Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tin ở đất lành

Bảo tháp Khe Sanh tọa lạc trên đỉnh di tích lịch sử đồi Cù Bốc, đứng ở đây có thể nhìn bao quát vùng đất Hướng Hóa. Con đường 9 đổ hết cánh rừng Đông Trường Sơn qua những phố núi rậm rịch hiện đại và những quả đồi bạt ngàn sắc xanh cây trái. Mùa này hoa cà phê nở trắng từ thung lũng Khe Sanh cho đến Hướng Tân, Hướng Phùng cùng những trang trại trồng cao su, hồ tiêu trong nỗi khát vọng chinh phục hàng nghìn hecta đất bazan màu mỡ của người Hướng Hóa.

Trở lại với Khe Sanh hôm nay, ông Lương Hùng Cường, nguyên Trưởng ban Kinh tế mới huyện Hướng Hóa không tránh khỏi bồi hồi: - Khe Sanh, Hướng Hóa đã xanh lại như là một lẽ tự nhiên của cuộc sống đền bồi xứng đáng cho vùng đất này. Tôi đã cố mà vẫn không hình dung nổi một Khe Sanh nồng ấm khoáng đạt bây giờ là chốn rừng thiêng nước độc nhiều năm về trước. Ông Cường bắt đầu câu chuyện bằng một cảm nhận giản dị về hành trình năm mươi năm qua của mảnh đất này.

Ở Khe Sanh những năm sau giải phóng, ông Cường nhận nhiệm vụ đi về thường trực giữa hai huyện Triệu Phong và Hướng Hóa khảo sát địa bàn để chuẩn bị đón đồng bào Triệu Phong lên theo chủ trương di dân khai hoang miền núi. Sau đó ông được Tỉnh ủy Quảng Trị phân công làm Trưởng ban phụ trách 7 xã vùng kinh tế mới, gắn bó cùng với bà con Triệu Phong trong những năm gian nan mở đất lập làng mới dọc đường 9. Lúc này, dân số toàn huyện Hướng Hóa chỉ hơn 2 vạn người. Do yêu cầu cấp bách về điều chỉnh mật độ dân số, di dân khai thác vùng miền núi và bảo vệ an ninh biên giới, tháng 9 - 1975, Hướng Hóa đón gần 13.000 lao động từ đồng bằng Triệu Phong lên định cư. Người dân ở các vùng Triệu Trạch, Triệu Lương, Triệu Lễ lập xã Tân Hợp; người dân Triệu Độ lập xã Tân Độ (sau nhập vào thị trấn Khe Sanh); người dân Triệu Đại, Triệu Hòa lập xã Tân Liên; người dân Triệu Trung, Triệu Tài, Triệu Sơn lập xã Tập Lập, người dân Triệu Thành lập xã Tân Thành; người dân Triệu Long lập xã Tân Long; người dân Triệu Phước ở vùng giáp biên thành lập xã Tân Phước (sau chuyển thành thị trấn Lao Bảo)... Rất đông cư dân của Hướng Hóa bây giờ là gốc Triệu Phong, họ là thế hệ thứ nhất đi khai phá vùng đất Khe Sanh quần tụ quanh đường 9.

Đường 9 ngày nay là tuyến quốc lộ huyết mạch xuyên Á với trọng trách mới Hành lang kinh tế Đông Tây. Nhưng ngày xưa vùng này có tiếng là đất dữ. Khởi thủy chỉ có người Vân Kiều, Pa Cô sinh sống ở địa bàn, họ là chủ nhân của núi rừng phía tây Quảng Trị thuở ban đầu. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương, người Pháp đã chọn nơi thâm sơn này để lập nhà đày Lao Bảo và sử dụng những quả đồi đất đỏ bazan mở đồn điền cà phê. Con đường số 9 là lối đi do người Pháp khai mở để dễ bề khai thác thuộc địa Đông Dương. Sau đó người Mỹ thay chân đến đồn trú xây dựng những cứ điểm lớn ở Tà Cơn, Làng Vây, Khe Sanh án ngữ đường số 9 và hòng cắt đứt tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Khi quân đội Mỹ bị vây ráp Khe Sanh từ tháng Giêng 1968, chính Tổng thống Mỹ Giôn-xơn, Bộ trưởng quốc phòng McNamara, tướng Westmoreland đã họp bàn ở Lầu Năm Góc về kế hoạch ném bom nguyên tử xuống Khe Sanh, nhưng cuối cùng may mắn vũ khí nguyên tử đã không được sử dụng, pháo đài bay B52 được huy động rải hơn 100.000 tấn bom xuống một vùng rộng chưa đến 5 dặm vuông trong vòng 3 tháng trời. Đây được coi là cuộc giội bom có mật độ dày nhất trong lịch sử chiến tranh, nhưng người Mỹ vẫn phải tháo chạy khỏi Khe Sanh. Khi người dân Triệu Phong lên tiếp quản vùng đất dọc đường 9, di tích của cuộc khai hoang là những quả đồi ràn rạt cỏ tranh, bom đạn.

Những ngày đầu lập nghiệp, dường như ngày nào cũng có tiếng bom nổ gây thương vong, hố bom còn nhiều hơn những nóc nhà mới dựng. Người dân đi kinh tế mới được huy động trồng sắn để giải quyết nhu cầu lương thực trước mắt, nhát cuốc bổ xuống là thấy bom đạn trồi lên luống đất mới cày. Những ngày tăm tối còn ghi trong ký ức của lớp công dân đầu tiên như ông Lương Hùng Cường nguyên Trưởng ban kinh tế mới, ông Nguyễn Xuân Sự nguyên Chủ tịch thị trấn Lao Bảo. Bom đạn, sốt rét rừng kinh hoàng khiến xác xơ những làng quê vừa mới lập. Vì quá hoảng sợ, đã không ít người đưa cả gia đình bỏ xứ về xuôi rồi vào Nam Bộ và Tây Nguyên lập nghiệp. Thị trấn Lao Bảo nơi ông Sự ở sốt rét dữ quá, 1.500 lao động đi kinh tế mới thì hai năm sau đã bỏ đi gần nửa, bản thân ông cứ nhớ lại thuở đó là nhớ màu da xanh như tàu lá chuối và màu vàng của viên thuốc trị sốt rét. Dân bỏ đi có nghĩa là khát vọng xây dựng miền đất biên ải sẽ thất bại, chính ông Cường đã phải đến từng nhà vận động người dân bám đất, canh gác các ngả đường ngăn chặn các hộ gia đình tìm cách bỏ xứ. Bắt đầu từ việc san lấp hố bom, dựng nhà làm rẫy, chẳng bao lâu sau cái thuở ban đầu đói cơm lạt muối, bằng ý chí cần cù chịu khó người dân kinh tế mới đã làm tái sinh những cánh rừng bị bom đạn và chất độc hóa học tàn phá. Rồi hai huyện Nam - Bắc Hướng Hóa và vùng kinh tế mới Triệu Phong thống nhất thành một huyện, Hướng Hóa bắt tay vào tái thiết lại quê hương, người dân đường 9 đã đồng tâm hợp lực cùng người Vân Kiều, người Pa Cô làm nên những kỳ tích từ đất.

Chặng đường chừng 20 cây số từ Rào Quán lên cửa khẩu Lao Bảo đi qua bảy xã, thị trấn kinh tế mới cho chúng tôi nhận rõ sự thay da đổi thịt của vùng đất trong chiến tranh từng khiến người Mỹ khiếp sợ gọi tên Khe Sanh là “khe tử”. Bây giờ đang là mùa khô, gió Lào thổi ràn rạt qua những miền rừng bao la của Đông Trường Sơn, nhưng cây lá hai bên đường 9 vẫn xanh rời rợi. Đi qua Tân Hợp, Tân Liên, Khe Sanh đã thấy bạt ngàn sắc xanh lá cà phê, lên Tân Lập, Tân Long là màu xanh của những cánh rừng chuối mật mốc vượt sông Sê Pôn sang bám rễ trên đất Lào. Không dừng lại chừng ấy, Khe Sanh còn có màu xanh của cây cao su, hồ tiêu, chè, mắc ca, chuối… đang phủ lên màu bazan đỏ thắm những hứa hẹn phồn vinh cho mảnh đất này. Hầu như các loại cây trái là đặc sản của các vùng miền trên cả nước đều có thể trồng được ở đây. Nhiều người Hướng Hóa là gốc Triệu Phong mà tôi gặp đều vui mừng vì cái thời đói cơm thiếu sắn đã qua lâu lắm rồi, và họ đang sống trong những ngôi nhà khang trang bên cạnh những vườn đồi quả ngọt, trái sai.

Tôi ghé thăm vườn chuối 3 hecta của ông Võ Tiên Sinh ở thôn Long Quang, xã Tân Long. 1.000 gốc chuối xanh mướt, trái căng tròn lúc lỉu hứa hẹn một mùa bội thu. Chuyện với ông Sinh về sự nghiệp mở đất, ông cười: “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm mà”. Cũng như đa phần người Hướng Hóa bây giờ là gốc Triệu Phong hơn bốn mươi năm trước gồng gánh cả gia đình đi khai hoang miền đất hứa, ông Sinh vẫn bồi hồi khi nhớ về những ngày đầu mới lên tiếp quản vùng đất này, cuộc sống phập phù như ngọn đèn trước gió. Đêm nằm giữa miền rừng heo hút lạnh lẽo nước mắt cứ chảy dài. Vợ dại, con thơ. Kiếm đồng tiền để nuôi sống gia đình trong những ngày tháng ấy khó vô cùng. Thời điểm ngặt nghèo nhất ông Sinh làm cả việc trái pháp luật là buôn lậu hàng hóa qua biên giới. Và không chỉ ở Tân Long, các xã kinh tế mới giáp sông Sê Pôn như Tân Thành, thị trấn Lao Bảo, nhiều gia đình sẵn sàng bỏ hoang nương rẫy rủ nhau đi buôn hàng lậu vì “dễ kiếm tiền”. Những gia đình có vốn để mua hàng với số lượng lớn thì trở thành đầu nậu, còn không thì là dân cửu vạn thuê cho chủ hàng. Dọc tuyến sông Sê Pôn dài 10 cây số, có rất nhiều bãi đáp ghe thuyền, hằng ngày những người “săn” hàng lậu vượt sông Sê Pôn luồn suối băng rừng sang đất Lào mua hàng sau đó về tập kết ở những bản sát biên giới Lào sẽ có thuyền sang chở hàng về. Khi đó vào bất cứ nhà nào cũng có thể tìm thấy thuốc Jet, nồi cơm điện, rượu ngoại, mỹ phẩm, vải vóc... Nhưng thời hoàng kim của hàng lậu cũng qua nhanh, khi lực lượng chức năng siết chặt kiểm soát đường biên, cùng với đó hàng hóa sản xuất trong nước chất lượng tốt giá rẻ cạnh tranh được với hàng ngoại. Đúng lúc ấy, cây chuối được một số hộ ở Tân Long mạnh dạn trồng thử nghiệm đã cho thu nhập cao, dân buôn dần từ bỏ công việc gùi hàng lậu và tung vốn mua đất rừng trồng chuối, cơn sốt chuối trở thành phong trào của nhà nhà người người. Gia đình ông Sinh cũng chuyển sang khai hoang vườn đồi để trồng chuối vì “không phải thấp thỏm sợ sệt như đi buôn hàng lậu”. Không ai ngờ loại cây từng bị chê bai là “quê mùa” đã cho những hiệu quả tuyệt vời.

Giờ thì chuối Tân Long đang thống soái khu vực miền Trung, là cây trồng cho hiệu quả kinh tế số 1 ở Hướng Hóa nhiều năm liền. Những buồng chuối lắng đọng giọt phù sa mỡ màu mang thương hiệu Sê Pôn ngày ngày từ chợ Tân Long theo những chuyến xe vào Nam ra Bắc, theo đường 9 ngược sang Lào vào miền đông bắc Thái Lan. Đứng trên cao điểm Làng Vây phóng tầm mắt từ miệt Tân Long, Tân Lập, Lao Bảo qua các huyện Sê Pôn, Mường Nòng, Sa Muồi của Lào, cây chuối đang lên xanh ngút tầm mắt. Ông Trương Đình Tùng, Chủ tịch xã Tân Long phác thảo bức tranh chuối mật mốc bằng những con số tốt lành. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay diện tích đất chuyên canh cây chuối của xã (kể cả đất thuê của Lào) là 1.714 hecta, sản lượng 14.400 tấn/năm và giá bán bình quân 5.000 đồng/kg, làm phép tính kinh tế đơn giản cho ra tổng thu nhập mỗi năm trên 80 tỷ đồng. Với nhà nông đó là con số lý tưởng. Không còn nghi ngờ gì về khả năng đổi đời nhờ cây chuối cho dân cư các xã dọc sông Sê Pôn.

Từ câu chuyện cây chuối mật mốc đuổi hàng lậu, khát vọng làm giàu của người dân miền tây không còn là chuyện buôn bán biên mậu nữa, họ bắt đầu ước vọng đổi đời trên chính mảnh đất quê hương. Đã từng có thời Hướng Hóa được người ta nhớ tới là một nơi trứ danh tập kết và phân tán hàng qua biên giới, là trạm dừng chân của hàng triệu chuyến xe xuyên Việt ra Bắc vào Nam và dân buôn khắp nơi đổ về. Đó là vào khoảng những năm 80 - 90, khi quốc lộ 9 được Nhà nước nâng cấp mở rộng kết nối với quốc lộ 13 của Lào và kéo dài đến cửa ngõ vùng đông bắc Thái Lan. Hàng hóa Thái Lan với đầy đủ chủng loại mẫu mã quá cảnh qua cửa khẩu Lao Bảo sau đó theo những chuyến xe khách nượm nượp đổ về xuôi. Những năm ấy người dân đường 9 giàu lên nhanh chóng nhờ buôn hàng Thái, những mặt hàng ở các thành phố lớn còn đang khan hiếm, thì ở Hướng Hóa hàng triệu tấn hàng theo tuyến Sê Pôn - Lao Bảo lén lút tuồn về rồi phân phối đi khắp cả nước. Gần hai mươi năm sau ngày giải phóng, Khe Sanh Hướng Hóa đã có những ngày tháng phập phù như thế. Nhưng khi qua rồi những ồn ào xuôi ngược theo con đường 9, bình tâm nhìn lại người ta nhận ra rằng trùng trùng đất đỏ bazan và nền khí hậu mát mẻ quanh năm mà thiên nhiên đã ưu ái cho Khe Sanh, Hướng Hóa mới là lối đi vào tương lai no ấm bền vững cho người dân sở tại.

Lang thang cùng Khe Sanh, vùi bàn chân vào lớp đất tơi xốp nồng ấm lòng dậy lên những dự cảm tốt lành. Màu đất đỏ mỡ màu quá, nhân hậu quá mà nhìn đâu cũng thấy một tương lai rực rỡ. Trọn nửa thế kỷ huyện Hướng Hóa giải phóng, và cũng gần bằng từng ấy thời gian những người từ đồng bằng Triệu Phong lên đây, và sau đó là các cuộc di dân tự do, người Kinh, người Vân Kiều, người Pa Cô thế hệ nối tiếp thế hệ cần cù, chịu thương chịu khó đã dày công khai phá, chăm bẵm, đổ biết bao máu và mồ hôi làm cho đất đai trở về vẹn nguyên tươi tốt, cho bao mùa hoa trái sinh sôi, cho cuộc sống hồi sinh, giàu có và thịnh vượng từ đất. Cũng từ đất bazan Hướng Hóa đã cho ra những thương hiệu đàng hoàng tự tin xuất khẩu như cà phê Khe Sanh, tinh bột sắn Sê Pôn, chuối mật mốc Tân Long. Xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú, triệu phú “chân đất” trong đó có không ít người Vân Kiều, Pa Cô làm kinh tế giỏi khiến nhiều người ngạc nhiên thán phục. Hiện nay, Hướng Hóa đã xây dựng được vùng chuyên canh các cây trồng chủ lực cho giá trị kinh tế cao với trên 5.300 hecta cà phê, 1.075 hecta cao su, gần 4.100 hecta chuối, trên 4.500 hecta sắn nguyên liệu và gần 250 hecta hồ tiêu... Nhưng tiềm năng của Hướng Hóa không chỉ dừng lại ở những con số ấy, vẫn còn đó những quả đồi hoang sơ đang mời gọi và chờ đợi con người đến khai phá.

Đi qua những cung đường biên viễn ngờm ngợp cây trái, tôi gặp những sắc xanh mới mẻ của Hướng Hóa, những gam màu xanh của hi vọng đang lặng lẽ phôi thai từ đất. Đến Tân Hợp để được mục sở thị vườn mắc ca rộng hơn 400 hecta với tổng vốn đầu tư 37 triệu USD của một Việt kiều Úc đã chọn đất Hướng Hóa để gieo loại hạt ngon và đắt nhất thế giới. Lứa quả đầu tiên đã minh chứng trồng mắc ca ở đất Hướng Hóa cho năng suất vượt trội hơn ở các vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. Tiếp tục men theo quốc lộ 14 trục chính của đường Hồ Chí Minh nhánh Tây tìm đến đèo Sa Mù xã Hướng Phùng thăm quan trang trại của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tỉnh Quảng Trị. Các nhà khoa học ở đây cho biết, sau thành công của 3 mô hình trồng hoa lily và tulip thương phẩm, họ đang hướng đến trồng thử nghiệm thêm nhiều loại hoa ôn đới với hi vọng Sa Mù trở thành trung tâm hoa của tỉnh đủ sức cạnh tranh với thị trường. Và trong lần tìm hiểu về cây chuối mật mốc, tôi biết đến vườn đinh lăng mẫu của anh Lê Thanh Hóa ở thôn Long An, xã Tân Long. Giữa lúc người dân địa phương đeo đẳng với cây tràm cho hiệu quả kinh tế thấp, anh Hóa làm cuộc cách mạng phá bỏ sạch trơn đồi tràm, trồng mới gần 2 hecta cây đinh lăng. Bình quân 1 hecta trồng được 40.000 cây, nếu may mắn thì sau 3 năm thu hoạch ước tính đạt lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng/ha. Họ là đại diện cho một thế hệ có trình độ, có đam mê, giàu khát vọng đã và đang tạo ra một diện mạo mới cho vùng đất Khe Sanh, Hướng Hóa.

Đặt niềm tin ở đất, người miền Tây vẫn ngày ngày ký thác giấc mơ hoài bão của mình vào xứ sở bazan lãng đãng sương mù.

C.N

Cẩm Nhung
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 286 tháng 07/2018

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground