Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người tâm huyết với non nước Quảng Trị

Ô

ng không phải là người Quảng Trị nhưng tâm huyết của ông đã dành cho mảnh đất và con người Quảng Trị là rất lớn. Ông thông hiểu Quảng Trị với vốn kiến thức phong phú, toàn diện về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, lịch sử, phong tục, tập quán, danh nhân...từ xưa đến nay. Ông khiêm tốn nói về cuốn sách “Non nước Quảng Trị”, dày hơn 500 trang của ông do Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh ấn hành không phải là địa chí nhưng nhiều người gọi đó là địa chí đích thực. Ông là Nguyễn Đình Tư, nhà nghiên cứu với hơn 40 đầu sách đã xuất bản và 7 cuốn sách sắp xuất bản.

Cơ duyên ông Nguyễn Đình Tư viết cuốn sách “Non nước Quảng Trị” cũng rất đặc biệt. Ông kể: “Mùa hè năm 1972 được mệnh danh là “Mùa hè đỏ lửa”. Tôi đang sưu tầm tư liệu để viết cuốn “Non nước Bình Thuận” cho trọn bộ các tỉnh Nam Trung Bộ của Giang sơn Việt Nam nhưng thấy trên báo chí, trong các trường học, trong các công sở, trong các quán cà phê dọc đường phố, kể cả các xóm lao động, đâu đâu người ta cũng bàn tán về cuộc chiến ác liệt đang xảy ra ở Quảng Trị. Tôi bèn dẹp việc viết về Bình Thuận, quay sang tập trung sưu tầm, nghiên cứu tư liệu để viết về non nước Quảng Trị, mong kịp thời giúp đồng bào biết được một tỉnh “giới tuyến” mà mọi người đang dồn mắt nhìn về phía đó”.

Vậy là ông vừa sưu tầm, khai thác tư liệu, viết bản thảo “Non nước Quảng Trị” vừa đánh máy gấp rút. Công việc sắp hoàn thành thì chiến tranh chấm dứt, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Thời điểm đó không có điều kiện in ấn nên ông không để tâm đến việc hoàn chỉnh bản thảo nữa. Cuộc sống đất nước thời kỳ sau chiến tranh rất khó khăn. Là viên chức của chế độ cũ đã lớn tuổi, không có việc làm phải ra lề đường sửa xe đạp để kiếm tiền giải quyết miếng ăn hàng ngày, ông Tư không còn tâm trí nghĩ đến viết sách. Năm 1981, cuộc sống có đỡ hơn, nhớ tới người bạn tri kỷ là nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê, ông Tư dồn tất cả các chương đã đánh máy xong của bản thảo “Non nước Quảng Trị” làm một tập mang đến nhờ đọc, không ngờ được ông Nguyễn Hiến Lê đọc kỹ và có những nhận xét đầy khích lệ, nhưng rồi bản thảo sách cũng xếp lại đó.

Mãi cho đến 30 năm sau, khi đời sống gia đình được nâng cao, con cái đã trưởng thành, ông Nguyễn Đình Tư mới lần giở lại bản thảo “Non nước Quảng Trị”, khi ấy chương còn chương mất, đọc lại ông vẫn thấy những gì mà ông sưu tầm được vẫn còn có thể giúp ích cho đồng bào Quảng Trị. Ông dồn lại, có sửa chữa, bổ sung chút ít thành một tập sách mà như ông nói đó không phải là cuốn địa chí mà chỉ là cuốn sách giới thiệu cảnh quan cùng những hình ảnh của tỉnh Quảng Trị để phục vụ đồng bào Quảng Trị sống xa xứ nhớ lại những kỷ niệm thân thương, những nét độc đáo của quê hương mình trong quá khứ và để phục vụ tham quan du lịch cho khách trong nước và nước ngoài về một vùng đất nghèo khó nhưng rất ngoan cường.

Để có được cuốn sách “Non nước Quảng Trị” dày hơn 500 trang, ông Nguyễn Đình Tư đã tham khảo hơn 45 đầu sách nghiên cứu, hơn 15 loại báo và tạp chí trong và ngoài nước trong một thời gian rất dài. Cuốn sách được viết rất công phu, chia thành các chương mục mạch lạc, nội dung phong phú, dễ đọc. Đặc biệt sách có nhiều tư liệu quý về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội....được giới thiệu trong sách, báo, công trình nghiên cứu từ thời Pháp thuộc, thời chính quyền Sài Gòn đến giai đoạn sau ngày đất nước thống nhất cũng như trong công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua. Trong hiểu biết hạn hẹp của bản thân, từ sau năm 1975 đến nay, chưa có cuốn  sách nào viết về Quảng Trị được biên soạn công phu, tư liệu phong phú với những kiến giải thuyết phục như cuốn sách của ông Nguyễn Đình Tư, từ phần địa lý tự nhiên, lịch sử hình thành tỉnh Quảng Trị; các thay đổi địa danh địa giới hành chính, tổ chức xã thôn; các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cho đến văn hoá, tín ngưỡng, phong tục tập quán, nền giáo dục, danh nhân, tài nguyên, đặc sản; đường giao thông, hoạt động thương mại... Sách còn có phần phụ lục viết về các bậc đại khoa Hán học tỉnh Quảng Trị.

Một vấn đề đáng ghi nhận là dù cuốn sách sử dụng tư liệu từ nhiều nguồn, nhiều con số thống kê nhưng tôi nghĩ nhiều số liệu có giá trị nghiên cứu cho sau này. Ví dụ ở Chương IV - Đồng bằng, ông Nguyễn Đình Tư viết: “Theo thống kê năm 1971 của chính quyền Sài Gòn, không kể huyện Vĩnh Linh, sản lượng lúa của toàn tỉnh chỉ có 48.300 tấn. Nếu chia đều dân số năm đó là 317.215 người, mỗi người chỉ được 152 ký lúa hay 91 ký gạo mỗi năm, chỉ đủ dùng trong 4 tháng rưỡi, còn lại phải ăn gạo miền Nam hay ăn độn ngô, khoai, sắn. Sau năm 1975, nhờ chính sách khuyến nông của nhà nước (thuỷ lợi, cải tiến kỹ thuật canh tác, cải tiến giống lúa có năng suất cao...) sản lượng lúa đã tăng từ 70.460 tấn năm 1990 lên 176.000 tấn năm 1999”. Nếu chúng ta cập nhật thêm đến năm 2012, sản lượng lương thực có hạt của tỉnh lên đến trên 250.000 tấn thì có thể nói là một kỳ tích về gia tăng sản lượng lương thực của Quảng Trị.

Không dừng lại ở cung cấp tư liệu, nhiều vấn đề đặt trong cuốn sách được ông Nguyễn Đình Tư kiến giải rất sâu sắc, ví như câu đối của các nhà nho lưu truyền ở Quảng Trị “Đông Hà xúc hến hát nghêu ngao”/ “ Tân Trúc trồng tre thở hoi hóp” được ông phân tích: Đó là hai câu đối rất hay và rất chỉnh, đối sát về ý và lời, lại còn cách chơi chữ lý thú. Về ý thì một bên tả cảnh xúc hến dưới sông là một cảnh sinh hoạt có tính chất thuỷ. Bên kia tả cảnh trồng tre trên đất liền là một công việc có tính chất thổ. Một bên làm việc có vẻ nhẹ nhàng thì hát nghêu ngao, trái lại bên kia đào đất khó nhọc, sức lực hao tốn nhiều, mồ hôi nhễ nhãi nên thở không ra hơi. Về lời thì chữ đối chữ rất chỉnh. Đông Hà đối với Tân Trúc đều là địa danh hành chính. Động từ xúc đối với động từ trồng. Danh từ hến đối với danh từ tre, một bên là động vật một bên là thực vật. Hát với thở đều là những động tác do hai cơ quan trong thân thể người ta thực hiện: miệng và mũi. Nghêu ngao và hoi hóp là hai trạng từ. Nhưng lý thú nhất là lối chơi chữ của nhà nho. Từ “hà” kết hợp với từ “đông” thành địa danh, nhưng hà cũng có nghĩa là con hến. Còn từ “ngao” hợp với từ “nghêu” thành một trạng từ, nhưng bản thân nó cũng có nghĩa là con hến. Cả ba từ hà, hến, ngao đều chỉ về một con vật mà trong câu này mỗi từ lại được dùng theo nghĩa khác nhau. Vế dưới, ba từ trúc, tre, hóp cũng vậy, tuy có tên gọi khác nhau nhưng đều thuộc về họ tre.

Tuy được viết theo phong cách địa phương chí nhưng điều lý thú là nhiều phần trong sách “Non nước Quảng Trị” không dừng lại ở những con số, sự kiện khô khan mà con được ông Nguyễn Đình Tư đặc tả rất sống động, như ở Chương V - Danh lam thắng cảnh, ông mô tả về bãi biển Cửa Tùng thật thơ mộng: “Bãi biển Cửa Tùng đẹp đến nỗi người Pháp đã đặt cho cái tên đầy tán tụng: Bà hoàng trong các bãi tắm Đông Dương. Quả thế, bãi biển Cửa Tùng dài khoảng hai cây số, nằm về phía bắc sông Bến Hải, thuộc về xã Vĩnh Quang. Là một bãi biển đầy cát trắng, nước không sâu mà lại trong mát, độ mặn của nước vừa phải, thích hợp cho việc bồi dưỡng sức khoẻ con người. Về mùa hè là mùa tắm biển thì lại lặng sóng, ngâm mình trong nước xanh lơ...Phía trước mặt, một hòn cù lao nhỏ nổi bật lên làm bình phong cho cửa biển. Phía sau lưng, những ngọn đồi đầy cây cối, tạo thành khu rừng đủ thứ chim muông bay về nghỉ đêm và làm tổ. Xế về phía nam, trên bờ sông, sau khi tắm biển, du khách có thể men theo đường mòn lần xuống khu ngư dân cư trú để thăm hỏi, trò chuyện với những người dân thật thà như đếm, nhưng lại cởi mở, hiếu khách, quanh năm chỉ biết làm bạn với chiếc ghe lênh đênh trên dòng sông hay ngoài khơi Đông Hải...Các bạn có thể mua những con tôm hùm còn ngo ngoe đem về luộc lên chấm mước mắm chanh tỏi ớt tươi hay muối tiêu mà nhậu với rượu tăm Phương Hải, tưởng cảnh thần tiên cũng chỉ đến thế”...

Chúng ta có thể tìm được rất nhiều thông tin lý thú, bổ ích trong hơn 500 trang sách “Non nước Quảng Trị” mà thêm cảm phục ông Nguyễn Đình Tư, nếu không có cái tình, cái nghĩa với con người và mảnh đất nơi đây, làm sao ông có thể bỏ hàng chục năm trời sưu tầm, nghiên cứu không mệt mỏi để hôm nay người Quảng Trị và những người yêu mến mảnh đất và con người Quảng Trị có được cuốn cẩm nang hiểu biết để dắt theo làm hành trang cho cuộc tìm về, khám phá mảnh đất có truyền thống văn vật và anh hùng. Có lẽ cũng vì thế mà học giả Nguyễn Hiến Lê đã có lời khen: “Chương nào ông xếp cũng công phu, giảng giải rõ ràng. Đọc hai chương địa thế và khí hậu rồi ai cũng thấy ngay tỉnh Quảng Trị, nỗi khổ của dân Quảng Trị, và vì sao dân đó nghèo mà học giỏi. Tôi thích nhiều đoạn. Nhờ đọc ông mà tôi biết tại sao con đường buồn hiu (Rue sans Joie) bị phục kích hoài. Các sách báo ngoại quốc không giảng cho tôi điều đó. Phải phục quân đội Việt Minh có sáng kiến, có chiến thuật tài tình. Rồi đoạn Quảng Trị năm 1973 nữa, cũng nhờ ông mà tôi hiểu được tại sao Mỹ thả bom ghê gớm như vậy mà Mặt trận Giải phóng vẫn cố bám được (nhờ họ đào hầm ở dưới chân tường thành). Dĩ nhiên tôi cũng thích đoạn ông tả về cảnh Cửa Tùng, tôi vẫn ước ao từ lâu lắm đi tắm biển nơi đó...”. Ông Lê Tuệ, Trưởng Ban liên lạc Đồng hương Quảng Trị tại TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Có thể nói cuốn sách chẳng những mang đậm tính chất một tác phẩm địa phương chí mà còn chứa đựng phẩm chất của một công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Cuốn sách đã cung cấp cho chúng tôi những tri thức có hệ thống, đa dạng, toàn diện, cả bề rộng lẫn bề sâu về quê hương Quảng Trị thân yêu. Chúng tôi tin rằng mỗi  người Quảng Trị, đặc biệt là con em Quảng Trị sống xa quê nhà và cả những bạn bè gần xa nặng lòng yêu mến Quảng Trị sẽ có cảm nhận như chúng tôi khi đọc cuốn sách này. Mỗi người, chắc chắn được thấy rõ bức tranh toàn cảnh về Quảng Trị nói chung, sẽ nhận ra những đường nét, những chi tiết liên quan tới huyện mình, xã mình, làng mình nói riêng, qua từng trang sách”.

Cách đây không lâu, tôi được xem bản thảo cuốn Địa chí Quảng Trị do tỉnh Quảng Trị “đặt hàng” Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế) thực hiện. Về mặt tư liệu, tôi cho rằng bản thảo còn hạn chế và cho đến nay cuốn địa chí này vẫn chưa xuất bản được vì còn nhiều vấn đề, lĩnh vực cần phải bổ sung, hoàn thiện. Trong hoàn cảnh đó thì cuốn sách “Non nước Quảng Trị” của ông Nguyễn Đình Tư sau những năm tháng thăng trầm cùng tác giả và thời cuộc, được Ban liên lạc Đồng hương Quảng Trị tại TP Hồ Chí Minh tài trợ xuất bản năm 2011 là một nguồn tài liệu quý hiếm. Những người có chức trách xuất bản Địa chí Quảng Trị có thể xem đây là cuốn sách cần tham khảo để trong tương lai gần, Quảng Trị có một công trình địa chí hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của người Quảng Trị ở trong và ngoài tỉnh, của những ai từng yêu mến mảnh đất nắng gió, nghèo thiếu mà chan chứa ân tình này.

 

M.T 

 

Minh Tứ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 223 tháng 04/2013

Mới nhất

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

19/05/2024 lúc 01:23

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

15/05/2024 lúc 00:32

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/05

25° - 27°

Mưa

22/05

24° - 26°

Mưa

23/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground