Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Về gia phổ

Phổ (hay đọc phả) là sách ghi sự gì, cho có thứ tự, hoặc việc của một người, theo từng năm tháng là niên phổ, hoặc một nhà, là gia phổ, hoặc việc trong sinh hoạt như chép về thức ăn, là thực phổ, chép về chơi cờ là kỳ phổ.

Gọi là gia phổ, là sách để chép thế hệ của một nhà, cùng các việc xảy ra trong nhà, nhà đây hiểu theo nghĩa rộng không phải chỉ một gia đình, lớn hay nhỏ mà là cả một họ, một thị, một tộc, nên cũng gọi là thị phổ, tộc phổ.

Ở nước ta, một họ như Phạm, Trần, Lê, Nguyễn, ta gọi là thị hay tộc, Phạm thị hay Phạm tộc, nghĩa cũng như nhau.

Kể ra thì theo đúng nghĩa chữ Hán, một họ là tính, người cùng một họ là đồng tính. Người cùng một tính lại chia thành nhiều tông, mỗi tông thờ một vị tổ của tông mình, những người cùng tông, ta gọi là đồng tông. Người cùng tông lại chia ra nhiều phái nên có đồng tông biệt phái. Còn chữ tộc, ta cũng dịch là họ có nghĩa là người thân thuộc cùng một họ (cùng tính) như ta nói anh em họ là tộc huynh đệ, chú bác họ là tộc thúc bá. Tộc còn nghĩa là một đời, như ta nói tam tộc (ba họ) là nói cha, con, cháu, như cửu tộc (chín họ) là tính từ cao tổ đến huyền tôn: cao tổ, tăng tổ, tổ, phụ (cha), bản thân, con, cháu (tôn), tằng tôn, huyền tôn. Còn “thị” vốn có nghĩa là một họ thứ, người cùng một “tính”, chia làm nhiều “thị”, các tằng tôn của một ông tổ có thể thuộc vào “thị” này hay “thị” khác. Nay ta dùng chữ họ để dịch cả tính, tông, tộc, thị.

Việc chép gia phổ xuất hiện từ lâu đời.

Trong bộ sử ký của Tư Mã Thiên (sinh năm 145 trước Tây lịch) đời Hán, đã có chép về Khổng Tử thế gia, Việt vương Câu Tiểu thế gia, Trần Thiệp thế gia, lưu hầu “Trương Lương” thế gia đây là những bài đầu tiên về gia phổ, trong các sử của Trung Quốc.

Nhưng ở Trung Quốc, chép phổ hệ không thành một văn thể và cũng không có phổ hệ học. Ở bên nước Pháp, có nhà Hozier (1592-1660) là một phổ hệ học gia, con trai Kené (1640-1732) nối nghiệp, trong nhà ấy, còn có ba người nữa kế tục công việc ghi chép phổ hệ, chép cho các nhà quý tộc. Ở Trung Quốc, có một quyển gia phổ, phải nói là lâu đời nhất và chép chính xác nhất, có một không hai trên thế giới, đó là gia phổ của Khổng Tử. Gia phổ ấy chép cả đời họ Khổng cho đến ngày nay, được 80 đời, ngừi cháu đời thứ 77 của Khổng Tử tên Khổng Đức Thành, giáo sư đại học, nay sống ở Đài Loan.

Ở Trung Quốc, trong đời Tấn (265-316, rồi 317-420 và các đời gọi là Lục Triều (222-589), xã hội đi dần đến chỗ chia ra đẳng hạng rõ rệt, có quý tộc, có bình dân. Các chức quan được trao cho các nhà quý tộc, càng lâu đời càng quý, đó là các cao môn; nếu có vào tay những người không có giòng giỏi, mà có công huân thì vẫn chỉ là hàn (lạnh) nhân. Các nhà quý tộc, để chứng minh dòng dòng giỏi của mình, lập ra các tông phổ, các tộc phổ, hoặc tự ý hoặc do lệnh triều đình. Công việc làm gia phổ thịnh lên từ thời này.

Ở nước ta, các nhà “đại gia” “thế gia” có người đỗ cao, có người làm quan to, đều có chép gia phổ. Lệ này rồi phổ cập đến mọi nhà.

Trước hết, các họ làm vua dĩ nhiên là ghi chép hệ thứ thứ tổ tiên con cháu nhà mình một cách đầy đủ, đặt ra các cơ quan để làm công việc ấy. Triều Lý có “Hoàng Triều ngọc điệp (không còn). Triều Trần có “Hoàng tông ngọc điệp (không còn). Triều Lê có “Hoàng Lê ngọc phổ”, chỉ còn thấy bài tựa của vua Hiển Tôn, niên hiệu cảnh Hưng (1740-1786). Triều Nguyễn có Ngọc Điệp Tôn Phổ.

Các nhà tấn thân, đều có chép gia phổ. Cử ra vài thí dụ như nhà danh y Lãn ông Lê Hữu Trác (1721 năm sinh) có “Văn Xá (tên thôn) Lê tộc thế phổ”, đại thi hào Nguyễn Du có “Hoan châu (đất Nghệ An) nghi (huyện Nghi Xuân) Tiên (xã Tiên Điền) Nguyễn gia thế phổ;” nhà đại nho Bùi Huy Bích có “Thanh Trì (tên huyện) Bùi thị gia phổ” nhà đại nho Phạm Đình Hổ có “Đường An (tên huyện) Đan Loan (tên xã) Phạm gia thế phổ”.

Các nhà sĩ thứ, dù không có khoa, có hoạn, nhưng cũng có chữ, có của, cũng làm gia phổ, để lưu truyền đời này qua đời khác.

Vì không phải là một văn thể, cách chép gia Phổ thường không nhất loạt theo một cách thức nào. Thông thường, ở đầu gia Phổ, có một bài tựa, nói về mục đích chép phổ. Đơn cử bài tựa gia phổ họ Nguyễn, họ La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp có những câu: “Thánh nhân sở dĩ lập ra tông Pháp, là khiến người ta biết từ đâu mà có, để cho họ hàng hòa thuận, phong tục tốt đẹp…. Phàm kẻ sinh sau ta, xem phổ lục này, nên biết đến đức sinh thành của cha ông, đến đạo lớn nhỏ của anh em. Cúng lễ phải hết lòng thành, giao tế phải làm hết đạo. Như thế để buộc lòng cho khỏi loạn, giữ gia nghiệp đến vô cùng…” Sau bài tựa, bắt đầu chép phổ.

Sơ lược nhất thì chép tên các tiên tổ, cùng tự và hiệu nếu có, và ngày giỗ. Các điều này rất quan trọng cho con cháu. Phải nhớ ngày giỗ mà cúng, phải biết tên, biết hiệu mà khấn.

Muốn viết gia phổ cho đủ thì phải chép họ, tên, các vị tổ, từ đời thứ nhất trở xuống. Mỗi đời chép tên, hiệu của vị tổ, ngày tháng năm sinh, nếu nhớ, ngày tháng năm mất, có khi chéo cả giờ mất, chép mộ táng ở đâu cánh đồng xứ nào, có khi còn theo phép phong thủy (địa lý) chép mộ tọa chữ gì, hướng chữ gì (thí dụ tọa canh, hướng giáp, theo địa bàn các thầy địa lý dùng), tổ thọ bao nhiêu tuổi. Vị tổ này có vợ, họ gì tên gì, người làng nào, con ông bà nào, và các ngày sinh, ngày mất, tuổi thọ, nơi táng. Nếu có nhiều vợ, dĩ nhiên cũng theo thứ tự mà chép, sau chính thất thì chép các thứ thất. Rồi chép đến các con của vị tổ này, trai gái mấy người, tên là gì, thứ tự lớn bé, do bà mẹ nào sinh ra.

Sau đời này, tiếp tục chép về người con trưởng và cứ thế, đến con, cháu trưởng, chép giòng trưởng làm chính phổ, vì theo phong tục, giòng này có nghĩa vụ tiếp tục việc thờ tổ tiên, giòng này là đại tông của họ.

Các dòng con cháu thứ cũng được chép tiếp nhưng chép sau, thành ra có phó phả, hay thứ phả, các dòng thứ này là tiểu tông.

Muốn cho rõ thì các người trong tiểu tông được chép kèm với ghi chú rằng thuộc đời thứ mấy, để khỏi nhầm lẫn vị thứ trong họ.

Để cho vị thứ được rõ, có nhà, tên có chữ lót chữ đệm, đổi chữ đệm theo đường đời, những người mang cùng một chữ đệm là anh em họ ngang hàng nhau. Thí dụ dùng năm chữ: Phú Quý Thọ Khang Ninh thì con cháu họ Nguyễn, những người có tên Nguyễn Phú Giáp, Nguyễn Phú Ất là hàng trên, bác hay chú của những người có tên Nguyễn Quý Bính, Nguyễn Quý Đinh, v.v……

Về phần các con gái, gia phổ thường chỉ ghi rằng lấy chồng là gì, làm công việc gì con ông bà nào, quê làng nào, huyện nào, sinh được mấy con trai gái.

Các quyển gia phổ được lưu ở các nhà thờ họ. Có thể một họ chỉ có một nhà thờ, nhưng cũng có họ, con cháu đông, có học, có của, có nhiều nhà thờ, nhà thờ đại tông cho cả họ, nhà thờ tiểu tông cho mỗi tông. Nếu không có nhà xây riêng làm nhà thờ thì nhà người con trưởng, cháu trưởng, trở thành nơi thờ tổ tiên của cả họ và ở đấy sẽ giưc quyển gia phổ chung của cả họ.

Các tiểu tông, có chép gia phổ riêng nhưng cứ mươi năm, lại đem đối chiếu gia phổ của tiểu tông với gia phổ của đại tông, để bổ túc vào, cho các gia phổ được cập nhật hóa và được đủ.

Xưa kia, gia phổ được chép bằng chữ Hán. Sau này, chữ Hán thưa dần, nhiều nhà đã đem gia phổ chữ Hán, dịch ra tiếng ta và có khi cho in thành quyển sách chữ Quốc ngữ. Đây cũng là điều kiện, song nếu có thể, bên cạnh các tên, cũng nên thêm tên bằng chữ Hán, để có mặt chữ, để khỏi hiểu lầm nghĩa chữ khi có nhiều chữ trùng âm. Ngày nay, dĩ nhiên là gia phổ chép bằng tiếng Việt, viết ra chữ Quốc ngữ.

Gia phổ có khi chép được những việc lịch sử mà lịch sử không chép, như việc thiên di của người dân, khai hoang, lập làng, như gia phổ họ Ninh, chép rằng họ ấy vốn quê làng Ninh Xá, huyện Chí Linh, vào triều Hồng Đức, sau thời loạn, đất bỏ hoang nhiều, nên đi vào huyện Yên Mô, khai khẩn rồi lập ra làng Côi Trì, như họ Nguyễn làng Tiên Điền chép rằng họ ấy vốn ở làng Canh Hoạch huyện Thanh Oai di cư vào Tiên Điền được năm đời thì sinh ra Nguyễn Nghiêm (cha Nguyễn Du). Như gia phổ họ nhà Bùi Huy Bích chép rằng họ này vốn quê ở huyện Hoằng Hóa, cuối đời Trần, di cư ra làng Thịnh Liệt huyện Thanh Trì. Như gia phả họ nhà Nguyễn Cư Trinh chép rằng tổ tiên ở làng Phù Lưu huyện Thiên Lộc không chịu làm tôi họ Mạc nên di cư vào làng Tiên Nộn huyện Phú Vang, sau dời sang làng An Hòa, huyện Hương Trà.

Như gia phổ họ Phạm, làng Tân Niên đông, họ bà Thái hậu Từ Dụ, mẹ vua Tự Đức, tổ tiên vốn quê Thanh Hóa, theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa rồi vào Quảng Nghĩa, rồi vào Gò Công (huyện Tân Hòa), đến bà Từ Dụ đã được bốn đời.

Cũng có ích cho dân tộc học, là những ghi chép trong các gia phổ về việc bày biện xếp đặt các bàn thờ, về các đồ dùng để thờ, về lễ phẩm, về nghi tiết trong các buổi tế lễ, về câu văn trong các bài văn tế.

Quan trọng hơn nữa là các tài liệu về văn chương. Gia phổ có ghi chép cả các bài thơ, các bài văn, bằng chữ Hán hay bằn chữ Nôm, của các vị tổ tiên, rất quý cho đời sau. Chẳng hạn gia phổ họ Trương ở làng như Quỳnh huyện Diêu Loại, phủ Thuận Thành, quê bà Trương Thị Trong, tác giả bài thần tích Ỷ lan phu nhân (Thái Hậu triều Lý Nhân tôn 1072-1127) gồm sáu trăm câu lục bát bằng Nôm. Trương thị là cung tần trong phủ chua Trịnh, trật Thượng Hòa, được phong Thái Phu Nhân. Bà này có một bà cô (tổ cô) sinh ra chúa Trịnh Cương (hi tổ Nhân vương). Bài thần tích được viết vào năm Cảnh Hưng thứ 22 (1761), nay còn đủ.

Hay như Đoàn Thị Thực lục, bộ gia phổ của họ Đoàn, nhà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Tuy không ghi Đoàn thị đã dịch bản chinh phụ ngâm chữ Hán của Đặng Trần Côn, thực lục ấy có ghi rằng Đoàn thị ngoài việc làm nghè bốc thuốc, còn mở trường dạy học, một việc mà nữ giới xưa kia ít làm, và chép bài Đoàn thị làm khi tế anh, vào lúc anh mất. Cũng có quyển phổ chép sự tích tổ tiên, có chép rằng vị nào đã học được một nghề, truyền cho con cháu, rồi truyền cho cả làng. Chẳng hạn ghi sự tích nghề làm sơn vẽ (sơn mài ngày nay) nghề làm dù, làm lọng, nghề khắc ván in sách. v.v…. Đây là những ký chú rất có ích cho lịch sử các nghề thủ công của nước ta.

Về công đức của tổ tiên, các gia phổ đều có chép. Nhà sĩ thứ, tuy tổ tiên không đỗ, không làm quan, con cháu cũng nêu đức cần kiệm, tính ngay thẳng của các ông, lòng hiếu thuận, bụng thương người của các bà. Tuy con cháu ca tụng ông bà, lời văn thường có vẻ khoa trương nhưng vẫn có thể thấy đấy là mục đích tốt, muốn giáo huấn các đời sau.

Các nhà có tổ tiên có thi đỗ, có làm quan thường viết ra tiểu truyện hay hành trạng nêu lên những việc hay việc tốt trong khi giữ chức nọ, chức kia, cũng không ngoài mục đích là nêu gương sáng cho con cháu. Cũng có thể đem các sự kiện, các thời điểm ghi trong truyện các vị này, đối chiếu với quốc sử, để thấy rõ hơn diễn tiến các việc xảy ra mà sử có khi chỉ chép sơ lược.

Có nhà chép cả việc xây nhà thờ, việc đặt ruộng đất hương hỏa, để nhớ ơn công đức của tổ tiên và cũng để tránh các sự tranh chấp sau này về các việc quản trị hương hỏa hay các việc tế lễ trong họ. Nay tuy ruộng đất hương hỏa không còn, các ký chú này vẫn là có ích cho phong tục học.

Dân ta xưa sống theo văn hóa nông nghiệp, xã hội lấy gia tộc làm cơ sở. Người ta sống với nhau, quần tụ trước hết là “trong họ” rồi mới đên “ngoài làng”. Trong họ thì lấy cảm tình mà đối đãi với nhau “một giọt máu đào, hơn ao nước lã”. Tục thờ tổ tiên lại ràng buộc các con cháu. Nhớ ơn sinh thành của tổ tiên, và lưu truyền nòi giống mãi mãi, mà mục đích sâu xa là duy trì chủng tộc.

Ngày nay phong khí thay đổi, xã hội bước dần vào nền công nghiệp hóa. Gia tộc, chủng tộc, dân tộc đang trải qua nhiều cuộc biến thiên, tương lai chưa thể đoán trước hết được. Tuy thế, tinh thần dân ta, bản sắc dân ta vẫn tồn tại, việc lưu truyền và ghi chép gia phổ vẫn còn là công việc trọng đại của người làm con, làm cháu.


N.T

Tố Am Nguyễn Toại
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 2 tháng 11/1994

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground