Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/04/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những tướng lĩnh Quảng Trị xưa

Từ khi chính thức thuộc về quyền quản lý của nhà Trần, đất Quảng Trị xưa (tức Ô Châu, Hóa Châu thời xưa) đã nổi tiếng là đất dụng võ. Đã là địa linh tất có nhân kiệt. Dù nguồn tư liệu nghiên cứu hiện rất hiếm hoi, nhưng thời nào ta cũng tìm ra được những vị tướng bản lĩnh trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Trong những tháng quyết định của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi đã sai Trần Nguyễn Hãn và Lê Nỗ đem 1.000 quân vào giải phóng Quảng Trị để mở rộng hậu phương, sử chép sau khi lấy được thành trì, Trần Nguyễn Hãn đã mộ thêm được mấy vạn tinh binh đưa ra mặt Bắc. Trước đó, khi quân Minh mới sang  xâm lược, đất Hóa Châu đã từng làm cho chúng bạt vía kinh hồn bởi cha con danh tướng Đặng Tất - Đặng Dung. Hai vị tướng này được nghiên cứu và giới thiệu khá kỹ trên nhiều báo chí. Ở đây xin không giới thiệu thêm nữa.

Thời Trịnh- Nguyễn phân tranh, xứ Thuận Hóa là thủ phủ của Đàng Trong, nhưng con người ở đây hẵn là chưa được họ Nguyễn tin cậy lắm nên ta thấy tướng lĩnh chủ yếu là người ở Đàng Ngoài theo vào. Tây Sơn nổi lên dứt được họ Trịnh, đuổi được họ Nguyễn nhưng tiếc là chẳng được lâu bền. Đó là lý do vì sao tư liệu (chính sử) về các danh tướng đời Tây Sơn người Quảng Trị như Hoàng Kim Hùng, Hoàng Kim Lan, Trần Văn Dùng … không còn gì nữa. Ngày nay, chúng ta chỉ biết được họ qua những trang gia phả hoặc qua một số bằng sắc có liên quan còn lưu giữ được.

Nhà Nguyễn Trung Hưng, số tướng lĩnh là người Quảng Trị theo phò cũng nhiều, công trạng của họ đều được ghi chép lại đầy đủ qua chính sử, nhưng nhìn chung chủ yếu là công lao nội chiến hoặc đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân. Việc đánh giá các nhân vật này phải dựa trên ý thức hệ phong kiến và bối cảnh đương thời. Theo quan điểm nho giáo họ chỉ biết “mệnh trời” thuộc về bên nào thì theo bên ấy, ai chống lại vua thì đều bị coi là giặc và họ tự thấy có nghĩa vụ phải bảo vệ ngai vàng!

Cổ Ngữ nói nước loạn mới biết tôi trung, thật đúng. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, không ít tướng lĩnh thuộc phe chủ chiến của triều đình đã tỏ ra hết lòng vì nước. Tiêu biểu trong số đó phải kể hai nhân vật là người Quảng Trị: Trần Xuân Hòa và Lâm Hoành.

Trần Xuân Hòa, theo Quốc triều hương khoa lục thì ông quê ở xã Thâm Khê, huyện Hải Lăng, đậu cử nhân khoa Mậu Thân 1848, được bổ làm quan ở tỉnh Định Tường (Mỹ Tho), gặp khi quân Pháp kéo đến xâm lăng, mặc dù thế giặc mạnh và hơn hẳn về quân trang khí giới, ông vẫn dũng cảm đem toán quân bản bộ ra cự chiến. Bị địch bắt, ông cắn lưỡi tự tử. Triều đình cảm phục và tiếc tương, lệnh cho tỉnh thần Quảng Trị lập miếu thờ ông.

            Lâm Hoành còn có tên là Lâm Chuẩn người xã Gia Bình, huyện Do Linh, đậu cử nhân thứ hai khoa Đinh Mão 1867, năm sau lại đỗ Phó bảng, từng được sung Phó sứ sang Trung Quốc. Ông làm quan tới chức Tham tri (Thứ trưởng thứ nhất). Khi vua Hiệp Hòa lên ngôi (1884) ông cùng với Trần Thúc Nhẫn, Lê Sỹ … giữ cửa Thuận An. Thế giặc rất mạnh mà vua thì muốn đầu hàng, ông vẫn cùng các tướng sĩ chống giữ đến cùng. Thành vỡ, ông cùng Trần Thúc Nhẫn nhảy xuống sông tự tử, ông được triều đình truy tặng hàm Thượng thư.

Vào những ngày Cần Vương, người Quảng Trị lại nô nức hưởng ứng lời kêu gọi của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết. Chỉ riêng ở đất Cam Lộ, nơi có căn cứ Tân Sở, đã có rất nhiều võ quan các cấp trổ tài giúp nước; Phó soái Đỗ Văn Chung, người đã chỉ huy nghĩa quân đánh thắng trận Trạng Mè ở Do Linh ngay khi chúng mới đặt chân đến đất Quảng Trị. Đó là Chánh Nghệ (Ngô Viết Nghệ) , đội Chước (Hồ Văn Chước) là những vị chỉ huy dũng cảm.

Nhưng nói đến các lãnh tụ Cần Vương ở Quảng Trị mà không nói đến Trương Đình Hội  và Nguyễn Tự Như thì thật là thiếu sót, Trương Đình Hội khi đi thi có tên là Trương Thiện Thuật, Hương khoa lục chỉ chép về ông rất sơ lược: Người xã Phù Lưu (nay thuộc Triệu Phong) làm quan đến chức tri huyện, bị nạn.

Con đường công danh của Trương Đình Hội chẳng có gì sáng sủa. Vì tính công bằng chính trực nên suốt sáu năm liền ông vẫn không vượt qua được cái chức tri hyện. Khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, Trương Đình Hội cùng bạn đồng chí là Nguyễn Tự Như nhiệt liệt hưởng ứng. Họ đã tuyển mộ quân sỹ, chế tạo khí giới rồi đánh phá tỉnh thành Quảng Trị, phủ lý Triệu Phong làm chấn động cả một vùng. Sau hơn một năm cầm cự, mặc dù thế và lực giữa ta và địch quá chênh lệch và cuộc khởi nghĩa ngày càng thất bại nhưng Trương Đình Hội vẫn quyết tâm, kháng cự đến cùng. Sau khi phải rời bỏ căn cứ trốn vào Quảng Nam, cuối năm 1887, ông bị giặc bắt và năm sau bị đem ra hành quyết.

Do những biến động lịch sử và do cả thiên tai khắc nghiệt mà nguồn tư liệu về các tướng lĩnh Quảng Trị xưa vốn đã hiếm lại càng hiếm hoi hơn. Một cuốn gia phả hay một bản sắc phong còn giữ được trong tay rất quý nhưng chưa thể là cơ sở tin cậy cho việc xây dựng lại chân dung một nhân vật lịch sử. Nhưng với chỉ bấy nhiêu gương mặt với những đường phác họa cơ bản cũng đủ cho ta thấy được truyền thống yêu nước và tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của người Quảng Trị một thời cho đến ngày nay, mảnh đất Quảng Trị vẫn tiếp tục được coi là địa linh nhân kiệt. Nước non vẫn nước non nhà và những anh hùng hôm nay chính là kết tinh của những giá trị truyền thống đó.

                                                                             V.T.Â.

Vương Thừa Ân
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 15 tháng 12/1995

Mới nhất

Nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, hướng đến báo chí chuyên nghiệp, hiện đại

16/04/2025 lúc 10:49

Tạp chí văn nghệ địa phương là diễn đàn Văn hóa - Văn nghệ của những người yêu mến văn học nghệ thuật. Tạp chí mang sứ mệnh giới thiệu, lan tỏa những nét đặc sắc văn hóa vùng miền, phản ánh sâu sắc các sự kiện chính trị, thành tựu kinh tế - xã hội, góp phần vun đắp, phát triển nền văn hóa giàu bản sắc của quê hương, quảng bá rộng rãi hình ảnh đất và người đến bạn bè gần xa.

Nửa thế kỷ "Nối tròn một vòng Việt Nam"

16/04/2025 lúc 10:42

Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta. Đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam này. Cũng như những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả những kết quả đó... Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước suốt mấy chục năm nay. 

Ý thức về giới, một tiếng nói khác trong văn chương

16/04/2025 lúc 10:30

“Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có sự diệu kỳ”, Ntozake Shange, nữ nhà thơ người Mỹ ghi dấu ấn trong các phong trào nữ quyền, đã từng phát biểu như vậy. Phụ nữ là một nửa thế giới, là một thực thể sống động không thể thiếu trong văn chương.

Nữ giới và vấn đề bình đẳng giới hiện nay

16/04/2025 lúc 10:28

Tạo hóa sinh ra phụ nữ với thiên chức cao quý là làm mẹ, là người thầy đầu đời. Phụ nữ cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho văn học nghệ thuật, là biểu tượng cho cái đẹp bất tận. Bên cạnh những mỹ từ mà cuộc đời dành cho họ, thì nữ giới cũng thường chịu những thiệt thòi nhất định, do đặc điểm sinh học và định kiến xã hội. Cuộc sống càng hiện đại, xã hội càng quan tâm nhiều hơn đến phụ nữ; vì thế vấn đề bình đẳng giới luôn được đặt lên hàng đầu trong mối quan tâm của các quốc gia, dân tộc.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/04

25° - 27°

Mưa

19/04

24° - 26°

Mưa

20/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground