sót” như thiên hạ người ta đang đùa cợt thì xấu hổ lắm. Ngày ông về nước nhận nhiệm vụ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cho mời ông đến ăn cơm và hỏi han chuyện học hành cùng nguyện vọng công tác. Tưởng cũng chẳng khó gì nếu lúc đó ông Đại muốn có một chức vụ nào đó ở Bộ Giáo dục, nhưng ông đã chính thức thưa với Thủ tướng là mình muốn bắt đầu dạy từ lớp Một, làm anh giáo cấp Một, theo chương trình của mình. Đồng chí Thủ tướng không khỏi ngạc nhiên nhưng vẫn cả cười đồng ý.

Trên thực tế, tuy nhiều năm qua, xung quanh cái trường thực nghiệm của ông Hồ Ngọc Đại đã có không ít những lo lắng eo xèo và đã gặp không ít khó khăn thách thức, nhưng nhìn chung nó đã đứng vững và giờ đây vẫn đang từng bước đi tới. Được thế trước hết là nhờ sự sáng suốt của Đảng và Nhà nước, nhờ ở sự chỉ đạo cũng rất bình tĩnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không có sự bình tĩnh quý báu đó, ông Đại có tài thánh cũng không thể thi thố gì được và chắc cũng chẳng làm gì có sự ra đời của cái trung tâm hôm nay.

Cho nên có thể nói, không phải đến gần đây trong ngành Giáo dục của chúng ta mới nảy ra câu chuyện cải cách và đổi mới. Sự nghiệp đó được bắt đầu từ lâu rồi đã và đang gặt hái được không ít kết quả. Trong sự nghiệp chung đó, ông Đại và các cộng sự của ông ở cái trung tâm kia đã đóng vai trò đi tiên phong, lầm lũi làm những người mở đường.

Để làm nổi việc đó, nhiều năm qua và cả những năm tới họ không chỉ cần có tinh thần trách nhiệm cao trước sự nghiệp giáo dục nước nhà là đủ, mà còn cần phải có đầy dủ lòng dũng cảm, phải có đầy đủ ý chí và nghị lực, phải có đức hy sinh lớn, phải có cái phẩm chất nhẫn của những trí thức có tầm nhìn xa.

Biết đi đến đâu thì mới biết phải bắt đầu từ đâu. Nếu không nhìn thấu suốt được cái đích mình muốn tới thì sẽ trở thành dấm dớ từ cái bắt đầu.

Các bậc cha mẹ còn muốn dắt con mình tới gửi và học trường đó, đấy là phần thưởng cao nhất với ông Đại và các thầy cô đang tận tụy làm việc tại đó. Nó là bằng chứng có sức thuyết phục nhất cho sự hấp dẫn của một phương pháp giáo dục. Những cô cậu học sinh đang dần dần trưởng thành, có cốt cách vững vàng, có hiểu biết chắc chắn, có tự trọng cao, biết yêu mình, yêu người, có lòng tự hào dân tộc, biết hòa nhập tốt đẹp vào đời sống chung đang còn nhiều gian khổ và biết lao động cống hiến, biết sống trung thực. Đấy là mong muốn và là cái đã làm được trong nhiều năm nay của ông Đại cũng như của tập thể dưới quyền ông. Tôi muốn nói, đấy là một tập thể sang trọng, người ta thấy ở họ toát lên một tinh thần lãng mạn trí tuệ. Nghe nói gần đây đến tuổi nghỉ hưu ông đã bàn giao cương vị phụ trách của mình cho những người kế nghiệp được lựa chọn kỹ, đào tạo kỹ. Xin được chúc mừng ông và chúc mừng các đồng chí đang hết lòng tiếp tục đi lên con đường đổi mới mà ông đã có công mở ra. Chúng tôi hy vọng từ công việc lương thiện mà các ông các bà đang lặng lẽ theo đuổi, chúng ta sẽ rút ra được những bài học quý báu mang đóng góp vào sự nghiệp chung.

Chắc chắn cũng có thể gặp không ít lầm lẫn, lẫm lẫn thì phải mau chóng nhìn ra và sửa gấp, đừng nên sợ hãi, mọi tìm kiếm sáng tạo đều cần phải có sự bảo hiểm.

Cơ sở vững chãi nhất để ta có thể đặt niềm tin vào một hướng đi bởi thấy đó là một phương pháp mang tính hệ thống cao. Không vội vã, không khoa trương ầm ĩ, sẵn lòng lắng nghe mọi sự nhắc nhở, dọc đường đi kiên quyết từ chối mọi hình thức tụng ca, đề cao thực học, coi trọng những giá trị thật, khe khắt đòi hỏi ở chính mình, đấy chính là những phẩm chất quý báu trong Đạo học. Không phải tùy tiện mà cha ông chúng ta đã suy tôn thầy Chu Văn An trong Văn Miếu Hà Nội. Tiên sinh suốt đời không chịu đi thi cho nên cũng không có bằng cấp gì cả, nhưng học trò của ông mũ cao, áo rộng đầy triều, ai cũng tài năng và đức độ, do vậy mà Người được nhà vua quý trọng được mời ra chăm sóc sự học trong nước. Nhưng một khi thấy việc triều chính bê trễ và đổ nát, khuyên vua, vua không chịu nghe thì Người đã tìm đường lui về chăm chỉ trong nghề dạy học, tiến vi quan đạt vi sư là vậy, phép xuất xử của kẻ học giả là vậy.

Thời hậu Lê có mấy ai đã được tin cậy hơn Lê Quý Đôn. Khi nhà vua thân chinh mang quân vào miền trong đã trao lại cho ông quyền cai quản triều chính ở nhà, với chức vụ Hành khiển nhập nội kiêm Trưởng Tài phú. Nhưng rồi đến một khoa thi, vì thương thằng con trai Lê Quý Kiệt lận đận mãi trong đường khoa bảng, ông đã đánh liều thò bút vào sửa cho con vài nét chữ trong bài thi, việc lộ ra thế là con thì bị tống ngục, cha bị quở trách nặng nề. Đấy đâu phải là phong kiến hà khắc, đấy là biết giữ kỷ cương phép nước, là chăm lo cho Đạo học ngày một vững bền. Nhìn vào thịnh suy của Đạo học mà thấy ra sự thịnh suy của xã tắc.

Cái lần vua Lê Chiêu Thống phải bỏ thành Thăng Long lủi trốn về xứ Đông tránh loạn, ông qua làng Thói ăn khoai lang khen ngon quá, qua làng Giải uống nước trà xanh khen mát quá, tới khuya thì dạt vào nhà một viên Chánh tổng người làng Vĩnh Lại.

Viên Chánh tổng cho thắp đèn sáng choang nhà trên nhà dưới. Cả làng kéo đến xem mặt ông vua mất ngai, rồi người ta đòi vua phải ban cho họ tước quận công. Ban đầu là các bậc lý dịch đòi, sau đến thứ dân cũng đòi. Vua bí quá, quan hầu rỉ tai khuyên phải làm, nhà vua bèn móc trong áo ra một cái ấn đóng lia lịa lên các tờ sắc chỉ. Có một anh thợ cày ở ngoài đồng chạy về, vừa cầm gáo múc nước rửa chân ngoài bể vừa hỏi, có gì mà thắp đèn sáng thế, cô vợ cười khúc khích kể lại sự tình. Anh thợ cày bảo, vậy tôi cũng phải vào xin một cái quận công mới được. Hôm ấy nhà vua đã ban một lúc 72 cái quận công.

Đó đâu phải là chuyện kể cho vui, đó là những trang sử để đời sau cười ra nước mắt. Nhân đây tôi cũng xin phép được nhắc các nhà văn trẻ của chúng ta, phải coi trọng thực học, phải bình tâm và chậm rãi, đừng một nhát đến tai hai nhát đến gáy, phải nhớ việc học là việc của cả một đời.

Tôi vốn là một học trò rất dốt, đặc biệt là toán pháp. Hồi đi học, mỗi lần đến giờ toán là đầu óc tôi lại một phen mụ mẫm, ù cạc cạc. Nhưng dù thế tôi vẫn còn nhớ có một lần thầy dạy toán đã nói rất hay, mọi quá trình đều có thể biểu diễn bằng đồ thị. Vậy thì nếu tôi thử ra một vài dữ kiện lấy cụ Đặng Thai Mai, cụ Vũ Đình Hòe, ông Nguyễn Văn Huyên là những Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của thể chế ta rồi lần lần tới mấy anh hôm nay, ta thử vẽ một cái đồ thị thì cái đồ thị ấy sẽ là một đường ra làm sao. Tôi thật sự lấy làm buồn.

Cuộc kháng chiến trường kỳ nổ ra được một năm thì giáo sư Đặng Văn Ngữ từ Nhật Bản tìm về Việt Bắc. Ông chọn Băng-cốc làm điểm dừng chân để liên hệ với cơ quan đại diện của ta, sau đó có người dẫn ông vượt qua đất Lào, nơi ông đặt chân về Tổ quốc là mảnh đất Con Cuông- Nghệ An.

Lúc qua một cái chợ vùng biên thì cả đoàn phải dừng lại trước chợ để kiểm tra trình độ bình dân học vụ. Mấy người cùng đi trả lời trôi chảy được đàng hoàng qua cổng, riêng ông Ngữ bị xem là mù chữ, ú ớ chưa vỡ i tờ. Có gì đâu, lẽ ra phải đọc mấy chữ mờ, tờ, sờ thì ông lại đọc là em, tê, ẹt. Vậy là xin mời giáo sư vui lòng cởi giày chịu khó lội vòng qua ruộng nước mà vào chợ.

Ông Ngữ không buồn vì chuyện đó, ông đã ứa nước mắt vì sung sướng. Ông khóc khi tận mắt thấy dân tộc ông, một dân tộc bao năm sống trong đêm tối, nay đang gọi nhau đứng dậy làm người. Đó là một ngày cảm động đối với một trí thức yêu nước. Chính bằng lòng yêu thương dân tộc sâu sắc mà ông đã có một cách nhìn vừa công bằng vừa độ lượng, và đó là một cách nhìn đúng.

Sự thật là có rất nhiều cái đáng mang vào nhà trường để dạy dỗ con trẻ chúng ta, nhưng con trẻ khôn lớn có thì của nó. Với chúng thời gian là vàng ngọc, cho nên việc chọn lựa những cái gì để dạy là vô cùng khó. Người ta gọi nó là lập chương trình, là công việc của các ông thầy lớn, không phải bạ ai cũng gọi về giao phó được.

Đã không hình dung nổi một đứa trẻ khi lớn lên phải là một con người như thế nào trong lúc sống cùng dân tộc và nhân loại; thì nhất định sẽ lúng túng to trong quá trình dạy bảo chúng.

Trên thực tế khi đi tìm một lối ra cho nền giáo dục đất nước, chúng ta đang vấp phải sự bế tắc của mô hình xã hội lạc hậu có tính hệ thống, cho nên tôi dễ dàng cảm thông với ai có gan ngồi vào ghế Bộ trưởng bộ này. Một nền giáo dục tốt đẹp mang tiêu chuẩn đẳng cấp cao là một mong mỏi chính đáng của mọi người, nhưng đặt yêu cầu đó ra lúc này liệu có phải là định bắt bí nhau không. ở một xóm hẻo lánh nọ có một bà goá đã rước về nhà mình một ông thợ có tài đóng cối xay thóc. Công việc xong, lúc ông thợ cối ngồi thu dọn đồ đạc để lên đường bà chủ bỗng động lòng lưu luyến nên mới hỏi ướm, nhà cũng vắng, đám trẻ lại ngu đần, vậy ông có ở hẳn lại đây được không, tối tối ông rửa ráy chân tay rồi đóng cối cho tôi, ban ngày lo dạy con cái học hành. Việc nhỏ, ông phó mừng rơn kêu tướng lên, tôi sẽ làm tuốt cho bà xem. Hôm đầu bọn trẻ mang giấy bút ra tập vẽ vồ vẽ chạm, mấy hôm sau vần đất chẻ răm, chỉ một vài tháng đã đủ tài gánh đồ toả đi khắp ngả đóng cối thuê cho thiên hạ. Nhà ấy được khắp vùng gọi là nhà ông phó cối. A di đà phật, ngài đã dạy cứ nhìn hôm nay mà biết hôm qua và ngày mai của nó.

Đ.C

                                                     (Còn nữa)

 

Đỗ Chu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 143 tháng 08/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground