Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thành tựu và những vấn đề đặt ra trong đời sống văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới

II

1. Những yếu kém, hạn chế và những vấn đề đặt ra trong sáng tác văn học, nghệ thuật thời gian qua là: Số lượng tác phẩm xuất hiện ngày một nhiều song còn ít tác phẩm có giá trị cao và bền vững trên cả hai bình diện, tư tưởng và nghệ thuật. Lý tưởng xã hội và khát vọng  thẩm mỹ chưa cao, do đó trong nhiều tác phẩm, ý nghĩa xã hội còn hạn hẹp, không ít tác phẩm sa vào những chuyện vụn vặt, quẩn quanh, ít ý nghĩa đối với đời sống. Trong khi cuộc sống đang vận động mãnh liệt, khẩn trương thì văn học, nghệ thuật còn thiếu vắng những tác phẩm có tính đột phá, mở đường sáng tạo mới mẻ, táo bạo, có giá trị cách tân đích thực, có ảnh hưởng mạnh tới công chúng. Văn học, nghệ thuật những năm gần đây tỏ ra chậm chạp, lúng túng trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống hiện đại, chưa cảm nhận được chiều sâu, ý nghĩa của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử của thời kỳ mới của đất nước – thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Tiếp tục xuất hiện và phát triển khuynh hướng cực đoan trong sáng tác là nghiêng về khai thác, tô đậm mặt đen tối, tiêu cực, thậm chí một số tác phẩm cố tình bôi đen hoặc phỉ báng, phủ nhận quá khứ và mặt tốt đẹp, tích cực của cuộc sống hiện tại. Có biểu hiện tuyệt đối hóa đời cá nhân với những nỗi đau, tâm sự u uất, luẩn quẩn, tầm thường, quay lưng lại với những vấn đề nóng bỏng, bức thiết của đời sống.

Xu hướng hạ thấp các giá trị truyền thống, lịch sử của dân tộc, của cách mạng, kháng chiến, xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử, hạ bệ thần tượng những năm gần đây xuất hiện trở lại với những biến tướng mới, tinh vi hơn.

Xu hướng thương mại hóa, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí và đề cao thái quá sự tự biểu hiện “cái tôi nghệ sĩ” có chiều hướng phát triển dưới nhiều biểu hiện phức tạp. Xuất hiện một bộ phận công chúng có tiền đang chi phối, “định hướng” cho sáng tác và truyền bá tác phẩm. Loại sản phẩm “ăn khách” chạy theo thị hiếu thấp kém xuấn hiện ngày một nhiều như: truyện sex, trinh thám, vụ án, thơ tình ủy mị, gào thét sướt mướt, phim truyện với những mối tình mùi mẫn, những cảnh hở hang, gợi dục, giật gân, tranh ảnh khỏa thân thẩm mỹ thấp kém, kiến trúc thị dân phô trương, lố lăng, bắt chước, nhại cổ, sân khấu hài gây cười “cơ giới”, thô tục, rẻ tiền… đang trở thành một vấn nạn, tác động xấu đến thị hiếu công chúng và làm ô nhiễm đời sống văn học, nghệ thuật, môi trường văn hóa – xã hội.

Sự thâm nhập mạnh mẽ của các tác phẩm, trào lưu, khuynh hướng sáng tác văn học, nghệ thuật của nước ngoài vào nước ta những năm gần đây qua nhiều kênh thông tin, một mặt, góp phần gợi mở những tìm tòi trong sáng tác, mặt khác, kích thích xu hướng sùng ngoại, tiếp thu thiếu chọn lọc các yếu tố bên ngoài. Xuất hiện một số tác phẩm bắt chước, mô phỏng, chạy theo hình thức và các thủ pháp xa lạ với bản sắc của văn nghệ dân tộc.

2. Hoạt động lý luận văn nghệ của chúng ta còn có những yếu kém khá nghiêm trọng, chưa phát huy được tác dụng tích cực đối với đời sống văn nghệ. Mặt bằng lý luận văn nghệ thay đổi nhưng sự hiểu biết lý luận nói chung chưa sâu sắc, thiếu các công trình nghiên cứu chuyên sâu có chất lượng về lý luận; có ngành nghệ thuật còn thiếu vắng lực lượng chuyên về lý luận.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X nêu rõ: “Công tác lý luận chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề quan trọng trong công cuộc đổi mới”, “Tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực chậm đổi mới”. Soi vào lĩnh vực văn học, nghệ thuật, có thể thấy lý luận văn nghệ chưa giải đáp được nhiều vấn đề của thực tiễn đổi mới văn học, nghệ thuật trong thời gian qua, còn tỏ ra già cỗi, xơ cứng, kém năng động, xa rời thực tiễn sáng tác. Các công trình tổng kết, đề xuất các vấn đề lý luận rất hiếm. Các vấn đề như phương pháp sáng tác, các khuynh hướng sáng tác đang xuất hiện và phát triển đều thiếu các công trình lý luận soi sáng. Điều này dẫn đến sự thiếu vắng tiêu chí khoa học trong phê bình, đánh giá các sáng tác văn học, nghệ thuật.

Việc biên dịch, giới thiệu lý luận văn học, nghệ thuật thế giới mới làm được rất ít chưa được tổ chức có quy hoạch, có hệ thống. Một số người có thái độ sùng bái, tiếp nhận thiếu tỉnh táo, khoa học đối với lý luận văn học, nghệ thuật phương Tây. Đáng chú ý là lý luận văn học, nghệ thuật mác xít chưa được nghiên cứu tương xứng với vai trò và giá trị đích thực của nó, còn thiếu những công trình lớn làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng; cái đúng, cái cách mạng cần được tập trung vận dụng, phát triển và cái giáo điều, cái ngộ nhận đã bị thực tiễn vượt qua… chưa được minh định rạch ròi: Đối với di sản lý luận văn nghệ mác xít chúng ta chưa có kế hoạch nhìn lại, đánh giá thỏa đáng những thành công và những khiếm khuyết để có sự kế thừa và phát triển đúng đắn trong giai đoạn mới. Khá nhiều vấn đề lý luận văn nghệ còn bỏ ngỏ, dừng lại giữa chừng, không được lý giải, minh chứng xác đáng, khoa học.

Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều. Một là, lực lượng những người làm lý luận văn nghệ ở nước ta đã mỏng lại phân bố không đều ở các ngành nghệ thuật. Hai là, quán tính của thời bao cấp về lý luận còn nặng nề khiến cho nhiều người quen “nói theo” lý luận hơn là nghiên cứu lý luận. Thêm vào đó là tâm lý hoài nghi, coi thường lý luận vẫn còn ăn sâu trong một bộ phận những người sáng tác đã làm mờ nhạt ý nghĩa của việc nghiên cứu lý luận văn học, nghệ thuật. Đặc biệt có  tâm lý không xem lý luận văn nghệ là một ngành khoa học xã hội và nhân văn có tính độc lập, tự chủ, có thể có ý kiến khác nhau, có thể có nhiều trường phái, do các nhà chuyên môn đảm nhiệm mà lại coi là một công việc có tích chất chỉ đạo, quyền lực, gắn với quan điểm, đường lối do các nhà lãnh đạo chính trị đề xướng, cho nên nhiều người vẫn có tâm lý chờ đợi, không chủ động đề xuất. Ba là, thiếu tổ chức, buông lỏng lãnh đạo, thiếu cơ chế đầu tư tài trợ, khen thưởng đúng đắn đối với công tác lý luận văn nghệ. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho công tác lý luận văn nghệ của chúng ta phát triển chậm chạp, có dấu hiệu tụt hậu so với yêu cầu, không đáp ứng được đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng một nền văn nghệ dân tộc trong giai đoạn mới.

3. Yếu kém, khuyết điểm trong phê bình văn học, nghệ thuật đang trở thành mối quan tâm lo lắng của cả giới nghiên cứu, sáng tác lẫn công chúng.

Những vấn đề cơ bản tưởng như đã được giải quyết về bản chất, như đối tượng, vị trí, chức năng và vai trò của phê bình… lại có nhu cầu được đặt ra và nhận thức lại. Qua những cuộc hội thảo, tranh luận trên các diễn đàn cho thấy nhận thức và quan niệm về các vấn đề trên còn thiếu thống nhất, thậm chí trái ngược nhau, dẫn tới tình trạng gán ghép những phạm vi, lĩnh vực không thuộc phê bình văn nghệ cho chính nó, làm sai lệch chức năng của phê bình văn nghệ. Lối phê bình cảm tính, bất chấp những hiểu biết về lý luận nghệ thuật đang có chiều hướng thịnh hành trong đời sống văn nghệ, vì cho rằng người phê bình chỉ cần dựa trên năng khiếu cảm thụ cá nhân sao cho tinh tế, chính xác. Quan niệm đó thực chất là hạ thấp hoặc xem nhẹ vai trò cảm thụ lý tính, triệt tiêu bản chất khoa học của phê bình văn nghệ.

Nhìn vào đội ngũ phê bình hiện nay có thể thấy một tình trạng đáng lo ngại. Những người làm phê bình thực thụ thưa và mỏng. Thay vào đó là những người phê bình không chuyên viết nhiều khi chỉ để tạo dư luận về tác phẩm hay là tác giả này, gây chú ý cho bản thân, gây sự ồn ào giả tạo, xét nét nhau trong bình phẩm văn chương chứ không phải với mục đích phê bình đích thực. Trên một số tờ báo, tạp chí chủ yếu chỉ còn thấy các bài giới thiệu, điểm sáng tác, thiếu sự đánh giá toàn diện, có chiều sâu về tác phẩm, tác giả. Tác hại của lối phê bình này là làm sai lệch diện mạo, giá trị của tác phẩm, làm biến dạng đời sống văn nghệ.

Trong khi thực trạng phê bình đang diễn ra như vậy thì phần đông các nhà phê bình có tên tuổi, có uy tín hoặc vì tuổi tác, hoặc vì ngại va chạm, đã tìm đến với công việc khác. Trận địa phê bình bị bỏ trống, thiếu những tác phẩm phê bình đích thực mà người sáng tác cũng như công  chúng văn nghệ chờ đợi.

Văn học, nghệ thuật nói chung, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng đều bị chi phối bởi mặt tích cực và đặc biệt là mặt tiêu cực của cơ chế thị trường. Thực tế cho thấy, không chỉ một số người sáng tác, mà còn cả một số người làm phê bình nhiều khi không giữ được động cơ thuần khiết và sự chuẩn mực trong đánh giá khiến cho đối tượng phê bình méo mó, biến dạng đến mức phi văn chương, hạ thấp nghệ thuật, không giữ trọn được thiên chức và đạo lý phê bình.

Một vấn đề khác dẫn đến những hạn chế của phê bình chính là đời sống văn nghệ còn thiếu những tác phẩm có sức chinh phục lớn, những phát kiến nghệ thuật mới mẻ, táo bạo tiêu biểu cho thời kỳ đổi mới.

Những năm qua, chúng ta đang thiếu một hệ thống chuẩn mực lý luận, một hệ thống tiêu chí đánh giá, một hệ giá trị tin cậy làm thước đo kiểm định tác phẩm văn nghệ. Do vậy, đã xuất hiện hiện tượng, một số cá nhân lấy mình làm chuẩn, “duy ngã độc tôn”, lộng ngôn trong phê bình, phán xét không có căn cứ, khiến cho văn đàn có vẻ ồn ào nhưng thực chất lại đang rơi vào những khoảng lặng đáng lo ngại.

Nhìn chung, hoạt động lý luận, phê bình văn nghệ chậm phát triển, thiếu tính học thuật, tính chiến đấu, ít tác dụng thúc đẩy sáng tác, không đủ sức tuyên truyền, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng và định hướng tư tưởng, thẩm mỹ cho công chúng.

4. Khuyết điểm và những vấn đề đặt ra trong việc sử dụng và truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật

Do sức ép của thị trường, nhu cầu của một bộ phận công chúng, mục tiêu chạy theo lợi nhuận đơn thuần của một số đơn vị, công ty kinh doanh dịch vụ văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm “hàng chợ”, tầm thường, câu khách, rẻ tiền, nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí thuần túy, thị hiếu thấp kém. Số lượng các cuộc triển lãm, các hoạt động biểu diễn ngày càng tăng song còn có nhiều biểu hiện phát triển mang tính tự phát, thiếu tổ chức và buông lỏng quản lý, làm cho chất lượng các tác phẩm trưng bày và biểu diễn không cao. Đặc biệt, nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật lại không có điều kiện để phổ biến và giới thiệu cho công chúng, trong khi đó, có một số tác giả, tác phẩm, người biểu diễn, một số chương trình nghệ thuật lại được đề cao quá mức so với giá trị thực vốn có. Nhiều hoạt động văn học, nghệ thuật có giá trị, mang ý nghĩa tích cực đối với đời sống tinh thần của xã hội và đối với bản thân sự phát triển của các loại hình nghệ thuật lại không có vị trí đúng mức trên báo chí, trên truyền hình, vì sự phiến diện, thiếu hiểu biết đầy đủ và thiếu chuẩn mực để đánh giá khi sử dụng và truyền bá các tác phẩm. Một bộ phận đã bị chi phối bởi đối  tác, nặng về lợi ích kinh tế, tạo ra cảm nhận trong công chúng qua các phương tiện thông tin đại chúng cái nhìn có phần méo mó về diện mạo của văn học, nghệ thuật hiện nay. Một số bộ phim nước ngoài có nội dung bạo lực, chất lượng kém lấn át phim tốt trong nước.

Hiện tượng sách, băng đĩa lậu xuất bản và phát hành tràn lan trên thị trường văn hóa đến nay chưa có giải pháp và chế tài ngăn chặn. Phần lớn xuất bản phẩm được in lậu lại mang nội dung hoặc là có vấn đề về tư tưởng, chính trị hoặc là loại tác phẩm câu khách, hợp gu một bộ phận công chúng có thị hiếu thấp hoặc một số tác phẩm chạy theo mốt, thời thượng… Trong khi đó, một số tác phẩm có giá trị thực sự, là kết quả lao động nghiêm túc, công phu của người sáng tạo lại chỉ được xuất bản, phát hành, in ấn, trình diễn rất hạn chế (có đầu sách có giá trị chỉ in 500 cuốn, có những chương trình nghệ thuật được xây dựng công phu chỉ được trình diễn dăm ba buổi, có những bộ phim có chất lượng tốt chỉ chiếu được một số buổi ít ỏi ở các rạp). Chúng ta đã rơi vào thế bị động, lúng túng trước tác động tiêu cực của thị trường các sản phẩm văn hóa. Tác động đó còn ảnh hưởng rất phức tạp đến tư duy, suy nghĩ, tâm lý của một bộ phận văn nghệ sĩ. Một số chạy theo sức hút của thị trường, sản xuất ra loại tác phẩm chất lượng trung bình, không vi phạm luật pháp nhưng không giúp ích cho sự phát triển văn nghệ. Một số buổi biểu diễn ca múa nhạc còn để tự phát, xô bồ, đơn thuần vì mục đích lợi nhuận, với biểu hiện lố lăng, bắt chước, sao chép, lai căng, xa rời truyền thống dân tộc… Sự chênh lệch trong hưởng  thụ cũng ảnh hưởng mạnh đến tâm huyết, sự nỗ lực sáng tạo và sự an tâm nghề nghiệp trong một bộ phận văn nghệ sĩ hoạt động trong các đơn vị nghệ thuật nhà nước.

Sự hưởng thụ văn hóa, văn nghệ còn chênh lệch lớn đối với công chúng ở các thành phố lớn, thị xã với khu dân cư ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc, chưa có biện pháp để tháo gỡ.

5. Hiện nay đang xuất hiện những vấn đề mới, có biểu hiện đáng lo ngại, tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của đội ngũ cần được quan tâm.

Nói đến chất lượng đội ngũ trong văn nghệ thực chất là nói đến tài năng. Xử lý vấn đề tài năng là một khoa học, đồng thời là một nghệ thuật. Quan trọng nhất là thái độ trân trọng và chân thành. Trong lĩnh vực này, sự thành kiến, hẹp hòi cũng có hại như chiều nịnh, tâng bốc. Phải làm cho văn nghệ sĩ nhận rõ tài năng vừa là do bẩm sinh, vừa là do rèn luyện, vừa thuộc về bản thân, vừa thuộc về xã hội. Đối với tài năng, áp đặt hay buông lỏng đều không đúng, không thích hợp.

Tình trạng già hóa đội ngũ trong các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương và các Hội văn học, nghệ thuật địa phương, trong cả lực lượng sáng tác, lý luận, phê bình, biểu diễn và quản lý là dấu hiệu tạo ra nguy cơ thiếu sức sống, thiếu tính năng động trong các hoạt động của các Hội văn học, nghệ thuật.

Thế hệ trẻ phát triển khá mạnh trong thời gian gần đây đã góp phần tạo sinh khí mới cho đời sống văn nghệ, nhưng cũng có một bộ phận không gắn bó với hoạt động chung, coi nhẹ trách nhiệm công dân trước đất nước, tỏ ra lạnh nhạt, xa lạ với danh hiệu nghệ sĩ – chiến sĩ, vốn là những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn nghệ cách mạng.

Một bộ phận văn nghệ sĩ lúng túng trước những biến đổi, biến động nhanh chóng, phức tạp của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế làm đảo lộn một số giá trị truyền thống, phá vỡ cấu trúc xã hội vốn có, sự chưa định hình của các giá trị mới và cấu trúc xã hội mới. Sự lúng túng này cùng với sự suy giảm nhiệt tình, lý tưởng sáng tạo hướng tới những vấn đề của dân tộc, thời đại là nguyên nhân bên trong của hiện tượng những năm gần đây, vì sao văn nghệ chúng ta không có được những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Tư tưởng ỷ lại như thời bao cấp và sự bị động trước đòi hỏi mới, tác động phức tạp của kinh tế thị trường làm cho một bộ phận văn nghệ sĩ, nhất là những người ở thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai đã không có được những tác phẩm đáp ứng nhu cầu đang biến đổi của công chúng nghệ thuât. Trong khi đó, một bộ phận những người thuộc thế hệ sau thích nghi với cơ chế thị trường, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi mới, song lại có khuynh hướng thực dụng với mục tiêu thương mại thuần túy, từng bước xa rời chức năng cao quý của văn nghệ, chạy theo đề tài, chủ đề nhỏ mọn, tầm thường, “ăn khách”,…

Trong công tác chỉ đạo quản lý, xuất hiện hiện tượng cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, quản lý văn hóa, văn nghệ do Đảng và Nhà nước (cả ở Trung ương và địa phương) cử sang thường không được chuẩn bị đầy đủ về năng lực, về sự hiểu biết lĩnh vực đặc thù này, do đó không có điều kiện và trình độ để xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình cơ bản, dài hơi. Đáng chú ý là một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý ít đọc, xem, nghe… các tác phẩm văn học, nghệ thuật, ngại tiếp xúc, không thấu hiểu, đồng cảm với đội ngũ hoạt động văn nghệ nên hạn chế lớn đến hiệu quả lãnh đạo, quản lý lĩnh vực này.

6. Đối chiếu với yêu cầu cơ bản, lâu dài và tính đặc thù của công tác đào tạo lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thời gian qua, công tác này bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém, khuyết điểm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn học, nghệ thuật.

Mạng lưới đào tạo phát triển nhanh, song sự phân bổ theo vùng miền và chất lượng đào tạo không đồng đều, chương trình đào tạo còn cũ, không đáp ứng được đòi hỏi mới và yêu cầu đào tạo tài năng. Rất nhiều trường hợp không có giáo trình chuẩn, vẫn tiếp tục giảng dạy theo kiểu truyền nghề, kinh nghiệm cá nhân.

Đội ngũ giáo viên đầu đàn, có trình độ chuyên môn cao và được đào tạo cơ bản ở nước ngoài trước đây đã lớn tuổi và nghỉ hưu nhiều. Giáo viên có trình độ cao thuộc các trường chiếm tỷ lệ rất thấp (giáo viên cơ hữu).

Chưa chú trọng đúng mức đến tính đặc thù, chuyên biệt của công tác đào tạo đội ngũ, thiếu những chính sách, chế độ đặc thù đối với giáo viên và học viên, sinh viên các ngành nghề cần ưu tiên đặc biệt đối với tài năng và năng khiếu nghệ thuật; ngân sách chi cho đào tạo còn hạn hẹp, không đáp ứng được đặc điểm đào tạo trên, do đó không thu hút được tài năng, năng khiếu nghệ thuật. Một thực tế cho thấy: sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành âm nhạc, múa, xiếc… sau khoảng 7 đến 12 năm đào tạo, được hưởng lương như các đối tượng tốt nghiệp đại học các ngành nghề khác. Hàng chục năm nay, công tác gửi giảng viên và sinh viên đào tạo ở nước ngoài hầu như không được thực hiện theo một mục tiêu và kế hoạch dài hạn.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, tuy có được cải thiện và nâng cấp một bước, song so với yêu cầu đặc thù của công tác đào tạo tài năng và năng khiếu nghệ thuật còn rất bất cập, thiếu thốn…

Công tác đào tạo toàn diện về chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức và thể chất còn nhiều bất cập. Việc giáo dục các bộ môn chính trị, khoa học xã hội không tạo được hứng thú và hiệu quả trong sinh viên, không có sự liện hệ, kết hợp với giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo toàn diện các năng khiếu, tài năng nghệ thuật.

7. Khuyết điểm, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo: Các quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta về văn hóa, văn nghệ trên thực tế chưa được quán triệt đầy đủ và đúng tầm. Mặt khác, trước những biến đổi mau lẹ, phong phú, phức tạp của đời sống văn nghệ, xuất hiện nhiều vấn đề và dấu hiệu mới, tầm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp từ Trung ương đến địa phương còn bộc lộ sự bất cập, hạn chế. Nội dung và phương thức lãnh đạo còn chậm đổi mới, một số cấp ủy Đảng hầu như vẫn thực hiện sự chỉ đạo theo lối cũ như thời chiến tranh và bao cấp, chưa thực sự quan tâm nâng cao, bổ sung hiểu biết mới về vai trò, đặc trưng của văn học, nghệ thuật thời kỳ mới.

Trong các văn bản, nghị quyết của Đảng về văn học, nghệ thuật những năm gần đây chưa lường hết được tác động phức tạp, tinh vi của mặt trái kinh tế thị trường đối với đời sống tinh thần xã hội nói chung và đời sống văn nghệ nói riêng, chưa hình dung rõ sự phát triển mạnh mẽ, tự phát của thị trường các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật dẫn tới sự lúng túng trước các tác động tiêu cực, nhiều chiều phức tạp đó. Phương pháp xử lý thường rơi vào tình trạng giải quyết tình thế, chắp vá, thụ động.

Thiếu một chính sách lâu dài, cơ bản và cơ chế cần thiết trong việc đào tạo tài năng, năng khiếu văn nghệ là một khuyết điểm kéo dài, nhất là từ khi chúng ta tập trung xây dựng kinh tế và vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường.

8. Khuyết điểm, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước. Sự thống nhất và quan hệ hợp lý, khoa học giữa lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước là sức mạnh là nhân tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của văn học, nghệ thuật. Đây là một truyền thống tốt đẹp trong sự lãnh đạo, quản lý văn nghệ của Đảng và Nhà nước ta. Song những năm gần đây, xuất hiện một vài hiện tượng cần quan tâm giải quyết. Vấn đề này chủ yếu thể hiện ở khâu chỉ đạo, tổ chức thực hiện, song có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình văn học, nghệ thuật và tâm tư, tình cảm văn nghệ sĩ.

Nổi bật là một số quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật rất chậm được thể chế hóa, lại không đồng bộ, lạc hậu nhanh và đôi khi không được thể chế hóa. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ban hành 1998 đã xác định một hệ thống chính sách cần xây dựng và thực hiện để phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Nếu hệ thống chính sách này được thực hiện đầy đủ và đưa vào vận hành trong đời sống văn nghệ thì chắc chắn sẽ là động lực, đòn bẩy mạnh mẽ cho sự phát triển. Gần 10 năm qua tuy chúng ta đã có nhiều cố gắng triển khai thực hiện, song vẫn còn một số chính sách chưa được xây dựng, đồng thời một số chính sách đã ban hành nhưng đã trở nên lạc hậu. Ví dụ như hệ thống “chính sách kinh tế trong văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển văn hóa” và “chính sách văn hóa trong kinh tế bảo đảm cho văn hóa thể hiện rõ vai trò, mục tiêu động lực trong các hoạt động kinh tế” Chính vì việc thể chế hóa chậm, lạc hậu, nhiều chính sách còn chắp vá, giải quyết tình thế, cho nên “cơ chế xin - cho” còn khá phổ biến đối với hoạt động văn học, nghệ thuật. Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị (tháng 11/1987) đến nay đã hơn 20 năm, song một số chính sách vẫn chưa được thực hiện hoặc vừa triển khai thực hiện đã nhanh chóng lạc hầu như: “Tiến tới thành lập Quỹ văn hóa Việt Nam theo hướng huy động mọi lực lượng, mọi khả năng cả ở trong nước và ngoài nước” và “khẩn trương nghiên cứu để sớm ban hành các cơ chế thù lao nghệ thuật, đảm bảo cho nghệ sĩ chuyên nghiệp có thể sống và tiếp tục sáng tạo chủ yếu bằng nhuận bút” (trích Nghị quyết của Bộ Chính trị số 05-NQ/TW ngày 28/11/1987). Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) ngày 14/1/1993 “về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt” lại khẳng định chính sách. “Tiếp tục tục bổ sung và hoàn thiện các chế độ lương, thù lao, mua bán tác phẩm, thuế, chính sách khuyến khích sáng tác… đảm bảo cho văn nghệ sĩ chuyên nghiệp có thể sống bằng nghề nghiệp chính của mình”. Định hướng các chính sách đó, tuy có được triển khai, song trên thực tế đã không thực hiện được như yêu cầu của Nghị quyết.

Hiện tượng thiếu thống nhất, không ăn khớp giữa một số nội dung trong định hướng, chủ trương của Đảng với một số đề xuất trong Đề án về văn học, nghệ thuật của một vài cơ quan quản lý Nhà nước gây bức xúc, không ổn định tư tưởng trong văn nghệ sĩ. Ngày 23/1/2003, Ban Bí thư ra chỉ thị số 18-CT/TW về “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về công tác văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”, chỉ rõ “Chính phủ sớm ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của các Hội văn học, nghệ thuật đúng với tính chất là các tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)” thì có Đề án đưa ra trình các cơ quan Nhà nước về xóa bỏ tính chất chính trị - xã hội nghề nghiệp của các Hội văn học, nghệ thuật.

Việc tăng cường đầu tư, nâng cấp điều kiện hoạt động, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động sáng tạo, sản xuất, công diễn, truyền bá… các sản phẩm văn học, nghệ thuật còn bộc lộ những bất cập rõ rệt. Hai mươi năm qua, trong cả nước hầu như chưa có một nhà hát mới, một công trình nghệ thuật lớn, một triển lãm dành cho văn học, nghệ thuật xứng đáng với vị thế của đất nước thời kỳ mới.

III

1. Kết quả, thành tựu của hoạt động văn học, nghệ thuật thời gian qua bắt nguồn từ các nguyên nhân chủ yếu sau:

Đại đa số lực lượng sáng tác và hoạt động văn học, nghệ thuật trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng, yêu nước, gắn bó với dân tộc và đời sống của nhân dân trưởng thành trong thực tiễn phong phú của những năm chiến tranh và của gần 25 năm đổi mới; tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc và tương lai tốt đẹp của đất nước.

Dù còn nhiều vấn đề phải giải quyết và những khó khăn, thách thức, song thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của thời kỳ đổi mới đất nước, mặt tích cực, tốt đẹp của cuộc sống vẫn là cội nguồn tạo nên dòng chủ lưu tích cực, nhân văn của sự phát triển văn nghệ. Hiện thực của đất nước vẫn là thực tiễn có sức thuyết phục đối với cảm hứng và định hướng sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Quan điểm đổi mới, đường lối và chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về văn học, nghệ thuật đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần định hướng cho sự phát triển và tạo động lực cho đại đa số văn nghệ sĩ nỗ lực sáng tác những tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật, phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém, khuyết điểm

Những năm qua, sự chuyển động, biến đổi, biến động của hiện thực đất nước trên tất cả các lĩnh vực cơ bản (kinh tế, chính trị, xã hội, giai cấp, quan hệ quốc tế…) là rất lớn, mau lẹ, phức tạp và khó lường… là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự lúng túng, nhiều lúc bối rối của lực lượng hoạt động văn học, nghệ thuật. Trong sự biến động trên, không ít vấn đề đang đặt ra ở phía trước phải tiếp tục tìm kiếm, giải đáp.

Cơ chế kinh tế thị trường và sự hội nhập quốc tế bắt đầu diễn ra trên cả bề rộng và chiều sâu, cùng với những tác động tích cực đã bộc lộ rõ mặt trái của nó, tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của nhân dân và trực tiếp đến đời sống văn nghệ và văn nghệ sĩ.

Các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị tiếp tục chống phá văn nghệ của chúng ta nhằm làm biến chất, đổi màu văn nghệ cách mạng.

Tư duy của Đảng trên lĩnh vực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn học, nghệ thuật còn chậm đổi mới. Nhận thức một số vấn đề cốt lõi trong văn học, nghệ thuật thời kỳ mới chưa được nghiên cứu, lý giải thấu đáo, chưa có sự thống nhất, công tác tổng kết thực tiễn văn nghệ chưa theo kịp sự phát triển và biến đổi của văn nghệ, dẫn tới sự lúng túng trước những vấn đề mới đặt ra, những khuynh hướng mới xuất hiện. Vì thế, thiếu những quyết sách cơ bản, chủ động để lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật. Việc đánh giá thực chất tình hình văn nghệ trong các cấp lãnh đạo chưa nhất quán, vừa có biểu hiện buông lỏng, hữu khuynh, vừa có biểu hiện áp đặt, chủ quan, thiếu tầm nhìn xa. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự coi trọng và quan tâm chỉ đạo, quản lý, giúp cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật phát triển là nguyên nhân hạn chế hiệu quả và uy tín của sự lãnh đạo, quản lý.

Chủ trương tăng trưởng kinh tế phải đi liền với phát triển văn hóa, văn nghệ - nền tảng tinh thần của xã hội chưa được quán triệt với thực hiện tốt. Trên thực tế, chúng ta mới tập trung nhiều cho đổi mới và tăng trưởng kinh tế, chưa quan tâm thực sự và tương xứng việc phát triển văn hóa, văn nghệ, xây dựng con người, đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc về văn hóa, đạo đức làm cho những người hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật cảm nhận không được coi trọng như trước, từ đó làm giảm sút niềm tin, tâm huyết, nhiệt tình và năng lực sáng tạo của họ. Chủ nghĩa thực dụng kinh tế đang có chiều hướng phát triển và là nguy cơ thực sự của sự phát triển không bền vững và của sự sa sút trên lĩnh vực tinh thần, đạo đức, sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Nghị quyết, quan điểm, đường lối của Đảng về văn học, nghệ thuật rất đúng và hay, song chậm đi vào đời sống vì không được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, có giá trị lâu dài về mặt quản lý nhà nước, hoặc thể chế hóa theo tư duy chắp vá, thiếu tầm nhìn, làm cho các chính sách, chế độ trở nên lạc hậu nhanh và vô hình chung trở thành lực cản đối với sự phát triển.

Công tác đào tạo, củng cố, xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ còn nhiều bất cập, chưa có kế hoạch, chính sách, chế độ, chế tài phù hợp với đặc trưng của lĩnh vực này. Những hạn chế đó kéo dài nhiều năm qua là nguyên nhân của sự hẫng hụt về đội ngũ những năm sắp tới. Công tác đào tạo còn lạc hâu, thiếu đào tạo toàn diện, vì thế không giúp cho sự phát triển tốt các năng khiếu, tài năng nghệ thuật và còn làm cho một bộ phận được đào tạo phát triển lệch lạc, xuất hiện những khiếm khuyết về chính trị, tư tưởng, nhân cách, đạo đức.

Xuất hiện trong một bộ phận đội ngũ văn nghệ sĩ sự sa sút về ý chí và niềm tin, dao động trước những biến động phức tạp của đời sống chính trị thế giới và trong nước, lúng túng trước những nhu cầu mới của công chúng về văn nghệ và sự biến động về chức năng, vai trò của văn nghệ trong cuộc sống đương đại, đồng thời, trong một bộ phận văn nghệ sĩ trẻ, biểu hiện và đòi hỏi của cái tôi cá nhân mạnh hơn, lấn át cái chung, cái cộng đồng, xa rời truyền thống văn nghệ cách mạng, tiếp nhận thiếu chọn lọc những xu hướng, hiện tượng văn nghệ hiện đại của các nước phương Tây.

 

Đ.X.D

 

 

* Tiếp theo và hết

 

 
 
ĐINH XUÂN DŨNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 206 tháng 11/2011

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground