Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một số liệt sĩ ở nhà tù Lao Bảo

C

hắc chắn ở đâu đó nhất là trong tài liệu lưu trữ của Chính phủ Pháp - còn lưu giữ danh sách, tiểu sử và hành trang của những người tù chính trị ở nhà tù Lao Bảo, tất nhiên kể cả những người đã hy sinh ngay trong cảnh gông cùm, xiềng xích. Tiếc thay cho đến nay, mỗi năm cứ đến ngày 27-7, mọi người đều tưởng nhớ đến các chiến sĩ đã hy sinh vì nước vì dân song các liệt sĩ ở Lao Bảo vẫn có rất nhiều người còn chưa tìm ra tên tuổi, chưa tìm ra mộ phần. Qua số tài liệu (1), chúng tôi xin liệt kê họ tên, tiểu sử (nếu có) của một số chính trị phạm đã ngã xuống tại Lao Bảo trước khi thành lập Đảng (1930).

1- NGUYỄN ĐÔN TIẾT: (1836-?): Quê ở làng Thọ Vực, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đỗ Phó bảng năm 1879, làm Tri phủ một thời gian. Khi giặc Pháp xâm lược, ông hưởng ứng Chiếu Cần vương, mộ quân khởi nghĩa ở quê hương, con trai ông là Nguyễn Hiệu Tri cũng chỉ huy một cánh quân tiếp ứng chiến đấu ở Ba Đình và hy sinh ngày 20-1-1887. Ông bị giặc bắt năm 1886, bị đày đi Lao Bảo và chết ở đây. Khi nghe tin Phạm Bành, một chiến hữu lãnh đạo nghĩa quân Ba Đình, đã tuẫn tiết, ông có đôi câu đối khóc bạn:

Quân tử nhất sinh tâm khả bạch

Tướng quân tuy tử diện do hồng.

Tạm dịch:

Quân tử trọn đời lòng trong trắng

Tướng quân dù chết mặt còn hồng

2- ĐẶNG THÁI XƯƠNG (?-?): Ông còn có tên là Đặng Quý Hối, quê ở làng Lương Điền (xưa gọi là Điền Lao), Tổng Bích Triều, nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, là em ruột của các chí sĩ Đặng Thúc Hứa và Đặng Nguyên Cẩn. Ông là lãnh tụ của Duy Tân Hội và phong trào Đông Du ở huyện Thanh Chương, bị bắt đày đi Lao Bảo và chết ở đây.

3- ĐỖ ĐĂNG TUYỂN (1856-1911): Còn gọi là Đỗ Đăng Cát, biệt hiệu Hi Đào, bí danh Sơn Tẩu, thường gọi là cụ Ô Gia... Ông quê ở làng Ô Gia, huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Năm 1882, gặp lúc giặc Pháp xâm lược, ông từ chức Quản hiệu Sơn phòng và đến năm 1885 tham gia phong trào Nghĩa hội của Nguyễn Duy Hiệu; được cử làm tán trương nghĩa hội. Năm sau, phong trào tan rã, ông ẩn thân suốt 20 năm, đến 1905, tham gia tiếp phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và trở thành một nhân vật chủ chốt ở Quảng Nam. Ông bị bắt năm 1910. Trên đường bị giải đi, ông uống thuốc độc, rồi nhảy xuống sông tự trầm nhưng được bọn lính cứu thoát và bị giải tiếp ra Nghệ An để đối chất với các đồng chí. Tháng 3-1911, ông bị kết án đầy đi Lao Bảo. Từ nhà lao Quảng Trị, tù nhân phải đi bộ lên Lao Bảo. Ông tuyệt thực suốt đường đi và tới nơi thì mất vào ngày 4.4.1911.

Phan Bội Châu có bài thơ khóc ông như sau:

Đau đời nên phải nhớ tiên sinh

Ưu quốc xưa nay bậc lão thành

Tay trắng đỡ liều vai gáng nặng

Lòng son đưa trước bọn đầu xanh

Bội Châu không bác e vô sự

Lao Bảo nhờ ông mới có danh

Tiếc bác lấy gì an ủi bác

Một chung rượu lạt thấu thần minh.

Trong phong trào chống thuế ở Trung kỳ, giặc Pháp thẳng tay đàn áp, bắt bớ, giết hại và đày đọa nhiều người.

4- LÊ ĐÌNH CƠ (?-?): Năm 1908, đã từ Bình Định lan vào Phú Yên. Ngày 11.5, hai trăm người định chiếm thành Tuy An nhưng không thành. Ở miền Nam tỉnh, hơn 2000 người biểu tình suốt 3 ngày 11,12,13.5. Quân Pháp đàn áp, bắn chết một số người ở Tuy An. Tiếp đến chúng bắt Lê Đình Cơ (ông là người Quảng Ngãi vào hoạt động ở Phú Yên) khép án và đày đi Lao Bảo. Ông chết ở đó cùng với Huỳnh Thương Trung. Cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân nổ ra năm 1916, ngoài nhiều người bị án chém, còn có những chiến sĩ hy sinh tại Lao Bảo, trong đó có

5- DƯƠNG THƯỞNG (?-1918): Ông còn có tên là Dương Đình Thưởng, anh ruột của chí sĩ Trương Đình Dương Thạc, quê ở làng Chiên Đàn, huyện Tam Kỳ (nay là thị xã Tam Kỳ) tỉnh Quảng Nam, đã đỗ Tú tài nên còn gọi là Tú Dương. Ông là một trong những người phát động phong trào Duy Tân ở Quảng Nam vào các năm 1904-1908. Năm 1907, ông cùng anh và nhân dân phủ Tam Kỳ làm đơn tố cáo bọn cường hào ác bá và việc án sát Quảng Nam Nguyễn Hữu Thảng ăn hối lộ, đàn áp sĩ dân. Khi xảy ra vụ chống thuế 1908, chúng bắt và đày Dương Thạc đi Côn Đảo, còn Dương Thưởng bị đày đi Lao Bảo. Năm 1918, nhân một cuộc phản kháng bọn cai ngục tàn ác, ông bị thảm sát.

6- LÊ CƠ (1870-1918): Còn gọi là Xã Sáu (vì ông làm Lý trưởng) quê ở làng Phó Lâm, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đã đậu Tú tài 1900. Khi bị buộc làm Lý trưởng, ông thi hành các chủ trương tiến bộ của phong trào Duy Tân. Năm 1906, ông cùng Phan Châu Trinh ra Bắc gặp Hoàng Hoa Thám rồi sang Trung Quốc, Nhật Bản gặp Phan Bội Châu, tìm hiểu tình hình. năm 1908, ông bị bắt giam đến năm 1911 mới được thả.

Năm 1916, ông cùng các yếu nhân Trần Cao Vân, Thái Phiên cùng mưu việc khởi nghĩa của vua Duy Tân, dự định khi cuộc khởi nghĩa đã thành, nước ta sẽ có "Việt Nam quân Chính phủ" hay "Tân Việt Nam" và ông sẽ giữ chức "Ngự tiền hộ giá đại tướng quân kiêm Tổng đốc Nam Ngãi lưỡng Quảng". Ông cùng Thái Phiên chỉ huy đánh đồn Mang Cá. Việc lớn thất bại, ông cùng các đồng chí đưa vua Duy Tân lánh nạn nhưng bị bắt ở Hà Trung (phía nam Huế). Ông bị đày đi Lao Bảo và hy sinh trong cuộc thảm sát năm 1918 cùng với Dương Thưởng.

7- LÊ TIÊM (?- 1918): Con thứ ba của chí sĩ Lê Vĩnh Huy, quê ở làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông (nay thuộc huyện Tiên Phước) tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Ông Lê Vĩnh Huy là chí sĩ Đông Du tham gia khởi nghĩa của vua Duy Tân, bị tù và chết năm 1916 tại nhà lao Hội An. Lê Tiêm có hai anh ruột du học sang Nhật. Lê Tiêm bị bắt đày đi Lao Bảo và năm 1918 bị thảm sát tại sở Xâu nhà ngục Lao Bảo cùng với Lê Cơ.

8- HỒ BÁ KIÊN (1872-1915) Quê làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An. Thân phụ là cụ Hồ Bá Ôn (1854-1883), đỗ Phó Bảng, làm Án sát Nam Định, chống quân Pháp đánh thành và hy sinh anh dũng. Hồ Bá Kiên là thân sinh cụ Hồ Tùng Mậu một chiến sĩ cộng sản lão thành hy sinh năm 1951

Ông sinh năm 1872, hiệu là Thiếu Tùng, đỗ cử nhân nhưng không chịu ra làm quan. Khoảng năm 1905, 1906 ông hoạt động tích cực cho phong trào Đông Du, nhất là trong việc đưa học sinh xuất dương sang Nhật. Bị lộ và bị bắt ở Hưng Yên ông bị khép án và đày đi Lao Bảo. Ngày 28-5-1915 ông và anh em ở nhà tù Lao Bảo mưu phá ngục khởi nghĩa, việc không thành ông hy sinh lúc mới 43 tuổi.

9- NGUYỄN SĨ SÁCH (1905-1929): Ông sinh năm 1905 tại thôn Tú Viên, tổng Xuân Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Năm 1924 Nguyễn Sĩ Sách đậu bằng Thành chung rồi được bổ đi dạy trường Pháp-Việt, Hà Tĩnh. Sau một thời gian hoạt động trong kỳ bộ Đảng Tân Việt, ông được cử sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện do Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tổ chức. Về nước ông vừa lo xây dựng tổ chức, tạo gần gũi giữa hai Đảng Thanh Niên và Tân Việt, viết báo, dịch sách để tuyên truyền vận động quần chúng.

Tháng 11.1928 Nguyễn Sĩ Sách bị giặc Pháp bắt giam tại nhà lao Vinh rồi nhà lao Thừa Phủ, không tìm ra manh mối giặc phải thả ông ra. Tháng 8.1929, ông lại bị bắt và bị kết án tử hình sau đó hạ xuống khổ sai chung thân đày đi Lao Bảo. Ngày 19.12.1929, ông bị giặc bắn chết khi tuổi đời mới 24 tuổi.

Chín liệt sĩ thật ít ỏi vô cùng so với lịch sử nhà tù Lao Bảo, chỉ riêng giai đoạn từ khi xây dựng đến khi thành lập Đảng CSVN (1908-1930), đằng đẵng 22 năm; một nhà tù mà mức độ tàn hại tù chính trị có thể so với các nhà tù Sơn La, Kontum, Buônmêthuột.v.v... Tiếc thay, chỉ chưa đầy một thế kỷ mà vật đổi sao dời quá nhiều, không những tư liệu, sách vở về Lao Bảo ít ỏi, thiếu thốn mà bản thân nhà tù cũng bị chiến tranh và thời gian tàn phá đến mức gần như không còn gì. Ước sao có một cuộc hội thảo về nhà tù Lao Bảo gồm đại diện nhiều ngành, nhiều địa phương và cá nhân để phần nào tìm ra tên tuổi của các liệt sĩ yêu nước và cách mạng. Đó cũng là một tượng đài lớn tưởng niệm một miền đất bất khuất thấm xương máu của nhiều thế hệ chiến sĩ, bây giờ đã trở thành một cửa khẩu Quốc tế khá nhộn nhịp.

                                                        P.X.V

 

 

__________

(1) Về các liệt sĩ nêu trong bài viết này, bạn viết có thể biết rõ thêm khi đọc:

- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, nxb KHXH, 1991, của Nguyễn Q.Thắng - Nguyễn Bá Thế.

- Cách mạng cận đại Việt Nam, nxb Văn Sử Địa, H, 1958 của Trần Huy Liệu, Nguyễn Công Bình, Văn Tạo.

- Danh nhân Nghệ Tĩnh, t2,nxb Nghệ Tĩnh 1982, của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh, của nhiều tác giả

- Các sách báo khác.

 

 

Phạm Xuân Vinh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 22 tháng 07/1996

Mới nhất

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Nhớ trò chơi dân gian đi cầu ngô

31/01/2025 lúc 22:41

Lễ hội là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa thần

Quảng Trị triển khai nhiệm vụ công tác báo chí năm 2025

31/01/2025 lúc 15:19

TCCVO - Sáng 20/1/2025, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground