Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trương Đình Hội, một lãnh tụ Cần Vương

Đã và đang công tác tại thư viện tỉnh Quảng Trị, người viết bài này nhiều lần được tiếp xúc với các nhà nghiên cứu, các đồng chí cựu chiến binh, các bạn yêu thích lịch sử quê hương, cùng nhau trò chuyện về danh nhân tỉnh nhà. Nhìn chung, các nhân vật lịch sử ở Quảng Trị đã được giới thiệu nhiều trên sách báo, thân thế và sự nghiệp của họ tương đối định hình, được dư luận chấp nhận. Tuy nhiên, một trong những chân dung có nhiều nét còn bỏ trống là tiểu sử của ông Trương Đình Hội, một trong những lãnh tụ Cần Vương ở Quảng Trị, một trong những người hiếm hoi ở quê ta được nhắc đến trong sách “Lịch sử Việt Nam” ở một giai đoạn đất nước đầy biến động từ 1885-1888.

Theo kết quả khảo sát điền dã bước đầu và tư liệu do nhà thơ, nhà nghiên cứu Lương An cung cấp thì Trương Đình Hội còn có tên là Trương Thiện Thuật, sinh năm Kỷ Dậu, Tự Đức thứ 2 (1849) tại làng Phù Lưu, tổng Bích La, huyện Đăng Xương (nay thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) trong một gia đình nông dân. Cha là Trương Đình Thơ, mẹ người họ Hoàng, quê ở làng Tả Hữu (xã Triệu Tài ngày nay). Ông học hành rất chăm chỉ. Năm 24 tuổi (1873) đã đổ Cử nhân tại trường thi Thừa Thiên. Năm 1874, ông được bổ làm Hành tẩu rồi Tư vụ Bộ Lại. Từ những chức vụ nhỏ đó, năm 27 tuổi (1876), ông được giữ chức Tri huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Ông làm quan rất thanh liêm. Theo tư liệu của gia đình, có lần ông từ chối một khoản tiền hối lộ khá lớn nên sau đó, vị Tổng đốc đầu tỉnh chuyển ông sang làm Giáo chức. Năm 1878, ông là Huấn đạo huyện Phú Lộc (Thừa Thiên). Năm 1882, từ giáo chức, từ giáo chức ông lại chuyển sang ngạch quan hành chính, làm Tri huyện Hương Trà (Thừa Thiên).

Như vậy, cho đến trước sự kiện vua Hàm Nghi xuất bôn, có thể rút ra mấy nhận xét từ phần tiểu sử còn sơ lược ở trên :

- Trương Đình Hội sinh ra và lớn lên ở một vùng đất có truyền thống lao động cần cù, hiếu học.

- Thời trẻ, ông đã từng chịu tác động của những sự kiện có tiếng vang cả nước như vụ Chày Vôi cả Đoàn Trưng, Đoàn Trực, cùng các cuộc khởi nghĩa nông dân khác. Lúc ông ra làm quan cũng là lúc thực dân Pháp mở màn xâm lăng nước ta. Nhà Nguyễn bất lực và  liên tiếp đầu hàng bằng các hiệp ước Hácmăng (1883), Patơnốt (1884).

- Ông là người thanh liêm, chính trực, cứng cỏi như mẩu chuyện kể ở trên đã cho thấy. Một minh chứng hùng hồn là trên đường loạn lộ, trải qua 6 năm, từ cái chức Tri huyện ông vẫn hoàn Tri huyện.

Sau sự biến ở kinh thành Huế (7-1885), vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết đưa ra căn cứ Tân Sở, xuống chiếu Cần Vương. Trương Đình Hội đã nhiệt liệt hưởng ứng và là nhân vật nổi bật cùng với Nguyễn Tự Như. Các ông đã tuyển mộ quân sĩ, chế tạo khí giới, phát động phong trào chống ngoại xâm. Cũng trong năm 1885, nghĩa quân đánh thẳng vào tỉnh thành Quảng Trị, “cướp lấy ấn quan phòng và khí giới, thể rất hoành hành”. Tiếp đến, nghĩa quân còn đánh phá Phủ lỵ Triệu Phong, đốt giấy tờ, sổ sách, trại lính, khí giới. Sau đó, nghĩa quân kéo về vùng Trạng Mè, núi Rau Khoai (vùng Hà An, Trằm Sắn thuộc huyện Gio Linh) tiếp tục đánh lại quân thù.

Nhưng do thế lực và lực chung cả nước, cả tỉnh, phong trào Cần Vương ở Quảng Trị bị đàn áp dữ dội và lùi về thoái trào, nghĩa quân ngày càng núng thế. Giặc Pháp và quân đội nhà Nguyễn được liên tục tăng cường để đóng giữ đất đai và đánh phá, càn quét những nơi hiểm yếu, nhất là phía Tây Cam Lộ, Gio Linh.

Tháng 8 - 1886, Đề đốc Hoàng Văn Phúc coi 8 đạo quân bị giặc bắt và giết hại tại phía nam Cửa Việt. Tháng 12 - 1887, bị truy nã ráo riết, Nguyễn Tự Như cùng 34 người thân cận phải ra đầu thú. Nghĩa quân lâm vào tình thế không đường cứu vãn. Tuy nhiên Trương Đình Hội quyết tâm chiến đấu đến cùng. Ông tìm đường vào Quảng Nam là nơi phong trào còn khá mạnh. Nhưng cuối năm 1887, ông bị giặc bắt ở Điện Bàn (Quảng Nam) và ngày 3 - 1 năm Mậu Tý (tức 14 - 2 -1888) bị xử chém ở bến đò chợ Củi.

Một buổi chiều đầy nắng gió, đoàn khảo sát điền dã của chúng tôi đứng mặc niệm trước phần mộ đơn sơ của người anh hùng Cần Vương. Mộ còn rất đơn giản, đắp bằng đất nằm giữa một vùng lúa thanh bình. Trên mộ chí có ghi (bằng chữ quốc ngữ) “Họ Trương Đình, Đệ nhất phái, Đệ nhị chi, đời thứ 8. Hiển tổ khảo Trương Thiện Thuật. Đỗ Cử nhân, Tri huyện triều Nguyễn. Lãnh tụ phong trào Cần Vương chống Pháp. Hy sinh ngày 02/1. Cháu: Trương Đình Viễn phụng lập” .

Hôm đó, một người trong dòng họ Trương Đình cho biết: Khi đi học, ông Trương Đình Hội mới đổi chữ lót từ Đình sang Thiện. Khi ông hy sinh ở Chợ Củi (Quảng Nam), người nhà phải mạo nhận tên người chết là Trương Đình Giáo rồi nhờ ông Bộ Kỳ cấp giấy đi đường để đích thân ông Giáo đưa xác về nơi an táng hiện nay

Cũng qua một số tư liệu, phần lớn là truyền miệng; chúng tôi xin nêu lên một số điều còn chưa rõ như sau:

- Có một số người cho rằng Trương Đình Hội còn có tên là Trương Như Hội, là ngời Hà Trung (Gio Linh), vốn mang họ Trần Ngọc. Ở đây là có một sự nhầm lẫn nào chăng? Về họ và tên, còn có một vấn đề khác: Đó là danh hiệu Thiện Thuật mà Trung đoàn 95 được gọi tên là trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp là của Trương Thiện Thuật hay bắt nguồn từ tên của Nguyễn Thiện Thuật cũng là một lãnh tụ chống Pháp ở Bắc Bộ.

- Nhiều nét lớn trong tiểu sử của ông Trương Đình Hội còn chưa được biết rõ. Chẳng hạn thời điểm và hoàn cảnh chính xác khi ông tham gia và trở thành người lãnh đạo phong trào Cần Vương.

- Lại có người cho rằng, Trương Đình Hội và Lãnh binh Hồi Ưu hy sinh tại Di Loan (Vĩnh Linh)

Những vấn đề trên có lẽ cần đến bút mực của các nhà nghiên cứu dựa trên sử liệu và kết quả khảo sát điền dã. Trước mắt, để tưởng nhớ anh linh của một lãnh tụ Cần Vương Quảng Trị đã hiến trọn cuộc đời cho dân, cho nước, xin đề nghị các cấp, các ngành có liên quan tổ chức lễ dâng hương và bước đầu tôn tạo phần mộ của Trương Đình Hội nhân kỷ niệm 145 năm ngày sinh của ông (1849-1994)

T.Đ.A

Trương Đình Anh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 1 tháng 10/1994

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

5 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

6 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

6 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

6 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground