Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đêm có hai người không ngủ

 

S

au mấy ngày lang thang khắp núi non, sông nước để thắp hương nhang cho những đồng đội còn nằm lại trên chiếc giường cũ, tôi vào ga Đông Hà để trở về Nha Trang. Mơ màng nhìn qua cửa sổ con tàu về phía tây Quảng Trị đang nhuộm tím hoàng hôn, bất chợt tôi nhìn thấy bàn tay ai đó ấm nóng trên bờ vai. Chưa kịp ngoảnh lại đã nghe tiếng hỏi dồn: Lê Bá Dương hả, lại đi hương hoa cho đồng đội hả…Người hỏi không ai xa lạ, đó chính là cậu cựu đại tá Trần Văn Thà, nguyên là đảo trưởng đảo Cồn Cỏ, vừa từng là người khét tiếng gan góc, quyết đoán khi ông với cương vị là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 47 bộ đội địa phương Quảng Trị chiến đấu trên đất Gio Linh thời chống Mỹ. Sau chiến tranh, duyên lính thế nào chúng tôi đều được chuyển về công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa. Hồi đó ông làm sĩ quan tham mưu, còn tôi là sĩ quan chính trị. Tuy ông hơn tôi 20 tuổi đời nhưng từng nhận ra nhau một thời trên cùng chiến hào Quảng Trị, ông vẫn dành cho tôi những tình cảm đồng đội theo đúng nghĩa một người bạn vong niên kiểu lính chiến. Những năm tháng ở cùng cơ quan, biết tôi hàng năm vẫn giành thời gian về hương nhang cho đồng đội nằm lại trên chiến trường xưa nên ông vẫn có ý chờ khi tôi hành hương trở về chủ động thăm và không quên hỏi han như thể được dịp ôn lại một thời kỷ niệm. Những lần như vậy, tôi nhận thấy ông vẫn đau đáu một cái gì đó khó nói thành lời. Sau này khi ông về hưu bận bịu chuyện làm thuốc đông y, chữa bệnh miễn phí cho bà con cô bác và đồng đội, ông vẫn không quên chủ động thăm tôi mỗi khi biết tôi vừa ra Quảng Trị về. Có lần trong dịp hàn huyên chuyện một thời, ông có vẻ phấn chấn ra mặt: Tớ sắp trả xong món nợ với đồng đội rồi! Thấy vậy tôi ngạc nhiên, ông nheo mắt có vẻ bí mật nhưng không dấu được niềm vui đang ánh lên trong đôi mắt người lính già ở tuổi thất thập.

            Bẵng đi cả năm, nay mới lại gặp nhau, lại gặp trong cùng một không gian chiến trường xưa Quảng Trị, không thể nói hết những cảm xúc trong lòng hai người lính một thời đạn bom.

                                                             

                                                    ***

            Chiều buông lơi theo chuyến tàu xình xịch xuyên hoàng hôn về phương nam. Sực nhìn ông trong trạng thái phấn khích, linh cảm mách bảo cho tôi biết đây là thời điểm ông sẽ cho tôi được nghe về món bí mật mà ông đang giấu riêng trong lòng. Quả đúng như tôi nghĩ, không chờ tôi mở lời, ông khoe như sợ sẽ rút lại ý nghĩa của mình: - Cậu biết không? Mình đã trả được một nửa món nợ với một đồng đội. Cuối cùng thì ông già bắt đầu dóc ruột gan và biết tính ông không dừng việc gì khi đã quyết nên tôi chủ động im lặng kiên nhẫn chờ nghe.

            Bàng bạc dưới ánh trăng đêm, hành khách sau một quãng lục đục sắp xếp đã trả lại sự yên ắng trong toa sau khi ai nấy đều yên vị trên ghế của mình. Còn lại hai chúng tôi một trẻ, một già với câu chuyện chống càn tại Cửa Việt, thuộc huyện Gio Linh của tiểu đoàn 47 do ông chỉ huy hơn 30 năm về trước được ông khởi kể một cách chậm rãi trong nhịp máy tàu. Với trí nhớ chính xác của một sĩ quan tham mưu được nhân lên bằng những kỷ niệm hằn sâu thời chiến tranh, ông gần như đọc cho tôi nghe nguyên vẹn từng trang nhật ký chiến sự nóng hổi.

            Ngày 20 tháng 1 năm 1968: Vừa từ đảo Cồn Cỏ về nhận nhiệm vụ chỉ huy tiểu đoàn, chưa nhận hết mặt cán bộ chiến sĩ trong đơn vị thì trên tăng cường cán bộ. Cứ tưởng là phái viên trên tăng cường về, thì ra là hai phóng viên  của Báo Quân Đội nhân dân: Thượng úy Lê Đình Dư và Trung úy Ngọc Nhu. Có lẽ trên đã nhận thấy tính chất quan trọng của trận đánh mới tăng cường cho tiểu đoàn hai ông nhà báo, lại là nhà báo chiến sĩ. Vừa giáp mặt nhau, chưa kịp hỏi chuyện đã thấy anh chàng nhà báo vừa xưng tên, vừa tự giới thiệu ngắn gọn về mình theo đúng chất lính – Tôi tên là Lê Đình Dư, thượng úy phóng viên Báo Quân Đội nhân dân, từng là sĩ quan Hải Quân, biết sử dụng thành thạo các loại vũ khí bộ binh, như vậy ngoài cương vị nhà báo, tôi còn là chiến sĩ thực thụ trong đội hình chiến đấu của tiểu đoàn, nếu đạt danh hiệu dũng sĩ, xin tiểu đoàn trưởng ghi nhận cho. Nói xong anh chàng nhà báo cười rất tươi và tôi tin anh nói thật lòng.

            Ngày 21 tháng 1: Mờ sáng, cả tiểu đoàn nổ súng đánh chặn bọn địch tràn lên các hướng trận địa. Địch huy động cả trung đoàn 2 ngụy, cùng 2 đại đội biệt kích có xe tăng, máy bay yểm trợ liên tục nhào lên hòng đánh bật các chốt của tiểu đoàn.

            10 giờ sáng là thời điểm quyết liệt nhất của trận đánh, ta bắn chìm hai tàu vận tải dưới cảng cùng 3 chiếc thiếp giáp M113 và hàng trăm tên bộ binh đi kèm.

            Buổi chiều, mãi cùng anh em rượt bắt sống xe thiếp giáp M113 trên cánh đồng Mai Xá – Lâm Xuân Tây, tôi chợt nhận ra Lê Đình Dư cũng tả xung hữu đột với chiếc máy ảnh ghi lại những hình ảnh nóng hổi của trận thắng. Kết thúc một ngày quần nhau với bọn địch đông gấp hàng trăm lần, ta hy sinh 23 đồng chí, 29 đồng chí khác bị thương song trận địa được giữ vững. Buổi tối về tại hầm chỉ huy, Lê Đình Dư tay mân mê chiếc máy ảnh và nói với vẻ phấn chấn:- Bộ đội ta dũng cảm lắm, giỏi lắm! Tôi ghi được khá nhiều hình ảnh tàu giặc bị ta bắn cháy và  bọn địch dẫm lên xác đồng bọn tháo chạy…Tôi cắt ngang lời Dư: Anh còn dũng cảm hơn nhiều, xin chúc mừng nhà báo dũng sĩ. Nghe vậy Lê Đình Dư cười vui rồi hạ giọng: Ngày mai chắc chắn sẽ ác liệt hơn nhiều anh Thà ạ.

            Ngày 22/1: Đúng như nhận định về sự quyết liệt của trận đánh, sau một đêm tập trung các loại pháo bắn cấp tập dọn bãi, bọn địch huy động cả khối Hải Lục Không quân và tung thêm gần trọn sư đoàn bộ binh 1 của ngụy cùng 1 tiểu đoàn lính Mỹ ồ ạt tấn công trận địa chốt của  tiểu đoàn. Không thể đếm được số lượng quân địch tham gia tấn công hòng dồn ép quân ta bật ra khỏi chốt. Sau nhiều giờ đánh địch trong làng Lâm Xuân Đông, tôi hạ lệnh cho hỏa lực 12,7 ly hạ nòng bắn thẳng vào bộ binh ngụy cùng những chiếc xe thiếp giáp đi kèm. Trong tình thế một mất một còn, tất cả chúng tôi không còn phân biệt chiến sĩ hay chỉ huy, vì ai cũng sử dụng mọi thứ vũ khí hiện có để chiến đấu và thật yên lòng khi bên tôi, nhà báo Lê Đình Dư cũng tay máy, tay súng bám sát mọi diễn biến của trận đánh. Vừa phục, vừa lo cho anh, tôi năn nỉ:- Nhà báo vào công sự dùm tôi đi. Anh cười hiền lành và nói dỏng dạc: - Tôi là – nhà báo cũng là chiến sĩ, với tư cách chiến sĩ, vị trí của tôi là chiến hào phía trước. Nghe anh nói, tôi thầm cám ơn Báo Quân Đội nhân dân đã cử đến cho chúng tôi không chỉ là một nhà báo, mà còn là một chiến sĩ với phẩm chất anh hùng đã tỏa sáng, tiếp thêm ý chí chiến đấu cho đơn vị chúng tôi giữa cuộc chiến đấu trong tình thế một mất, một còn. Bấy giờ, nhắm khó chơi lại lối đánh quyết liệt của ta, bọn bộ binh địch lùi lại để cho hàng loạt máy bay sà xuống bắn phá trận địa. Đáp lại, súng 12,7 ly của ta nhất loạt bắn trả và trong khói bom mịt mù đó, tôi nhận ra Lê Đình Dư đang đứng thẳng mình hướng ống kính chụp chiếc máy bay AD6 của địch bị bội đội ta bắn cháy đang lao xuống. Chợt xen trong tiếng máy bay gầm gào, tiếng đạn nổ toang toác, có ai đó la lên: - Nhà báo nằm xuống, tôi chỉ kịp quay sang thấy Lê Đình Dư trúng đạn ngã xuống, trên tay vẫn không rời chiếc máy ảnh và vũ khí chiến đấu theo anh dọc ngang trận địa mấy ngày chống càn. Đêm đó, sau khi mai táng các liệt sĩ trong đó có hai nhà báo, không ai bảo ai song gần như tất cả những người lính tình nguyện ở lại giữ chốt đều như được thắp sáng trong lòng ngọn lửa chiến đấu tỏa từ tấm gương nhà báo Lê Đình Dư cùng câu nói bất hủ của anh: - Tôi là một nhà báo nhưng trước hết tôi là một người lính. Vị trí của tôi là ở chiến hào phía trước! Quả thật trong bối cảnh sinh tử đó, sự có mặt của Lê Đình Dư là một điểm tựa vô cùng quan trọng giúp những người lính tiểu đoàn giữ vững ý chí chiến đấu, giữ vững trận địa cho dù phải hy sinh thân mình.

 

                                                            ***

            Đêm chuyển sâu về khuya theo tiếng xình xịch giữ nhịp của đoàn tàu. Sau một khoảng lặng người trong hoài niệm, người lính già lại chậm rải tiếp tục dìu tôi vào chuyến hành hương mới đây của ông về  Gio Mai, nơi những đồng đội của ông từng nằm lại trong trận chống càn năm xưa. Ngày về sau hơn 30 năm không chỉ là cuộc thăm viếng chiến trường xưa mà lần này ông về cùng với vợ con của nhà báo liệt sĩ chôn vội trong chiến tranh bây giờ hầu hết đã bị mất dấu hoặc được di dời về nghĩa trang. May thay bằng trí nhớ chuẩn xác của một cán bộ tham mưu lão luyện, cựu đại tá Trần Văn Thà đã cùng cán bộ địa phương xã Gio Mai tìm đúng vị trí lưu giữ di hài nhà báo liệt sĩ Lê Đình Dư cùng 148 liệt sĩ khác trong nghĩa trang. Như vậy món nợ với đồng đội đã trả xong? Tôi hỏi và kịp nhận ra sự vội nghĩ của mình khi ông thủng thỉnh nói như đếm từng lời: - Đó chỉ là một nửa món nợ của tôi, của chúng ta với những đồng đội như Lê Đình Dư. Một thoáng dường như buông một dấu lặng vào đêm. Có cái gì đó nhói sâu trong ngực tôi khi chợt nhìn thấy người lính già chậm rải gỡ đôi kính để lau đôi mắt nhòe ướt. Cũng phải một lúc lâu, lâu lắm trong cân nhắc, ông mới tiếp tục hướng câu chuyện về phía một nửa món nợ còn lại bằng một câu hỏi rồi cũng chính ông tự trả lời: - Theo cậu, Lê Đình Dư có xứng đáng là một người anh hùng? Xứng lắm và nếu có thể phải tuyên dương nhiều lần anh hùng cho anh ấy. Vậy mà sau trân đánh, rồi mãi hơn 30 năm sau chúng tôi vẫn chưa làm được điều phải làm. Không phải chúng tôi vô tình, cũng không phải chỉ vì anh là khách không thuộc biên chế của tiểu đoàn! Cái lẽ khó xử và đớn đau hơn nhiều lần. Dừng một lúc như cân nhắc, bất chợt ông lại hỏi: - Cậu có nhớ vở kịch Đại đội trưởng của tôi của Đào Hồng Cẩm viết về một xung đột có thật của những người lính trước sự lựa chọn: Chấp nhận hy sinh vì mục tiêu trận đánh hoặc hèn nhát rút về phía sau để được sống. Câu chuyện đó được dựng thành kịch trên cơ sở một chuyện có thật trong chiến tranh mà một trong nguyên mẫu đó chính là tình huống xảy ra trong trận chống càn nói  trên. Không chờ tôi trả lời câu hỏi mà ông đã như kèm theo câu trả lời, người lính già lại tiếp tục dẫn tôi về với nguyên khối những sự kiện trận mạc rừng rực khói lửa để lý giải cái lý do  khó nói đã cản trở ông và đồng đội chưa làm được điều phải làm về người đồng đội – nhà báo liệt sĩ Lê Đình Dư. Sau hai ngày đối mặt với bom pháo, số địch bị tiêu diệt chất thành đống, nhưng về phía ta, quân số cũng vơi dần theo số người bị thương vong. Trong tình huống chênh vênh giữa sống và chết, một vài cán bộ tiểu đoàn, đại đội tỏ ra giao động trong lúc tiểu đoàn chiến đấu gần như đơn độc khi các phái viên của trên không dám về tăng cường cho đơn vị. Ngay chiều hôm Lê Đình Dư hy sinh, một tình huống khó xử xuất hiện ngay trong cuộc hội ý của Đảng ủy tiểu đoàn. Tại cuộc hội ý này, đa số các cán bộ chỉ huy tiểu đoàn lúc đó đều biểu quyết cho đơn vị rút lui với lý do bảo toàn lực lượng, song thực tế cho thấy, đó chỉ là các ngụy biện cho sự nhụt chí muốn quay về phía sau. Trong tình thế này, tiểu đoàn trưởng Trần Văn Thà đã làm một động tác dứt khoát và cần thiết khi nhắc lại tấm gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh lời nhà báo chiến sĩ Lê Đình Dư trước lúc hy sinh: - Với tư cách chiến sĩ, vị trí của tôi là ở chiến hào phía trước. Quả thật sự có mặt của Lê Đình Dư khi còn sống trong mấy ngày qua trên vị trí chiến đấu thực sự đã là một nguồn lực mạnh mẽ giúp những người lính thêm bền chí trụ bám trận địa để chiến đấu, bây giờ sự hy sinh dũng liệt trên vị trí chiến đấu của một nhà báo chiến sĩ như anh đã lại khơi dậy những phẩm chất can trường ẩn trong những người lính cảm tử. Sau lời kêu gọi của tiểu đoàn trưởng Trần Văn Thà, đã có hơn một nửa số cán bộ chiến sĩ học tập gương Lê Đình Dư, tình nguyện ở lại trận địa với quyết tâm: còn người, còn trận địa, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Một ngày đêm nữa trôi qua trong khói đạn. Một lần nữa trận chiến đấu ác liệt rồi cũng kết thúc với phần thắng thuộc về những người quyết tử, tuy nhiên có một điều mãi không bao giờ kết thúc, đó là sự day dứt, trăn trở thành món nợ suốt đời trong tâm tưởng người tiểu đoàn trưởng khi phải lựa chọn một trong những điều khó xử - ấy là khi nói về vai trò anh hùng của nhà báo liệt sĩ Lê Đình Dư, ông không thể tách ra khỏi tình huống thực tế đối ngược với sự sa sút ý chí của không ít người trong tiểu đoàn. Đó chính là điều gần như kiêng kị thời đó, vì vậy cũng như mọi người bấy giờ trong hoàn cảnh cụ thể của chiến tranh luôn đặt lên cao lợi ích của tập thể, ông đã cân nhắc, chôn chặt điều khó nói trong lòng hơn suốt 30 năm qua. Song dù không nói, thì trong ông vẫn nguyên vẹn một điều không dễ quên và nhất định không thể quên về hình ảnh thực sự anh hùng của nhà báo liệt sĩ Lê Đình Dư, người khi còn sống cũng như khi đã ngã xuống đã trở thành điểm tựa cho ông, và những người lính của ông giữ vững ý chí chiến đấu trọn vẹn lời thề quyết tử.

 

                                                            ***

 

            Chuyến tàu về đến sân ga Nha Trang vừa khi thành phố biển đón những tia nắng sớm ban mai. Chia tay với người lính già sau một đêm thức cùng ký ức chiến tranh, trong tôi vẫn nhoi nhói điều tâm niệm của ông sau một đêm gạn hết từng ý, từng lời của câu chuyện một thời. Hơn 30 năm về trước, khi chôn cất liệt sĩ Lê Đình Dư cùng với chiếc máy ảnh, ông từng đã tự hứa với lòng mình sau này sẽ cố tìm thân nhân của liệt sĩ để giao lại cho dù một chút hình hài. Bây giờ phần thân xác liệt sĩ đã như được toại nguyện ông mới chợt thấm ngẫm rằng ông vẫn chưa hoàn thành một cách trọn vẹn hoàn nguyên chân dung của một người đã chiến đấu hy sinh trong tư thế của một anh hùng. Việc chưa thành trong khi đếm năm tháng của đời mình đã vượt xa tuổi bảy mươi, không còn chức phận gì và  càng không thông thạo những thủ tục hành chính để làm cái điều ông cho là cần làm về đồng đội, ông đã chọn gửi vào câu chuyện kể cho một người lính thế hệ sau như tôi với một niềm mong và lời nhắn gửi: đã đến lúc đồng đội của Lê Đình Dư phải làm cái điều cần làm để nhà báo liệt sĩ Lê Đình Dư được nhà nước xét truy tặng danh hiệu anh hùng – một danh hiệu xứng đáng cho một người đã thực sự tỏa sáng phẩm chất anh hùng.

            Chợt nhớ khi ông kể về cái đêm một mình ông thức với di hài đồng đội cách đây 30 năm về trước trên trận chốt Gio Linh. Bây giờ sau hơn 30 năm khi từ Gio Linh trở về, ông đã lại có thêm một đêm thức trắng. Song khác với 30 năm về trước, đêm nay có một người cùng thức với ông trong hoài niệm tráng hùng một thời. Vâng! Đêm nay có hai người không ngủ và hình như không chỉ hai người lính đó không ngủ bởi vẫn đó những đồng chí, đồng đội đã và sẽ cùng ông thức dậy ký ức của một thời.

 

                                                                        Đông Hà – Nha Trang 7.2001

                                                                                                L.B.D

Lê Bá Dương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 82 tháng 07/2001

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

3 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground