Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ấn tượng Xiêm Riệp

Trong một lần nói chuyện về du lịch các nước khu vực Đông Nam Á, nhà văn Xuân Đức cho rằng đi du lịch Campuchia là ấn tượng nhất bởi chiều sâu văn hóa ở đất nước này. Một lần được đến thăm cố đô Xiêm Riệp (Siem Reap), tôi càng thấy nhận định của anh là có cơ sở. Chứng kiến cảnh khách du lịch nườm nượp đổ về Xiêm Riệp trong những ngày chúng tôi đến đây, mới thấy sức hấp dẫn từ miền đất này. 

Buổi sáng ăn sáng ở Đông Hà, di chuyển vào Đà Nẵng, chúng tôi đến sân bay quốc tế Đà Nẵng làm thủ tục chóng vánh để kịp chuyến bay trưa của Hãng hàng không Vương quốc Campuchia. Sau hai giờ bay, chúng tôi chạm đất Xiêm Riệp và ăn bữa cơm xế chiều trên đất bạn. Dùng bữa với thực đơn gần gũi như cá lóc nướng chấm muối ớt, cá kèo chiên, canh chua nấu me..., chúng tôi cảm giác như đang ở trên đất nước mình. Và “thực đơn du lịch” buổi chiều hôm đó mà chúng tôi được tự do lựa chọn là ngôi chùa Wat Damnak nổi tiếng ở thành phố Xiêm Riệp nằm ở đường Wat Bo, nơi một thời là cung điện hoàng gia dưới sự trị vì của vua Sisowath.

Đền Angkor Wat - kỳ quan thế giới

Vương Văn Hiền, hướng dẫn viên của đoàn là người vui tính, cởi mở. Bố Hiền là người Việt Nam, gốc Hồng Ngự, Đồng Tháp, sang đây từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, kết hôn với mẹ Hiền là người Campuchia. Vốn là người làm nghề y (nha khoa) có phòng khám ở Phnom Penh nhưng Hiền làm thêm công việc hướng dẫn viên là nghề tay trái, nói như Hiền là để đỡ áp lực của nghề y. Làm du lịch nên ngoài quốc tịch gốc Việt Nam, Hiền có thêm quốc tịch Campuchia với tên gọi là Hăm và quốc tịch Thái với tên gọi là Hoắt. Với nụ cười tươi, giọng Nam Bộ Việt Nam đặc sệt, thỉnh thoảng pha chút tinh nghịch, bao giờ khởi đầu lời của Hiền cũng bằng câu: “Bây giờ Hiền sẽ đưa gia đình mình đi…”.

Xiêm Riệp là tỉnh nằm ở Tây bắc Campuchia, nơi đây có hai mùa mưa nắng, mùa mưa kéo dài từ tháng sáu đến tháng mười. Khi chúng tôi đến, Xiêm Riệp đang là mùa khô. Hiền nói với chúng tôi rằng Campuchia là đất nước của lễ hội. Lễ hội năm mới của người Khmer được tổ chức vào tháng tư, lễ hội của linh hồn tổ tiên (Pchum Ben) diễn ra vào tháng chín, còn lễ hội ảnh Angkor vào tháng mười một, mười hai; giải marathon Angkor hàng năm là sự kiện lớn nhất Đông Nam Á. Dịp này những điểm du lịch của thành phố Xiêm Riệp lúc cao điểm có hàng chục ngàn người.

Nơi chúng tôi dành thời gian đi thăm nhiều nhất là Đền Angkor Wat - kỳ quan thứ 7 của thế giới, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đền được xây dựng để thờ thần Vishnu, một vị thần Hindu và theo các nhà thông thái thì nơi đây là ngôi đền để tang cho vua Suryarman II. Đền tọa lạc ở bên trong công viên Angkor Archaeological có hồ rộng bao phủ xung quanh như một dòng sông lớn, rộng hơn cả sông Xiêm Riệp ở trung tâm thành phố. Bước qua chiếc cầu phao làm tạm để vào đền vì đường chính vào đền đang được trùng tu, chúng tôi leo hàng trăm bậc cấp bằng đá để chiêm ngưỡng năm tòa tháp có hình dạng như hoa sen, tất cả đều được xây bằng đá, cao đến 65 mét với kiến trúc Khmer thế kỷ thứ XII. Ngoài những vị thần được thờ trong tháp, ở đây còn có khoảng 2.000 hình khắc chạm công phu trên đá của các Apsara, còn gọi là những vũ công trên thiên đường. Không biết thời đó người ta dùng bằng công cụ gì để chạm khắc mà những hoa văn và hình vũ công tinh xảo đến thế.

Nhiều người nói rằng Angkor Wat là lý do chính mà hầu hết tất cả các du khách trên thế giới đến với Xiêm Riệp. Còn ở Angkor Thom, một ngôi đền cổ rộng lớn với những kiến trúc điêu khắc và hoa văn độc đáo trên từng xăng-ti-mét gắn liền với sự tích văn hóa và phát triển của dân tộc Khmer. Trên đường vào đền vẫn còn lưu giữ những tác phẩm chạm khắc trên đá cổ những linh vật gây sự chú ý của du khách. Angkor Thom được xây dựng theo phong cách Bayon, như nghệ thuật Baroque thời Phục Hưng Ý, mang hình thức kiểu cách, trang trí rậm rạp. Ở đền Bayon 4 mặt nụ cười bí ẩn được xây dựng vào thế kỷ XII dưới thời vua Jayavaraman VII ngay sau cái chết của vị vua này. Nằm ngay vị trí trung tâm của Angkor Thom là tháp Bayon với 216 gương mặt cười khổng lồ đầy bí ẩn và rất nhiều bức tranh chạm khắc rất tinh xảo. Đền Bayon có 54 tháp lớn nhỏ, cấu trúc đá thành ba tầng, trên mỗi tháp đều có điêu khắc bốn khuôn mặt của Lokesvana, trong đó có một trong bốn khuôn mặt với nụ cười thần bí tạc trên tháp trung tâm được cho là đẹp nhất. Đây là nơi tập trung nhiều du khách, bởi như quan niệm của người Campuchia, được đứng cạnh và chụp ảnh ở đây sẽ mang lại nhiều may mắn.

Một địa chỉ nữa có sức thu hút khách du lịch mà chúng tôi được chiêm ngưỡng là đền Ta Prohm. Đây là một tu viện được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XII bởi vua Jayavarman VII để tưởng nhớ mẹ của ngài. Người ta cho rằng tu viện 600 phòng này với khuôn viên rộng lớn đã từng có đến tận 70.000 người sinh sống, hầu hết họ là thầy tu, giáo sĩ, người phụ trợ, vũ công và người làm công. Đền Ta Prohm còn được biết đến là một phế tích kinh thành Khmer cổ với những cây đại thụ có hình thù kỳ quái mà người ta dựa vào hình thù của nó gọi tên như cây đa chung thủy, cây đa phản bội… Đây cũng là địa điểm được Hollywood chọn làm phim trường để khởi quay bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ” cùng với một số đền đài khác trong khu vực Angkor.

Bí ẩn và bí ẩn, đó là cảm nhận chung của chúng tôi khi leo hàng trăm, hàng ngàn bậc đá lên thăm những ngôi đền cổ ở Xiêm Riệp, nhưng ám ảnh mãi trong tôi là khi vào thăm ngôi chùa Wat Damnak nằm ở đường Wat Bo. Nơi đây có ngọn tháp chứa vô số xương và đầu lâu của những người dân vô tội Campuchia bị quân của Pôn Pốt, Iêng Xa-ri sát hại. Hôm đó Nguyễn Văn Hoán, người lính tình nguyện chiến trường Campuchia một thời lặng đi vì xúc động hồi tưởng về những năm tháng sống, chiến đấu trên mảnh đất này. Người dân ở thành phố du lịch nổi tiếng này cũng như người Campuchia ngày nay vẫn chưa hề nguôi quên một thời đất nước của họ bị chìm đắm trong thảm họa diệt chủng kinh hoàng của Khmer Đỏ và những người sống sót vẫn luôn nhớ ơn “đạo quân nhà Phật” - quân tình nguyện Việt Nam đã cứu đất nước của họ thoát khỏi thời kỳ đen tối đã qua chưa lâu trên mảnh đất này.

Một Xiêm Riệp khác...

Địa danh Xiêm Riệp theo tiếng Khmer nghĩa là “Xiêm bại trận”, điều đó tôi đọc được trong tài liệu lịch sử, còn Vương Văn Hiền nói với chúng tôi rằng người Thái đã từng nhiều lần đề nghị Campuchia đổi tên thành thành phố Angkor nhưng họ không chịu đổi bởi đây là vùng đất miền tây bắc đất nước của họ trong lịch sử ghi dấu cuộc giao tranh với người Thái. Vùng đất này không chỉ nổi tiếng với những ngôi đền Angkor dày đặc mà còn mang một khuôn mặt khác. Nếu sau khi thăm thú các đền đài cổ bạn không muốn lai rai ẩm thực, uống bia trong các khu phố Tây, phố Tàu hay đắm mình trong những vũ điệu Apsara thì có thể lang thang ra ngoại vi thành phố ngắm nhìn các trang trại của người dân nuôi tằm, những cánh đồng lúa bạt ngàn và các làng chài gần Biển Hồ.

Trong thời gian ngắn lưu lại ở Xiêm Riệp, Vương Văn Hiền hay rủ rê chúng tôi dạo phố, khi thì bằng xe du lịch, khi thì đi xe túc-túc. Thành phố này không rộng lớn, nhiều ngả đường, vỉa hè mới được nâng cấp nhờ sự đầu tư của nước ngoài những năm gần đây. Thành phố đang trong giai đoạn phát triển nên có nhiều công trình xây dựng mọc lên với mật độ dày đặc. Xiêm Riệp còn có những khu phố Tây, phố Tàu, các cửa hàng thủ công mỹ nghệ. Bất kỳ khách du lịch nào đến Xiêm Riệp cũng muốn ghé thăm các khu phố như Ngã tư Pháp cổ và Phố Tửu quán để hòa mình vào sự huyên náo của quán rượu khi trời ngả về chiều. Một điều khác lạ là hệ thống khách sạn, nhà hàng, ngay cả khách sạn lớn 4 sao ở trung tâm thành phố, nơi chúng tôi lưu trú cũng chỉ với độ cao 4 - 5 tầng, kiến trúc trải theo chiều rộng. Người Xiêm Riệp cho biết bất kỳ kiến trúc mới nào trong thành phố này cũng không được cao quá 65 mét, nghĩa là không được cao hơn Angkor Wat, nơi thờ tự của nhà vua. Ngày nay, vì thành phố có kỳ quan của thế giới nên khách du lịch nước ngoài đến với Xiêm Riệp ngày càng nhiều, là điểm đến thú vị nên thành phố xây dựng nhiều nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm sang trọng. Thành phố có sân bay quốc tế nối đến các thành phố trong khu vực châu Á, đặc biệt là với ba sân bay của Việt Nam là: Nội Bài (Hà Nội), Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh). Chính phủ Campuchia đang nỗ lực xây dựng Xiêm Riệp trở thành thành phố vừa cổ kính, vừa hiện đại, thân thiện với du khách.

Trong buổi chiều được tự do tùy nghi di tản, chúng tôi được Vương Văn Hiền đưa đi mua đặc sản làm quà. Ngoài các khu chợ tràn ngập hàng hóa như tơ lụa, thời trang, thảo dược, chúng tôi đến một cửa hàng bán đặc sản có tiếng ở Xiêm Riệp. Đặc sản được anh chị em trong đoàn mua nhiều nhất là cá khô lóc Biển Hồ, khô nai, khô bò, đường thốt nốt… với giá cả phải chăng, đặc biệt là có thể trả tiền bằng đồng Riel Campuchia, đồng tiền Việt Nam hoặc USD… Để biết thêm những món hàng cao cấp, chúng tôi ghé tới Siêu thị Garden of Desire để ngắm nhìn các món trang sức được làm từ đá quý và bạc long lanh. Biết có đoàn từ Việt Nam tới, nhân viên siêu thị mời đoàn vào phòng khách để được ông chủ thân chinh ra đón tiếp. Ông chủ trẻ là người Đài Loan, nói tiếng Việt chưa sỏi nhưng nụ cười luôn nở trên môi. Anh ta cho biết mới học tiếng Việt được ba tháng và sắp tới sẽ được cử sang Hà Nội mở cửa hàng trang sức. Vừa giới thiệu, ông chủ trẻ vừa dùng thiết bị soi để giới thiệu loại đá nào được coi là đá quý, loại nào là đá bình thường làm cho khách cứ mê mải. Khi ngắm hàng trong các tủ kính, chúng tôi thấy không có món hàng nào dưới 300 USD, có món lên đến hàng chục ngàn USD, nhưng không biết có phải vì cảm tình với đoàn Việt Nam, nơi ông chủ trẻ sẽ đến đầu tư bán hàng hay không mà mấy cô gái trong đoàn cứ trả giá tía lia và được ông chủ lia lịa gật đầu, thậm chí có mấy món hàng dây đeo bằng bạc, mặt đá quý treo giá hàng trăm USD được bán cho các người đẹp Việt Nam chỉ có 70 USD. Hơn thế, khi ra về, dù có nhiều thành viên trong đoàn chúng tôi không hề mua hàng nhưng đều được tặng mỗi người một tượng Phật bằng đá quý, duy chỉ dây đeo là dây chỉ đỏ mà thôi. Nhớ lại khi ở cửa hàng đặc sản Xiêm Riệp ra về, ông chủ cửa hàng cũng có một gói quà cho hướng dẫn viên của đoàn. Vương Văn Hiền cho biết đó là quà của ông chủ cho người đưa khách đến với cửa hàng của ông. Còn hôm đi chơi đêm Xiêm Riệp, nhân trong đoàn có một em gái đúng vào dịp sinh nhật, chúng tôi thuê xe túc-túc dạo chơi và tấp vào một quán bê thui ven đường, được các em tiếp viên quán nhậu chăm sóc, nài nỉ khách uống bia cho đến say mèm. Hiền ghé tai tôi nói nhỏ phải biết “cảnh giác” vì các em tiếp viên ở đây ăn lương theo “khoán doanh thu”. Mới hay, chuyện kinh doanh của người Xiêm Riệp cũng là điều thú vị.

Và lớp học tình thương ở hồ Tonle Sap

Không nằm trong tour du lịch, chúng tôi tự chọn thêm tuyến du ngoạn Biển Hồ (Tonle Sap) để có dịp thăm nơi có nhiều đồng bào Việt sinh sống và thăm lớp học tình thương của con em người nghèo mà báo chí đã viết lâu nay. Hồ Tonle Sap là một hồ rộng lớn giáp với 7 tỉnh của Campuchia, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Nơi đây có hàng trăm loài sinh vật nước ngọt sinh sống, ở nhiều vùng đất gần bờ có các tràm chim. Du ngoạn Biển Hồ, chúng tôi di chuyển trên chiếc tàu truyền thống có gắn máy đi xuyên qua nhiều khu rừng ngập nước, có nhiều mô đất nổi lên có mộ được xây bằng bê tông của người Việt và vô số làng nổi nuôi cá bè trên hồ, có nhiều điểm người ta làm nhà hàng ngay trên các nhà nổi. Thi thoảng chúng tôi bắt gặp những du khách phương Tây chèo thuyền Kayak len lỏi qua cánh rừng ngập nước hoang sơ để trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên hoang dã nơi đây.

Trước khi đi, hướng dẫn viên của đoàn có sáng kiến khuyên chúng tôi gom tất cả những đồ dùng cá nhân trong khách sạn không dùng đến đem cho các em học sinh ở Biển Hồ. Tôi cùng Võ Thái Phong ở Đảng ủy khối Doanh nghiệp Quảng Trị chung tiền mua thêm mấy thùng mì ăn liền để tặng cho các em ở lớp học tình thương. Khi tàu cập bến, chúng tôi chứng kiến cảnh lớp học trên sông dập dờn sóng nước với hàng trăm em học sinh khuôn mặt ngơ ngác, áo quần lem luốc. Trường có tấm biển: Trung tâm giáo dục từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo, do Quân khu 7 - Việt Nam tài trợ. Hiệu trưởng ngôi trường tiểu học này là ông Trần Văn Tư. Ông Tư trạc tuổi ngoài 80 nhiệt tình chào đón chúng tôi và giới thiệu khái quát về quá trình hình thành trường tiểu học này. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn đứng ra đảm nhiệm nuôi dạy 314 học sinh nghèo con em của người Việt từ 6 tuổi trở lên sinh sống trên Biển Hồ. Để duy trì lớp học, vừa dạy chữ, vừa nuôi ăn cho các em, trung tâm phải nương nhờ sự đầu tư, tài trợ nhà của Quân khu 7 và tấm lòng từ thiện của khách du lịch. Địa chỉ thư điện tử của ông cũng nói lên điều đó: thaygiaodaytuthien1937@gmail.com. Được anh em trong đoàn đề cử, tôi thay mặt Đoàn cán bộ, công nhân viên Công ty Thủy điện Quảng Trị nói chuyện với lớp học, cảm ơn ông Tư có tấm lòng nhân hậu cao cả đã bỏ công sức, tiền của, thời gian nuôi dạy các em học sinh nghèo và chúc ông sống lâu trăm tuổi để dìu dắt các em kiếm con chữ để mai này đỡ nhọc nhằn trong nghiệp mưu sinh nơi đất khách quê người. Lớp học mỗi lúc mỗi đông thêm bởi số học sinh các thuyền khác di chuyển đến. May thay các bạn gái đi trong đoàn đã nhanh trí mua thêm bánh kẹo của các thuyền cạnh đó phân phát cho các em học sinh. Chúng tôi bịn rịn rời đi mà trong lòng vẫn chưa hết bồi hồi thương cảm đối với đời sống lênh đênh của đồng bào Việt ở Biển Hồ.

Để xua đi không khí trầm lắng, Vương Văn Hiền động viên chúng tôi rằng làm sao có thể trang trải hết lòng mình khi trên Biển Hồ này có đến hơn 500 hộ đồng bào Việt sinh sống từ bao đời nay. Họ sống, hành nghề đánh bắt thủy sản mà không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào, không hộ khẩu, không quốc tịch, cuộc sống chỉ rày đây mai đó theo còn thuyền lênh đênh trên sông nước Biển Hồ. Một đồng nghiệp của tôi cho biết gần đây có hơn 50 hộ dân ở Biển Hồ Campuchia đã hồi hương về Việt Nam, được tiếp nhận vào làm việc ở cơ sở sản xuất chuối xuất khẩu của ông Võ Quan Huy ở tỉnh Long An, được phân cho nhà ở và cuộc sống dần dần ổn định, nhưng còn biết bao nhiêu đồng bào của mình còn sống cuộc sống lay lắt ở nơi này. Trong khi đó nguồn lợi cá, tôm ở Biển Hồ nay đã vơi đi rất nhiều nên đời sống của người dân Biển Hồ cũng khó khăn theo. Khi kết thúc chuyến du ngoạn hồ Tonle Sap, chúng tôi được mời mỗi người một quả dừa, hoặc tự chọn một lon nước có ga với đĩa thức nhấm là tôm Biển Hồ nhưng con nào con nấy chỉ to hơn con tép đồng ở Việt Nam.

Hôm chia tay thành phố Xiêm Riệp để trở về, chúng tôi có tình cảm lưu luyến với Vương Văn Hiền. Mời chúng tôi ly cà phê địa phương, Hiền tâm sự rằng thu nhập của người làm công ăn lương ở Vương quốc Campuchia rất thấp, như Hiền vừa làm nha khoa, vừa làm hướng dẫn viên du lịch mỗi tháng cũng chưa kiếm được 5 triệu đồng tiền Việt Nam. Vì vậy Hiền phải làm thêm, ở nhà có rẫy trồng một ngàn gốc xoài để xuất khẩu và bán thêm hàng dược liệu cho khách du lịch để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở Phnom Penh. Hiền chúc “cả nhà mình” về Việt Nam bình an, còn Hiền phải về Phnom Penh với công việc đời thường. Chúng tôi cảm ơn Hiền về việc chăm lo cho “cả nhà” thăm thú đó đây, có nhiều ấn tượng tốt đẹp trong những ngày lưu lại ở thành phố Xiêm Riệp và hẹn có ngày gặp lại, dù biết ngày đó còn rất xa vời.

M.T

Minh Tứ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 282 tháng 03/2018

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground