Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đưa cuộc sống vào tác phẩm để đưa tác phẩm đến với cuộc đời

1.

 Ngay từ trong những mầm mống đầu tiên đánh dấu sự ra đời của mình, văn học, nghệ thuật đã bao hàm trong nó nhu cầu và nhân tố nhận thức. Và sau này, khi văn học, nghệ thuật đã phát triển mạnh, trở thành một hình thái ý thức xã hội độc đáo và mang tính độc lập, nhân tố nhận thức ngày càng phát triển phong phú, sâu sắc, đa dạng. Vậy, nghệ thuật nhận thức cái gì? Đó là sự nhận thức hiện thực khách quan ngoài mình (con người) và tự nhận thức chính mình (con người). Nhu cầu và khát vọng nhận thức hiện thực (xã hội và con người) là một thuộc tính của văn học nghệ thuật dù văn học, nghệ thuật ra đời và phát triển trong bất cứ thời kỳ nào của lịch sử, dù phương pháp, phương thức sáng tạo được sử dụng để đạt tới nhu cầu đó là hết sức khác nhau và dù người sáng tạo có tự giác chấp nhận hay không chấp nhận chức năng nhận thức đó của văn học, nghệ thuật.

Thuộc tính trên của văn học, nghệ thuật xuất phát từ bản chất xã hội của nó, vì nó là một hình thái ý thức xã hội. Theo phản ánh luận mác-xít: “Vận động của tư duy chỉ là sự phản ánh của vận động hiện thực được di chuyển vào và được cải tạo trong đầu óc con người” (Mác) và “Kết luận mà chủ nghĩa duy vật lịch sử lấy làm cơ sở cho nhận thức luận của mình một cách tự giác là: có những đối tượng, vật, vật thể tồn tại ở ngoài chúng ta, không lệ thuộc vào chúng ta vàcảm giác của chúng ta đều là hình ảnh của thế giới bên ngoài”(Lênin). Theo quy luật đó, là một hình thái ý thức xã hội mang đặc trưng rất độc đáo, văn nghệ có thuộc tính, có nhu cầu, có nhiệm vụ và năng lực nhận thức hiện thực.

Phản ánh luận mác-xít trước hết là vấn đề của triết học, nhưng đồng thời cũng là vấn đề cốt lõi của mỹ học, do đó nó là cơ sở để lý giải một cách khoa học quan hệ giữa văn học, nghệ thuật với hiện thực. Song, phải khẳng định ngay rằng, trong nội hàm của phản ánh luận không bao giờ chỉ là sự phản ánh bề mặt, sao chép, máy móc đơn giản, mà bao hàm đồng thời một hệ thống các yêu cầu không tách rời nhau: phản ánh gắn liền với nhận thức và hiểu biết, phản ánh với năng lực biểu hiện nhân tố chủ quan của chủ thể phản ánh, phản ánh với khám phá sáng tạo… đúng như Lênin từng khẳng định: “Ý thức con người không phải chỉ nhận thức thế giới khách quan mà con sáng tạo ra thế giới khách quan”.

Đối với các hình thái ý thức như khoa học, chính trị thì giá trị của sự phản ánh nằm ở tính đúng đắn và chính xác của nó, còn với đặc trưng của riêng mình, giá trị của sự phản ánh và nhận thức bằng văn học, nghệ thuật lại thể hiện ở tính chân thật và sáng tạo. Có nghĩa là, trong quan hệ với hiện thực, văn học, nghệ thuật luôn luôn là chủ thể “hiểu biết, khám phá và sáng tạo”, như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh đặc trưng của văn học, nghệ thuật. Sự thống nhất, xuyên thấm vào nhau giữa các chủ thể và khách thể là đặc trưng của sự phản ánh, nhận thức hiện thực bằng văn học, nghệ thuật. (Chế Lan Viên đã có lần nhận xét, tác phẩm nghệ thuật là sự kết hợp của hai dòng máu: máu của cuộc đời và máu của chính mình). Trao đổi với họa sĩ Maragam, Lênin nhắn nhủ: “Nghệ sĩ không nên bắt chước ai cả. Nghệ sĩ cần độc đáo” và khi xem một bức tranh của chính Maragam, Lênin đã hóm hỉnh nhận xét: “Cố nhiên ở đây có sự giống nhau rất rõ giữa nguyên mẫu với bức tranh, nhưng tôi không nhìn thấy anh trong bức chân dung đó”. Điều nhận xét đó chỉ ra rằng, không có nhân tố chủ quan của chủ thể phản ánh trong kết quả phản ánh sẽ không thể tạo thành tác phẩm nghệ thuật đích thực, bởi nói đến nghệ thuật là nói đến lý tưởng thẩm mỹ, là sự vươn lên, sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, là sự tạo ra “thiên nhiên thứ hai” (M.Gorki) của nghệ thuật. Vì vậy, quy chiếu mối quan hệ giữa văn nghệ với hiện thực, xác định nhận thức hiện thực là thuộc tính của nghệ thuật không có nghĩa là đồng nhất hiện thực và chân lý nghệ thuật với hiện thực và chân lý cuộc sống. Nghệ thuật là sự phản ánh, nhận thức, chiếm lĩnh, khám phá, sáng tạo và đồng hóa hiện thực theo cách riêng của nó.

2. Đối với văn học, nghệ thuật, hiện thực với tư cách là đối tượng của nó, luôn luôn hiện ra trong tính toàn vẹn, thống nhất giữa vĩ mô và vi mô, được nhận thức và khám phá theo chiều dọc thời gian (quá khứ, hiện tại và tương lai) và theo cả lát cắt ngang với những vấn đề của cuộc sống trong từng giai đoạn, thời điểm cụ thể. Trong cái hiện thực cực kỳ phong phú, đa dạng đó, bao giờ, con người và những vấn đề về số phận con người cũng là đối tượng chủ yếu của văn học, nghệ thuật. Khi đặt vấn đề văn học, nghệ thuật vớihiện thực đất nước hôm nay, không có nghĩa là hạ thấp hay thu hẹp đối tượng nhận thức của nghệ thuật. Quá khứ và cả tương lai đều thuộc phạm vi chiếm lĩnh của văn học, nghệ thuật. Song, lịch sử văn học, nghệ thuật đã minh chứng rằng, nếu đó là một nền văn học, nghệ thuật có nội lực mạnh, có khát vọng lớn, thì nó luôn luôn là người đồng hành nhiệt huyết, tỉnh táo và tin cậy của cuộc sống và con người cùng thời với nó. Mẫn cảm và kịp thời bám sâu vào thời cuộc, khám phá những vấn đề đang  đặt ra trong thời cuộc đó, với tư thế là người trong cuộc, hiểu biết cả “tim đen, tim trắng” của nó như khát vọng của M.Gorki để từ đó, không chỉ sáng tạo nên những tác phẩm “kịp thời” mà còn có khả năng tạo ra những tác phẩm “để đời” cho mai sau, đó là một bài học nghệ thuật lớn trong lịch sử nghệ thuật và đồng thời cũng chính là một thách thức gay gắt đối với những người sáng tạo văn học, nghệ thuật hôm nay, bởi vì ở thời đại của chúng ta hôm nay, thời đại mà con người có đủ năng lực và trí tuệ nhìn nhận hết sức tỉnh táo mọi sự vật, hiện tương, biến cố và số phận của mình, của đồng loại thì đòi hỏi nhận thức và khám phá hiện thực hôm nay đối với văn học, nghệ thuật cần phải nhấn mạnh và đề cao hơn bao giờ hết.

Điều đó có nghĩa là, công chúng nghệ thuật luôn luôn cần và chờ đợi ở những người sáng tạo nghệ thuật cùng thời với họ những lý giải, những tìm kiếm, kể cả những trăn trở, lo toan và dự báo…. về cuộc sống mà chính họ đang sống, về những vấn đề mà chính họ đang tự giải đáp và trong đó, không ít vấn đề còn chưa giải đáp….

Lẩn tránh những đòi hỏi đó, phải chăng, nghệ thuật đã tự tước đi một sứ mệnh cao quý vốn có của nó, một lý do căn cốt nhất lý giải sự tồn tại và phát triển của nó và cái còn lại, lúc đó, văn học, nghệ thuật chỉ là anh “hề đồng” chạy theo cuộc sống.

3. Vậy, từ góc nhìn là đối tượng của văn học, nghệ thuật, cần hiểu hiện thực hôm nay của đất nước ta là gì? Là đối tượng của nghệ thuật, trong tính toàn vẹn và tính thẩm mỹ của nó, hiện thực đó hiện ra với rất nhiều đặc trưng, tính độc đáo, không trùng hợp haylặp lại so với bất kỳ thời kỳ nào trong lịch sử của đất nước chúng ta.

Dân tộc ta đang đứng trước một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử cực kỳ sâu sắc, chưa bao giờ diễn ra trong tiến trình lịch sử nghìn năm của mình. Các đặc điểm sau đây minh chứng nhận định không hề cường điệu đó: Công cuộc đổi mới đang đang đi vào thời điểm nhiều thách thức và cơ hội mới đòi hỏi phải bứt phá và đi vào chiều sâu; sự nghiệp CNH, HĐH đang được đẩy mạnh với sức cuốn hút lớn; kinh tế thị trường phát triển như một sức bật mới lâu ngày bị kìm hãm; hội nhập quốc tế luôn là sức hút mãnh liệt, không thể né tránh hay kìm giữ. Chúng ta đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển và đang nỗ lực phấn đấu vươn lên thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Phải chăng đó vừa là ước mơ ngàn đời mà dân tộc ta, trong lịch sử lâu dài, chưa lúc nào thực hiện được, vừa là một hiện thực đang biến đổi, biến động quyết liệt, dữ dội từ trong chiều sâu nhất của nó. Đường hướng phát triển của đất nước “ngày càng rõ hơn”, song không ít những vấn đề, vĩ mô đến vi mô, đang còn bộn bề, ngổn ngang và những ẩn số chưa giải đáp được.

Trong bối cảnh đó, hiện thực hôm nay của đất nước hiện ra là những cuộc đụng độ âm thầm mà quyết liệt, phức tạp, diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trong xã hội và trong từng con người, giữa cái mới và cái cũ, giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa cao thượng và thấp hèn, giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện và ác… Xu hướng chiến thắng của cái mới là hiện thực, song cần nhận rõ rằng, các cuộc đụng độ đó, không phải lúc nào, ở đâu cũng có kết cục tốt đẹp thuộc về chân, thiện, mỹ. Sự biến đổi, phát triển và nhiều khi sự đảo lộn các giá trị vốn có trong xã hội đang diễn ra để tìm kiếm các giá trị mới, và có lúc, sự tìm kiếm đó phải còn cần nhiều thời gian, nỗ lực hơn nữa để đi tới đích. Phải chăng, đó là hiện thực hôm nay với tư cách là đối tượng của văn học, nghệ thuật cùng thời của nó.

Đặc trưng nổi bật của hiện thực hôm nay là sự chuyển động, biến đổi, biến động không ngừng, mau lẹ, phức tạp và khó lường trên tất cả các bình diện, các lĩnh vực của đời sống trong các mối quan hệ xã hội cơ bản và trong từng cá thể. Có nghĩa là, đối tượng ấy của văn học, nghệ thuật hôm nay là mục tiêu di động. (Hiện thực quá khứ, dù trong tất cả tính phức tạp của nó, đối với người sáng tạo, vẫn là một hiện thực đã định hình). “Ngắm bắn” mục tiêu di động đó, cần hơn bao giờ hết là bản lĩnh, là tài năng, là sự mẫn cảm, vừa tâm huyết và vừa tỉnh táo… nếu không, sẽ bắn trượt và buồn hơn, là lúng túng, bất lực hoặc lẩn tránh đứng ngoài “cuộc chơi”…

Hiện thực hôm nay, nhìn trong sự vận động cơ bản của nó, đang diễn ra theo chiều hướng phát triển tốt đẹp, song cả xã hội và từng con người đang phải tìm kiếm, giải quyết những vấn đề chưa từng có tiền lệ. Từ sức mạnh nội sinh của dân tộc, cái tốt đang vật vã và kiên cường vươn lên mặc cho cái xấu, cái ác đang có thời cơ trỗi dậy, sự đan xen, trộn lẫn tốt - xấu, thiện - ác, sự đảo lộn các giá trị đang đặt ra cho cả xã hội những bài toán khỏ giải… Trong tình thế đó, cuộc đấu tranh chống cái ác, cái tiêu cực, như tham nhũng, quan liêu, thoái hóa, biến chất diễn ra đầy cam go, nhiều thách thức. Sức mạnh đấu tranh của nhân dân ta, dân tộc ta là cực kỳ to lớn, song đó không phải là một công thức để văn học, nghệ thuật lúc nào cũng phải gượng ép đi tới “kết thúc có hậu” trong quá trình miêu tả, khám phá, phân tích cuộc đấu tranh đó bằng nghệ thuật. Đồng thời, chính trong tương quan đó mà việc phát hiện, nâng niu, bảo vệ và khẳng định cái mới, cái thiện, cái đẹp trong cuộc sống thể hiện sâu nhấtphẩm chất nhân văn của văn học, nghệ thuật ở giai đoạn đặc biệt này. Với những cảm nhận trên về đối tượng của văn học, nghệ thuật – hiện thực đất nước hôm nay – người viết không có ý định trình bày theo “chủ nghĩa đề tài” như một thời trước đây đã có lúc ngộ nhận, nhấn mạnh phiến diện, làm nhạt nhòa yêu cầu tối thượng về chất lượng, tính độc đáo của sự phản ánh bằng nghệ thuật, song cũng phải dự báo về một quy luật của sự phản ánh đó: vừa chiếm lĩnhhiện thực trong tất cả các lĩnh vực cụ thể, các bình diện của nó, vừađồng hóa hiện thực đó bằng sức mạnh, đặc trưng riêng, để có một hiện thực nghệ thuật độc đáo, duy nhất, không lặp lại. Hay nói cách khác, chiều rộng và chiều sâu của sự nhận thức, khám phá và biểu hiện hiện thực hôm nay là một sự yêu cầu nội tại, đánh dấu sự phát triển về trình độ và năng lực của một nền nghệ thuật. Đó là nhu cầu của bản thân nghệ thuật, không phải là sự áp đặt từ bên ngoài đối với nghệ thuật.

4. Vậy, trong những năm gần đây, văn học, nghệ thuật nước nhà đã phản ánh, khám phá như thế nào hiện thực hôm nay của đất nước? Đây là công việc lớn cần của nhiều cuộc trao đổi, thảo luận tập thể của các nhà khoa học, của những người sáng tạo văn học, nghệ thuật. Vì lẽ đó, ở bài viết này chỉ có thể phác thảo sơ bộ một vài cảm nhận vắn tắt nhất, như là một ý kiến khởi đầu.

Rõ ràng là, so với hiện thực trước đây, đối với người sáng tạo văn học, nghệ thuật, hiện thực hôm nay của đất nước với tất cả những đặc trưng như đã sơ bộ trình bày trên đây, là một đối tượng “gai góc”, chứa đựng nhiều thách thức đối với người sáng tạo. Vượt qua những khó khăn đó, văn học, nghệ thuật của chúng ta đã nhọc nhằn, nỗ lực đạt được những kết quả đáng mừng. Bên cạnh khuynh hướng tiếp tục phản ánh các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc với cảm hứng sử thi và tầm khái quát, năng lực phân tích mới là sự nỗ lực mở rộng phạm vi chiếm lĩnh hiện thực, phát hiện những vấn đề nóng bỏng, bức xúc của đời sống hôm nay, trên nhiều bình diện, nhiều góc cạnh khác nhau, là sự phát triển khá mạnh khuynh hướng quan tâm đến cuộc sống bình dị, nhiều góc cạnh đời thường của con người, làm phong phú hơn và sâu thêmchủ nghĩa nhân văn của văn học, nghệ thuật hôm nay. Mặt khác, văn học, nghệ thuật đã trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh hoàn thiện con người, góp phần làm lành mạnh các quan hệ xã hội, nhạy bén và mạnh dạn phơi trần, lên án, tố cáo cái xấu xa, độc ác, đen tối, các biểu hiện thoái hóa, biến chất về nhân cách, đạo đức, lối sống của con người. Nỗ lực đó của văn học, nghệ thuật có tác dụng cảnh báo, phản biện có hiệu quả, góp phần ngăn chặn xu hương tiêu cực đang nảy sinh trong đời sống xã hội. Đạo đức xã hội với rất nhiều vấn đề nóng bỏng, bức xúc, tạo ra những lo lắng sâu sắc trong xã hội, là một chủ đề lớn thu hút sự quan tâm của hầu hết các ngành nghệ thuật, đặc biệt là văn học, thể hiện trách nhiệm xã hội và vai trò công dân của văn nghệ sĩ.

Tác động trực tiếp và cuối cùng của hiện thực hôm nay được thể hiện sâu sắc, cụ thể, sinh động trong đường đời và số phận con người. Ở đó, con người đứng vững, vươn lên hay gục ngã, biến dạng dưới tác động đó. Vừa cố gắng miêu tả, biểu hiện các lĩnh vực, bình diện khác nhau của hiện thực hôm nay, vừa dành sự quan tâm nhiều nhất để mở rộng biên độ sang lĩnh vực thuộc về chiều sâu của đời sống và số phận, thân phận con người với những biểu hiện phức tạp, thầm kín, đa chiều. Phải chăng, đây là một dấu hiệu mới của sự phát triển tư duy nghệ thuật của người sáng tạo hôm nay. Có thể thấy thiếu vắng những đề tài cụ thể, những mảng hiện thực quan trọng, những sự kiện lớn manh tính thời sự của đất nước, những xúc cảm của cái “ta cộng đồng” trước những sự kiện lớn đang diễn ra – điều đó là hạn chế rất dễ nhận thấy, không thể lẫn tránh, cần bổ sung, cần khắc phục, song không phải vì vậy mà coi nhẹ kết quả đạt được của việc phân tích, lý giải số phận con người như là sản phẩm của hiện thực hôm nay và cũng là đối tượng trọng yếu nhất của văn học, nghệ thuât.

Trong khi hiện thực đang vận động, biến đổi mãnh liệt, khẩn trương, luôn luôn chứa đựng những bất ngờ khó dự tính hết, thì phải chăng, văn học, nghệ thuật của chúng ta những năm gần đây tỏ ra chậm chạp, lúng túng trong cách tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống hiện đại, chưa cảm nhận được chiều sâu, ý nghĩa của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử của thời kỳ mới của đất nước - thời kỳ công cuộc đổi mới phải được triển khai toàn diện và đi vào chiều sâu, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đã qua rồi thời kỳ yêu cầu văn học, nghệ thuật lấy nhiệm vụ chủ yếu chỉ là ca ngợi và khẳng định cuộc sống “trong quá trình phát triển cách mạng của nó”, mặc dù xu thế vận động của hiện thực là nhiều triển vọng với niềm tin vững chắc vào sự thắng lợi của công cuộc đổi mới, song chính vì điều đó mà văn học, nghệ thuật phải khám phá tận cùng và miêu tả khách quancon đường chông gai, gian khổ để có thể đi tới đó. Lúc này, trong hiện thực đang diễn ra những cuộc va chạm, cọ xát mạnh mẽ giữa các giá trị trong đời sống xã hội, cộng đồng và trong từng con người, và hiển nhiên là, hiện trạng đó chưa thể đi đến kết thúc. Con người – công chúng hôm nay của nghệ thuật – có nhu cầu hiểu biết tường tận cuộc sống xung quanh và số phận của mình, niềm tin của họ vào cuộc sống phụ thuộc chủ yếu vào sự nhận biết thực chất đó, vì vậy, họ yêu cầu ở văn học, nghệ thuật sự đồng hành tỉnh táo với họ, chứ không phải vội vàng vẽ ra cái tương lai tất yếu chưa đến, cái kết quả cuối cùng của “quá trình phát triển cách mạng” như một công thức, một định đề lý thuyết. Mặt khác, đi ngược lại khuynh hướng trên, lại xuất hiện trong những năm gần đây không ít tác phẩm sa vào những chuyện vụn vụt, quẩn quanh, ít ý nghĩa đối với đời sống xã hội và công chúng. Đồng thời, đang phát triển một khuynh hướng cực đoan là nghiêng về khai thác, tô đậm mặt đen tối, tiêu cực, thậm chí một số tác phẩm cố tình bôi đen hoặc phỉ báng, phủ nhận mặt tốt đẹp, tích cực của cuộc sống hiện tại. Có biểu hiện tuyệt đối hóa đời sống cá nhân với những nỗi đau, tâm sự u uất, lẩn quẩn, tầm thường, quay lưng lại với những vấn đề nóng bỏng, bức thiết của đời sống. Xu hướng thương mại hóa, hạ thấp chức năng nhận thức và giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí và đề cao thái quá sự tự biểu biện “cái tôi nghệ sĩ” có chiều hướng phát triển dưới nhiều biểu hiện phức tạp. Loại sản phẩm “ăn khách”, chạy theo thị hiếu thấp kém xuất hiện ngày một nhiều như truyện sex, vụ án, thơ tình ủy mị, gào thét sướt mướt, phim truyện với những mối tình giật gân nhưng cũ mòn, tranh ảnh khỏa thân thẩm mỹ thấp kém, kiến trúc thị dân phô trương, bắt chước, nhại cổ, sân khấu hài gây cười “cơ giới”, thô tục, rẻ tiền… đang trở thành một vấn nạn, tác động xấu đến thị hiếu công chúng và làm ô nhiễm đời sống văn học, nghệ thuật, môi trường văn hóa – xã hội. Thực trạng trên đã làm tổn hại đến uy tín của văn học, nghệ thuật, niềm tin của công chúng đối với văn học, nghệ thuật của chúng ta.

Từ những thành công và những gì chưa đạt được trong xử lý bằng nghệ thuật quan hệ giữa hiện thực hôm nay của đất nước với văn học, nghệ thuật, những người sáng tạo tự tìm ra cho mình những bài học, những kinh nghiệm cần thiết. Phải chăng, kinh nghiệm nghệ thuật ở mọi thời đại là ở chỗ, những tài năng nghệ thuật bao giờ cũng đồng thời là người của tư duy, của tư tưởng, của năng lực và khát vọng thấu hiểu, khám phá cuộc sống, trở thành người trong cuộc, sống hết mình với cuộc sống, với những người cùng thời. Sự đồng cảm, yêu thương, hóa thân vào cuộc đời, vào những người bình thường đang làm nên cuộc sống hôm nay sẽ là cội nguồn tạo ra những tác phẩm có khả năng khám phá chiều sâu của hiện thực và số phận con người hôm nay. Điều đó có nghĩa là, tài năng, tâm huyết và sự trải nghiệm cuộc đời rộng lớn là nhu cầu tự thân của những sáng tạo đích thực để đưa cuộc đời vào tác phẩm, và để đưa tác phẩm đến với cuộc đời. Ở đây, có những điều người nghệ sĩ phải tự làm không ai làm thay được họ, không nên giáo huấn hay chỉ bảo họ, song, cần hơn bao giờ hết sự định hướng, sự trợ giúp, tạo điều kiện ở mức tốt nhất để người nghệ sĩ tham gia vào cuộc sống như chính họ làm ra nó để phát huy cao nhất tài năng, tâm huyết, dự định sáng tạo của họ. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (6/2008) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, nếu đượchiện thực hóa, chắc chắn kết quả của nó còn cao hơn cả mong ước của những người sáng tạo và hoạt động văn học, nghệ thuật.

5. Để tập hợp phát huy trí tuệ, sự trải nghiệm, kinh nghiệm của tập thể các nhà khoa học, các nhà lý luận, phê bình, những người sáng tạo văn học, nghệ thuật cùng nhau lý giải một vấn đề lớn và rất thời sự của đời sống văn nghệ nước nhà: “Văn học, nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay”, xin đề nghị chúng ta quan tâm vào một số vấn đề sau:

a. Tiếp tục lý giải mối quan hệ giữa văn học, nghệ thuật và hiện thực trên cơ sở tư duy lý luận mới và thực tiễn văn học, nghệ thuật mới.

b. Lý giải các xu hướng vận động và biến đổi của hiện thực đất nước hôm nay với tư cách là đối tượng của nghệ thuật; chỉ ra những yếu tố tác động, những cái mới đang hình thành, những vấn đề đang đặt ra từ khi đất nước đổi mới đến nay, từ đó trao đổi về yêu cầu, các phương thức chiếm lĩnh bằng nghệ thuật hiện thực cuộc sống.

c. Từ thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật đương đại, đánh giá cái được và chưa được, những vấn đề đặt ra trong việc phản ánh, nhận thức và khám phá hiện thực đất nước hôm nay của văn học, nghệ thuật; lý giải các hiện tượng, kết quả mới, các khuynh hướng đang diễn ra trong đời sống sáng tác và lý luận, phê bình; đề xuất những yêu cầu, luận điểm, giải pháp về mặt lý luận.

d. Những yêu cầu và vấn đề đặt ra đối với văn học, nghệ thuật khi đi vào đề tài đấu tranh chống cái xấu, cái ác, chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội hiện nay.

e. Dựa trên đặc trưng, đặc thù của từng loại hình, loại thể văn học, nghệ thuật, suy nghĩ và gợi mở các hướng tiếp cận, các khả năng sáng tạo và cách tân về nội dung cũng như hình thức khi phản ánh, nhận thức, khám phá hiện thực đất nước hôm nay. Biểu dương những cái mới, cái tích cực, phê phán cái lỗi thời, cái tiêu cực trong sáng tác và trong lý luận, phê bình.

 

Đ.X.D

 

 

Đinh Xuân Dũng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 198 tháng 03/2011

Mới nhất

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

12 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

15/05/2024 lúc 00:32

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground