I- VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ DI TÍCH CĂN CỨ TÂN SỞ:
Di tích căn cứ Tân Sở (Thành Tân Sở) tọa lạc giữa một bình nguyên đất đỏ bazan: vùng Cùa, thuộc vào địa phận của xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, cách thị trấn huyện lỵ khoảng 10 ki lô mét về phía tây nam. Phía đông bắc giáp thôn Đốc Kỉnh, phía Tây Bắc giáp thôn Bảng Sơn, đông nam giáp thôn Mai Đàn, tây nam giáp thôn Lộc An nằm trên đường 15N đi Mai Lĩnh. Bao quanh bốn phía căn cứ là các đỉnh núi và cao điểm tạo thành một hàng rào tự nhiên che chắn đặc biệt: phía Nam là đỉnh Động Ho, phía Bắc là đỉnh Chóp Bụt, phía Tây là Động Lỡ nối dài đến cao điểm 241 hay Carôl, và phía Đông là dãi đồi thấp ngắn cách Cùa với Triệu Phong, Hải Lăng. Chính địa hình này đã tạo ra cho Tân Sở một vị trí hết sức kín đáo và biệt lập so với đồng bằng và các lỵ sở.
Khởi thủy của căn cứ Tân Sở là một đồn binh được nhà Nguyễn lập ra trước năm 1877, có nhiệm vụ trấn giữ một vùng biên giới phía tây Quảng Trị tiếp giáp với Ai Lao. Từ năm 1867, đến năm 1883 nó được củng cố thành Nha Sơn phòng nằm trong hệ thống các đồn lũy kho tàng ở vùng rừng núi hiểm trở dọc theo dãy Trường Sơn. Sau khi hiệp ước Hácmăng ra đời (1883) đứng trước nguy cơ mất nước, kinh thành Huế bị uy hiếp nghiêm trọng, phái chủ chiến của triều đình cầm đầu là Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết đã quyết định xúc tiến nâng cấp căn cứ Tân Sở để sử dụng như một kinh thành dự bị khi kinh đô hữu sự. Thành Tân Sở bắt đầu được khởi công xây dựng năm 1883 và đến năm 1885 thì cơ bản hoàn thành. Thành kiến trúc theo kiểu các thành lũy phong kiến nhưng quy mô nhỏ hơn và mang đậm nét của một căn cứ quân sự dã chiến.
Sau khi cuộc phản công đêm 5-7-1885 (tức là 23-5 Ất Dậu) do phái chủ chiến tiến hành ở Kinh thành Huế thất bại, Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi, một ông vua có tinh thần yêu nước và tư tưởng bài Pháp ra Quảng Trị rồi lên Tân Sở ngày 9-7-1885. Chính tại Tân Sở ngày 13-7-1885, Tôn Thất Thuyết đã lấy danh nghĩa Vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương thứ nhất kêu gọi văn thân, sĩ phu và toàn thể nhân dân đứng lên ứng nghĩa phò vua đánh giặc cứu nước. Chiếu Cần Vương đã phát động được một phong trào Cần Vương lan nhanh như một phản ứng dây chuyền ra khắp toàn quốc trong hai năm 1885-1887 và kéo dài đến những năm 1896-1898 mới chấm dứt.
Với tất cả những sự kiện lịch sử cơ bản trên, căn cứ Tân Sở mặc dù thời gian tồn tại không lâu vẫn được coi là một trung tâm chỉ đạo kháng chiến sau kinh thành Huế của phái chủ chiến; là mốc son đánh đầu một giai đoạn lịch sử vô cùng oanh liệt và đầy bi hùng của dân tộc ta. Nơi đây ghi nhận sự vùng dậy cuối cùng của giai cấp phong kiến quân chủ Việt Nam trong sứ mạnh lãnh đạo nhân dân chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập cho đất nước. Xứng đáng được coi là một di tích lịch sử quí giá trong vốn di sản văn hóa truyền thống của tỉnh Quảng Trị.
Tháng 7-1885, vua Hàm Nghi và ngự đoàn ra Bắc, Pháp chiếm Tân Sở và triệt hạ hoàn toàn căn cứ. Tuy nhiên theo một số tài liệu lịch sử thì đến năm 1914 di tích Tân Sở vẫn còn hình thù rõ nét. Trải qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc, với rất nhiều lý do khác nhau di tích này đã bị san phẳng thành bình địa. Những năm sau hòa bình nhân dân đã xóa tiếp đi những dấu vết còn lại. Vì thế hôm nay căn cứ Tân Sở chỉ còn là một phế tích. Bên cạnh một vài bụi tre vốn là lũy cũ còn sót lại và một số đoạn hào, bờ thành mờ nhạt... là những bãi đất hoang hóa dày đặc lau lách cỏ dại.
II - CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ PHÁP LÝ TRONG VIỆC BẢO TỒN DI TÍCH:
Nhận thức rõ vị trí và những giá trị lịch sử to lớn của di tích căn cứ Tân Sở, nên sau khi tỉnh nhà được lập lại, Bảo tàng Quảng Trị phối hợp với các cơ quan nghiên cứu Trung ương nhanh chóng tiến hành nhiều đợt điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực địa cũng như trên các tư liệu thành văn. Kết quả là đã hoàn chỉnh hồ sơ khoa học đệ trình Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia (A1), bằng quyết định số 65QĐ/BT ngày 16-1-1995. Bên cạnh đó Bảo tàng Quảng Trị còn phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Cam Chính, phòng quản lý đất đai huyện Cam Lộ, định giới, khoanh vùng bảo vệ cho di tích trên cơ sở tôn trọng các yếu tố về mặt lịch sử và thực trạng di tích hiện tại. Theo đó di tích căn cứ Tân Sở được khoanh thành hai khu vực:
-Thứ nhất là khu vực bảo vệ (hay còn gọi là khu vực bất khả xâm phạm) được tô màu đỏ trên bản đồ địa chính. Khu vực này bao gồm toàn bộ diện tích và chu vi của thành Tân Sở với chiều dài 548 mét, chiều rộng 418 mét, tổng diện tích là 22,9 héc ta.
-Thứ hai là khu vực điều chỉnh xây dựng, được tô màu xanh trên bản đồ địa chính. Khu vực này bao gồm những khoảnh đất bao bọc xung quanh và tiếp giáp với khu vực bảo vệ, có chiều dài mở rộng thêm 80 mét, và chiều rộng mở rộng thêm 80 mét với tổng diện tích là 4 héc ta.
Trước khi Bảo tàng tỉnh hoàn chỉnh dự án và bắt tay vào kế hoạch tôn tạo, cả hai khu vực mày của di tích Tân Sở đều đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân xã Cam Chính, chủ yếu là bảo vệ việc xâm phạm đất đai, phá hoại hiện trạng di tích từ phía dân chúng.
III- HƯỚNG BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY TÁC DỤNG:
Căn cứ trên những sự thực lịch sử và giá trị hàm chứa trong di tích, hiện trạng di tích hiện tại cũng như tính chất đặc thù trong vị trí của cả vùng Cùa (địa hình biệt lập, xa đồng bằng và các trung tâm đô thị, dân cư thưa thớt...) chúng tôi xin nêu lên một vài ý kiến về phương hướng bảo tồn tôn tạo và phát huy tác dụng di tích căn cứ Tân Sở như sau:
1- Trên cở sở các văn bản pháp lý đã được phê duyệt của các cấp chính quyền và ngành chuyên môn mà cụ thể là việc khoanh vùng bảo vệ cho di tích. Trước tiên cần phải tiến hành ngăn chặn ngay tình trạng vi phạm, lấn chiếm đất đai; giải tỏa việc canh tác và trồng cây tràn lan trên di tích, trả di tích về đúng nguyên trạng của nó.
2- Tại khu vực bảo vệ (Khu vực bất khả xâm phạm) dựng một công trình tưởng niệm ở vị trí trung tâm nhất mang tính biểu tượng về phong trào Cần Vương, Thành Tân Sở và hai nhân vật Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết. Trên đó có khắc toàn bộ bài chiếu Cần Vương thứ nhất ngày 13-7-1885 mà Tôn Thất Thuyết mượn lời vua Hàm Nghi ban ra từ Tân Sở.
3- Xung quanh tượng đài trên khu vực bảo vệ trồng các loại cây cảnh, cây đại thụ, cổ thụ với mục đích tạo cảnh quan và cho bóng mát. Trước mặt tượng đài chừa trống một khoảng đất rộng chừng 1000 mét vuông rải đá hoặc đổ bê tông dùng làm nơi giới thiệu, hướng dẫn tham quan du lịch và tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống của địa phương. Khu vực này tương lai sẽ xây dựng nên một khu văn hóa ngoài trời của cả vùng Cùa.
4- Tại khu vực điều chỉnh xây dựng, nên trồng các loài cây lâm nghiệp tạo vành đai xanh theo kiểu lâm viên, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu môi trường cũng như cảnh quan cho di tích trên cơ sở các nguồn vốn chống xuống cấp với sự giúp đỡ của Sở Khoa học công nghệ môi trường của tỉnh.
5- Những yếu tố gốc của di tích còn tồn tại như bụi tre, hào thành, bờ thành, nền cột cờ... cần phải được giữ lại nguyên vẹn, tránh mọi hành động tu sửa, làm mới như đào lại hào, đắp lại bờ thành... (khi không có ý kiến của cơ quan quản lý chuyên môn) vì như thế sẽ vi phạm nguyên tắc bảo tồn đối với một di tích được coi là phế tích, là địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử.
Cùa là một vùng đất biệt lập, đường sá đi lại khó khăn. Do vậy, song song với việc bảo tồn, tôn tạo lại di tích phải mở rộng mối liên hệ giữa di tích với bên ngoài. Trước mắt bảo tàng tỉnh phải phối hợp với ngành giao thông tu sửa và rải cấp phối hai con đường bộ hiện có dẫn tới di tích là đường huyện lộ 15N bắt đầu từ km 14 của quốc lộ 9 qua đèo Cùa và đường liên xã bắt đầu từ km 23 của quốc lộ 9 qua khu di tích 241 (căn cứ Carol) phục vụ thuận lợi cho việc nghiên cứu tham quan du lịch và phát triển kinh tế văn hóa địa phương.
Với việc xây dựng hoàn thành trên khu vực bên ngoài di tích một ngôi trường phổ thông đã làm cho di tích bớt đi vẻ hoang lạnh cố hữu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc giáo dục truyền thống cho học sinh. Do vậy phải thường xuyên phối hợp với nhà trường, Đoàn thanh niên, tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, cắm trại trong khuôn viên di tích nhằm giúp cho thế hệ trẻ nhận thức đúng đắn về quá khứ hào hùng của cha ông, góp phần hình thành nhân cách, phẩm chất tốt đẹp của con người dưới chế độ mới.
Trên đây là những ý kiến chủ quan của chúng tôi về việc nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng di tích căn cứ Tân Sở. Tuy nhiên đấy mới chỉ là những ý kiến ban đầu mang tính định hướng chung, mong được nhiều ý kiến bổ cứu thêm của các ngành khoa học, các cán bộ nghiên cứu ở Trung ương và địa phương.
N.T.T-V.N.T