Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phiếm bàn về văn học dân gian

T

ừ lâu chúng ta thường dùng thuật ngữ văn học bác học để chỉ các tác phẩm văn học viết và văn học bình dân để chỉ các tác phẩm do tập thể nhân dân sáng tác và lưu truyền dưới hình thức truyền miệng.

Cách gọi này dựa trên tiêu chí: Lực lượng sáng tác và hình thức lưu truyền chứ không hoàn toàn căn cứ vào đặc điểm nội dung và đặc điểm nghệ thuật, ở một khía cạnh nào đó văn học bác học tiếp thu, kế thừa và vận dụng rất nhiều chất liệu của văn học bình dân, được nuôi dưỡng từ bầu sữa văn học bình dân.

Bài viết này chúng tôi muốn nêu lên những nhận xét ban đầu về tính chất bác học trong tư duy nghệ thuật của dân gian, biểu hiện trong ca dao và truyện cổ tích từ phương diện khai thác kết cấu chuyện, đặc điểm nhân vật và khả năng biểu đạt của ca dao.

Nói đến tư duy nghệ thuật (TDNT) của dân gian trong văn học dân gian (VHDG) là nói đến dạng hoạt động trí tuệ của con người hướng tới sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo vừa là đối thể tiếp nhận và cảm thụ các giá trị tinh thần của cộng đồng mình tìm hiểu các loại hình nghệ thuật của sáng tạo dân gian (folklore) chúng ta thấy rằng nhân dân cùng một lúc đóng ba vai trò người sáng tác, người cảm thụ và người phê bình. Và nhờ tính chất “đa hệ” này mà các tác phẩm của họ ngày càng được nâng cao về chất lượng nội dung cũng như nghệ thuật.

Với tư cách là một bộ phận của folklore, nhằm khái quát hóa thực hiện và giải quyết nhiệm vụ thẩm mỹ, VHDG đã xây dựng cho mình một hệ thống các phương pháp biểu hiện, các ký hiệu nghệ thuật khá ổn định. Đó là các biểu tượng đa nghĩa, các hình tượng có tính ước lệ, các motip cấu trúc đa dạng, nhiều biến thế và các lớp từ vựng, các thành ngữ có sức biểu đạt cao. Tượng trưng cho tình yêu trong sáng thủy chung là hạt ngọc Mỵ Châu của một truyền thuyết đầy bi kịch; Chú ngựa sắt thần kỳ và con người thần kỳ Thành Gióng luôn in đậm trong tâm tưởng người Việt Nam cùng với ý niệm về lòng yêu nước, về tinh thần quật khởi chống ngoại xâm. Và, người Việt Nam đã quá quen thuộc với hình ảnh các nhân vật người mồ côi, người em út, anh nhà nghèo… trong truyện cổ hay hình tượng những hạt mưa vô định, những cánh cò bay vội trong ca dao.

Nội dung khái quát của các hình tượng nghệ thuật thật là rất lớn. Nó vừa mang tính phổ quát triết học vừa gắn với những hiện thực cá biệt, sinh động.

Trước hết, TDNT của nhân dân luôn gắn với một nền tảng tư tưởng, đạo đức và quan niệm thẩm mỹ mang đậm bản sắc dân tộc. Người Việt Nam vốn trọng tình nghĩa, giàu lòng nhân ái, vị tha. Đặc điểm tâm lý này in đậm trong nhiều tác phẩm và nó hình thành một quan điểm tư tưởng – nghệ thuật tồn tại khá bền vững. Trong nhiều truyện cổ luôn phổ biến một motip kết thúc có xu hướng thiện và lạc quan, đượm màu sắc lãng mạn: kết thúc có hậu: “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ” vừa là một khái quát về quy luật cuộc sống, một điều răn có tính giáo dục cao lại vừa là một motip kết thúc phổ biến của truyện cổ. Điều đó cho ta thấy rằng giữa tư tưởng, quan niệm sống và tư duy nghệ thuật luôn luôn có mối quan hệ hữu cơ, biến chứng, luôn là hình ảnh của nhau, phản ánh lẫn nhau.

Mặt khác, TDNT còn in đậm dấu ấn trong việc sáng tạo nên một thế giới hình tượng phong phú, một thế giới nhân vật đa dạng và có sức sống vĩnh cửu.

Chúng ta biết rằng, một hệ thống nhân vật bao giờ cũng là sản phẩm của một kiểu sáng tác ổn định, chịu sự chi phối của một kiểu tư duy nghệ thuật ở chính thời đại đó. Từ thời đại thần thoại đến thời đại ngụ ngôn, hài hước, người Việt Nam đã tiến một bước khá dài trên con đường sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là trong việc xây dựng nên một kiểu nhân vật truyện cổ. Thế giới nhân vật truyện cổ, mà rõ nhất là trong truyện cổ tích, luôn được đổi mới, nâng cao các phẩm chất cá nhân theo hướng hoàn thiện hóa. Mặt khác, trong folklore, về bản chất các tác phẩm thường mang tính truyền miệng nên bao giờ cũng có hiện tượng nảy sinh các dị bản, các biến thể khác nhau. Nếu như trong thần thoại, nhân vật còn ở dạng nhân vật – chức năng, trong truyền thuyết và sử thi, tính cách nhân vật còn đơn giản, thì đến cổ tích nhân vật đã đa dạng hơn về thành phần, phức tạp hơn về tính cách, số phận, và hướng tới hoàn thiện hơn về phẩm chất cá nhân.

Từ lâu chúng ta thường cho rằng nhân vật truyện cổ tích mang tính song tuyến (thiện và ác), tính cách nhân vật thường đơn nhất (không thay đổi bản chất từ đầu đến cuối truyện). Trên thực tế, quy ước này gần như bị phá vỡ ở một số chuyện: Có những biến thể mới có motip kết cấu khác xa với motip thông thường. Dưới đây, chúng tôi xin nêu hai ví dụ tiêu biểu đang ở dạng tồn nghi:

Nhân vật Tấm trong truyện Tấm Cám là điển hình thứ nhất. Lâu nay, dấu ấn mà Tấm để lại trong chúng ta là hình ảnh đẹp đẽ về một cô gái nhu mì, chăm chỉ, hiền thảo và xinh tươi, ấn tượng này khá bền vững cho nên đã làm mờ nhạt hình ảnh một cô Tấm mạnh tay đến mức nhẫn tâm đến cuối chuyện trong việc giết người em cùng cha khác mẹ của mình để trả thù. Hành động trả thù này không nhất quán với tính cách nhân vật ở phần đầu chuyện. Điều này khiến ta đặt dấu hỏi: Phải chăng người đời sau đã hư cấu thêm phần hai của câu chuyện (từ chỗ Tấm về giỗ cha trở lại) để phù hợp với thực tế hơn và nhằm diễn đạt một ý niệm nào (về đấu tranh giai cấp chẳng hạn). Điều này chứng tỏ càng về sau, khi tư tưởng - nghệ thuật thay đổi, dân gian càng muốn phá bỏ khuôn khổ của một câu chuyện cổ tích chật hẹp không đủ sức chứa những nội dung xã hội lớn hơn, phong phú hơn và họ càng không đồng tình với một nhân vật được xây dựng theo motip cũ đã quá bất cập với việc phản ánh những vấn đề mới được đặt ra từ cuộc sống. Tuy nhiên ý định chủ quan này đôi khi cũng có tính hai mặt của nó: do quá chú trọng ý nghĩa xã hội của các tình huống chuyện, dân gian đã làm biến dạng, méo mó tính cách nhân vật làm cho nó không nhất quán với tính cách ban đầu và trở nên xạ lạ với những quan niệm đạo đức, thẩm mỹ của người Việt Nam.

Điển hình thứ hai là nhân vật Thạch Sanh, một nhân vật gần như tương phản hoàn toàn với nhân vật Tấm. Theo kiểu xây dựng nhân vật truyền thống, các nhân vật chính diện sau khi trải qua nhiều thăng trầm thử thách thường có một bước ngoặc lớn về số phận: trở thành vua hoặc hoàng hậu (tùy theo giới tính). Và chuyện kết thúc ngay ở bước ngoặc này khi mà nhân vật đã đạt đến đỉnh cao của hạnh phúc, của cứu cánh và khát vọng làm người. Đó là một quan niệm không những biểu hiện giới hạn của nhận thức mà còn phản ánh phần nào đặc trưng tư duy nghệ thuật của con người thời đại cổ tích. Một khái niệm nhà vua và hoàng hậu chung chung sẽ không còn thích hợp nữa cho nên dân gian đã tạo nên hình tượng Thạch Sanh, một nhân vật vua mới với những phẩm chất mới gần như hoàn hảo: Đó phải là con người dũng lược và mưu cơ để chiến thắng kẻ thù, chiến thắng cái ác (Thạch Sanh dùng võ công và cung thần đánh thắng trăn tinh, đại bàng cứu công chúa và con vua Thủy tề), là người đủ tài đức để làm yên lòng muôn dân, chinh phục và cảm hóa con người, trị vì thiên hạ (Thạch Sanh dùng tiếng đàn để thuyết dụ quân tướng mười tám nước chư hầu gây hấn), là con người có khả năng đem lại sự ấm no sung túc của một nền kinh tế dồi dào (Thạch Sanh có niêu cơm thần ăn mãi không hết). Thông qua hình tượng Thạch Sanh, nhân dân muốn nêu nhiều tiêu chuẩn cao hơn, toàn diện hơn về người đứng đầu đất nước, trị vì trăm họ, biểu hiện khát vọng về khả năng chinh phục thế giới của con người. So với nhiều nhân vật cổ tích khác, nhân vật Thạch Sanh đã được lý tưởng hóa cao độ và ít nhiều mang đậm màu sắc lãng mạn.

Trong ca dao dân ca, tính chất bác học thể hiện rõ ở nhiều phương diện khác nhau. Ở đây, chúng tôi chỉ tìm hiểu một phương diện chủ yếu là ngôn từ. Ở phương diện này, tác giả dân gian đã khai thác triệt để khả năng tạo hình và biểu cảm cao của Tiếng Việt vào việc diễn tả các cung bậc khác nhau của tình cảm con người và các hình ảnh muôn màu muôn vẽ của đời sống xã hội, của tự nhiên. Dường như cái tài hoa tinh tế của người xưa đã được phổ vào lời thơ, câu hát. Và, qua sự sàng lọc của thời gian cái tinh tế tài hoa ấy càng thêm vẻ đẹp càng lấp lánh trăm màu.

Chàng ơi phụ thiếp làm chi

Thiếp là cơm nguội đỡ khi đói lòng

Chữ “phụ” ở đây thật tinh tế tưởng khó mà thay thế bằng một từ nào hơn. Nó vừa có cái ngậm ngùi cam chịu của một người phụ nữ yếu thế trong cuộc đời cũ vừa chan chứa cái tình sâu của người vợ, dù là một người vợ bị lạnh lùng đi nữa. “Phụ” chứ chưa đến mức “bạc” với thiếp, “phản” lại thiếp. Trách móc nhẹ nhàng chứ chưa đến mức oán hận ghét bỏ. Một chữ “phụ” đủ làm người chồng nhạt tình tỉnh ngộ và níu kéo anh ta trở lại với mái ấm gia đình, với tình nghĩa trăm năm. “Giận thì giận, thương thì thương” là vậy.

Ca dao dân ca còn là một mẫu mực về những cách biểu hiện nội dung tâm trạng đa dạng của con người. Ngoài những kiểu ví von so sánh quen thuộc, ca dao còn sử dụng những hình thức biểu hiện có màu sắc kịch tính, đặc biệt là diễn tả những khía cạnh phức tạp những giằng xé trong nội tâm, những bi kịch nghiệt ngã của số phận (Bài “Trèo lên cây bưởi”… Con cò mà đi ăn đêm…) hay những giới hạn tế nhị trong quan hệ người với người (Bài ca xin áo) thái độ của người về quan hệ giá trị (Thằng Bờm). Trong bài “trèo lên cây bưởi hái hoa”, tác giả dân gian đã vẽ ra hình ảnh một con người “mộng du” với những hành động cử chỉ khác thường, phi lý. Tại sao phải nhọc công “trèo lên” cây bưởi chỉ để hái hoa thôi? Và cây cao đến mức phải “trèo” thì tại sao không “tụt” mà lại bước xuống? Sao không bước xuống góc bưởi mà lại bước xuống vườn cà “để” hái nụ tầm xuân? Chỉ ba câu thơ mà có đến năm điều phi lý. Một mớ bòng bong trong một tâm trạng rối bời. Và chỉ một chữ “tiếc” trong câu bốn đã giải thích tất cả: “Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay!...

Nỗi đau xót người yêu sang ngang khiến người con trai bần thần như người mất hồn, làm những việc vô thức, không tự kiểm soát được.

Cái tài tình bác học của dân gian rất lớn và phải mất rất nhiều thời gian chúng ta mới tìm hiểu, khám phá hết được. Nó là một thế giới lạ để khám phá  và hưởng thụ, đồng thời là một kho tàng vô tận về những giá trị nghệ thuật đạt đến trình độ cô đúc, mẫu mực để chúng ta học tập noi theo.

Trên đây mới chỉ là những suy nghĩ tản mạn của bản thân trong quá trình học tập dám mong được góp một tiếng nói cho việc tìm thấy những bài học quý từ nền VHDG quý báu của chúng ta.

                                                                                            T.N

Thảo Nguyên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 9 tháng 06/1995

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

4 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

4 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

4 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

4 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground