Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tìm hiểu nội dung văn hóa trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

V

ăn hóa là một lĩnh vực rất rộng lớn, vô cùng phong phú và đa dạng, hiện diện và thấm sâu trong toàn bộ đời sống xã hội và đời sống con người. Vì thế, có rất nhiều cách hiểu và khai thác khác nhau về văn hóa. Là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản của nhà nước, khi đề cập về lĩnh vực đặc thù này, Hiến pháp phải dựa trên truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, dựa trên quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta về văn hóa, dựa trên thực tiễn xây dựng văn hóa thời gian qua và những yêu cầu phát triển văn hóa thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiến pháp phải thể hiện được những nội dung cốt lõi, cơ bản sâu xa nhất của văn hóa, trình bày ở dạng cô đúc và hàm súc nhất. Vì văn hóa là chính nó (một lĩnh vực cụ thể), đồng thời thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực khác, cho nên tìm hiểu nội dung văn hóa trong bản Hiến pháp này không chỉ dừng lại ở một điều cụ thể (Điều 60) mà cần phải tìm thấy trong rất nhiều những điều quan trọng khác. Đó là một đặc điểm riêng của nội dung văn hóa trong bản Hiến pháp này.

1. Văn hóa trong mối quan hệ với các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có 4 vấn đề quan trọng cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tư tưởng đó đã được vận dụng triệt để trong Hiến pháp. Điều 14 của Hiến pháp chỉ ra rằng, “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Khổ 2 của Điều 16 lại khẳng định: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Đây là một sự khẳng định dứt khoát vị trí của văn hóa trong sự phát triển của đất nước và con người. Tư tưởng đó xuyên suốt trong toàn bộ bản Hiến pháp này. Chính vì thế, khi Hiến pháp đã khẳng định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” thì nội dung được khẳng định chính là những giá trị văn hóa cao đẹp nhất: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” (Điều 3). Những giá trị trên chính là giá trị văn hóa cốt lõi, đồng thời là mục tiêu văn hóa cao nhất mà chủ nghĩa xã hội cần đạt tới, được Hiến pháp khẳng định về chính trị và pháp lý.

2. Không chỉ là một lĩnh vực quan trọng, được coi trọng ngang bằng với kinh tế, chính trị và xã hội mà văn hóa còn thấm sâu vào các lĩnh vực đó. Tư tưởng này được thể hiện cô đúc trong nhiều điều của Hiến pháp.

Trước hết, trong quan hệ của văn hóa với kinh tế, trong các điều mục về kinh tế, Điều 50 của Hiến pháp chỉ ra nội dung cốt lõi trong sự phát triển kinh tế ở Việt Nam. Cùng với những yêu cầu “xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, bảo vệ mội trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, có một yêu cầu mới so với Hiến pháp 1992. Đó là kinh tế phải “gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”. Như vậy, văn hóa trở thành một thành tố hữu cơ, đảm bảo cho sự phát triển toàn diện và bền vững của kinh tế. Đây là một quy luật trong sự phát triển kinh tế  thời kỳ hiện đại, đồng thời là một bài học thực tiễn sâu sắc trong xây dựng và phát triển kinh tế ở nước ta thời gian qua. Chúng ta có tăng trưởng kinh tế nhưng chưa có sự phát triển cân đối, tương xứng và hài hòa với văn hóa, vì thế, thiếu sự phát triển bền vững, không chỉ của bản thân kinh tế mà của đất nước nói chung. Tôi biết, nội dung văn hóa này đã được bàn bạc rất kỹ trong điều đầu tiên về phát triển kinh tế (Điều 50). Đó là kết quả của tổng kết thực tiễn và là một bước phát triển của tư duy kinh tế của chúng ta được thể hiện trong bản Hiến pháp.

Trong quan hệ giữa văn hóa với chính trị, có 2 nội dung cực kỳ quan trọng. Đó là về Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam, hai bộ phận quan trọng nhất trong hệ thống chính trị của nước ta. Ở Điều 4, Khổ 1 và Khổ 3, Hiến pháp khẳng định cơ sở chính trị và pháp lý vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời yêu cầu các tổ chức Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam “hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật”. Nội dung này là sự tái khẳng định về chính trị, pháp lý của Hiến pháp 1992 và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Cái mới của Hiến pháp là ở Khổ 2 của Điều 4. Nếu 2 khổ trên (1 và 3) xác định sự lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng thì Khổ 2 khẳng định yêu cầu văn hóa rất cao đối với sự lãnh đạo đó: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Ở đây, hình như cơ sở chính trị, pháp lý lùi về phía sau mà nổi bật lên chính là những đòi hỏi rất cao về các giá trị văn hóa của Đảng. Những giá trị văn hóa này, xét đến cùng, có tác dụng sâu sắc củng cố niềm tin của toàn dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng là một thách thức gay gắt đối với Đảng cầm quyền. Đánh mất giá trị văn hóa này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến uy tín và từ đó đến bản thân sự lãnh đạo và cầm quyền của Đảng trong xã hội hiện đại. Kinh nghiệm thời sự cả một số đảng bị mất quyền lãnh đạo trong thế kỷ XX vừa qua, có lẽ xuất phát từ một trong những nguyên nhân, chính là sự băng hoại các giá trị văn hóa trong đảng. Giá trị đó chính là sự gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình.

Trong quan hệ với cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, viên chức nhà nước, Hiến pháp nhấn mạnh những yêu cầu văn hóa và những giá trị văn hóa, đạo đức. Đó là “phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân” (Điều 8). Những giá trị văn hóa này là điều kiện quyết định đảm bảo cho uy tín, quyền lãnh đạo, quản lý của cơ quan nhà nước. Việt nhấn mạnh những giá trị đó xuất phát từ quan điểm khẳng định, nhà nước của chúng ta là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đồng thời cũng từ tổng kết thực tiễn khi nghiêm khắc chỉ ra những căn bệnh xa rời, sách nhiễu, cửa quyền đối với nhân dân của một số cơ quan, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhà nước. Có thể nhận thấy, các nội dung trên vừa xác định cơ sở chính trị - pháp lý, đồng thời nhấn mạnh những giá trị văn hóa đối với đời sống chính trị của nhà nước ta. Phải chăng đó là một nội dung độc đáo của Hiến pháp.

3. Một bước phát triển mới của Hiến pháp là khẳng định dứt khoát quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong tất cả các quyền đó, Hiến pháp luôn luôn đề cập đến quyền văn hóa với những nội dung phong phú, toàn diện. Ở Điều 20, cùng với việc khẳng định quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về sức khỏe là sự nhấn mạnh đến pháp luật phải bảo vệ danh dự và nhân phẩm của con người. Đây là hai giá trị văn hóa sâu sắc và cao đẹp nhất mà dân tộc ta và loài người đấu tranh và bảo vệ đến cùng. Khẳng định hai giá trị văn hóa danh dự và nhân phẩm thể hiện sâu sắc ý nghĩa nhân văn của Hiến pháp. Điều 25 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đây là những quyền văn cơ bản, cụ thể và thiết thân đối với một xã hội hiện đại mà mọi công dân đều có quyền thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật. Tại Khổ 2 của Điều 37, khi nói về thanh niên, Hiến pháp xác định: “Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân”. Tất cả những nội dung này đều là những giá trị văn hóa sâu sắc đối với sự phát triển của thanh niên, tạo nên những giá trị cốt lõi trong nhân cách thanh niên Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều 41, khi nói về quyền của mọi người, Hiến pháp khẳng định dứt khoát rằng: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”. Đây là một nội dung sâu sắc, dành riêng cho văn hóa, khẳng định những quyền cơ bản về văn hóa của con người bao gồm các khâu sáng tạo, hưởng thụ, tiếp cận, tham gia, sử dụng các sản phẩm, cơ sở văn hóa. Thiếu nó không thể hoàn thiện những yêu cầu về đảm bảo quyền con người trong xã hội hiện đại.

4. Đất nước chúng ta là một đất nước đa dân tộc. Vì vậy, khẳng định văn hóa của các dân tộc là một yêu cầu dứt khoát trong Hiến pháp. Mặt khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là “bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Với hai đặc điểm đó, Hiến pháp nhấn mạnh yêu cầu và nội dung văn hóa của các dân tộc và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Khổ 3 của Điều 5 xác định: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Nội dung này mang ý nghĩa chính trị - pháp lý và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Có nghĩa là, các dân tộc trên đất nước Việt Nam có những quyền văn hóa trên, đồng thời, nhà nước phải đảm bảo thực hiện quyền đó một cách triệt để, sâu sắc và toàn diện. Điều 18, khi nói về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Khổ 2 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước” Đây là những nội dung và giá trị văn hóa cốt lõi nhất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Hiến pháp đảm bảo một cách minh bạch và dứt khoát.

5. Trong Hiến pháp có 3 điều (60, 61. 62) bàn trực tiếp về các lĩnh vực của văn hóa. Do tầm quan trọng của giáo dục và khoa học công nghệ, Hiến pháp đã dành riêng điều 61, 62 cho 2 lĩnh vực này. Thực chất 2 lĩnh vực này cũng thuộc về văn hóa với ý nghĩa rộng lớn và sâu xa của nó như quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Riêng Điều 60 bàn trực tiếp về định hướng phát triển văn hóa và một số lĩnh vực quan trọng của văn hóa. Ở điều này, so với Hiến pháp 1992, có một số nội dung rất mới. Ít ai chú ý đến một từ được bổ sung so với Hiến pháp 1992. Đó là từ “xã hội”. Hiến pháp 1992 xác định nhà nước chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa. Hiến pháp đã bổ sung: Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, xây dựng gia đình Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam. Bổ sung thêm từ “xã hội” thể hiện sự tổng kết thực tiễn xây dựng văn hóa Việt Nam trong nhiều năm qua, đồng thời chỉ ra một quy luật khách quan cực kỳ quan trọng đảm bảo cho sự phát triển của văn hóa. Mặc dù vai trò chủ thể quản lý thuộc về nhà nước nhưng chỉ có thể phát triển văn hóa mạnh mẽ, toàn diện khi huy động được nhân lực, tài lực, vật lực của toàn xã hội, của toàn dân. Hiến pháp tiếp tục khẳng định mục tiêu và tính chất của nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”, đồng thời, trong các lĩnh vực hết sức đang dạng của văn hóa, cần phát triển toàn diện, Hiến pháp nhấn mạnh 3 lĩnh vực sau đây: Một là, Phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu đang dạng và lành mạnh của nhân dân; Hai là, phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Ba là, tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Từ đó, Hiến pháp đa chỉ ra mục tiêu cao nhất của sự phát triển văn hóa là xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với sáu chuẩn mực văn hóa cốt lõi: “có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ trách nhiệm công dân”. Nếu tổng hợp nội dung của 3 điều (60, 61, 62), chúng ta đã thấy, Hiến pháp đề cập những vấn đề chủ yếu nhất của văn hóa Việt Nam thời kỳ hiện đại.

6. Việc công bố Hiến Pháp được sự đồng thuận sâu sắc của tuyệt đại đa số đồng bào cả nước. Đó là một thắng lợi lịch sử. Nhưng việc tuyên truyền, phân tích để nhận thức đầy đủ về giá trị của nó là một công việc rất công phu và lâu dài. Cùng với việc khẳng định giá trị chính trị - pháp lý của Hiến pháp, cần phải đồng thời chỉ ra những giá trị văn hóa sâu sắc của bản Hiến pháp. (Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là những kiệt tác, chứa đựng ý nghĩa chính trị - pháp lý và giá trị văn hóa trong sự thống nhất toàn vẹn của nó). Vì thế, trong công tác tuyền truyền, cần làm rõ hơn nữa tính thống nhất của các giá trị trên trong Hiến pháp. Hơn nữa, từ sự phân tích giá trị văn hóa trong bản Hiến pháp, không chỉ dừng lại ở yêu cầu nâng cao nhận thức mà đòi hỏi cao hơn là vận dụng những nội dung văn hóa đó trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực tiễn. Có thể thấy rằng, những nội dung văn hóa trình bày ở trên, nếu nhận thức thực sự sâu sắc sẽ đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sự đổi mới mạnh mẽ, triệt để trong tư duy về văn hóa. Những yêu cầu về kinh tế gắn chặt với phát triển văn hóa, những đòi hỏi về giá trị văn hóa đối với Đảng và Nhà nước, những đảm bảo về quyền văn hóa của con người và công dân Việt Nam, những yêu cầu về phát triển các lĩnh vực văn hóa thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải được vận dụng trong toàn bộ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cả vĩ mô và vi mô, của sự phát triển đất nước. Tôi nhớ, Lê Nin có nhắc nhở rằng, để hoàn thành một nhiệm vụ kinh tế dù to lớn bao nhiêu cũng được hoàn thành trong thời gian nhất định nhưng để thực hiện một nhiệm vụ văn hóa thì phải làm đi làm lại nhiều lần, không có kết thúc. Từ đó, Lê Nin yêu cầu thực hiện nhiệm vụ văn hóa cần hơn bao giờ hết sự kiên trì, kiên quyết, sáng tạo và có kế hoạch. Điều chỉ dẫn sâu sắc đó gắn với nhiệm vụ thực thi Hiến pháp trong những năm sắp tới của chúng ta trên lĩnh vực quan trọng và rất đặc thù này.

Đ.X.D

ĐINH XUÂN DŨNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 233 tháng 02/2014

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground