Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Văn hóa cá nhân - Nhận biết để ứng xử

V

ăn hoá cá nhân là tổng hoà những phương thức ứng xử của con người đối với thiên nhiên, đối với xã hội, đối với chính mình. Văn hoá cá nhân còn là một năng lực sáng tạo, khả năng tìm kiếm những phương kế để sống, hoạt động và đóng góp cho cộng đồng, thúc đẩy xã hội phát triển. Thuật ngữ văn hoá cá nhân mới xuất hiện không lâu, nhưng những khái niệm tương ứng đã hiện diện trong lịch sử văn minh nhiều nước.

Ở phương Tây từ khi chủ nghĩa tư bản ra đời đến nay, văn hoá cá nhân thường được coi là giá trị cao nhất trong mọi lĩnh vực đời sống. Ở đây người ta coi cá nhân không phải là một bản thể trừu tượng, thụ động, mà là con người cụ thể, sinh động, một thế giới tinh thần phong phú và đầy bí ẩn(1), là một nhân vị. Tính nhân vị ở cá nhân không đối lập với tính xã hội, trái lại bổ sung, đa dạng hoá “tri quyển xã hội”. Nếu sinh quyển (biosphère) là môi trường cuộc sống tự nhiên thì tri quyển (Noosphère) là môi trường văn hoá do con người sáng tạo nên, và nói như M.Gorki đó là “thiên nhiên thứ hai”.

Ở Mỹ, người ta tổng kết rằng, văn hoá cá nhân, tín điều Kinh thánh và ý thức công dân của chế độ cộng hoà là ba yếu tố tạo nên văn hoá Mỹ. Ngay từ buổi sơ khai, người Mỹ quan niệm rằng, dân chủ- tự do là nội dung của văn hoá cá nhân. Con người không chỉ bình đẳng trước pháp luật mà còn bình đẳng làm ra pháp luật. Michael Walzer, nhà xã hội dân chủ đặt văn hoá cá nhân trong mối quan hệ thể chế nhà nước, giáo hội, nhà trường, gia đình. Cá nhân chỉ có thể tự do khi gắn bó với đồng loại, không thể có “cá nhân tự nó” mà chỉ có cá nhân trong xã hội. Về sau, văn hoá cá nhân ở Mỹ bị biến dạng theo thời cuộc, sinh ra chủ nghĩa vụ lợi, chủ nghĩa thực dựng, văn hoá thứ cấp, khuynh hướng tự do không đúng chỗ v.v...

Ở Pháp, Montesquier (1689-1755), Voltaire (1694-1778), Rousseau (1712-1778) đều nói đến việc giải phóng cá nhân con người. Trong tác phẩm Những thư từ triết học, Voltaire truyền bá văn hoá cá nhân, coi tự do, dân chủ của con người là trung tâm của mọi hành vi chính trị. Còn Benjamin Constant (1767-1830) đề cao tự do của cá nhân bằng một hình tượng sùng kính. Ở mỗi con người có một đền thờ mang vật linh thiêng. Về sau, ở đầu thế kỷ XX, cũng ý đó M.Gorki diễn đạt: “Con người là ngôi đền thượng đế sống và tôi quan niệm thượng đế là xu hướng mãnh liệt vươn lên sự hoàn thiện, sự thật và công bằng” (2).

Đến thế kỷ XIX, John Stuart Mill (ở Anh), Alexis Toequeville (ở Pháp) là những nhà hoạt động chính trị tuyên ngôn chấp nhận xã hội dân chủ với phổ thông đầu phiếu, tự do, nhân quyền và tự do mưu cầu hạnh phúc. Cuốn “Nguồn gốc muôn loài” của Charles Darwin làm lung lay niềm tin Cơ đốc giáo bằng thuyết tiến hoá, đối lập thẳng thừng với thần học đã thống trị nhiều thế kỷ. Cùng với ông, J.S.Mill nêu lên nguyên tắc căn bản là cá nhân có thể làm bất cứ cái gì không hại đến người khác hay quyền tự do của người khác. Tự do là biểu tượng cho tinh thần và tâm trạng của thời đại. Trong cuốn Nền dân chủ Hoa Kỳ (được viết sau lần đến thăm nước Mỹ năm 1830). Tocqueville vừa khen, vừa chê nền văn hoá chính trị của nước này. Khen vì nội lực, sức mạnh vật chất và hiệu năng của nền dân chủ, của văn hoá cá nhân, nhưng chê người Mỹ thiếu tế nhị, cao ngạo, thực dụng, chỉ biết thực tiễn trần tục và tôn sùng sự giàu có vật chất (3).

Ở phương Đông nói chung, ở Việt Nam nói riêng, không có truyền thống văn hoá cá nhân. Tồn tại hay không tồn tại của vận mệnh dân tộc đặt ra trước hoạ xâm lăng, buộc những giá trị cá nhân lùi xuống hàng thứ. Đó là chưa nói đến ý thức hệ phong kiến, giáo lý phản động của đạo Nho trói buộc mọi suy nghĩ duy tân, cải cách. Cái mới, cái cách tân dù là ở cá nhân xuất chúng dễ làm nghiêng đổ triều đại. Vai trò của văn hoá cá nhân, yếu tố dân chủ còn mờ nhạt, ngay cả những nhà sáng tạo văn hoá thời đại thì văn hoá cá nhân, cá tính là khó hiểu hoặc không phổ biến. Tại sao vậy? Văn hoá nước ta từ cổ đại cho đến nay đều gắn chặt với chính trị. Nước không độc lập hay bị thống trị là thực trạng đau lòng, khốn khổ của cả dân tộc. Tính cộng sinh cộng cảm, xu thế hợp quần đặt cao hơn số phận cá nhân. Cũng có một thứ triết lý bình dân trong ứng xử văn hoá như “Phép vua thua lệ làng” “Con hơn cha là nhà có phúc” “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn” “Nhân định thắng thiên” v.v. nhưng tất cả chỉ là cá biệt. Trong thời đại Hồ Chí Minh, Bác Hồ là một người đầu tiên quan tâm đến con người. Bác nói: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Hạt nhân cơ bản của Tuyên ngôn độc lập (1945) là quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người mà Bác nói đến trong Tuyên ngôn không mâu thuẫn với xã hội, bởi vì con người sẽ không có tự do thực sự nếu con người không vươn lên nắm cái tất yếu trong quy luật tự nhiên và xã hội. Nếu con người đòi hỏi sự tự do tuyệt đối, xúc phạm đến quyền tự do của người khác. Như vậy là nội dung các quyền con người mang giá trị văn hoá cá nhân. Cao hơn nữa là con người có trách nhiệm cải tạo xã hội, phát triển nội lực, phát huy trí tuệ sáng tạo. Ở Hồ Chí Minh văn hoá cá nhân con người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các luận văn nổi tiếng về con người. Nếu trong Tuyên ngôn của Hội liên hiệp thuộc địa Người đề xướng “phẩm giá con nguời”, trong lời kêu gọi ở báo Người cùng khổ nhấn mạnh “sự giải phóng con người”, thì trong Di chúc (1969) chúng ta đọc “đầu tiên là công việc đối với con người”...

Tại các nghị quyết đại hội Đảng những năm gần đây đặc biệt là ở nghị quyết V (khoá 8-1998) khi nói đến các nhiệm vụ cấp bách và cụ thể, các nghị quyết đều đưa lên hàng đầu việc xây dựng văn hoá cá nhân con người Việt Nam với năm phẩm chất: tinh thần yêu nước; có ý thức cộng đồng; có lối sống lành mạnh; nếp sống văn minh; lao động sáng tạo với lương tâm nghề nghiệp sáng tạo; thường xuyên học tập để tiến bộ. Trong thời kì hiện đại hoá, công nghiệp hoá để hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá loài người, chúng tôi xin nêu ba phương thức ứng xử của văn hoá cá nhân.

I. VĂN HOÁ CÁ NHÂN ĐỐI VỚI THIÊN NHIÊN.

Đất và nước, sông suối và ao hồ, núi non và biển cả là do thiên nhiên ban tặng cho co người, nhưng còn là do con người sáng tạo nên, bồi đắp qua nhiều thế hệ vì sự mưu sinh. Con người hơn bất cứ động vật nào khác là ở chỗ, dùng sức lao động và trí tuệ của mình, bằng những tài năng khéo léo và sự cảm thụ cái đẹp để sáng tạo mọi thứ trên quả đất. Cái khéo của hoá công chưa bao giờ bị người Việt Nam từ chối, trái lại biết sống, biết sáng tạo cách “chơi” để làm đẹp môi trường tự nhiên và sinh thái. Ở các đô thị đông dân như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với những ngôi nhà cao tầng, nhà ở chỉ thấy trần bê tông, tường gạch, thang máy...người ta đã sớm nghĩ ra phương thức “kiến trúc cộng sinh” tức là đưa cảnh quan thiên nhiên vào nơi ở? Một “khóm trúc quân tử” một “chậu tùng trượng phu”, “một cây đào thế” “mấy giỏ phong lan” ở các ô cửa sổ không chỉ làm “xanh hoá” môi trường sinh thái, mà còn nói lên tình cảm, nhân cách, hoài vọng của con người đối với tự nhiên.

Ở nước ta, lãnh thổ, không gian địa lý, không gian sản xuất, môi trường thiên nhiên đều thuộc về nhân dân, do nhà nước quản lý bằng các luật và chính sách. Liên quan đến văn hoá cá nhân đối với thiên nhiên, chúng tôi xin nêu lên những điều sau đây: Để chinh phục thiên nhiên con người không được hành xử manh động, can thiệp mù quáng đến thiên nhiên, mà phải dựa trên cơ sở nhận thức đúng đắn quy luật khách quan của nó. Một nhà triết học, nhà văn Anh Francis Bacon (1561-1626) có nói: “Muốn làm chủ thiên nhiên phải vâng lời nó” tức là không hành đồng cảm tính, tuỳ tiện đối với sự phát triển tự nhiên. Đó chính là “thi pháp không gian” (chữ dùng của nhà triết học Pháp Gaston Bachelar) mà các nhà thiết kế quy hoạch, thi công cần tính đến khi đụng chạm tới môi trường thiên nhiên. Thiên nhiên dù giàu có đến đâu cũng có ngày cạn kiệt. Rừng là một ví dụ. Vì vậy sự khôn ngoan của con người là phải thường xuyên trồng cây gây rừng, bảo tồn các khu rừng nguyên sinh đồng thời phát triển các rừng mới trồng bởi phá rừng thì dễ còn trồng rừng rất khó, tốn kém nhiều công sức. Phong trào “Tết trồng cây” do Bác Hồ phát động không chỉ đem lại màu xanh, bóng mát, có gỗ làm nhà và nhiều lợi ích cho dân mà xa hơn là “cây cối còn ảnh hưởng đến khí hậu và sức khoẻ của người dân”. Đó chính là triết lý nhân văn của Hồ Chí Minh, chỉ tiếc, trên thực tế một bộ phận người dân, đã thiếu ý thức bảo vệ môi sinh, đã có nhiều hành vi cẩu thả, vô văn hoá làm ô nhiểm ao hồ, ngăn chặn dòng chảy sông suối, lấn chiếm cảnh quan chùa chiền, vi phạm hành lang bảo vệ đê, đốt phá nương rẫy...chính đó là những nguyên nhân trực tiếp gây nên thiên tai và những biến động khôn lường của thời tiết.

II. VĂN HOÁ CÁ NHÂN ĐỐI VỚI XÃ HỘI.

Con người thoát khỏi cuộc sống mông muội là nhờ có văn hoá khởi nguồn của văn hoá là lao động, tạo ra cuộc sống. Ở đâu có lao động giỏi, sản xuất phát triển, có quan hệ lành mạnh giữa người với người là ở đó có văn hoá. Có nhiều chuyện đáng bàn về việc ứng xử văn hoá cá nhân đối với xã hội. Trong phạm vi những trang viết này, chúng tôi xin nêu ra hai hiện tượng:

Quá trình đô thị hoá đặt ra ở các đô thị không chỉ việc xây dựng hạ tầng cơ sở, quy hoạch vùng trung tâm và các đô thị vệ tinh, kiến trúc đô thị, mà còn phải tính đến nhiều khâu đồng bộ như sự bùng nổ dân số, giao thông đô thị, môi trường văn hoá, dịch vụ du lịch, các khu vui chơi, giải trí... Văn minh giao thông đô thị những năm gần đây ở Hà Nội đang được cả nước quan tâm, khi tình trạng hỗn loạn, bất chấp luật lệ con người, phương tiện tham gia giao thông không làm chủ được mình dẫn đến những tai nạn đau lòng không chỉ riêng ai. Dẫu sao đó cũng là sự bất cẩn bề nổi, mâu thuẩn kéo dài giữa hạ tầng cơ sở thấp kém và sự gia tăng vô tổ chức, vô kế hoạch của các phương tiện tham gia giao thông. Còn sau đó là gì? Cách ứng xử vô văn hoá của từng người tham gia giao thông, không ai cần nhường ai, đổ lỗi cho nhau, thiếu ý thức tự giác, thiếu tự trọng và không tôn trọng người khác, coi thường kỷ cương đường phố. Một thực trạng khác có thể để lại hậu quả xấu lâu dài là những hành vi kinh doanh bất chính, tâm lý hưởng thụ chạy theo lợi nhuận, tôn thờ đồng tiền với bất cứ giá nào, nếp sống xô bồ thác loạn, vơ vét của công... đã xô đẩy một bộ phận người có tâm trí căng thẳng, cuộc sống bất an, sống thiên về lý trí, vô cảm, lạnh lùng trong giao tiếp làm nghênh lệch nhu cầu văn hoá của con người. Vì vậy, ở các đô thị lớn các nhà quản lý vừa phải quan tâm đến chính sách công bằng xã hội, vừa phải ngăn ngừa sự thiên lệch giữa sự tăng trưởng kinh tế và yếu tố nhân văn trong phát triển. Sự lạm dụng công nghệ thông tin của lớp trẻ cũng là “điểm nóng” trong môi trường xã hội. Việc quốc tế hoá thông tin trong quá trình hội nhập là xu thế tất yếu. Nó đem lại cho con người những kiến thức khoa học, giáo dục, thương mại, thông tin về nghệ thuật, du lịch làm sống động nhu cầu giải trí. Nhưng khả năng truyền bá văn hoá đồi truỵ, bạo lực, đe doạ an ninh.v.v… là mặt trái của sự thật. Những trang web có những nội dung độc hại, những hình ảnh đồi truỵ đi ngược với phong tục thuần mỹ của dân tộc, “phim đen” cảnh “đi chát” tìm tình qua mạng, mà đối tượng sử dụng thành thạo lại là những thanh, thiếu niên trên máy vi tính của các em không chỉ chơi game một mình và còn nối mạng, những game trực tuyến với nhiều người, việc xuất hiện những game lậu, độc hại, cảnh bắn giết lẫn nhau, cảnh máu me chết chốc... là áp lực cho việc thưởng thức giải trí.

Văn hoá cá nhân đóng vai trò cốt lõi của văn hoá gia đình. Để có một gia đình hạnh phúc, xã hội ổn định thì nhà nước vừa lo chương trình lương thực, kế hoạch dân số, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên... vừa phải đấu tranh chống mọi tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hoá... còn từng cá nhân cần lo tu rèn đạo đức (tu thân), xây dựng kỷ cương gia pháp (tề gia), rồi mới nói đến quản lý nhà nước (trị quốc). Hồ Chủ tịch dạy: “nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội...gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. “Hạt nhân của xã hội là gia đình...”. Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, chúng tôi chú ý hàng đầu tới thế hệ vị thành niên trong gia đình. Vì sao vậy? Trong sự nghiệp phát triển của đời người tuổi vị thành niên là giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, đột biến. Sự tăng trưởng xảy ra không chỉ ở thể xác mà còn ở tâm lý (sự bùng nổ về tâm lý thất thường, đầy mặc cảm và mâu thuẫn); ở tình cảm (khẳng định cái tôi ý thức chủ quan về tình bạn, tình yêu). “Nhạc trẻ” tung ra trên các cơ quan truyền thông thiếu định hướng. Lối ca rên rỉ ảo não, lối biểu diễn gầm rú la hét, tâm trạng uỷ mị chán chường, biểu hiện thái độ sống gấp, vô cảm... của thể loại nhạc ngoại nhập này là trái với văn hoá cá nhân làm hoen ố gia phong, gia lề. Do thiếu tu rèn về đạo đức cá nhân, một bộ phận thanh niên sống nghiêng ngả về lý tưởng, xáo trộn về tình cảm, băng hoại về đạo đức.v.v…

III. VĂN HOÁ CÁ NHÂN ĐỐI VỚI CHÍNH MÌNH.

Văn hoá cá nhân đối với bản thân mình là giá trị nhân cách mà mỗi người tự xác định, tự giác thực hiện theo các hệ chuẩn của xã hội. Ở các nền văn hoá khác nhau có các hệ chuẩn không giống nhau nhưng cũng có giá trị chung: đó là: lao động chăm chỉ và có tay nghề; trung thực trong giao tiếp xã hội, có tình thương  đối với đồng loại... để phát triển nhân cách.

Lao động và hiệu quả lao động là chuẩn giá cao nhất để đánh giá con người. Con người lao động có tri thức là chủ thể sáng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ đưa chữ cần lên hàng đầu trong bốn đức tính của người cán bộ... Trong điều kiện kinh tế thị trường lao động chất xám và lao động cơ bắp đều được coi trọng. Giới trẻ ở các đô thị có nhiều sự lựa chọn: dù là công việc của nhà nước hay cơ sở liên doanh của các công ty nước ngoài đều bình đẳng, miễn là có thu nhập cao, tạo lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên trong triết lý sống của lớp trẻ cần chú ý giáo dục việc tôn trọng những giá trị tinh thần cũng ngang bằng với (nếu không muốn nói là hơn) những giá trị vật chất.

Văn hoá cá nhân đòi hỏi tính trung thực trong mọi mặt, nhất là trong văn hoá kinh doanh. Tính đạo đức xã hội cần được điều chỉnh sao cho cân bằng của ba yếu tố: Lợi nhuận công ty, nhu cầu người tiêu dùng và lợi ích nhà nước. Tiếc rằng trên thực tế các hiện tượng lại vi phạm tính trung thực đang ngổn ngang dường như quá sức chịu đựng của con người, tệ: tham nhũng, quan liêu trở thành quốc nạn, đe doạ sự tồn vong của thể chế chính trị; lối sống hưởng thụ, thác loạn, buông thả, lối buôn bán chụp giật, hàng giả hàng nhái, buôn gian bán lận của một số bộ phận gian thương, tình trạng nhũng nhiễu dân lành vẫn tiếp diễn do hậu quả của việc cải cách hành chính ì ạch đã nhiều năm nay.

Tình thương là một giá trị truyền thống của dân tộc ta. “Thương người như thể thương thân” là phương châm chỉ đạo mọi hành vi làm việc đức, việc thiện. Ngày nay khái niệm tình thương mang ý nghĩa tích cực, các cá nhân, các tổ chức từ thiện không chỉ giúp đỡ những cá nhân những gia đình qua cơn hoạn nạn, mà cao hơn giúp đỡ một bộ phận làng xã xoá đói giảm nghèo, có khi những số phận hẩm hiu đó trở thành những người được học hành, có công ăn việc làm, trở thành những người có ích cho xã hội. Trung tâm nhân đạo “Quê hương” (Thành phố Hồ Chí Minh) do chị Huỳnh Tiểu Hương làm giám đốc là một biểu hiện rực rỡ phẩm chất tình thương. Từ một cô gái bất hạnh, nhưng thông minh chị đã băng qua mọi ghềnh thác éo le của cuộc đời, vượt lên số phận và trong hơn mười lăm năm qua đã giành công của để nuôi dạy, cưu mang hàng trăm trẻ em tật nguyền, trong số đó có nhiều em trưởng thành, vào đại học có nghề nghiệp sinh sống.

Nói nhân cách là nói tư cách và phẩm chất của mỗi con người, là cái tôi chân chính, hài hoà giữa lợi ích chung và quyền lợi riêng, giữa cái cộng đồng và cái cá nhân, giữa lý tưởng và hiện thực. Ý thức tự giác cá nhân rất quan trọng. Không thể một lúc cải tạo được toàn xã hội, nhưng có thể cải tạo từng bước đi gập ghềnh của mỗi cá nhân. Đòi hỏi bản thân mình là dấu hiệu của văn hoá.

Ngay từ những năm dưới chế độ Xô Viết, để xác định vai trò của cá nhân trong tương quan với cộng đồng, một nhà văn có tên tuổi của Nga A.platônốp (1899-1951) đã viết: “Không có tôi nhân dân sẽ không trọn vẹn”. Đó là một ý tưởng tuyệt vời nhằm khẳng định một luận đề biện chứng: Có trách nhiệm cá nhân đối với xã hội, nhưng còn có trách nhiệm xã hội đối với hạnh phúc, số phận của từng con người.

         H.S.V

 

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 158 tháng 11/2007

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

12 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground