Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Xuân Đức, nhà văn của miền cửa gió

C

ho đến khi nghe tin tiểu thuyết “Bến đò xưa lặng lẽ” vừa được giải A hội Nhà văn Việt Nam, tôi càng chắc chắn rằng sự nghiệp văn chương của Xuân Đức thực duyên nợ với con sông Hiền Lương trên Vĩ tuyến 17. Cứ như “Hiền Lương vi nghiên” mà ngòi bút của anh có chấm xuống đó mới viết ra được chữ vậy. Đọc hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ từ thơ, ca, hò, vè đến kịch, tiểu thuyết...của nhà văn Xuân Đức trong gần bốn mươi năm nặng nợ với văn chương, người ta đều phảng phất thấy bóng dáng con sông này với ngai ngái phù sa nước bạc, với nằng nặng mồ hôi nước mắt cực nhọc của người dân Quảng Trị, kể cả máu tanh của một thời đôi miền chia cắt, lửa khói.

Và tôi tin nhờ cái “nghiên mực” Hiền Lương, Xuân Đức mới đủ sức làm một điều mà chưa nhà văn Việt Nam hiện đại nào sau năm 1975 có thể làm được, đó là sự lặp lại mình mà vẫn mang đến thành công. Năm 1982 cuốn tiểu thuyết đầu tay hai tập mang tên “Cửa gió” của anh viết về con người và mảnh đất đôi bờ Hiền Lương đã được hội Nhà Văn trao giải thưởng. Và hôm nay, sau hai mươi hai năm, với “Bến đò xưa lặng lẽ” anh cũng lấy bối cảnh ấy, cuộc sống ấy, ở đôi bờ sông ấy làm đề tài và lại được giải A tại cuộc thi tiểu thuyết lần thứ hai của Hội Nhà văn.

Quê Xuân Đức ở cả đôi bờ Hiền Lương, quê cha ở bờ Nam, quê mẹ ở bờ Bắc. Chốn hoài thai của nhà văn và tuổi thơ anh gắn bó với đôi bờ sông này. Năm 1965, những học sinh cuối khoá của trường Cấp ba Vĩnh Linh viết quyết tâm thư xin ra mặt trận. Trong đội hình tiểu đoàn 47 quân địa phương Vĩnh Linh vượt vĩ tuyến 17 chi viện cho chiến trường Quảng Trị có chàng trai Xuân Đức. Bao năm ôm súng lăn lộn ở chiến trường, mà lạ kỳ thay, những phen thập tử nhất sinh, những cuộc chạm trán nảy lửa, những giằng co mất còn và biết mấy kỷ niệm ngọt ngào để đời của chàng lính trẻ đều dính dáng đến những con sông: Cánh Hòm, Hiếu Giang, Thạch Hãn và nhất là Hiền Lương...Những dòng sông quê hương đầy máu thương đau và phù sa cực nhọc của một thời loạn ly đã chảy thấm vào tâm hồn Xuân Đức, xui khiến anh cầm lấy bút mà cặm cụi viết...

Rồi không ngờ những mẩu tấu, vè, món ăn tinh thần của cả đại đội giữa chặng hành quân ngày ấy đã đẩy chàng binh nhì Xuân Đức đến với nghề văn. Anh được điều lên khu đội Vĩnh Linh rồi ra quân khu Bốn ở Vinh, nhưng dù có trở thành ông Trung tá, Nhà văn quân đội thì ngòi bút Xuân Đức đố hòng viết ra chữ nếu không chấm được xuống nghiên mực Hiền Lương. Ông nhà văn lựa chọn giữa văn và chức. Cuối cùng quyết về...cày ruộng để được ở gần Hiền Lương.

“Vãn mùa toóc rã, rơm khô” đầu tiên, biết tiếng anh, từ Hà Nội nhà văn Đào Hồng Cẩm cho người “phi” vào Hiền Lương  mời ra hợp tác để Đoàn kịch Quân đội “tranh cử” chương trình phục vụ Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Và dịp đó, vở kịch “Tổ quốc” của Đào Hồng Cẩm và Xuân Đức đã vượt qua chín vở diễn của các đồng nghiệp để vinh dự được chọn. Sau vụ này, Xuân Đức được mời ở lại luôn Đoàn kịch quân đội. Và dĩ nhiên, anh được đặc cách: quân số ở Thủ đô, còn thường trú ở...Hiền Lương!

Hơn ba chục năm thường trú với Hiền Lương, Xuân Đức đã cho ra mắt bạn đọc hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ ở nhiều thể loại. Nhưng đáng kể nhất là kịch và tiểu thuyết. Sau vở “Tổ quốc” viết chung với Đào Hồng Cẩm, giới sân khấu biết đến anh với những tác phẩm đạt giải “đup” như “Người mất tích” Giải A Bộ quốc phòng năm 1990; “Cái chết chẳng dễ dàng gì”, Giải A Bộ Quốc phòng năm 1995, Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1995; “Chứng chỉ thời gian” Giải A Liên hiệp các hội VHNT; “Ám ảnh” Huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu 1995; “Chuyện đời thường vớ vẩn” Giải thưởng kịch bản sân khấu nhỏ Hội Nghệ sĩ sân khấu, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990; “Chuyện dài thế kỷ”giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1999, Huy chương bạc Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1999. v.v. Ở mảng văn xuôi, sau hai tập tiểu thuyết đầu tay “Cửa Gió” vừa trình làng đã “giật” giải thưởng của Hội Nhà văn, Xuân Đức viết tiếp “Người không mang họ”, Giải thưởng Bộ nội vụ...rồi hàng loạt tiểu thuyết nối nhau đến tay bạn đọc như “Tượng đồng đen một chân”, “Hồ sơ một con người”, “Những mảnh làng”“Bến đò xưa lặng lẽ”...

Xuân Đức bảo, tất cả những nhân vật của anh đều là những người quen, “hàng xóm” của anh và có cả anh trong đó. Anh kể về những cuộc đối chọi mất còn, từ ý thức hệ của cả một thời đại đến góc khuất suy tư của một tâm hồn tật nguyền. Những câu chuyện cũng rất thật. Thật đến nỗi chỉ nhắc đến là người hàng tỉnh đều biết cả. Bởi thế, dù ở trước “Cửa gió” hay trên “Bến đò xưa lặng lẽ”, bạn đọc ở địa phương cũng nhìn thấy bóng dáng của làng quê mình, của những người làng mình và cả của mình nữa. Không dám qua mặt các nhà lý luận phê bình văn học nhưng đọc Xuân Đức, tôi có cảm giác như anh đã “phá giới” mà vượt qua cái lằn ranh kinh điển của một tác phẩm văn học truyền thống để nhìn cuộc sống ở một góc thật nhất! Và có lẽ đó là thành công đáng kể của anh trên “Bến đò xưa lặng lẽ”.

Nhưng vốn liếng đời văn của Xuân Đức không chỉ là những vở kịch hay những cuốn tiểu thuyết dài hơi kể trên, anh còn có cả một “gia tài” khá đồ sộ mà bất cứ một cán bộ làm công tác văn hoá thông tin hàng tỉnh “cờ, đèn, kèn, trống” nào cũng thấy nể. Cái máu văn nghệ của chàng binh nhì thuở nào luôn sôi dậy trong anh, để rồi dù công việc hành chính lu bu, ông giám đốc Sở VH- TT vẫn tìm cách lặn lội đêm hôm về làng văn hoá, tập hát, tập hò, tập kịch...với bà con. Ở mảnh đất đậm đặc chất sử thi như Quảng Trị, mỗi năm biết bao nhiêu sự kiện văn hoá, lịch sử, năng khiếu của kịch gia Xuân Đức đã để lại những dấu ấn đẹp trong phong trào văn hoá địa phương. Hẳn đồng bào cả nước còn chưa quên nhưng chương trình lễ hội thấm đẫm cảm xúc được truyền trực tiếp từ Quảng Trị trên sóng Truyền hình Việt Nam như “Huyền thoại Trường Sơn”, “Nhịp cầu xuyên Á”, “Liên hoan Đường 9 xanh”, “Lễ hội thống nhất non sông” ở đôi bờ Hiền Lương v.v...mà anh đã cùng các đồng chí, đồng nghiệp thai nghén, dàn dựng và trở thành “thương hiệu” tâm linh của văn hoá một vùng đất.

Sắp bước qua tuổi 60, Xuân Đức chuẩn bị giã từ “ông” giám đốc Sở VH- TT để trở về với văn. Hỏi trở về với văn như thế nào, Xuân Đức trả lời rằng, già rồi không đi cày ruộng được nữa, nhưng anh sẽ về sông Hiền Lương, “nghiên mực” của đời văn, đời người anh để...viết tiểu thuyết. Tôi nghĩ, chắc Xuân Đức sẽ tiếp tục đi qua miền “Cửa gió”, trên “Bến đò xưa lặng lẽ” để lặp lại mình lần thứ ba với Hiền Lương...

Đ.N.H

Đinh Như Hoan
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 135 tháng 12/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground