Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hồ Phương - Người lưu giữ dòng chảy văn hóa truyền thống dân tộc Bru - Vân Kiều, Pa Cô

Lần lữa mãi rồi cũng được một ngày rong ruổi cùng Hồ Phương dọc con thác Luồi - Đakrông đẹp hoang sơ mà hùng vỹ giữa đại ngàn Trường Sơn. Mặc cái nắng oi nồng tháng bảy cứ như quạt lửa xuống núi rừng, nhưng chỉ cần dừng chân bên những ghềnh đá có tán cây tỏa bóng thì cảm giác dịu mát như đất trời vào thu. Vừa nghỉ ngơi ngắm suối róc rách anh vừa giới thiệu một cách nằm lòng kiểu “thổ địa” thâm niên trên con thác quyến rũ này. Chỉ tay về phía núi đá dựng đứng với rêu phong trầm mặc, về mùa đông những cột nước đổ từ trên cao xuống tung bọt trắng xóa quyện vào những vách đá tạo một âm thanh nghe như tiếng ngàn xưa vọng về. Chỗ bãi đá tựa những chiếc đĩa nằm chồng đều lên nhau y như ai vừa sắp lên giá, mùa hè nước cạn anh thường lui tới để tìm kiếm những tác phẩm đá nghệ thuật ưng ý. Trong một lần rong ruổi tình cờ dưới con thác này cơ duyên “trời cho” anh một bông hồng đá được thiên nhiên tạo tác rất đẹp và hoàn hảo. Hồ Phương cho rằng chơi những tác phẩm nghệ thuật từ đá là “món chơi đỉnh cao của nghệ thuật”. Bởi dáng vẻ bên ngoài của đá rất khô khan, trần trụi đòi hỏi người chơi phải đam mê, phải cảm nó bằng tâm hồn nghệ thuật trong sáng và nhất là tùy duyên nó vận vào đời mình. Anh ví như mình gắn bó với núi rừng Đakrông dày trầm tích lịch sử, văn hóa này âu cũng là cái duyên của đời người có muốn khác đi cũng không thể khác được.

Hồ Phương và "bức tường văn hóa" - Ảnh: TG

Ngày ấy, khi mới ra trường tuy cuộc sống phải lo toan bộn bề nhưng bù lại anh được thỏa sức vẫy vùng trong công việc tìm kiếm, sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống của người Bru - Vân Kiều, Pa Cô. Vốn xuất thân từ gia đình nông dân tại xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong theo gia đình lên Hướng Hóa làm kinh tế mới khi được vài tháng tuổi, phần lớn cuộc sống gắn bó với núi rừng nên anh luôn tự nhận mình là “người con của bản làng”. Mặc dù là người “ngoại đạo” nhưng với những làn điệu dân ca dịu dàng, sâu lắng, những bộ trang phục thổ cẩm rực rỡ sắc màu hòa cùng tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng mùa lễ hội của đồng bào Bru - Vân Kiều, Pa Cô níu anh vào đam mê không dứt ra được.

Bên tách cà phê Khe Sanh thơm lừng sớm mai, chúng tôi ngồi hàn huyên giữa gian phòng khách đối diện bức tường mà mọi người thường gọi chơi là “bức tường văn hóa”, bởi trên đó treo những hiện vật mà anh dày công kiếm tìm, sưu tầm, lưu giữ được. Những vật dụng mà dân bản dùng để đánh bắt trên cạn như: bẫy a-ho, cung, giáo, mác và công cụ săn bắt ở dưới nước có lưới a noác, chài, câu; dụng cụ để trồng trọt, đựng lương thực, thực phẩm, từ cái xang để gùi củi, a nũa dùng bắt cá, a đư dùng để đựng các dụng cụ đi rừng, ka ria dùng tuốt lúa, cà oi dùng để đựng cá khi đánh bắt được trưng bày thành từng dãy cạnh nhau rất dễ phân biệt cho người xem. Anh giới thiệu tường tận cho tôi về cách thức sử dụng cũng như ý nghĩa của từng hiện vật. Cái khèn khui thì dùng trong những việc đám tang, cúng thần linh, cúng lễ gọi hồn chứ không dùng vào các lễ hội khác. Còn trống đươi thì chỉ dùng khi có khách đến chơi nhà. Cồng, chiêng, thanh la trước khi đem ra trưng dụng vào việc gì hoặc chỉ đánh biểu diễn chơi đều phải được già làng, trưởng bản cho phép và phải làm lễ rất trang nghiêm. Hay như cái cối giã gạo thì không thể đem ra mua bán. Vì đây là kỷ vật thiêng liêng, nó tượng trưng cho sức khỏe dồi dào, cuộc sống no đủ, gia đình luôn sum vầy, quây quần đầm ấm bên nhau…

Trong số hiện vật trên tường ấy tôi rất ấn tượng với hai chiếc áo treo kề nhau, bề ngoài được bọc ni lông cẩn thận. Thấy tôi đăm đắm quan sát và như đọc được ý nghĩ của tôi, anh lại gần rồi giới thiệu cặn kẽ về hai kỷ vật đặc biệt này. Bên đây là chiếc áo a mưng tiền sử và chiếc còn lại là áo thổ cẩm được đính nhiều trang sức bằng bạc quý, thường thì những gia đình giàu có xưa mới sở hữu được. Hai chiếc áo được anh đặt cạnh nhau như thể nhắc nhớ về một chỉ dấu lịch sử trong sự phát triển trang phục từ vỏ cây sang sợi vải của người Bru - Vân Kiều, Pa Cô. Với anh Phương thì chiếc áo a mưng có ý nghĩa đặc biệt hơn bởi nó được xem là một trong những chiếc áo đầu tiên của đồng bào Bru - Vân Kiều, Pa Cô. Hiện vật quý giá này được anh cất công ròng rã hơn ba tháng trời đi tìm nghệ nhân để phục dựng lại. Việc hoàn thiện chiếc áo này là cả một câu chuyện dài gắn với rất nhiều kỉ niệm buồn vui khó quên. Một lần khăn đùm cơm nắm lặn lội tận rừng sâu tìm chọn được cây a mưng hội đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm áo, nhưng khi khai thác xong thì không thể mang về đành ngậm ngùi bỏ lại trong sự giày vò, tiếc nuối. Theo anh Phương vỏ cây a mưng sau khi xử lý theo bí quyết của nghệ nhân đến công đoạn cuối cùng thì cho chất liệu rất nhẹ, chống mối mọt và đặc biệt là điều hòa được thân nhiệt cơ thể mỗi khi mặc vào. Chiếc áo đang trưng bày tại “bảo tàng” của mình được anh cùng nghệ nhân Vỗ Hươi ở bản Tân Đi, xã A Vao, huyện Đakrông dệt và hoàn thiện trong niềm vui vỡ òa khó tả. Ngoài chiếc áo, tấm chăn thì gần đây còn có chiếc khố a mưng mà theo anh như thế là đủ một bộ trọn vẹn. Hồ Phương cũng bật mí thêm rằng anh còn những bộ trang sức chất liệu bạc cổ quý hiếm của người Bru - Vân Kiều, Pa Cô nhưng chưa có điều kiện trưng bày cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Không những sở hữu nhiều tài liệu, hiện vật quý hiếm sưu tầm được, anh còn có hàng chục bài viết, kịch bản lễ hội, nghiên cứu lịch sử về các bản làng công bố trên các báo trung ương, địa phương, tạp chí chuyên ngành, phản ánh những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào Bru - Vân Kiều, Pa Cô. Anh luôn vận động dân bản thành lập đội nghệ nhân trình diễn các làn điệu dân ca, các điệu múa truyền thống với mục đích lưu trữ bằng công nghệ điện tử để có thể truyền chảy từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách dễ dàng.

Đang say sưa chuyện trò rôm rả ngày tháng rong ruổi qua các bản làng bỗng giọng anh chùng xuống và nhìn xa xăm về phía núi đại ngàn, gương mặt đăm chiêu như thắc thỏm một điều gì đó đang còn dang dở. Nhấp ngụm trà xanh đắng chát rồi anh chia sẻ rút ruột về những dự định ấp ủ bấy lâu chưa thành. Đó là xây dựng một bảo tàng tổng hợp về việc lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều, Pa Cô. Trước mắt anh sẽ tìm một vị trí hội đủ điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nhằm phục dựng những ngôi nhà sàn mang tính nguyên bản xưa. Tiếp đến là sắp xếp, trưng bày trình tự các hiện vật theo phong tục, tập quán và quy luật vòng đời từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi của người Bru - Vân Kiều, Pa Cô. Xung quanh vệ tinh ngôi nhà có thể tổ chức những chuỗi dây chuyền sản xuất, chế biến các món ăn, thức uống theo bí quyết truyền thống; những phương thuốc chữa bệnh gia truyền từ cây rừng do chính đồng bào làm ra để phục vụ bản làng cũng như du khách thập phương khi đến với miền đất Đakrông tham quan, du lịch nghỉ dưỡng… Ý tưởng “giấc mơ” là vậy nhưng để biến nó thành hiện thực quả là điều không dễ dàng gì, bởi theo anh “cái khó nó bó cái khôn”. Như chuyện chính mình cách nay chừng hơn mười năm cũng vì cái khó khiến anh dằn vặt, tiếc nuối tháng ngày. Khi ấy cuộc sống gia đình giữa bộn bề thiếu thốn nên đành bấm bụng chuyển nhượng một số hiện vật quý cho Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á để đổi lại một chuyến trải nghiệm triển lãm về dân tộc học vốn chẳng học tập được bao nhiêu cho công việc sau này.

Đến bây giờ gần năm mươi năm cuộc đời gắn bó máu thịt với mảnh đất ân tình Đakrông và hơn hai lăm năm trong việc sưu tầm, gìn giữ văn hóa truyền thống của người Bru - Vân Kiều, Pa Cô, anh đã thấm nhiều vất vả, thăng trầm nhưng chưa bao giờ hối tiếc về công việc mà mình đã chọn. Tiếp xúc với Hồ Phương tôi cảm giác rằng anh có một tính cách phóng khoáng, vui vẻ, dễ gần, được nhiều người quý mến. Đặc biệt là bà con dân bản, bởi thế cho nên anh được “ưu tiên” những hiện vật cổ, độc, lạ mà hiếm ai trong “nghề” có được.

Tạm biệt anh với cái bắt tay nồng ấm và những lời hẹn ngày trở lại. Còn tôi luôn cầu chúc cho anh sức khỏe, chân cứng đá mềm để dòng chảy văn hóa truyền thống của người Bru - Vân Kiều, Pa Cô nối dài từ quá khứ đến hiện tại, hòa nhập vào cuộc sống hiện đại trong thao thức về cội nguồn.

L.T.T

 

LÊ TRỌNG THI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 311

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

10 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground