M |
ười năm là đúng mười năm. Pháp luật thật là sòng phẳng, không thêm, không bớt cho tôi một ngày một giờ nào. Khi tôi cầm tờ giấy phóng thích đi vào phòng giám thị nhà giam, tôi thấy chiếc đồng hồ treo trên tường chỉ đúng 9 giờ 15 phút. Nơi đây họ trao cho tôi một chiếc phong bì lớn, màu giấy úa vàng, bên ngoài phong bì có ghi tên tôi, số tù, ngày vào, ngày ra tù. Tôi mở phong bì ra, chỉ có chiếc đồng hồ quả quýt vỏ mạ vàng, đây là kỷ niệm của người cha thân yêu mà tôi còn giữ được cho tới ngày vào tù. Tôi cầm chiếc đồng hồ lên xem. Ờ kỳ dị thay! Nó cũng dừng lại đúng 9 giờ 15 phút như chiếc đồng hồ quả lắc đang treo trên tường kia.
Những bước chân tự do đầu tiên của tôi là những bước vô định. Tôi không biết đi về đâu và làm cái gì? Tôi còn nhớ ở trong tù tới năm thứ ba, tôi nhận được tờ đơn đòi ly dị của vợ tôi nhờ chuyển vào lấy chữ ký ưng thuận của tôi. Lý do nàng nêu ra đã rõ và vô cùng chính đáng đối với xã hội và pháp luật. Tôi chỉ còn cách mượn cây viết của người cai tù viết hàng chữ: "Tôi hoàn toàn đồng ý ly dị vì tôi không còn xứng đáng với người đàn bà này nữa" tôi ký và viết tên mình. Cái đơn được chuyển ra ngoài. Sau đó vài tháng tôi nghe tin vợ tôi lấy chồng! Họ kéo nhau về ở ngôi nhà do mồ hôi nước mắt của tôi tạo ra. Họ leo lên ngủ trên chiếc giường gỗ của tôi đã đóng. Nhưu thế tôi vừa mất vợ, vừa mất nhà.
Tôi nhận được lá thư cuối cùng của hai đứa con tôi cách đây đã năm năm. Chúng nó mỗi đứa viết vài hàng lấy lệ. Trong tù tôi đã nghĩ về chúng nó không sót một ngày một đêm nào. Trên chiếc bao thuốc lá cũ, tôi đã mài ngòi bút chì thậc sắc viết chi chít hàng trăm chữ gửi cho con mà vẫn không đủ nói lên tình yêu thương của mình. Tôi không biết chúng nó có chịu đọc hết, hay là đem vứt bức thư của một người tù. Giờ này các con tôi đang ở đâu?
Tôi vào phòng điện thoại công cộng gọi cho người bạn. Khi tôi vừa cầm máy lên thì một khuôn mặt phụ nữ lạ hoắc hiện ra ở bên ngoài cửa gương. Mụ ta chỉ nhìn tôi trừng trừng rồi bỏ đi. Mụ bước đi vài bước rồi còn quay nhìn lại một lần nữa rồi nhổ nước bọt mới chịu bỏ đi luôn. Ở đầu dây bên kia có tiếng nói không thể nào lầm được của bạn tôi. Khi hắn nghe đến tên tôi liền cúp máy.
Tôi không làm sao hiểu nổi ai cũng nhận ra tôi là một tên tù. Tôi cố gắng đi đứng thực tự nhiên, nhưng hình như từ người tù phát ra cái gì đó đặc biệt lắm khiến cho ai cũng biết. Họ sợ và họ lánh xa. Đến cả chó nó cũng nhận ra mùi đáng tởm của tên tù, đi đến đâu chúng cũng sủa vang.
Trong lúc đó chẳng thiếu cơ hội xô đẩy tôi trở về với con đường lầy lội với bao nhiêu tội lỗi cũ. Lũ bạn trong băng tội phạm ngày trước biết tôi, một kẻ mà chúng nó nể nang về nghề nghiệp và mưu trí. Chúng đánh hơi, biết tôi đã mãn hạn tù tìm cách tiếp xúc ngay. Chúng đề nghị giúp đỡ tôi, đề nghị những cú làm ăn béo bở to lớn khác. Mặc dù cuộc đời đã bạc đãi tôi thậm tệ nhưng lần này tôi đã cương quyết không trở lại con đường cũ. Nhưng con người và hoàn cảnh hình như hùa nhau, xúm lại xô đẩy tôi trở về bóng tối. Không biết tôi có giữ mình được mãi hay không?
Tôi đã sống những ngày dài khó khăn như thế. Mười năm tù tội tôi mất đi biết bao nhiêu thứ. Tôi không biết tuổi thanh xuân và tự do là gì. Sức khỏe đổi thành suy nhược, nhanh nhẹn thành chậm chạp. Ra tù thì tôi lại mất cả niềm tin ở con người.
Cuối cùng tôi cũng tìm được một việc làm. Loại việc này chẳng ai nhận vì nó vất vả nguy hiểm nhàm chán mà đồng lương lại chẳng bao nhiêu. Thế mà tôi lại rất thích loại công việc đặc biệt này. Suốt ngày tôi phải treo mình bên ngoài căn nhà cao tầng để cạo cho sạch lớp vôi cũ. Tôi luôn luôn làm việc pở trên cao, có khi rất cao, lầm lũi, một mình suốt ngày này qua ngày khác. Tôi không tiếp xúc với ai. Tô đỡ bận tâm về những con người chung quanh. Một lần lên cao tôi mang theo nước uống và cả những buổi ăn trưa. Buổi trưa tôi cũng có thể chợp mắt được vài phút. Tôi tập được cách sống ở trên cao. Trên một tấm gỗ nhỏ với sợi dây và chiếc nón an toàn tôi có thể làm việc, ăn, ngủ, thả hồn theo mộng. Những lúc nghỉ ngơi tôi giải trí bằng cách quan sát thành phố bên dưới. Hàng đoàn xe nối đuôi nhau chạy trên đường, từ trên cao nhìn xuống thấy con người chỉ như những chiếc que diêm dựng đứng chuyển động. Tại sao tôi lại sợ những que diêm ấy đến thế? Một hôm đang lúc làm việc bỗng có chiếc máy bay xếp bằng giấy từ một cửa sổ ném ra. Nó đảo lượn vài vòng trong khoảng không rồi bay tới cạnh tôi. Tôi thuận tay bắt lấy. Từ một khung cửa chỉ cách tôi vài thước có hai đứa trẻ chồm người ra. Chúng ngơ nhác tìm xem chiếc máy bay của chúng. Hai đứa bé kinh ngạc vì bất chợt trông thấy một người treo mình phía bên ngoiaf căn nhà. Hai đứa bé có khuôn mặt thật là dễ thương. Tôi trao chiếc máy bay cho chúng. Chúng rất vui và ngỏ lời cảm ơn. Từ ngày ra tù tới giây phút đó tôi mới nghe có người nói với tôi lời êm dịu. Hai đứa bé không nhận lại chiếc máy bay, chúng nói: "Bác ném cho chúng bay tiếp!" Tôi thẳng cánh ném thực mạnh lên cao. Chiếc máy bay giấy xếp thật cân bằng, nó đảo lượn rất nhiều vòng, có ki vút lên cao rồi đột ngột đâm bổ xuống, chợt lấy lại thăng bằng mở ra những vòng uốn lượn thật đẹp. Lũ trẻ và cả tôi nữa cũng thích thú nhìn theo cho đến lúc cả ba không còn trông thấy chiếc máy bay giấy. Đứa bé trai nhìn thấy tôi đứng trên mảnh ván nhỏ treo lơ lửng trên hai sợi dây, nó hỏi:
- Bác làm việc trên cao không sợ hay sao?
- Không, bác thấy nơi đây vững hơn mặt đất.
Đứa bé gái hỏi:
- Ôi lạ quá nhỉ! Trên cao cả mấy mươi thước lại vững hơn ở mặt đất.
Tôi định giảng giải cho những đứa bé kia nghe nhưng chắc nó không hiểu. Tôi không có quyền đầu độc những tâm hồn trong như nước mưa của những con người nguyên sơ đáng yêu này. Đứa bé trai kêu mẹ nó:
- Mẹ ơi vui lắm, ra mà xem! Có một bác làm việc ở bên ngoài căn nhà của ta.
Tôi nghe thấy giày gõ trên nền rồi một người phụ nữ chồm nửa thân hình ra cửa sổ. Cô ta nhìn tôi, đôi mắt đầy ngạc nhiên, nưng thiện cảm nở ra một nụ cười. Đây là nụ cười đầu tiên tôi nhận được của đồng loại kể từ ngày ra tù. Tôi không thể nói gì nhiều về nàng vì tôi chỉ trông thấy cô ta thoáng trong giây phút. Thời gian ngắn ngủi đó đủ cho tôi biết người ấy không đẹp, chỉ có nụ cười của nàng là đẹp vô cùng. Cái nhìn thiện cảm và nụ cười của cả ba mẹ con đã thức dậy trong tôi mùa xuân...
* * *
Như một chuyện thần tiên, trong thâm tâm tôi bấy lâu nay nuôi dưỡng một lời nguyền mà tôi không ahy. Tôi lấy chiếc đồng hồ quả quýt vật kỷ niệm của cha tôi ra. Tôi cẩn thận lên dây. Tôi đưa chiếc đồng hồ lên cạnh tai lắc nhẹ. Những tiếng kêu tích tắc, tích tắc vang lên. Chiếc đồng hồ ngừng trong mười năm đã bắt đầu làm việc lại. Mùa xuân trở lại, đời tôi bắt dầu. Cả đất trời mở ra bồng bềnh dưới chân tôi. Những chiếc xe nối đuôi nhau chạy trên đường như những con dán nhiều màu. Những con người di chuyển trên đường như những que diêm dựng đứng. Tôi không thấy sợ những que diêm nữa, tôi không mất long tin ở con người. Dưới kia và khắp nơi vẫn còn bao nhiêu con người tốt đẹp. Chỉ với lòng tốt của hai đứa bé và một người đàn bà bình thường cũng đã tạo ra phép nhiệm màu. Tôi đã hồi sinh. Tôi bắt đầu thấy cuộc sống đã đến thật sự.
Q.T