Chiếc xe khách lướt bon bon trên con đường phủ vàng nắng mai. Hành khách hầu hết đều khép mắt lơ mơ trong nhịp chòng chành dễ chịu. Anh mơ màng nhìn ra cửa sổ xe. Những thửa ruộng vừa gặt xong trơ lại những gốc rạ vàng; những mảng trời xanh ăm ắp đang vun vút trôi qua tầm mắt. Bình yên và thoáng đạt. Anh khẽ rùng mình vì một ngọn gió đẫm sương ùa vào mặt tê buốt. Quờ tay vào túi xách: một chai dầu gió, ít thuốc cảm, bộ quần áo và cả một chiếc bánh mì Patê còn nóng sực, Thuỷ đã đặt vào đấy tự bao giờ. Thuỷ chu đáo quá! Mơ hồ anh cảm thấy mình có lỗi. Nhất là sáng nay nhìn Thuỷ lặng lẽ chuẩn bị mọi thứ cho anh, khuôn mặt trông nghiêng với vài lọn tóc mai xoã vương, đôi mắt nhìn xuống buồn buồn… Có một sự trách cứ âm thầm mà Thuỷ nén lại giữa nụ cười bình thản cố hữu của cô chăng? Đã không ít lần trong đám nhậu, thằng bạn cố tri của anh, sau vài ly "khai khẩu" đã gật gù "Theo tao, Thuỷ là may mắn lớn nhất trong các may mắn của mày. Không hiểu sao thằng dở hơi như mày mà lại vớ được đúng cô ấy…"
"May mắn lớn nhất" của đời anh ư? Ý nghĩ của anh như loãng ra trong tiếng máy chạy rì rầm. Có lẽ nào lại là như thế! Anh chưa bao giờ thử tìm hiểu đằng sau khuôn mặt dịu dàng nhẫn nại của Thuỷ là những ý nghĩ gì. Riêng anh, trong đường tình duyên, anh chưa bao giờ tự coi mình là người may mắn.
***
…"Anh Hoàng ơi, ra mà xem diều thằng cu Tý bay cao hơn diều của mình rồi".
- "Thằng Tý để trâu ăn lúa, bố nó lại đánh cho mà xem…"
- "Anh Hoàng này, ở hàng rào nhà em có cây dây leo lạ lắm nhé, suýt nữa mẹ nhổ đi mất khi làm cỏ đậu cô ve rồi đấy".
Tại sao anh không dứt ra được khỏi vùng kỷ niệm? Cái tuổi thơ vụng dại ấy, tại sao cứ in mãi vào đời anh? Những cô, cậu bé chăn trâu mười một mười hai tuổi, lớn lên giữa ruộng đồng, làm bạn với chiếc diều sáo và những trò chơi trẻ con. Đánh lộn. Cãi cọ. Khóc cười. Những đêm trăng bò lê trên đống rạ mềm với trò chơi "tè núp tích bắn"… Trẻ con chỉ là trẻ con thôi? Tại sao lại làm day dứt hoài một đời người lớn được?
Thấm thoắt cũng vài năm trôi qua trong tiếng sáo diều và sắc xanh đồng cỏ. Những đứa trẻ lớn lên và giữ ý với nhau hơn. Những trò nghịch ngợm trước đây thưa dần… Một điều lạ, cây dây leo ngày xưa trên hàng rào nhà Hoa đã nở đầy những bông hoa tím biếc: Hoa bìm bìm. "Để vậy cho vui mắt, có tí đất ăn thua gì mà lo" - Bố Hoa nói kiên quyết khi mẹ Hoa cằn nhằn: Để làm gì cái giống dây leo "vô tích sự" ấy. Còn Hoàng mỗi lần đứng dưới khoảng lá bìm bìm chờ Hoà đi học là mỗi lần lòng cậu xôn xao một cảm giác rất lạ, rất khó tả mà cậu không thể hiểu là điều gì.
Ngày ấy. Hoàng là một trong những đứa con đầu tiên của làng đỗ vào đại học. Hôm ra thành phố Hoa đã chờ anh dưới cổng tự lúc nào. Phải, anh còn nhớ đó là một buổi chiều chưa thật muộn mà đã nhạt nắng. Dậu hoa bìm bìm thì rung rinh tím cả một khoảng không gian bé nhỏ. Mắt anh lại gặp mắt Hoa, ngượng ngập. Không nói, anh chỉ cảm nhận được chiều sâu mênh mang trong đôi mắt màu nâu nhạt như đã gom vào đó tất cả ánh chiều, bỗng chốc sẫm tím một màu hoa, màu áo hay màu chiều? Lạ lắm, mắt nâu. Anh nhớ là mình không nói được câu nào ra hồn. Hình như ngôn ngữ đã trở nên thừa thãi, không nói gì nhưng cả hai đều cảm nhận rất rõ một tiếng sáo diều của lũ trẻ con bỗng vút lên trong trẻo; mùi đất nồng nồng, ngòn ngọt; cánh bướm mơ hồ, chấp chới giữa không trung như một lời nhắn gửi lặng thầm…
Đến giờ, anh cũng không hiểu vì sao trong từng ấy năm, những cánh thư đều đặn vẫn không chuyển tải một thông điệp tình cảm đặc biệt nào. Những lần về làng anh gặp Hoa, sau vài mẫu chuyện rời rạc về trường lớp và cuộc sống sinh viên, anh lại cảm thấy như trước đây: Hình như ngôn ngữ thừa thãi đối với hai người. Chỉ những lúc lặng im đắm trong hương vị đồng nội mới là những phút giao cảm đặc biệt. Còn nhớ, một đôi lần trong thư, anh gọi cô là "mắt nâu" gợi nhớ buổi chiều nắng nhạt có tiếng sáo diều day dứt. Và chỉ có thế. Sau này, trong ba năm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, những lá thư vơi dần đi, rồi anh chỉ nhận được sự im lặng khó hiểu từ phía Hoa. Ngày ấy, cứ đến những chiều đông tuyết rơi dày trên đường phố Matxcơva và những cô gái Nga tóc vàng má đỏ hồng vì lạnh, anh lại nhớ da diết, nhớ cồn cào một màu mắt nâu, ấm áp như cái nắng nhiệt đới ở quê hương, nhớ biết nhường nào.
Ngày về, hồi hộp bước trên con đường vừa quen vừa lạ, nhịp tim anh rung lên với một nỗi lo lắng mơ hồ và hình như vô lý. Gia đình anh sung sướng tự hào. Và mặc dù trong chiếc va ly to xù anh mang về chỉ toàn là sách, những hàng quà vặt từ trời Tây xa xôi cũng đủ làm cho cả nhà mãn nguyện: Con búp bê tóc vàng và thỏi sôcôla cho bé Thảo, xấp vải hoa cho mẹ, những chiếc mũ lông kiểu Côdắc cho cha… Bên chiếc bàn nhỏ lâu năm màu gỗ đã đen óng, mọi người hàn huyên tíu tít…
Mẹ anh tóc đã bạc đi nhiều. Đuôi mắt, khoé miệng đã có vô số những nếp nhăn li ti. Tuy vậy nụ cười của bà vẫn rạng rỡ hạnh phúc. Bà thủ thỉ hỏi chuyện vợ con, anh cười: "Còn phải lâu lắm, mẹ ạ". Mẹ chửi: "Cha mày, học cho lắm mà chết già. Hay là mẹ chấm cho con một cô ở làng nhé. Con gái quê vừa xinh lại vừa ngoan, con ạ".
Anh vụt bồn chồn: - Hoa dạo này thế nào hả mẹ?
- Con Hoa nhà bác Hai ư? Con đi lâu không biết, nó lấy chồng đã hơn một năm rồi. Không hiểu sao nó từ chối khéo bao nhiêu là đám tốt. Bác Hai cũng đành chịu. Chồng nó bây giờ là thằng
Tiếng mẹ lùng bùng bên tai anh. Mọi sự có lẽ diễn ra đúng như cần phải thế. Không ít hơn một lần anh từng nghĩ đến điều này. Nhưng tại sao anh lại có cảm giác rã rời như cả vũ trị tan vỡ ùa vào trong thân thể?
Đã quá muộn cho mọi sự bắt đầu. Anh mãi mãi chỉ là một cậu bé con mơ mộng. Giá mà anh đừng ngốc ngếch như thế, ngày xưa… Còn Hoa, trong ngần ấy năm, cô âm thầm chờ anh, dẫu không một lời ước hẹn chăng?
Anh đã lang thang qua các ngõ nhà. Bờ rào năm xưa, kỳ lạ vẫn còn dậu hoa tím, những cánh hoa mong manh cuối mùa đã xơ xác tàn tạ đi nhiều, Ngày tháng đã cẫn mẫn đi qua và thời gian in dấu lên những sợi dây leo cằn cỗi đầy mệt mỏi. Bỗng chốc anh thấy mình già đi trong màu hoa úa.
Như một sự tình cờ, anh gặp Hoa, tay xách làn, tay ẵm thằng bé bụ bẫm, xinh xắn. Cô thảng thốt một chút "Anh đã về"… Đôi mắt mở to từng ám ảnh anh, giờ đã thẫm lại, không còn trong trẻo hồn nhiên như trước đây mà đã ánh lên những gợn buồn mỏi mệt. Anh đọc trong đáy mắt ấy là sự hoang vắng mênh mông như đã tích tụ từ bao giờ những chìm nổi lênh đênh của đời người muôn kiếp… Tại sao vẫn là màu mắt nâu? Và tại sao hoa bìm bìm tím vẫn lởn vởn trong trí? Tim anh muốn vỡ ra, nhức nhối vì những kỷ niệm.
- "Anh vẫn chưa lập gia đình ư?"
- "Chưa, anh vẫn vậy… Em sống như thế nào, có hạnh phúc không?".
- "Anh thấy đấy, em đang sống một cuộc đời bình thường, có cả hạnh phúc và có cả cay đắng, nhưng đó là chỗ của em…"
- "Anh thật ngu ngốc…"
- "Không, em chỉ là một cô gái quê mùa… Đừng dằn vặt mình vì những kỷ niệm nữa anh…". Và cuối cùng cô là người phá vỡ cuộc đối thoại im lặng giữa hai người:
- Con "ạ" bác nào cưng… Anh xem nó giống em phải không?
Anh hôn đôi má bụ bẫm của thằng nhỏ, nói với vô mà như nói với lòng mình: - Đúng vậy, nhưng không phải mắt nâu…
Hoa tròn mắt nhìn anh đượm buồn…
***
"Đừng dằn vặt vì những kỷ niệm…" Có thể được không? Anh đã đi nhiều, gặp nhiều, quen biết đủ loại người, tại sao vẫn không quên được một màu mắt nâu? Anh đã gặp Thuỷ, mắt đen sâu thẳm, bao dung và nhân hậu. Thuỷ có thể là bóng mát bình yên giữa sa mạc trắng nóng rẫy của đời anh. Vậy mà anh vẫn không có được cảm giác thư thái, sảng khoái của người lữ hành ngồi nghỉ mệt sau một chuyến đi nhọc nhằn. Giá mà họ có một đứa con để lấp đi khoảng trống vô hình ấy… Anh biết cũng như anh Thuỷ khao khát một đứa con xiết bao, nhưng không thể… Bệnh tim của cô… Nhớ lại khuôn mặt Thuỷ buồn buồn, lặng lẽ, đầy kiên nhẫn, anh biết, Thuỷ đã hiểu anh biết nhường nào.
***
Xe đỗ. Anh bước xuống như người mộng du, lòng rối rắm những ý nghĩ trái ngược. Giờ này con Thảo đi học chưa về. Ba mẹ anh chắc cũng đang ở ngoài đồng. Đắn đo một thoáng anh quyết định rẽ vào nhà Bác Hai.
Căn nhà trông vừa quen vừa lạ. Không còn hoa bìm bìm tím nữa. Thay vào đó là rau ngót ken dày thành hàng rào xanh biếc. Con mực già không nhận ra anh cất tiếng sủa uể oải…
- Kìa, anh Hoàng đấy ư? Sáng nay con chim khách trên cây ổi nhà tôi nó kêu mãi. Trông anh lạ quá.
Bác Hai lăng xăng pha trà và hỏi han tíu tít. Giữa câu chuyện về đồng áng, thời vụ, về bà con lối xóm… Anh được biết Hoa đã xin làm kế toán ở hợp tác xã.
Tự nhiên anh thấy lòng nhẹ hẫng. Anh biết, cô đã yên ổn với cuộc sống của mình. Ai rồi cũng có một cuộc đời ngọt ngào lẫn cay đắng… Hình như cô đã từng nói với anh về điều này.
- Anh ghé thăm vợ chồng nó một chút chứ?
- Không bác ạ, để dịp khác vậy. Cháu còn ghé về nhà. "Đừng khuấy động những gì đã yên tĩnh"… Đã đến lúc anh phải quay về với thực tại. Không thể mãi là chú cún cứ quay tròn cắn chót đuôi của chính mình.
Chiều. Anh lững thững vẫy xe về thành phố trong một tâm trạng không rõ vui hay buồn, chỉ là một cảm giác trống trải. Hương đồng gió nội đang lùi dần cùng với một vùng kỷ niệm vừa thân thuộc, gần gũi, vừa chập chờn, xa lắc…
- Này con, nghịch vừa thôi, khéo làm giập hoa của mẹ. Tiếng nhắc con của người phụ nữ ngồi ghế bên dứt anh ra khỏi trạng thái trầm mặc với những ý nghĩ miên man. Những bông hoa cúc nép vào nhau như ngủ trong lòng chị. Trí óc lơ mơ của anh thốt nhiên sực tỉnh. Hình như ngày xưa Thuỷ rất yêu hoa. Những lần đến nhà cô anh thường thấy những bông hoa cúc trắng mát dịu cả một góc phòng. Ngày đó Thuỷ vẫn gọi chúng bằng một cái tên rất dễ thương: Hoa Marguerite…
Anh đã ngu dại một lần nữa chăng? Cuộc đời anh cần Thuỷ biết bao nhiêu, sao bây giờ anh mới hiểu ra điều này.
Một ý nghĩ loé lên trong óc anh. Đúng, anh sẽ mua một bó hoa cúc trắng cắm vào chiếc bình sứ nhỏ vẫn bỏ không ở góc bàn cạnh cửa sổ. Nơi đó Thuỷ thường trầm ngâm soạn bài. Giữa cuộc đời thường nhật đầy lo toan, hoa trở thành thú chơi hầu như hơi phù phiếm đối với con người ngược xuôi tất tả. Nhưng giờ đây, với sắc trắng dịu dàng đầy biết ơn kia, anh tin, cũng như trước đây, Thuỷ sẽ hiểu tất cả.
T.T.H