Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sự tự vệ của văn hóa Việt Nam - truyền thống và thực tại

V

iệt Nam đứng vững trong suốt chiều dài lịch sử - một lịch sử liên miên chống hoạ ngoại xâm là nhờ sự tự vệ. Sự tự vệ này được biểu hiện trên hai phương diện: tự vệ bằng vũ lực, tức là sức mạnh chiến đấu và tự vệ bằng văn hóa. Tôi cho rằng, tự vệ bằng văn hóa là sự tự vệ to lớn nhất, bởi vì nó chống được sự đồng hóa của các quốc gia bành trướng, rõ nhất là Trung Hoa. Vì sao vậy? Vì Trung Hoa không chỉ là nước lớn, cai trị nước ta hơn nghìn năm mà vì Trung Hoa rất “gần” với chúng ta. Gần về phương diện địa lý (chẳng phải vì gần địa lý mà trong lịch sử Trung Hoa, nhiều vương triều đã chinh phạt, thu phục các tiểu vương trong Hán tộc và ngoài Hán tộc, đỉnh điểm là nhà Tần). Gần về phương diện tư tưởng, nhân sinh quan, thế giới quan (đều là các nước Á Đông). Hơn thế, Trung Hoa còn là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại nên sức khai hóa rất lớn. Vì là nền văn minh xuất hiện sớm nên cách thức tổ chức xã hội, hình thành nhà nước của Trung Hoa cũng xuất hiện sớm. Chính Việt Nam đã tiếp thu cách thức tổ chức bộ máy nhà nước của Trung Hoa, xây dựng, củng cố nhà nước phong kiến tập quyền. Cố nhiên, nền phong kiến ấy lấy học thuyết Nho giáo làm nền tảng tư tưởng và chế độ khoa cử để chọn đội ngũ quan lại nên Việt Nam tiếp thu luôn cách xây dựng nhà nước dưới nhãn quan Nho giáo và chế độ khoa cử. Vậy mà, Việt Nam đã đứng vững, đã thể hiện được bản sắc. Còn hôm nay, trong xu trào hội nhập, trước các “sức mạnh mềm”, sự tự vệ của văn hóa Việt Nam đang có nhiều nghi ngại.

Trong truyền thống, Việt Nam đã có một nền văn hóa mang đậm bản sắc (chúng tôi sẽ bàn đến khái niệm này ở phần sau). Điều này là cần thiết phải khẳng định bởi văn hóa chưa hẳn đã đồng hành với văn minh. Nhiều quốc gia rất phát triển về kinh tế và khoa học kỹ thuật nhưng văn hóa thì chưa tạo được nền tảng, ngược lại, nhiều quốc gia tuy kém phát triển về kinh tế nhưng có một nền văn hóa rực rỡ (chẳng hạn như Việt Nam trước đây). Mặc dù đối đầu trước họa xâm lăng nhưng người Việt Nam với ý thức tự tôn đã đứng vững và khẳng định được sức mạnh tinh thần (văn hóa). Tiếp thu mô hình tổ chức xã hội của Trung Hoa, song Việt Nam đã tạo được bản sắc. Điều này có được là do tinh thần mềm dẻo trong ứng xử với các giá trị gốc và các giá trị tiếp thu. Giá trị gốc là nền văn hóa được xây dựng dựa trên mô hình công xã mà làng là trung tâm (do sản xuất nông nghiệp lúa nước). Từ tâm thức công xã, người dân Việt Nam tiếp thu tinh thần Nho giáo, làm cho Nho giáo trở thành thứ cấp trong tâm hồn người Việt(1). Điều này có thể nhận thấy từ tư tưởng, cách hành xử của những tấm gương đạo học uyên thâm như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu. Hơn thế, lấy giá trị gốc làm nền nên mô hình xã hội của Việt Nam là gia đình – làng – quốc gia, chứ không phải mô hình lấy họ tộc làm trung tâm như Trung Hoa. Mô hình lấy họ tộc làm trung tâm làm cho người Trung Hoa (ngày trước) không mang trong mình ý thức về Tổ quốc. Điều này rất khác với người Việt Nam. Nếu như Trung Hoa xưa, rất nhiều bậc tài cao đã “cõng rắn cắn gà nhà” (đưa nước ngoài vào xâm lược đất nước mình – các đất nước trong lãnh thổ Trung Hoa) thì Việt Nam chỉ cần một ông vua cắt đất, ký hiệp ước thỏa hiệp với bên ngoài là lập tức người dân đứng dậy (chẳng hạn như thời điểm Tự Đức cắt 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp năm 1874). Tiếp thu những tinh hoa của Trung Hoa nhưng người Việt đã biết tạo nên giá trị riêng, tiêu biểu là văn tự: chữ Nôm. Tiếp thu mô hình tổ chức nhà nước của bên ngoài nhưng người Việt Nam biết khẳng định sự độc lập bằng một khái niệm rất hiện đại: văn hiến, đi cùng là phong tục (khác với cách định nghĩa chủ quyền bằng ranh giới thực địa). Đây có thể xem là một khái niệm vượt thời đại của Nguyễn Trãi, thể hiện được tinh thần dân tộc thông qua việc đề cao truyền thống văn hóa: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc, Nam cũng khác” (Bình Ngô đại cáo, Ngô Tất Tố dịch).

Ngay khi thoát khỏi sự bành trướng của Trung Hoa phong kiến, Việt Nam rơi vào tay thực dân Pháp. Cái đáng nói ở đây không chỉ là tinh thần chiến đấu dũng cảm, can trường mà là ở thái độ tự tôn và sự “thông minh” trong tiếp nhận các giá trị bên ngoài. Người Việt Nam chỉ chiến đấu chống lại cái ác, chống thực dân chứ không chống lại văn hóa Pháp (ngược lại, tiếp thu văn hóa Pháp). Thời kỳ đầu nhiều tên tuổi giỏi Hán học song lại tiếp tục vào các trường Pháp ngữ, hình thành nên một đội ngũ trí thức có công đưa văn hóa phương Tây vào hồn máu Việt như Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh và đội ngũ Tây học sau đó. Chính việc tiếp thu văn hóa Pháp đã làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú và khởi sắc, thoát khỏi tư duy thiên về “tĩnh” của Á Đông, biểu hiện tiêu biểu là trên lĩnh vực văn học – nghệ thuật, ngôn ngữ, triết học, kiến trúc... Đến đây có thể thấy sự giống nhau trong tiếp xúc với Trung Hoa và với Pháp là ở chỗ: trong hai cuộc tiếp xúc lớn này, người Việt Nam đều thể hiện tinh thần “biết mình biết ta”, rất tự cường nhưng biết hơn, kém. Trong quan hệ Nam (Việt Nam) – Bắc (Trung Hoa), dù luôn chiến đấu chống sự xâm lăng của các triều đại phương Bắc mỗi khi phương Bắc muốn chiếm bờ cõi, song luôn giữ hòa khí, ngay khi đánh đuổi được giặc, giữ được chủ quyền lại lập tức kết nối bang giao, thậm chí có thời kỳ duy trì hình thức cống nộp, điều  này là do nhận biết được sức mạnh của Trung Hoa về cả sức mạnh vật chất và tinh thần. Đến lúc ứng xử với Pháp cũng vậy. Trên phương diện là thực dân, người Việt Nam quyết chiến đấu, hy sinh để giữ gìn bờ cõi, song trên phương diện văn hóa thì người Việt lại chủ trương tiếp thu (theo quan điểm của Phan Châu Trinh tiếp thu văn hóa Pháp là để “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”). Như vậy, ở đây, cần khẳng định sự tự vệ của văn hóa Việt Nam là vừa khẳng định giá trị của mình, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa bên ngoài. Cách tiếp thu đạo Phật từ Ấn Độ qua con đường hòa bình cũng diễn ra tương tự – tạo nên nét riêng trong cảm quan Phật giáo mà rõ nhất là Thiền phái Trúc Lâm thời nhà Trần. Từ đây cho thấy vấn đề bản sắc văn hóa không nên hiểu như bấy lâu, bao gồm a, b, c thành tố mà nên hiểu ở tính chất quan hệ, kiểu lựa chọn. Chính tính chất quan hệ, kiểu lựa chọn là cái bất biến chứ không phải là các thành tố. Văn hóa luôn phát triển, luôn bổ sung, nhưng ở mỗi nước có mỗi sự phát triển khác nhau, nó cho thấy nét riêng mỗi nước. Nét riêng này chính là bản sắc, là sự thể hiện các mối quan hệ, kiểu lựa chọn. Nếu nói bản sắc là cái bất biến gộp thành bởi các thành tố thì cũng có nghĩa, ngay khi tiếp xúc với bên ngoài, chẳng hạn Pháp, chúng ta đã phá bỏ bản sắc - cái mà ta đã đạt được trong lịch sử trước khi tiếp xúc với Pháp, và trong tương lai bản sắc sẽ không còn (vì chúng ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới, tức sẽ “phẳng”). Điều quan trọng ở đây là cần khẳng định mối quan hệ, kiểu lựa chọn để chúng ta tiếp tục phát huy và làm giàu giá trị văn hóa.

Sức mạnh tự vệ của văn hóa chúng ta trong truyền thống là rất đáng tự hào, song ở thời điểm hiện tại, nhiều vấn đề lo ngại đang được hầu hết các nhà nghiên cứu đặt ra. Đó là các dấu hiệu cho thấy dường như sự tự vệ, phương pháp tự vệ của chúng ta trong truyền thống chưa được phát huy nghiêm túc và đầy đủ.

Khác với các thời điểm trước, thời điểm này, chúng ta không chỉ tiếp xúc với một quốc gia (Trung Hoa, Pháp) mà hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đáng chú ý nhất là Mỹ và Phương Tây. Chính việc tiếp xúc này vừa là cơ hội đồng thời là thách thức. Cơ hội là để đa dạng hóa nền văn hóa, tiếp thu nhiều tinh hoa từ bên ngoài để phát triển; thách thức là nếu không có phương pháp đúng sẽ làm cho nền văn hóa trở nên lộn nhộn, không theo một trật tự, một cấu trúc thống nhất.

Văn hóa chúng ta đang xuống cấp khá trầm trọng, nhất là trong khoảng mươi năm trở lại đây khi phương tiện truyền thông bùng nổ. Mặc dù chúng ta có đầu tư cho văn hóa nhưng hầu hết là ở mảng văn hóa vật chất, thiên về tính chất tĩnh (đền, miếu, lăng tẩm), còn các giá trị tinh thần (nhất là thái độ của con người với con người, với môi trường xung quanh – hiểu theo nghĩa rộng) chưa có cơ chế, biện pháp phù hợp. Ở đâu chúng ta cũng nói đến văn hóa: gia đình, nhà trường, doanh nghiệp, nghị trường..., có nhiều loại giấy chứng nhận văn hóa (gia đình, làng, khối phố) nhưng rút cục, chúng ta lại thừa nhận: đạo đức xã hội đang xuống cấp, văn hóa đang báo động. Đây là sự mâu thuẫn. Để dẫn đến thực trạng văn hóa xuống cấp như hôm nay, nhiều người đã đổ lỗi cho kinh tế thị trường. Thực tế, kinh tế thị trường không hề có lỗi, hơn thế nó là một tất yếu của phát triển. Theo UNESCO, để đảm bảo hiện đại hóa và tiến bộ xã hội trong quá trình phát triển thì phải “đưa văn hóa vào bên trong sự phát triển, coi văn hóa là động lực, là mục tiêu, là hệ điều tiết (NMH nhấn mạnh) cho sự phát triển”(2). Chúng ta đã xác định rõ và có chủ trương đúng, song thực tế, mối quan hệ giữa hiện đại và tiến bộ xã hội tỏ ra thiếu bền vững, sự điều tiết bộc lộ nhiều điểm bất cập. Điều này làm nên tâm lí của số đông (nhất là số đông bạn trẻ) coi lợi ích vật chất là mục tiêu cao nhất của lao động, trong đó rõ nhất là tiền (thực ra, vì ở ta, đồng tiền đang giúp con người xử lý khá thành công hầu hết các công việc). Ngoài lợi ích vật chất, các giá trị khác của lao động chưa được coi trọng đúng mức, chưa có hình thức kích thích và tạo động lực phù hợp, nhất là giá trị nhân văn. Từ đây có thể hiểu tại sao, ngay cả những người nông dân vốn hiền lành cũng mạnh tay làm thực phẩm bẩn để trục lợi. Sự thiên lệch các giá trị cũng đã tác động không nhỏ tới những người làm khoa học, nhất là khoa học xã hội và nhân văn. Đa phần, họ thu nhập không cao, đôi lúc cảm thấy lạc lõng giữa xã hội.

Không điều tiết tốt các giá trị trong quá trình liên tiếp làm ra của cải, chúng ta đang chứng kiến sự lai căng và hỗn hợp trong văn hóa. Biểu hiện của nó là ở quan niệm sống (ca sỹ Thuỷ Tiên từng nói: “trong hôn nhân tôi có quan niệm rất Tây”); sử dụng ngôn ngữ hàng ngày (lối nói sỗ sàng, ngôn ngữ pha trộn tiếng Tây như: “Ba chờ con check (kiểm tra) lại đã”, “mẹ nhớ phone (gọi điện) nhắc con”, “Sao mẹ tối ngày cứ giảng moral (đạo đức) hoài vậy, mẹ làm con muốn die (chết) luôn…” nói trệch âm tiếng Việt, dùng tiếng lóng (nhiều – nhìu, yêu – iu, năm – nem, vui – zui, rồi – roài); lựa chọn trang phục, sáng tác và thưởng thức âm nhạc; kể cả cách đặt tên lai Tây, lai Tàu (Thiên Trường Địa Hải, Lã Minh Thông, Vương Kiến Hào, Tim, Wanbi)... Nhìn chung, những kiểu lựa chọn này đều mong muốn hướng tới sự cởi mở, năng động, khẳng định cá nhân. Thời hiện đại, mỗi cá nhân phải tạo cho mình tác phong nhanh nhẹn, năng động, song không có nghĩa là tước bỏ những gì quá khứ đã khẳng định, tạo được nét riêng của dân tộc (chẳng hạn như trong ngôn ngữ hàng ngày “xưng khiêm hô tôn”, diễn đạt thường tránh sự cộc lốc, sử dụng ngôn ngữ trong sáng, lối nói giảm, nói tránh, quan niệm tốt đẹp về hôn nhân, gia đình, cách ăn mặc…). Trong khi, ngày nay, một bộ phận khá đông giới trẻ cố tình năng động và cởi mở, sống “thoáng” đã đánh đồng (quan niệm ấy) với thô tục và trần trụi (nói tục, hành động tục, lối nói cộc lốc). Đây là sự tùy tiện chứ không phải đồ chiếu từ phương Tây như nhiều người lầm tưởng. Người phương Tây năng động, cởi mở, tự do nhưng họ rất ham học hỏi và cầu thị (rõ nhất là việc đọc sách, kể cả sách văn chương ở các nước lớn như Mỹ, Italia, Anh, Pháp), họ luôn tự phấn đấu “làm giàu” cho mình. Nói đúng hơn, người phương Tây dựa trên căn gốc của họ là con người cá nhân (trung tâm luận của văn hóa phương Tây) và mục tiêu là phát triển con người cá nhân đến cùng trong nét tích cực của nó. Trong khi, chúng ta học ở bên ngoài (vì chúng ta lấy cộng đồng làm trung tâm) nhưng là cách học “hớt ngọn”, học không theo quá trình và không đến cùng (đây cũng là đặc điểm chung trong tiếp thu bên ngoài, nhất là tiếp thu các lý thuyết, trào lưu tư tưởng). Chúng ta (số đông) hiểu cá nhân gần như trùng với sự vị kỷ, làm cho cái tôi phát triển lệch lạc, trở thành tha ngã. Điều đáng lo ngại của hiện tượng tiếp thu “hớt ngọn”, sai lệch này là được số đông chấp nhận, được các công cụ hỗ trợ tiếp tay: blog, mạng xã hội Facebook, Twitter, tin nhắn điện thoại, các trang báo điện tử, website, ngay cả truyền hình (các tình huống trong một số phim chiếu vào giờ vàng gần đây: Anh xin thề anh nói thật, Hoa nắng, Những công dân tập thể). Liên quan đến truyền hình, cũng xin nói thêm là trong khi một số nước như Mỹ, ở phương Đông có Trung Hoa, Hàn Quốc đã chọn điện ảnh làm con đường để quảng bá hình ảnh đất nước, con người ra bên ngoài, từ đó, tạo cái nhìn thiện cảm về đất nước họ (và đây chính là cơ hội cho du lịch phát triển) thì điện ảnh Việt Nam đang thực sự hụt hơi, manh mún, thiếu định hướng rõ ràng. Vì thế, ngay cả kênh VTV1, VTV2, VTV3 thường xuyên chiếu phim Hàn Quốc, Trung Quốc và trớ trêu là người Việt lại rất “yêu” phim của họ.

Muốn tự vệ và tự cường bằng văn hóa trước mắt và lâu dài cần xác định văn hóa ở một khía cạnh là = trí tuệ. Về lý thuyết, quan niệm này đã có song thực thi thì chưa đạt như mục tiêu, kỳ vọng, đôi lúc có biểu hiện lạc đường. Giáo dục xuống cấp, nhất là giáo dục sau THPT – nơi có các điều kiện tốt nhất để phát triển tài năng. Cơ chế tuyển dụng, sử dụng nhân lực nhiều nơi đang tồn tại bất cập... Ngoài ra, việc chưa đánh giá đúng (ở một khía cạnh) văn hóa = trí tuệ còn thể hiện ngay cả đối với những bộ óc lớn. Tôi còn nhớ năm Cao Xuân Hạo - một nhà bác ngữ mất (2007), truyền thông khá kiệm lời, ngoại trừ Hội Ngôn ngữ học và tạp chí Ngôn ngữ và đời sống đã giành cho ông những lời tiễn biệt, tưởng nhớ sâu sắc, ghi nhận đóng góp to lớn. Dĩ nhiên, trong xã hội bình dân, ít ai biết Cao Xuân Hạo: ông là ai, ông có đóng góp gì cho tiếng Việt và văn hóa Việt? Cùng năm đó, có một nhà thơ mất, báo chí và truyền thông đã đưa tin rầm rộ, tổ chức nhiều chương trình biểu hiện sự tiếc thương. Đành rằng, vai trò của nhà thơ là không thể phủ nhận, nhưng nhà thơ khác với nhà khoa học. Sự kiệm lời về Cao Xuân Hạo và một số tên tuổi khác trong khoa học chứng tỏ ở ta vị trí người trí thức (niềm tự hào trong việc giữ gìn văn hóa, khẳng định sức mạnh dân tộc, sức mạnh văn hóa), đôi lúc chưa được đặt xứng tầm. Cao Xuân Hạo được giới học thuật trong nước và quốc tế nể trọng, là học giả có chủ thuyết, ngôn ngữ học của ông được xem là biện hộ cho tiếng Việt, khác với ngành ngôn ngữ nghiên cứu tiếng Việt theo cấu trúc của phương Tây. Ở đây, do khuôn khổ, chúng tôi không có dịp bàn kỹ, chỉ xin trích dẫn đánh giá của Nguyễn Quang Hồng: “Cái tầm vóc cao lớn của Anh trong tư cách là một học giả uyên bác và có chủ thuyết, là một dịch giả văn học tài ba nữa, đã che khuất đi ở anh một con người nghệ sĩ yêu đời ở tuổi thanh niên sôi nổi. Anh đã ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, sau khi đã kịp để lại cho chúng ta trên cõi đời này một tài sản tinh thần vô giá, đó là tất cả trí tuệ và tấm lòng của Anh dành cho tiếng Việt, chữ Việt và văn Việt, dành cho con người và đất nước Việt Nam”(3).

Từ việc đánh giá chưa thực đúng vị trí của trí tuệ, rộng hơn là các tiềm lực có thật trong văn hóa, hiểu nhầm các giá trị nên xã hội Việt Nam đang trực tiếp và gián tiếp tạo nên một bộ phận không nhỏ sống thiếu lí tưởng. Ngày trước, “thời đất nước gian lao” (Nguyễn Việt Chiến), con người sống vô tư và tràn đầy khí huyết, có lí tưởng, phấn đấu, cống hiến hết mình. Ngày nay, khi không còn chân lí tối thượng, đạo đức thánh hiền không còn sức mạnh với nhân tâm, công tác quản lý nhà nước đang tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức”... đã ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin và việc xác định định hướng phấn đấu, nhất là giới trẻ. Họ phải vật lộn, đối mặt với nhiều thứ trong cuộc sống. Bên cạnh đó, do tác động của nhiều mặt, một bộ phận sống vị kỷ, hiểu nhầm các giá trị. Từ đây có thể giải thích vì sao bạo lực học đường gia tăng, thậm chí xem sát thủ là mẫu hình (Lê Văn Luyện), lối sống, cách sử dụng ngôn ngữ, cách ăn mặc... Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn về sức mạnh dân tộc về lâu dài khi thế hệ này trở thành những yếu nhân của đất nước. Phải chăng đây chính là biểu hiện của sự lơ là trong ý thức tự vệ bằng văn hóa, trong khi sự tự vệ phải được xây dựng thường xuyên, luôn tu bổ, làm giàu?

Rất nhiều nhà nghiên cứu, cùng số đông trí thức tâm huyết với văn hóa dân tộc đã bày tỏ “nỗi buồn” và lo ngại trước thực tại và tương lai của nền móng văn hóa. Điều này hẳn nhiên là có cơ sở khi kết cấu làng ngày càng lỏng lẻo, tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh, có nơi rất vội vàng, căn tính gốc của người Việt ít nhiều thay đổi, có pha trộn, hệ thống truyền tin phát triển không biên giới. Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần xác định triết lí văn hóa, xây dựng hệ thống chính sách có tính khả thi để văn hóa “là mục tiêu, là động lực”, gắn trách nhiệm xây dựng tu bổ văn hóa vào mỗi cá nhân, tổ chức xã hội, đầu tư nhiều hơn và trúng hơn cho văn hóa (xin nhắc lại, văn hóa không nên hiểu chỉ là đền đài, lễ hội). Có như thế, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới tạo nền móng vững chắc để đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

N.M.H

 

Nguyễn Mạnh Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 222 tháng 03/2013

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

10 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

10 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

10 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

11 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground