H |
ồi đó, tôi còn là một gã lái xe rong ruổi trên khắp các ngả đường, đâu cũng đi, cũng đến, lấy lẽ xê dịch làm vui, nghĩ đời chẳng nghĩa gì hom. Tôi lái cho xí nghiệp vận tải từ sau ngày phục viên, chở đủ các thứ hàng dọc các tuyến Bắc, Trung, Nam. Thường xí nghiệp hợp đồng được hàng gì tôi chở hàng ấy, không từ chối, máy móc, vải vóc, áo quần, đồ choi trẻ con, đến nước mắm. Quanh năm, lúc nào cũng có hàng, lúc nào cũng đi, trừ lũ lụt hay sạt đường, gắn bó với xe với đường hơn với vợ con. Năm này qua năm khác như thế, dễ chừng dọc Quốc lộ Một đã nằm lòng từng cột chỉ đường, từng đoạn cua quẹo lồi lõm, tưởng có thể nhắm mắt mà vẫn lái được. Nắng mưa, gió máy, cái phóng túng đường trường lâu ngày thành nghiện, thú thực lắm lúc dừng ở chốn thị thành, sẵn đồng tiền trong tay, bạn bè rủ vào nhà hàng khách sạn, nếm đủ mùi cao sang, tôi cũng không thấy thú bằng nằm cabin gặm bánh mì tu nước lã, rồi ngủ vật, thả cửa cho gió lùa. Khắp gầm trời, đâu đâu cũng nhà. Tình nữa, tình như gió, tình mênh mông. Thời buổi ấy nghề chạy xe đường dài còn là nghề bở, hàng quán chăng ra đường cốt để chài túi chúng tôi. Đủ các loại quán, sẵn cho chòng ghẹo tán tỉnh, khuây khỏa tí chút rồi đi, chẳng ràng buộc gì. Nhưng sẵn nhất là gái buôn đường dài. Họ lác đác ven đường, nón trắng vẫy vẫy, mắt cười môi cười, ngực bụng cũng cười, họ dựa cánh lái xe cốt đỡ tí tiền, được ăn được ngủ và chủ yếu là che mắt công an thuế vụ. Nói cam quả, trong bản chất tôi không chắc có máu trăng hoa, bởi tự cuộc sống nó đưa đến thế, nhưng là cái sự chốc lát, rồi thì quên, mình xơ múi được anh khác cũng xơ múi được, vinh quang nỗi gì. Đời tôi, đến bây giờ thâm niên hơn chục năm vặn vô lăng, không nhớ rõ đã chở bao nhiêu gái ra vào, chỉ thỉnh thoảng mở cửa xe nhảy xuống, thấy thấp thoáng gương mặt quen quen, cũng giật mình tự hỏi, không biết người này có phải không.
Đi lắm, cái sự biết kể ra cũng khôi khối, có thể chất đầy một kho, nhưng về sau nghĩ lại mới thấy toàn vớ vẩn cả. Ở những trạm dừng, cánh lái xe tụ tập ăn uống, bài bạc, đủ kiểu, nhưng phong phú nhất là những câu chuyện làm quà, chuyện nào cũng pha ít phong vị tục để mà cười với nhau, rồi đến một cuộc khác hay lúc rỗi rãi, lại kể hóng hớt, như một điều khoái của cái nghiệp đi.
Hẳn nhiên như thế, đời tôi rồi sẽ như thế, một cuộc đời bông phèng nhảm nhí, mọi dấu ấn trượt qua, vui buồn đều nông cạn, không đủ thành một cái gì, không đủ cho cả một câu hỏi, vậy thằng tôi là cái thá gì. Cho đến một lần...
Khoảng ra tết ít lâu, thình lình xí nghiệp đổi cho tôi chiếc kamar, thay chiếc Hồng Hà long sòng sọc như bà già răng rụng, đi có lúc dựng tóc gáy. Chiếc xe không còn “Jin”, nhưng với tôi là một ả vừa khai tân, đang độ hăng, phóng đường dài cực khoái, cảm giác nghe được cả tiếng sỏi nghiến dưới thớ lốp xe. Tôi nói “thình lình”, vì cho đến bây giờ, xí nghiệp về cơ bản vẫn xài các loại xe Liên Xô và Trung Quốc viện trợ cho hồi chiến tranh còn sót lại, thỉnh thoảng mới xin hoặc tậu được vài chiếc “tư bản”, nhưng chỉ tay nào lao động tiên tiến hay xuất sắc mới đến lượt, trong khi tôi bao nhiêu năm phấn đấu không được cái gì ráo trọi, mà đùng một cái, lĩnh ngay em kamar. Về sự này tôi phải rửa hết năm trăm bạc, dọc đường gặp bạn xế đường dài, rửa phát sinh nữa không kể. Nhưng cũng vì sự này tôi chạy mấy chục ngày bạc mặt, bỏ bê vợ con, nhà ngay sát nách Hà Nội cũng không ghé về nhòm mặt gọi là.
Ba ngày sau hôm nhận xe mới, tôi được giao chở một số máy móc từ cảng Hài Phòng vào Đà Nẵng để xây dựng một nhà máy dệt. Chậm nhất theo yêu cầu của chủ hàng là hai tháng. Đang đận xe xí nghiệp bận nhiều hợp đồng nên chỉ mình tôi với thằng Tới lo vụ này. Nói là gấp nhưng tuần cũng kéo hai chuyến, không hơn gì chạy thường. Khôn là ở chỗ tôi đang bốc, bảo sẽ chấp Tới nửa đường, cả tháng lương, được ăn thua chịu. Nhớ nói, thì phải làm, tháng lương chẳng bõ bèn, nhưng đấy là cái máu me của thằng đàn ông, chút vinh quang rởm, đời lắm lúc chỉ cần thế. Thành thử tôi chạy long óc. Tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, 759 cây, cộng 120 cây ngược Hải Phòng, rút ngày ruỡi đi ngày ruỡi về. Hai phần ba thời gian đầu tôi chạy ngon, nhưng đùng một cái, ả kamar thân yêu của tôi trở chứng...
Tôi vượt đèo Ngang buổi trưa, dừng ăn cơm Quán Hàu, theo lịch trình đến tối phải có mặt ở Huế, ngủ ở đấy, tờ mờ sáng hôm sau vượt đèo Hải Vân, đến chiều kịp quay ra, lại ngủ Huế. Trong hành trình cánh xế Bắc - Nam chúng tôi, có lẽ sốt ruột nhất là qua cái eo mỏng dính nhất Bình-Trị-Thiên, mỏng, mà đệ nhất dài, từ đỉnh đèo Ngang phía Bắc đến đỉnh Hải Vân phía Nam, lại qua những làng xóm heo hút, vắng vẻ, toàn cát là cát, cát trắng ửng mùa đông, nhức nhối mùa hè, đùn đùn lớp lớp từ Quảng Bình qua Quảng Trị, Thừa Thiên; lại nữa vô khối huyền thoại về giết cướp, như thể vía truông nhà Hồ phá Tam Giang(1) thuở xa xưa hãy còn linh diệu. Chiều muộn, tôi qua Đông Hà. Thị xã đến bây giờ đã hơn mười năm giải phóng vẫn còn đậm tính chất dã chiến, nhà cửa, phố xá nhôm nham, đa phần mái lợp tôn, tôn Mỹ, lều quán ven đường cũng vậy, đóng mấy cái cọc, che tấm tôn, còn thì thồng thống. Ngày trước, rời trường lái xe, nhập ngũ, tôi ẳm chiếc Giải Phóng đuổi theo cuộc tiến công thần tốc mùa xuân năm 1975, ì ạch chở thương binh và chiến lợi phẩm, không kịp nhìn mặt chiến tranh xem như thế nào, ngang Quảng Trị đã thấy Đông Hà thế này rồi. Giờ đây, trong buổi chiều ốm nắng, những mái tôn thị xã hắt lên rất nhiều những ánh trăng buồn bã.
Tôi không dừng lại, bao nhiêu lần tôi chỉ ngang qua mà không có ý định dừng lại. Triệu Phong, Hải Lăng... những địa danh Quảng Trị hằn lên dấu ấn của cát. Phía trước mặt đã là đất Thừa Thiên cũ.
Sau này, thỉnh thoảng nhớ lại, tôi chỉ có nước thở dài. Đời người ta, sống mấy chục năm, biết thế nào mà lường định toan tính.
Vào lúc tôi sắp sửa vượt ranh giới Trị - Thiên thì xe tự dưng ì lại. Tấp vào lề, nhảy xuống kiểm tra mới biết hỏng ly hợp. Nhòm quanh quất, thấy vẫn trắng xóa cát, trên đó loi thoi vài bóng dương liễu, loại cây trồng chắn cát, chà xanh tốt gì, trời lại bắt đầu nhập nhoạng, quả tình tôi hơi ớn. Nằm lại đây, dễ có khốn nạn trở lên. Vớ đèn pin, dụng cụ, tôi chui xuống đầu xe, nằm ngửa mặt, bắt đầu tháo ly hợp. Dầu nhỏ vào mặt, chốc bắn trúng mắt, cay xè, tay soi đèn tay mỏ lết, lúc sau đã mỏi nhừ. Loay hoay mất gần hai chục phút vẫn không ăn thua. Mồ hôi vã như tắm. Và bực mình muốn đạp tung hết cả. Ngoài trời im phắc, không có phẩy một tí gió, dù đã gần tối và đang là mùa xuân. Tôi nằm phịch xuống đất, giang hai tay, ngán ngẩm. Mẹ kiếp, vậy mà ông tuởng mày ngon... Đang lầm bầm, tự dưng như có linh cảm gì, tôi ngó ngược mắt, thế là thây đôi ống chân rất lẳn, lấm tấm cát như thể vừa đi ra từ một chỗ cát ướt. Một lúc vẫn thấy đôi chân ấy đứng bất động. Ngạc nhiên, tôi bíu tay vào dầm xe, nhoài hẳn đầu ra. Một ống quần đen xắn xo, lên nữa thấy tà áo chẽ, một cái mủng nhỏ cắp bên hông, một màng lườn và bụng trăng trắng. Đàn bà, đích thị đàn bà. Thoáng trong đầu tôi một ý nghĩ không mấy tốt đẹp. Nhoài thêm một tí nữa để nhìn mặt xem già hay trẻ. Một gương mặt loáng thoáng, cặp mắt tối, hình như môi dưới hơi trễ. Chị thoáng nhìn, tự nhiên tim tôi đập hụt một cái, không phải vì quá đẹp hay quá dị hợm mà vì gì tôi không biết nữa. Khoảng vài giây, cũng không hiểu sao trong vài giây đó, trí óc tôi lại kịp nhớ cho hết mọi đường nét của mái tóc, khóe mắt, làn môi, rồi những nét nhớ đó lại ăn sâu vào tôi hết đời, không quên không lẫn được. Sau vài giây, người đàn bà quay lưng bước đi, thong thả, chéo áo hơi rung rinh, nhưng có thể nhận ra cái dáng của người đã sinh nở. Tôi cứ nằm mãi thế, nhìn hút theo cái dáng kia, trên con đường cát, đi lẫn về một phía nào đó đầy bóng tối.
Đêm đó, tôi không tài nào sửa được xe. Tôi nằm dán trong cabin, nhưng chỉ một lát là phải lồm cồm bò dậy, nhoài ra đất nằm. Vậy mà có chợp mắt được tẹo nào. Tâm hồn tôi bấn loạn. Nhưng trong đêm đó tôi chưa rõ được bởi nguyên do gì, tôi chỉ đinh ninh nguyền rủa cái xe trở chứng không phải lúc. Mãi sáng hôm sau, khi xe lăn bánh ra khỏi vùng cát, chạy tít vào Nam, gần đến Đà Nẵng tôi mới sực nhớ ra rằng tôi bấn loạn vì người đàn bà ấy. Tôi dừng xe, để máy nổ nguyên, nhảy xuống đường đứng ngẩn một lúc như thằng điên.
Rồi tôi cũng ăn được Tới, nhưng điều đó không còn làm tôi vui vẻ nữa.
Suốt tháng sau tôi vẫn đi tuyến Bắc - Nam, nhưng chở hàng đắt tiền nên có thêm người bảo vệ, tôi không dám dừng bậy bạ đâu vì sợ không an toàn. Vả lại tôi không nghĩ đến chuyện dừng giữa vùng cát để tìm gặp người đàn bà kia, dù trong nhiều ngày lòng tôi luôn bị dày vò. Tôi sút mấy cân, sống như mộng du, và không đủ dửng dưng để bắt tình với một người đàn bà nào khác. Đến cuối tháng tư, để thưởng công tôi vì chuyến chạy nước rút trước, xí nghiệp cho tôi nghỉ hẳn một tháng để về nhà với vợ. Lâu lắm tôi mới cỏ dịp ở nhà lâu thế, nhẽ ra phải tranh thủ chăm sóc vợ con, vậy mà thế nào ấy, tôi như kẻ mất hồn, có lần đang ăn cơm vợ nói chuyện gì đấy, tôi nghe ậm ừ, đến lúc cô ấy hỏi lại tôi mới ngớ người, té ra tôi nghe nhưng tiếng nói tuột đâu mất, không hề đọng trong óc. Vợ dỗi, rồi chì chiết hay là nghĩ đến con nào... Không thanh minh, tôi chỉ thấy buồn, một nỗi buồn rã rượi xâm chiếm hết tất thảy mọi giác quan. Vợ tôi là người đảm, yêu chồng. Cô ấy chăm sóc tôi đủ bề, cho uống cả rượu thuốc. Con trai chúng tôi đã lên năm, và cô ấy muốn có thêm một đứa con nữa. Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng đêm nằm với vợ tôi chuội đi như một kẻ bất lực. Vợ tôi khóc. Chắc cô ấy tủi thân. Nhưng có lần cô ấy hỏi, thảng thốt và đau đớn: “Hay là mình quan hệ với ai rồi lây bệnh gì?” Tôi lặng người. Không phải, hoàn toàn không phải thế, tôi khỏe mạnh, đầy sinh lực, chỉ có điều...T ôi ôm chặt vợ, lòng trào lên nỗi thương cảm. Làm sao cho cô ấy hiểu được, làm sao để tôi lại là tôi, như trước đây, bông phèng, vô tư mà ham sống đến cùng tận... Có lúc nghĩ lại, hay cứ hình dung vợ là người kia? Thế nhưng không phải, người kia là một cái gì, không phải là vật chất để tôi có thể hình dung theo chiều hướng đó. Trong một đêm trằn trọc, đầu tôi lóe lên một ý nghĩ lạnh buốt: Hay người kia là ma?
Nghỉ một tháng, vậy mà mới hơn hai tuần tôi đã đòi đi, viện cớ ở nhà lâu nhớ xe, nhớ nắng gió đường trường. Kỳ thực tôi lo sợ sự đổ vỡ tình cảm vợ chồng, một sự đổ vỡ bi đát hơn thế nữa. Vợ tôi khóc dấm dứt, gói ghém quần áo tư trang cho tôi. Lúc chia tay tôi chỉ dám ôm khẽ cô ấy, rồi vội quay mặt, giấu một giọt nước mắt đang trào khỏi hố mắt.
Tôi lại đi. Cái thằng xe của tôi sau một kỳ nằm dưỡng đã trở lại vẻ hùng dũng của một con ngựa chiến. Đã sang hè, dọc đường tôi qua cây cỏ không còn xanh mơn mởn, không còn hơi se lạnh của khí xuân Bắc hà, nhưng có một cái gì kỳ diệu lắm. Buổi sáng đầu tiên rời Hà Nội, vô tình tôi vừa đi vừa huýt sáo. Giai điệu: “Xe tôi bon bon trên chặng đường” làm lòng tôi phơi phới. Sẽ qua thôi. Và khi đi qua câu chuyện này, tôi sẽ ào về với vợ, sẽ ghì cô ấy mà hôn mà chuộc lại những ngày vừa qua. Tôi lại qua vùng cát. Đang mùa gió, những ngọn gió Lào thổi rần rật, hơi nóng thốc hầm hập vào cabin, và ngoài kính xe, cát loa lóa dưới nắng.
Trong một lần dừng ăn mỳ Quảng ở Tam Kỳ, trong bàn ăn gồm những xế đường dài đã quen mặt người đủ các miền, nói đủ giọng, chủ đề phiếm là chuyện hoa lá cành. Bất đồ một gã râu xồm giọng trung kể chuyện về một cựu lính xế vô địch “vợ”.
- Đường đường chính chính thì lão có bảy, gần bốn chục con, nhưng thực lực lão vài chục, không chừng vài trăm. Hiện ở với lão là mười một mụ. Gã kể bô bô. Nhiều người khác ồ à, có người góp lời, bảo vợ bé lão bằng tuổi chắt lão, rồi con lão phải lòng vợ lão, vân vân và vân vân. Tôi vểnh tai nghe, ban đầu không chú ý, nhưng sau nghe tả, thấy sao giống xóm nhỏ nằm chơ vơ giữa cát, nơi người đàn bà ngày nọ đã khuất bóng...
Tuần sau tôi ngang xóm cũ đúng ban trưa, gió ồ ạt, không khí trong cabin như nung, cát quất vào cửa xe ràn rạt. Người rít rát ngứa ngáy, nhưng không dám hạ kín, vì nhỡ có hạt cát nào vào mắt thì toi. Đang tranh thủ đường vắng phóng nhanh, bất chợt thấy đằng xa kia, dưới nắng, ở chỗ quang quẽ, một thiếu phụ đầu trần, chéo áo nâu non phất phơ sáng lên...
Không lẽ người kia? Tim tôi giật thon thót. Người dưới đường đưa tay vẫy, điệu vẫy thong thả không cân kíp cũng không lạnh nhạt. Tôi dừng xe, tắt máy, hạ cửa kính ló đầu ra, định quát tướng lên hỏi xem cớ gì thì một giọng nhỏ nhẹ, giọng Trung, gần như Huế nhưng nghe kỹ không phải Huế, cất lên: “Anh mở cửa xe cho tôi lên”. Một lúc sau tôi mới hiểu ra. Người kia lọt lên cabin lẹ làng không gây tiếng động nào, chờ xe chạy mới lên tiếng: “Lâu quá không thấy anh ghé lại?” Một lần nữa tôi định cáu: “Tôi ghé bao giờ mà bảo ghé lại”, nhưng hai hàm răng dính chặt. Tôi nhìn chăm chăm phía trước mặt. Qua một đoạn đồi, đổ xuống một con dốc. Người kia không nhìn tôi, vẫn giữ kiểu nói thong thả (sau này tôi nghiệm ra cái gì ở cô cũng thong thả, và lúc nào cô cũng thong thả, không hưng phấn không nhạt nhẽo, chỉ là thong thả): “Anh cho tôi xuống đi. Lần sau qua đây anh rẽ bên phải, vào trong rừng kia kìa...” Tôi trông sang, thấy một đám rừng lưa thưa, chủ yếu là cây đại mọc lúc xúp, và suýt nữa phì cười
Xe dừng, người kia nhảy xuống, không chào tôi, một cách thong thả, dù trời đang nắng xiết bao, dù mặt đường có lẽ nóng rẫy lên, mà cô thì đầu trần chân trần, đi ngược lại đoạn đường vừa đi qua, ngược lên một con dốc.
Tôi bỏ xe lần vào đám rừng, thấy ở phía cuối cây mọc cao lên, che khuất một thung nhỏ, có thể giấu xe mà ngoài đường không nhìn thấy, trừ phi có ai đi vào vạt rừng. Một ốc đảo nhỏ giữa sa mạc khô khát. Một ý nghĩa giữa cát và gió. Và một cái gì nữa trong cuộc đời mà tận giờ phút đó tôi không hoàn toàn hiểu...
Tôi tiếp tục xuôi về phương Nam, lòng lâng lâng nhẹ nhõm. Lẽ ra theo thói thường tôi phải băn khoăn xem cô ta thuộc hạng người gì, và ở chốn khỉ ho cò gáy vốn nhiều chuyện rùng rợn liệu có nên đề phòng không, nhưng tuyệt nhiên không, mà về sau này tự hỏi mình có tin hẳn cô ta không, tôi sẽ nói chắc chắn là không.
Chuyến đó vào Quảng Ngãi, lần ra đánh đẫy xe đường. Lẽ ra phải toan tính sao để trên đường ra nghỉ đêm ở Huế hoặc Đồng Hới, nhưng tôi trù trừ, cố để vào nhá nhem tối có mặt ở chân con dốc gần xóm Bảy vợ. Tôi lựa lúc đường vắng ngắt, cẩn thận hơn nữa là tắt đèn xe mới bò vào giấu xe ở chỗ rừng tôi đã thấy hôm trước. Cảm thấy yên tâm rồi, tôi mở cabin nhảy xuống, nằm ngửa lên cỏ. Một hơi mát mẻ và thơm nồng phà lên tôi cái mùi thân quen của quê hương lâu ngày tôi mới gặp lại. Tôi nằm thanh thản, mắt hướng lên bầu trời thăm thẳm mỗi lúc một dày đặc sao. Dễ có nửa tiếng sau người kia mới tới. Cô đi tới, nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh tôi, vẫn là màu áo nâu non, vẫn là ống quần xo xắn, đầu trần chân trần. Cô đưa tay vấn tóc, cái động tác quen thuộc tôi thường xuyên bắt gặp ở vợ hay những người đàn bà khác, song lần này tôi xúc động đến thế. Trong đêm tối, không nhìn được mặt cô nhưng tôi rõ ràng từng nét một, từng nét ấy ăn sâu vào trí tôi từ ngày nào giờ đây tôi cảm giác đã xa lắm. Cô nhìn mặt tôi, và tôi thấy như cô cười, cái cười chỉ đủ làm động đậy một bên khóe mép.
- Nửa đêm là em phải về - Cô nói.
- Sao thế? Tôi hỏi bâng qươ.
- Vì lão ấy bao giờ cũng đến vào lúc nửa đêm.
- Lão nào? Lần này tôi sửng sốt.
- Lão chồng em. Lão Bảy vợ! Cô đáp như không.
Tôi chồm người dậy:
- Sao? Cô là vợ của lão Bảy vợ ấy à? - Như có ai thò tay thộp vào ngục tôi, dẫu khi lần đầu trông thấy cồ, tôi biết cô đã sinh nở rồi.
Hình như cô lại cười. Và tôi nằm xuống, người tê điếng. Tôi lật úp mặt xuống cỏ nén cơn thổn thức đang dần trào lên.
- Anh buồn làm gì, vì nó là như thế - Cô an ủi.
Đúng là tôi buồn làm gì, tôi đã biết trước, tường tận, đã từng ớn lạnh đã từng thảng thốt.
Tôi không hỏi gì nữa. Cô cũng không nói. Hết nửa đêm đó tôi vẫn không hề biết tên cô, và khi trăng cuối tháng lên chừng con sào cô đã ra về rồi. Bóng cô lẫn vào đêm tối, như sau này cô lẫn ở đâu đó trong cõi đời tôi đành chịu, không thể kiếm tìm được.
Chúng tôi tiếp tục gặp nhau ở chỗ cũ vào nửa đầu của đêm. Không lần nào hẹn trước nhưng bao giờ cô cũng đến đúng, hoặc là hôm nào cô cũng đi như thế, dù những ngày không có tôi. Hoặc thậm chí những ngày không có tôi cô có kẻ nào nữa không tôi cũng không biết, song về chuyện này tôi có thể đem đầu ra cá để nói độc một tiếng! Không.
Nhưng đêm ấy cô dắt tôi đi ngược trở lại cuộc đời cô. Ngày nào đó vừa kết thúc chiến tranh, cô mười ba tuổi, mồ côi, bơ phờ, bị hãm hiếp, đã đói ăn và lang thang nhiều nơi, không biết quê quán, không người thân thích. Trong ký ức là một ngày tàn khốc, khi gia đình cô nấn ná chưa kịp chạy loạn thì pháo đã giã liên hồi kỳ trận, phố đổ, nhà đổ, năm người thân của cô lẫn trong gạch đá, cô cào tứa máu cánh tay cũng không thể thấy một mảnh tăm tích. Từ đấy cô đi, không biết qua những đâu, thấy bom hay đạn gì cũng nằm xuống, lúc cắn vào tay còn cảm giác đau thì bò dậy. Rồi một người đàn ông nhặt được cô. Cô ăn ngủ trong cabin xe cho đến ngày được mang về xóm Bảy vợ. Hồi đó xóm mới lập, vẻn vẹn có một ngôi nhà với ba người đàn bà nạ dòng, con cái không kể những đứa đi làm ăn còn bảy. Cô gọi những người lớn kia bằng bác, còn đám con cái là anh chị em. Trong đoạn đời côi cút của cô tận bây giờ, dưới mái nhà ấy, cô đã thấy quá yên ổn. Người đàn ông thường xuyên đi, những chuyến đi dài, khi về mang thêm một người đàn bà dắt díu theo một lũ con cái. Nhà cửa vườn tược mọc thêm ra trên vùng cát trắng. Những người đàn bà cũ lặng lẽ cam chịu. Khi đã có đủ mười ngôi nhà cho mười nguòi vợ thì tiếp tục có thêm nhà cho đám con cái, chúng lấy vợ lấy chồng, lại sinh đẻ... Người ta sống bình lặng trong sự cai quản của người đàn ông già nhất, thỉnh thoảng có đánh chửi tranh chấp nhưng đâu lại vào đấy. Ban ngày làm lụng, tối thắp đèn dầu lên lão chồng uống rượu và hát ong ỏng, hứng chí đi sờ mó các bà vợ.
Năm cô mười tám tuổi, xóm thêm một ngôi nhà. Ngôi nhà cuối cùng, cũng mái tồn, bé nhỏ nhất trong các ngôi nhà. Cô dọn ra ở đấy, thành người đàn bà thứ mười một...
Có lần, vào đêm rằm, trăng rất sáng, sắp đến nửa đêm rồi nhưng không thấy cô nhớ đến việc phải trở về. Cô nằm trên cỏ, ngủ ngon lành. Tôi không muốn nhắc, vì có lẽ cuối cùng rồi tôi cũng có được một đêm trọn vẹn ở bên cô. Tôi ngồi nhìn cô ngủ, lòng tràn ngập niềm hạnh phúc. Tôi sẽ mang em đi, vĩnh viễn rời xa chốn này, vĩnh viễn được yêu em mà không một nỗi sợ hãi... Sẽ không bao giờ còn phải nhớ đến thời khắc nửa đêm... Bấy giờ mới chợt hiểu ra, ám ảnh về nỗi chia lìa đã từ lâu vò xiết tôi đau đớn và kinh khủng làm vậy.
Kim đồng hồ trên mặt dạ quang chậm chạp nhích qua khỏi con số mười hai. Vừa một tích tắc chuyển sang ngày mới. Thì bất thình lình một ánh chớp xanh lè xé rách bầu trời, kèm một tiếng nổ chói tai, sau đó là gió, gió cuồn cuộn, lồng lộn, rồi trong trăng thấy nhờ nhờ từng đúm cát bị bốc đi bay rào rào. Em thét lên một tiếng, nhào dậy như ai giật, và bỗng chốc em vụt đi về phía trước. Tôi cũng hét lên. Tưởng lồng ngực đã bị vỡ vụn ra. Em ơi em ở đâu rồi giữa mờ mịt trắng xóa cát kia? Tôi xộc vào cát trắng, đâu cũng cát, cát trên không cát dưới chân, cát quất vào mắt vào miệng, cát ù òa quay cuồng man rợ. Em ơi em ơi! Lòng tôi nức nở, tim tôi tan nát, đất trời này, cuộc sống này, đọa đày hay diễm phúc, còn có nghĩa gì nữa đối với tôi...
Tôi chạy, không phương hướng, một cách điên cuồng chống lại cơn bão cát, rồi bất ngờ vấp phải một vật gì, rồi không biết gì nữa...
Khi người ta lượm được tôi mình mẩy đầy thương tích thì bão đã tan, trên mặt đất yên bình cát đã trắng một cách dịu dàng và mát rượi. Rất nhiều gương mặt xa lạ, ý thức về sự mất mát tức khắc trở nên đau buốt. Tôi nhào khỏi vòng người, chạy về hướng xóm Bảy vợ. Không còn dấu vết con đường quốc lộ thường khi tôi vẫn qua, chỉ cát là cát... Ở trong xóm tất cả nhà cửa đều xiêu vẹo hoặc sụp đổ, một số bị tốc hết mái, trơ ra mấy đoạn cột và tường nham nhở. Nhiều đụn cát mới mọc lên. Duy có ngôi nhà mái bằng bê tông của lão Bảy vợ là còn nguyên vẹn. Tôi chạy đến cuối xóm, và khựng người, nơi trước đây là ngôi nhà của em giờ đây trơ ra một đám cát, trắng và mịn rợn người. Ở giữa đám cát, một lão già râu tóc bạc trắng đang quỳ. Lão Bảy vợ! Tôi thộp lấy ngực lão, xách lão lên như một con nhái. Có lẽ tôi đã giết lão, nếu không gặp đôi mắt trống rỗng đến thế của lão...
Tôi thất thểu quay về đám rừng cũ, nhưng ở đó, tất cả cây cối cũng đã biến sạch, chỗ xe tôi dừng còn vãi ít tro đen. Chiếc Kamar của tôi trơ lại cái khung sắt đen nhẻm.
Tôi về đến Hà Nội. Một hôm tôi tình cờ đọc được trên báo mẫu tin về cơn bão cát miền Trung. Người ta nói rằng, bão gây nặng nề, không có ai chết, nhưng có một phụ nữ bị mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy...
Tôi hộc một tiếng, nhổ ra một bụm máu, đỏ tươi, nhưng một chốc sau đã quánh đen lại...
* * *
Sau lần đó, mặc dù không phải bồi thường gì vì đã để cháy xe và hàng hóa, nhưng viện cớ đã gây thiệt hại cho xí nghiệp, tôi xin nghỉ lái xe. Từ đấy tôi về hẳn quê. Vợ tôi đẻ thêm một đứa con nữa vào năm sau.
Bấy đến giờ gần hai chục năm đã đi qua. Thinh thoảng, trong nỗi buồn cố hữu, tôi nằm mơ thấy cơn bão cát.
T.T.H
_________________
(1)Truông nhà Hồ ở phía Bắc Quảng Trị, ngày xưa rừng âm u, nhiều đảng lục lâm lộng hành. Phá Tam Giang dưới chân đèo Hải Vân, cũng là nơi nguy hiểm cho khách bộ hành