Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đường Hồ Chí Minh hai chiều thời gian

1- Âm hưởng tự hào và vinh quang chiến thắng của mùa xuân 1975 đã nâng sự lãng mạn của chúng ta hồi ấy bay bổng đến mức rằng chỉ cần một thời gian ngắn thôi, đường mòn Trường Sơn của những ngày kháng chiến ác liệt sẽ trở thành thênh thang đại lộ và chạy dài theo nó là thành phố Trường Sơn, một thành phố hùng vĩ xinh đẹp và hiện đại hơn cả Hà Nội, Sài Gòn...Hơn hai mươi năm, hút bóng thời gian, sự lãng mạn cũng lặng lẽ chìm khuất dưới những nhọc nhằn lo toan cơm áo mỗi ngày, không còn mấy ai nghĩ đến cái thành phố Trường Sơn trong dự tưởng ấy nữa. Nhưng giấc mơ về nó vẫn âm ỉ cháy trong trái tim của những người dân rẻo cao, trong trái tim một bà mẹ Vân Kiều đã trở thành huyền thoại của đại ngàn Tây Quảng Trị: Mẹ Giã Vầng! Những ngày đánh Mỹ ai từng đi qua hành lang Trường Sơn Đông đều nghe kể câu chuyện về một bà mế Vân Kiều đã xô quả bom trên đường ra rẫy để bà con dân bản có lối lên nương, bà mế ấy đã tải gạo gùi đạn gần mười năm trời trên đường 14, đã từng ăn...kiến thay cơm, đi tìm những củ sắn, bắp ngô nuôi bộ đội và cùng với tổ du kích vùng Lìa bắn rơi máy bay Mỹ. Mế Giã Vầng đấy! Bây giờ mế vẫn sống trong cái bản nhỏ gần đồn biên phòng Tam Thanh, phía Nam huyện Hướng Hóa. Tôi hơi dông dài về mế bởi trước khi chúng ta nói, viết, làm phim về một xa lộ Trường Sơn, Một Trường Sơn công nghiệp hóa thì trong giấc mơ của Mế Giã Vầng đã có một Trường Sơn thao thức như một ám ảnh thời gian mà cứ mỗi lần trở lại Trường Sơn đôi mắt mế nhìn khiến như mình thấy có lỗi...

... Đấy là lần mế xem một đêm chiếu phim ở đồn biên phòng, lần đầu mế coi phim và thấy những con phố rộng dài đẹp hơn rất nhiều những tưởng tượng từ câu chuyện cổ mà người mẹ Trường Sơn này đã nghe từ khi đứng chưa cao hơn cái gùi. Ở đồn biên phòng mế như người mẹ chung của anh em, coi xong phim mế bần thần rồi hỏi chúng tôi: Mế nghe nói cái núi rừng của mế sẽ được Nhà nước mở cái đường to, xây nhiều cái nhà to phải không? Hồi mế đi gùi đạn để bộ đội đánh vô A Lưới, có đứa nói với mế rằng mai mốt giải phóng đất nước rồi sẽ mở cái đường to thiệt là to cho xe chở muối chở vải cho cái đồng bào tao, chừ giải phóng lâu rồi răng không thấy cái đường to đâu cả, mế ra Khe Sanh phải đi bộ hai ngày đấy! Tội nghiệp Mế Giã Vầng, giấc mơ về một thành phố Trường Sơn đâu chỉ riêng mình mế, hàng vạn đồng bào miền Tây khao khát cái ngày ấy, khao khát ngay khi đạn dưới bom trên, đói cơm khát muối, máu đổ xương rơi. Khao khát phần tư thế kỷ nay rồi kể từ khi những chiếc xe tăng xuyên Trường Sơn về cắm cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc lập...

            2 - Chỉ chưa đầy hai mươi tháng kể từ ngày khởi công nhưng vóc dáng hình hài một xa lộ đã vỡ vạc. Những cây cầu đầu tiên đã vươn nhịp vững chải qua suối qua sông như một cam kết tin cậy với người dân của núi rừng Trường Sơn. Tháng 10 năm ngoái tôi lên Troóc – một địa danh khá nổi tiếng ở Tây Quảng Bình đúng dịp công ty xây dựng số 9 Thăng Long – đơn vị thi công cầu Vinh Sơn - đang đổ chiếc dầm bê tông dự ứng lực đầu tiên của cung đường này. Có cái gì đang trào lên trong lòng những người chứng kiến giây phút ấy. Anh Tạ Văn Khanh, một người tài xế của đường Trường Sơn năm xưa ứa nước mắt. Anh nhớ những ngầm, những cầu phao, những cuốc xẻng thô sơ ngày nào, khi đạn dưới bom trên, sự sống chỉ còn là gang tấc...đến chiếc cầu vĩnh cửu bây giờ, những xe máy hiện đại... Mang niềm vui hôm nay đối chứng với gian nan thuở trước nên bất chấp cái tuổi năm ba của mình anh Khanh đã trở lại với cái nghề tài xế phục cụ cho công trường, cũng là trả nợ với những đồng đội của mình đã nằm lại dọc đường ra trận. Hóa ra trong sâu thẳm lòng mình những người lính Trường Sơn đã mơ về một Trường Sơn mai hậu. Trong một chuyến trở lại Trường Sơn tôi nghe thấy những địa danh rất lạ, cứ ngỡ như mình đang ở Hà Nội: “Chợ Đồng Xuân”, “ga Hàng Cỏ”, “đại lộ Trần Hưng Đạo”...sau này nghe đại tá Võ Hạp nguyên chủ nhiệm hậu cần Quân khu Trị Thiên kể mới biết những cái tên ấy đều có gốc tích ngọn ngành: Thời vận tải theo tuyến vào chi viện cho miền Nam, năm 1970, khi ông qua một bãi để hàng ở dốc Khỉ, thấy thanh niên xung phong, bộ đội đi lại, ni lông xanh đỏ đậy hàng thiếu ý thức ngụy trang bèn bảo: “Tụi bây làm ăn lộ liễu quá như đưa cái chợ Đồng Xuân vào đây vậy!” Thế là bãi hàng ấy được cánh lính gọi là chợ Đồng Xuân, rồi đoạn nào xe chạy êm thì đặt là đại lộ Trần Hưng Đạo. Dốc nào cao thì đặt là “dốc bà Định” (tức bà Nguyễn Thị Định, Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam), bãi hàng nào đông đúc thì gọi là ga Hàng Cỏ... Giữa Trường Sơn thâm u bom đạn ngút trời những tên gọi ấy đã nhen nhóm giấc mơ cho ngày sau, ngày mà Trường Sơn trở thành thành phố, những con đường mòn thành xa lộ loang loáng bóng xe. Cái ngày ấy tượng hình từ buổi sáng ngày 05 tháng 4 năm 2000 bên sông Son với bến phà Xuân Sơn trứ danh một thời, Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát lệnh khởi công công trình đường Hồ Chí Minh - con đường nối quá khứ vào tương lai, mở ra một trang sử mới cho những đồng bào nơi núi rừng rẻo cao Trường Sơn, con đường ấy sẽ bắt đầu bằng km 0 ở Hòa Lạc (Hà Tây) với một dòng thắm đỏ trên cây cột số: Ngã Tư Bình Phước (Thành phố Hồ Chí Minh) – 1690 km! Nhưng với tôi cây cột số đầu tiên của con đường này không dựng cụ thể hình hài ven xa lộ, đừng quên giấc mơ của người Mẹ Trường Sơn, giấc mơ của những người mẹ như mẹ Giã Vầng – đấy chính là kilomet 0 của đường Trường Sơn công nghiệp hóa.

3 – Khi đường Trường Sơn bắt đầu khởi động, lúc bấy giờ Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói rằng đây là một công trình mang nhiều ý nghĩa nhất trong những năm cuối của thế kỷ 20. Đường Trường Sơn không chỉ là tuyến Quốc lộ với đầy đủ tác dụng về giao thông vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi trung du của các tỉnh dọc theo tuyến đường này mà còn làm sống lại khí thế hào hùng của dân tộc, mở đầu một cao trào mới, một cuộc trường chinh mới chống nghèo nàn tụt hậu. Những người dân chúng tôi gặp trong các bản làng trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua hình dung về tương lai của mình cụ thể hơn. Kon Nhôn, người lính của Quân khu Trị Thiên, hơn mười lăm năm gùi gạo cõng đạn trên những nẻo đường 559 nay là chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tà Rụt ngồi với tôi trong căn nhà của ông ven đường 14 trông ra cơn mưa rừng mù chiều miền Tây. Mái tóc quăn tít, đôi mắt hoang dã và tinh anh của người miền Thượng, giọng nói trầm trầm âm u của ông nửa như trần tình nửa như thủ thỉ: Ngày tao từ lính về, cái Tà Rụt không như bây giờ đâu. Bốn đứa con tao nay chỉ còn hai, còn hai đứa đã chết vì sốt rét. Hoang vắng lắm, cực khổ lắm. Được như hôm nay quá ưng cái bụng miềng, nhưng mày coi, cái buồng chuối này bán ở đây chỉ hai ngàn đồng đem được về Đông Hà bán được hai chục ngàn. Là tao còn ở gần đường. Mày vô xã A Túc, A Dơi, A Ngo... chuối, thơm, đu đủ... trồng nhiều ăn không hết chín rụng thối cả nương. Vậy đấy, người miền Tây chỉ mong có con đường cho tiện việc giao lưu hàng hóa, nhưng con đường còn là ánh sáng văn hóa. Hàng ngàn đứa trẻ đã không học lên cao hơn bởi con đường đến trường gian nan quá. Bao nhiêu cá chết tức tưởi chỉ vì gập ghềnh con đường về bệnh viện. Tôi đã có lần gặp những người lính biên phòng cùng dân bản cáng một người mắc sốt rét ác tính vừa khiêng vừa chạy từ Lìa ra quốc lộ 9 xa mấy chục cây số nhưng rồi cũng không cứu được người dân ấy... Bao nhiêu ước mơ chợt thức dậy khi con đường trở thành huyết mạch cho một dải Trường Sơn. Những ước mơ thật hiền lành giản dị, chưa nghĩ đến những điều xa xôi hơn, rằng sẽ có ngày bên con đường này thành phố sẽ mọc lên. Điều ấy không phải là cổ tích. Trên tuyến đi qua Tây Hà Tĩnh, nơi huyện mới Vũ Quang tôi đã gặp những phố mới tinh khôi bên con đường vừa xuyên qua. Trước Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn đã mơ hồ hình hài dáng vóc một thị tứ. Những làng thanh niên đang chuẩn bị xây dựng trên cung đường từ thị trấn P’Rao huyện Hiên đến Thạch Mỹ, huyện Nam Giang (Quảng Nam) ... Tỉnh Đoàn Quảng Trị cũng đang xúc tiến dự án lập một làng thanh niên ở Tây Vĩnh Linh. Trở lại đường 14 bây giờ trên chuyến xe của các công nhân Tổng Công ty Sông Đà tôi đã nghe những mơ ước của họ cũng như đang bồng bềnh với mây núi Trường Sơn. Hóa ra trên cung đường này còn một đường hầm xuyên Việt thứ hai ngoài đường hầm Hải Vân trên quốc lộ 1A. Ngẫm cũng thấy nhiều điều thú vị, đường hầm dưới kia nối Huế với Đà Nẵng (cũng là xứ Quảng), đường trên này cũng là đường hầm nối Huế với Quảng Nam. Dằng dặc một chuyến đường gần 2000 cây số, bao nhiêu dốc đèo cớ sao chỉ mỗi quãng này lại gian nan đục núi xuyên non làm vậy? Ai trong số những công nhân trên chuyến xe cùng tôi lên đường hầm A Roàng này sẽ là người ở lại để lập nghiệp bên con đường Hồ Chí Minh? Đất đai trù phú, thuận lợi giao thông, đủ cho người ta mơ giấc mơ mở đồn điền trang trại. Tháng trước mấy người bạn của tôi từ thành phố Hồ Chí Minh ra chơi, tổ chức một chuyến đi lại đường mòn, ngỡ cũng là du khảo bình thường, hóa ra đầu óc nhạy bén kinh doanh của người Sài Gòn đã không đi chơi không, trong ý định của họ còn đang tìm kiếm chuyện làm ăn hẳn hoi: Đi du khảo nhưng cũng đang tìm chỗ để mở cây xăng phục vụ cho hàng vạn xe cộ sẽ chạy trên con đường này trong mai hậu ...

Khát vong về một thành phố trong tương lai nhưng vẫn không quên lưu dấu một miền hoài niệm về một thời hào hùng. “Cõi Trường Sơn” là tên gọi của một công trình kết hợp tôn tạo di tích và văn hóa du lịch. Đường Hồ Chí Minh sẽ không chỉ là con đường khai phóng tiềm năng kinh tế cho một dãy Trường Sơn, rồi nhiều thế hệ tương lai sẽ tìm đến đây để hiểu về ngày hôm qua của đất nước. Nơi chiếc cầu treo Đakrông, giao điểm của quốc lộ 9 và đường 14 một cụm di tích sẽ mọc lên bên chiếc cầu treo mới đẹp kỳ vĩ soi bóng. Trên đỉnh hai trụ cầu sẽ được gắn một hệ thống ống sáo bằng đồng nhiều kích cỡ, trên ống đồng có khoan các lỗ sáo, giữa ống đồng có những chiếc dùi lắc và những bộ gõ dùi đồng, tiếng sáo đồng sẽ nhờ gió núi tấu lên những hành khúc trầm hùng hào sảng. Một dàn nhạc đồng khác cũng có thể dặt ở vách núi dốc đứng về phía bờ phải sông Đakrông. Men theo bờ phía Tây của con đường là liên tục các vách đá lớn với nhiều khối đá dự kiến sẽ được chạm khắc vóc dáng những đoàn quân Trường Sơn điệp trùng và câu thơ Tố Hữu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước – Mà lòng phơi phơi dậy tương lai”. Ở dọc bờ phía Đông của đường 14A sẽ được tạo dựng lại một đường Trường Sơn trong miền ký ức với những con đường mòn, các tuyến giao liên cheo leo qua vách núi hay hun hút trong vòm lá cây rừng nguyên sinh. Xuyên sâu giữa khoảng hở hai vòm núi nhỏ sẽ tạo một đoạn đường mòn Hồ Chí Minh có đủ thác, ngầm, hang hốc, có xe mắc cạn giữa ngầm. Trên các bờ núi sẽ có chỗ mắc tăng võng, những bếp ngoài trời cho du khách vui vẻ nấu nướng bằng các hăng gô với các món “rau tàu bay”, “canh môn thục”... Cõi Trường Sơn là một dự án mang tâm thức “Một cõi đi về” của con đường huyền thoại đã đồng hành với dân tộc gần hai mươi năm đằng đẵng. Và trên hành trình vào tương lai đường Trường Sơn tiếp tục sứ mệnh của mình.

Bỗng nhiên câu hát của Trịnh Công Sơn chợt đồng vọng trong tôi sáng mai này khi qua con đường đang thênh thang chạy giữa núi non: “Khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm ...”  Đất nước thanh bình hơn phần tư thế kỷ rồi nhưng bao nhiêu người dân dọc miền rừng này vẫn chưa thể đi thăm Tổ Quốc. Ngày ấy đang đến khi con đường Trường Sơn sẽ giúp họ gần lại với những ước mơ ...

                                                                                        Xuân Nhâm Ngọ - 2002

L.Đ.D

Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 89 tháng 02/2002

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

7 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground