Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vai trò triết học và lý luận phê bình văn nghệ

P

hriđơrich Ăngghen có lần nói: “Các nhà khoa học muốn làm gì thì làm, họ vẫn bị triết học thống trị”. Ở một phương diện nào đó, lý luận phê bình văn nghệ khó thoát khỏi sự ràng buộc của triết học thời đại mình và triết học dân tộc mình. Tri thức triết học lịch đại và đồng đại chính là cơ sở của lý luận phê bình văn nghệ. Nó là gốc rễ, là đất bồi của cây phê bình văn chương, nghệ thuật. Trong thời đại chúng ta, khoa học phê bình văn nghệ như con tàu ra biển khơi được định hướng, có mục đích đi về chân trời sáng tạo, góp phần tạo dựng nền văn nghệ mới với ba phẩm chất: Dân tộc, hiện đại, nhân văn. Biên độ phê bình văn nghệ dù mở rộng đến đâu, tầm nhìn của nhà phê bình văn nghệ có khoáng đạt đến mấy, vẫn được phát sinh, nảy nở từ thực tiễn sáng tạo, trên cơ sở mỹ học dân tộc, mỹ học Mác - Lênin, mỹ học tiến bộ ngoài Mác và đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không thừa nhận điều đó, dù vô tình hay hữu ý đều dẫn đến tình trạng lý luận “chay” phê bình tự phát, cảm tính, ít có tác dụng xã hội, thiếu ý nghĩa triết lý nhân văn.

Khảo sát triết học của lý luận phê bình văn nghệ là xét nó trên mấy bình diện sau đây:

I. Bản chất của lý luận phê bình (LLPB) văn nghệ mang tính xã hội sâu sắc.

Lý luận phê bình văn nghệ là công việc của xã hội. Nó chưa bao giờ là việc riêng của nhà phê bình, dù đó là nhà phê bình có hạng. Nó sinh ra không phải để làm thỏa mãn tính tự ái, lòng tự tôn của văn nghệ sĩ, dù người đó có tác phẩm hay. Nó bao giờ cũng lấy đời sống xã hội làm tiêu chuẩn chân lý, lấy đời sống sáng tạo làm thước đo tài năng. V. G. Bielinxki (1811 – 1848), nhà đại phê bình văn nghệ Nga gọi lý luận phê bình là “sự tự nhận thức thời đại”, là động lực của thực tiễn sáng tác; chính ông là người biết gắn lý luận với thực tiễn, hay nói như Descartes là duy lý thực tiễn, lý luận văn nghệ được khái quát từ những hiện tượng mới của đời sống xã hội Nga và văn học Nga như những tác phẩm của Puskin, Gôgôn, Lécmontốp, những nhà văn “trường phái tự nhiên”, những nhà văn châu Âu như Sêchxpia, Xécvăngtét, Gớt…, từ nhu cầu và thị hiếu của công chúng nửa đầu thế kỷ XIX. Mỹ học của Bielinxki được gọi là “mỹ học chuyên động” tức là không khô cứng, gò ép, mà xuất phát từ sự sinh động của đời sống xã hội Nga từ cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1812, cuộc Cách mạng tháng Chạp 1825 cho đến năm 1861, khi chủ nghĩa nông nô ở Nga bị phế bỏ. Là một nhà duy vật của phong trào Ánh Sáng ở Nga, Bielinxki biết hút nhụy từ những vườn hoa hương sắc của chủ nghĩa hiện thực Nga, từ môi trường văn hóa, văn học Nga đầu thế kỷ và văn học châu Âu đã sinh ra nhà phê bình tài năng.

Vai trò của triết học của LLPB văn nghệ còn tìm thấy trong văn hóa tranh luận. Câu châm ngôn của người Pháp: “Tranh luận tìm ra ánh sáng” (De la dicussion jaillit la lumière) thật ứng nghiệm với những cuộc tranh biện, bàn cãi học thuật giữa các nhà văn, các trường phái nghệ thuật. Ai làm trọng tài trong hành trang đi tìm chân lý? Đó chính là văn hóa tranh luận. Ví dụ: Các cuộc tranh luận đầu thế kỷ XX về quốc học, về Truyện Kiều, về duy tâm và duy vật, về thơ cũ và thơ mới ở cả hai chiến tuyến đều có ý kiến rất khác nhau, đối lập nhau là vậy, “so găng” nhau đến một thua, một được là vậy, nhưng cuối cùng lịch sử phê bình phải công nhận nét đẹp lấp lánh củavăn hóa tranh luận, là bài học cho tranh luận hôm nay. Vì sao vậy? Vì cả hai bên đều soi chung một điểm nhìn hội tụ, một chân lý cao sang vời vợi là ý thức dân tộc, là tương lai văn hóa dân tộc - một vấn đề xã hội quan thiết đến vận mệnh dân tộc. Cho đến hôm nay nó vẫn còn thấm thía, nếu như chúng ta biết rằng, ý thức dân tộc là nội dung bao gồm nhiều giá trị, là phương lược lớn để hoạt động cách mạng, để chiêu tập hiền nhân cho đất nước, là hạt nhân của chính sách đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây việc được - thua, đúng - sai của cá nhân lùi lại, được coi nhưnhững phương tiện để đạt mục đích khác cao hơn: đó là những quan điểm duy tâm, mơ hồ bị đẩy lùi; những phương hướng phục cổ bị phê phán, những tư tưởng duy vật, tiến bộ được khẳng định trong xã hội, đặc biệt là giới trí thức, giúp họ tham gia tích cực vào công cuộc giải phóng dân tộc. Một ví dụ khác: Cuộc đấu tranh giữa phái nghệ thuật vị nghệ thuật và phái nghệ thuật vị nhân sinh sau 4 năm tranh cãi, dần dần đã xích lại gần nhau, bổ sung cho nhau, hài hòa lợi ích, là vì họ chỉ khác nhau về thế giới quan, về khẩu khí, nhưng không khác biệt nhau về những vấn đề thuộc bản thể văn chương, về sự cách tân ngôn ngữ, về tình yêu thiên nhiên, dòng hoài niệm quá khứ, nỗi “đau đời”, v.v… Kết quả là Cách mạng được nhiều, không chỉ hầu hết các nhà văn lớn, các nghệ sĩ tài ba đi theo cách mạng mà hàng nghìn, vạn trang viết của họ thấm đượm chủ nghĩa nhân văn.

Bản chất lý luận phê bình văn nghệ là bản chất kép: vừa chính luận - khoa học, vừa là mộtthể loại văn nghệ. Với bản chất chính luận khoa học, phê bình văn  nghệ không chỉ dựa vào những nguyên lý mỹ học của thời đại, của dân tộc mà còn cần đến sự hỗ trợ của các khoa học liên ngành để khảo sát hoàn cảnh xã hội đẻ ra tác phẩm, môi trường văn hóa mà nhà văn hình thành (Xã hội học nghệ thuật); tâm lý xã hội, mặt bằng dân trí, nhu cầu công chúng (Tâm lý học nghệ thuật) và các khả năng dự báo xu thế phát triển của xã hội và của đời sống văn nghệ, nếu có thể. Với tư cách là một thể loại văn nghệ, bản chất LLPB văn nghệ phải tính đến “sự thỏa mãn thẩm mỹ”, “tình cảm thẩm mỹ”, mà thiếu chúng thì tính chân thật của tác phẩm phê bình dễ bị khô cứng, kém hấp dẫn. Vì là thể loại, tác phẩm phê bình cần chú ý nhiều đến văn chương, ngôn ngữ, kỹ xảo nghệ thuật. Dù có nói đến tư tưởng, ý niệm, thái độ nhà văn cũng cần được chuyển tải bằng sự xúc động, cảm hứng, ngôn ngữ, thi pháp miêu tả. Phẩm chất cao nhất của tác phẩm LLPB là chân lý. Câu châm ngôn được nhiều người thích dùng giúp chúng ta hiểu được chân lý phê bình: “Platon là bạn của tôi, nhưng chân lý còn quý hơn”. Một trong những nhược điểm của đời sống phê bình văn nghệ hiện nay là việc đánh giá giản đơn, chủ quan, xa rời chân lý, sa đà vào những hiện tượng vụn vặt, thậm chí vượt ra ngoài ranh giới học thuật. Mà thói đời, hễ trượt khỏi đường ray văn chương thì dễ sa vào hành vi phi thẩm mỹ, mượn chân lý để cãi vã tay đôi, quy chụp nhau về chính trị, dùng thư từ để kiện cáo, phát tán tài liệu cá nhân, v.v… làm nhiễu loạn và vẩn đục đời sống phê bình.

Hiện nay trên báo chí đang rộ lên việc đánh giá một số hiện tượng: phê bình báo chí, phê bình thông tấn, phê bình nghệ sĩ trong tương quan với phê bình hàn lâm, phê bình chuyên nghiệp với nhận định chung là: chê bai loại phê bình thứ nhất, và kỳ vọng loại phê bình thứ hai. Những ý kiến này có điều đúng và điều chưa thỏa đáng. Phê bình thông tấn có cái được là mang tính cập nhật, tính thời sự giúp người đọc, người xem sớm tiếp cận những thông tin mới về tác phẩm văn nghệ. Ở các nước, một số tờ báo lớn thường có mục đọc sách, điểm sách do các “chuyên gia” có hạng (expert) phụ trách và viết bài, bài của họ viết ra thường được người đọc săn đón, tạo nên không khí tinh thần dân chủ hóa trong đánh giá, thẩm định. Còn kỳ vọng loại phê bình hàn lâm, phê bình chuyên nghiệp là không thỏa đáng, vì không phải tác giả nào, tiểu luận nào của họ viết đều hấp dẫn, đánh giá chuẩn xác hiện tượng nghệ thuật. Mỗi một thể loại phê bình đều có ưu trội và nhược điểm. Vấn đề quan trọng là chất lượng bài phê bình. Cũng đừng băn khoăn nhiều về sự nhiễu loạn của phê bình. Nhiễu loạn hay không chính là ở động cơ của người viết. Phê bình “quan phương”, phê bình “xu phụ” một thời đã bị lên án; phê bình “cánh hẩu”, phê bình “vụ lợi” hiện nay cần được uốn nắn. Đánh giá và đánh giá lại tác phẩm và cái đã được đánh giá là câu chuyện liên tục, biện chứng để tìm ra giá trị đích thực của tác phẩm.

II. Giá trị của lý luận phê bình

Nếu trí tuệ, lý trí của con người đóng vai trò chủ đạo trong quan hệ nhận thức lý luận, thì cảm xúc, tình cảm giữ vị trí hàng đầu trong quan hệ giá trị. Trong LLPB văn nghệ chúng ta cần cả hai. Phê bình văn nghệ không chỉ là người bạn đường của quá trình nhận thức, là “trí tuệ của nhiệt tình”, mà còn là “nhiệt tình của trí tuệ” (Các Mác), tức là cảm xúc, tình cảm, thị hiếu cá nhân. Thiếu một trong hai tố chất đó, tác phẩm LLPB thiếu sức thuyết phục số đông.

Để tìm giá trị của một tác phẩm, nhà phê bình cần vận dụng hai công cụ sau: Phép biện chứng trong đánh giá  cơ chế kiểm tra xã hội việc đánh giá. Để thẩm định các giá trị cụ thể của một tác phẩm, một hiện tượng nghệ thuật, nhà phê bình cần đến phép biện chứng giúp ta tìm ra chỗ dựa đánh giá: giữa cái bất biến và ứng biến, cái bền vững và cái trước mắt, cái xác định và cái đa nghĩacái nguyên lý và cái khả thủ… Ví dụ: Văn nghệ phản ánh đời sống xã hội là phương phápbất biến, nhưng văn nghệ cần được vận dụng nhiều thi pháp sáng tạo để phản ánh hiện thực làứng vạn biến. Cơ chế kiểm tra xã hội về đánh giá tác phẩm văn nghệ được thể hiện ở mấy đặc điểm sau: bình đẳng giữa các chủ thể đánh giá, không thừa nhận bệnh ngôi thứ trong phê bình, ở đó có đủ chỗ cho mọi người, miễn họ có tài năng; không có sự bất bình đẳng giữa các thể loại, không có thể loại cao thể loại thấp; cũng ở đây, việc đánh giá khác nhau về một tác phẩm lớn, một trào lưu nghệ thuật lớn là chuyện bình thường. Sự khác nhau trong đánh giá là do đối tượng được đánh giá phong phú, phức tạp, đa nghĩa; khác nhau còn là do nhân sinh quan, trình độ dân trí, thị hiếu, tâm lý của công chúng… Trong lịch sử phê bình thế giới có không ít trường hợp giá trị của một tác phẩm nghệ thuật tưởng như đã ổn định, nhưng sau đó đã được đánh giá lại, v.v…

Chân lý của một hiện tượng tranh luận văn nghệ tìm thấy giá trị còn nhờ sự mở rộng cánh cửa phông văn hóa tổng quát (culare générale), bởi ở đó là nơi chưng cất mọi giá trị lịch sử - lý luận được sàng lọc, nhờ trí tuệ, tâm hồn của hàng triệu người qua các thời đại. Nhiều năm trước đây, một số người thường nghĩ, LLPB “ăn theo sáng tác”, “làm dịch vụ cho sáng tác” (hiện nay vẫn còn). Điều đó chưa bao giờ đúng. Như đã chỉ ra ở trên, LLPB là một khoa học và là một thể loại nghệ thuật nằm giữa sáng tác và thưởng thức nghệ thuật. Có khi, nếu cần thiết LLPB văn nghệ còn đi trước đời sống văn nghệ một bước. Ví như những phương thức chỉ đạo của Đảng trong các lĩnh vực nhạy cảm: tư tưởng, văn hóa, học thuật; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về văn nghệ có liên quan tới phê bình.

Tác dụng của phê bình văn nghệ là tác dụng nhiều chiều. Lâu nay, một số người đinh ninh rằng, tác dụng của phê bình văn nghệ là phải thúc đẩy sáng tác văn chương, nghệ thuật phát triển. Cho nên mới có dư luận xã hội: sáng tác thiếu những tác phẩm hay, tốt là do phê bình còn yếu kém. Điều đó không sai, nhưng cách hiểu như thế là hẹp. Chỉ riêng trong văn học thì đối tượng khảo sát của phê bình không chỉ có truyện, thơ, tiểu thuyết. Một mảng lớn của văn học như: kịch bản văn học, kịch bản điện ảnh, tác phẩm nghiên cứu - phê bình, những tác phẩm chính luận, hồi ký của những nhà văn chuyên nghiệp và không chuyên nằm ở đâu? Đó là chưa kể hàng mấy trăm, thậm chí hàng nghìn công trình khoa học từ cấp cơ sở đến cấp trung ương có quan hệ đến văn học, văn hóa, nghệ thuật; rồi một khối lượng không ít văn thơ, hồi ký của các câu lạc bộ hưu trí! Tất cả đều không thể nằm ngoài vòng thẩm định của LLPB văn nghệ.

Tính pha tạp của người đọc, người nghe; sự thu hẹp của văn hóa đọc; sự lép vế của LLPB trong một thời gian dài; cả những hiện tượng LLPB “vọng ngoại” (dùng những tiêu chí mỹ học nước ngoài để thẩm định giá trị nghệ thuật trong nước); xu hướng phê bình  hư vô (coi thường những giá trị cổ truyền); có cả hiện tượng phê bình lấy đề tài làm trọng, một biểu hiện của xu thếphê bình quan phương, và những khuyết tật khác của đời sống LLBP v.v… đòi hỏi sự nghiệp phê bình phải có một đội ngũ chuyên nghiệp, có trách nhiệm công dân cao, chuyên sâu, có bản lĩnh, năng động, lịch lãm, tâm huyết với nghề; đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách mới, tư duy mới (việc thành lập Hội đồng Lý luận phê bình văn nghệ Trung ương là một biểu hiện của tư duy mới). Đó là chưa nói LLPB phải đi trước một bước, phải là người hướng đạo. Có lúc nào đó, việc phát hiện những tài năng mới, việc đề xuất sớm trong dư luận xã hội những hiện tượng đặc sắc, hoặc “có vấn đề” của một số tác phẩm văn nghệ, v.v… có thể thuộc về “công chúng hạt nhân”, về các nhà hoạt động chính trị - xã hội (bởi họ có nhiều nguồn thông tin). Nhưng ý nghĩa tư tưởng, vai trò triết học, những giá trị bền vững của nghệ thuật và mọi kết luận học thuật về tác phẩm, phải được sự thẩm định sau cùng và cao nhất của đội ngũ phê bình chuyên nghiệp, thông qua những đại diện của nó là các hội đồng học thuật đáng tin cậy.

Đội ngũ các nhà lý luận - phê bình đông đảo hơn cả là ở giai đoạn 1945 cho đến nay. Phần lớn họ được đào tạo cơ bản tại các trường Đại học danh tiếng ở trong nước và nước ngoài dần dần trở thành những nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp. Xuất thân là nhà quản lý văn nghệ, nhà báo, nhà hoạt động văn hóa, giảng viên các trường Đại học, cán bộ nghiên cứu ở các viện khoa học xã hội và nhà văn, tất cả họ đều đã có nhiều tác phẩm đứng tên riêng hoặc chủ biên các công trình khoa học tập thể. Tên tuổi họ thường  hiện diện trên văn đàn, tạp chí chuyên ngành; họ tham gia đào tạo sau đại học cho thế hệ kế cận v.v… Lực lượng này hiện là “đội quân chủ lực” của đời sống lý luận văn nghệ, có những đóng góp sâu sắc, có ảnh hưởng không chỉ cho tiến trình phát triển khoa học lý luận, đường lối văn nghệ mà còn có ý nghĩa thực tiễn đối với đời sống sáng tác văn chương, nghệ thuật. Nhược điểm chính, kéo dài của một bộ phận trong đội ngũ này là sự thiếu hụt các ngoại ngữ chính và Hán Nôm dẫn đến sự hạn chế thông tin tri thức, và sự lựa chọn phương pháp luận còn mơ hồ, tùy nghi… Vậy ta có coi họ là nhà LLPB chuyên nghiệp hay không? Theo tôi cũng có thể dán cho họ nhãn hiệu LLPB chuyên nghiệp vì những tiêu chí vừa nêu, nhưng cũng có thể chưa phải, vì trên thực tế họ không sống bằng nghề viết, kể cả nhà LLPB tiêu biểu, họ không coi công việc LLPB là chính, chỉ viết khi nào thấy hứng, thấy cần, hoặc do các tạp chí, báo, đài “đặt hàng”. Việc chính của họ là giảng dạy, đào tạo, là nghiên cứu, làlàm tay trái (những người quản lý) và sau cùng họ được trả lương ổn định, dù là đồng lương chưa đủ sống ./.

H. S. V

  

 

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 213 tháng 06/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground