Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lép Tônxtôi, Nghệ thuật và Tôn giáo

L

. Tônxtôi (1828 - 1910) là nghệ sĩ vĩ đại. Điều đó cả thế giới đều biết từ lâu. Không có một con người nào có danh hiệu thiên tài hơn ông, phức tạp hơn ông, mâu thuẫn hơn ông và tuyệt vời hơn ông. Tônxtôi là con người toàn diện. Nhưng nếu trong triết học, đạo đức, mỹ học, tôn giáo của ông có điều bất nhất thì không có gì lạ, bởi chúng là tấm gương phản ánh thế giới quan đầy mâu thuẫn của nhà văn bậc thầy đã sống và sáng tạo trong một thời đại biến động dữ dội ở nước Nga từ năm 1861 đến năm 1905-1907, khi chế độ nông nô đã sụp đổ và chế độ tư bản “đang được sắp xếp”. Đó là chưa nói đến sở  thích, thị hiếu, cá tính v.v… ví như “thái độ thù địch và không khoan nhượng đối với phụ nữ và thích trừng phạt họ, nếu họ không phải là Kitty hay Natasa Rôxtôva, nghĩa là không tầm thường và thiển cận như hai người phụ nữ này” (lời M. Gorki). Còn ví dụ sau đây đối với Sếchxpia (Shakespeare William – 1564 -1616) thì Tônxtôi quả là nhà phê bình đáo để. Tônxtôi phê bình gay gắt nhiều tác phẩm của nhà viết kịch nước Anh, coi tính cách Hămlét là câu đố không giải được, nhưng không một ai dám nói cái điều cấm kỵ “vua phải ở trường”. Vở kịch lấy chất liệu từ truyện cổ nước Ý với tính cách Hămlét rõ ràng, câu chuyện đầy kịch tính: Hămlét giận dữ trước việc làm xấu xa của chú và mẹ, mốn trả thù họ nhưng lại sợ chú có thể giết mình như đã từng giết cha; nên để làm việc đó, chàng giả vờ điên…Tônxtôi đặt câu hỏi: Nhưng tại sao lại đặt vào miệng Hămlét những lời nói của Sếchxpia muốn nói ra, bắt Hămlét không làm những gì mà chàng muốn, trái lại phải làm những gì mà tác giả cần. Nhà văn Nga đã phê phán nhiều nhà phê bình đương thời vì quá tán tụng thiên tài của Sêchxpia mà không dám chỉ ra những thiếu hụt, kỳ quặc trong các hình tượng Hămlét, Ôtenlô, Mắc bét. Ông là người đầu tiên phá vỡ thần tượng Sếchxpia ở châu Âu. Người thời đại sau không coi những kiến giải của Lép Tônxtôi là hoàn toàn xác thực, bởi vì khi phê phán Sêchxpia, Tônxtôi  đã xuất phát từ những yếu tố nằm ngoài nghệ thuật, sự đánh giá của văn hào dựa trên cơ sở lý tưởng đạo đức – tinh thần của chính mình.

L.Tônxtôi có dịp đọc nhiều tác phẩm của V.G Biêlinxki (1811-1848) đặc biệt là những bài viết về A. Puskin (1799-1837). Nhật ký của Tônxtôi ghi lại những nhận xét, những ý tưởng xao động khi đọc những đoạn văn tương hợp với chính kiến của mình. Có lần, Tônxtôi đã khóc bằng “những giọt nước mắt khoáng đạt” khi bắt gặp những dòng văn của nhà phê bình. Tônxtôi ghi lại: “Chân lý ở trong hành động - chỉ có thế. Để hiểu nhà thơ một cách chính xác, cần phải hiểu toàn bộ con người anh ta, sao cho ngoài anh ta, chúng ta không thấy một cái gì khác. Thế nhưng, chỉ ai có khả năng hiểu thơ ca một cách chính xác, chân thật, thì có thể lại không công bằng với các nhà thơ khác”. Trong những trang viết về Puskin, đặc biệt là ý tưởng đem đối lập lịch sử, triết học trong nghệ thuật với toán học và những chân lý vĩnh cửu của nó, Biêlinxki viết: “Sự chuyển động của toán học như một khoa học là nằm ở chỗ khám phá những con đường mới, ngắn nhất để đạt tới những kết quả bất biến. Trong lĩnh vực toán học không có tính ngẫu nhiên và võ đoán, còn lịch sử, triết học, nghệ thuật sống tự nhiên như tinh – khí – thần của con người, sống mãi, luôn luôn biến đổi và cách tân…”. Ý tưởng này rất gần với Tônxtôi, một trong những chân lý đạo đức cơ bản mà ông đã khám phá và lấy làm thú vị khi còn thời sinh viên.

L.Tônxtôi cũng rất thích những khái niệm được Biêlinxki phân biệt chuẩn xác: Tư tưởng thơ ca và tư tưởng thuần lý cảm hứng thơ ca không chỉ đối lập với trí tuệ, lý tính mà còn đối lập với nhiệt tình, đam mê. Ông viết: “tư tưởng” chảy ra  từ trí tuệ, nhưng nó sinh ra và sáng tạo sống động không phải trí tuệ, mà là tình yêu. Từ đó, một đường ranh giới được vạch ra phân biệt tư tưởng trừu tượng  tư tưởng thơ ca. Cái thứ nhất là cái kết quả của trí tuệ, cái thứ hai là hoa trái của tình yêu, của sự đam mê. Còn thế nào là cảm hứng? Thế nào là sự đam mê? Thuật ngữ cảm hứng có phần nghiêng về lĩnh vực đạo đực, còn đam mê thuộc bình diện cảm xúc. Đó cũng là những ý tưởng tương đồng của L.Tônxtôi  được ghi lại trong bức thư gửi cho Nêcraxốp và E.P. Kôvalepxki vào năm 1856 bàn về tình yêu và nghệ thuật.

L.Tônxtôi không quan tâm nhiều đến hệ thống quan điểm nghệ thuật của Biêlinxki. Nhà văn chỉ đọc những gì mà tìm thấy sự tương đồng với ý tưởng của mình. Ông thích thú tư tưởng của Gớt (Goethe J. W 1749-1832) trong việc kiến giải tác phẩm của Biêlinxki, coi đó là chỗ dựa những quan điểm của nhà văn về nghệ thuật và nghệ sĩ. Tônxtôi đã đọc nhiều lần bài báo thứ 5 của Biêlinxki viết về Puskin, gọi nó là “điều kỳ diệu”, là ánh sáng soi tỏ bản chất và ý nghĩa sáng tạo nghệ thuật. Puskin hiện lên trước Tônxtôi như một con người đang sở hữu bản năng chân lý - Tônxtôi đã tiếp tục câu chuyện của Tatiana trong Épghêni Ônêghin bằng sáng tạo hình tượng Anna trong tiểu thuyết Anna Karenina với một kiểu xung đột khác, một cách giải quyết khác ở một thời đại khác. Puskin là nhà thơ của trí tuệ, nhà thơ tôn thờtrí tuệ như một biểu tượng khách quan, còn Tônxtôi thường nói đến tư duy, trí tuệ. Puskin căm giận xua đuổi: “Bóng tối cút đi” còn Tônxtôi coi sự thiếu ánh sáng, tình trạng tối tăm là điều dữ v.v…

Trong lịch sử văn hóa nhân loại có một định đề xuyên suốt ở nhiều nghệ sĩ bậc thầy, đó là mối quan hệ giữatriết học, nghệ thuật và tôn giáo. Trục tam giác này hiện diện trong nhiều văn phẩm của L. Tônxtôi . Bàn về tôn giáo, Mác coi tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức(*). Ăngghen thì đinh ninh tôn giáo là sự phản ánh cái hư ảo vào đầu óc con người, Lênin  gắn tôn giáo với pháp luật và chính trị, khi Người với tư cách là chủ thể quản lý Nhà nước, còn M. Gorki nghĩ Thượng đế là sự bịa đặt và bịa đặt rất vụng nhằm củng cố quyền lực của giai cấp thống trị đối với đồng loại. Giá như Thượng đế là biểu tượng của điều Thiện thì hà cớ gì không tin hoặc chống lại đạo Cơ đốc. Tất cả sự nghèo nàn của tôn giáo mà các nhà kinh điển nói tới đều gắn với sự nghèo nàn của hiện thực và sự phản kháng chống lại sự nghèo nàn đó, nói tóm tắt là sự đối kháng giữa điều Thiện và cái Ác, mà điều này người đọc tìm thấy trong nhiều tác phẩm của Tônxtôi, đặc biệt trong Chiến tranh và hòa bình, Anna Karênina, phục sinh, Cha Xecghi và trong một số vở kịch(*), phản ánh học thuyết không tưởng: “không chống điều ác bằng bạo lực – một học thuyết hoàn toàn xa vời cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng trong những năm 1905 – 1907. Theo Lênin trong bài Lép Tônxtôi, học thuyết đó là thứ “tôn giáo mới được gạn lọc, được tinh chế thành món thuốc độc đối với quần chúng bị áp bức”.

Vậy Tônxtôi là ai? Vô thần hay sùng đạo, duy lý hay duy cảm? Căn cứ theo những bút ký, ghi chép của những đương thời, chúng ta biết nhà đại văn hào Nga hiểu sâu sắc Kinh Thánh, kinh Phúc âm, bàn nhiều về Thượng đế và đức tin. Ông nói hay về Hồi giáo trước cử tọa không dễ tính gồm nhiều tầng lớp xã hội, còn về Phật thì ông truyền đạt rành rẽ và bao giờ cũng với giọng đa cảm đặc biệt. Đạo Cơ đốc thì ông không yêu và không tha thiết lắm, không có một tia lửa chân thành của người cầu nguyện Chúa, còn thâm tâm thì thù ghét. Ông không thích những câu kinh tối nghĩa. Có nhiều câu chuyện trong kinh Phúc âm không làm ông hài lòng, ví như truyền thuyết sáu cái bánh mì và 12 con cá mà nuôi được cả nghìn người, mọi người đều no, còn đống xương bỏ lại nhặt đầy 12 chiếc hộp. Đúng là thứ bánh vẽ, hoang đường và đầy ảo tưởng. Dầu vậy thì kinh Phúc âm của Tônxtôi dễ tiếp nhận hơn vì nó hợp với bệnh trạng của dân tộc Nga. Nhà văn cũng như mọi tín đồ đều cầu Chúa coi mình là “thân thể chi Thánh của Đức Thánh Cha Liep phước lộc của chúng con”, “Chúa hãy thương lấy chúng con”, sống phải có đức tin, không thể thiếu Chúa và biết những kẻ tuẫn đạo, đau khổ vì đạo là những kẻ độc ác v.v… thì cuối cùng Lép Tônxtôi vẫn là người vô thần, khi ông lên án những nhạc sĩ ở nhà thờ dùng âm nhạc – một – “thứ kinh cầu nguyện câm của linh hồn” là những kẻ ngu ngốc, thiển cận, sùng đạo. Tônxtôi cũng như văn hào V.G. Kôrôlencô tin Chúa, nhưng lại xấu hổ không dám thú nhận trước mặt những người vô thần.

Tôn giáo của Tônxtôi là khía cạnh đầy mâu thuẫn trong học thuyết không tưởng thuộc hệ tư tưởng chế độ châu Á. Học thuyết Tônxtôi cũng có những yếu tố phê phán và trong thực tế đôi khi có thể có ích cho một số giai tầng xã hội, nhưng nó bao giờ cũng “tỷ lệ nghịch với sự phát triển lịch sử” (C. Mác) trong thời đại nước Nga “đang được sắp xếp” vì vậy, nó mau chóng mất hết mọi ý nghĩa thực tiễn và mọi căn cứ lý luận. Mưu toan lý tưởng hóa học thuyết Tônxtôi, biện hộ cho thuyết “không dùng bạo lực”, cầu viện đến “tinh thần toàn thế giới”, và “sự tự tu dưỡng đạo đức”, “chủ nghĩa khổ hạnh và vô vi” đều nguy hại và vô nghĩa cho dân tộc Nga và Cách mạng Nga.

 

H.S.V

 

 

(*) Trên Tạp chí Nhà văn số 8 – 2011, trong bài Vương triều Lý dưới góc nhìn của tiểu thuyết gia Hoàng Quốc Hải của Đặng Văn Sinh, có đoạn nhắc lại ý kiến của Mác và những đồng chí, học trò của ông. Bài viết tốt, nhất là những nhận xét về phương châm hòa đồng giữa ba tôn giáo: Nho, Phật, Lão dưới thời Lý thịnh trị. Nhưng đoạn tiếp theo tôi cho là chưa đúng và chưa thỏa đáng. Ông viết: “Người đọc ngộ ra một điều đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng đối với lịch sử nhân loại. Ấy là Tôn giáo dứt khoát không phải là thuốc phiện ru ngủ, làm tê liệt đấu tranh của nhân dân như những ai đó từng rao giảng (H.S.V nhấn mạnh) mà làm một niềm tin thiêng liêng, một điểm tựa tinh thần để hướng con người tới cái thiện v.v..” (tr.80). Thật ra, câu nói của Mác và những người kế thừa tư tưởng tôn giáo của ông là nói Cơ đốc giáo ở châu Âu, và cũng nói về một phương diện nào đấy, khi trình độ dân trí thập, khi giai cấp thống trị đội lốt thầy tu để bóc lột, đàn áp nhân dân, mượn niềm tin, cái thiện để dễ bề thao túng quyền lực, quyền lợi. Lịch sử châu Âu từ khi Cơ đốc giáo ra đời đến nay Giáo hội luôn luôn đối lập với thế quyền. Ở nước ta, bênh cạnh những đóng góp lớn của Thiên chúa giáo đối với sự nghiệp giữ nước, vẫn còn đó một bộ phận người đã và chưa thực sự thoát ra khỏi tính năng mà Mác đã nói. Giá trị bền vững của câu nói của ông được chúng tôi phân tích tiếp theo.

(**) Trong tiểu thuyết Anna Karênina Khi Anna đem lòng yêu Vrônxki, thì nàng vừa hạnh phúc vì có một tình yêu đẹp, nhưng lại cảm thấy mình có tội ngoại tình thì sẽ bị Chúa trừng phạt. Còn bá tước Karênin tin rằng, cuộc đời gắn bó giữa ông và Anna đều là do Chúa sắp đặt. Trong Chiến tranh và hòa bình: Sau khi đoạn tuyệt hôn nhân với Eelen, con gái công tước Curaghin và với giới quý tộc đầy cạm bẩy, Pie Bêdukhốp tin rằng, mình có thể tìm được lý tưởng trong tôn giáo, nhưng hội Tam điển đã làm chàng thật vọng v.v…

 H.S.V

 
 
HỒ SĨ VỊNH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 206 tháng 11/2011

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground