Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Văn Bốn - một nhịp cầu bắc vào văn học

C

ảm giác đầu tiên gặp Văn Bốn (Văn Xương), với tôi, anh là một chàng thư sinh mảnh khảnh. Tất nhiên về tướng mạo học, củi khô quắt queo nhưng thường cháy đượm hơn củi tươi. Và đó là đặc tính của tinh thần, càng gầy gò quắt queo thì càng rực cháy. Những nhà văn như Cao Hạnh ở Quảng Trị, Sương Nguyệt Minh bên Quân đội giới thiệu: “Văn Bốn là một cây bút viết văn xuôi ở Quảng Trị”. Tôi giật mình.

Bao giờ cũng vậy, mỗi khi ai đó được giới thiệu là “Cây bút văn xuôi”, thi tôi đều giật mình. Chắc các bạn cũng hiểu cảm giác này của tôi, nước ta là nước “Tam nông”: Nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Nước ta cũng được dân ta tự mệnh danh là “Thi quốc”, cả nước làm thơ. Người người làm thơ, làng làng làm thơ, nhà nhà làm thơ. Nói một cách nghiêm túc thế này: Bói mãi trong lịch sử văn học Việt Nam, mới tìm được cuốn tiểu thuyết lịch sử hàng vừa “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Thì Chí… Và thi Tản Đà có công rất lớn với cánh cửa mở vào văn xuôi hiện đại cho văn học Việt Nam khi ông viết những tản văn ban đầu để đối chứng với thơ. Thơ là gì? Văn xuôi là gì? Với những tản văn của Tàn Đà, người ta thấy rõ: Thơ có thể là những cảm xúc tức cảnh sinh tình, còn văn xuôi thì phải mang những thông điệp rõ ràng về trí tuệ và hiện thực. Nếu không có những vấn đề của trí tuệ - tức tính nội dung – tức là đề tài suy ngẫm thì đừng hòng có văn xuôi

Khi một nhà thơ hay một nhà văn xuất hiện trước mắt, tôi đều có cảm giác ái ngại. Mặc dù hai sự ái ngại khác hẳn nhau. Nhà thơ, tôi luôn luôn ái ngại rằng: Trong rừng rừng nhà thơ đông như lau sậy như vậy, cách nào đây để cây bút thơ này bứt cao, vọt lên như đại thụ, để trở thành danh tiếng? Khó lắm thay!

Còn đây bút văn xuôi, tôi ái ngại rằng: Trời ơi, con đường viết văn chông gai dài dằng dặc như vậy, đó là một cuộc vật lộn lao động thực sự của trí não và thể xác, liệu con người này hành hương được bao nhiêu dặm? Hay cũng chỉ là một kiểu nhảy chân sáo như nàng thơ, trong vui vẻ, kênh kiệu, khoe mẻ lắm, nhưng có ai thấy một người nhảy chân sáo từ nhà ra đường quốc lộ chưa.

Và khi mọi người giơ tay giới thiệu “Cây bút văn xuôi Văn Bốn”, thì tôi cũng có tâm cảm ái ngại như vậy. Rồi cách Văn Bốn tặng sách cũng rụt rè lắm, chờ cho tan cuộc, anh mới chịu đưa sách tặng tôi. Chắc anh sợ cuốn sách của anh sẽ trở thành món nhắm ngay trên bàn tiệc. Nó hay thì không nói làm gì! Nó dở người ta chê ỏng chê eo thì phiền?!

Và tôi đã đọc cuốn truyện ngắn đầu tay “Hoa gạo đỏ bên sông” của Văn Bốn. Thật bất ngờ! Mọi nghi ngại của tôi biến mất. Thực sự thay vào đó là một niềm tin khả trọng. Tôi trọng, trong cả rừng người chỉ làm thơ vào lúc trà dư tửu hậu, tôi đã gặp một cây bút lao động một nắng hai sương trên cánh đồng văn học. Tôi trọng, văn chương của tác giả Văn Bốn là cái rất đáng để chúng ta bàn đến. Nó khá hay đã đành, nhưng đáng quý hơn cả thế, nó mập mờ khải thị một con đường đi xa. Văn của Văn Bốn khá mộc mạc, chân thành và giản dị nhưng điều đó không có nghĩa là qua loa, trái lại Văn Bốn rất chú tâm và nhiệt huyết cho văn học. Chẳng hạn, một câu văn anh viết tưởng giản dị thế này: “Những con đường thân quen ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp ngày nào giờ đã lún mình nâng những đại lộ thênh thang típ tắp”. Có thể thấy trong câu văn này anh đã sáng tạo một động từ “lún mình”. Thường những con đường được đắp lên và người ta vẫn thường viết con đường “nâng lên”, nhưng Văn Bốn thì đã phát hiện ra con đường “Lún mình”. Quả là độc đáo! Qua đó có thể thấy Văn Bốn đã tìm cách sáng tạo dù ở trong một cơ hội rất nhỏ. Cái chân thật mộc mạc của Văn Bốn không phải là cái thô mộc đơn giản, mà chính là của một tâm hồn trải nghiệm khá nhiều sâu lắng, có độ chín và tự tin cần thiết. Nghệ thuật có ba chìa khóa “Chân – thiện – mỹ”, thì Văn Bốn đã khởi sự bước vào cái “Chân” của nghệ thuật. Văn Bốn sinh ra ở ngày bên dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, thuộc huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị. Ở đó, tác giả đã mang cái thực tế, trăn trở, thao thức vào những trang văn của mình. Đó là quê hương của tác giả, một mảnh đất thấm đẫm khói lửa chiến trường ác liệt, mùi thuốc súng, cách giao tranh, truy kích, lùng bắt, phản công ác liệt thường xuyên xảy ra. Khung cảnh chiến trường ác liệt ư? Có thiếu gì mảnh đất ở Việt Nam chứa đựng cuộc chiến ác liệt như Điện Biên hoặc đất thép Củ Chi. Nhưng có một dòng sông chắc chắn không nơi nào có, đó là sông Bến Hải chảy xuyên Vĩ tuyến 17 chia đôi bờ Nam – Bắc suốt hai chục năm. Dòng sông đó chỉ có ở quê hương của tác giả.

Dòng sông là tín hiệu của cuộc sống! Là da diết, thao thức khôn nguôi! Hình ảnh con sông đã đi vào thi ca Việt Nam từ lâu đời, chỉ với hình ảnh “Đò ngang” hày “Sang ngang” dường như ngay tức khắc đã chuyển hóa vô bờ! Và nàng đã sang ngang để lại mình ta, thế là cuộc đời ta trở thành một niềm luyến tiếc khôn nguôi! Có thể nói văn chương của Văn Bốn chính là cuộc day dứt bên chuyến đò ngang cách trở đầy định mệnh của quê hương và dân tộc hai bên bờ con sông nhỏ thôi, những đứa trẻ chăn trâu nơi quê hương vẫn ngày ngày đùa giỡn, tắm táp, vậy mà nó đã trở thành ranh giới cách trở, chia ly đầy mùi thuốc súng, song sắt vào máu chảy.

Trong truyện “Hoa gạo đỏ bên sông”, tác giả kể về một thiếu nhi được ra Bắc sơ tán theo diên K8. Đứa trẻ mang mặc cảm tự nhiên về sự ở nhờ của mình như một thứ con nuôi loài lề máu huyết. Rồi nó đánh vỡ chiếc ấm, sợ quá liền lấy bùn dính lại. Và người anh sau khi tát nó một cái, liền đi tìm nó về. Anh bảo: “Anh đánh em không phải vì em làm hư cái tích, mà vì em không trung thực, bây giờ em còn đang nhỏ, một việc nhỏ mà em không thành thật, sau này lớn lên có nhiều việc lớn mình không trung thực thì sẽ làm hỏng cả cuộc đời em ạ”. Đây là một đoạn văn trải nghiệm đạo đức rất chân thành và tự nó mang sức cảm hóa rất cao. Một nhà thần học nói: “Người ta không thể dạy cái mà mình không biết, không thể khuyên cái mà mình không sống”. Trong khi có nhiều cây bút chưa viết văn đang mang nhiều luận điệu có vẻ “Thời thượng” như Văn học đâu phải là đạo đức, “Kết thức có hậu cổ lắm rồi!” thì Văn Bốn vẫn thể hiện một sự trải nghiệm bài học làm người sâu sắc, bình dị, chân thật của mình.

Văn Bốn vốn dĩ là người làm kinh tế, “Đồng tiền thường bạc” hoặc chí ít khó mà bay bỏng lãng mạn, vậy mà anh ta lại có thể dành tâm huyết để viết những áng văn chân tình – trữ tình thật khó lắm thay! Và cũng đáng nể thay!

Trong truyện “Di bút viết bằng máu”, Văn Bốn thể hiện khả năng có thể miêu tả chi tiết và diễn dịch cho câu chuyện trôi chảy. Đây là một phẩm chất có thể coi như khả năng thực hiện những khúc biến tấu. Một khả năng ở rất gần việc viết tiểu thuyết. Truyện đặc biệt xuất sắc của tác giả là “Chuyện già bản Tà Thiêng”. Ở đó anh đưa ra một bi kịch thời đại hết sức phổ biến và cũng hết sức đặc thù. Nhân vật Minh tham gia cách mạng bị đem xử tử, được các đồng chí giúp đỡ Minh đã chạy thoát lên mạn ngược, một ngày Minh lần về bờ nam sông Bến Hải chờ buổi tối sẽ bơi sang bờ Bắc gặp vợ con, nào ngờ gặp chị Thảo, là con dì ruột của vợ Minh. Chị nói cho Minh biết đừng có về nữa, vì ở quê người ta hàm oan chính Minh chỉ điểm cho địch bắt và xử bắn các đồng đội của mình. Vợ Minh cũng đã đi lấy chồng rồi… Thế là dòng sông đã vĩnh viễn cắt ngang con đường trở lại quê hương của Minh. Dòng sông ấy không chảy giữa hai bờ Bắc – Nam, mà nó đã chảy ra từ những tâm hồn hàm oan. Truyện “Đối mặt với thời gian” nói về hai người bạn đi về hai đầu chuyến tuyến, đối diện, rồi bao dung khi trở về quê trong hòa bình. Hai truyện này rất xuất sắc, một cánh én không làm nên mùa xuân, nhưng một con đường đất hoàn toàn có thể trở thành đường quốc lộ, chỉ bằng cách rất đơn giản, hãy mở rộng, đắp cao, và bắc những cây cầu cho nó. Tôi rất mong tác giả Văn Bốn đầu tư cho hai truyện ngắn “Chuyện già bản Tà Thiêng” và “Đối mặt với thời gian”, gộp cùng mấy truyện ngắn khác lấy thêm chi tiết, để viết một tiểu thuyết. Đó là cách mở chiến dịch lớn sau khi đột phá khẩu đã mở toang. Chiến dịch lớn cũng là thành công lớn. Tôi nghĩ, đó có thể vừa là “sạn đạo” vừa là chìa khóa ưu việt nhất cho tác giả Văn Bốn gặt hái chặng đường dài của thành công.

Nhìn về Quảng Trị, tôi thấy hai nhà văn đàn anh. Nhà văn Xuân Đức thì nổi tiếng viết kịch. Nhà văn Cao Hạnh nổi tiếng về truyện ngắn. Tôi đã xem rất kỹ những truyện ngắn của Cao Hạnh. Đặc biệt tập truyện “Vú Cát” của anh mới ra năm 2007, đã được nhà thơ, phê bình Đỗ Minh Tuấn phán xét rằng: “Đây là một trong những cây bút văn xuôi viết hay nhất trong thời đổi mới” (Đăng trên Văn nghệ trẻ 2007).

Giờ đây, tôi nhìn thấy một nhà văn thứ ba là Văn Bốn. Anh in chưa nhiều lắm nhưng nhìn cách sửa soạn hành trang ta biết được ai đó đi xa hay gần. Tôi rất mong một ngày gần đây được nhìn thấy một con đường dài tiểu thuyết trải ra qua bến đò ngang Bến Hải đã ủ sẵn trong lòng tác giả. Con đường đã có sẵn rồi. Nào hãy đắp nó lên.

N.H.Đ

Nguyễn Hoàng Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 165 tháng 06/2008

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

12 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground