Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Văn hóa dân chủ và vai trò của Dân

N

hìn một cách tổng thể, khái niệm dân chủ, dưới bất cứ nền đại chính nào cũng mang tính nhân văn (lấy con người làm trọng tâm, tình bác ái giữa người với người, quyền tự do sáng tạo, quyền công dân vv…). Tính nhân văn là cơ sở của văn hóa dân chủ  - một thuật ngữ không hoàn toàn mới, nhưng để hiểu nó cần khảo sát văn hóa dân chủ trong mối quan hệ với vai trò của dân. Vai trò của dân càng to lớn bao nhiêu thì văn hóa dân chủ càng ở trình độ cao bấy nhiêu. Nó là thước đo trình độ dân trí của người dân, trình độ văn minh, tiến bộ của Đất nước, mối quan hệ an hòa, đồng thuận giữa dân và thể chế chính trị . Mất dân chủ, dân chủ nửa vời, dân chủ vụ lợi, dân chủ mị dân dân chủ hình thức… là những khái niệm nảy sinh từ thực tiễn đối lập với văn hóa dân chủ. Bài viết này khảo sát hai nội dung cơ bản: vai trò của Dân qua các triều đại phong kiến nước ta và văn hóa dân chủ trong thời đại chúng ta.

I. LẦN THEO LỊCH SỬ ĐỂ HIỂU VAI TRÒ CỦA DÂN.

Dân chủ xuất hiện cùng với sự xuất hiện của nhà nước. Trong thiết chế Nhà nước dân chủ, quyền của đa số, quyền bình đẳng của mọi công dân trên pháp luật, tính nghiêm minh và tính độc lập của Pháp luật được thừa nhận. Những cơ quan công quyền do dân chủ bầu cử thông qua hai hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Trong lịch sử nước ta, dưới chế độ phong kiến hưng thịnh, vai trò của Dân được đề cao. Chỉ riêng ở thế kỷ thứ XIII, trong vòng ba mươi năm kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông (1257, 1285, 1287-88) quân dân ta đã đè bẹp, đánh thắng một đội quân thiện chiến nhất thế giới thời kỳ đó, giành đại thắng là nhờ sức mạnh vô song của Dân. Nguyên nhân đại thắng có nhiều, nhưng yếu tố hàng đầu là chủ nghĩa anh hùng của dân Đại Việt với chủ trương “vườn không nhà trống” khi giặc vào Thăng long với sự chỉ huy tài ba, thao lược của các tướng lĩnh, trước hết là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, các tướng lĩnh Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái vv… Sau đại thắng, Hưng Đạo khuyên vua Trần “khoan sức dân” để làm kế: sâu gốc, bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước. Từ vua Trần đến vua Lê đều quan niệm rằng, việc dựng nước cốt ở đức, không cốt ở hiểmĐức lớn trong bài Phú Bạch Đằng của Trương Hán Siêu được hiểu là tình thương đối với thần dân, chính ý tưởng này, vào thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã viết trong thơ mình: Chăn lạnh choàng vai đêm chẳng ngủ/ Suốt đời ôm mãi nội lo dân. Lo cho dân không chỉ ban hành chính sách khuyến nông, tịch điền, giảm thuế khi mất mùa, phát chẩn cho người nghèo, mà còn nỗi lo về tinh thần khi dân bị oan ức. Chuyện  đặt chuông ngay ở cung điện để dân đến kêu oan bằng thỉnh chuông, vua sẵn sàng nghênh đón và phân xử. Nói dân chủ, dưới thời Lê Sơ qua 16 chương của bộ luật Hồng Đức, bên cạnh những điều bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị, địa chủ phong kiến, vẫn có những điều luật tiến bộ để bảo vệ quyền tư hữu hợp pháp của người dân, khiến một vài nhà nghiên cứu nước ngoài coi có thể sánh ngang với quan điểm pháp lý phương Tây. Ví dụ: Điều 387, 390 ghi: “ Con gái được hưởng quyền chia gia tài bình đẳng như con trai; gia đình nếu không có con trai thì con gái trưởng được quyền thừa kế hương hỏa v.v… Vợ chồng ly hôn, người vợ được quyền lấy lại tài sản do bố mẹ làm của hồi môn, còn tài sản của đôi vợ chồng làm nên thì chia hai người bằng nhau…”

Nhà Nguyễn Tây Sơn chỉ tồn tại trong lịch sử 14 năm (1788 - 1802), nhưng sự nghiệp dựng nước và chống xâm lược đứng đầu là vua Quang Trung thật vĩ đại và hiển trách. Được thế là nhờ đường lối chính trị sáng suốt, lý tưởng yêu nước thương dân. Trong Biểu dâng thơ, Ngô Thì Nhậm viết: “Kính nghĩ hoàng đế bệ hạ, đạo cao năm đời đế, đức vượt ba khí thiêng, phát tích từ phương Tây dẹp kẻ hung tàn, cứu vớt nhân dân chìm đắm… oai vũ mà nhân hậu làm sống lại những kẻ đau thương…” Yêu nước đồng nghĩa với thương dân. Nước một ngày không có vua. Biết việc xưng Hoàng đế là chuyện bất đắc dĩ, nhưng Quang Trung thấy là cần thiết, là ứng mệnh trời, thuận lòng người. Trong Chiếu cầu lời nói thẳng có câu: Vua không có dân thì ai giữ nước? Đường lối chính trị của Quang Trung hàng đầu là dựa vào sức dân. “Sinh dân phải nuôi dân làm trước” (Hịch Tây Sơn). “Trẩm nay có cả thiên hạ, sẽ dìu dắt dân vào đạo lớn, đem dân lên cõi đài xuân” (chiếu lên ngôi). Ý nghĩa nguyên văn của các tuyên ngôn vừa nói nằm ở đường lối “dân vi bản”, “giữ chặt lòng người”, kéo dài phúc lành cho tôn miếu, xã tắc”, tức là lòng tin son sắt vào vai trò to lớn của hàng chục triệu người vào thời phục hưng, thịnh trị của triều đại Tây Sơn. Lịch sử kể rằng, sau khi làm lễ lên ngôi Hoàng đế, Quang Trung tự mình thống lĩnh thủy, bộ đại binh ra Bắc đánh giặc. Ra đến Nghệ An, nghỉ lại 10 ngày để tuyển thêm binh, huy động được mười vạn quân, hơn 100 con voi và các phương diện hậu cần. Nếu không dựa vào dân, không được dân tin thì làm sao có nổi lực lượng quân đội hùng hậu như vậy?!

Lịch sử dân tộc cũng có lúc bĩ, lúc thái, đó là quy luật của thiên nhiên cũng như xã hội. Gần 150 năm cai trị của Nhà Nguyễn, trước sự xâm lăng và đô hộ của thực dân Pháp, bên cạnh những ông vua bất tài, yếu kém vẫn có những vị vua yêu nước, thương dân, thấy được sức mạnh của của Dân, trong đó có giới sĩ phu. Từ vua Minh Mạng trở đi, các vị vua đều ý thức rằng, muốn thu phục giang sơn thì phải quy tụ nhân tài, chiêu tập hiền nhân. Đại thần Doãn Uẩn (dưới thời Thiệu Trị) nói: “Làm chính trị cốt ở chỗ được người giỏi, xưa nay nói đến việc trị dân đều lấy việc dùng người làm gốc”. Tự Đức cũng có nhiều trang viết về nhân tài trong Dân: “Nhân tài là cội gốc để làm chính sự…” Thực tại là ông vua rất quan tâm đến tầm quan trọng lâu dài của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Một vị vua chỉ sống 41 năm, trị vì 7 năm mà đã có hàng chục tập văn thơ và 4000 bài thơ. Chủ đề thơ của ông là cảm hứng thiên nhiên, thôn giả, núi sông nước Nam, sự thông cảm đời sống cơ cực của người dân. Tam thôi khuyến khóa khinh trì lỗi/ Chung tuế cần cù mẫn đạp lê (Lễ Tam Thôi để khuyên răn đừng xem nhẹ việc cày bừa/ Biết thương xót những người suốt năm chăm chỉ việc cày cấy. Trong cuốn: Thần kinh nhị thập cảnh, Huế, 1997).

Truyền thống dân tộc ta có nhiều vật báu. Một trong những giá trị của kho báu đó là Vai trò của Dân được thể hiện ở nhiều phương diện: lực lượng của dân, ứng xử trọng dân, đền đáp công ơn của dân (ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày), lòng nhân nghĩa cốt ở yên dân ( Bạc đầu vẫn phụ tấm lòng yêu dân - Nguyễn Trãi). Truyền thống đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa xuất sắc, sáng tạo trong điều kiện lịch sử mới kể từ khi giành được độc lập, thành lập Nhà nước dân chủ cộng hòa.

II. VĂN HÓA DÂN CHỦ TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA.

Đối với những vĩ nhân trong lịch sử như V. Lênin , Hôxê Mácti, Hồ Chí Minh, hoạt động chính trị là phương tiện, văn hóa mới là mục đích. Khái niệm văn hóa dân chủ không chỉ bó hẹp trong phạm trù phương tiện, quy chế, mà cuối cùng là mục đích của Cách mạng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền về tay nhân dân, khi còn ở chiến khu Cao Bằng, để chuẩn bị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Bác Hồ thường dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp thân cận: Phải dựa vào Dân, dựa chắc vào Dân, thì kẻ địch không thể nào tìm diệt được. Tổ chức của Đội phải lấy Chi bộ làm hạt nhân lãnh đạo (Bác Hồ về nước, 1995, Văn học, tr. 144). Tư tưởng đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhiều bài nói, bài viết, diễn văn, thư chúc Tết, thơ văn của Người kể từ Cách mạng tháng Tám cho đến lúc Người ra đi. Trở đi, chúng tôi xin nêu hai nội dung có liên quan tới văn hóa dân chủ: Phương thức vận hành văn hóa dân chủ trên thế giới và xây dựng mô hình cơ chế dân chủ ở nước ta.

Văn hóa dân chủ ở mỗi khu vực, mỗi thời đại có những quan niệm khác nhau, nhưng tiến bộ hơn cả là những quan niệm của các nhà triết học thế kỷ Ánh sáng ở Pháp, với tác phẩmTinh thần luật pháp (1748) của Montesquieu (1689 - 1778) với tác phẩm Khế ước xã hội (1782) đã trình bày học thuyết về Nhà nước được xây dựng trên cơ sở dân chủ, hiệp thương giữa các giai cấp, thừa nhận Dân có quyền nắm chính quyền, nhưng từ đó đến nay lý tưởng của ông vềDân chủ trực tiếp vẫn nằm trên giấy. Còn Voltare (1694 - 1778) coi tự do, tư tưởng dân chủ là trung tâm của mọi hoạt động chính trị.

Ngày nay ở châu Âu xuất hiện khái niệm văn hóa chính trị. Để hiểu nó trong tiếp cận với văn hóa dân chủ chúng tôi cho rằng, văn hóa chính trị phản ánh một trình độ nhất định của sự phát triển ý thức người dân (trình độ dân trí, tư duy chính trị, sự phân định năng lực khái quát những hiện tượng chính trị, trong đó có mối quan hệ giữa Nhà nước và Dân. Học thuyết chính trị hiện đại ở phương Tây khẳng định Dân (cá nhân) là yếu tố trung tâm của hệ thống chính trị; cần có một cơ chế đảm bảo quyền tự do tự nhiên của con người (quyền sống, quyền tự do hội họp, đi lại, học hành…). Muốn vậy, phải đặt Nhà nước dưới sự kiểm soát của xã hội công dân. Cơ chế này ra đời ở Anh nhưng về mặt lý luận tam quyền phân lập đã thấy trong các tác phẩm của Montesquieu. Luận điểm của Rousseau về dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện được C. B. Macpherson trình bày như một biểu tượng kim tự tháp mà dân chủ trực tiếp là ở phần dưới nền tháp, còn dân chủ đại diện là ở phần trên. Nhiều nhà chính trị tự do thuộc phái tả như J. Mánbrige, J. D Wolfe, P. Green, B. R Baber v.v… đồng tình với quan điểm trên. Ở phương Tây, người ta còn bắt gặp một vài xu hướng văn hóa chính trị chống Nhà nước. Những xu hướng đối chọi dân chủ chống Nhà nước, công đoàn, đảng là do các cơ chế này hành xử bằng chế độ quan liêu, tập quyền, sự lạm dụng và tha hóa quyền lực. Để có lối thoát, người ta tìm đến Rousseau, xác lập nền sở hữu trung bình cốt không có một người dân nào có đủ lực để mua người khác, hoặc để không bán mình cho người khác.  Việc xác lập những cơ chế nhỏ, phi tập trung hóa, những đảng nhỏ, những nhóm kinh doanh nhỏ mà bên dưới là dân chủ cơ sở hạ tầng. Phong trào chống toàn cầu hóa cũng thuộc xu hướng này. Trước sự tha hóa quyền lực của Nhà nước, người ta tìm vào hang ổ của tâm trạng thờ ơ, lãnh tạm, gọi nó là cách nhìn mới(new look) về chính trị, về “con người cô đơn hiện tại, muốn mọi người cút đi, để tôi lại một mình”. Sự phản ứng này có thể thấy cứ tri  đi bầu rất thấp. Tổng thống chỉ do một thiểu số bầu.

Ở phương Đông, trong triết học cổ điển Trung Hoa, Khổng giáo đóng vai trò hạt nhân của ý thức hệ với thế giới quan của kẻ sĩ qua nhiều triều đại. Cho đến nay, khi Trung Quốc đang đi vào hiện đại với mục tiêu trở thành cường quốc mới trên thế giới, thì Khổng giáo vừa là vật cản, vừa là lôgich của giá trị đúng có thể chấp nhận và kế thừa. Không phải ngẩu nhiên mà vào năm 2010 trong chương trình quảng bá văn hóa truyền thống Trung Hoa, nước này đã bỏ ra 10 tỷ USD để thành lập 100 trung tâm Khổng giáo ở khắp thế giới. Trong số các giá trị trường tồn cho đến hôm nay phải kể đến vai trò của dân được ghi trong Thượng thư là Dân vi bang bản, về sau Mạnh Tử phát triển: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (Việc dân là quan trọng nhất, thứ đến là việc của xã tắc và sau cùng là của Vua). Tư tưởng tiến bộ đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích theo tinh thần mới: Lợi ích của nhân dân là trước hết, thứ đến là lợi ích quốc gia, còn lợi ích của nhà vua thì không đáng kể. Khổng Tử cho rằng, trong ba điều cần của pháp trị nước: Túc thực, túc binh, dân tín thì dân tín là quan trọng hàng đầu. Dân tín sẽ tạo ra thực túc, binh cường. Dân không tin thì thuyền bị đắm, làm sụp đổ cả vương triều. Trong quan hệ giữa dân với thể chế chính trị, Mạnh Tử khuyên nhà cầm quyền phải chiều theo ý dân: “Dân muốn việc chi, nhà cầm quyền nên cung cấp cho họ, dân ghét việc chi, nhà cầm quyền đừng thi thố cho họ”. Tiếp theo là tư tưởng an dân, phải có một “hằng sản”, một cuộc sống no đủ làm cơ sở nhưng không dạy dân cách thức, phương pháp làm vườn, cày ruộng. Mạnh Tử chủ trương cải cách điền địa, phân định điền thổ theo phép tĩnh điền nhà Chu, thừa nhận tư điền, khuyến khích người dân canh tác, nuôi gia súc, gia cầm.

Chừng ấy tư tưởng tiến bộ thời cổ đại của các bậc tiền nhân, dù là của Trung Quốc hay Việt Nam đều là những bài học để hôm nay chúng ta xây dựng mô hình cơ chế dân chủ ở nước ta. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội(cương lĩnh 91) nêu 6 đặc trưng mà đặc trưng đầu tiên là: Do nhân dân làm chủ. Điều này khẳng định Cương lĩnh đã thấy được vai trò của Dân. Đến đại hội Đảng X (2006), các đặc trưng mô hình CNXH được bổ sung, rồi đại hội XI (2011) được phát triển một bước phù hợp với tình hình mới trong nước và quốc tế, nêu hai đặc trưng hàng đầu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Do nhân dân làm chủ. Về lý thuyết, vai trò của Dân là tương đối rõ. Vấn đề còn lại là mô hình cơ chế vận hành dân chủ có hiệu quả. Hiện nay, việc thực thi dân chủ nằm ở bốn khâu cơ bản: Dân chủ bầu cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp); Dân chủ ra nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Đảng bộ địa phương); Dân chủ quản lý (Nội các và chính quyền các cấp trên cơ sở pháp định); Dân chủ kiểm tra, giám sát (Ban kiểm tra T. Ư, các cấp ủy, Thanh tra Chính phủ từ T. Ư đến cơ sở). Tất cả bốn khâu này muốn công việc thực thi trong đời sống có hiệu quả, hợp lòng dân đều phải lấy nhân tố văn hóa làm nền; yếu tố nhân văn làm mục đích (lợi ích của dân); Yếu tố trí tuệ để tìm chân lý (thảo luận, tranh luận trong dân, nhất là tầng lớp trí thức); yếu tố đạo đức trong cách ứng xử (chính sách an dân, lo cho dân v.v… làm được như vậy tức là Đảng, Nhà nước và nhân dân tuy hai là một, thống nhất, đồng thuận - biểu trưng cho hai đại nghĩa gặp nhau, tạo nên sức mạnh trường tồn đại đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà không một kẻ thù nào có thể phá nổi. Đó chính là văn hóa dân chủ trong thời đại Hồ Chí Minh.

 

H. S. V 

 

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 221 tháng 02/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground