Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Xuân trong thơ Nguyễn Bính

N

guyễn Bính sinh vào cuối xuân Mậu Ngọ (1918) và từ giã cõi đời trong một chiều 29 Tết Bính Ngọ (1966), năm ấy không có ngày 30, còn phơi phới sức xuân ở tuổi 49, “cái tuổi tứ thập nhi bất hoặc” thi nhân đã để lại cho đời nguyên vẹn cả một mùa xuân…Từ bấy đến nay thơ ông in lại không biết bao nhiêu lần và đi vào bao nhiêu tâm hồn, chắc không thể thống kê được.

Trong thơ Nguyễn Bính, mùa xuân có lúc tràn đầy, có khi bàng bạc, có lúc xoáy vào hồn ta như chiếc mũi khoan làm chảy máu tâm hồn, nhưng cũng có khi chỉ là hương hoa cam nhè nhẹ trái tim trinh nữ.

Hãy bắt đầu bằng một bãi sông quê với cát mịn và con thuyền mơ ngủ, có con trâu lội trong làn nước lạnh chỉ nhô đôi sừng và rồi ta bắt gặp một điều bất ngờ đầy sửng sốt: cô gái, mà cô gái  ấy lại là một thợ nhuộm.

Có chiếc thuyền nằm trên cát mịn

Có đàn trâu trắng lội sang sông

Có cô thợ nhuộm về ăn Tết

Sương gió đường xa rám má hồng

(Không đề)

Chỉ là ký họa, chỉ là phác thảo. Nguyễn Bính không vẽ nét mi cong, eo tiên cá hay thắt lưng hoa lý hoa đào, cô đi chợ huyện chợ tỉnh, chợ phiên cuối năm hay người thị thành, tết về thăm quê ăn Tết … Là cô gái làm nghề khác cũng có sao đâu, nhưng hình như ta nhớ lại, phiên chợ quê nào chả có những cô gái thợ nhuộm, nhuộm lại cho chị Đỏ, cô Mơ chiếc khăn vuông mỏ quạ, chiếc thắt lưng sồi se, chiếc yếm thắm, váy lĩnh để ăn Tết. Bây giờ tan chợ, cô thợ trở về, trả lại êm đềm cho quán chợ sau khi đã làm đẹp cho bao người ngày mai xuất hành, ngày mai lên chùa, ngày mai đi hội … Bài thơ, hay câu thơ thức lòng ta lên  một miền thanh bình như cổ tích, như ký ức, như mộng mơ …

Cũng là một bến sông, nhưng một dòng sông khác, có cô lái đò chờ đợi một cuộc hẹn hò đã ba mùa sương gió. Cô đành bỏ mùa xuân lên con thuyền hạnh phúc của mình mặc cho bao khách sang sông ngơ ngẩn nhớ thương, mặc cho dòng sông hoang vu hiu quạnh, từ câu thơ:

Xuân đã đem mong nhớ trở về

Làng cô lái ở bến sông kia …

cho đến:

Bỏ thuyền bỏ bến bỏ dòng trong

Cô lái đò kia đi lấy chồng

Vắng bóng cô em từ dạo ấy

Để buồn cho những khách sang sông …

(Cô lái đò)

Trong chúng ta, có bao giờ ta tự hỏi những cô gái chở đò ngày ấy, nay ra sao, cô nào tay bồng tay bế, cô nào hạnh phúc hay truân chuyên …? Có lẽ chỉ có thi sĩ mới nặng lòng với cô lái đò gặp một lần như Nguyễn Bính. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc từ cách đây mấy chục năm, nhưng nay nghe lại, thấy ít chất Nguyễn Bính đồng quê quá.

Mùa xuân Việt Nam lạ lắm. Nó như men say làm ta điên đảo, như khúc nhạc làm ta phải “khăn chầu áo ngự” một giá đồng, như người con gái ta thầm yêu trộm nhớ, nay nàng ứ hự gật đầu khiến ta bay bổng chín tầng mây, mất cả lưỡi, run cả chân. Nói như Hàn Mặc Tử “Ấp úng không ra được nửa lời …”. Nó cũng như một cái guồng, hút chúng ta vào vòng quay đầy ma lực khiến ta trở thành Niềm Xuân nhỏ hòa vào mùa xuân lớn …

Hình như ma lực ấy là hoa đào, hoa bưởi, hoa cam, là chiếc thắt lưng xanh, là…

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Nêu cao tràng pháo bánh chưng xanh …

Là hoa xoan rụng tím trong mưa, là hồi trống chèo thôn ngoại, là chén rượu uống suốt, qua hai năm tràn niềm vui và nỗi buồn, tràn tâm sự và hồi tưởng … Tết mà không có hoa, không có rượu thì đâu còn là Tết.

Câu chuyện hai cô cậu bé tí xíu có người chị cất rượu đem bán, còn mình cất hoa cam thành nước hoa bôi lên đầu nhau, uống rượu ngủ quên bị chế là vợ chồng … Sau bao năm luân lạc, cách trở, chia ly … Nguyễn Bính hồi tưởng, nghĩ về người bạn gái, tưởng tượng ra bao điều, ước đoán thêm bao điều và ước ao:

Hai đứa sống bằng hoa với rượu

Sống vào trời đất, sống cho nhau …

Nhưng rồi, nhà thơ lại than thở:

Xa rồi vườn cũ hoa cam rụng

Gặp lại nhau chi, muộn mất rồi …

(Hoa với rượu)

Có ai trong chúng ta không từng hồi hộp nghe hồi trống nổi lên gọi người đi hội, có đám chèo, có gái trai nô nức, có hẹn hò thầm kín, có hơi ấm bàn tay và có cả lạnh lẽo nỗi hờn lỡ dở. Nguyễn Bính đầy chất nông thôn dân dã, và nhà thơ đã phủ hồn dân dã ấy vào những bài thơ bất hủ:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay …

(Mưa Xuân)

Vẫn là câu chuyện thơ chuyện tình, chuyện trai với gái nhưng không phải dưới ánh đèn nghìn oát hay đèn mờ nhạc loạn, mà là sương mưa, là thoi cửi ngừng tay, là bờ đê hun hút, là cô gái thổn thức tình thầm và ta nghe thấy bước chân người đi trong đêm lần theo tiếng trống, lần theo tiếng trái tim trong hương hoa thơm như có như không của loài cây quen thuộc quê nhà, hoa thì tím, quả cho ta thời ấu thơ chơi trò bầy hàng mê mải: Hoa Xoan, xoan cũng là Xuân đọc chệch đi như hát Xoan tức hát Xuân.

Rồi hội tan, rồi mưa nặng hạt, rồi đám chèo ra đi, rồi hoa xoan rụng bời bời, rồi mùa xuân qua đi, rồi cô gái sụt sùi: Để cả mùa xuân cũng lỡ làng …

Bài thơ  là bức tranh quê sinh động, cảnh và người từ trăm năm trước cho đến bây giờ có lẽ vẫn còn ở những làng xa, những vùng ta gọi là quê hương, có cô gái ngoan, có bà mẹ già, có hồi trống giục, có mùa xuân vĩnh cửu nước non… Xuân về, khó lòng không nhớ đến bài thơ ấy. Càng đi vào thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Bính, có thể thấy mưa xuân là hồn vía mùa xuân đất Bắc cũng là hồn vía thơ ông. “Hoàn toàn có thể gọi Nguyễn Bính là thi sĩ của mưa xuân (…) Duyên mưa kia cơ hồ chỉ trao cho mình Nguyễn Bính - một hồn thơ thuần Việt thuần Quê” (Chu Văn Sơn)(1).

Tết về, càng không thể không nhắc đến bài thơ “Xuân tha hương” đầy bi phẫn của một tâm hồn nặng lòng với xứ sở, với cố nhân, với người thương mến, mà đành:

Tết này chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng …

(Xuân tha hương)

Tết, theo phong tục, ai chẳng mong được về quê ăn tết, được sum vầy trong khói hương  ấm cúng, bên mẹ cha anh chị bên người yêu dấu trong khung cảnh quen thuộc một đời.

Bài thơ chẵn 100 câu, chỉ độc một vần “Hồng”, viết ở Huế năm 1941, Nguyễn  Bính gửi về cho chị, người đất Bắc, ta cũng không cần tìm hiểu đó là có phải là chị Trúc của “Lỡ bước sang ngang”, ở Hà Đông hay ở Hà Nam, Hà Nội… hay một người chị nào trong tâm tưởng, người chị quê hương, người chị trong mộng trong thơ ảo hóa.

Giữa nơi xa lạ, thấy:

Cột nhà hàng xóm lên câu đối

Em đọc tương tư giữa giấy hồng …

(Xuân tha hương)

…thì không có tâm hồn dân tộc, không thể có câu thơ buốt lòng đến thế.

Thế Lữ có câu thơ bất tử, nhưng quý phái, cúi xuống nhìn đời và ngắm thân phận trong gương của mình:

Rũ áo phong sương trên gác trọ

Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang …

Thì Nguyễn Bính, con người lưu lạc lại bình dân:

Thôn gà eo óc ngoài xa vắng

Trời đất tàn canh tối mịt mùng

Đêm nay em thức thì cùng nến

Ai biết tình em với núi sông …

(Xuân tha hương)

Nguyễn Bính có lẽ cũng đau khổ thực, khi mối tình của ông với một nữ thi sĩ thời ấy tan vỡ, sau nhiều năm bà còn ghi trong hồi ký chuyện này.

Lạ cho một tâm hồn yêu nhiều đến thế, nhưng Nguyễn Bính có nhiều bài thơ gửi chị, bài nào cũng xót xa, bài nào cũng đầy ắp tâm hồn người con gái Việt, mà mùa xuân mùa con gái, nữ tính càng dâng trào, càng say đắm lòng người, có lẽ vì nhớ thương nhiều quá nên ông viết:

Chắc chị đời nào quên nhắc nhở

Xa nhà rượu uống có say không ?...

(Xuân tha hương)

Lấy cớ lời chị nhắc mà say hay mùa xuân, đêm xa nhà làm ông không thể tỉnh, nhưng nếu say thật thì làm sao có bài thơ ngập tràn tâm sự và thê thiết trữ tình, chứa chan nghệ thuật đến thế? Và ta ngờ rằng ông chỉ say xuân mà không say rượu, chỉ say tình, say quê mà không say men.

Mùa Xuân Việt Nam kỳ diệu, có thể đánh thức mọi tâm hồn bình thường trở thành thi sĩ, vậy thì có một thi sĩ đích thực, một thi sĩ hoàn toàn đồng quê như Nguyễn Bính đã làm những bài thơ tuyệt tác xuân có lẽ cũng  là điều dễ hiểu, mà không một ai có thể bắt chước được. Đúng như Tô Hoài đã nhận định thi pháp thơ Nguyễn Bính: “Chỉ có quê hương mới tạo nên được từng chữ từng câu Nguyễn Bính. (…). Trước sau và mãi mãi, Nguyễn Bính vốn là nhà thơ của tình quê, chân quê, hồn quê.”(2) Trong cuộc sống hôm nay, khi mọi cái đều được định giá bằng “Hiện đại hóa”, thì những câu thơ của Nguyễn Bính như một thông điệp đầy tính nhân văn. Đúng như lời của Hoài Thanh: “Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm. Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta”.(3`)

Rải rác còn nhiều bài thơ khác của Nguyễn Bính có sắc xuân, nhưng hoa đào đang đợi, rượu đã rót, nhang trầm đã đốt … mùa xuân đã gõ cửa mất rồi.

N.V.T

 

 

 

 

 

 

 

 

________

(*) Tất cả những bài thơ của Nguyễn Bính trong bài viết đều lấy ở cuốn Đến với thơ Nguyễn Bính,  Nxb Thanh Niên, 1998.

(1) Chu Văn Sơn - Ba đỉnh cao Thơ Mới - NXB Giáo dục, 2006.

(2) Tô Hoài - Lời giới thiệu, Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học, 1986

(3) Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, H, 2000, tr.335, tr.336

NGUYỄN VĂN THANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 234 tháng 03/2014

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

3 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

3 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

3 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

3 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground