Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vai trò văn hóa truyền thống các dân tộc trong việc xây dựng nông thôn mới

Việc nghiên cứu văn hóa truyền thống các dân tộc Bru - Vân Kiều và Pa Cô ở miền núi Quảng Trị đối với vấn đề phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của giới nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách trước đòi hỏi cấp bách của cuộc sống. Càng cấp bách hơn khi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và phát triển kinh tế - xã hội ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa nói riêng đã nảy sinh ra nhiều vấn đề thực tiễn cần giải quyết như: bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; bảo vệ môi trường; xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới hay cách tiếp cận văn hóa cổ truyền nhằm phát triển du lịch... Ở bài viết này chỉ đề cập đến vấn đề phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền và tác động của nó đối với việc xây dựng nông thôn mới ở địa bàn miền núi.

Nhiều thập niên trở lại đây, các dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều và Pa Cô ở miền núi Quảng Trị đang đổi mới từng ngày để hội nhập vào đời sống đương đại. Đổi mới và hội nhập như thỏi nam châm, nó “hút” cực nhanh những luồng văn hóa mới, đặc biệt là của người Kinh và cả nước ngoài, tạo ra một sự giao thoa về văn hóa sôi động. Cũng như người Kinh, bản thân từng nền văn hóa của người Bru - Vân Kiều hay  Pa Cô đều có kháng thể để tự nó có thể dung nạp hoặc “tẩy chay” dung hòa hay bị “đồng hóa” ở nhiều mức độ khác nhau.

Trước hết nói về việc bảo vệ và giữ gìn bản sắc dân tộc. Khái niệm “bảo vệ và giữ gìn bản sắc dân tộc” thì ai cũng biết nhưng thực sự “bản sắc dân tộc” là gì và việc bảo vệ, giữ gìn nó như thế nào không phải ai cũng trả lời được thấu đáo và có sức thuyết phục. Nhất là chạm vào những tiêu chí cụ thể như cái gì cần bảo vệ, giữ gìn, phát huy, cái gì cần loại bỏ… Ai cũng biết, lễ hội của người Kinh và các dân tộc thiểu số đều là các hoạt động tự thân. Ở đó con người hòa nhập vào cộng đồng, cộng cảm, trải lòng mình ra trước thế giới thần linh với một tâm thức thấm đẫm đức tin và những điều huyền diệu mà họ đang cầu xin và tận hưởng. Những người tham dự lễ hội không phải là khách tham quan thưởng ngoạn mà là thực thi bổn phận của chính mình. Nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả này được bảo lưu khá mạnh mẽ ở tất cả các dân tộc. Chính khi thực thi bổn phận của “lễ” mà “hội” xuất hiện. Hội kéo theo việc tham quan, du lịch. Thế nhưng có quá nhiều lễ hội người Kinh lẫn các dân tộc thiểu số trên khắp cả nước bị biến tướng, bị thương mại hóa, có nên để điều đó xảy ra ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta hay không?

Ở nhiều địa phương đang có xu hướng tổ chức lễ hội dưới hình thức sân khấu và nghệ nhân trở thành diễn viên liệu có thuyết phục? Ngay cả việc hiện đại hóa nhà gươl (nhà rông) thành “nhà gươl văn hóa” là của chung cho liên làng, liên xã, thậm chí của một huyện cũng đang có nhiều bất ổn. Bởi lẽ thứ nhất, ngoài yếu tố tâm linh, nhà rông là phần hồn của từng bản làng, phải cắm ở bản làng (như thiết chế đình làng của ngôi làng Việt). Thứ hai nhà rông là của dân và do dân tự làm, nó phải gắn với từng bản làng cụ thể. Nhà nước (nếu có), chỉ hỗ trợ như cho phép đốn gỗ, hỗ trợ tiền ăn để làm và có thể cho một con trâu dùng vào lễ hội đâm trâu trong dịp khánh thành chẳng hạn. Tất cả những việc làm ấy nó gắn với tâm thức, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, gắn với tín ngưỡng và hệ thống quan niệm thường gọi là văn hóa bản địa. Những việc làm vội vã, chủ quan vô hình chung áp đặt nền văn hóa này lên nền văn hóa khác sẽ làm mai một giá trị bản sắc.

Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền vừa nêu đều phải được soi xét trên tinh thần khoa học nghiêm túc và trách nhiệm mới có những giải pháp, chủ trương đúng đắn. Vấn đề đặt ra cho hai huyện miền núi ở Quảng Trị là làm thế nào để tránh được các “vết đổ” như ở các địa phương, các tỉnh khác? Đây là một thách thức, bởi những mâu thuẫn ấy nó có ở mọi dân tộc, mọi quốc gia, nhất là ở thời đại toàn cầu hóa.

Nhìn chung, di sản văn hóa cổ truyền của hai dân tộc Bru - Vân Kiều và Pa Cô còn được bảo lưu khá bền vững. Nó chứa đựng rất nhiều thành tố văn hóa truyền thống như: tập quán xã hội, tri thức dân gian, lễ hội, âm nhạc, trang phục, ngữ văn dân gian, dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống... rất cần được giữ gìn và phát huy có hiệu quả. Song trong quá trình công nghiệp hóa, nhiều chức năng “nguyên thủy” gắn liền với môi trường sản sinh ra các loại hình văn hóa dân gian cổ truyền đều đã“biến dạng”, làm cho nhiều thành tố văn hóa dân gian cổ truyền nói trên đang biến đổi cả về cấu trúc lẫn chức năng. Nó không còn tồn tại như những thực thể vốn có mà vỡ vụn ra, trở thành từng bộ phận “tái cấu trúc” tạo nên bộ mặt văn hóa của xã hội đương đại. Sự mất đi mang tính quy luật và không cưỡng lại được này đang là xu thế, là quy luật vận động phát triển của 54 dân tộc anh em trên cả nước.

Cũng như người Kinh, các dân tộc thiểu số anh em đã sáng tạo ra cả kho tàng tri thức bản địa về quản lý điều hành bộ máy làng bản cổ truyền, về bảo vệ môi trường là rừng và tài nguyên đất đai sông suối, phòng chống thiên tai như phòng chống cháy rừng, lũ ống lũ quét… Hiện phong trào xây dựng nông thôn mới đang diễn ra ở hầu khắp các vùng nông thôn từ đồng bằng đến miền núi. Vai trò của văn hóa cổ truyền đang tạo ra nguồn lực phát triển và đang tích cực góp phần vào việc quản lý xã hội, thực hiện hiệu quả nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Từ trong nông nghiệp nông thôn, nhiều năm qua ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông có một số mô hình khá thành công cần nhân rộng như trồng rừng, trồng cây cà phê, trồng sắn, trồng chuối hay chăn nuôi tập trung… Các mô hình nói trên đang góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, khơi dậy tính độc lập tự chủ trong sản xuất, tạo cho người dân miền núi tự tin, tự quyết những việc cần làm để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương sốt sắng. Cùng với phong trào xây dựng bản làng văn hóa, nông thôn mới là quy luật tất yếu, không bản làng nào có thể tách, đứng ra ngoài cuộc. Trong phong trào này, các bản làng nên hạn chế tối đa những tập quán lạc hậu trong tang ma, cưới hỏi, kể cả phong tục tập quán cũng cần gạn đục khơi trong. Nhà nước tăng cường hỗ trợ, đỡ đầu các mô hình kinh tế trang trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là các mô hình có sẵn (sắn, chuối, cà phê…) và chế biến nông lâm sản. Công việc này rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Ở những đường biên, nơi có bộ đội biên đồn trú, rất cần sự giúp đỡ của “đội quân” này. Ngoài việc xây dựng đường biên giới hòa bình, làm tốt công tác đối ngoại, bộ đội biên phòng đang là chỗ dựa của chính quyền và nhân dân nơi đồn trú. Song trong các phong trào này, cần hạn chế tối đa các trường hợp khi định canh định cư hay tái định cư, nhà cửa vườn tược tất tần tật đều chung một khuôn mẫu. Cảm giác ô ngăn thẳng thớm như người Kinh, có thể quang đãng hơn, ngăn nắp hơn, sạch sẽ hơn bản làng cũ song nhìn vào vẫn thấy thiếu hụt cái gì đó tự nhiên như hơi thở, cái gọi là bản lai diện mục của bản làng.

Xây dựng nông thôn mới đang trở thành một cuộc cách mạng ở nông thôn. Nó không chỉ phát triển kinh tế - xã hội, nếp sống, nếp nghĩ của mọi người dân - chủ nhân của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Ở các bản làng miền núi, với sự đa dạng về địa hình, khí hậu, giao thông đi lại, nhất là thành phần tộc người tạo ra sự đa dạng về văn hóa và cảnh quan môi trường. Ở đó, từ xa xưa các dân tộc Bru - Vân Kiều và Pa Cô đã tích lũy một hệ thống tri thức dân gian để ứng xử với tự nhiên và xã hội. Xin đơn cử vai trò của luật tục (người Kinh gọi là hương ước) đóng vai trò quan trọng như thế nào trong xã hội hiện đại (dù đã có thể chế nhà nước). Trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các hộ gia đình trong bản làng, trong việc bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ rừng… luật tục đều có các khoản chế tài xử lý các hành vi vi phạm. Nó là tiếng nói chung của bản làng được “thiêng hóa” bởi già làng là người cầm cân nảy mực và có cả thần linh chứng giám nên mọi thành viên đều nghiêm ngặt tuân theo. Luật tục hay dư luận bản làng chi phối việc thực hiện nếp sống của bản làng, vì vậy khi xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa mới cần chú trọng phát huy điều này.

Như vậy, việc kế thừa phát huy di sản văn hóa cổ truyền của các dân tộc bản địa sẽ góp phần vào việc xây dựng kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Những nhà nghiên cứu cần hoạch định ra các chính sách sát thực cho từng bản làng, từng vùng cụ thể. Đó là những mục tiêu, giải pháp, hình thức xây dựng theo các mô hình tộc người, địa phương khác nhau chứ không nhất thiết học tập miền xuôi, áp dụng rập khuôn, máy móc cách làm của người Kinh lên miền núi.

                                                                                               Y.T

 

Y THI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 311

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

8 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground