Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chí Minh từ góc nhìn thi pháp

T

rong sự nghiệp sáng tác của mình, Bác Hồ có 8 bài thơ chữ Hán đề cập đến trăng: Vọng nguyệt, Trung thu (hai bài), Thu dạ, Nguyên tiêu, Báo tiệp, Đối nguyệt, Ly Bắc Kinh. Nhưng nói trực tiếp đến việc ngắm trăng, lấy trăng làm đối tượng cảm hứng thì có ba bài. ba bài thơ xuất hiện ở ba thời kỳ với ba hoàn cảnh và bộc lộ ba tâm trạng khác nhau: bài đầu tiên Ngắm trăng viết năm 1942 khi Bác còn bị giam trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, chỉ ngồi nhìn trăng qua cửa sổ rồi tưởng tượng trăng cũng luồn theo khe cửa hẹp ấy vào tận nhà lao chia sẻ với mình: “Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”. Lần ngắm trăng thứ hai là bài Cảnh khuya viết năm 1947 khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới tiến hành được hơn một năm. Lần ấy trăng và hoa quyện vào nhau trong một bức tranh tuyệt đẹp: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” nhưng tâm trạng Bác lại đang âu lo, rối bời trước bao ngổn ngang của hiện thực nước nhà khi mới tiến hành cuộc kháng chiến gian khổ nên “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Chỉ có lần này, trong bài Nguyên tiêu là lần Bác được thanh thản nhất lúc ngắm trăng. Đây là thời kỳ chúng ta vừa giành được nhiều thắng lợi quan trọng: Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1948, tiếp đó lại đánh trận thắng lớn trên đường số Bốn; giờ đây Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có thể nghĩ đến một giai đoạn mới với một tình thế khác của cuộc kháng chiến. Vì thế Bác được ngắm trăng trong hoàn cảnh chủ động với sự thanh thản, nhất là khi đã xong buổi “đàm quân sự”.

Bài Nguyên tiêu được viết bằng chữ Hán, nguyên văn như sau: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”. Đã có ít nhất hai bản dịch bài thơ này của Xuân Thủy và Phạm Minh Khải, trong đó bản dịch của Xuân Thủy là bản đầu tiên và cũng là bản dịch thành công nhất: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn bầu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Trong đó chỉ có câu thứ hai dịch là “Sông xuân nước lẫn bầu trời thêm xuân” theo tôi không dứt khoát, mạnh mẽ bằng câu nguyên tác: “Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên”. Ở câu này, Bác dùng ba chữ xuân liên tiếp rất dứt khoát, rất khẳng định: mùa xuân tưới đẫm sắc màu lên cả sông, nước, trời chứ không phải chỉ, nó là những nét vẽ đặc sắc làm nổi bật cái “thần” của cảnh vật sông, nước và bầu trời. Vì thế, thiếu đi một chữ “xuân” là sẽ làm nhạt đi sắc màu câu thơ. Phạm Minh Khải dịch câu này là: “Xuân sông xuân nước xuân trời lung linh”. Rất được. Nhưng câu ba và bốn thì lại không hay bằng bản dịch của Xuân Thủy (Bàn trong khói sóng việc binh/ Nửa đêm về cứ trăng linh láng thuyền!).

Trong thơ cổ, nhất là Đường thi, hình tượng mây, tuyết, trăng, hoa, sông, núi, khói sóng, thuyền,…rất phổ biến và đã trở thành một. Bài Nguyên tiêu của Bác cũng mang phong vị Đường thi với đầy đủ hình tượng trăng, mây, nước, sông, thuyền, khói sóng, nửa đêm trở về,…như vậy. Điểm khác biệt căn bản ở đây là Bác dùng motip cũ để lồng vào đấy một nội dung mới, nội dung cách mạng. Chẳng hạn, thơ Đường viết về thuyền và trăng thường chỉ mang tính thưởng ngoạn và thường man mác buồn như Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị “Thuyền mấy lá đông - tây lặng ngắt/ Một vầng trăng trong vắt lòng sông” (bản dịch) cho thấy một không gian quá tĩnh mịch và lạnh lẽo; viết về khói sóng (yên ba) là để nói lên nỗi lòng lữ khách tha hương như Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” (bản dịch); viết về nửa đêm (dạ bán) cũng để nói đến sự ra đi, sự chia ly như trong Phong kiều dạ bạc của Trương Kế: “Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn” (bản dịch),… Nhưng các hình tượng ấy trong Nguyên tiêu của Bác Hồ thì khác hẳn: thuyền là thuyền đầy sức sống với tiếng người bàn bạc, trăng là vầng trăng tròn đầy, sáng trong làm ngọn đèn soi cho Bác và Trung ương bàn công việc và cũng gợi lên sự sáng tỏ của đường lối cách mạng. Trăng ở đây rất vui, rất sáng, “lồng lộng” “soi” (nguyệt chính viên), dát bạc lên cả dòng sông, cả con thuyền, trăng ngập thuyền, thuyền chở trăng: “trăng ngân đầy thuyền”. Khói sóng trong Nguyên tiêu cũng không phải là nỗi sầu nhớ quê hương mà là sự sôi nổi bàn bạc công việc hệ trọng của đất nước, của cuộc kháng chiến (đàm quân sự). “Dạ bán quy lai” trong thơ Bác cũng không phải là cảnh chia ly buồn bã như Trương Kế mà là khung cảnh lộng lẫy “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Quả là Bác đã đưa cái chất thép, sự mạnh mẽ của khí thế tiến công Cách mạng như Người đã từng viết: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Đây là điểm khác biệt rất lớn, rất căn bản phong vị Đường thi của thơ Bác với thơ Đường cổ và cả những người làm thơ Đường luật thiên về kỹ thuật, thưởng ngoạn sau này.

Chúng ta biết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà Cách mạng lỗi lạc mà còn là nhà văn hóa lớn, một nghệ sĩ đích thực. Hồi viết báo, viết văn ở Pháp, người Pháp gọi Bác là một trí thức rất Pháp; hồi viết tập thơ Nhật ký trong tù ở Trung Quốc, nhà văn Quách Mạt Nhược cho rằng: “Nếu để thơ Bác lẫn với thơ Đường, thơ Tống thì không phân biệt được đâu là thơ Bác, đâu là thơ Đường, thơ Tống” ngày xuân đầu tiên về đến Việt Nam năm 1941 khi Bác viết “Mấy lời thành thật nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân” người ta lại khẳng định: đây là nhà thơ thuần Việt! Vậy Bác là ai? Đơn giản, Bác là một người thấm đẫm văn hóa Việt. Người nghệ sĩ ấy thường trực một tâm hồn nhạy cảm: ở trong ngục nghe một tiếng khóc trẻ con, thoáng một chút hương hoa hồng vừa nở, một ánh trăng lọt qua khe cửa hẹp,…Tất cả, tất cả đều làm rung lên thành cảm hứng dạt dào, mãnh liệt, dồn nén đến mức làm bật ra những hình tượng thơ xuyên suốt thời gian. Nhưng đọc sáng tác của Bác cần nắm vững một điều căn bản: dù Bác viết văn bản gì cũng tuân thủ nguyên tắc: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Những văn bản ấy đều xuất phát từ hành vi chính trị trực tiếp, mà hành vi chính trị lớn nhất cuộc đời Bác là giành độc lập tự do cho dân tộc để “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Bài Nguyên tiêu trên đây cũng thế. Dù tâm hồn nhạy cảm, dù trăng thu ở thời khắc “nguyệt chính viên”, chắc chắn Bác không thể bỏ qua nhưng ưu tiên trước hết vẫn là “đàm quân sự” đã. Chỉ đến lúc xong công việc, lúc “dạ bán quy lai”, Bác mới thơ thới ngắm “nguyệt mãn thuyền”. Một tâm hồn nghệ sĩ lớn nhưng trong mọi hoàn cảnh, Bác vẫn luôn nhớ trước hết mình là một nhà Cách mạng. Bài Nguyên tiêu trên đây là một trong những ví dụ tiêu biểu cho thi pháp ấy.

T.T.L

TRẦN THỊ LÝ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 234 tháng 03/2014

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

13 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

13 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

13 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

13 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground