Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Văn học, nghệ thuật tham gia giáo dục lý tưởng Cách mạng, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên

I. Vai trò của văn hóa, văn nghệ trong công tác tư tưởng.

1 – Công tác tư tưởng là một bộ phận hữu cơ, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác lãnh đạo của Đảng đối với xã hội. Để giữ vững và đảm bảo sự lãnh đạo đó, điều cốt lõi là lãnh đạo về tư tưởng, trước hết và quan trọng nhất là tư tưởng chính trị. Rời bỏ trận địa này thực chất là dấu hiệu nguy hiểm nhất của quá trình làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội. Để thực hiện với hiệu quả cao nhất nhiệm vụ chủ yếu đó, công tác tư tưởng phải đồng thời huy động và phát huy sức mạnh của các chức năng cơ bản: lý luận, giáo dục, nhận thức, dự báo và nỗ lực tìm tòi, đổi mới, phát triển nội dung, các phương thức, hình thức, biện pháp trong hoạt động thực tiễn, tìm nhiều con đường, cách thức tốt nhất, phù hợp nhất đến với các đối tượng tác động của công tác tư tưởng. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, hiệu quả của công tác tư tưởng là hiệu quả tổng hợp, tác động vào con người đồng thời cả lý trí và tình cảm, nhận thức và cảm xúc, tư duy và tâm hồn do tính chất đa dạng, phong phú của các loại hình, các binh chủng của hoạt động tư tưởng tạo nên. Điều đó cũng có nghĩa là, mỗi loại hình, mỗi binh chủng đó có những đặc trưng và ưu thế riêng, từ đó có con đường riêng và phương thức đặc thù tác động đến con người. Đặc điểm đó thể thiện rõ đối với loại hình văn hóa, văn học, nghệ thuật, lĩnh vực tác động đến con người chủ yếu vào thế giới tình cảm, tâm hồn, cảm xúc. Đồng thời, đặc điểm đó không tạo nên sự tách biệt giữa các loại hình, mà chính là làm phong phú hơn tính đa dạng chức năng và hiệu quả tổng hợp của công tác tư tưởng. Vấn đề quan trọng là biết sử dụng sự “hợp đồng binh chủng” trong hoạt động thực tiễn. Tách rời từng lĩnh vực riêng rẽ không thể tạo nên hiệu quả cao. Vì thế, trong thực tiễn hiện nay và trong giai đoạn mới, việc biết phát huy tính đặc thù của từng hoạt động của công tác tư tưởng và tổ chức, liên kết tất cả các mặt đó để tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng tác động vào con người là một đặc trưng của công tác tư tưởng, là dấu hiệu của một năng lực mới của người làm công tác tư tưởng.

Những phân tích trên là cơ sở lý luận và thực tiễn của việc phát huy vai trò, sức mạnh, đặc trưng của văn hóa, văn nghệ trong công tác tư tưởng.

2. Hoạt động văn hóa với rất nhiều loại hình đa dạng của nó và hoạt động văn học, nghệ thuật – lĩnh vực đặc biệt tinh tế, nhạy cảm của văn hóa, luôn là môi trường độc đáo, giữ vị trí đặc biệt và làm phong phú, sinh động cho toàn bộ hoạt động của công tác tư tưởng.

Bằng cách riêng của mình, với sức mạnh độc đáo thông qua những đặc trưng khi nhận thức, khám phá, thể hiện cuộc sống bằng tính cụ thể, trực quan, hình tượng và khả năng tác động đặc biệt vào tâm hồn, tình cảm, cảm xúc của con người, văn hóa, văn học, nghệ thuật được khẳng định là “binh chủng đặc biệt” trong công tác tư tưởng nhằm xây dựng, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng. Đồng thời trực tiếp nuôi dưỡng, đào tạo con người, nhân cách kiểu mới với những phẩm chất cao đẹp và được phát triển toàn diện về trí, đức, thể, mỹ. Hoạt động này đồng thời phải đáp ứng hai đòi hỏi lớn. Một mặt, thỏa mãn và nâng cao nhu cầu tinh thần – văn hóa của nhân dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi mặt hoạt động của con người và xã hội, sáng tạo được nhiều sản phẩm, công trình có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Mặt khác, thông qua đó, xây dựng tư tưởng, xây đắp thế giới tinh thần, trí tuệ, tình cảm của con người. Chức năng tư tưởng của văn hóa – văn nghệ thể hiện sâu sắc ở điểm này.

Để phát huy cao nhất vai trò của văn hóa văn nghệ trong công tác tư tưởng, trước hết là công việc của sự chỉ đạo, định hướng đúng cho sự phát triển của văn hóa, văn nghệ. Đảng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong công việc này. Làm cho văn nghệ gắn bó sâu sắc với cách mạng, với nhiệm vụ của từng giai đoạn, tự nguyện phục vụ sự nghiệp đấu tranh và xây dựng của nhân dân, hiểu biết và gắn bó máu thịt với cuộc sống của nhân dân, đó là cội nguồn sản sinh ra những tác phẩm, những công trình văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị, có sức tác động và ảnh hưởng tích cực đối với quần chúng. Trong cuộc đấu tranh ngày càng diễn ra phức tạp trên lĩnh vực tư tưởng, nhiệm vụ kiên trì giữ vững những định hướng cơ bản của Đảng trong quá trình xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật trở nên cực kỳ quan trọng và cấp thiết. Đồng thời phải kiên quyết đấu tranh phê phán những quan điểm lệch lạc, sai lầm trong lĩnh vực văn nghệ và loại bỏ những văn hóa phẩm độc hại đang đầu độc con người về tinh thần, tình cảm.

Có sản phẩm văn hóa, văn nghệ tốt, lại phải biết sử dụng các sản phẩm đó một cách phù hợp nhất cho mục tiêu của công tác tư tưởng là con đường và giải pháp phát huy vai trò và ưu thế của văn hóa, văn nghệ trong hoạt động tư tưởng. Các sản phẩm của văn hóa, văn nghệ là thành tố hữu cơ, luôn luôn có mặt trong hoạt động tuyên truyền, cổ động, giáo dục. Thiếu nó, hoặc không biết sử dụng nó, các mặt hoạt động này trong công tác tư tưởng sẽ trở nên khôn khan, nghèo nàn, làm giảm sức thuyết phục và khả năng đi vào lòng người. Trong thực tiễn hoạt động, chúng ta đã có nhiều phương thức sử dụng văn hóa, văn nghệ phục vụ cho mục tiêu của công tác tuyên truyền, cổ động, giáo dục như:

- Sử dụng các tác phẩm văn nghệ hoặc các dẫn chứng của văn nghệ để chuyển tải, chứng minh, khẳng định cho một nội dung, một chủ đề của hoạt động tư tưởng.

- Sử dụng văn hóa, văn nghệ là một nhân tố bổ trợ cho hoạt động tư tưởng, như tổ chức tham quan di tích lịch sử, văn hóa, tìm hiểu bảo tàng, truyền thống, thăm và chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ…

- Sử dụng các chương trình biểu diễn nghệ thuật (chuyên nghiệp hoặc quần chúng) có mục tiêu, theo một chủ đề phục vụ cho hoạt động tư tưởng.


  - Tổ chức các đội hoạt động văn hóa của quần chúng, kết hợp chặt chẽ giữa văn nghệ và tuyên truyền, xây dựng các chương trình nghệ thuật gắn chặt với mục tiêu và nội dung tuyên truyền, thông qua ưu thế và cách biểu hiện của văn học, nghệ thuật để chuyển tải sinh động, nhẹ nhàng đến quần chúng. Các đội tuyên truyền lưu động, tuyên truyền văn hóa, tuyên truyền viên trẻ… ở các địa phương, các ngành đang phát huy hiệu quả phương thức hoạt động này.

 

- Xây dựng các chương trình tổng hợp, tạo những “sân chơi” cho từng nhóm quần chúng, trong đó biết kết hợp sinh động các loại hình văn hóa, văn học, nghệ thuật phù hợp với sở thích, tâm lý của từng loại đối tượng, đưa họ trở thành người làm chủ, người trong cuộc, trực tiếp tham gia sân chơi, không còn là người tiếp nhận thụ động, ngoài cuộc. Gần đây, phương thức này đang được tìm tòi, thể nghiệm và thu được kết quả tốt, đáp ứng được nhu cầu của quần chúng. Đây là dấu hiệu mới của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các loại hình, binh chủng của công tác tư tưởng – văn hóa.

Để tạo được sự kết hợp trên, có nhiều đòi hỏi đối với người làm công tác tư tưởng. Trước hết là sự am hiểu tường tận từng lĩnh vực trong sự thống nhất và tính đặc thù của chúng để từ đó hướng sự đa dạng cùng đi tới một mục tiêu là giáo dục, xây đắp con người. Trong tổ chức, đòi hỏi khả năng hợp đồng tác chiến nhịp nhàng. Đó là con đường phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng trong công tác tư tưởng - văn hóa hiện nay.

Đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách hiện nay và nhiều năm tới trong công tác tư tưởng của Đảng ta. Kết quả của cuộc đấu tranh đó co ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò, sứ mệnh của Đảng ta và đến sự sống còn của chế độ ta. Từ đặc trưng và ưu thế đã phân tích ở trên, văn hóa, văn nghệ và người hoạt động sáng tạo văn hóa, văn nghệ vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ và trách nhiệm trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh gay go, phức tạp này. Đó không phải là đòi hỏi của chính trị nằm ngoài đặc trưng, chức năng của văn hóa, văn nghệ mà chính là nhu cầu nội tại trong chức năng cao quý của văn hóa, văn nghệ.

II. Văn hóa, văn nghệ “trong sự nghiệp phò chính trừ tà” (Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh)

1. Thông thường, trong lịch sử văn học, nghệ thuật nhân loại từ quá khứ cho đến đương đại, hiện thực nghệ thuật nổi bật nhất trong các tác phẩm, các công trình chính là cuộc đấu tranh của con người đối với thiên nhiên, xã hội và với chính mình để vươn lên, vươn theo lý tưởng và khát vọng chân, thiện, mỹ. Phản ánh, khám phá, biểu hiện và miêu tả các cuộc đấu tranh đó là nhu cầu xã hội và đồng thời là nhu cầu thẩm mỹ đối với văn hóa, văn học, nghệ thuật và đó là cơ sở cho sự ra đời, sự phát hiện những thành tựu xuất sắc và độc đáo, những tác phẩm lớn và những tác giả nổi tiếng trong lịch sử văn học, nghệ thuật nhân loại. Cuộc đấu tranh vĩnh cửu giữa tốt và xấu, bóng tối và ánh sáng, cao thượng và thấp hèn… là hiện thực đầy sức hấp dẫn, lôi cuốn đối với sáng tạo văn hóa, văn nghệ trong đời sống nhân loại nói chung và trong lịch sử dân tộc ta, lịch sử văn hóa, văn nghệ của dân tộc ta, nói riêng.

Giá trị, hiệu quả, tác dụng của tác phẩm văn hóa, văn nghệ đối với xã hội và con người thể hiện ở nhiều mặt, song khó ai có thể phủ nhận rằng, nổi bật và ấn tượng rõ nhất là tiếng gọi đấu tranh vì cuộc sống tốt đẹp hơn, vì chiến thắng của con người đối với cái xấu xa, đen tối, độc ác, phi nhân tính… Bảo vệ cái đẹp, đấu tranh đến cùng chống cái ác là một đặc trưng, là một nhu cầu của văn hóa, văn nghệ chân chính. Tất cả các tác phẩm lớn của nền văn hóa, văn nghệ nước ta từ thời khai sinh của nó, nếu kể từ các tác phẩm thần thoại, cổ tích như: Thánh Gióng, Tấm Cám… cho đến hôm nay đều minh chứng cho nhận định trên.

Có lẽ, suy nghĩ về vai trò của văn hóa, văn nghệ hôm nay trong cuộc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên phải được nhìn nhận từ cách đặt vấn đề có ý nghĩa bản chất, gắn với nhu cầu nội tại và thực tế nghệ thuật trên để tránh một cách hiểu như là sự áp đặt, gò ép, bắt buộc văn hóa, văn nghệ phải phục vụ cho một nhiệm vụ chính trị trước mắt. Nếu nhìn nhận sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống như là những biểu hiện có tính thời sự hôm nay của cái xấu, cái  thấp hèn, của bóng tối, có thể dẫn tới tội ác… thì việc phản ánh cuộc đấu tranh của con người hôm nay chống lại chúng và việc mổ xẻ, phê phán, lên án chúng là nhiệm vụ, là nhu cầu nội tại của văn hóa, văn nghệ, như nó đã từng làm hàng ngàn năm nay, như là một trong sứ mệnh cao quý, nhân đạo nhất của văn hóa, văn nghệ. Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (16/6/2008) đã chỉ rõ: “Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải tiến hành một cuộc đấu tranh gian khổ và phức tạp giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa tốt và xấu, cao thượng và thấp hèn… Hiện thực đó là mảnh đất giàu tiềm năng cho những tìm tòi, sáng tạo của văn nghệ sĩ để tiếp tục xây đắp một nền văn học, nghệ thuật ngày càng lớn mạnh với những tác giả, tác phẩm có tầm vóc xứng đáng với dân tộc”. Rõ ràng là, Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn hóa, văn nghệ một nhiệm vụ chính trị nhất thời, trước mắt, mà chỉ ra cuộc đấu tranh chống cái cũ, cái lạc hậu, cái xấu, cái thấp hèn là mảnh đất giàu tiềm năng cho sáng tạo văn nghệ. Và quan trọng hơn, bằng sự phản ánh trung thực, chân thật, sinh động những cái tiêu cực, xấu xa, thoái hóa đó và từ đó, tạo được sức lay động tích cực đối với con người và xã hội, văn hóa, văn nghệ sẽ đạt được những thành tựu xứng đáng. Có nghĩa là, phản ánh sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống không phải chỉ để góp phần trong cuộc đấu tranh xã hội do trách nhiệm chính trị của văn hóa, văn nghệ mà còn từ đó, tạo ra những công trình thực sự có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật của bản thân văn hóa, văn nghệ.

Như vậy, tham gia vào cuộc đấu tranh phòng chống sự suy thoái tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống, văn hóa, văn nghệ có khả năng và sức mạnh trên ba bình diện:

Miêu tả, phản ánh, khám phá cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, cái tiến bộ và cái lạc hậu, cái tốt và xấu, cao thượng và thấp hèn, bóng tối và ánh sáng… như là hiện thực lớn lao và phong phú nhất của đời sống con người.

- Khám phá, khẳng định và bảo vệ những cái đẹp, cái cao thượng, anh hùng… để tạo nêntấm gương có sức lôi cuốn con người vươn lên theo khát vọng chân,  thiện, mỹ.

- Phân tích, mổ xẻ, phê phán, lên án những biểu hiện của sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống của con người nói chung và của cán bộ, đảng viên nói riêng, tạo nên một tiếng nóicảnh báo, bằng sức mạnh nghệ thuật, đối với xã hội và con người trong cuộc đấu tranh trên.

2. Vậy, văn học, nghệ thuật tham gia vào cuộc đấu tranh phòng chống sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống bằng những phương thức nào với sức mạnh riêng, tính ưu việt, đặc trưng của từng loại hình văn hóa, văn nghệ.

Trực diện phát hiện, miêu tả, lên án những biểu hiện suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người, của cán bộ, đảng viên có thật trong đời sống. Đây là sức mạnh của các thể loại ký (cả văn học và báo chí) và các tác phẩm phóng sự truyền hình, tài liệu, thời sự của điện ảnh. Thực hiện phương thức này, người viết phải có sự am hiểu, bám sát, khảo sát rất nhanh nhạy, kịp thời các sự kiện, biến cố, con người trong cuộc sống đang diễn ra, đồng thời phải có cả ý thức trách nhiệm cao và lòng dũng cảm của người cầm bút. Trên một số ấn phẩm báo chí văn hóa, văn học, nghệ thuật của chúng ta thời kỳ đổi mới, tuy không thật nhiều, song cũng đã xuất hiện những tác phẩm loại này gây được tiếng vang lớn, có sức cảnh báo kịp thời và sự lay động tích cực đối với công chúng. Còn nhớ, ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì” hay “Người đàn bà quỳ” đã tạo ra một chấn động mạnh trong dư luận xã hội lên án những kẻ có chức, có quyền ở nông thôn đã gây nên nhiều đau khổ, bất công cho người nông dân. Gần đây, một số phóng sự truyền hình đã kịp thời phát hiện, phê phán sự thoái hóa, biến chất, vô trách nhiệm, lộng hành… của một số cán bộ trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quan hệ với dân cũng tạo được sự đồng tình của công chúng, góp phần trực tiếp đưa ra ánh sáng những việc làm đen tối, xấu xa của một số cơ quan công quyền và cán bộ có chức, có quyền.

Đặc trưng của phương thức này là tính xác thực và tính kịp thời, là sự gần nhau, đôi khi là thống nhất, giữa văn học và báo chí. Sức mạnh được tạo ra từ phương thức này chính xuất phát từ đặc trưng đó.

Yêu cầu đối với người thực hiện theo phương thức này là sự kết hợp giữa sự nhanh nhạy, bản lĩnh, ý thức tự chịu trách nhiệm và sự trong sáng trong động cơ và tình cảm khi phản ánh, thể hiện.

Để nâng cao hiệu quả xã hội của văn hóa, văn nghệ trong cuộc đấu tranh phòng chống sự suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống, trong chỉ đạo, chúng ta cần chú trọng định hướng đúng,đồng thời mạnh dạn khuyến khích phương thức trực diện này.

Phải chăng, thời gian qua, chúng ta còn dè dặt đối với phương thức này và điều đó làm hạn chế sức mạnh và hiệu quả của văn hóa, văn nghệ tham gia vào cuộc đấu tranh trên. Mặt khác, những cây bút dồi dào vốn hiểu biết đời sống, kỳ công và kịp thời bám sát những vấn đề của cuộc sống đang diễn ra, không có nhiều, vì thế số lượng và chất lượng tác phẩm theo phương thức này có những hạn chế khó tránh khỏi.

- Bằng sự khái quát nghệ thuật, thông qua năng lực tổng hợp và phân tích hiện thực, những vấn đề của cuộc đấu tranh chống sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống được miêu tả sinh động, chân thật, có sức cuốn hút công chúng trong các loại hình, loại thể văn học, nghệ thuật như văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn), kịch và phim truyện ­(truyền hình và điện ảnh). Khác với phương thức trên (sự lên án những người thật, việc thật thể hiện sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống), phương thức này là sự khái quát, điển hình hóa nghệ thuật, nhận thức và miêu tả sự suy thoái của con người bằng các hình tượng, các điển hình thông qua sáng tạo và hư cấu nghệ thuật. Đánh giá thành tựu của văn học, nghệ thuật thời gian qua, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị có một nhận định sâu sắc: “Văn học, nghệ thuật đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội”. Đây là sự khẳng định rõ ràng vai trò và kết quả của văn học, nghệ thuật trong cuộc đấu tranh trên. Trong nhận định này có sự kết hợp biện chứng giữa khẳng định và phê phán, giữa xây và chống. Đó là tư tưởng chỉ đạo hoàn toàn đúng đắn, không chỉ phù hợp với thực tiễn cuộc sống mà còn gắn chặt với chức năng và đặc trưng của văn học, nghệ thuật. Đây là một trong những cảm hứng mạnh và sâu của nhiều văn nghệ sĩ và vì vậy, thời gian qua đã xuất hiện khá nhiều tác phẩm miêu tả vấn đề trên, tạo được sự đồng cảm của đông đảo quần chúng. Đây cũng là một mô típ được xây dựng khá phổ biến trong nhiều tác phẩm từ văn xuôi đến sân khấu, từ truyền hình đến điện ảnh. Thời kỳ đầu đổi mới, nhiều vở kịch của Lưu Quang Vũ được xây dựng trên cơ sở triển khai mô típ này nhằm làm rõ và phân tích có sức thuyết phục cuộc đấu tranh gay gắt, quyết liệt giữa cái mới còn non nớt đang hình thành với cái cũ, cái lỗi thời của thời bao cấp còn đang ngự trị và cả sự thoái hóa, biến chất. Những vở kịch như “Tôi và chúng ta”, “Điều không thể mất”, “Ông không phải là bố tôi”,… đã gây chấn động một thời về việc mổ xẻ quyết liệt những cái xấu, cái lỗi thời, sự thoái hóa đang là lực cản nguy hiểm đối với sự nghiệp đổi mới bắt đầu được khởi xướng. Vở kịch gây tiếng vang lớn “Nhân danh công lý” của Doãn Hoàng Giang và Võ Khắc Nghiêm đã cảnh báo toàn xã hội về thói lộng hành của quyền lực và cái ác, về sự thiếu dân chủ và kêu gọi mỗi công dân bình đẳng trước pháp luật. Thời gian qua, rất nhiều phim truyện (điện ảnh và truyền hình), đã tập trung miêu tả cuộc đấu tranh chống sự suy thoái về nhân cách, lối sống, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và ít nhiều, ở mức độ khác nhau, đã có sự tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh này. Một ví dụ cụ thể: cách đây không lâu, người xem đã bị cuốn hút vào bộ phim “Chạy án”, trong đó, cảm hứng chủ đạo là sự mổ xẻ quyết liệt, thể hiện khá sinh động và có sức thuyết phục về sự gục ngã, suy sụp nhân cách của một cán bộ có chức, có quyền (cấp thứ trưởng) và sự thoái hóa đến mức đê tiện của một số người đã gây nên những tội ác và sự đổ vỡ của gia đình và xã hội. Và ngay trong những ngày này, trên màn hình đang chiếu bộ phim “Ám ảnh xanh”, bộ phim miêu tả cuộc đấu tranh cực kỳ gay go chống lại sự suy thoái, lộng hành của những cán bộ có quyền, có tiền dù đã một thời trải qua những thử thách sống chết trong chiến tranh. Đối với phương thức này, yêu cầu cao nhất là sự nhận diện đúng đắn, sâu sắc và toàn diện cuộc đấu tranh, không tô hồng hay bôi đen, không thể nhìn cuộc sống một cách phiến diện, một chiều hay giản đơn. Một mặt, không nên có thái độ ngăn cản hay dị ứng với những tác phẩm phê phán mạnh những mặt tiêu cực, xấu xa, thoái hóa của con người và xã hội, mà phải chủ động khuyến khích thái độ dũng cảm đó, đồng thời, mặt khác, cần nhắc nhở một số tác giả “có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tổ đậm mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử hoặc bị các thế lực thù địch lôi kéo, đã sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước…” (Nghị quyết 23 NQ/TW).

- Phương thức châm biếm, đả kích, hài hước thói hư, tật xấu, sự thoái hóa, biến chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Khác với hai phương thức trên, văn hóa, văn nghệ tham gia vào cuộc đấu tranh bằng phương thức này là sự “hài hước hóa”, là dùngtiếng cười nghệ thuật để phê phán, lên án sự thoái hóa, biến chất. Đây cũng là sức mạnh riêng của nghệ thuật. Các tác phẩm thuộc tất cả các loại hình loại thể văn học, nghệ thuật đề có thể tham gia vào cuộc đấu tranh bằng phương thức này. Thời gian qua, thơ châm biếm, đả kích, tranh châm biếm, đả kích, hài kịch, phim hài… phát triển khá mạnh và có hiệu quả đáng ghi nhận, không chỉ là kết quả của những người sáng tác chuyên nghiệp mà rộng hơn là tiếng nói thông minh, tỉnh táo và sắc bén của lực lượng hoạt động nghệ thuật quần chúng. Nhà hát Tuổi trẻ trong mấy năm qua, đã dựng hài kịch “Đời cười” từ 1 đến 4, và đang trình diễn “Đời cười 5’. Những đêm diễn này thu hút khá đông người xem, trong đó có những tiếng cười đả kích trực diện sự thoái hóa đạo đức, lối sống của một số người có chức, có quyền. Chương trình “Gặp gỡ cuối năm” của Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã tạo nên những tiếng cười có sức phê phán mạnh những mặt tiêu cực của một số cơ quan công quyền đối với xã hội và nhân dân.

III. Sử dụng và phát huy vai trò của văn hóa, văn nghệ trong  công tác phòng chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Các sản phẩm, công trình văn hóa, văn nghệ tham gia cuộc đấu tranh trên sẽ không phát huy tác dụng nếu như không biết cách sử dụng và phát huy nó, ngay cả khi tác phẩm đó đã ra đời và chứa đựng trong đó những giá trị tốt. Đặc điểm này đòi hỏi ở tầm nhìn, năng lực của người lãnh đạo, quản lý không chỉ trên lĩnh vực văn hóa, mà trên cả lĩnh vực chính trị, tư tưởng, công tác đảng và công tác cán bộ. Có nghĩa là, cán bộ của Đảng trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa và trên lĩnh vực tổ chức, cán bộ phải luôn luôn coi văn hóa, văn nghệ là một sức mạnh, một “binh chủng đặc biệt”trong đội hình công tác của mình và phải coi việc biết sử dụng và phát huy sức mạnh đặc biệt đó như là nhu cầu, đòi hỏi không thể thiếu để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của mình. Yêu cầu trên thể hiện cụ thể sau:

- Tham gia định hướng cho hoạt động sáng tạo góp phần tạo ra được những tác phẩm, công trình văn hóa, văn nghệ có giá trị, hướng mạnh vào việc nhận thức, phát hiện, khám phá và thể hiện đúng đắn, chân thật, sinh động sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

- Theo dõi tình hình và kết quả sáng tác, chọn lọc những tác phẩm tốt, phù hợp để sử dụng các tác phẩm đó trong các chương trình giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, trong các đợt hoạt động chính trị, tư tưởng, văn hóa, đặc biệt sử dụng và phát huy các kết quả sáng tạo đó trong việc tổ chức “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thời gian qua, chúng ta đã quan tâm đến nội dung này, song hiệu quả thực tế chưa cao.

- Chỉ đạo đưa các tác phẩm tốt giới thiệu quảng bá, phân tích, định hướng dư luận xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, triển khai các đợt sinh hoạt tư tưởng theo chủ đề  gắn với việc lựa chọn các tác phẩm tốt, phù hợp phục vụ cho các đợt sinh hoạt đó.

- Tổ chức cho quần chúng biết sử dụng các sản phẩm, các tác phẩm văn hóa, văn nghệ trong các hoạt động quần chúng đấu tranh chống sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, như hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, các đội tuyên truyền văn hóa, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền viên trẻ…

Làm được như vậy, văn hóa, văn nghệ sẽ trở thành một bộ phận khăng khít, không thể thiếu trong cuộc đấu tranh lớn của chúng ta chống sự thoái hóa, biến chất tư tưởng, đạo đức, lối sống để bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của Đảng ta, chế độ ta.

Đ.X.D 

 

Đinh Xuân Dũng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 220 tháng 01/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground